Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/12/2020

Tập trung quyền lực, Đảng kìm hãm cải cách thể chế thị trường

Phạm Quý Thọ

Tiếp tục cải cách thể chế là thông điệp chủ yếu trong các văn kiện trình Đại hội 13, trong đó có hai nội dung căn bản : thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường và chỉnh đốn Đảng bằng cách tập trung quyền lực cao hơn. Từ góc nhìn thể chế, đây là quá trình chuyển đổi dân chủ. Nó được thể hiện qua sự thể chế hóa, nghĩa là xây dựng thể chế thị trường và chế độ trong quá trình phát triển quốc gia. Mục đích bài viết nhằm làm rõ sự tác động qua lại của hai yếu tố trên ở Việt Nam, từ đó kết luận rằng việc tập trung quyền lực đảng nói chung cũng như trường hợp chỉnh đốn nội bộ và chống tham nhũng, là cản trở cải cách thể chế thị trường.

quyenluc1

Công nhân đang dựng biển quảng bá cho quốc kỳ Việt Nam và cờ của Đảng Cộng sản ở Hà Nội trước đại hội 12 hôm 4/1/2016 – Reuters

Chuyển đổi dân chủ - xu hướng tất yếu

Phát triển kinh tế thị trường luôn gắn liền với chuyển đổi dân chủ. Đó là quá trình thay đổi mọi mặt trong xã hội dẫn đến thay thế những cấu trúc xã hội độc đoán, tập trung quyền lực vào số ít người bằng một hệ thống mà người dân có thể kiểm soát quyền lực, tham gia xây dựng xã hội tự do, bình đẳng. Có nhiều hình thức chuyển đổi dân chủ tuỳ thuộc vào thể chế ở mỗi quốc gia, nhưng luôn gắn liền với sự phát triển kinh tế thị trường, bởi vậy nó mang xu hướng tất yếu hiện nay trên thế giới.

Thị trường tạo động lực cho chủ nghĩa tư bản phát triển đồng thời cũng sản sinh chế độ dân chủ với thể chế tam quyền phân lập dần hoàn thiện trong thế giới phương Tây phát triển.

Các Mác cho rằng chủ nghĩa tư bản "tự đào mồ chôn mình" và bị thay thế bởi chủ nghĩa cộng sản, phương thức sản xuất cao hơn. Tuy nhiên, con đường đến xã hội đó bằng cách mạng chuyên chế và mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã là thử nghiệm. Các nước xã hội chủ nghĩa trước đây ở Đông Âu đang chuyển đổi hoà bình từ bên trên "kiến trúc thượng tầng" sang chế độ dân chủ.

Quá trình chuyển đổi dân chủ cũng thành công tại các quốc gia được gọi là "các con hổ Châu Á", như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… bằng sự kết hợp cả từ bên dưới, nhu cầu dân chủ của người dân và bên trên, sự thay đổi chế độ để đáp ứng, được diễn ra đồng thời với tăng trưởng kinh tế nhanh trong bối cảnh mở rộng thị trường toàn cầu.

Chính sách cải cách và mở cửa thực dụng ở Trung Quốc đã khuyến khích kinh tế thị trường giúp tăng trưởng nhanh, đảm bảo tính chính danh cho chế độ đảng cộng sản. Tuy nhiên, "tính thích nghi, tính tinh vi, tính tự trị" đang bị "lung lay" bởi sự tập trung quyền lực dẫn đến cai trị độc đoán. Chuyển đổi dân chủ đang bị thách thức nghiêm trọng.

quyenluc2

Hình ảnh các lãnh tụ cộng sản trên đường phố Hà Nội : Hồ Chí Minh, Karl Marx, Lenin. Reuters

Tương đồng về chế độ chính trị Trung Quốc và Việt Nam có những "điểm chung" cơ bản về chuyển đổi dân chủ, đó là việc chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang thị trường nhưng vẫn giữ chế độ đảng toàn trị. Tuy nhiên, sự khác biệt về các yếu tố lịch sử, kinh tế và xã hội được phản ánh trong hoạch định và thực thi chính sách, tận dụng thời cơ cho phát triển.

Nhận thức lại về thị trường

Trong Dự thảo báo cáo chính trị khẳng định : "Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội". Bỏ qua những tranh cãi về chính trị, có thể chia sẻ ý kiến rằng xã hội chủ nghĩa còn ở xa, "định hướng" tới tương lai bất định, còn thị trường đang hiện hữu ngày càng rõ trước mặt trong thực tế chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường.

Các nhà nghiên cứu đã "tìm kiếm" mô hình xã hội chủ nghĩa dân chủ ở các nước phát triển Bắc Âu, như Thuỵ Điển hay Đan Mạch, tuy nhiên nhận định chung đó vẫn là mô hình tư bản chủ nghĩa phát triển với nhà nước phúc lợi rộng rãi trong khi các phương tiện sản xuất được sở hữu chủ yếu bởi tư nhân, tài nguyên được phân bổ đến người dùng thông qua thị trường, chứ không phải bởi kế hoạch của chính phủ hay cộng đồng.

Nay kinh tế thị trường trong "mô hình kinh tế tổng quát" được nhận thức lại rằng không phải là từ khâu phân phối phúc lợi, mà về khía cạnh thể chế như các quy luật và nguyên tắc vận hành để Việt Nam có thể trở thành bộ phận của thị trường quốc tế.

