Khi nhà giáo thành con buôn chữ nghĩa
Ánh Liên, VNTB, 10/12/2020
Người làm nghề giáo cũng là một con người với đủ thứ hỉ nộ ái ố có cả tham sân si. Những người là nhà giáo thật sự họ sẽ khác ở chỗ để cho lòng nhân ái, sự cảm thông, nhiệt huyết tích cực chi phối các hoạt động dạy dỗ của mình.
Chỉ vì vài triệu tiền học phụ đạo một năm một học sinh mà họ đã sẵn sàng bán rẻ lương tâm của một nhà giáo để trở thành con buôn chữ nghĩa.
Nhưng có lẽ những nhà giáo như vậy đã ngày càng ít và hiếm đi. Nhà giáo ngày nay nếu không còn phương cách nào kiếm tiền ngoài bán sức lao động qua bài giảng, họ đã tự biến minh thành những con buôn chữ nghĩa.
Chuyện dễ hiểu khi ai cũng phải cần kiếm cách mưu sinh để nuôi sống gia đình vì đồng lương èo ọt không đủ cho chi phí cơ bản. Năm 2006 ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo lúc bấy giờ là Nguyễn Thiện Nhân đã tuyên bố : " Đến năm 2010 giáo viên có thể sống được bằng lương".
Nay đã là năm 2020, mà lời hứa của ông Nguyễn Thiện Nhân vẫn chưa thành hiện thực, bằng chứng đó là việc "ép" học thêm tràn lan trong các cấp từ tiểu học cho đến cấp 2-3.
Giảng viên đại học, hay cấp ba ở các thành phố lớn, họ cũng chẳng chắc sống được nhờ lương. Cái họ sống được là cộng tác với các cơ sở đào tạo hoặc trường khác để đứng lớp, làm các dự án nghiên cứu hay là dạy luyện thi.
Giáo viên ở các tỉnh, các cấp lớp nhỏ hơn nếu không có việc làm tay trái thì chỉ có thể trông mong vào lớp dạy thêm. Dạy thêm để kiếm thêm thu nhập không có gì sai trái nếu là thoả thuận hợp lý giữa bên có nhu cầu và bên cung cấp dịch vụ.
Tuy nhiên lợi dụng dạy thêm để xem đó là nguồn thu nhập cho chính bản thân giáo viên mà trường hay ban giám hiệu chắc chắn cũng sẽ có phần thì đó là hành động của những con buôn chữ nghĩa.
Dạy thêm không được phép thì sở hay ban giám hiệu chuyển sang cho dạy phụ đạo. Chỉ là đổi danh từ, còn bản chất sự việc thì vẫn như vậy. Những cái lắt léo vẫn được cho qua vì cái gì cũng có qua có lại, ai cũng có thu nhập thêm thì vui vẻ cả làng.
Chuyện này có thể nói chắc vì cứ căn cứ vô tin nhắn của cô giáo chủ nhiệm nhắn tin cho nữ sinh Y. bắt buộc "học đại trà", và " theo quy định của trường", tiếp theo là cách hành xử của ban giám hiệu trường qua việc làm khó dễ em Y khi không tuân theo việc "học phụ đạo đại trà theo như quy định chung".
Một phần thông cảm với nỗi lo cơm áo của giáo viên, nhưng rồi cũng vẫn không thể nào hiểu nổi tại sao lại để cho đồng tiền chi phối để nghề giáo không còn là vườn ươm trí thức, nuôi hạt giống tâm hồn. Trong mắt họ chỉ thấy tiền mà không thấy những con người bé nhỏ với tâm hồn mỏng manh dễ vỡ đằng sau đó hay cả những gánh nặng oằn vai của những phụ huynh phải lo đóng đủ thứ tiền cho con em đi học.
Cô giáo bị áp lực từ trên phải đảm bảo tất cả học sinh đi học phụ đạo, áp lực đó đã được cô trút lên đầu nữ sinh Y. Đến đây có thể thông cảm được phần nào áp lực cô giáo phải chịu. Nhưng vì vậy mà cứ "giằn vặt", cho đến đấu tổ một cô bé 14-15 tuổi để khủng bố tinh thần buộc phải đi học thêm thì lòng nhân ái của những nhà giáo cao cả đã bị đồng tiền làm ăn mòn đến trơ trọi.
