Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/12/2020

Giải pháp tháo gỡ "bế tắc" thể chế cho chính sách tự chủ đại học

Phạm Quý Thọ

Chính sách tự chủ đại học là vấn đề nóng hiện nay trong đổi mới giáo dục nói riêng và cải cách thể chế nói chung ở Việt Nam. Trong quá trình chuyển đổi cơ chế theo hướng thị trường, việc hoạch định đường lối, chính sách qua nghị quyết của Đảng là vấn đề khó khăn. Hơn thế, việc thể chế hóa chúng bằng các quy định cụ thể của pháp luật để cho các trường đại học vận hành trong thực tế cũng luôn gặp "vướng mắc". Trong giai đoạn cải cách hiện nay "kiến tạo" môi trường phát triển bình đẳng cho các loại hình trường đại học là cần thiết và phù hợp, trong đó tập trung xây dựng các "hợp đồng trách nhiệm" ràng buộc cam kết và hài hòa lợi ích giữa các chủ thể quản lý nhà nước và quản trị trường đại học. Bài viết này nhấn mạnh ý kiến về một giải pháp tháo gỡ "bế tắc" thể chế cho chính sách tự chủ đại học

betac1

Sinh viên trường Đại học Sư phạm Quốc gia Hà Nội tại lớp học hôm 2/3/2020 - Reuters

"Sự cố đình đám"

Để chứng tỏ "mọi việc" đều được kiểm soát bởi chính quyền, những "vụ việc" như kiểu kỷ luật một vị lãnh đạo của doanh nghiệp nhà nước hay đơn vị sự nghiệp công lập thường được ưu tiên "xử lý nội bộ" hơn là giải quyết công khai minh bạch. Cùng lắm thì báo chí cũng chỉ đưa tin với tiêu đề không thể gây sự chú ý để "câu khách".

Tuy nhiên, mới đây một vụ kỷ luật lại trở thành sự cố "đình đám". Tại cuộc họp báo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tổ chức chiều 23/10, vị Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động đã cung cấp thông tin tới báo chí về việc xử lý kỷ luật Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng bằng hình thức "cách chức". Lý do được đưa ra là vi phạm quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước và, trước đó đã bị tổ chức đảng xử lý kỷ luật theo Thông báo Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. 

Một loạt báo giấy, báo mạng dòng chính đưa tin và bình luận xoay quanh "sự cố" này rằng, liệu sự "vi phạm" của vị "viên chức quản lý" này là gì ? Thu nhập hơn 500 triệu đồng/tháng có đúng với quy chế hiện hành ? Liệu quyết định cách chức như vậy có đúng thẩm quyền và quy định pháp luật theo tính chất và mức độ vi phạm ? v.v…

Hơn thế, sự cố trên đã trở thành vấn đề "nóng" trên nghị trường trong Kỳ họp thứ 10 Quốc Hội khóa 14. Chiều 9/11/2020 một số đại biểu quốc hội đã chất vấn vị Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, lãnh đạo cơ quan chủ quản trực tiếp xử lý vụ việc này. Thậm chí, ông Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực này cũng tham gia trả lời "làm rõ thêm" ở cuối phiên chất vấn. Ngoài ra, ông khẳng định : "Chính phủ lập 1 đoàn công tác có Bộ Tư pháp vào xem xét, phân tích, báo cáo. Chắc chắn, sau báo cáo này chúng tôi họp lại, có cả Bộ Tư pháp và sau đó sẽ công khai, minh bạch cho toàn dân biết nhưng tinh thần Chính phủ sẽ rất công minh, ủng hộ tự chủ, tạo điều kiện ủng hộ cho trường phát triển". Chúng ta hãy chờ xem.

"Khâu yếu nhất"

"Sự cố" trên rõ ràng là nghiêm trọng vì sau sự cố là cả một đường lối của Đảng và Nhà nước về cải cách thể chế quản lý các trường đại học trong điều kiện chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường định hướng XHCN, trong đó có chính sách "tự chủ đại học". Tuy nhiên, việc thể chế hóa là khâu yếu nhất khiến cho việc thực thi luôn gặp "vướng mắc".

