Tôi đang sống ở Việt Nam, nên ban đầu tôi không hề quan tâm đến việc người ta đang tranh cãi kịch liệt thế nào quanh chuyện bầu cử tổng thống Mỹ. Tôi không có trải nghiệm của một người dân chịu tác động của các chính sách của ông Trump, để ca ngợi ông "tài đức trọn vẹn, văn võ song toàn", hay nhiệt thành hát lời bài ca chế từ Thương quá Việt Nam :
"Đã có người nào như ông
Lương tổng thống chỉ thu một đồng
Trump trong lòng Trump trong tâm
Trump với đất nước luôn tình thâm"
Áp phích trên đường phố Hà Nội kêu gọi người dân đi bầu Quốc hội hôm 20/5/2016 - Reuters
Tôi cũng không cho rằng quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào thái độ của một vị tổng thống nước Mỹ, vì bài học đắng cay của hàng hóa Việt Nam ế chỏng gọng trong nước khiến khắp nơi phải hò la giải cứu khi Trung Quốc tạm đóng biên, vẫn còn đó. Đã thế lại còn lặp đi lặp lại hàng năm cho nhớ. Chỉ có người Việt Nam mới cứu được nước Việt-đó là chân lý.
Với ông Biden, tôi chỉ tò mò xen lẫn khâm phục vì ở cái tuổi 78, trong khi hầu hết đàn ông Việt đã tự cho mình già yếu ở tuổi 60 (già rồi, làm gì nổi nữa, giờ ở nhà con nó nuôi !), thì ông- sức khỏe trí óc và thể xác vẫn dồi dào để một lần nữa trầm thân vào công cuộc đua tranh khó nhọc và tổn thọ nhất thế giới. Bảo sao không phục !
Qua vài tuần, cơn sóng Trump-Bi giảm ngọn triều nhưng vẫn là dòng tin tức chủ lưu, lúc nổi, lúc ngầm, nhưng không bao giờ giảm xuống đến mức trung bình.
Còn ở Việt Nam thì đang là giai đoạn trước bão. Đại hội Đảng sắp diễn ra, như người ta nói-đến tận thềm rồi, ba bước chân nữa là vào cửa.
Ngoài hàng nước, người ta ngồi xổm bàn rành rọt tỉ mỉ ông nào sẽ ngồi vào ghế nào (mà có lẽ lãnh đạo Việt Nam yêu dân như con, nên người dân làm nhân sự ra sao thì về sau hầu như kết quả cứ là răm rắp thế ấy, kẻo dân buồn).
Nhưng rất nhiều người giống như tôi, chúng tôi không quan tâm và tham gia vào các cuộc "sắp xếp nhân sự" của chính trị Việt Nam. Thói quen ấy cũng áp dụng vào thông tin chính trị của các nước khác. Chúng tôi chỉ quan tâm đến những gì liên quan trực tiếp đến bản thân và gia đình mình.
Tôi-chúng tôi ngầm thấy mình tỉnh táo.
Nhưng dần dần, tôi đột nhiên thấy mình đang dành nhiều thời gian hơn cho những câu chuyện mộc mạc từ phía người dân Mỹ về chủ đề bầu cử tổng thống. Sau khi cười đã đời về những bài ca có phần ngây ngô phe mê Trump gốc Việt dành cho ông, tôi chợt thấy mình đang đi tìm những thông tin lý giải nguồn gốc tình yêu của họ.
Người ủng hộ Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử 2020 ở Washington DC hôm 14/11/2020. Reuters
Tại sao người dân Mỹ ủng hộ ông Trump hay ông Biden ? Có thật là có gian lận bầu cử ? Sự thật đang được làm rõ đến đâu ? Những ai được quyền tiếp cận và công bố sự thật ? Bằng cách nào ? Liệu sự thật có phải là hoàn toàn sự thật không, hay chỉ một phần sự thật ? Kết quả bầu tổng thống Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào từ những phiếu bầu và quá trình kiểm phiếu ? Báo chí nói hầu hết người Mỹ gốc Việt ủng hộ Trump, tại sao ? Người dân kiểm tra quá trình thực hiện lời hứa của các ứng cử viên tổng thống bằng cách nào ? Nếu tổng thống mới sẽ là người mà họ ủng hộ thì sao ? Nếu không phải thì thế nào ? Cuộc sống của họ có bị ảnh hưởng gì không, và ảnh hưởng ra sao ? Dựa trên điều gì để những người ủng hộ Trump không tin đại dịch Covid-19 trên toàn cầu là thật ? Tại sao họ quả quyết con số gần 300.000 người Mỹ chết vì COVID là con số ma, do những tờ báo ngụy tạo nên ? Tại sao có những người ủng hộ Biden nói họ sẽ bầu cho bất cứ ai miễn không phải là Trump ?
