Hải Châu, VNTB, 11/12/2020
Thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao - Ảnh minh họa
Hàng loạt cán bộ chủ chốt bị kỷ luật, nhiều dự án bị thanh tra khiến nhiều cán bộ e ngại…
Đó là ghi nhận chung tại kỳ họp cuối cùng trong năm 2020 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng. (*)
"Phải có cơ chế động viên bảo vệ cán bộ dám hành động, đột phá. Vì đây là nguồn lực tinh thần để cán bộ vì thành phố mà dám xả thân cống hiến. Cơ chế phải thực chất bằng yếu tố pháp lý pháp luật. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận cao, tạo ra nguồn lực tinh thần cho cán bộ. Mà trong chiến tranh chúng ta hay nói tư tưởng không thông mang bình tông cũng nặng", đại biểu Huỳnh Minh Chức – chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng, nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Tô Văn Hùng, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường thành phố Đà Nẵng, cho rằng cần có cơ chế bảo vệ cán bộ gỡ rối đất đai. Theo ông Hùng, một số dự án được khơi thông sau nhiều năm đóng băng, lợi ích xã hội ít nhiều được nhìn thấy.
Cụ thể như trong năm 2020, nguồn thu từ đất đai ở Đà Nẵng đã tăng 36% từ việc tháo gỡ nhiều vướng mắc. Tuy nhiên cùng với đó là những băn khoăn, lo lắng trong quá trình tham mưu của ngành chức năng.
"Nếu thành phố không có chính sách ‘đột phá’ về giải tỏa đền bù thì sao có thể di dời hàng trăm ngàn hộ dân trong khoảng thời gian ngắn, để kiến tạo nên diện mạo một đô thị văn minh hiện đại như hôm nay ?. Tuy nhiên, với pháp luật thì mọi sự vận dụng không đúng đều là sai phạm và phải bị xử lý, khắc phục" – ông Tô Văn Hùng bày tỏ băn khoăn về chuyện ‘hành lang pháp lý’.
Ở bài phát biểu kéo dài hơn 30 phút của ông Huỳnh Đức Thơ – người vừa trở thành cựu chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, có đoạn : "Chúng tôi muốn các thế hệ tiếp theo, các cán bộ công chức luôn học hỏi từ các giá trị tích cực này. Và như chúng ta đã đã biết, vừa sáng tạo đổi mới vừa làm đúng, vừa làm đúng vừa nhanh là điều rất khó và đầy rủi ro. Vì khó và rủi ro nên rất cần đến những lãnh đạo và công chức giỏi giang, luôn biết cách làm hiệu quả để hoàn thành tốt công việc của mình".
Như vậy, xét từ loạt ý kiến của các đại biểu hội đồng nhân dân như ông Huỳnh Minh Chức, ông Tô Văn Hùng, ông Huỳnh Đức Thơ,… cho thấy dường như trong quản trị đô thị ở Việt Nam có điểm khác biệt so với những quốc gia khác, đó là vừa quản trị về hành chính, vừa phải biết ‘lách’ để có thể đảm bảo sự phát triển với việc hạn chế đến mức thấp nhất về đối mặt án hình sự khi ‘xé rào’, vì hành lang pháp lý vẫn chưa đáp ứng thực tiễn đòi hỏi.
Thị trường đất đai ở Đà Nẵng là một ví dụ cho đòi hỏi pháp lý cần được tu chỉnh phù hợp. Ở đây là cụ thể trường hợp Đà Nẵng dưới thời của ông Nguyễn Bá Thanh (1953 – 2015).
Những năm từ 2010 đến 2015, nhiều người dân ở Đà Nẵng ví von : Nhịp sống của Đà Nẵng hôm nay cũng như dàn đồng ca, trong đó một trong những người "lĩnh xướng" thành công nhất chính là ông Nguyễn Bá Thanh.
Không ít báo chí đã ngợi ca rằng năm 1997, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng đường xá còn nhỏ hẹp, cư dân thưa thớt, nhiều quận huyện thuần nông. Chỉ sau một thời gian ngắn, với cương vị Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, ông Thanh đã tập trung mọi tâm huyết, sức lực, huy động sức mạnh người dân biến Đà Nẵng thành "hoàng tử" quyến rũ.
Báo chí từng hết mực cổ vũ cho chuyện quản trị đô thị bất chấp pháp luật của ông Nguyễn Bá Thanh : Khi giải phóng mặt bằng làm đường, ông chỉ đạo, phải lấy vào hai bên đường mới một khoảng không 30 – 50m.
Nhiều kỹ sư quy hoạch hỏi nhau, rồi quay ra hỏi ông, ông bảo cứ làm đi rồi biết. Khi hình hài con đường hiện ra, khoảng không trên trở thành "đất vàng" được bán đấu giá công khai ; nhà mọc lên từ những mảnh đất này, phố sá sầm uất, khang trang hẳn cũng nhờ những ngôi nhà có kiến trúc đẹp…
Khi ấy ít ai biết rằng Thanh tra Chính phủ đã có văn bản ‘báo động’ về thực trạng tham nhũng quyền lực ở Đà Nẵng trong thời kỳ 2003 – 2011.
Thanh tra Chính phủ cho biết qua kiểm tra 46/1.061 dự án (4,3% tổng số dự án), đã phát hiện UBND TP.Đà Nẵng đã giao cho các ban quản lý dự án và một số công ty thực hiện chức năng quản lý quỹ đất, ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh và xây dựng nhà để bán và cho thuê không tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai.
Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến phát sinh nhiều sai phạm như : không đủ căn cứ, cơ sở để xác định giá thu tiền sử dụng đất ; việc phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tùy tiện ; nhiều nhà đầu tư sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã không thực hiện đầu tư, tiếp tục chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác thu chênh lệch số tiền rất lớn, làm thất thu ngân sách nhà nước, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Đáng chú ý, trong quá trình xác định giá thu tiền sử dụng đất đối với một số dự án, Hội đồng thẩm định giá đất và UBND thành phố chưa căn cứ vào quy hoạch mục đích sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng, thiếu điều tra, khảo sát khu đất, chưa tính đầy đủ điều kiện hạ tầng và quy hoạch định hướng phát triển trong tương lai, không tính hệ số ngã ba, ngã tư đường, hệ số sinh lời, tính không đủ diện tích, không đúng với mục đích sử dụng đất, giảm giá và phê duyệt giá không tuân thủ quy định, thiếu căn cứ, cơ sở… nên đã xác định giá thu tiền sử dụng đất chưa sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường được quy định tại luật Đất đai.
Một số dự án xác định giá thấp hơn bảng giá đất thành phố ban hành hằng năm, một số dự án khác UBND thành phố quyết định giá thu tiền sử dụng đất thấp hơn giá của Hội đồng thẩm định giá đất thành phố trình, gây thất thu ngân sách, tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư chuyển nhượng thu lời bất chính với số tiền lớn…
Sau những bản án kỷ luật các quan chức Đà Nẵng vừa qua và việc thanh tra sai phạm đất đai đang được tiến hành ở địa phương này, có thuyết âm mưu cho rằng di sản ông Nguyễn Bá Thanh để lại đang được khai thác cho cuộc đấu tranh phe phái trong đảng trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Cần ghi nhận thực tế với cái chết từng được nghi vấn bị đầu độc của ông Nguyễn Bá Thanh, hầu hết vụ án về đất đai sau đó đã không truy cứu trách nhiệm ‘người đã mất’, để qua đó có thể ‘rút kinh nghiệm’.
Từ loạt ý kiến của các đại biểu hội đồng nhân dân như ông Huỳnh Minh Chức, ông Tô Văn Hùng, ông Huỳnh Đức Thơ,… nêu ở phần trên của bài viết, có ý kiến biện giải thế này : thời kỳ Bá Thanh ở Đà Nẵng, thì Bá Thanh hành xử như một ông vua mà không có một cơ chế nào có thể chế tài Bá Thanh cả.
"Người ta nói rằng ông ta có ăn nhưng mà ông ta có làm, quan điểm đó là không hiểu gì về thể chế và luật pháp hết. Mình nên nhớ rằng chủ nghĩa dân túy dễ được những người bình thường ủng hộ, Trump được ủng hộ thì Bá Thanh cũng vậy…" – một nhà báo dè dặt nhận định.
Và rất có thể hệ lụy để lại từ thời hoàng kim của ông Nguyễn Bá Thanh, khiến các ông Huỳnh Minh Chức, ông Tô Văn Hùng, ông Huỳnh Đức Thơ… kêu gọi "cơ chế phải thực chất bằng yếu tố pháp lý", chứ không thể dừng lại ở ý chí kiểu như nghị quyết, văn kiện đại hội Đảng như thường thấy lâu nay.
Hải Châu
Nguồn : VNTB, 11/12/2020
Chú thích :
(*) https://danang.gov.vn/web/hdnd-voi-cu-tri/chi-tiet?id=41847&_c=100000065 ;
https://danang.gov.vn/web/hdnd-voi-cu-tri/chi-tiet?id=41863&_c=100000065
*************************
Liên Chiểu, VNTB, 10/12/2020
Báo Tuổi Trẻ đã rút tít như trên trong bài tường thuật về lần đăng đàn cuối cùng với tư cách chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng của ông Huỳnh Đức Thơ, vào sáng 9/12/2020 (*). Báo Thanh Niên cũng rút tít kiểu tương tự khi tường thuật cùng nội dung (**).
Thắc mắc : liệu ở Việt Nam, thế lực nào đủ mạnh để có thể công khai chèn ép chính quyền ?
Câu trả lời căn cứ được suy luận từ ‘lô-gíc’ của Điều 4, Hiến pháp : phải chăng đó chính là Đảng bộ thành phố Đà Nẵng ?
Báo Tuổi Trẻ viết :
"Trong lần đăng đàn cuối với tư cách chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, ông Thơ cũng đã điểm lại một nhiệm kỳ đầy sóng gió với đời sống chính trị của địa phương này. Trong đó diễn ra nhiều biến động và thay đổi sâu sắc.
Giai đoạn đầu, thành phố kiên quyết điều chỉnh các hoạt động quản lý điều hành, bảo đảm tuân thủ pháp luật, đặc biệt là trên các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng. Đây là việc làm bình thường của chính quyền, nhưng đã vấp phải lực cản và chống đối của một số đối tượng, hòng ép buộc chính quyền làm sai để trục lợi.
"Chúng tôi đã đấu tranh mạnh mẽ, chấp nhận va chạm và đương đầu không cho phép điều đó xảy ra" – ông Thơ khẳng định.
Giai đoạn tiếp theo, thành phố trải qua nhiều cuộc thanh kiểm tra và giai đoạn cuối của nhiệm kỳ phải đối diện và giải quyết một khối lượng công việc rất lớn, với hàng trăm hồ sơ dự án có nhiều vấn đề pháp lý phức tạp.
Ông Thơ cho rằng để tháo gỡ khơi thông nguồn lực đất đai và nguồn vốn xã hội này, không thể không cần đến bản lĩnh, sự vận dụng và sáng tạo trong cách làm, cách tháo gỡ. Trong hoàn cảnh này, nếu chỉ biết làm đúng theo quy định pháp luật thì đồng nghĩa với việc đóng băng các dự án.
Thế nhưng sự vận dụng luôn nằm trong ranh giới giữa cái đúng và cái chưa đúng, rất mong manh. Ngoài ra, nhiều biến động cán bộ chủ chốt từ nửa đầu nhiệm kỳ, nhiều vụ án xảy ra đã có tác động ít nhiều đến thái độ công việc của cán bộ công chức…" (dừng trích).
Ông Huỳnh Đức Thơ đã có 6 năm trên cương vị chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng. Ngày 29/9/2017, ông Thơ bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thi hành kỷ luật Cảnh cáo, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đất đai và trật tự đô thị ở thành phố Đà Nẵng (Quyết định số 629-QĐ/UBKTTW ngày 4 tháng 10).
