Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/12/2020

Nhà nước vì dân, do dân và của dân nhưng sợ dân có tự do báo chí !

Thới Bình - Cỏ May

Tư nhân không được phép liên kết báo chí về "chính trị"

Thới Bình, VNTB, 13/122020

Luật Báo chí của Việt Nam cho phép tư nhân liên kết ‘làm báo’ với các tòa soạn báo chí Nhà nước, miễn đó không phải là nội dung "chính trị".

baochi1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao giải A cho tác giả và nhóm tác giả đoạt giải 

Có ý kiến là đừng nghĩ việc liên kết chưa được cho phép trong các lãnh vực "nhạy cảm" như chính trị – xã hội để tự yên tâm. Nhà làm luật phải lường hết mọi khả năng để thấy trong thời đại thông tin tràn ngập như hiện nay, việc phân lãnh vực "được phép liên kết", lãnh vực "không được phép liên kết" là không khả thi.

Ví dụ : Tường thuật một phiên họp của Quốc hội về việc sửa đổi luật thuế có thể coi là hoạt động chính trị – xã hội cũng được, hay hoạt động kinh tế cũng ổn ; đưa tin về một giải thi đấu thể thao rõ ràng là chuyện thể thao, nhưng làm phóng sự về các đường dây cá độ bóng đá thì sao ?

Chính trị là "vùng cấm" ?

Liên kết trong hoạt động báo chí được quy định tại "Điều 37 Luật báo chí 2016 như sau :

1. Cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu cơ quan báo chí chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động liên kết trong lĩnh vực báo chí theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan báo chí được phép liên kết trong các lĩnh vực sau đây :

a) Thiết kế, trình bày, in, quảng cáo, phát hành báo chí và nội dung thông tin quy định tại các Điểm b, c, d và đ Khoản này ;

b) Khai thác hoặc mua bản quyền về măng sét, nội dung các ấn phẩm báo chí thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, thể thao, giải trí, quảng cáo và thông tin kinh tế của báo chí nước ngoài để xuất bản tại Việt Nam ;

c) Tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép liên kết khai thác hoặc mua toàn bộ bản quyền về măng sét, nội dung các ấn phẩm báo chí hợp pháp của Việt Nam để xuất bản tại nước ngoài ;

d) Sản xuất chương trình, kênh phát thanh, kênh truyền hình thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội ;

đ) Sản xuất các sản phẩm báo in, báo điện tử thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội.

3. Các chương trình liên kết trên kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và kênh thời sự – chính trị tổng hợp không vượt quá ba mươi phần trăm tổng thời lượng chương trình phát sóng lần thứ nhất của kênh này.

4. Việc liên kết các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình giải trí, trò chơi truyền hình, truyền hình thực tế có bản quyền, kịch bản chương trình nước ngoài phải được Việt hóa, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

5. Trường hợp cơ quan báo nói, báo hình có hoạt động liên kết sản xuất toàn bộ kênh phát thanh, kênh truyền hình thì số kênh liên kết không vượt quá ba mươi phần trăm tổng số kênh phát thanh, kênh truyền hình được cấp giấy phép sản xuất.

6. Nội dung các chương trình liên kết phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam".

Câu hỏi đặt ra : thế nào là chính trị trong báo chí ?

Quy định nói trên với ràng buộc tư nhân có thể tham gia sản xuất trong lãnh vực truyền hình, nhưng phải thỏa mãn tỷ lệ "kênh thời sự – chính trị tổng hợp không vượt quá ba mươi phần trăm tổng thời lượng chương trình phát sóng lần thứ nhất của kênh này".

Báo in, báo điện tử thì tư nhân không được quyền liên kết trong nhóm nội dung "chính trị".

"Chính trị là một trong những lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội, xét về mặt hoạt động của con người trong xã hội có Nhà nước, có kết cấu giai cấp, tầng lớp, các lực lượng (tập đoàn, nhóm, giới…) cùng tham gia vào đời sống chính trị (tham chính), cùng có quan hệ với chủ thể chấp chính, tức là lãnh đạo và cầm quyền, quản lý và quản trị xã hội (thống quản).

