Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/12/2020

RCEP : Trung Quốc cản Hoa Kỳ - FOIP : Nhật dẫn Đông Nam Á - Quad : cầu nối Ấn Việt

Minh Anh - Nguyễn Trường - Trần Hiếu Chân

RCEP : Trung Quốc "ngáng đường" Hoa Kỳ trở lại Châu Á ?

Minh Anh, RFI, 10/12/2020

Ở đâu Donald Trump bỏ trống, thì ở đó Tập Cận Bình len vào. Ngày 15/11/2020, Trung Quốc cùng 14 nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương ký kết hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP) tại Hà Nội. Theo giới quan sát, với công cụ thương mại chưa từng có này, Bắc Kinh sẽ còn gia tăng mạnh mẽ ảnh hưởng của mình tại Châu Á. Làm thế nào cản đà tiến của Trung Quốc ? Đây sẽ là một thách thức nan giải cho chính quyền Mỹ tương lai.

rcep1

Cuộc họp trực tuyến lãnh đạo và bộ trưởng Thương Mại các nước vùng Châu Á - Thái Bình Dương có tham gia ký kết RCEP ngày 14/11/2020.  AP

RCEP : Châu Á, "tâm lực hấp dẫn"

Covid-19 bị đánh bại, tăng trưởng quay trở lại, Trung Quốc khẳng định rõ là một cường quốc. Mười bốn nước Châu Á – Thái Bình Dương bao gồm 10 nước khối ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand, dưới sự chủ trì của Trung Quốc đã ký kết hiệp định tự do mậu dịch RCEP.

Đây sẽ là thỏa thuận thương mại tự do mậu dịch lớn nhất thế giới từ trước đến nay, tập trung 30% tổng sản phẩm nội địa toàn cầu. Một "nhà xưởng Châu Á" tương lai, theo như cách ví von của nhiều nhà quan sát. Bởi vì, thỏa thuận này sẽ cho phép thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phân chia khu vực các dây chuyền sản xuất.

Theo ước tính của nhiều nhà kinh tế, văn bản dự kiến giảm các mức thuế quan (đến 90%), được áp dụng cho những sản phẩm trao đổi giữa các nước tham gia ký kết, sẽ cho phép GDP của mỗi nước tăng thêm 0,2%. Và một khi văn bản có hiệu lực Trung Quốc sẽ là nước hưởng lợi nhiều hơn cả, tiếp đến là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nếu như các biện pháp bảo hộ do Bắc Kinh áp đặt có liên quan đến thị trường nội địa, đang đẩy nhiều doanh nghiệp phương Tây cũng như là Nhật Bản rời Trung Quốc, thì thỏa thuận RCEP sẽ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến lập cơ sở sản xuất tại những nước lân cận để được hưởng ưu đãi thuế quan.

Theo trang mạng The Conversation, bất chấp dịch bệnh, toàn vùng Châu Á trong năm 2020 này tạo ra hơn 50% tổng sản phẩm nội địa toàn cầu. Trong khi đó, tỷ lệ này chỉ ở mức 20% trong năm 1980. Nhật báo kinh tế Les Echos của Pháp còn đưa ra con số so sánh khá ấn tượng : Các nước tham gia ký kết văn bản chiếm một tỷ trọng đến 5.300 tỷ đô la ngành sản xuất công nghiệp, so với 4.300 tỷ đô la cho cả Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ gộp lại.

Từ toàn cảnh này, dưới một góc độ khách quan, sử gia Pierre Grosser, chuyên ngành Quan hệ Quốc tế, trường đại học Khoa học Chính trị Sciences Po trên đài phát thanh France Culture, trước hết nhận định RCEP được đúc kết, một lần nữa khẳng định xu hướng chuyển dịch "tâm lực hấp dẫn" từ Mỹ sang Châu Á, vốn đã xuất hiện từ nhiều thập niên qua.

"Nếu nhìn xa hơn khuôn khổ thỏa thuận, theo một cách nào đó, đây còn là một hình thức tái tập trung kinh tế Châu Á, gần giống như những gì chúng ta đã từng thấy trong những năm 1989 – 1990. Vào đầu thập niên 1990, người ta đã có cảm giác Hoa Kỳ không còn là đầu tầu tăng trưởng cho Châu Á nữa, mà là chính Châu Á. Giờ thì cảm giác này còn rõ nét hơn bao giờ hết, nếu như chúng ta nhìn vào dòng vốn đầu tư, trao đổi thương mại. Nước nào sẽ là những đối tác kinh tế hàng đầu của Châu Á ? Những gì chúng ta dễ dàng nhận thấy đó chính là Trung Quốc hay các nhà đầu tư Nhật Bản tại vùng Đông Nam Á. Có thể nói, đó cũng là lẽ thường tình nếu nhìn ngoài khuôn khổ thỏa thuận trên".