Đối với các nhà quản lý giáo dục- đào tạo, Hội nghị Nha Trang năm 1987 là dấu ấn. Hội nghị này nêu bốn tiền đề về cải cách đào tạo đại học, trong đó nhận định mô hình đào tạo đại học kiểu Liên Xô cũ đã không thích hợp với đường lối đổi mới nền kinh tế sang thị trường và nêu sự cần thiết phải tìm kiếm mô hình thích hợp. Thập niên đầu tiên của quá trình đổi mới giáo dục đại học (1987-1997) được cho là giai đoạn khởi đầu cơ bản và phức tạp nhất, vì đó là giai đoạn phải thay đổi nhiều khái niệm, triết lý và thể chế, chuyển từ hệ thống cũ sang hệ thống mới. Khái niệm quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của trường đại học đã được đưa vào Luật Giáo dục đầu tiên năm 1998 và thực thể Hội đồng trường được đưa vào Điều lệ trường đại học đầu tiên năm 2003. Sau đó, trong các Luật Giáo dục và Luật giáo dục đại học cơ chế tự chủ đại học được làm rõ thêm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia quản lý đào tạo, việc cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa các luật có liên quan đã không tạo ra khung pháp lý để thực thi có hiệu quả, cấp áp dụng chính sách như các bộ, ngành và địa phương thường bị níu kéo bởi nhận thức và các quy định cũ, thậm chí ban hành các văn bản không đúng tinh thần của các văn bản của trung ương. Liên quan đến chính sách tự chủ đại học, từ năm 2005 đến nay có nhiều nghị quyết của Chính phủ, như Nghị quyết 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 đã quy định "Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập", đến Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 Khóa 12 vẫn nhấn mạnh : "Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học", nhưng đã không được thực hiện. Đối với "sự cố" nêu trên tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, có ý kiến cho rằng Tổng Liên đoàn lao động đã ban hành Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ với nhiều quy định trái với các văn bản của trung ương nêu trên.

"Môi trường bình đẳng"

Không phải lúc nào các nhà lãnh đạo cũng "cầu thị và lắng nghe", vì vậy các chuyên gia đã tận dụng nêu các ý kiến "thẳng thắn và tâm huyết". Mới đây, trong Hội thảo "Tự chủ đại học - Từ chính sách đến thực tiễn" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) tổ chức ngày 27/11/2020, các vấn đề về : quyền tự chủ học thuật, trong hoạt động chuyên môn ; tự chủ trong tổ chức và nhân sự ; tự chủ trong tài chính và tài sản và cơ chế trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐại học được thảo luận. Nhiều tham luận "nóng" chỉ ra các rào cản đối với chính sách tự chủ đại học, như "Lợi ích của "nhóm đang giữ quyền" trở thành thế lực cản trở mạnh mẽ hoạt động tự chủ" và "Nhiều hiệu trưởng vẫn muốn mình là to nhất"…

Chính phủ khẳng định trong Hội thảo Tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập ngày 20/10/2017, rằng : "Tự chủ đại học gần như là đường một chiều,… chúng ta phải đi. Không có tự chủ đại học sẽ không có những trường đại học mạnh, không có đại học mạnh thì không có lực lượng nhân lực tốt, đất nước sẽ không phát triển được". Tuy nhiên, giải pháp nào cho thực hiện chính sách vẫn là "món nợ" phải trả.

Thực tế vận hành của các cơ sở đào tạo đại học trong những năm qua cho thấy yếu tố thị trường tác động ngày càng mạnh, thị trường đào tạo dần hình thành và phát triển và ngày càng gắn liền hơn với thị trường việc làm. Tuy nhiên, sự phân biệt đối xử giữa các loại hình đại học công tư còn nặng nề, không chỉ là "bất công" về tài chính, mà còn kỳ thị về pháp lý. Đơn cử, kỳ vọng có "khoảng 40% tổng số sinh viên thuộc các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập" vào năm 2010 trong Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 về đổi mới giáo dục đại học đã không được thực hiện. Đến 2020 chỉ tiêu này cũng chỉ khoảng 14%. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là là quy định về "tài sản chung không chia" của các trường đại học ngoài công lập vẫn được thể hiện trong Luật giáo dục đại học năm 2018 !

Theo tôi, tạo môi trường phát triển bình đẳng cho các loại hình trường đại học là cần thiết, trong đó tập trung xây dựng các "hợp đồng" ràng buộc cam kết giữa các chủ thể quản lý nhà nước và quản trị trường đại học. Chính sách kinh tế thực tế của Chính phủ kiến tạo có thể là bài học quản lý áp dụng "có điều kiện" cho chính sách tự chủ đại học. Đặt niềm tin vào cơ sở đào tạo, đề cao tự do học thuật, loại bỏ lợi ích nhóm và các rào cản đối với quyền tự chủ về nhân lực và tài chính… là những nguyên tắc chủ yếu tạo môi trường cho các trường đại học vận hành.

Giải pháp chính sách cụ thể là nghiên cứu ứng dụng "Lý thuyết về hợp đồng", công trình của hai nhà khoa học Oliver Hart và Bengt Holmström, đồng chủ nhân giải Nobel kinh tế năm 2016. Lý thuyết này đặt "nền tảng trí tuệ" cho chính sách về những lĩnh vực như pháp luật và nó "có giá trị giúp hiểu các hợp đồng và thể chế" trong đời sống kinh tế hiện đại, - theo Ủy ban Nobel.

Như đã trình bày ở trên trong bài viết, mối quan hệ giữa chủ thể quản lý nhà nước và quản trị đại học thường kéo theo mâu thuẫn lợi ích và các hợp đồng cần được thiết kế phù hợp để đảm bảo mỗi bên sẽ đưa ra các quyết định mà các bên đều có lợi. Hy vọng với giải pháp này "sự bế tắc" về thể chế đối với chính sách tự chủ đại học sẽ được khơi thông.

Phạm Quý Thọ (Hà Nội)

Nguồn : RFA, 03/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 459 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)