Vân vân...
Hóa ra, chẳng phải vì tỉnh táo mà tôi chọn đứng ngoài những thông tin nhân sự chính trị. Hoặc cũng có thể nói, vì đang sống ở Việt Nam nên tôi bắt buộc phải "tỉnh táo" để đứng ngoài.
Là vì nhiều kỳ bầu cử nay tôi thậm chí không biết đến lá phiếu của mình đang ở nơi nào. Tôi sống khá xa nơi đăng ký hộ khẩu và không thiết tha gì việc phải về nơi đăng ký hộ khẩu để lấy phiếu cử tri, đi bầu. Than ôi, tôi cũng không hề biết người đang đại diện cho mình ở Hội đồng phường, hội đồng quận, hội đồng thành phố và quốc hội là những ai. Bí thư, chủ tịch thành phố tên gì, hầu như tôi sẽ không biết nếu không có những tin tức giật gân và gây tò mò trên mạng xã hội. Cái tư cách cử tri của mình, tự tôi vứt toẹt nó vào xó nhà nào rồi, vào lúc nào xa lắm rồi, không hề thương tiếc.
Là vì cứ đến kỳ bầu cử nhân sự lãnh đạo Việt Nam thì rất nhiều người như tôi lại cười cợt về con số tỷ lệ đồng thuận lúc nào cũng gần như 100%. Chúng tôi cũng tranh thủ ôn lại những chuyện cũ mèm ai cũng biết như một người cầm cả xấp phiếu của người thân, gạch tứ tung không theo quy luật nào rồi cũng bỏ phiếu như thật. Chả có gì khác với một người nghiên cứu kỹ lý lịch ứng viên và cẩn trọng bỏ phiếu cả. Mà khoan, ở Việt Nam lại có những cử tri công dân bỏ công sức nghiên cứu kỹ lý lịch ứng viên ư ? Nghe lạ như hoa đào nở vào tháng 8 vậy.
Lý do là cuộc sống của tôi không ảnh hưởng gì bởi bầu cử. Những cái tên lãnh đạo thay nhau liên tiếp, nhưng chính sách hầu như vô cùng ổn định. Các đồng chí lãnh đạo mới vẫn là con cái các đồng chí lãnh đạo đương nhiệm hoặc sắp về hưu. Doanh nghiệp vẫn chỉ có một con đường bắt tay với quan chức mới thuận lợi làm ăn, hoặc thậm chí chả cần làm gì nhưng được tọng cho ăn đến béo phì. Thỉnh thoảng một cái lò đốt lên, nhưng hình như một "đường dây" bị thiêu cháy thì mười "đường dây" khác lập tức thắt chặt, đã thế còn bền hơn mười đời trước. Tuyệt đại cuộc đời người dân vẫn ghì chặt vào việc kiếm ăn, xem miếng ăn là trời, "dĩ thực vi thiên". Với tuyệt đại đa số người dân, ráo mồ hôi là hết tiền. Tâm trí đâu để xuống đường, nghiên cứu và vận động cho bộ máy lãnh đạo. À vâng, dân đen được tự do phát ngôn, nhưng phát ngôn xong có còn tự do hay không lại là chuyện khác !
Hóa ra, tình cảnh của tôi giống như con chim bị rớt vào đống phân bò. Khôn ngoan thì đừng há mỏ !
Nhưng ở một nơi khác, ở những nơi khác, hình như người ta có thể đếm từng lá phiếu bầu để quyết định thắng thua. Một lá phiếu bầu có thể chính là tương lai cuộc sống của mình. Có thể bàn luận công khai về chính trị. Có thể những bàn luận ấy rất ngây ngô, điên khùng và dốt nát nhưng vẫn được há mỏ mà không bị ngập trong đống phân bò. Có thể công khai ghét một nhân vật chính trị nào đó phát rồ phát dại mà không bị buộc gỡ status, kiểm điểm hay kết tội nói xấu. Ở đó, từ "tự quyết" hình như có giá trị thực sự.
So sánh với họ, tôi-chúng tôi đã thật là tỉnh táo. Nhưng mà, ôi, cái sự tỉnh táo bất đắc dĩ, cái sự tỉnh táo trong hôn mê này, mới nhục hèn và khốn khổ làm sao !
Huỳnh Thượng
Nguồn : RFA, 07/12/2020