Châu Á-Thái Bình Dương : Mỹ khởi xướng, Trung Quốc cầm trịch

Nhìn về mối tương quan lực lượng, trọng lượng kinh tế Trung Quốc trong RCEP còn cao hơn của cả khối 10 nước Đông Nam Á gộp lại, nên tầm ảnh hưởng của Trung Quốc cũng vì thế sẽ gia tăng gấp bội. RCEP – đòn ăn miếng trả miếng của Bắc Kinh đối với TPP do chính quyền Obama đề xướng, nhưng đã bị Donald Trump phá hỏng, sẽ minh họa cho một mô hình "tự do thương mại" kiểu Trung Quốc. Đó sẽ là một cơ hội vàng để Bắc Kinh thử nghiệm và thiết lập một hệ thống chuẩn mực của mình trong môi trường lân cận.

Theo đó, đối với Đảng cộng sản Trung Quốc, duy trì mối quan hệ thương mại với Đế chế Trung Hoa đòi hỏi phía các đối tác nước ngoài, nếu không đi theo những quyết định chính trị của Bắc Kinh, chí ít cũng phải có sự trung lập, bằng không lãnh đòn trừng phạt như trường hợp của Úc hiện nay (Le Monde).

Nhờ ai mà Trung Quốc có được thế mạnh như ngày nay ? Ông Eric Le Boucher, cây bút thời luận trên báo Les Echos không kiệm lời chỉ trích Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi cuộc đàm phán thỏa thuận xuyên Thái Bình Dương (TPP), để lại một khoảng trống béo bở cho Bắc Kinh.

Sự kiện cho thấy tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực bị suy giảm mạnh. Với RCEP, Trung Quốc trở thành tâm điểm của khu vực, và có thể kết nối trực tiếp nước này với nhiều quốc gia đồng minh của phương Tây như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc hay New Zealand... Khi tham gia RCEP, những nước này hiểu rõ là tương lai đất nước của họ không còn nằm ở lục địa Đại Tây Dương nữa mà là ở chính xung quanh họ : Tỷ lệ tăng trưởng của khu vực, mà Trung Quốc đi đầu, sẽ cao từ hai đến ba lần so với mức tăng trưởng của phương Tây trong vòng 10 năm sắp tới.

Điều trớ trêu là theo các nhà quan sát, sáng kiến hội nhập kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, vốn không phải do Trung Quốc đề xướng, lại rất giống với hiệp định TPP của Mỹ bị ông Trump từ bỏ. Sử gia Pierre Grosser, tác giả tập sách "Lịch sử thế giới được viết nên ở Châu Á" (L’histoire du monde se fait en Asie) trên France Culture nhận xét tiếp :

"Điều thứ hai tôi thấy thú vị chính là cụm từ ʺChâu Á Thái Bình Dươngʺ mà ông Tp Cn Bình s dng. Đây là những thuật ngữ do Mỹ và Úc đề ra trong những năm 1989-1990 để chứng tỏ là không nằm ngoài vùng Châu Á năng động này. Hơn nữa, vào thời kỳ đó, người ta còn có một tổ chức khác có tên gọi là APEC – diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương. Diễn đàn hiện vẫn còn tồn tại và vừa có một cuộc họp cách nay không lâu. Nhưng điều mới là giờ đây khu vực năng động này đã thực sự nằm trong tay Trung Quốc, cho dù ASEAN vẫn muốn là tâm điểm của hệ thống".

Dù vậy, giới quan sát cũng nhận thấy rằng chiến thắng chính trị - địa chính trị này của Trung Quốc vẫn chưa thật hoàn hảo. Thỏa thuận này không bao trùm hết mọi lĩnh vực kinh tế, liên quan rất ít đến nông nghiệp, một ít lĩnh vực công nghiệp, nhưng không có ngành dịch vụ và nhất là không có sự tham gia của Ấn Độ, đã rút ra khỏi các cuộc đàm phán.

