Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/12/2020

Tình hình Đà Nẵng vẫn rối nhùng vì… nạn phe phái

Hải Châu - Liên Chiểu

Đà Nẵng : pháp luật có "hụt hơi" ?

Hải Châu, VNTB, 11/12/2020

Tâm lý sợ sai, co mình được nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng nhắc tới trong các kỳ họp trước đây, bởi vừa qua đời sống chính trị tại thành phố này có những biến động lớn.

danang1

Thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao - Ảnh minh họa

Hàng loạt cán bộ chủ chốt bị kỷ luật, nhiều dự án bị thanh tra khiến nhiều cán bộ e ngại…

Đó là ghi nhận chung tại kỳ họp cuối cùng trong năm 2020 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng. (*)

Vì sao pháp luật ‘hụt hơi’ ở Đà Nẵng ?

"Phải có cơ chế động viên bảo vệ cán bộ dám hành động, đột phá. Vì đây là nguồn lực tinh thần để cán bộ vì thành phố mà dám xả thân cống hiến. Cơ chế phải thực chất bằng yếu tố pháp lý pháp luật. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận cao, tạo ra nguồn lực tinh thần cho cán bộ. Mà trong chiến tranh chúng ta hay nói tư tưởng không thông mang bình tông cũng nặng", đại biểu Huỳnh Minh Chức – chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng, nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Tô Văn Hùng, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường thành phố Đà Nẵng, cho rằng cần có cơ chế bảo vệ cán bộ gỡ rối đất đai. Theo ông Hùng, một số dự án được khơi thông sau nhiều năm đóng băng, lợi ích xã hội ít nhiều được nhìn thấy.

Cụ thể như trong năm 2020, nguồn thu từ đất đai ở Đà Nẵng đã tăng 36% từ việc tháo gỡ nhiều vướng mắc. Tuy nhiên cùng với đó là những băn khoăn, lo lắng trong quá trình tham mưu của ngành chức năng.

"Nếu thành phố không có chính sách ‘đột phá’ về giải tỏa đền bù thì sao có thể di dời hàng trăm ngàn hộ dân trong khoảng thời gian ngắn, để kiến tạo nên diện mạo một đô thị văn minh hiện đại như hôm nay ?. Tuy nhiên, với pháp luật thì mọi sự vận dụng không đúng đều là sai phạm và phải bị xử lý, khắc phục" – ông Tô Văn Hùng bày tỏ băn khoăn về chuyện ‘hành lang pháp lý’.

Ở bài phát biểu kéo dài hơn 30 phút của ông Huỳnh Đức Thơ – người vừa trở thành cựu chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, có đoạn : "Chúng tôi muốn các thế hệ tiếp theo, các cán bộ công chức luôn học hỏi từ các giá trị tích cực này. Và như chúng ta đã đã biết, vừa sáng tạo đổi mới vừa làm đúng, vừa làm đúng vừa nhanh là điều rất khó và đầy rủi ro. Vì khó và rủi ro nên rất cần đến những lãnh đạo và công chức giỏi giang, luôn biết cách làm hiệu quả để hoàn thành tốt công việc của mình".

Như vậy, xét từ loạt ý kiến của các đại biểu hội đồng nhân dân như ông Huỳnh Minh Chức, ông Tô Văn Hùng, ông Huỳnh Đức Thơ,… cho thấy dường như trong quản trị đô thị ở Việt Nam có điểm khác biệt so với những quốc gia khác, đó là vừa quản trị về hành chính, vừa phải biết ‘lách’ để có thể đảm bảo sự phát triển với việc hạn chế đến mức thấp nhất về đối mặt án hình sự khi ‘xé rào’, vì hành lang pháp lý vẫn chưa đáp ứng thực tiễn đòi hỏi.

Pháp luật trong tay kẻ mạnh ?