Ngày 21/11/2017, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định 1852/QĐ-TTg kỷ luật cảnh cáo với ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng do bị kỷ luật trong Đảng cộng sản Việt Nam theo Quyết định số 629-QĐ/UBKTTW.
Ghi nhận ở lần đăng đàn với thời lượng của ‘chia sẻ nỗi lòng’ đến ngoài 30 phút của ông Huỳnh Đức Thơ, không thấy ông nói rõ ai từng là ‘ép chính quyền’. Ông vẫn dừng lại ở úp mở của một lối diễn đạt ít nhiều gieo rắc sự hoài nghi cho thuyết âm mưu, khi ông có đoạn nói :
"Chúng ta, ai cũng rất buồn về những sai phạm dẫn đến những hậu quả đáng tiếc này. Tuy vậy, chúng tôi cũng không thể làm được điều gì khác hơn trong hoàn cảnh này, ngoài việc lấy đó làm bài học kinh nghiệm.
Chúng ta cũng được học hỏi từ những cái chưa đúng rất nhiều. Trong công việc, chúng tôi luôn nêu những gương tốt và nhắc đến những truyền thống và giá trị tốt đẹp của Đà Nẵng mà nhiều thế hệ lãnh đạo đóng góp xây dựng. Đó là tinh thần của một Đà Nẵng luôn mạnh mẽ. Sức sáng tạo và đổi mới của Đà Nẵng luôn vượt trội. Phong cách làm việc sâu sát, quyết liệt, gần dân".
Câu sau đây từ bài ‘tâm tình trước khi rời ghế quyền lực’ của ông Huỳnh Đức Thơ, cho thấy mai này ‘sợi dây’ kinh nghiệm sẽ vẫn được rút cho công việc gọi là quản trị đô thị : "Chúng tôi cũng không thể làm được điều gì khác hơn trong hoàn cảnh này, ngoài việc lấy đó làm bài học kinh nghiệm".
Liên Chiếu
Nguồn : VNTB, 10/12/2020
Chú thích
(*)https://tuoitre.vn/chu-tich-da-nang-mot-so-doi-tuong-chong-doi-hong-ep-chinh-quyen-lam-sai-de-truc-loi-20201209095411621.htm
(**)https://thanhnien.vn/thoi-su/ong-huynh-duc-tho-mot-so-nguoi-ep-chinh-quyen-lam-sai-chung-toi-khong-cho-phep-dieu-do-xay-ra-1314932.html
Với dân số 97 triệu người, liền kề Trung Quốc, Việt Nam đã kiểm soát được đại dịch Covid-19. Trong hơn ba tháng đến gần cuối tháng bảy, Việt Nam không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, và trong số hơn 450 ca lây nhiễm ở Viêt Nam, không có có ca nào chết. Nhưng thành tích đầy ấn tượng đó đã kết thúc ngày 25/7 khi có ca lây nhiễm mới. Đến 2/8, đã có 142 ca lây nhiễm mới, và có ba ca chết, trong tổng số 586 ca lây nhiễm tại Việt Nam.
Các chuyên gia dịch tễ thu thập mẫu, xét nghiệm làm rõ nguồn gốc dịch Covid-19 tại Đà Nẵng
Theo ông Nguyễn Thanh Long (Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế), có khoảng 1,4 triệu du khách đã đến Đà Nẵng trong vòng một tháng (từ ngày 1 đến 29/7). Dịch Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng đã được xác định là virus chủng thứ 6, từ ngoài xâm nhập vào, xuất hiện lần đầu ở Việt Nam từ đầu tháng 7/2020, và đang lan nhanh ra cả nước gồm Hà Nội và Sài Gòn.
Ông Long nhấn mạnh "dịch lần này tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước. Đó là lý do khiến Bộ Y tế đã hành động quyết liệt như vậy". Ngay sau khi phát hiện ổ dịch bùng phát ở Đà Nẵng, Bộ Y tế đã cử ba đoàn cán bộ tinh nhuệ, có nhiều kinh nghiệm chuyên môn về lĩnh vực xét nghiệm, truy vết, điều tra dịch tễ, truyền nhiễm, và điều trị, do một thứ trưởng đứng đầu, để tăng cường cho Đà Nẵng. Đây là một quyết định ứng phó "chưa từng có tiền lệ".
Theo truyền thống, nhiều người Việt tin rằng tháng bảy âm lịch "là tháng cô hồn". Cuối tháng bảy dương lịch đã có nhiều chỉ dấu báo hiệu điềm không lành cho cuối năm, sau thành công ban đầu đến cuối tháng bảy. Nay Việt Nam lại phải bắt đầu lại "chống dịch như chống giặc". Nhưng vì sao dịch lại bùng phát ở Đà Nẵng, và tại sao lại vào tháng bảy ?
***
Đà Nẵng không chỉ là thành phố lớn nhất Miền Trung, mà còn là một địa bàn chiến lược được các nước lớn (như Mỹ, Nga, Trung Quốc) chú ý. Năm 1965, Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng để bắt đầu cuộc chiến tranh Việt Nam. Năm 2018, tàu sân bay USS Carl Vinson cập bến Đà Nẵng, không chỉ là hình ảnh tượng trưng mà còn có ý nghĩa chiến lược.
Để "chống dịch như chống giặc", Việt Nam tuy có khả năng vượt trội để truy tìm (tracking) người lây nhiễm và cách ly (quarantine), nhưng vẫn ẩn tàng nhiều nguy cơ khó lường, đặc biệt là từ Trung Quốc. Sau thành công ban đầu khi Việt Nam kiểm soát được Covid-19, thì nay lại ở thế "thập diện mai phục", như trong một bộ phim của Trung Quốc.
Trong khi đại dịch đang hoành hành khắp thế giới mà chưa có vac-xin và thuốc đặc trị, Việt Nam đối diện với nhiều rủi ro nếu để dịch bùng phát sớm và lan ra khắp cả nước. Tuy Việt Nam sản xuất và xuất khẩu được các thiết bị phòng dịch như khẩu trang, quần áo bảo hộ, máy trợ thở, nhưng vẫn phải nhập các bộ xét nghiệm đắt tiền với số lượng hạn chế.
Tuy đường biên giới Việt-Trung dài 5.000km, nhưng không đủ các chốt phòng dịch tại các cửa khẩu. Bộ Tư lệnh Biên phòng cho biết, từ 1/6 đến nay đã bắt giữ 4.360 người vượt biên trái phép. Nhưng đó chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" vì hàng ngàn người Trung Quốc đã được các đường dây người Việt dẫn đường vượt biên trái phép vào Việt Nam.
Việc đưa người vượt biên trái phép là "con ngựa thành Troy", để giúp người Trung Quốc vượt biên vào Việt Nam, rồi lén lút đưa họ đến Đà Nẵng và các nơi khác. Những người Trung Quốc đó có thể gồm tội phạm hình sự (buôn ma túy và cờ bạc) rủi ro về an ninh và dịch bệnh. Một số đường dây người Việt còn ngang nhiên quảng cáo dịch vụ "bao biên".
Một lỗ hổng khác là các "đặc khu kinh tế". Theo Tuổi Trẻ (26/11/2019), Quốc Hội đã thông qua luật xuất nhập cảnh sửa đổi, cho phép người nước ngoài được miễn thị thực nhập cảnh vào các "khu kinh tế đặc biệt" với thời hạn tạm trú 30 ngày. Luật này được thông qua ngày 25/11, với 404 đại biểu tán thành (tương đương 83,64% ), có hiệu lực từ 1/7/2020.
Luật xuất nhập cảnh này sẽ mở rộng cho người nước ngoài được vào "các khu kinh tế ven biển do chính phủ quyết định". Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020 về việc miễn thị thực nhập cảnh cho người nước ngoài (Trung Quốc) được vào các khu kinh tế ven biển như Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang)…
***
Theo các chuyên gia phân tích, việc miễn thị thực đã tạo điều kiện cho Vân Đồn và Phú Quốc trên thực tế trở thành đặc khu cho người Trung Quốc vào mà không cần thông qua "luật đặc khu". Nói cách khác, quy định mới về miễn thị thực tạo thuận lợi cho người Trung Quốc được "tự do ra vào Vân Đồn và Phú Quốc mà không cần phải xin thị thực".
Dư luận cho rằng các nhóm lợi ích cuối cùng đã đạt được mục đích của họ, dù phương hại đến lợi ích quốc gia. Nhiều người Trung Quốc đến Vân Đồn không chỉ dừng lại ở đó mà họ còn di chuyển đến các nơi khác ở Việt Nam như Đà Nẵng. Trong khi kiểm soát đường biên giới hai nước rất khó, thì kiểm soát ranh giới các khu kinh tế biển còn khó hơn.
Vào cuối tháng 7 khi dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng và lan rộng ra cả nước là lúc nhiều người Trung Quốc xuất hiện tại Đà Nẵng và các nơi khác, trong khi hàng vạn khách du lịch nội địa đổ về Đà Nẵng du lịch với giá rẻ. Gần đây, Bộ Quốc phòng đã cảnh báo rằng nhiều người Trung Quốc đã chiếm nhiều khu đất nhạy cảm ở Đà Nẵng và các nơi khác. Đó là "hiểm họa đúp" về an ninh và dịch bệnh mà người Việt phải đề phòng cảnh giác.
Việc dịch bùng phát tại Đà Nẵng vào tuần cuối tháng bảy đúng lúc Việt Nam chuẩn bị nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế và đúng lúc du lịch nội địa đang tăng mạnh. Nay Đà Nẵng buộc phải thực hiện giãn cách xã hội trên toàn thành phố từ 0h ngày 28/7, và phải dừng tổ chức lễ hội "Tuyệt vời Đà Nẵng 2020" dự kiến diễn ra từ 31/7 đến 5/8. Nói cách khác, chủ quan mở cửa du lịch quá sớm là một sai lầm mà sớm muộn sẽ phải trả giá đắt.
Theo thống kê, trong tổng số 12.000 người Việt nhập cảnh từ các nước/vùng có dịch để được cách ly theo dõi sức khỏe, thì có 232 người cách ly tại bệnh viện, có 10.900 người cách ly tập trung tại các cơ sở của nhà nước, và 800 người cách ly tại nơi ở của họ. Trong khi chính phủ cố gắng đón người về, thì các đường dây ngầm đưa người Trung Quốc vượt biên vào Việt Nam, gây ra nhiều tai họa khó lường cho đất nước về an ninh và dịch bệnh.
Với hàng ngàn người Trung Quốc gần đây bị phát hiện đang cư trú bất hợp pháp tại Việt Nam, dư luận đang bức xúc yêu cầu Chính quyền phải mở chiến dịch truy quét để nghiêm trị người Trung Quốc nhập cảnh trái phép trước khi trục xuất họ về nước theo "thỏa thuận dẫn độ". Cần phải xử thật nặng để răn đe những người Việt nào "nối giáo cho giặc".
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn (Thứ trưởng Bộ Công an) cho biết (ngày 25/7), nếu căn cứ vào các vụ việc mà Công an Đà Nẵng và Quảng Nam đã phát hiện và xử lý thì tình hình quản lý nhập cảnh còn lỏng lẻo. Tuy chưa xác định được nguồn lây nhiễm đối với các bệnh nhân dương tính Covid-19 ở Đà Nẵng, nhưng khoảng trống về quản lý đối với người nhập cảnh trái phép là một lỗ hổng an ninh rất nguy hiểm mà nay "mất bò mới lo làm chuồng".
Nguyễn Quang Dy
Nguồn : Viet-studies, 02/08/2020
Có một danh sách các địa chỉ là những địa điểm bùng phát lây nhiễm
Mỹ Thuận, VNTB, 29/07/2020
Tối 28/7, Bộ Y tế ra Thông báo khẩn số 17, đề nghị những người đến 20 địa điểm tại Thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam liên hệ ngay cơ sở y tế gần nhất.