Chống Trung Quốc nhưng Biden bị trói tay

Phải chăng số phận đã được an bài ? Trung Quốc đã trở thành cường quốc hàng đầu ? Liệu ông Biden có thay đổi được gì chăng ? Làm sao ngăn cản đà tiến của Trung Quốc ? Một loạt các câu hỏi được đặt ra, bởi vì sau bốn năm ở Nhà Trắng, ba năm cuộc chiến thương mại của tổng thống mãn nhiệm, Trung Quốc không những không đại bại mà còn mạnh mẽ hơn bao giờ hết bất chấp dịch bệnh Covid-19. Thách thức dành cho tân chủ nhân Nhà Trắng là rất lớn.

Dù tổng thống tân cử tuyên bố rằng "Phải cứng rắn với Trung Quốc" nhưng trong bối cảnh này và nhìn vào những gì ông Donald Trump để lại, giới phân tích hầu như đều có chung một nhận xét : Phạm vi hành động của Joe Biden sẽ rất hạn hẹp. Ông khó có thể quay trở lại hay thiết lập một thỏa thuận thương mại đa phương mới theo kiểu mô hình của TPP đưa ra năm 2010 – 2011, vì có nguy cơ sẽ bị cả phe Cộng Hòa và cánh tả trong đảng Dân Chủ cùng phản đối.

Tân chính quyền Washington rất có thể sẽ đề xuất "một phiên bản thỏa thuận tự do mậu dịch có hình thức khác hẳn nhưng không hoàn toàn mang tính chống Trung Quốc sao cho đạt được một thế cân bằng sức mạnh trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong kinh tế" theo như quan điểm của bà Nadege Rolland, chuyên gia về các vấn đề chính trị và an ninh Châu Á – Thái Bình Dương, thuộc National Bureau of Asian Research trên đài France Culture.

Một quan điểm cũng được nhà nghiên cứu sử học Pierre Grosser đồng chia sẻ. Tuy nhiên, tác giả tập sách về Châu Á còn lưu ý thêm rằng không nên ảo vọng vào những tuyên bố về tái dịch chuyển sản xuất, bởi vì đây là điều không thể thực hiện.

"Tất cả những phát biểu cho rằng chúng ta phụ thuộc ít hơn vào Trung Quốc, cần phải tái di dời sản xuất… tôi cho rằng khó thể thực hiện. Đúng là có một số hoạt động đầu tư đã di chuyển sang Việt Nam thay vì là Trung Quốc. Đúng là Việt Nam được hưởng lợi nhiều từ xu hướng này. Nhưng cùng lúc, cũng có nhiều doanh nghiệp Mỹ vẫn muốn đến Trung Quốc. Thế nên, việc phân ly hai nước là điều không thể.

Hơn nữa, có thể sẽ khó đạt được một thỏa thuận đa phương lớn khác. Nhưng trong những cuộc đàm phán với Hàn Quốc và Nhật Bản, những nước mà Hoa Kỳ đã có các thỏa thuận tự do mậu dịch, thái độ của chính quyền Biden có lẽ sẽ hòa dịu hơn so với Donald Trump, vốn dĩ có cách tiếp cận theo kiểu ʺtng tinʺ. Nghĩa là, ʺtôi bo v anh, thì anh phi làm theo nhng gì tôi munʺ trên phương din thương mi.ʺ"

Ai có thể đối đầu với Trung Quốc ?

Cuối cùng, nhà sử học nhắc lại Donald Trump đã phạm một sai lầm lớn khi cho rằng để "đánh" Trung Quốc, Washington có thể áp dụng cùng một kiểu kinh nghiệm mà họ đã từng thực hiện với Nhật Bản. Chỉ có điều Donald Trump đã đánh giá thấp đối thủ Trung Quốc.

"Vấn đề thật sự đối với Hoa Kỳ chính là họ đã từng gặp vấn đề như vậy trong những năm 1980 với Nhật Bản, nghĩa là cũng bị thâm hụt mậu dịch nghiêm trọng. Họ có cảm giác là Nhật Bản hoàn toàn không chơi đúng luật. Nhưng người ta có thể gây áp lực với Nhật Bản vì đó là một đồng minh. Vấn đề lớn nhất với Trung Quốc ở chỗ những phương tiện gây áp lực thực sự không đủ mạnh để buộc Bắc Kinh phải thay đổi hành vi kinh tế, nhất là hành vi kinh tế ở trong nước. Ví dụ như về việc trợ vốn cho các doanh nghiệp Nhà nước kể từ khi những doanh nghiệp này thâm nhập hoàn toàn vào hệ thống".

Như trêu tức Donald Trump, ngày thứ Hai, 07/12/2020, Bắc Kinh loan báo thặng dư mậu dịch với Hoa Kỳ trong tháng 11 đạt mức kỷ lục 37,4 tỷ đô la bất chấp cuộc chiến thương mại. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ đang trải qua một giai đoạn đen tối vì đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc.