Các lĩnh vực của đời sống xã hội, như Hồ Chí Minh xác định là có bốn mặt ngang nhau, không được xem nhẹ một mặt nào, cũng không tách rời nhau mà tác động lẫn nhau : kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Mỗi lĩnh vực có vai trò, vị trí riêng của nó trong cấu trúc xã hội tổng thể. Nòng cốt của cấu trúc này là kinh tế và chính trị" – trích bài báo "Nhận thức về thể chế chính trị", tác giả GS. TS. Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, đăng trên tạp chí điện tử Quản lý Nhà nước, cơ quan chủ quản là Học viện Hành chính Quốc gia (1).

Dù là tờ báo trong lĩnh vực nào thì yêu cầu chung là những tờ báo đó phải thỏa mãn về "yêu cầu tính Đảng" (2).

Như vậy, cho dẫu việc liên kết chưa được cho phép trong các lãnh vực "nhạy cảm" như chính trị – xã hội (luật hiện cho phép liên kết trong lãnh vực "an sinh xã hội"), thì vẫn phải thỏa mãn "yêu cầu tính Đảng". Điều này cho thấy việc hạn chế quyền liên kết, trên thực tế là đã tạo ra các vùng cấm nghi kỵ của sự yếm thế ở nhà quản lý.

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 13/12/2020

Chú thích :

(1)https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/07/18/bai-2-nhan-thuc-ve-the-che-chinh-tri/

(2)http://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/tinh-dang-cua-nen-bao-chi-cach-mang-viet-nam/128330

************************

Để thêm nguồn thu ngân sách, hãy cho tư nhân được quyền làm báo !

Cỏ May, VNTB, 12/12/2020

Ở hầu hết các nước, báo chí chủ yếu là của tư nhân và trên thực tế, chưa có trường hợp nào báo chí trở thành mối nguy hiểm đối với các chính thể "của dân, do dân, vì dân".

baochi2

Vậy thì – giả dụ như với riêng Việt Nam, một khi cho phép tư nhân được quyền tự do làm báo, liệu sẽ ‘trị’ về "mối nguy hiểm đối với chính thể" như thế nào ?

Báo chí vẫn là "công – tư hợp doanh" ?

Tính từ sau khi chế độ kinh tế bao cấp được xóa bỏ, đã có tiền lệ về báo chí tư nhân. Có thể nhắc tới Công ty Phát triển và Đầu tư công nghệ (FPT) là một doanh nghiệp tư nhân đã thành lập báo điện tử VnExpress từ năm 2001. Tờ báo tư nhân này kịp trở thành báo điện tử hàng đầu của Việt Nam, và nằm trong top 500 báo điện tử có nhiều độc giả nhất thế giới trước khi Thủ tướng Chính phủ giao nó cho Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý vào năm 2008.

Một số tên tuổi nổi tiếng khác trong báo giới Việt Nam như báo điện tử VietNamNet, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC do các doanh nghiệp nhà nước (Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam VNPT, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC) thành lập.

Khi các doanh nghiệp này được cổ phần hóa, đài và báo của họ không còn là của doanh nghiệp nhà nước nữa. Mãi đến năm 2008, Thủ tướng Chính phủ mới giao VietNamNet và Đài truyền hình VTC cho Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.

Ngoài ra, do thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, một số cơ quan cấp tổng cục đã chuyển thành tập đoàn kinh tế hoạt động theo mô hình doanh nghiệp như Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Hàng không dân dụng Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam,… Các doanh nghiệp này này cho đến nay vẫn tiếp tục xuất bản những ấn phẩm báo chí chuyên ngành của cơ quan nhà nước trước đây.

Tư nhân cần sự chính danh để bảo đảm đồng vốn đầu tư

Hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn giữ thái độ dè dặt, chỉ chấp nhận sự tham gia của tư nhân vào hoạt động báo chí dưới hình thức liên kết với cơ quan báo chí "nhà nước".