Trong số 20 địa điểm kể trên, có 17 địa điểm tại Đà Nẵng, gồm các nơi cụ thể :
1. Intercontinential Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà, ngày 17-18/7/2020.
2. Nhà hàng Bảy Ban – Bãi Rạn, đường Hoàng Sa, Thọ Quang, Sơn Trà, từ 17 giờ 30 – 20 giờ, ngày 17/7/2020.
3. Nhà hàng Hải sản Cua Biển, số 112 Võ Nguyên Giáp, Phước Mỹ, Sơn Trà, vào trưa ngày 18/7/2020.
4. Chùa Pháp Hội, 69 Nguyễn Văn Thoại, An Hải Đông, Sơn Trà, ngày 18/7/2020 và 25/7/2020.
5. Sân cầu lông Thanh Khê Đông, đường Đỗ Ngọc Du, Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, từ 14 – 16 giờ, ngày 19/7/2020.
6. Quán Bún trên vỉa hè ở đối diện địa chỉ 152 Lê Duẩn, phường Thạch Thang, quận Hải Châu (chợ đêm Lê Duẩn), vào buổi sáng vào các ngày 20 – 25/7/2020.
7. Limousine Cafe, số 419 Nguyễn Tất Thành, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, vào buổi sáng vào các ngày 20 – 23/7/2020.
8. Chợ An Hải Đông, K.54 Lê Hữu Trác, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, từ ngày 20 – 24/7/2020.
9. Chợ tự phát (quán cóc) dọc đường Hải Phòng, gần đường Điện Biên Phủ, phường Thanh Khê, từ ngày 20 – 25/7/2020.
10. Cà phê Lối Cũ, 07 Hải Phòng, Thạch Thang, Hải Châu (gần bệnh viện Đà Nẵng) vào 7 giờ – 7 giờ 15 sáng ngày 22/7/2020.
11. Demen Coffee House, số 89 Nguyễn Trác, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu vào chiều ngày 23/7/2020.
12. Quán Lẩu & Nướng Phúc Tửu Q., số 366 Đống Đa, Thanh Bình, Hải Châu vào 16 – 17 giờ, ngày 24/7/2020.
13. Coffee Highland ở địa chỉ 203 Ông Ích Khiêm, Tân Chính, Thanh Khê vào 19 giờ – 20 giờ 30, ngày 24/7/2020.
14. Quán trên vỉa hè ở đối diện địa chỉ 40 Đinh Tiên Hoàng, Thanh Bình, Hải Châu sáng ngày 25/7/2020.
15. Nhà hàng của khách sạn Công đoàn, số 2 Ông Ích Khiêm, Thanh Bình, Hải Châu vào trưa ngày 25/7/2020.
16. Bệnh viện 199 – Bộ Công An, số 216 Nguyễn Công Trứ, An Hải Bắc, Sơn Trà vào chiều ngày 26/7/2020.
17. Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, số 118 Ngô Quyền, An Hải Bắc, Sơn Trà vào chiều ngày 26/7/2020.
3 địa điểm tại Quảng Nam, gồm :
1. Chợ ngã 4 Ái Nghĩa, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc vào ngày 22/7/2020.
2. Chùa Giác Nguyên, khu 2, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc vào tối ngày 24/7/2020 và sáng ngày 25/7/2020.
3. Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, khối 8A, huyện Điện Bàn ngày 25/7/2020.
Bộ Y tế yêu cầu những người từng đến những địa điểm nêu trên liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất, hoặc gọi điện đến các đường dây nóng 1900.9095 (Bộ Y tế), hoặc 0905.108.844 (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Đà Nẵng), hoặc 0914.085.388 (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Nam) cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc gần với mình.
Nhà chức trách của thành phố Cần Thơ có thông báo toàn bộ 1.200 hành khách trên 8 chuyến bay từ Đà Nẵng về Cần Thơ trong hai ngày 26 và 27/7 đã được khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với Covid-19.
Tuy nhiên, cơ quan y tế Cần Thơ tiếp tục khuyến cáo người dân không chủ quan, tiếp tục cách ly theo dõi tại nhà trong 14 ngày. Ngoài ra ngành y tế của nơi từng mệnh danh Tây đô, cũng đưa ra lệnh kiểm soát tất cả phương tiện liên tỉnh tại bến xe, bến tàu để kiểm tra giám sát y tế người từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi vào thành phố Cần Thơ.
Đáng chú ý là sự quyết liệt của chính quyền nơi đây, khi UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu các địa phương vận động người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng (ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện…) ; đồng thời giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét khi tiếp xúc… Riêng các sự kiện văn hóa, lễ hội có diễn ra hay không sẽ do chính quyền các cấp quyết định. Những yêu cầu này tương tự như giai đoạn vừa kết thúc cách ly toàn xã hội, chuyển sang giai đoạn giãn cách xã hội.
Quyết liệt không kém Cần Thơ là tỉnh Thừa Thiên Huế. Tối 28/7, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, phát hành công văn chỉ cho phép người và xe cộ từ Thành phố Đà Nẵng đến Thừa Thiên Huế đối với "các trường hợp đặc biệt", bao gồm vì lý do công vụ, xe chở bệnh nhân, người hết thời hạn cách ly, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, xe vận chuyển phục vụ chống dịch và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa.
Như vậy, các loại xe khác nằm ngoài danh mục trên, kể cả xe máy 2 bánh đều bị cấm từ Đà Nẵng về Huế.
Trước đó, ngay chiều ngày 27/7, trong khi Đà Nẵng vẫn tiếp tục mọi hoạt động vận tải hành khách, thì tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiên quyết dừng ngay tuyến xe buýt Huế – Đà Nẵng, đồng thời rà soát hoạt động ‘xe ké, xe chui’ để tránh bỏ sót các đối tượng đến Huế không khai báo y tế. Những trường hợp từ Đà Nẵng trở về Huế sau ngày 10/7 phải được giám sát dịch tễ và khai báo y tế đầy đủ. Các địa phương tập trung lực lượng đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để kê khai y tế, công tác rà soát muộn nhất đến tối 28/7 phải hoàn thành.
Hiện tại, nhà chức trách của Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang ‘bắt chước’ chính quyền đất cố đô, chuẩn bị cho thực hiện kiểm tra "đi từng ngõ, gõ từng nhà" xác minh trong cộng đồng dân cư những người đến từ Đà Nẵng từ ngày 1/7 hiện đang có mặt trên địa bàn thành phố để áp dụng khai báo y tế.
Một mắt xích, một ốc vít lỏng ở thành phố Đà Nẵng, xem ra có thể gây hậu quả khôn lường cho cộng đồng trong mùa dịch Covid.
Mỹ Thuận
Nguồn : VNTB, 29/07/2020
***********************
Virus corona : Ý kiến nói đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam 'là tội ác'
Bùi Thư, BBC, 28/07/2020
Luật sư nhận định với việc đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh không chỉ là hành vi phạm tội mà còn là "tội ác", có thể lãnh án phạt đến 15 năm tù.
Liệu các trường hợp nhập cảnh trái phép có đâm thủng tuyến phòng dịch của Việt Nam ?
Sau hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, tình hình dịch bệnh của Việt Nam đã diễn biến xấu trong vài ngày trở lại đây. Hơn 10 người đã bị phát hiện dương tính, chủ yếu tập trung tại Thành phố Đà Nẵng, nơi trước đó lực lượng chức năng phát hiện nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép và tránh cách ly.
Việc người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, với sự tiếp tay của một số người Việt Nam, đang làm dấy lên chỉ trích gay gắt trong dư luận trước nguy cơ nỗ lực "chống dịch như chống giặc" có thể đổ vỡ.
Hành vi 'tội ác'
Nhiều người có ý kiến rằng việc đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thời điểm này không khác gì câu chuyện con ngựa thành Troy, đâm thủng tuyến phòng dịch và phá vỡ công sức của nhiều người căng mình chống Covid-19. Nhất là khi quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định chủng virus lây lan ở Đà Nẵng là chủng thứ 6 tại Việt Nam. Chủng này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận và chủng vius mới lần này xuất phát từ bên ngoài.
Trao đổi với BBC News tiếng Việt hôm 27/7, luật sư Lê Trung Phát từ Hãng luật Lê Trung Phát (Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có các ca nhiễm trong cộng đồng ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi, hành vi đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào khu vực này không chỉ là phạm tội mà còn là "tội ác".
"Có thể nói, tội phạm nào cũng đáng bị lên án bởi nó để lại hậu quả lớn cho xã hội, xâm phạm đến trật tự xã hội được pháp luật bảo hộ. Thế nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh đang khiến các nước trên thế giới gặp nhiều khó khăn, trong đó có Việt Nam, mà những người phạm tội lại thực hiện các hành vi nêu trên, thì đây có thể được coi là một tội ác".
"Hậu quả nó để lại cho xã hội là vô cùng lớn, làm cả hệ thống chính trị phải tiếp tục vào cuộc để phòng chống, đảo lộn cuộc sống của mấy chục triệu dân, làm ảnh hưởng và suy thoái cả một nền kinh tế, tốn kém không biết bao nhiêu ngân sách của nhà nước. Nó cũng chẳng khác gì so với hành vi diệt chủng, bởi nó đã gieo rắc cái chết đến cho rất nhiều người, nếu họ không được chữa trị kịp thời".
Lập tám đoàn kiểm tra phòng dịch trên các tuyến biên giới.
Cơn sóng chỉ trích đường dây đưa người nhập cư trái phép ở Thành phố Đà Nẵng chưa dứt, sáng 28/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố lại phát hiện 8 người Trung Quốc và 1 người Việt Nam nhập cảnh trái phép tại quận 12.
Đây là sự việc mới nhất liên quan đến vấn đề đưa người nhập cảnh trái phép diễn ra trong bối cảnh Việt Nam có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng trở lại sau hơn 100 ngày yên bình. Trước đó, hàng loạt vụ nhập cảnh trái phép đã được phát hiện tại Đà Nẵng, Quảng Nam, An Giang và một số nơi khác.
Tình trạng nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép dấy lên lo ngại về dịch Covid-19 sẽ lây lan mạnh trở lại trong cộng đồng, khiến nhiều người phẫn nộ, nhất là khi chủng virus xuất hiện ở Đà Nẵng được xác định là chủng thứ 6 tại Việt Nam, có nguồn gốc từ bên ngoài.
Dat Dang, một nhà báo tại Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân : "Bộ Y tế xác định có bệnh nhân nCov chủng mới từ bên ngoài vào. Nói thật, không dân nào hại nhau giỏi bằng dân Việt đâu. Chỉ sau 1 đợt kiểm tra nhẹ, Đà Nẵng gần trăm ông Tàu nhập lậu. Các xứ Quảng chung quanh cũng từa lưa. Chán hẳn. Giờ các địa phương khác sẽ oằn mình chống dịch vì Mỵ Châu".
Nhiều người bức xúc về các trường hợp nhập cảnh trái phép trong bối cảnh dịch bệnh.
Trên trang cá nhân của mình, luật sư Nguyễn Kiều Hưng nêu ý kiến : "Đề nghị 1 : Những ai đã tiếp xúc với người Trung Quốc trong 15 ngày qua hoặc hơn, nên tự cách ly. Đề nghị 2 : Cứ thấy người Trung Quốc báo ngay cho công an và tránh xa họ. Vì một đất nước không TQ, không Covid. Tính gửi 2 đề nghị này để góp ý cho ngài Thủ tướng. Bà con thấy được không ?"