Và nhất là, bất chấp các sáng kiến của Mỹ tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, sự hiện diện của Bắc Kinh tại khu vực địa-kinh tế chiến lược ngày càng được củng cố, khẳng định vị thế thống trị trong khu vực. Thế nên, France Culture mới đặt câu hỏi : "Tại Châu Á-Thái Bình Dương, ai có thể đối đầu với Trung Quốc ?"

Minh Anh

Nguồn : RFI, 10/12/2020

********************

Nhật Bản cần dẫn dắt Đông Nam Á trong sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở

Nguyễn Trường, RFA, 10/12/2020

Sau khi nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản, ông Yoshihide Suga đã không giấu giếm các "cử chỉ" đối ngoại và an ninh của chính quyền ông, theo đó tiếp tục theo đuổi Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP- free and open Indo-Pacific Strategy) do chính quyền tiền nhiệm Shinzo Abe thúc đẩy.

rcep2

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (phải) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Hà Nội hôm 19/10/2020 - Reuters

Trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên ra nước ngoài, tân Thủ tướng Suga chọn điểm đến là Việt Nam và Indonesia thay vì Mỹ như cách làm của các Thủ tướng Nhật Bản trong nhiều năm qua. Dù điều này mở ra các cách hiểu khác nhau, với một trong những cách giải thích là do tình hình Covid-19 phức tạp ở Mỹ, song vẫn sẽ là hiểu lầm khi cho rằng Nhật Bản đang theo đuổi một con đường khác với Washington khi thúc đẩy FOIP ở Đông Nam Á.

Trái ngược với điều đó, động thái mới nhất của Thủ tướng Suga nên được hiểu là một hình thức làm phong phú thêm FOIP bằng cách khiến tầm nhìn này có thể áp dụng cho các nước thành viên ASEAN. Qua các chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam và Indonesia, rõ ràng tân Thủ tướng Nhật Bản đã thể hiện sự nắm bắt tuyệt vời tình hình khu vực ASEAN. Việc Việt Nam được chọn làm điểm đến đầu tiên cho chuyến thăm của ông Suga cho thấy Tokyo đánh giá cao quan điểm ngày càng mạnh mẽ của Hà Nội trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, cũng như vai trò chủ tịch của Việt Nam trong việc thúc đẩy lập trường thống nhất của ASEAN về vấn đề an ninh cụ thể này. Trong khi đó, chuyến thăm Indonesia của ông thể hiện sự công nhận ảnh hưởng lâu dài của Jakarta trong việc thúc đẩy chiến lược đối ngoại của ASEAN, đặc biệt là Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Outlook on the Indo-Pacific - AOIP).

Với những lý do này, câu hỏi đặt ra là liệu Nhật Bản có khả năng đi đầu trong việc thúc đẩy FOIP với tư cách là một cường quốc trung bình trong khu vực hay không ?

Xét trên mọi phương diện, thành công của Tokyo phụ thuộc vào sự tương thích và lợi ích của tầm nhìn FOIP đối với các nước thành viên ASEAN, thay vì việc Washington đơn phương thúc đẩy tầm nhìn và cách tiếp cận tích cực để thực hiện nó. Theo nghĩa này, Nhật Bản có thể chứng tỏ là một "nhà hòa giải" đáng tin cậy hơn Mỹ khi thúc đẩy FOIP ở Đông Nam Á.

Xét về sự tương thích, Thủ tướng Suga không ngần ngại nhấn mạnh vấn đề này trong cả 2 chuyến thăm Việt Nam và Indonesia. Trong bài phát biểu tại Đại học Việt-Nhật (Hà Nội) cũng như tiết lộ chính thức về cuộc thảo luận với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, ông Suga bày tỏ sự ủng hộ của Nhật Bản đối với AOIP dù điều này dựa trên vai trò trung tâm của ASEAN và do đó, tương đối khác với FOIP. Đầu tiên, ông Suga nhấn mạnh các nguyên tắc chung của FOIP và AOIP - tôn trọng pháp quyền, cởi mở, tự do, minh bạch và hòa nhập, đồng thời mong muốn xây dựng một tương lai hòa bình và thịnh vượng với các nước ASEAN phù hợp với các giá trị cơ bản.