Thị trường đất đai ở Đà Nẵng là một ví dụ cho đòi hỏi pháp lý cần được tu chỉnh phù hợp. Ở đây là cụ thể trường hợp Đà Nẵng dưới thời của ông Nguyễn Bá Thanh (1953 – 2015).

Những năm từ 2010 đến 2015, nhiều người dân ở Đà Nẵng ví von : Nhịp sống của Đà Nẵng hôm nay cũng như dàn đồng ca, trong đó một trong những người "lĩnh xướng" thành công nhất chính là ông Nguyễn Bá Thanh.

Không ít báo chí đã ngợi ca rằng năm 1997, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng đường xá còn nhỏ hẹp, cư dân thưa thớt, nhiều quận huyện thuần nông. Chỉ sau một thời gian ngắn, với cương vị Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, ông Thanh đã tập trung mọi tâm huyết, sức lực, huy động sức mạnh người dân biến Đà Nẵng thành "hoàng tử" quyến rũ.

Báo chí từng hết mực cổ vũ cho chuyện quản trị đô thị bất chấp pháp luật của ông Nguyễn Bá Thanh : Khi giải phóng mặt bằng làm đường, ông chỉ đạo, phải lấy vào hai bên đường mới một khoảng không 30 – 50m.

Nhiều kỹ sư quy hoạch hỏi nhau, rồi quay ra hỏi ông, ông bảo cứ làm đi rồi biết. Khi hình hài con đường hiện ra, khoảng không trên trở thành "đất vàng" được bán đấu giá công khai ; nhà mọc lên từ những mảnh đất này, phố sá sầm uất, khang trang hẳn cũng nhờ những ngôi nhà có kiến trúc đẹp…

Khi ấy ít ai biết rằng Thanh tra Chính phủ đã có văn bản ‘báo động’ về thực trạng tham nhũng quyền lực ở Đà Nẵng trong thời kỳ 2003 – 2011.

Thanh tra Chính phủ cho biết qua kiểm tra 46/1.061 dự án (4,3% tổng số dự án), đã phát hiện UBND TP.Đà Nẵng đã giao cho các ban quản lý dự án và một số công ty thực hiện chức năng quản lý quỹ đất, ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh và xây dựng nhà để bán và cho thuê không tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai.

Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến phát sinh nhiều sai phạm như : không đủ căn cứ, cơ sở để xác định giá thu tiền sử dụng đất ; việc phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tùy tiện ; nhiều nhà đầu tư sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã không thực hiện đầu tư, tiếp tục chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác thu chênh lệch số tiền rất lớn, làm thất thu ngân sách nhà nước, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Đáng chú ý, trong quá trình xác định giá thu tiền sử dụng đất đối với một số dự án, Hội đồng thẩm định giá đất và UBND thành phố chưa căn cứ vào quy hoạch mục đích sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng, thiếu điều tra, khảo sát khu đất, chưa tính đầy đủ điều kiện hạ tầng và quy hoạch định hướng phát triển trong tương lai, không tính hệ số ngã ba, ngã tư đường, hệ số sinh lời, tính không đủ diện tích, không đúng với mục đích sử dụng đất, giảm giá và phê duyệt giá không tuân thủ quy định, thiếu căn cứ, cơ sở… nên đã xác định giá thu tiền sử dụng đất chưa sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường được quy định tại luật Đất đai.

Một số dự án xác định giá thấp hơn bảng giá đất thành phố ban hành hằng năm, một số dự án khác UBND thành phố quyết định giá thu tiền sử dụng đất thấp hơn giá của Hội đồng thẩm định giá đất thành phố trình, gây thất thu ngân sách, tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư chuyển nhượng thu lời bất chính với số tiền lớn…

Quản trị bằng pháp luật chứ không nên bằng nghị quyết

Sau những bản án kỷ luật các quan chức Đà Nẵng vừa qua và việc thanh tra sai phạm đất đai đang được tiến hành ở địa phương này, có thuyết âm mưu cho rằng di sản ông Nguyễn Bá Thanh để lại đang được khai thác cho cuộc đấu tranh phe phái trong đảng trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Cần ghi nhận thực tế với cái chết từng được nghi vấn bị đầu độc của ông Nguyễn Bá Thanh, hầu hết vụ án về đất đai sau đó đã không truy cứu trách nhiệm ‘người đã mất’, để qua đó có thể ‘rút kinh nghiệm’.