Đồng thời, ông Hưng cũng cho rằng : "Cũng vì hám tiền đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép cả, đưa cả xe ô tô vào mà không ai biết, cần truy cứu cả trách nhiệm của lực lượng chức năng"…
Hôm 25/7, trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng nếu căn cứ vào 3 vụ việc mà Công an Đà Nẵng, Công an Quảng Nam phát hiện, xử lý thì thấy tình hình quản lý nhập cảnh còn lỏng lẻo. Ông nói thêm, nguồn lây nhiễm đối với bệnh nhân dương tính Covid-19 ở Đà Nẵng tuy chưa xác định được nhưng khoảng trống về quản lý người nhập cảnh trái phép là điều cần nhìn nhận nghiêm túc và xử lý dứt điểm.
Phạt tù lên đến 15 năm
Trả lời BBC, luật sư Lê Trung Phát cho biết những người tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép có thể bị khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 348 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 với "Tội tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép".
Theo đó, tùy vào tính chất mức độ như : phạm tội từ 2 lần trở lên, đối với từ 5 người trở lên hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì có thể bị đối mặt với khung hình phạt tù từ 5 năm đến 15 năm tù.
Bên cạnh đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Cao Lượng Cố (quốc tịch Trung Quốc) bị Công an Đà Nẵng cáo buộc cầm đầu đường dây đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Luật sư Phát phân tích rằng, những người phạm tội này có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Điều 52 Bộ luật hình sự 2015 với các tình tiết như phạm tội có tổ chức, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp và đặc biệt là lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để phạm tội.
"Như vậy, khi áp dụng khung hình phạt trong giới hạn của Điều 348, thì họ sẽ bị áp dụng gần như là ở mức cao nhất của khung hình phạt mà họ bị truy tố, tức 15 năm tù", luật sư nêu.
Luật sư Phát cũng nêu quan điểm rằng : "Trong hoàn cảnh này, chúng ta cần triển khai nhanh công tác xét xử người phạm tội, để sớm tiến hành trục xuất những người này ra khỏi Việt Nam, tránh phải tiêu tốn thêm ngân sách để điều trị cho họ, tránh làm ảnh hưởng chung đến lợi ích của quốc gia. Đối với các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, khi phát hiện hành vi vi phạm về nhập cảnh, có nguy cơ gây lây dịch bệnh, cần áp dụng biện pháp cấm nhập cảnh và nhanh chóng cho họ quay trở lại quốc gia, lãnh thổ mà họ đã đến".
Bùi Thư
Nguồn : BBC, 29/07/2020
**********************
Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thành phố Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội bắt đầu từ 0 giờ ngày 28/7, trong vòng ít nhất là 14 ngày.
Nhân viên Trung tâm phòng chống dịch bệnh hướng dẫn người xếp hàng kiểm tra thân nhiên ở san bay quốc tế Đà Nẵng hôm 27/7/2020 AFP
Ông Phúc nhấn mạnh cần phải tập trung xử lý triệt để đối với 3 bệnh viện, bao gồm : Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và các khu dân cư lân cận 3 bệnh viện kể trên, được đánh giá là có nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Tối ngày 27/7, Bộ Giao thông Vận tải cũng ra công văn yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách đến TP này, kể từ 0 giờ ngày 28/7.
Bà Thanh Lâm, một cư dân sống cách bệnh viện Đà Nẵng chưa tới 1km, là nơi bị đánh giá là "ổ dịch" nên tình hình kiểm soát rất nghiêm ngặt :
"Khu của mình là "ổ dịch" gần sát bệnh viện luôn, cho nên phải cách ly nguyên một khu, mấy đoạn đường chính gần bệnh viện cũng bị cách ly hết.
Chỉ có hàng ăn là được bán mang đi, chợ và siêu thị thôi, còn những cái khác là phải đóng cửa hết".
Bà Lâm gởi cho Đài Á Châu Tự do văn bản chỉ thị của Uỷ ban Nhân dân Đà Nẵng yêu cầu mọi người dân phải ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi mua thực phẩm, thuốc men, cấp cứu ; Thực hiện việc giữ khoản cách tối thiểu 2m khi giao tiếp ; Không tập trung quá 2 người ở các nơi công cộng.
Đối với hoạt dộng giao thông vận tải, thành phố yêu cầu dừng hoạt động các bên xe khách, xe taxi xe buýt đến ra ra khỏi địa bàn Thành phố Đà Nẵng…
Tiến sĩ Đinh Gia Hưng, giảng viên Đại học Kiến Trúc Đà Nẵng cho biết người dân thành phố này khá bình tĩnh và sẵn sàng tuân thủ những yêu cầu giãn cách xã hội lần thứ 2 :
"Cảm giác chung của Đà Nẵng là thành phố có vẻ trầm lắng, ngoài đường mọi người cũng ít đi lại hơn, và nhiều hàng quán cũng đã dẹp, đóng cửa. Có vẻ mọi người đã có kinh nghiệm hơn sau lần "đóng cửa" sau Tết.
Thành ra người dân cũng không có gì là xôn xao quá. Họ bình tĩnh và nghe ngóng thông tin chính thống. Một số cũng đi mua khẩu trang, rồi các siêu thị cũng cam kết là sẽ có đủ các loại thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân. Cảm giác chung là Đà Nẵng chuẩn bị tốt và tuân thủ những thông báo từ chính quyền".
Một nhân viên y tế đang đo thân nhiệt cho cư dân tại khu vực phát hiện bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới ở Đà Nẵng hôm 26/7/2020 Reuters
Một cư dân Đà Nẵng khác, ông Khúc Thừa Sơn thì cho rằng có 2 vấn đề khác khiến người dân thực sự lo ngại lúc này. Thứ nhất là nguồn lây nhiễm, hay còn gọi là F0, từ đâu ra ? Phải biết được nguồn bệnh thì mới chủ động phòng tránh được. Thứ hai là người dân sẽ sống ra sao trong những ngày không có việc làm sắp tới :
"Căn bệnh này người dân đã biết qua truyền thông mạng xã hội, cho nên họ lo sợ rằng những ca dương tính ở Đà Nẵng chưa tìm ra được nguồn gốc, mà hiện tại đang lây lan, cho đến ngày hôm nay là đã lên đến mười mấy ca dương tính rồi.
Và họ còn lo lắng là những ngày sắp tới sẽ sống ra sao. Bởi vì, đợt COVID vừa rồi, hỗ trợ của nhà nước Việt Nam mình vẫn chưa xong. Ví dụ, vừa rồi, chỉ có những người có công với cách mạng, hộ nghèo thì đã được hỗ trợ, nhưng những người lao động tự do hoặc doanh nghiệp trong ngành du lịch, khách sạn thì chưa nhận được.
Bây giờ lại tiếp tục đợt này nữa thì cuộc sống của họ sẽ như thế nào trong những ngày tới. Còn vấn đề giãn cách xã hội thì đa số người dân đều ủng hộ".
Ngày 25/7, Chính phủ công bố thêm một ca nhiễm Covid-19 mới thứ 416, xuất hiện tại Đà nẵng. Đây là ca dương tính đầu tiên sau 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Đến ngày 27/7, Việt Nam ghi nhận thêm 11 người khác mắc Covid-19 có liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng, là nơi phát hiện bệnh nhân số 416.
Hiện tại, chưa có thông tin chính thức về nguồn lây nhiễm đợt mới này từ đâu ra. Tuy nhiên, trang web của Bộ Y tế dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết "Chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài".
Ông Khúc Thừa Sơn nói : "Cái vấn đề tìm ra nguyên nhân thuộc về phạm vi của cơ quan chức năng Thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo mình quan sát thì người dân Đà Nẵng trong những ngày qua rất bức xúc vấn đề về Chính quyền địa phương Đà Nẵng nói riêng, và Chính phủ Việt Nam nói chung để cho người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam và đến Đà Nẵng.
Những ngày qua cũng có rất nhiều trường hợp người Trung Quốc xâm nhập trái phép vào Đà Nẵng và đã bị bắt. Đó chỉ là số đã bị bắt thôi. Sau khi nhóm người Trung Quốc bị bắt hàng loạt thì Đà Nẵng lại thông tin rằng có những ca dương tính mới, thì người dân rất bức xúc".
Tiến sĩ Đinh Gia Hưng phân tích, trong gần 100 ngày Việt Nam không có nhiễm trong cộng đồng. Như vậy có nghĩa rằng người dân trong nước không thể có vấn đề gì với dịch bệnh. Ông Hưng cũng yêu cầu Chính phủ phải công bố minh bạch cho người dân về nguồn bệnh từ đâu mà ra :
"Có thông tin là ở Đà Nẵng có một số người Trung Quốc nhập cư vào bất hợp pháp, nhưng mà bên chính quyền lại không quản lý chặt, cũng không nắm được.
Hiện nay, ngay quận của tôi ở là quận Sơn Trà cũng có mười mấy người Trung Quốc bị phát hiện đang sống bất hợp pháp. Có nhiều người Đà Nẵng đã cho những người Trung Quốc này ở trọ.
Ở trong nước, rõ ràng mấy chục ngày qua rất là yên lặng, không có lây nhiễm gì cả. Có nghĩa là người trong nước không có vấn đề gì về dịch bệnh hết. Nhưng mà nếu có trường hợp người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp thì khả năng cao là họ có thể lây cho người địa phương và người địa phương sẽ lấy tiếp. Đây là vấn đề mình phải đặt một nghi vấn lớn nhất.
Tôi cũng mong muốn Chính quyền xét nghiệm, cách ly và thông báo cho người dân biết là những người nhập cư bất hợp pháp như vậy có bị bệnh hay không. Người dân họ cũng muốn biết, chứ nếu không người dân cũng rất mơ hồ về chuyện lây nhiễm như thế nào.
Trong lúc khó khăn như thế này thì người dân và Chính quyền nên hợp tác với nhau, và tất cả thông tin đều phải minh bạch, trung thực. Như vậy thì người dân sẽ đồng lòng với Chính quyền".
Những ngày vừa qua, báo chí nhà nước đưa tin nhiều vụ người Trung Quốc nhập cảnh, cư trú bất hợp pháp tại Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành khác ở Việt Nam.
Ngày 25/7, Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố, bắt giam 6 đối tượng tổ chức đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam từ Móng Cái, với giá khoảng 13 triệu đồng mỗi người.
Chiều ngày 27/7, Công an tỉnh Quảng Nam lại khởi tố tiếp vụ án liên quan đến đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, tạm giữ 2 người, trong đó có 1 người Trung Quốc. Vụ việc này xảy ra vào ngày 18/7, Phòng quản lý xuất nhập cảnh tỉnh Quảng Nam phát hiện một nhóm 21 người Trung Quốc lưu trú trái phép tại thị xã Điện Bàn, Quảng Nam mà không rõ đã nhập cảnh đường nào. Tất cả hiện nay đều đã được đưa vào cơ sở cách ly tập trung.
Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Sơn ngày 25/7 thừa nhận "Có lỏng lẻo trong quản lý nhập cảnh" sau khi xảy ra các vụ việc trên. Ông nói "Tình trạng người nước ngoài xâm nhập bất hợp pháp vào nước ta, chủ yếu là người Trung Quốc, rất nhiều và chưa thống kê hết được trên phạm vi cả nước, qua một số sự việc gần đây cho thấy cần phải "khắc phục kịp thời lỗ hổng xuất nhập cảnh".
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 29/07/2020
**********************
Thêm ca nhiễm Covid-19 phát hiện ở ngoài Đà Nẵng
RFA, 29/07/2020
Việt Nam vào chiều ngày 29/7 báo cáo thêm 4 trường hợp mắc Covid-19 mới, những ca mới được ghi nhận tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Dak Lak. Như vậy tính đến thời điểm này Việt Nam có tổng cộng 450 trường hợp nhiễm Covid-19. Trong số này có 34 ca lây nhiễm trong cộng đồng được phát hiện từ ngày 25/7 đến nay.