Những dòng tin nhắn trên Zalo của cô giáo Yêu màu tím nói về cái chết không được coi là "vinh quang", có ý buộc tội nữ sinh Y. "mượn cái chết giả để vu oan giá hoạ cho người khác" của cô thì từ tính nhân văn của một con người cho đến bản chất của một nhà sư phạm trong cô đã bị lột sạch sẽ.
Dưới áp lục trực tiếp của cô giáo chủ nhiệm và Ban Giám hiệu một học sinh nhạy cảm, nhất là với lứa tuổi đang phát triển, cú sốc tâm lý không dễ gì vượt qua. Nữ sinh Y. đã không vượt qua được lần một đến nỗi phải tìm cách quyên sinh, thì lời nói/tin nhắn của cô giáo Yêu Màu Tím lại là một đòn chí mạng giáng vào nạn nhân.
Gọi sự việc đáng tiếc đó là cái chết giả, đồng nghĩa với việc cho rằng nữ sinh chỉ tự tử ăn vạ. Mục đích chỉ để "minh oan" cho bản thân mà không cần quan tâm đến cảm xúc người khác, chỉ vì vài triệu tiền học phụ đạo một năm một học sinh mà họ đã sẵn sàng bán rẻ lương tâm của một nhà giáo để trù úm học sinh.
Cô bé nữ sinh rồi sẽ hồi phục từ từ về sức khỏe, nhưng sang chấn tâm lý của nữ sinh Y. sẽ không biết khi nào mới có thể hồi phục được.
Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và công tác học sinh, sinh viên thay mặt bộ chủ quản là Bộ Giáo dục và đào tạo, yêu cầu nhà trường cần phối hợp với gia đình, ngành y tế để chăm sóc, quan tâm sức khỏe, động viên tinh thần học sinh, giúp em sớm ổn định, quay trở lại học tập.
Ông vụ trưởng có vẻ lại chẳng hiểu gì về tâm lý trẻ vị thành niên ? Ông có trực tiếp hỏi cô bé nữ sinh muốn gì hay không hay chỉ vì không muốn các cơ quan mình phụ trách mang tiếng xấu mà muốn sự việc qua đi cho nhanh không còn lại dấu vết ?
Nữ sinh Y. có thể quay lại trường, nhưng liệu có ai đảm bảo rằng dạy phụ đạo sẽ không còn nữa ? Ai sẽ bảo đảm rằng những người bị đập mất nồi cơm thêm sẽ không có thái độ bao dung không trù úm với nữ sinh Y. ?
Nhưng liệu em có còn muốn quay lại ngôi trường chỉ mang đến những ký ức không vui hay gia đình phải chuyển em sang học ở một trường khác ? Hay thậm chí còn tệ hơn là em không còn muốn quay lại trường học nữa ?
Vụ việc này chỉ là một giọt nước tràn ly ở một trường trung học phổ thông. Nếu không có sự việc đáng tiếc, sẽ chẳng có ai thèm quan tâm đến vấn nạn làm tiền học sinh thông qua việc dạy thêm, hay học phụ đạo vốn tràn lan khắp mọi miền.
Nếu không có sự việc này xảy ra, liệu việc dạy phụ đạo trá hình ở trường nọ có bị phanh phui ? Sự việc này có phải là sự cảnh tỉnh cho những con buôn chữ nghĩa khác mang danh nhà giáo trên khắp cả nước nhìn lại vào chính mình ?
Câu trả lời nhức nhối để dành cho ông bộ trường Phùng Xuân Nhạ.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 10/12/2020
************************
Bạo lực học đường đến từ "học thêm" ?
Tân Châu, VNTB, 09/12/2020
Học thêm – từ chối học thêm có phải là nguyên nhân của cuộc "vây ráp" tàn khốc khiến một nữ sinh phải uống thuốc tự tử ?
Từ việc bắt buộc học thêm bằng mọi cách đã dẫn tới bạo lực tinh thần ở môi trường học đường.
Để trả lời câu hỏi này, trước mắt là cơ quan công an đã tiếp nhận đơn. Nhưng chỉ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mới có thể kết thúc nó.
Tin tức trên báo chí cho biết, ngày 8/12, bà Trần Thị Ngọc Diễm – giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh An Giang – dẫn đầu đoàn công tác đến Trường Trung học phổ thông Vĩnh Xương, họp toàn thể cán bộ giáo viên trường và gặp phụ huynh em N.T.N.Y. liên quan đến việc em uống thuốc nghi tự tử.