Thể chế hóa thị trường

Quá trình chuyển đổi gắn liền với việc thể chế hoá, nghĩa là xây dựng và hoàn thiện thể chế nói chung, trong đó thể chế kinh tế thị trường là ưu tiên.

Trước Đại hội 12 thể chế kinh tế thị trường đã được chú ý, tuy nhiên còn bị níu kéo nặng nề bởi ý thức hệ xã hội chủ nghĩa. Sự sai lầm của chính sách tăng trưởng nóng vội dựa vào các tập đoàn nhà nước, được coi là những "quả đấm thép" của nền kinh tế đã dẫn đến "sự bất ổn kinh tế vĩ mô", mà thực ra là khủng hoảng, kéo dài khoảng một thập kỷ, mà hậu quả thiệt hại to lớn đến nay chưa khắc phục xong. Trong nhiệm kỳ khóa 12, từ năm 2016 đến nay, chính sách kinh tế thực dụng với "Chính phủ kiến tạo" đã "né" được ý thức hệ giáo điều, tạo môi trường khuyến khích khởi nghiệp và hoạt động kinh doanh dần trở về với quỹ đạo thị trường.

Việc thể chế hóa thị trường đã có "chuyển biến". Chương trình xây dựng pháp luật luôn "dày đặc" tại các khóa họp của Quốc hội, và các đại biểu quốc hội đã "chất vấn" thẳng hơn, và được dư luận đánh giá. Hơn thế, tại nghị trường kỳ họp thứ 10 Khóa 14 hơn 60% đại biểu Quốc hội khóa 14 "thấy chưa cần thiết có Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở" và 66,74% không đồng ý "chuyển sát hạch bằng lái xe sang Bộ Công an"… Tuy nhiên, công tác lập pháp vẫn gặp nhiều thách thức bởi nhiều lý do, trong đó tình trạng lợi ích nhóm, "quyền anh, quyền tôi" trong xây dựng pháp luật như ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây đã cảnh báo. Ngoài ra, tình hình "nợ đọng các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh" là nghiêm trọng và kéo dài…

Tập trung quyền lực đảng

Khủng hoảng kinh tế kéo theo "bất ổn" về thể chế chính trị và xã hội, và Đảng cầm quyền đã "tự cảnh báo" về nguy cơ tồn vong chế độ. "Nhà nước tư bản thân hữu" đã hình thành với mạng lưới các nhóm lợi ích, trong đó sự tham gia của "bộ phận không nhỏ" quan chức suy thoái về đạo đức lối sống. Tình trạng tham nhũng rộng khắp và nặng nề. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 25/11/2020 đã nói : "Chưa đầy một nhiệm kỳ, hơn 100 cán bộ cấp chiến lược bị xử lý kỷ luật. Trong tất cả những tội lỗi, khiếm khuyết thì điều căn bản nhất tôi nhìn thấy đều có sự khiếm khuyết về đạo đức".

Trong quá trình Đổi mới nhiều tiêu chuẩn chuyển giao quyền lực, trong đó có giới hạn về tuổi, giữa các thế hệ lãnh đạo đã được thiết lập về tuyển dụng, phân quyền, sử dụng cán bộ lãnh đạo đã dựa vào thành tích, năng lực kỹ trị để tránh bè phái… Trong khủng hoảng những chuẩn mực trên phải nhường chỗ cho các hiện tượng "mua quan, bán chức", "cả họ làm quan", "thái tử đỏ", "bổ nhiệm thần tốc", "hoàng hôn nhiệm kỳ", "các trường hợp đặc biệt"…

Từ đầu nhiệm kỳ 12 Đảng đã coi chỉnh đốn nội bộ là trọng tâm. Đồng thời với tăng cường chống tham nhũng "không vùng cấm" các chỉ thị, quy định của Đảng được ban hành theo hướng tập trung quyền lực. Đơn cử, Quyết định số 244-QĐ/TW năm 2014 về việc ban hành quy chế bầu cử trong đảng, trong đó việc đề cử, ứng cử là do cấp uỷ đảng quyết định. Thí dụ, Điều 13 của quyết định có ghi : "3- Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử ; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị".

Cải cách tiếp tục

Thực tế chỉ ra rằng việc tập trung quyền lực đảng kìm hãm chuyển đổi dân chủ. Sở hữu toàn dân - nền tảng của chế độ XHCN, là thách thức đối với quá trình tư hữu hoá, cổ phần hóa doanh nghiệp và "tự chủ hoá" đơn vị sự nghiệp công ; Thị trường lao động bị chia cắt khi bộ máy nhà nước luôn phình to, hiệu lực thấp nhưng lại thu hút đa số nhân lực bằng cấp cao ; Khái niệm dân chủ XHCN khác biệt với các giá trị phổ quát về dân chủ và nhân quyền, là cản trở thể chế hóa các quyền hiến định của công dân như quyền biểu đạt và hội họp…

Tóm lại, chỉnh đốn đảng bằng cách chống tham nhũng và giáo dục đạo đức cho cán bộ lãnh đạo có thể chỉ là giải pháp tạm thời khi thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường. Bởi vậy cải cách thể chế được khẳng định trong văn kiện Đại hội 13 là sẽ vẫn tiếp tục.

Phạm Quý Thọ (Hà Nội)

Nguồn : RFA, 07/19/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 513 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)