Một nhân viên y tế ở Hà Nội đang xét nghiệm Covid-19 cho một nhân viên một quán bán pizza nơi có người được xét nghiệm dương tính với Covid-19 hôm 29/7/2020 - Reuters
Thông tin vừa nêu do Ban Chỉ Đạo Quốc Gia Phòng chống dịch Covid-19 thông báo vào lúc 6 giờ chiều ngày 29/7.
Vào sáng ngày 29/7, Thường trực Chính phủ Hà Nội về phòng chống Covid-19 tiến hành cuộc họp dưới sự chủ trì của ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra nhận định tại cuộc họp rằng phần lớn các ca nhiễm tại Thành phố Đà Nẵng có liên quan đến khu vực 3 bệnh viện là Bệnh Viện Đà Nẵng, Bệnh Viện C và Bệnh Viện Phục Hồi Chức năng Đà Nẵng.
Tuy vậy ổ dịch không chỉ trong bệnh viện mà có thể bao gồm khu vực lân cận ngoài ba bệnh viện vừa nêu. Vấn đề đáng quan tâm là vẫn còn 3 trường hợp chưa tìm thấy nguồn gốc lây nhiễm dù đã tiến hành điều tra kỹ.
Quyền Bộ trưởng Y tế Việt Nam cho biết thêm đối với các địa phương khác đến nay mới chỉ phát hiện khả năng cao xâm nhập từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Dak Lak và Dak Nông.
Thủ tướng chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, cho rằng dịch lần này khác lần trước vì đã lây ra cộng đồng nhiều ngày, chưa tìm được ca F0 ; do đó tình hình phức tạp, nhiều nguy cơ lây nhiễm ở các địa phương, các thành phố lớn, các tình, thành phố xung quanh Đà Nẵng.
***********************
BBC, 28/07/2020
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói cần tính đến cả "tình huống xấu nhất" trong lúc có thêm ca dương tính Covid-19 tại Đà Nẵng và Quảng Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nói "Cả hệ thống chính trị, trước hết là ngành y tế cần "chia lửa" với Đà Nẵng
Thông điệp được đưa ra trong bối cảnh có thêm 7 ca nhiễm mới trong ngày thứ Ba 28/07, với 3 bệnh nhân ở Quảng Nam và 4 người ở Đà Nẵng.
Như vậy, trong bốn ngày qua (25-28/07) riêng Đà Nẵng ghi nhận 18 ca nhiễm, Quảng Nam 3 ca, và Quảng Ngãi một ca.
Các ca Quảng Ngãi và Quảng Nam đều có yếu tố dịch tễ liên quan Đà Nẵng.
Trong tổng số 22 ca nhiễm mới trong cộng đồng cho tới nay, ít nhất hai ca được mô tả là trong "tình trạng nặng" và phải thở máy.
Một số nhóm y bác sĩ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được điều tới Đà Nẵng để hỗ trợ cho các ca "có bệnh nền" và giảm tải cho gánh nặng y tế của thành phố này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nói "cả hệ thống chính trị, trước hết là ngành y tế cần "chia lửa" với Đà Nẵng, không phân biệt bệnh viện tuyến Trung ương với địa phương hoặc địa phương với địa phương" và "không để xảy ra trường hợp nào tử vong".
"Chúng ta không bất ngờ trước tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng nhưng trong chống dịch bao giờ cũng phải lường đến tình huống xấu, tính đến cả tình huống xấu nhất.
"Đến thời điểm hiện nay, các tỉnh, thành phố như : Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, đặc biệt Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đều có nguy cơ có những người liên quan đến Đà Nẵng nhưng thành phố này hiện đang là ổ dịch.
"Do đó, cả hệ thống chính trị, trước hết là ngành y tế cần "chia lửa" với Đà Nẵng, không phân biệt bệnh viện tuyến Trung ương với địa phương hoặc địa phương với địa phương", ông Đam nói.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin trước mắt sẽ tiến hành xét nghiệm khoảng 10.000 người là nhân viên y tế, bệnh nhân các bệnh viện được phát hiện có ca lây nhiễm, người dân ở khu vực nguy cơ và người nước ngoài.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh nhu cầu đặc biệt lưu ý đến tình trạng "người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam".
Ông Nhân được dẫn lời nói trong phiên họp ngày 28/7 rằng "đây là mối nguy cơ cao, từ đó yêu cầu mỗi người dân, mỗi gia đình phải chủ động phát hiện và thông báo kịp thời cho chính quyền và y tế địa phương để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng".
"Xác định rõ nguy cơ, nguồn bệnh là từ đâu thì từ đó mới có các giải pháp hiệu quả", ông Nhân nói thêm.
Tin cho hay trong ba ngày qua, có hơn 18.000 người dân từ Đà Nẵng về Thành phố Hồ Chí Minh bằng đường hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất
Được biết Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị các quận huyện chủ động rà soát, kiểm tra xác minh trong cộng đồng dân cư những người đến từ Đà Nẵng từ ngày 1/7 hiện đang có mặt ở thành phố để áp dụng khai báo y tế.
Trong khi đó chính quyền Thành phố Hà Nội yêu cầu thực hiện rà soát "những trường hợp đi Đà Nẵng và trở về Hà Nội từ ngày 8/7/2020".
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung được dẫn lời xác định Hà Nội là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao và do đó cần ngay lập tức thực hiện rà soát những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm từ "ổ dịch Đà Nẵng".
"Kết quả rà soát ban đầu của các quận, huyện cho thấy khoảng 15.000 đến 20.000 người từ Đà Nẵng trở về thủ đô", Chủ tịch Chung nói. "Mọi người tự giác chấp hành, vì chính quyền có đi rà soát cũng không thể hết",.
Tin cho hay ngành y tế Quảng Nam đưa hơn 10 người đi cách ly và sẽ lấy mẫu xét nghiệm sau khi những người này đã "bỏ trốn" khi đang trong diện phải cách ly ở Bệnh viện Đà Nẵng.
************************
Thu Hằng, RFI, 28/07/2020
Ngày 29/07/2020, bộ Y Tế Việt Nam thông báo có thêm 8 ca nhiễm virus corona, đều liên quan đến bệnh viện ở Đà Nẵng, nâng số ca nhiễm trong năm ngày qua lên thành 30, trong đó có 26 ca là ở Đà Nẵng.
Cán bộ y tế Cao Bằng kiểm tra sức khỏe các trường hợp có nguy cơ cao lây nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh minh họa : Sở Y tế Cao Bằng
Biện pháp cách ly xã hội, theo chỉ thị 16, được áp dụng triệt để trên phạm vi toàn thành phố Đà Nẵng để khống chế dịch, vì vẫn chưa tìm được dấu F0 (ca nhiễm đầu tiên). Virus corona có nguy cơ lan ra nhiều tỉnh thành trên cả nước do Đà Nẵng đón rất nhiều du khách tham quan trong thời gian qua.
Riêng thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 2 ca là một cặp vợ chồng. Người chồng có triệu chứng viêm phổi và được điều trị ở Đà Nẵng, sau đó đến điều trị ở Bệnh viện Quốc tế City, quận Bình Tân. Còn người vợ, chăm sóc chồng, cũng có triệu chứng nhiễm Covid-19. Một khách sạn nằm đối diện với bệnh viện Chợ Rẫy đã bị phong tỏa từ ngày 29/07 do cặp vợ chồng này đã lưu trú tại đây. Bệnh viện Quốc tế City cũng thông báo ngừng tiếp nhận bệnh nhân để khử khuẩn.
Hà Nội có từ 15.000 đến 20.000 người vừa từ Đà Nẵng và các vùng phụ cận trở về. Ca nghi nhiễm đầu tiên tại Hà Nội, được thông báo ngày 29/07, là một nam thanh niên, 23 tuổi, trú tại Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Chính quyền thành phố Hà Nội đề nghị những người từ Đà Nẵng về từ ngày 08/07 đến nay phải tự cách ly, khai báo y tế để lấy mẫu xét nghiệm. Vùng Cao nguyên cũng xuất hiện một số ca nghi nhiễm Covid-19, theo Reuters.
Trong cuộc họp thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19 sáng 29/07, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo về tình hình dịch lây lan nhanh, hiện đã lan ra đến 7 địa phương, bao gồm cả Đà Nẵng và trong thời gian ngắn. Theo VnExpress, ông Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan chức tăng cường chống dịch, nhưng đồng thời không được "ngăn sông cấm chợ", mà từng địa phương có kịch bản ứng phó như giai đoạn đầu chống dịch.
Thu Hằng
*********************
Anh Vũ, RFI, 28/07/2020
Theo Reuters, sau khi phát hiện 14 trường hợp nhiễm virus corona trong vòng 3 ngày tại thành phố Đà Nẵng, chính quyền Việt Nam đã quyết định áp dụng các biện pháp phong tỏa hoàn toàn thành phố du lịch miền trung này.
Bắt đầu từ hôm nay, 28/07/2020, bộ Giao Thông thông báo ngừng toàn bộ các chuyến bay, các phương tiện vận tải đường sắt, đường bộ đi và đến Đà nẵng trong vòng 15 ngày. Thành phố Đà nẵng và các vùng phụ cận từ hôm nay trở lại với các biện pháp giãn cách phòng dịch gần như đã áp dụng tại Việt Nam hồi tháng 3 vừa qua. Hiện tại ngành hàng không chỉ dành ưu tiên một số chuyến bay để giải tỏa du khách ra khỏi thành phố sau khi có lệnh giãn cách xã hội.
Ngoài ra các tỉnh thành khác của Việt Nam cũng đang được đặt trong tình trạng báo động, do Covid-19 có thể lan ra từ những khách từ Đà Nẵng trở về.
Thông tín viên RFI Frédéric Noir tại thành phố Hồ Chí Minh tường trình :
Quyết định giải tỏa số lượng lớn du khách được chính phủ ban hành khẩn cấp. Báo chí tại Việt Nam đăng các hình ảnh nhà ga sân bay Đà Nẵng chật kín người. Từ hôm thứ Bảy, các hãng hàng không trong nước đã thực hiện gần 100 chuyến bay mỗi ngày từ Đà Nẵng đến các thành phố trong nước.
Để bảo đảm đợt giải tỏa khách khỏi thành phố sẽ không góp phần làm lây lan thêm virus, chính quyền quyết định tất cả những người từ Đà Nẵng trở về sẽ phải được cách ly 14 ngày tại địa phương. Các biện pháp giãn cách xã hội cũng được áp dụng trở lại ở Đà Nẵng, nhiều người lo ngại các biện pháp sẽ còn được mở rộng ra các thành phố khác. Được biết một trong số người nhiễm vừa được phát hiện đã từng tới thành phố Hồ Chí Minh thăm người thân.
Dù chính quyền không chính thức khẳng định có liên quan giữa các ca dương tính mới với tình trạng nhập cảnh bất hợp pháp, nhưng các nghi ngờ vẫn lan truyền trong dân chúng. Cần phải nói là từ tháng 5, gần 1.500 người đã bị bắt vì đã nhập cảnh lậu qua biên giới.
Dù đa phần trong số này là những người Việt Nam từ Trung Quốc trở về nhưng muốn tránh bị cách ly bắt buộc, báo chí còn chỉ ra trong số nhập cảnh lậu còn có các lao động người Trung Quốc. Thủ tướng Việt Nam đã ra lệnh cho công an trấn áp mạnh nạn nhập cảnh trái phép.
Anh Vũ
Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai với vai trò đại diện chủ sở hữu của nhà nước đã ban cấp cho quan chức chính quyền quyền định đoạt tuyệt đối với toàn bộ đất đai trong thẩm quyền, thông qua một quy trình 2 bước bao gồm quy hoạch (điều chỉnh quy hoạch) và thu hồi đất theo quy hoạch.