"Việc cho phép ‘liên kết’ hay mua bản quyền măng-sét thật ra chỉ là sự thừa nhận một thực tế đã diễn ra cách đây hơn hai mươi năm. Những năm sau đổi mới kinh tế, vào thập kỷ 90 đã xuất hiện hàng loạt báo tư nhân ; một số người thầu lại dưới danh nghĩa phụ trương, phụ san của các báo. Lúc đó báo chí tư nhân hoạt động khá mạnh mẽ, sau đó Nhà nước siết lại" – nhà báo Phạm Chí Dũng có nhận xét như vậy trong một trả lời phỏng vấn của Đài phát thanh quốc tế Pháp – Radio France internationale, RFI (*).

Trên thực tế thì nhiều tờ báo nước ngoài được "nội địa hóa" là do các công ty tư nhân đứng ra mua bản quyền sử dụng măng-sét, nội dung để in ấn ở Việt Nam.

Có người nói phía nhà nước đã ‘mắt nhắm – mắt mở’ trong chuyện "nội địa hóa". Bởi vì trên thế giới không thấy cơ quan nhà nước nào làm những tờ như Her WorldCosmopolitanElle… Nhu cầu của độc giả rất phong phú ; ngoài lãnh vực giải trí, còn các lãnh vực khác rất cần "xã hội hóa" theo hướng này như thông tin về khoa học, công nghệ, du lịch.

Xã hội cũng cần các tổ chức tư nhân làm các dạng hồ sơ về kinh tế để bạn đọc có thể tra cứu thông tin, nhất là để phục vụ hoạt động của thị trường chứng khoán với quy mô ngày càng lớn như hiện nay.

Dĩ nhiên để báo chí tư nhân khẳng định được vị thế của mình thì cần đến sự chính danh. Hiện tại thì sự khác biệt giữa "tư nhân hóa" báo chí và tư nhân tham gia làm báo, vẫn nằm ở chỗ quyền sở hữu.

Sở hữu măng-sét báo vẫn sẽ là cơ quan báo chí nhà nước, tư nhân chỉ tham gia liên kết. Và lẽ ấy nên hệ lụy đương nhiên là không tư nhân nào với tầm nhìn dài hạn, một ý hướng xây dựng lâu dài chịu liên kết theo kiểu dễ lâm cảnh "được chim bẻ ná, được cá quên nơm" ấy lắm.

Bỏ tù chủ báo tư nhân bao giờ cũng dễ dàng hơn !

Có ý kiến rằng nếu lo ngại báo chí tư nhân trở thành mối nguy hiểm đối với chính thể, thì cứ việc hoàn chỉnh các quy định pháp luật liên quan, trong đó có các khoản ‘phạt vạ’ thật nặng cho những vi phạm.

Dẫn chứng luôn, khi tóm tắt một số nội dung nổi bật của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại họp báo công bố luật của Văn phòng Chủ tịch nước sáng 11/12/2020, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, bà Đặng Hoàng Oanh cho biết, luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều. Trong đó, 16 điều sửa đổi, bổ sung toàn diện ; sửa kỹ thuật 11/142 điều ; bổ sung mới 4 điều ; bãi bỏ 3 điều.

Điểm đáng chú ý của luật lần này là sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực quản lý nhà nước gồm : Giao thông đường bộ ; phòng, chống tệ nạn xã hội ; cơ yếu ; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia ; giáo dục ; điện lực ; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thủy lợi ; báo chí ; kinh doanh bất động sản.

Theo bà Đặng Hoàng Oanh, nếu báo chí vi phạm hành chính thì mức phạt tối đa lâu nay là 100 triệu, thì giờ đây sẽ lên tới 250 triệu đồng. Như vậy, việc ‘thẳng tay’ phạt lúc báo chí tư nhân vi phạm, vẫn sẽ ‘thoải mái’ hơn nhiều so ‘bắt vạ’ báo ‘quốc doanh’ thường dễ đụng chạm đến ‘bề trên’ chủ quản.

Thậm chí bỏ tù theo kiểu "chính trị hóa" các tay làm báo tư nhân vẫn dễ dàng hơn…

Cỏ May

Nguồn : VNTB, 12/12/2020

Chú thích :

(*)https://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20160405-luat-bao-chi-tu-nhan-van-chua-duoc-ra-bao-va-tu-do-ngon-luan-bi-han-che

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thưới Bình, Cỏ May
Read 608 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)