Dù không chỉ đích danh Trung Quốc, song Thủ tướng Suga kêu gọi lấy luật pháp quốc tế làm cơ sở để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình thay vì sử dụng vũ lực hoặc cưỡng bức để giải quyết vấn đề an ninh. Điều này khác với lời chỉ trích thẳng thắn của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đối với Đảng cộng sản Trung Quốc trong Hội nghị Bộ trưởng nhóm "Bộ tứ" đầu tháng 10 vừa qua, trong đó ông Pompeo gọi Trung Quốc là mối đe dọa toàn cầu. Do đó, việc Nhật Bản nói về Trung Quốc mà không nêu tên nước này phù hợp với diễn ngôn lâu nay của ASEAN về vai trò trung tâm, vốn kiềm chế việc loại trừ Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, thể hiện rõ trong tuyên bố Chủ tịch hàng năm của khối. Chính cách thể hiện "nhẹ nhàng hơn" về tranh chấp Biển Đông giúp Nhật Bản xích lại gần hơn với ASEAN so với Mỹ. Việc Nhật Bản đề cao FOIP được cân nhắc dựa trên sự tương thích của tầm nhìn với vai trò trung tâm của ASEAN, thay vì đi ngược lại điều này.

Về mặt lợi ích, rõ ràng, Nhật Bản tìm đến Việt Nam và Indonesia để hợp tác kinh tế và quốc phòng đôi bên cùng có lợi. Tokyo đang xem Việt Nam như quốc gia thứ ba để đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ hai tại Việt Nam, Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác kinh tế với Hà Nội thông qua chuyến thăm của Suga, nổi bật là việc ký kết bản ghi nhớ (MOU) giữa hai nước về việc đầu tư các dự án nhà máy điện ở Việt Nam.

rcep3

Hình chụp hôm 20/10/2020 : Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải) và phu nhân Iriana chụp hình cùng Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga và vợ là bà Mariko (trái). AFP

Đối với Indonesia, Nhật Bản đang tìm cách đạt được một trong những mục tiêu của FOIP là mở rộng phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng thông qua khả năng xây dựng thêm mạng lưới vận tải đường sắt công cộng (MRT) ở Jakarta, tăng tốc độ tàu ở phía bắc Jawa, vận hành và phát triển Cổng Patimban… Không chỉ khai thác nhu cầu cơ sở hạ tầng rộng lớn của Indonesia, việc Nhật Bản tham gia các dự án cơ sở hạ tầng tiềm năng này cho thấy công nghệ và kinh nghiệm của Nhật Bản tương đối có lợi cho các nước ASEAN vì phù hợp với nguyên tắc đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng của G-20, gồm tính công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và tính bền vững. Như cựu Thủ tướng Abe đã chỉ ra, việc nhấn mạnh các chuẩn mực quốc tế (Nguyên tắc G-20) là nhằm cho thấy sự khác biệt giữa cách Nhật Bản và Trung Quốc tiếp cận phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước ASEAN và hơn thế nữa.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, xuất khẩu vũ khí vẫn là trọng tâm của Nhật Bản sau vụ bán vũ khí mới đây cho Malaysia và Philippines. Với việc chính quyền Suga không bổ nhiệm 6 học giả chỉ trích luật an ninh trong quá khứ, Nhật Bản dường như đã gỡ bỏ rào cản cuối cùng cho việc xuất khẩu vũ khí. Trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Suga và người đồng cấp Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí về một thỏa thuận cơ bản cho phép Tokyo bán thiết bị và công nghệ quốc phòng cho Hà Nội. Tương tự, trong cuộc gặp của ông Suga với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, hai bên nhất trí đẩy nhanh các cuộc đàm phán cho phép Nhật Bản xuất khẩu vũ khí cho Jakarta trong tương lai gần. Không nghi ngờ gì nữa, tất cả các thiết bị và công nghệ quốc phòng này đều nhằm thực hiện mục tiêu khác của FOIP trong việc trao quyền cho các nước ASEAN (về mặt quân sự) chống lại Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời giúp các quốc gia Đông Nam Á bảo vệ lợi ích và chủ quyền một cách hiệu quả.

Trong thời gian tới, Nhật Bản được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa tầm nhìn FOIP ở các nước thành viên ASEAN khác. Với 2 trụ cột là tính tương thích và lợi ích, FOIP của Nhật Bản đang phát triển thành một nỗ lực bổ sung cho toàn bộ chương trình nghị sự AOIP. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế và an ninh của ASEAN thông qua quan hệ hợp tác cởi mở với tất cả các cường quốc, mà còn giúp làm phong phú thêm tầm nhìn FOIP, trong đó các diễn ngôn và cách tiếp cận của Mỹ không có sức thuyết phục đối với các nước Đông Nam Á. Về vấn đề này, Nhật Bản đang cho các nước thành viên khác của "Bộ tứ" thấy rằng họ hoàn toàn có khả năng dẫn dắt FOIP trong khu vực ASEAN.

