Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/12/2020

Ai lãnh đạo cơ chế "Đảng lãnh đạo" ?

Nhiều tác giả

Cần làm gì để kiểm soát quyền lực nhà nước ?

Loan Thảo, VNTB, 05/12/2020

Lo ngại này nếu xét trong bối cảnh chung về đời sống chính trị trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là đối với Mỹ, thì có lẽ cần có sự điều chỉnh đối với chính khách Việt Nam – cụ thể hơn là với Bộ Chính trị.

ai3

Việt Nam không lựa chọn mô hình "tam quyền phân lập" vì ngại rằng sẽ nguy cơ đưa đến yêu cầu về đa nguyên.

Tầm nhìn chính sách đối ngoại của Mỹ, vốn bắt nguồn từ tính đa nguyên dân chủ ở trong nước, cũng luôn ủng hộ tính đa nguyên tương ứng ở nước ngoài – trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới.

Cho dù là trong nước hay ở nước ngoài, nhiệm kỳ nào của các đời Tổng thống Mỹ đều ủng hộ các hệ thống đa nguyên quản trị dựa trên tự do, thượng tôn pháp luật, và việc tôn trọng quyền của các nước láng giềng. Và chính bởi cái nhìn như vậy của chính phủ Mỹ về tính đa nguyên trong nước, bắt nguồn từ quyền chủ quyền của mỗi cá nhân, cho nên cái nhìn của chính khách Mỹ đối với tính đa nguyên ở nước ngoài cũng bắt nguồn từ quyền chủ quyền của mỗi quốc gia.

Một Châu Á đa nguyên là nơi mà các quốc gia đa dạng trong khu vực đều có thể tiếp tục phát triển như họ mong muốn. Các quốc gia được bảo đảm về quyền tự chủ của mình.

Các quốc gia được tự do là chính mình, như lời cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói, "Không có cường quốc bá quyền nào có thể thống trị hay ép buộc họ".

Trong một Châu Á đa nguyên, các quốc gia được quyền sử dụng rộng rãi các tài nguyên chung của thế giới. Các vùng nước và vùng trời quốc tế thuộc về tất cả mọi người. Không một quốc gia nào có thể biến chúng thành sở hữu riêng hay thành vùng cấm địa.

Tính đa nguyên là cốt lõi trong tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, như Tổng thống Trump đã phát biểu tại Đà Nẵng hồi mấy năm trước, đại khái là : "Các quốc gia trong khu vực nên là một chòm sao đa dạng, mỗi ngôi sao đều tỏa sáng, và không có ngôi sao nào phải làm vệ tinh cho một ngôi sao khác".

Dĩ nhiên điều quan trọng ở đây là cần nhìn nhận rằng các quốc gia trong khu vực đều trân trọng tầm nhìn này của nhau.

Theo ghi chép của sử gia John Pomfret, khi ông Đặng Tiểu Bình bay tới Hoa Kỳ trong chuyến thăm lịch sử lần đầu tiên sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1979, Ngoại trưởng Trung Quốc đã hỏi tại sao ông ấy lại chọn Hoa Kỳ để đi thăm đầu tiên với tư cách là nhà lãnh đạo ?. Ông Đặng đã nói, bởi vì các đồng minh của Mỹ đều giàu có và hùng mạnh, và nếu Trung Quốc muốn giàu có và hùng mạnh, nước này cần đến Mỹ.

Câu chuyện kể trên cũng là một bài học về trải nghiệm của chính Trung Quốc đối với tính đa nguyên. Trung Quốc đã từng đi theo một quỹ đạo tốt hơn trong giai đoạn cải cách và mở cửa của mình, khi nước này hướng đến tính đa nguyên lớn hơn trong chính trị và chính sách.

Việt Nam có lẽ đủ khôn ngoan cho lựa chọn thích hợp.

Hiến pháp năm 2013, việc kiểm soát quyền lực nhà nước chẳng những được quy định thành nguyên tắc ở Điều 2 mà ở khoản 2, Điều 119 còn quy định : "Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể Nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp là do luật định".

Theo đó, kiểm soát quyền lực nhà nước gồm 3 cơ chế quyền lực nhà nước lập pháp – hành pháp – tư pháp. Tuy nhiên cả ba cơ chế này cho đến nay chưa được hoàn thiện, nhất là bên trong mỗi quyền chưa có sự kiểm soát quyền lực nhà nước một cách hiệu quả. Vì thế, vẫn rất cần tham khảo một cách tỉnh táo liên quan đến cách hiểu về "đa nguyên", về "tam quyền phân lập", để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước.

Đây còn là đòi hỏi cấp thiết nhằm phòng, chống sự tha hóa quyền lực nhà nước, mà trước hết là đấu tranh phòng, chống tham nhũng một cách hiệu quả.