Bà Trần Thị Ngọc Diễm gặp bà Nguyễn Thị Quyết, 55 tuổi và cha em Y. tại trụ sở UBND xã Vĩnh Xương. "Chúng tôi gặp phụ huynh để nghe họ trình bày vụ việc ra sao dẫn ra câu chuyện như vậy. Từ đó sở sẽ có cách nhìn toàn diện vấn đề để sớm giải quyết vụ việc này ổn thỏa hơn" – bà Diễm nói.
Tại đây, bà Quyết đã trình bày câu chuyện xung quanh việc dẫn đến con gái bà uống cả vỉ thuốc trị bệnh hen suyễn để tự tử khi trường ép học thêm đóng tiền và bắt bẻ nhiều lỗi khác. "Từ khi xảy ra vụ việc đến giờ, tôi rất mong gặp được giám đốc sở để trình bày hết vụ việc" – bà Quyết nói.
Gia đình cho rằng em Y. bị bệnh hen suyễn từ nhỏ nên sức khỏe yếu. Tuy nhiên, gần đây trường yêu cầu học thêm bốn môn, nhưng em Y. chỉ học được một môn tiếng Anh. "Vì vậy em Y. bị nhà trường liên tục làm khó dễ, thậm chí là đọc tên em vi phạm dưới cờ dẫn đến em uống thuốc trợ tim hằng ngày quá liều nên ngất xỉu" – đại diện gia đình nói thêm.
Người phụ nữ tên Mai, chị gái và là người đang chăm sóc em Y tại bệnh viện kể : "Từ sự việc học phụ đạo, về nhà bé tâm sự thường bị cô gọi nói chuyện. Nhiều hôm bé không ngủ được. Nó lấy những chiếc bút màu ra vẽ trên giấy nhưng không rõ hình thù gì nên tôi lo lắm…".
Bước đầu, phía giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo An Giang nhận định : "Trong công tác tổ chức, quản lý và biện pháp xử lý của nhà trường còn một số sai sót. Cụ thể : tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường không đúng với quy định của ngành, dạy thêm, học thêm đại trà cho tất cả học sinh theo lớp chính khóa ; có hình thức phê bình, kỷ luật học sinh không đúng với quy định của ngành.
Đặc biệt là lãnh đạo trường đã nêu họ tên học sinh có vi phạm nội quy trường dưới cờ, làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và là nguyên nhân dẫn đến sự việc em Y. uống thuốc định tự tử và ngất xỉu trong nhà vệ sinh. Biện pháp giải quyết, xử lý học sinh vi phạm nội quy nhà trường chưa phù hợp, hiệu quả, gây bức xúc đối với phụ huynh học sinh và bản thân học sinh…".
Một ghi nhận qua tin nhắn từ tài khoản của cô giáp chủ nhiệm em Y, cho thấy duyên cớ là "học thêm" không phải có thể chọn một môn là được, mà phải bắt buộc học "đại trà" 6 môn, và đóng đủ tiền !
Học thêm "đại trà", hay "học thêm toàn trường", ‘thủ đoạn’ hay ‘thủ thuật’ đã được nâng lên một tầm cao mới, từ riêng lẽ lớp, từng giáo viên lên mức "trường trong trường", "lớp trong lớp". Có lẽ nếu không có sự ‘chống lưng’ từ cấp trên, thì khó thể vi phạm một cách có tổ chức về các quy định dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Không quá lời khi nói rằng đây chính là hình thức biến thể từ việc bắt buộc học thêm bằng mọi cách đã dẫn tới bạo lực tinh thần ở môi trường học đường. Những người khủng bố tinh thần của học sinh này, không đủ phẩm chất để làm nghề giáo, khi họ đã dùng cái quyền của mình để làm tình làm tội một học sinh còn vị thành niên.
Nếu không thể xử lý hình sự, thì việc xử phạt hành chánh các thầy cô giáo này không có tác dụng, vì chỉ là dung dưỡng cho cái xấu, cái ác tiếp tục có đất sống. Họ không đủ phẩm chất làm nhà giáo, nên nhất thiết phải cho họ ra khỏi ngành…
Tân Châu
Nguồn : VNTB, 09/12/2020