Đà Nẵng từng tổ chức thi tuyển quốc tế nhưng 5 năm vẫn chưa hoàn thiện quy hoạch sông Hàn. Ảnh : Nguyễn Đông. (VnExpress, 24/04/2019)
Bước sau - thu hồi đất - không xa lạ gì với dư luận bởi biểu hiện của nó là những cuộc cưỡng chế thu hồi đất đầy máu và nước mắt diễn ra thường xuyên liên tục từ Nam chí Bắc.
Bước trước đó - quy hoạch - tuy kín đáo hơn, vì chủ yếu được thực hiện trong phòng máy lạnh giữa cuộc thương lượng ngã giá của các nhóm cấu kết quyền-tiền, song lại không kém phần quan trọng.
Bởi chỉ cần một chữ ký điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, chẳng hạn từ đất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ hoặc đất ở, chẳng những sẽ có căn cứ pháp lý để cưỡng đoạt từ tay người dân sang cho chủ mới là nhóm thân hữu với quan chức chính quyền, mà giá trị khu đất sau đó có thể tăng lên hàng trăm, hàng ngàn lần.
Trong một số trường hợp khác, các quan chức sẽ cố tình trì hoãn lập và phê duyệt quy hoạch, để khi các dự án - mà thường là có vấn đề - được thực hiện xong thì chuyện đã rồi. Quy hoạch sau đó sẽ phải 'gọt chân cho vừa giày' các dự án, chứ không phải các dự án phải phù hợp với quy hoạch như nó nên là.
Một ví dụ điển hình của cách thức thao túng chính sách này là câu chuyện các dự án lấn sông Hàn đang ồn ào dư luận những ngày qua. Trả lời báo chí về nguyên nhân vì sao đã 5 năm mà chưa công bố quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hàn, chính quyền Đà Nẵng cho biết năm 2016 đã tổ chức cuộc thi quốc tế về phương án quy hoạch song vẫn chờ cấp trên phê duyệt để công bố. Họ cũng giải thích thêm là phải lấy ý kiến cộng đồng dọc hai bên bờ sông nên hơi lâu [1].
Trong khi lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp - đạo luật gốc của quốc gia - chỉ trong vòng ba tháng [2] thì thật là vô lý khi Đà Nẵng mất đến ba năm vẫn chưa lấy được ý kiến của người dân hai bên bờ sông về quy hoạch hai bờ sông Hàn.
Nhưng điểm mấu chốt nằm ở chỗ, chính trong thời gian trì hoãn ban hành quy hoạch hai bờ sông Hàn, hai dự án lấn sông phân lô biệt thự (Marina Complex của công ty Bến Du Thuyền và Olalani của SunGroup) đã được thành phố cho phép triển khai.
Có nghĩa là, ngay cả khi tới đây quy hoạch hai bờ sông Hàn được phê duyệt thì quy hoạch đó cũng phải chấp nhận hai dự án lấn sông kia và phải điều chỉnh cho phù hợp với chúng, thay vì ngược lại.
Kẽ hở pháp lý này rõ ràng đang giúp tạo ra một nhóm lợi ích dựa trên quy hoạch sử dụng đất để trục lợi, bất chấp quyền lợi của cộng đồng.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 30/04/2019 (nguyenanhtuan's blog)
[1] https://vnexpress.net/thoi-su/da-nang-5-nam-chua-xong-quy-hoach-song-han-3914417.html
[2] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ba-thang-lay-y-kien-nhan-dan-du-thao-sua-doi-hien-phap-607365.tpo
Tội phạm ở ‘đảo ngọc Phú Quốc’ ngày càng ‘manh động và liều lĩnh’ (Người Việt, 02/09/2018)
Trong năm 2018, huyện đảo Phú Quốc xuất hiện thêm các băng nhóm bảo kê trong tranh chấp đất đai, cho vay nặng lãi, khai thác khoáng sản trái phép…
Công an bắt quả tang một vụ khai thác cát trái phép ở bờ biển thuộc xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc. (Hình : Thanh Niên)
Sáng 1 tháng Chín, 2018, báo Thanh Niên trích lời ông Lê Văn Mót, trưởng Công An huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, cho biết tình hình hoạt động của các băng nhóm tội phạm "vẫn còn diễn biến phức tạp".
Ông cho hay, trong năm 2018, tình hình trật tự xã hội ở huyện đã xảy ra 80 vụ, tội phạm ma túy phát hiện 27 vụ, tội phạm kinh tế xảy ra hai vụ. Ngoài ra, công an đã phát hiện một vụ, bắt bốn người tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép, thu giữ một súng AR15 và 38 viên đạn.
Trong 80 vụ án ở huyện, "dù số liệu có giảm 28 vụ so với cùng kỳ năm 2017 nhưng phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội manh động và liều lĩnh hơn", báo Thanh Niên cho hay.
Rác trên bãi biển Phú Quốc. (Hình : Thanh Niên)
Cũng theo báo Thanh Niên, sáng 31 tháng Tám, ông Phạm Văn Nghiệp, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc, cho biết : "Phú Quốc phát triển kéo theo nhiều hệ lụy".
Theo ông Nghiệp, "đảo ngọc Phú Quốc" khó tránh khỏi ô nhiễm môi trường, khiến người dân Phú Quốc đang phải đối mặt hằng ngày.
Trong năm qua Phú Quốc có trên 33,000 người nhập cư. Con số này gây áp lực rất lớn đối với chính quyền địa phương.
"Điều đáng nói là đến thời điểm này, Phú Quốc vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải và rác thải tập trung", báo này cho hay. (Tr.N)
****************
Dân Đà Nẵng 10 năm sống khổ bên dòng kênh đen (Người Việt, 02/09/2018)
Người dân sống dọc bờ kênh Khuê Trung-Đò Xu (tổ 68, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) suốt 10 năm qua phải chịu cảnh ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sinh hoạt.
Kênh Khuê Trung-Đò Xu đen ngòm, bốc mùi hôi thối. (Hình : Thanh Niên)
Theo báo Thanh Niên, kênh hở Khuê Trung-Đò Xu được xây dựng từ năm 2007, chảy qua khu vực giáp phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) và phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ). Dòng kênh dài 300 mét (từ đường Hồ Nguyên Trừng đến hồ điều tiết Đò Xu), nước đen sì, bốc mùi hôi thối. Hai bên bờ kênh đã được xây bao bằng đá nhưng phía dưới cỏ cây vẫn mọc um tùm, chặn đứng dòng chảy.
Bà Phạm Thị Trọng (57 tuổi, nhà bên bờ kênh) cho biết dòng kênh bốc mùi hôi rất khó chịu suốt cả ngày. Vào mùa nắng nóng, nước kênh cạn, mùi hôi càng nồng nặc. Bà đã mở một quán ăn ngay trước nhà nhưng vì mùi hôi dưới kênh bốc lên, khách đến một lần là không dám trở lại.
"Hơn 10 năm tôi sống ở đây chỉ thấy người ta nạo vét dòng kênh có một lần. Ô nhiễm khiến gia đình tôi không thể buôn bán gì được", bà Trọng than phiền.
Tương tự, ông Nguyễn Tấn Liêm (47 tuổi, tổ 68, phường Hòa Cường Nam) bực tức nói : "Con kênh này bốc mùi hôi thối cả ngày lẫn đêm, nặng nhất là lúc trời mưa rồi nắng trở lại. Lúc mưa to khiến nước tại miệng cống thoát không kịp, mùi hôi thối bốc lên càng kinh khủng hơn, chúng tôi không thể nuốt nổi bữa cơm".
Người dân khổ vì 10 năm sống chung với dòng kênh ô nhiễm. (Hình : Thanh Niên)
Theo ông Nguyễn Văn Nhật, tổ trưởng tổ 68, phường Hòa Cường Nam, kênh Khuê Trung-Đò Xu ô nhiễm ảnh hưởng đến hơn 50 nhà dân thuộc tổ 68 và học sinh tại trường trung học Nguyễn Khuyến. "Hiện cơ quan chức năng có đặt hệ thống bơm tại miệng cống để khử mùi hôi, nhưng giải pháp này không hiệu quả. Nước ô nhiễm của kênh là môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển, nguy cơ gây dịch bệnh sốt xuất huyết", ông Nhật nói.
Nói với báo Thanh Niên hôm 30 tháng Tám, 2018, ông Mai Mã, giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, cho biết "công ty đã dùng khoáng hóa xử lý mùi, tại cửa xả kênh Đò Xu đã có hệ thống phun khử mùi tự động định thời".
"Các nhà dân nơi đây đề nghị xây cống hộp để khỏi bốc mùi hôi, đồng thời tận dụng mặt bằng trên cống để làm việc khác. Nếu làm cống hộp kín sẽ kiểm soát được vấn đề mùi hôi, tạo được không gian nơi đây tốt hơn. Nhưng vấn đề này là do Sở Xây Dựng tham mưu rồi trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định", ông Mã cho biết thêm. (Tr.N)
***************
Dân Đồng Tháp dùng xung điện ‘tàn sát’ cá, bất chấp tính mạng (Người Việt, 01/09/2018)
Đầu tháng Tám, 2018, trên một cánh đồng ở xã An Bình A, thị xã Hồng Ngự, một người dân tử vong do bất cẩn khi đánh bắt cá bằng xung điện.
Bộ xung điện dùng để đánh bắt cá. (Hình : Người Lao Động)
Theo báo Người Lao Động, thay vì dùng ngư cụ bình thường đánh bắt cá thì nhiều người ở thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, lại dùng xung điện bắt cá, bất chấp cảnh báo nguy hiểm tính mạng.
Báo này cho hay, tại nhiều nơi ở miền Tây còn tồn tại cách đánh bắt dùng xung điện (hay còn gọi là xiệc điện). Chỉ với khoảng 1 triệu đồng (hơn $42), người dân sẽ "trang bị" được một bộ xung điện để đánh bắt cá, gồm bình ắc quy, cục biến thế, dây điện…
Giá cả vừa túi tiền, dễ mua, dễ làm, đánh bắt hiệu quả cao nhất nên phương thức đánh bắt cá này ngày càng nở rộ, bất chấp mạng sống.
Những ngày cuối tháng Tám, 2018, mương Út Gốc (thuộc xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự) đã được rút nước. Nước cạn nên cá trong mương dễ thấy hơn, và thế là nhiều người dân đã dùng ngư cụ để đánh bắt. Điều đáng nói là thay vì dùng các ngư cụ thông thường thì không ít trong số đó dùng xung điện để đánh bắt cá theo kiểu tận diệt, tiềm ẩn nguy cơ an toàn tính mạng.
Mương Út Gốc cạn nước cũng là lúc dập dìu người đánh bắt cá bằng xung điện. (Hình : Người Lao Động)
Từ rất sớm, nhiều phương tiện xuồng nhỏ sử dụng xung điện đánh bắt cá dập dìu tại đây. Mỗi phương tiện có trang bị bình ắc quy cỡ lớn, dây điện và một cây sào tre. Phần đầu sào tre này có một cái vợt được dẫn điện để làm tê liệt cá, sau đó vợt này dùng để vớt cá. Theo một người sử dụng xiệc điện "bật mí" rằng dùng cách này có khi một ngày bắt được cả chục kg cá là bình thường.
Cách sử dụng thì đơn giản và theo nhiều người thì rất hiệu quả, thế nhưng tiềm ẩn nguy cơ bị điện giật rất cao, bởi vì những người đi xiệc đều đang tiếp xúc trực tiếp với nguồn điện. Hơn nữa, cách đánh bắt cá này đang làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, dù ngành nông nghiệp cấm sử dụng.
Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp tử vong liên quan đến xung điện, thế nhưng vì sự "tiện lợi" của nó nên nhiều người đã bất chấp để sử dụng. (Tr.N)
Vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm) hiện đã kéo theo hàng loạt quan chức, cựu lãnh đạo cấp cao của chính quyền Việt Nam cùng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố để phục vụ công tác điều tra vụ án và dự kiến sẽ còn khởi tố nhiều nhân vật khác vào những ngày sắp tới. Đà Nẵng trong những ngày "nóng" hơn bao giờ hết…
Những gương mặt bị khởi tố vì vướng vào Vũ "Nhôm". Ảnh : Zing
Thật vật, trong những ngày này ở Đà Nẵng thật sự "nóng", "nóng" không chỉ vì thời tiết đang vào những ngày mùa hè oi bức mà "nóng" ở đây còn liên quan đến vụ án Vũ "nhôm" đang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an mở rộng điều tra đã kéo theo hàng loạt quan chức, cựu lãnh đạo cấp cao của chính quyền Việt Nam bị kỷ luật và "xọ khám".
Vũ "nhôm" chính thức bị Bộ Công an Việt Nam bắt tạm giam vào ngày 4/1/2018 sau khi bị Cục xuất nhập cảnh Singapor trục xuất vì có hai hộ chiếu với hai nhân thân khác nhau. Trước đó vào các ngày 21& 22/12/2017, Vũ "nhôm" bị Bộ Công an phát lệnh khởi tố và truy nã.
Việc Vũ "nhôm" bị bắt là một sự chấn động đối với người dân và tình hình chính sự ở Đà Nẵng, đã chứng minh chân lý không gì là không thể, khoảng cách giữa vương quyền và tội phạm chỉ trong gang tấc. Một Vũ "nhôm" quyền uy ở Đà Nẵng như thế, lắm người vừa nể vừa phục thậm chí là sợ nay đã trở thành tội phạm bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố với ba tội danh "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước", "Trốn thuế", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Vũ "nhôm" bị bắt, dư luận tất đoán biết không sớm thì muộn đường dây "ăn theo" Vũ "nhôm" cũng phải cùng chung số phận.
Ngày 17/4/2018, Đà Nẵng lại chấn động liên quan đến chấn động bắt Vũ "nhôm", Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố 07 bị can trong đó có 5 bị can ở Đà Nẵng gồm các ông :
- Trần Văn Minh (SN 1955) nguyên C
- Văn Hữu Chiến (SN 1954) nguyên Chủ tịch Ủy ban Thành phố Đà Nẵng (2011-2014) ;
- Nguyễn Điểu (SN 1958) nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Thành phố Đà Nẵng ;
- Trần Văn Toán (SN 1957) nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Thành phố Đà Nẵng và
- Lê Cảnh Dương (SN 1975), Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Thành phố Đà Nẵng cùng về hành vi "Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai" quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Riêng ông Minh và ông Chiến bị khởi tố thêm hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ông Minh hiện đang bị tạm giam và ông Chiến bị áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
Không ở Đà Nẵng nhưng cũng là một trong bảy bị can phải nói là rất quan trọng bị khởi tố vào ngày 17/04 có liên quan đến vụ án Vũ "nhôm" là trung tướng Phan Hữu Tuấn (SN1955, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) nguyên Phó Tổng cục tỉnh báo Bộ Công an đã nghỉ hưu về hành vi "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015. Bắt trung tướng Tuấn đã góp phần rõ ràng hơn về tin đồn thân phận tình báo Công an của Vũ "nhôm" mà đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chưa chính thức thông tin cho dư luận được biết.
Và nếu Vũ "nhôm" là tình báo công an thì xét về mối quan hệ mật thiết ở Đà Nẵng chẳng ai khác hơn là hàng ngũ công an đứng đầu hiện tại là ông Đại tá Lê Văn Tam - Giám đốc công an Thành phố Đà Nẵng.
Nhắc đến đại tá Tam ở Đà Nẵng có thể một ai đó không biết nhưng đối với nhà báo Dương Hằng Nga - Trưởng văn phòng đại diện Tạp chí Giao thông vận tải khu vực miền Trung và Tây Nguyên thì phải biết. Vào tháng 8/2017, nhà báo Hằng Nga có chuyến công ty đi Myanmar nhưng lại bị Công an Đà Nẵng ra lệnh cấm xuất cảnh 3 tháng. Công an Đà Nẵng cho rằng việc cấm xuất cảnh đối với nhà báo Hằng Nga là đúng quy định vì trước đó họ nhận được đơn của ông Vũ "nhôm" khiếu nại nhà báo Nga đã dùng quyền năng nhà báo xúc phạm lợi ích hợp pháp của công ty và danh dự cá nhân. Bản thân nhà báo Hằng Nga cho biết, khoảng thời gian từ ngày 8-15/4/2017, nhà báo này đã viết 8 bài báo đăng trên Tạp chí Giao thông vận tải có nội dung chống tiêu cực tại dự án xây dựng Khu đô thị Đa Phước do Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 và ông Vũ "nhôm" là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty này.
Nhà báo Hằng Nga còn cho biết thêm, khoảng tháng 6/2016 khi nhà báo này đưa bố chồng đi mổ dạ dạy tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Sài Gòn)cũng liên tục bị Cơ quan An ninh điều tra Đà Nẵng triệu tập, xét hỏi.
Liên quan giữa nhà báo Hằng Nga với Công an Đà Nẵng nói chung và cá nhân đại tá Tam nói riêng còn phải nói ngay tại thời điểm Đà Nẵng đang "nóng" vụ án Vũ "nhôm" thì mới đây nhà báo Hằng Nga đã giáng một "quả đấm thép" vào đại tá Tam khi đăng một status lên trang Facebook cá nhân Dương Hằng Nga được cho là của nhà báo Hằng Nga với nội dung thông tin đại tá Tam có biệt phủ gần trăm tỷ đồng ở làng biệt thự Euro Village ở bờ đông sông Hàn (Đà Nẵng) có phải do Vũ "nhôm" biếu tặng ? Ngay lập tức đại tá Tam đã lên tiếng thừa nhận gia đình ông có biệt thự ở làng biệt thự Euro Village nhưng phủ nhận do Vũ "nhôm" biếu tặng.
Không chỉ vậy, trong những ngày qua dư luận ở Đà Nẵng đang có tin đồn là thời gian tới đại tá Tam có nguy cơ bị đưa vào "lò đốt" bởi chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng đang cháy chưa thấy có giới hạn. Và nếu tin đồn này thành hiện thực thì người tiền nhiệm của đại tá Tam ở cương vị Giám đốc Công an Đà Nẵng là Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng có thể đứng trước nguy cơ bị "dòm ngó". Và tất cả mọi diễn biến như tin đồn thì quả thật Đà Nẵng đón nhận "bão tố" giữa mùa hè hoặc là "đại hạn" cho giới quan chức Đà Nẵng.
Minh Hải
Nguồn : VNTB, 25/4/2018
Hiện tượng các quan chức cao cấp của Việt Nam hoàn toàn vắng bóng trong buổi đón tiếp hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ vào ngày 5/3/2018 đã khiến nảy sinh một dấu hỏi lớn : phải chăng giới chóp bu Việt Nam đã phải chịu một sức ép đủ lớn từ "bạn vàng" Trung Quốc mà đã gây ra hiệu ứng "lủi sạch" ?
Buổi đón tiếp hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ vào ngày 5/3/2018 tại Đà Nẵng và hiệu ứng “lủi sạch” của quan chức cao cấp Việt Nam. Ảnh: Bình Nguyên - Đình Thức
Thật thế, tại buổi đón USS Carl Vinson chỉ có đại diện chính quyền thành phố Đà Nẵng với quan chức cấp cao nhất là ông Lâm Quang Minh – giám đốc Sở Ngoại vụ, cùng đại diện Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân ; Bộ tư lệnh Quân khu 5. Thậm chí không có nổi một phó chủ tịch của thành phố Đà Nẵng. Còn nhiều báo nhà nước khi giới thiệu về "đại diện Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân ; Bộ tư lệnh Quân khu 5" thậm chí còn không nói rõ tên họ của các vị này như một sứ cố ý.
Trong khi đó, phía Mỹ tham dự buổi được đón tiếp trên, ngoài Daniel Kritenbrink – Đại sứ Hoa Kỳ tại việt Nam, còn có cả một nhân vật rất cao cấp : Tư lệnh Hạm đội 7 Thái Bình Dương – Đô đốc Scott Swift.
Sự có mặt của Đô đốc Scott Swift tại lần hiện diện đầu tiên của hàng không mẫu hạm Mỹ ở Việt Nam kể từ năm 1975 cho thấy người Mỹ thật sự coi trọng ý nghĩa và tôn trọng nước chủ nhà Việt Nam, nằm trong chiến lược "tăng cường hơn nữa sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông" nhằm đối trọng với những sức ép đang gia tăng không ngừng và có thể kích động chiến tranh từ phía Trung Quốc.
Vào năm 2014 khi tung tóe vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xông thẳng vào vùng lãnh hải Việt Nam như chốn không người và như một cú vỗ mặt nảy đom đóm vào Bộ Chính trị Việt Nam, Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương khi đó là Đô Đốc Samuel Locklear đã gợi ý vẫn còn cửa cho "đối tác chiến lược toàn diện" giữa Mỹ và Việt Nam, hàm ý rằng Việt Nam cần rõ ràng và dứt khoát hơn trong mối quan hệ quân sự với Mỹ chứ không thể đeo bám chính sách "đu dây" nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, chính thể Việt Nam đã phớt lờ hảo ý của người Mỹ mà vẫn đeo đuổi mối quan hệ ngày càng nguy hiểm hơn với người bạn "bốn tốt – mười sáu chữ vàng". Còn tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam là Nguyễn Phú Trọng vẫn cày cục "xin gặp" chủ tịch Trung Quốc là Tập Cận Bình để xử ý cuộc khủng hoảng "Hải Dương 981". Thế nhưng nghe nói là bất chấp việc ông Trọng đã có đến 20 lần gọi điện thoại sang Bắc Kinh, họ Tập vẫn không nhấc máy.
Chỉ từ đầu năm 2016, "tập thể Bộ Chính Trị Việt Nam" đã bắt đầu phải tính toán việc dựa dẫm vào sức mạnh của hải quân Mỹ để bảo vệ vùng biển của mình.
Vào cuối tháng 7/2017 đã xảy ra một sự kiện mà được dư luận xã hội liệt vào loại "nhục quốc thể" : chính quyền Việt Nam phải "giương cờ trắng" khi yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol – một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam – ngay tại Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng "thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam". Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ "nhục quốc thể" ấy, nhưng vụ "giương cờ trắng" này lại trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí.
Chưa hết, sau thất bại ở Bãi Tư Chính, Việt Nam lại có nguy cơ bị Trung Quốc cản trở việc khai thác dầu khí ở mỏ Cá Voi Xanh – dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam ơ ngoài khơi Đà Nẵng, nơi được phát hiện bởi Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ và có thể sẽ đóng góp gần 20 tỷ đô la vào ngân sách Việt Nam.
Trong cơn quẫn bách mất ngủ lẫn mất ăn ngay trên vùng biển của mình, Hà Nội đã một lần nữa phải "cầu viện" Hoa Kỳ, mà cụ thể là kêu gọi một sự hỗ trợ từ hải quân Hoa Kỳ, mà ngay trước mắt là một hàng không mẫu hạm Mỹ có mặt ở Đà Nẵng để "hù" Trung Quốc.
Tuy thế và cứ như một sự trớ trêu đa nhân cách, tinh thần cầu cạnh Mỹ được báo chí nhà nước mô tả là "nỗ lực của 10 năm" như thế lại rất mau chóng chuyển thành thói kênh mặt ngạo mạn của kẻ cháy túi. Thái độ giới quan chức Việt Nam chọn cách đón tiếp quá bất xứng đối với USS Carl Vinson và Tư lệnh Hạm đội 7 Thái Bình Dương đã thêm một lần nữa mô tả lối tuyên truyền trong nội bộ Đảng cộng sản về "Mỹ cần Việt Nam hơn Việt Nam cần Mỹ" – kéo dài suốt từ thời bình thương hóa quan hệ Việt – Mỹ vào năm 1995 cho đến tận giờ đây.