Từ loạt ý kiến của các đại biểu hội đồng nhân dân như ông Huỳnh Minh Chức, ông Tô Văn Hùng, ông Huỳnh Đức Thơ,… nêu ở phần trên của bài viết, có ý kiến biện giải thế này : thời kỳ Bá Thanh ở Đà Nẵng, thì Bá Thanh hành xử như một ông vua mà không có một cơ chế nào có thể chế tài Bá Thanh cả.

"Người ta nói rằng ông ta có ăn nhưng mà ông ta có làm, quan điểm đó là không hiểu gì về thể chế và luật pháp hết. Mình nên nhớ rằng chủ nghĩa dân túy dễ được những người bình thường ủng hộ, Trump được ủng hộ thì Bá Thanh cũng vậy…" – một nhà báo dè dặt nhận định.

Và rất có thể hệ lụy để lại từ thời hoàng kim của ông Nguyễn Bá Thanh, khiến các ông Huỳnh Minh Chức, ông Tô Văn Hùng, ông Huỳnh Đức Thơ… kêu gọi "cơ chế phải thực chất bằng yếu tố pháp lý", chứ không thể dừng lại ở ý chí kiểu như nghị quyết, văn kiện đại hội Đảng như thường thấy lâu nay.

Hải Châu

Nguồn : VNTB, 11/12/2020

Chú thích :

(*) https://danang.gov.vn/web/hdnd-voi-cu-tri/chi-tiet?id=41847&_c=100000065 ;

 https://danang.gov.vn/web/hdnd-voi-cu-tri/chi-tiet?id=41863&_c=100000065

*************************

Thế lực thù địch vẫn ủ sâu trong Đảng bộ Đà Nẵng ?

Liên Chiểu, VNTB, 10/12/2020

"Chủ tịch Đà Nẵng : Một số đối tượng chống đối, hòng ép chính quyền làm sai để trục lợi".

danang2

Báo Tuổi Trẻ đã rút tít như trên trong bài tường thuật về lần đăng đàn cuối cùng với tư cách chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng của ông Huỳnh Đức Thơ, vào sáng 9/12/2020 (*). Báo Thanh Niên cũng rút tít kiểu tương tự khi tường thuật cùng nội dung (**).

Thắc mắc : liệu ở Việt Nam, thế lực nào đủ mạnh để có thể công khai chèn ép chính quyền ?

Câu trả lời căn cứ được suy luận từ ‘lô-gíc’ của Điều 4, Hiến pháp : phải chăng đó chính là Đảng bộ thành phố Đà Nẵng ?

Báo Tuổi Trẻ viết :

"Trong lần đăng đàn cuối với tư cách chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, ông Thơ cũng đã điểm lại một nhiệm kỳ đầy sóng gió với đời sống chính trị của địa phương này. Trong đó diễn ra nhiều biến động và thay đổi sâu sắc.

Giai đoạn đầu, thành phố kiên quyết điều chỉnh các hoạt động quản lý điều hành, bảo đảm tuân thủ pháp luật, đặc biệt là trên các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng. Đây là việc làm bình thường của chính quyền, nhưng đã vấp phải lực cản và chống đối của một số đối tượng, hòng ép buộc chính quyền làm sai để trục lợi.

"Chúng tôi đã đấu tranh mạnh mẽ, chấp nhận va chạm và đương đầu không cho phép điều đó xảy ra" – ông Thơ khẳng định.