Loan Thảo

Nguyễn VNTB, 05/12/2020

********************

Lạm bàn chuyện "Đảng lãnh đạo”

Lynn Huỳnh, VNTB, 04/12/2020

Ở Việt Nam, khái niệm "Đảng lãnh đạo” thường được sử dụng như một động từ, tức là nói đến sự lãnh đạo của Đảng đối với nhân dân, Nhà nước và xã hội. Từ đó đã hình thành nên các khái niệm "Đảng lãnh đạo Nhà nước”, "Đảng lãnh đạo xã hội”…, mà các khái niệm này không được các nước sử dụng.

ai1

Việc lạm bàn này không nhằm đả kích Đảng, mà chỉ xoay quanh vấn đề của… ngữ pháp tiếng Việt.

Cũng vì cách hiểu ‘như một động từ’, nên trong lúc bực dọc chi đó, người dân dễ không dằn lòng cho rủa xả Đảng về chuyện gì đó, ví dụ như Đảng ủy Vietnam Airline lãnh đạo yếu kém khiến nhân viên của họ làm dịch bệnh Covid tái bùng phát lây nhiễm cộng đồng, đe dọa xảy ra làn sóng thứ ba dịch Covid trong bối cảnh năm hết, Tết đến…

Ở nhiều nước, khái niệm "đảng lãnh đạo” thường chỉ được sử dụng như một danh từ, tức nó được hiểu là "đảng tiên phong”, hay "đảng dẫn đầu” so với các đảng chính trị, tổ chức xã hội khác.

Muốn trở thành "đảng tiên phong”, "đảng lãnh đạo”, thì tiên quyết là các đảng chính trị đều phải làm sao xác định được cương lĩnh, mục tiêu, đường lối thực hiện đúng đắn, có uy tín hay tín nhiệm cao trong xã hội.

Có ý kiến dạng tuyên giáo đã lập luận thế này : khái niệm "đảng lãnh đạo” với cách nói khác là, đảng đó có "hệ tư tưởng tiên phong”. Để một đảng chính trị để trở thành đảng cầm quyền cần phải trải qua một quá trình đầy thử thách trong việc xây dựng tính tiên phong của đảng : tiên phong trong lý tưởng và hệ giá trị, tiên phong trong hệ thống lý luận, và vì vậy, tiên phong trong hệ tư tưởng chỉ đạo, có uy tín và có sức thuyết phục đối với toàn xã hội.

Do đó, muốn giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, từ lập luận kiểu tuyên giáo ở trên, cho thấy những chính khách Việt Nam cần phải nhấn mạnh nhiều hơn đến việc "nâng cao sức hấp dẫn của Đảng”, chứ không chỉ nói nhiều đến "nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” như hiện nay.

Nói một cách khác, muốn giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, không cách nào tốt hơn là phải nâng cao uy tín của Đảng trong xã hội, tức là Đảng phải "có sức hấp dẫn lớn” như huấn dụ của lãnh tụ Hồ Chí Minh : "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (*).

"Ngày hôm qua là vĩ đại, không nhất định ngày mai vẫn được mọi người yêu mến” – đó là một sự thật. Để ‘vẫn được mọi người yêu mến’ thì không thể là chuyện cứ dùng nhà tù để đe dọa những tiếng nói phản biện của ‘lời thật – phật lòng’.

Thực tế, hệ thống chính trị của bất cứ quốc gia nào hiện nay cũng đều có các bộ phận cấu thành cơ bản, đó là đảng chính trị, nhà nước, các tổ chức xã hội. Mỗi thành tố này đều có quyền lực chính trị nhất định : quyền lực chính trị của đảng ; quyền lực của nhà nước ; quyền lực của tổ chức xã hội.

Tuy nhiên, quyền lực của đảng chính trị lại được thể hiện ở hai loại : quyền lực của đảng cầm quyền và quyền lực của đảng không cầm quyền (đảng đối lập). Quyền lực của đảng không cầm quyền thể hiện tập trung ở quyền tranh cử với nhiều hình thức khác nhau, được luật pháp thừa nhận để có thể giành cơ hội giữ vai trò cầm quyền.

Còn đảng cầm quyền thì ngoài quyền tranh cử, nó còn có quyền lực chi phối, định hướng đối với nhà nước để thực hiện cương lĩnh, mục tiêu của đảng đó.

Như vậy trong quản trị quốc gia, dù có là độc đảng toàn trị đi nữa, thì vẫn buộc luôn ý thức nâng cao năng lực cầm quyền của mình, thông qua các cán bộ đảng viên thực hiện một cách hiệu quả sự lãnh đạo và quản lý trong bộ máy nhà nước.

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 04/12/2020

Chú thích :

(*) Hồ Chí Minh : Toàn tập, tập 12, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 557-558.

********************

Việt Nam đang có hai nhà nước trong một đất nước ?

Cửu Long, VNTB, 02/12/2020

Cách nói, "mọi chuyện đã có Đảng và Nhà nước lo” là một dẫn chứng cho đánh giá về việc có hai chủ thể cầm quyền, tạo ra tình trạng là dường như ở Việt Nam đã "có hai nhà nước trong một đất nước”,do vậy mà làm thiếu tính thống nhất và minh bạch trong quá trình hoạch định và thực thi các chính sách quốc gia.

ai2

Do có hai chủ thể là Đảng và Nhà nước cùng thực hiện vai trò cầm quyền, nên trong nhiều năm qua đã diễn ra sự chồng chéo về chức năng giữa Đảng và Nhà nước.