Với mối quan hệ truyền thống Việt - Nhật, cũng như mối quan tâm và vai trò của Nhật Bản đối với khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hoàn toàn có thể hỗ trợ Nhật Bản trong việc đảm trách vai trò dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong việc gắn kết khu vực này với FOIP. Sự hỗ trợ của Việt Nam đối với Nhật Bản trong vai trò này để tạo ra một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, phát triển và phồn vinh trên cơ sở hợp tác, hội nhập và liên kết chặt chẽ, chống lại các đe dọa an ninh từ Trung Quốc.

Ông bà ta thường nói "Bán anh em xa, mua láng giềng gần" xem ra đã không còn thích hợp cho tình hình hiện nay, nhất là Việt Nam đang đối phó với một anh láng giềng xấu tính. "Bám anh em xa, ôm láng giềng gần" đã và đang trở thành phương châm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Nguyễn Trường

Nguồn : RFA, 10/12/2020

*************************

Đối tác Việt – Ấn : Cầu nối đến "Bộ Tứ" ?

Trần Hiếu Chân, RFA, 06/12/2020

Vừa qua có hai tin về quan hệ "Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Ấn" (VICSP). Thứ nhất, hôm 27/11, các Bộ trưởng quốc phòng hai nước đã có trao đổi trực tuyến, thống nhất hợp tác huấn luyện phi công, lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc và hỗ trợ Hà Nội trong nhiều lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Thứ hai, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đã mời đồng nhiệm Ấn Độ tham gia cuộc họp trực tuyến với 10 bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM +), do Việt Nam chủ trì, ngày 10/12 tới.

rcep4

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Preeti Saran và Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh ký thoả thuận hợp tác ở Hà Nộ hôm 3/9/2016 - Reuters

Một trong những trụ cột chính

Tại cuộc đối thoại hôm 27/11/2020, Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh khẳng định, hợp tác về quốc phòng là một trong các trụ cột chính của quan hệ "Đối tác Chiến lược Toàn diện" (CSP) giữa New Delhi và Hà Nội, được thiết lập từ năm 2016. Ngoài huấn luyện phi công và lực lượng gìn giữ hòa bình, hai bên dự kiến gia tăng hợp tác trong hàng loạt lĩnh vực, như chế tạo tàu chiến, bao gồm cả tàu ngầm.

Trong kế hoạch New Delhi hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam, hy vọng Việt Nam có thể nhận được nhiều vũ khí tân tiến của Ấn Độ, như hệ thống phòng không Akash, trực thăng Dhruv và tên lửa BrahMos. Hà Nội đặc biệt quan tâm đến tên lửa chống hạm siêu thanh BrahMos, do Nga và Ấn hợp tác sản xuất, có tầm bắn 300km, được coi là vũ khí tự vệ hiệu quả trước các tham vọng vô lối của Trung Quốc ở Biển Đông. Hai Bộ Quốc phòng cũng đã thỏa thuận chia sẻ các dữ liệu về hải dương.

Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam còn mời đồng nhiệm Ấn Độ tham gia cuộc họp trực tuyến với 10 Bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM +), do Việt Nam chủ trì, ngày 10/12 tới. Ấn Độ vừa cam kết sẽ giúp Việt Nam mọi khả năng có thể để hiện đại hoá các lực lượng vũ trang, bao gồm nguồn cung vũ khí, đào tạo người lái lái máy bay chiến đấu và tàu ngầm, cũng như tăng cường năng lực hàng hải.

Cam kết nói trên được đưa ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch qua hình thức hội nghị trực tuyến hôm 27/11, theo tường thuật của Times of India. Nhưng phía Việt Nam khi đưa tin về cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã không nhắc gì đến cam kết vừa kể trên của Ấn Độ. Phía Ấn Độ, ngược lại đã công khai cho truyền thông biết chính phủ nước này đảm bảo giúp đỡ hiện đại hoá quân đội Việt Nam trong bối cảnh hai quốc gia cùng có những mối quan ngại chung trước sự bành trướng sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực.

