Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/12/2020

Để Đảng hấp dẫn hơn…

Nguyễn Huyền

Ở Việt Nam, mặc dù lâu nay chúng ta tuy không thừa nhận, và không tổ chức Nhà nước theo nguyên lý tam quyền phân lập, mà đặc trưng là các quyền đối trọng và kiểm soát lẫn nhau, nhưng có thể nói, pháp luật và thực tiễn của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay ; đặc biệt là Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trước đây, đã tiếp thu nhiều yếu tố hợp lý của thuyết tam quyền. Đây chính là một trong những yếu tố mà giờ đây khi nhắc kể, không ít ý kiến khen ngợi. Đó chính là một ‘sức hấp dẫn’ của Đảng, hồi ‘thuở ban đầu’ ấy.

dang0

Muốn giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, có lẽ cần phải nhấn mạnh nhiều hơn đến việc "nâng cao sức hấp dẫn của Đảng", chứ không chỉ nói nhiều đến "nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng" như hiện nay. Ảnh minh họa Nguyễn Xuân Phúc tang quà cho nạn nhân lũ lụt miền Trung để chụp hình

Thuyết tam quyền không hề "phản động" như ý kiến ở nhiều bài báo của tuyên giáo. Đó chỉ là cách gọi tên các quyền (và các cơ quan) lập pháp, hành pháp, tư pháp. Thuyết này coi trọng tính độc lập của hoạt động tư pháp, xác định Tòa án là mắt xích trọng tâm của hệ thống tư pháp, cùng với cách phân biệt ngày càng rành mạch giữa các quyền này, và phương hướng tăng cường kiểm soát quyền lực nói chung và kiểm soát giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp nói riêng.

Là một trong ba trụ cột của quyền lực nhà nước, phân biệt theo chức năng, quyền tư pháp không đồng dạng với hai loại quyền còn lại, và luôn giữ một vị thế độc lập, một nhánh quyền lực quan trọng trong các thể chế nhà nước hiện đại, đặc biệt là trong nhà nước pháp quyền.

Quyền tư pháp được nhìn nhận từ nhiều giác độ, song tựu trung, quyền tư pháp là quyền xét xử, là việc nhân danh nhà nước giải quyết tranh chấp, giải quyết xung đột xã hội bằng việc xét xử, thông qua thủ tục xét xử do luật định.

Quyền tư pháp từ đó phân biệt với quyền lập pháp (định hình chính sách và tạo lập cơ sở pháp lý), và quyền hành pháp (quản lý nhà nước, thực thi pháp luật, bảo vệ pháp luật) không chỉ ở nội dung mà còn là ở hình thức thực hiện và cơ quan thực hiện.

Quyền tư pháp được thừa nhận là một loại quyền lực nhà nước với đặc trưng của quyền là độc lập. Không phụ thuộc vào bất cứ tác động nào từ bên trong và bên ngoài trong quá trình thực thi quyền lực, chủ thể quyền tư pháp hay là chủ thể quyền xét xử phải được đặt ở vị trí độc lập.

Chủ thể quyền tư pháp đang được nói đến ở đây, không ai khác chính là Tòa án. "Quyền tư pháp bao gồm xét xử hành vi vi phạm pháp luật để bảo đảm quyền tự do và quyền con người, và do đó phải được trao cho một thiết chế riêng rẽ – đó là Tòa án" – Montesquieu đã định nghĩa như vậy.

Đương nhiên, chỉ trong chính thể phân quyền hoặc tập quyền, nhưng có phân công rành mạch giữa ba nhánh quyền lực thì độc lập tư pháp mới biểu hiện rõ ràng.

Đảng sẽ hấp dẫn hơn trong mắt của những nhà phản biện vốn ưu ái thuyết phân quyền, nếu như Đảng chấp nhận cùng trao đổi, thay cho việc phủ nhận như một mệnh lệnh hành chính là "không tam quyền phân lập" vẫn hay bắt gặp ở các bài báo.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh, người đã từng giúp Đảng hấp dẫn trong mắt nhiều tầng lớp trí thức, khi ông nhấn mạnh quan niệm tư pháp là xét xử, và việc xét xử chỉ do Tòa án thực hiện.

Điển hình là Hiến pháp 1946, ở chương Tư pháp, ghi nhận việc xét xử và cơ quan xét xử. Theo Hiến pháp 1946, quyền lực tư pháp mặc nhiên được thừa nhận là quyền lực độc lập và do Tòa án thực hiện.

Tuy nhiên, về sau này trong nhận thức và thực tiễn tổ chức và hoạt động của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, có khuynh hướng mở rộng phạm vi quyền tư pháp, coi xét xử chỉ là mắt xích, là khâu trọng tâm của hoạt động tư pháp, là một bộ phận chứ không phải là toàn bộ quyền tư pháp.

Theo đó, một số quyền tố tụng trước và sau xét xử và cả quyền bổ trợ tư pháp cũng được coi là quyền tư pháp. Hiển nhiên, cơ quan được giao thực hiện các quyền này cũng được mệnh danh là cơ quan tư pháp. Khuynh hướng này – theo người viết – là có hại không chỉ trong "phân công rành mạch", mà nguy hiểm hơn là hạ thấp vị trí, vai trò của quyền tư pháp với tư cách là một loại quyền lực đặc biệt, độc lập và chỉ do cơ quan xét xử thực hiện như đã nêu.

Dĩ nhiên Đảng sẽ thêm hấp dẫn nếu như Đảng lắng nghe, và cầu thị tu chỉnh những quyết sách này về tư pháp, trong bối cảnh quyền tư pháp mang tính chính trị với việc Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo đối với quyền tư pháp.

Nguyễn Huyền

Nguồn : VNTB, 07/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Huyền
Read 451 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)