Hệ lụy là chất lượng của các quyết định, chính sách khó đạt hiệu quả cao. Bởi thực tế ở Việt Nam hiện nay, theo tuyên truyền thì Đảng có trách nhiệm xây dựng, ban hành các quyết định, chính sách phát triển trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội thông qua các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, cấp ủy Đảng các cấp.

Và đến lượt mình, Nhà nước, bao gồm Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính các cấp cũng xây dựng, ban hành các quyết định, chính sách giống như của Đảng thông qua các nghị quyết, quyết định của cơ quan quyền lực nhà nước các cấp.

Những điều như nói trên làm cho việc thảo luận, ban hành các chính sách bị phân tán, không có sự gắn kết ; vừa lãng phí về thời gian họp bàn, hay chờ đợi xin ý kiến, chỉ đạo, chỉ thị, vừa chậm ra được các quyết sách quốc gia.

Thực tế cho thấy, uỷ viên cấp ủy các cấp của Đảng hầu hết đã giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy công quyền, nhưng họ đều phải một lần nữa thảo luận và xây dựng các chính sách quốc gia mà trước đó đã được bàn thảo, ra nghị quyết trong tổ chức của Đảng.

Với lề lối quản trị quốc gia lòng vòng đó, dẫn tới hệ lụy của việc bao biện – và nói theo ngôn ngữ tuyên giáo, là làm thay hay buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.

Hơn nữa, nó còn dẫn đến tình trạng trách nhiệm trong cầm quyền không rõ ràng là của Đảng hay Nhà nước. Thực tế đã chỉ ra, có không ít các trường hợp đùn đẩy trách nhiệm giữa Đảng và Nhà nước, giữa cấp ủy và chính quyền ; khó quy được đâu là trách nhiệm của tổ chức đảng, người đứng đầu của Đảng với trách nhiệm của tổ chức nhà nước, người đứng đầu cơ quan, tổ chức của Nhà nước trong thực thi quyền lực.

Ngoài ra, với cách thức cầm quyền này, dường như đã phân định ra chức năng của Đảng chỉ là "lãnh đạo”, chức năng của Nhà nước chỉ là "quản lý”, từ đó đã có sự phân biệt "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý”, mà điều này ở các nước trên thế giới không đặt ra.

Ai cũng đồng ý là đời sống chung của người dân Việt Nam vẫn còn nghèo khó. Thế nhưng cấu trúc thực thi quyền lực trong hệ thống chính trị lại tiếp tục chấp nhận việc trùng lắp. Thực tế này đã làm phát sinh tình trạng nhiều cơ quan, tổ chức có cùng chức năng, do đó cũng làm cho người hưởng chế độ từ ngân sách nhà nước trong hệ thống chính trị ngày càng tăng lên.

Tuy nhiên việc "nhất thể hóa” kiểu "Tổng bí thư – Chủ tịch nước” ở hiện tại lại chưa thấy mang đến kết quả gì tốt đẹp hơn so với trước đó. Có thể nhận ra khá rõ là đề bài của yêu cầu "nhất thể hóa thẩm quyền, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định và thực thi các chính sách về các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”, cho đến nay mới chỉ dừng ở mỗi vị trí "Tổng bí thư – Chủ tịch nước”, và lại chưa nói lên được điều gì trong đổi mới cách thức cầm quyền của Đảng hiện nay.

Do vậy, có lẽ trong nhiệm kỳ mới của lần Đại hội Đảng thứ 13, cần ‘đoạn tuyệt’ việc tổ chức những Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các cấp ủy và thường vụ cấp ủy các cấp bàn riêng việc xây dựng và ban hành các nghị quyết về phát triển các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội của đất nước.

Để nhất thể hóa thẩm quyền, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, nên chăng các việc đề xuất sáng kiến chính sách, đến việc tranh luận, phê chuẩn, ban hành các chính sách về phát triển các lĩnh vực kinh tế – xã hội của đất nước, cần được tiến hành ngay trong Quốc hội, Chính phủ tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Điều này có nghĩa, các đảng viên và không đảng viên trong Quốc hội, Chính phủ chỉ cần một lần tham gia vào việc thảo luận, ban hành các chính sách quốc gia.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, cấp ủy các cấp chỉ nên tập trung bàn đến các vấn đề về xây dựng Đảng, như : chỉ đạo làm tốt công tác tư tưởng, lý luận ; vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân thực hiện các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ; quản lý và giáo dục, xây dựng đội ngũ đảng viên của Đảng vững mạnh,…

Cửu Long

Nguồn : VNTB, 02/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Loan Thảo, Lynn Huỳnh, Cửu Long
Read 700 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)