Kênh truyền hình WION (Ấn Độ) ghi nhận, Bộ trưởng Singh nói với Bộ trưởng Lịch trong buổi hội đàm rằng, hợp tác quốc phòng luôn là một trong những trụ cột quan trọng nhất của quan hệ VICSP được hai nước khởi xướng từ năm 2016. Theo Times of India, sự hợp tác quốc phòng trên nền tảng của mối quan hệ "đối tác chiến lược toàn diện" (CSP) trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh cả hai quốc gia đều lo ngại về những hành xử hung hăng của Trung Quốc trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam gần đây đã thông báo cho Ấn Độ biết chi tiết về các hoạt động gây căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc.

Thông báo về cuộc họp từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ được Times of India và WION trích dẫn cho biết cả hai bộ trưởng đã thảo luận về các dự án đang triển khai khác nhau và quỹ đạo tương lai của các cam kết quốc phòng song phương và bày tỏ hài lòng rằng mặc dù trước tình hình Covid-19 nhưng việc trao đổi quốc phòng giữa cả hai Lực lượng Vũ trang vẫn duy trì được động lực tích cực.

Cả hai nước cũng đang xem xét hợp tác trong một số lĩnh vực quốc phòng khác như đóng tàu, phát triển lực lượng tàu nổi và tàu ngầm trên biển. New Delhi đã mở rộng các khoản tín dụng trị giá 600 triệu USD để hỗ trợ sản xuất quốc phòng trong nước của Việt Nam. Các hành động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông trong năm qua được cho là đã kéo Hà Nội và New Delhi tiến lại gần nhau hơn trong một mối quan hệ đối tác được xem là để làm đối trọng với Trung Quốc.

Hội tụ chiến lược trong FOIP ?

Việc Trung Quốc gần đây đưa oanh tạc cơ H-6J ra đảo Phú Lâm, một trong những khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, khiến Hà Nội tức giận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 20/8/2020, như nhiều lần trước đây, đã lên án các hoạt động quân sự hoá của Trung Quốc trên Biển Đông, tuyên bố rằng việc triển khai máy bay ném bom H-6J là "hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam" và làm "phức tạp tình hình trong khu vực".

rcep5

Tên lửa siêu thanh Brahmos của Ấn Độ trong một diễu hành ở New Delhi hôm 23/1/2006. Hình Reuters

Trong tháng 7/2020, Trung Quốc cũng đã hai lần công bố tiến hành tập trận tại khu vực Biển Đông và Bộ Ngoại giao ở Hà Nội cả hai lần đều lên tiếng phản đối khi cho rằng, hoạt động này của Trung Quốc là "vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo" Hoàng Sa. Những hoạt động này của Trung Quốc xẩy ra vào thời điểm Đại sứ Việt Nam Phạm Sanh Châu gặp Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Harch Vardhan Shringla (21/8) và trong lúc có cuộc thảo luận trực tuyến giữa Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh và người đồng cấp của ông phía Ấn Độ, Subrahmanyam Jaishankar (25/8).

Phía Việt Nam đã thông báo với Ấn Độ về tình hình căng thẳng leo thang tại Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại nơi này với việc triển khai tàu, chiến đấu cơ và ít nhất một máy bay ném bom tại vùng biển mà Việt Nam nói thuộc chủ quyền của mình và cũng là nơi hãng ONGC của Ấn Độ có các hoạt động dầu khí.

Theo Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc điều máy bay ném bom ra quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã từng đưa một vài oanh tạc cơ tầm xa H-6K tới khu vực này năm 2018. Tuy nhiên, theo Giáo sư Thayer, việc Việt Nam chủ động thông báo với Ấn Độ cho thấy, Việt Nam đang tham gia vào một động thái ngoại giao với mục đích tìm kiếm sự ủng hộ chính trị", Giáo sư Thayer được South China Morning Post trích lời.

Tại sự kiện mà các nguồn tin ngoại giao gọi là cuộc gặp chính thức (21/8), Đại sứ Phạm Sanh Châu nói Việt Nam quyết tâm phát triển mối quan hệ CSP mạnh mẽ. Ấn Độ và Việt Nam giờ đây gặp nhau tại điểm hội tụ về chiến lược. Cả hai bên đều phản đối việc Trung Quốc coi Biển Đông là ao nhà của mình và cả hai cùng có lợi ích trong việc gìn giữ hoà bình và ổn định trong vùng biển tranh chấp. Sự hợp tác sâu rộng nữa giữa Ấn Độ và Việt Nam trong các hoạt động khai thác dầu khí diễn ra nhằm đối trọng những hành động phát triển cơ sở hạ tầng vượt trội của Trung Quốc ở khu vực tranh chấp với Ấn Độ ở Kashmir.

Cầu nối đến Quad (Bố Tứ) ?