Giai đoạn tiếp theo, thành phố trải qua nhiều cuộc thanh kiểm tra và giai đoạn cuối của nhiệm kỳ phải đối diện và giải quyết một khối lượng công việc rất lớn, với hàng trăm hồ sơ dự án có nhiều vấn đề pháp lý phức tạp.

Ông Thơ cho rằng để tháo gỡ khơi thông nguồn lực đất đai và nguồn vốn xã hội này, không thể không cần đến bản lĩnh, sự vận dụng và sáng tạo trong cách làm, cách tháo gỡ. Trong hoàn cảnh này, nếu chỉ biết làm đúng theo quy định pháp luật thì đồng nghĩa với việc đóng băng các dự án.

Thế nhưng sự vận dụng luôn nằm trong ranh giới giữa cái đúng và cái chưa đúng, rất mong manh. Ngoài ra, nhiều biến động cán bộ chủ chốt từ nửa đầu nhiệm kỳ, nhiều vụ án xảy ra đã có tác động ít nhiều đến thái độ công việc của cán bộ công chức…" (dừng trích).

Ông Huỳnh Đức Thơ đã có 6 năm trên cương vị chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng. Ngày 29/9/2017, ông Thơ bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thi hành kỷ luật Cảnh cáo, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đất đai và trật tự đô thị ở thành phố Đà Nẵng (Quyết định số 629-QĐ/UBKTTW ngày 4 tháng 10).

Ngày 21/11/2017, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định 1852/QĐ-TTg kỷ luật cảnh cáo với ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng do bị kỷ luật trong Đảng cộng sản Việt Nam theo Quyết định số 629-QĐ/UBKTTW.

Ghi nhận ở lần đăng đàn với thời lượng của ‘chia sẻ nỗi lòng’ đến ngoài 30 phút của ông Huỳnh Đức Thơ, không thấy ông nói rõ ai từng là ‘ép chính quyền’. Ông vẫn dừng lại ở úp mở của một lối diễn đạt ít nhiều gieo rắc sự hoài nghi cho thuyết âm mưu, khi ông có đoạn nói :

"Chúng ta, ai cũng rất buồn về những sai phạm dẫn đến những hậu quả đáng tiếc này. Tuy vậy, chúng tôi cũng không thể làm được điều gì khác hơn trong hoàn cảnh này, ngoài việc lấy đó làm bài học kinh nghiệm.

Chúng ta cũng được học hỏi từ những cái chưa đúng rất nhiều. Trong công việc, chúng tôi luôn nêu những gương tốt và nhắc đến những truyền thống và giá trị tốt đẹp của Đà Nẵng mà nhiều thế hệ lãnh đạo đóng góp xây dựng. Đó là tinh thần của một Đà Nẵng luôn mạnh mẽ. Sức sáng tạo và đổi mới của Đà Nẵng luôn vượt trội. Phong cách làm việc sâu sát, quyết liệt, gần dân".

Câu sau đây từ bài ‘tâm tình trước khi rời ghế quyền lực’ của ông Huỳnh Đức Thơ, cho thấy mai này ‘sợi dây’ kinh nghiệm sẽ vẫn được rút cho công việc gọi là quản trị đô thị : "Chúng tôi cũng không thể làm được điều gì khác hơn trong hoàn cảnh này, ngoài việc lấy đó làm bài học kinh nghiệm".

Liên Chiếu

Nguồn : VNTB, 10/12/2020

Chú thích

(*)https://tuoitre.vn/chu-tich-da-nang-mot-so-doi-tuong-chong-doi-hong-ep-chinh-quyen-lam-sai-de-truc-loi-20201209095411621.htm

(**)https://thanhnien.vn/thoi-su/ong-huynh-duc-tho-mot-so-nguoi-ep-chinh-quyen-lam-sai-chung-toi-khong-cho-phep-dieu-do-xay-ra-1314932.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hải Châu, Liên Chiểu
Read 525 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)