Tập Cận Bình nhắm tới đại hội đảng năm 2022
Tập Cận Bình, chủ tịch kiêm tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, đang củng cố hơn nữa quyền lực của mình khi đặt mục tiêu vào nhiệm kỳ thứ ba tại đại hội đảng toàn quốc 5 năm vào năm 2022.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực của mình kể từ khi dập tắt thành công sự lây lan của Covid-19. Các quy định mới của đảng yêu cầu các cán bộ đảng viên phải "bảo vệ" địa vị của ông Tập. © AP
Đầu năm nay, kế hoạch kéo dài thời gian cầm quyền của ông Tập đã vấp phải những trở ngại do sự lây lan của Covid-19. Nhưng bằng cách kiểm soát sự bùng phát virus diễn ra khá nhanh chóng – trái ngược với những nỗ lực không thành công của các nước phương Tây – ông Tập đã biến những cơn gió ngược đó thành cơn gió thoảng qua.
Câu hỏi lớn đối với những người bàn luận đến Trung Quốc trên toàn thế giới là làm thế nào để đối phó với ông Tập vốn hiện có vẻ như sẽ vẫn nắm quyền trong nhiều năm tới.
Theo hồi ký của cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton, ông Tập đã nói với Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 12 năm 2018 rằng ông muốn làm việc với Trump thêm sáu năm nữa. Ông Tập dường như đang đề cập đến năm 2024, đây sẽ là năm cuối cùng của nhiệm kỳ Trump thứ hai. Nhưng các nhận xét đó cũng ám chỉ tham vọng của ông trong nhiệm kỳ 5 năm nữa với tư cách là người đứng đầu Đảng cộng sản khi nhiệm kỳ hiện tại hết hạn vào năm 2022.
Các động thái của ông Tập trong những tháng gần đây dường như xác nhận dự đoán của Bolton. Một là thông báo vào tháng 10 của đảng về các mục tiêu kinh tế dài hạn cho năm 2035, cũng như kế hoạch 5 năm mới, bắt đầu vào năm 2021. Thông báo này được đưa ra lần đầu tiên trong 25 năm về chính sách cho một khoảng thời gian dài như vậy. Kế hoạch trước đó đã được đưa ra vào năm 1995 dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Giang Trạch Dân khi đó.
Kế hoạch dài hạn gần đây nhất kêu gọi Trung Quốc xây dựng quân đội hiện đại vào năm 2027, trùng với một mốc quan trọng : kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân. Mục tiêu sẽ đạt được bằng cách thực hiện các ý tưởng của ông Tập về việc củng cố quân đội.
Năm này cũng rất đáng chú ý vì một đại hội đảng toàn quốc sẽ được tổ chức vào năm 2027. Một nguồn tin quân sự ở Bắc Kinh ẩn danh cho biết điều này chỉ ra rằng "ông Tập dự định ở lại vị trí Chủ tịch Quân ủy Trung ương cho đến ít nhất là năm 2027". Chủ tịch Quân uỷ Trung ướng chỉ huy Quân giải Phóng Trung Quốc và được cho là có quyền lực hơn người đứng đầu Đảng cộng sản.
Vào tháng 10, các truyền thông Trung Quốc đã đưa tin về các quy tắc làm việc mới cho khoảng 200 thành viên của Ủy ban Trung ương đảng. Các quy tắc phản ánh rõ ràng phạm vi của ông Tập : yêu cầu các cán bộ đảng viên phải kiên quyết bảo vệ "tư cách của Tổng Bí thư Tập Cận Bình là nòng cốt của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản và của toàn đảng".
Điểm mấu chốt là Ủy ban Trung ương đã ghi tên ông Tập vào các quy tắc, đồng thời cho phổ biến rộng. Các quy tắc sẽ tồn tại cho đến khi được sửa đổi hoặc bãi bỏ. Có thể là theo quy định mới, các cán bộ đảng viên sẽ không còn được phép chỉ trích hoặc phản đối sự lãnh đạo của ông Tập.
Nội quy làm việc của Ban chấp hành trung ương cũng quy định Tổng bí thư có thẩm quyền đề ra chương trình nghị sự của Thường vụ Bộ Chính trị. Ban thường vụ là cơ quan quyết định hàng đầu của đảng hiện có bảy thành viên kể cả Tập Cận Bình.
Chức vụ tổng bí thư đã được cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình hồi sinh như để góp phần cải cách chính trị. Mao Trạch Đông từng là "Tổng bí thư" và tự cho mình là một nhà độc tài. Sau khi Mao qua đời, chức chủ tịch bị bãi bỏ, trong khi chức vụ tổng bí thư được lập ra để ngăn chặn chế độ độc tài quay trở lại.
Kết quả là, Trung Quốc chuyển sang hệ thống lãnh đạo tập thể, theo đó tổng bí thư đồng thời là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Ủy ban Thường vụ có số thành viên lẻ để đảm bảo rằng đối với các câu hỏi gây chia rẽ, các quyết định có thể được đưa ra theo đa số phiếu. Tổng bí thư chỉ có một phiếu bầu.
Tháng 10 năm 2017, hệ thống lãnh đạo tập thể bắt đầu bị xói mòn. Vào thời điểm đó, ban lãnh đạo dưới quyền của ông Tập đã lập ra các quy định mới nhằm vào 25 thành viên Bộ Chính trị,
Các quy định mới yêu cầu các thành viên Bộ Chính trị phải báo cáo với ông Tập hàng năm về kết quả công việc của họ. Các quy tắc cũng áp dụng cho các thành viên Ủy ban Thường vụ, buộc họ phải phục tùng ông Tập.
Khi thâu tóm được nhiều quyền lực hơn ở trong nước, ông Tập đang cố gắng cải thiện mối quan hệ của Trung Quốc với Nhật Bản. Nhưng tình cảm đối với Trung Quốc đã trở nên tồi tệ ở Nhật Bản do virus corona và cuộc đàn áp Hồng Kông của Bắc Kinh. Hiện chưa rõ khi nào chuyến thăm cấp nhà nước bị trì hoãn của ông Tập tới Nhật Bản sẽ được thực hiện ; chuyến đi này bị trì hoãn một phần là do sự phản đối từ Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản.
Nhưng Tập dường như sẽ chẳng sớm đi đâu cả. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản sẽ phải làm quen với ý tưởng giáp mặt Tập lâu dài.
Tsukada Hadano
Nguyên tác : Xi sets new rules and goals to extend reign as China's leader, Nikkei Asean, 07/12/2020
Khánh An dịch
Nguồn : VNTB, 08/2/2020