Ấn Độ coi tự do hàng hải trên Biển Đông là trọng tâm trong tầm nhìn chiến lược của nước này trong một "Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do là rộng mở" (FOIP) và theo nhà nghiên cứu Malik, điều quan trọng hơn đối với Ấn Độ là kiềm chế những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu hết khu vực biển có tranh chấp. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, dù cả Hà Nội và New Delhi đều có thể thấy được lợi ích trong mối quan hệ đang nở rộ nhưng cả hai bên vẫn thận trọng, nhất là Việt Nam.

Tuy nhiên, vì Việt Nam hoạt động thông qua khuôn khổ đa dạng hoá và đa phương hoá quan hệ, cũng như thu hút các cường quốc khác như Nhật Bản, Nga và Mỹ nên, theo GS. Thayer, Hà Nội biết rằng họ có "đòn bẩy quan hệ" mà họ có thể dựa vào khi cần hỗ trợ "nếu Trung Quốc trở nên quá hung hăng". Trong Sách trắng Quốc phòng mới nhất công bố cuối năm ngoái, Việt Nam vẫn tiếp tục không tham gia liên minh quân sự với bất cứ quốc gia nào trong chính sách quốc phòng "bốn không và một nếu" của mình.

Ngày 17/10/2020, Tạp chí "Nikkei Asian Review" dẫn lời Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar cho rằng sự vươn lên của "Bộ Tứ" kim cương ("Quad", gồm Ấn, Mỹ, Nhật và Úc) phản ánh xu hướng thay đổi từ thế giới đơn cực sang đa cực và xu hướng này sẽ trở thành trung tâm trong tương lai. Thế giới hiện thiếu cấu trúc để giải quyết các vấn đề, không giống như thời Chiến tranh Lạnh. "Các thách thức chung hiện không có ai, cấu trúc, tổ chức hay hệ thống các nhân tố có sẵn có thể thực sự giải quyết", theo ông Jaishankar.

Lần theo tư duy chiến lược nói trên, ngày 3/12, các chuyên gia nhắc lại đánh giá của Tổng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ Mark Milley khẳng định tại một diễn đàn về quân sự, Hoa Kỳ cần gia tăng gấp bội lực lượng Hải quân tại Tây Thái Bình Dương, từ đây đến năm 2045, để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc kiểm soát vùng biển này. Quân đội Mỹ cũng cần triển khai một số lực lượng "trên bộ" tại Philippines, Việt Nam và Úc.

Theo ông Milley, việc triển khai lực lương nói trên không nhằm gây chiến tranh với không Trung Quốc, mà là để bảo đảm Bắc Kinh không dám phát động chiến tranh. Tướng Milley đánh giá, một hạm đội hiện đại sẽ là phương tiện răn đe hiệu quả nhất. Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia trong nước, Việt Nam phải cân nhắc việc nếu đặt căn cứ quân sự, với Hoa Kỳ chẳng hạn thì Trung Quốc sẽ gây sự với Việt Nam rất nhiều và nếu chiến tranh ở Biển Đông chẳng hạn thì Hoa Kỳ có thể bảo vệ cho Việt Nam hay không ? Câu trả lời là còn lâu lắm.

Trong bối cảnh "trở đi mắc núi, trở lại mắc sông" như trên, thì chính VICSP có thể lại là một giải pháp đề phá vỡ bế tắc. Bởi vì, khác với thời điểm trước tháng 5/2020, các nhà tư tưởng chiến lược của Ấn Độ nay đã từ bỏ thái độ "nước đôi truyền thống" đối với các thỏa thuận an ninh đa phương. Dường như Ấn Độ không có lựa chọn nào khác ngoài việc hưởng ứng "Bộ Tứ". Với VICSP, cả Ấn Độ lẫn Việt Nam có thể xoay chuyển bang giao song phương thành một nhánh của hợp tác đa phương trong trật tự mới ở khu vực.

Trần Hiếu Chân

Nguồn : RFA, 06/12/2020

Tham khảo thêm :

- Việt Nam sẽ nằm trong danh sách Hoa Kỳ mở rộng căn cứ quân sự ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ?

- Ngăn chặn Bắc Kinh : Mỹ cần triển khai quân tại Việt Nam và nhiều nước ven Biển Đông

- RFI, Ấn Độ-Thái Bình Dương : "Vai trò trung tâm" của ASEAN bị thách thức

- India and the Changing Dynamics of the Indo-Pacific by Sujan R. Chinoy, October 28, 2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, Nguyễn Trường, Trần Hiếu Chân
Read 556 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)