Thái độ bất xứng trên cũng một lần nữa mô tả chính xác trạng thái "cần Mỹ nhưng lại sợ Trung".
Nhưng có một mục đích xuyên suốt mà giới chóp bu Việt Nam không bao giờ quên : dù quan chức cấp cao "trốn biệt" khi đón hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, nhưng để "mượn danh" sự có mặt của hàng không mẫu hạm này, báo chí nhà nước đã ồ ạt mở một đợt tuyên truyền theo cách "Tàu sân bay thăm Việt Nam đóng góp vào hòa bình khu vực" (Zing.vn), "Tàu sân bay Mỹ đến Đà Nẵng là bước chuyển mạnh trong quan hệ hai nước" (VnExpress), "Dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt – Mỹ" (báo Thanh Niên), "Chuyến thăm của tàu sân bay Carl Vinson khẳng định ‘cam kết, ủng hộ’ với Việt Nam" (Thanh Niên)…
Quan sát thái độ "vừa đón vừa run" của Việt Nam đối với USS Carl Vinson, một người chạy xe ôm phẫn nộ : "Thật nhục cho một chính quyền chẳng còn biết tính chính danh là cái quái gì ! Chỉ giỏi đu dây, lợi dụng nước này để dọa nước kia, chứ còn bao nhiêu ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc nó bắn giết thì có điều tra ra được cái gì đâu. Cứ thế này thì có khi cứ cho thêm một vụ Hải Dương 981 nữa ngoài Biển Đông để mấy cha lãnh đạo trắng mặt vỡ mặt thì mới biết thế nào là đu dây !".
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 07/03/2018
***********************
Vì sao Việt nam lại đón USS Carl Vinson (VNTB, 08/03/2018)
Hoa Kỳ đang cho một trong những tàu lớn nhất, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, đến Việt Nam trong tuần này. Đây sẽ là hàng không mẫu hạm đầu tiên cập cảng Việt nam kể từ khi chiến tranh kết thúc cách đây hơn 40 năm.
USS Carl Vinson tại cảng Đà Nẵng vào ngày 5 tháng Ba. Ảnh : Getty Images.
Ở một số khía cạnh, đây là một sự kiện thông thường : các tàu chiến Mỹ khác đã ghé thăm cảng Việt Nam từ năm 2003. Nhưng đó cũng là thời điểm biểu tượng. Trước đây, chính phủ Việt Nam đã giữ khoảng cách với các hàng không mẫu hạm - các quan chức chỉ thăm viếng chúng ở ngoài khơi. Với việc chào đón tàu USS Carl Vinson vào cảng Đà Nẵng, thành phố thứ ba của nước này, và một trong những điểm gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp nhất, Việt Nam rõ ràng đang gửi đi một số thông điệp mạnh mẽ.
Thông điệp rõ ràng nhất là một sự đáp trả các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Việt Nam đang báo hiệu rằng họ có một người bạn mạnh mẽ và sẵn sàng theo đuổi mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với người bạn đó. Nhưng những thông điệp này được hiểu một cách cẩn thận. Việt Nam có chính sách "ba không" : không có các căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ, không liên minh quân sự và không liên quan đến bên thứ ba trong các tranh chấp. Chúng ta không nên mong đợi vị trí này thay đổi. Việt Nam sẽ không tham gia vào nhóm các quốc gia kiểm soát Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu.
Nhưng chính phủ Việt Nam dường như đang sử dụng chuyến viếng thăm của hàng không mẫu hạm này cho các mục đích riêng của họ. Năm ngoái, Việt Nam đã cho phép công ty năng lượng của Tây Ban Nha Repsol khoan khí đốt ngoài khơi phía đông nam. Đây là một động thái đáng ngạc nhiên, vì các lãnh đạo biết rằng các đối tác Trung Quốc của họ chắc chắn sẽ phản đối. Trung Quốc thực sự đáp lại : đe doạ tấn công các đồn quân sự của Việt Nam được xây dựng trên Bãi Tư Chính, bãi cạn gần khu được khoan. Thiếu sự hỗ trợ quốc tế, chính phủ Việt Nam đã rút lui và yêu cầu Repsol để ngừng thăm dò.
Việt Nam vẫn có tham vọng khai thác các mỏ dầu khí ngoài khơi. Do đó, lãnh đạo của họ có thể hy vọng rằng chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson, và các tàu chiến hộ tống, sẽ ngăn Trung Quốc lặp lại các đe dọa trước đó. Có thể là Việt Nam đã phối hợp hoạt động thăm dò với sự xuất hiện của người Mỹ.
Việt Nam cũng gửi một thông điệp tinh tế hơn và dài hạn hơn cho Trung Quốc. Cả hai quốc gia đều do đảng cộng sản có cùng quan điểm và chính sách cai trị. Bắc Kinh biết rằng Hà Nội sẽ không phá vỡ hoặc giáng cấp mối liên hệ đồng chí này trừ khi có điều gì đó rất kịch tính xảy ra. Vào năm 2014, mối quan hệ giữa hai nước đã bị tổn hại khi Trung Quốc cho dàn khoan dầu đến gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp. Việt Nam đã trả lời bằng cách cử các phái viên chính thức sang Hoa Kỳ để thảo luận và Trung Quốc đã rút lui.
Bằng cách chào đón Hải quân Hoa Kỳ đến Đà Nẵng trong tuần này, Hà Nội đang chứng tỏ sự không hài lòng với các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông - đe dọa quân sự đối với các căn cứ của Việt Nam và xây dựng đảo nhân tạo khổng lồ ở Trường Sa - và nhắc nhở Bắc Kinh rằng Việt nam có thể tiến xa hơn tới hợp tác với Hoa Kỳ. Đó là áp lực để kiểm soát hành vi của Trung Quốc.
Sự cởi mở đối với Hoa Kỳ có thể có vẻ là bất ngờ với những thay đổi chính trị gần đây ở Việt Nam. Năm 2014, người có quyền lực mạnh nhất là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông ta theo đuổi một chính sách cởi mở thân thiện đối với Hoa Kỳ và ngầm khuyến khích bài Trung rộng rãi. Tuy nhiên, vào tháng 1 năm 2016, ông bị Tổng bí thư Đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng tước hết quyền lực.
Kể từ đó Trọng đã theo đuổi một chiến dịch chống tham nhũng nhắm vào những người thân cận của ông Dũng. Một số đồng minh thân cận nhất của ông Dũng đã chịu án tù nặng, và một số khác đã bị buộc phải từ chức. Cuộc thanh trừng những người vốn được cho là quá cục bộ, quá tham nhũng và quá thân Mỹ đã dẫn đến việc nhóm ‘trung thành với hệ thống’ của ông Trọng đã ginàh lấy lại quyền kiểm soát ở trên giới chóp bu của Đảng cộng sản.
Trong cũng đã bắt đầu một cuộc đàn áp các nhà bất đồng chính kiến và những tiếng nói quan trọng khác. Các blogger đã bị kết án tù nặng, thực thi luật Internet mới đã làm gián đoạn cuộc thảo luận trực tuyến và các nhà hoạt động xã hội đã bị đánh đập và bị quấy rối. Những chỉ trích quốc tế về cuộc đàn áp đã bị dập tắt. Một phần là kết quả của việc Việt Nam làm cố hế sức để tự thể hiện họ là bạn của Hoa Kỳ và các đồng minh.
Bằng cách thể hiện tính hữu dụng chiến lược đối với Washington, Trọng cũng có thể được hy vọng sẽ làm chệch hướng áp lực thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Mỹ. Trong năm qua Việt Nam đã ve vãn Tổng thống Donald Trump và chính quyền của ông để cố gắng ngăn chặn việc áp dụng các biện pháp bảo hộ các ngành công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Cho đến nay thì họ đã thành công.
Trong và các đồng chí trong Bộ Chính trị Đảng cộng sản đã được cho là "thân Trung Quốc" nhưng bằng cách mời gọi Hải quân Hoa Kỳ cho thấy Việt Nam vẫn có khả năng theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập. Bằng cách mời hàng không mẫu hạm nói riêng, họ đã phá vỡ một điều cấm kỵ không chính thức về mức độ mà Việt Nam sẽ liên kết với Hoa Kỳ. Thông điệp được đưa ra và tính toán một cách thận trọng và nhắm vào với nhiều hướng một lúc.
Nguyên tác : Chathamhouse
Phương Thảo dịch
Nguồn : VNTB, 08/03/2018
Đà Nẵng chuẩn bị đón tàu sân bay Mỹ ghé thăm hữu nghị (RFI, 04/03/2018)
Ngày 05/03/2018, theo kế hoạch dự kiến, hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson sẽ cặp bến cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, thực hiện một chuyến thăm hữu nghị được giới quan sát đánh giá là lịch sử, kéo dài đến ngày 09/03. Đây là lần đầu tiên từ năm 1975 một tàu sân bay Mỹ ghé cảng Việt Nam.
Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson, cập cảng Tiên Sa Đà Nẵng ngày 05/03/2018. Ảnh chụp ngày 27/05/2017 khi USS Carl Vinson đang hoạt động trong Thái Bình Dương. Reuters
Theo thông báo chính thức, tháp tùng theo hàng không mẫu hạm Carl Vinson, còn có hai tàu hộ tống : tuần dương hạm USS Lake Champlain, và khu trục hạm USS Wayne E. Meyer.
Theo báo chí trong nước, người dân thành phố Đà Nẵng hiện đang rất háo hức, chờ đợi được nhìn tận mắt con tàu sân bay cùng đội ngũ thủy thủ hùng hậu của chiếc Carl Vinson. Theo chương trình, khoảng 3.000 thủy thủ của đội tàu sẽ lên bờ tham quan và có các hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm.
Bên cạnh đó, đại diện của hải đội tác chiến tàu sân bay sẽ có những hoạt động thăm viếng xã giao giới chức chính trị và quân sự, giao lưu và tặng quà cho trẻ em khuyết tật và nạn nhân chất da cam ở Đà Nẵng.
Trong thời gian qua, sau khi có tin về việc tàu sân bay Mỹ sẽ ghé cảng Đà Nẵng, câu hỏi được đặt ra là vì sao con tàu không ghé cảng Cam Ranh. Về vấn đề này, trong một nhận xét công bố ngày 27/02 vừa qua, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Việt Nam tại Học Viện Quốc Phòng Úc cho rằng có ba yếu tố thúc đẩy việc chọn Đà Nẵng. Trước hết là các điều kiện kỹ thuật tốt hơn ở Đà Nẵng, so với Cảng Quốc Tế Cam Ranh (chứ không phải là cảng quân sự Cam Ranh).
Ngoài ra, do việc phía Mỹ muốn thủy thủ của mình được tham gia vào các hoạt động giao lưu với người địa phương, vì vậy, Cảng Quốc Tế Cam Ranh có vị trí tương đối tách biệt với khu dân cư. Tại Đà Nẵng, con tàu có thể được neo đậu tại cảng Tiên Sa và các hoạt động dân sự, xã hội và thể thao đều có thể được tổ chức gần đấy, trong lúc thủy thủ đoàn của tàu Mỹ có thể được nghỉ ngơi tham quan và khám phá một thành phố lớn của Việt Nam. Sau cùng còn yếu tố tâm lý. Đà Nẵng quen thuộc với người Mỹ hơn là Cam Ranh.
Trọng Nghĩa
*******************
Hôm 5 tháng Ba, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng, đánh dấu sự hiện diện quân sự quy mô nhất của Hoa Kỳ tại Việt Nam kể từ năm 1975.
USS Carl Vinson, hàng không mẫu hạm đầu tiên của Hoa Kỳ cập cảng Việt Nam sau 1975. (Hình : U.S. Naval Institute)
Hàng không mẫu hạm này sẽ neo đậu tại Đà Nẵng trong 5 ngày.
Theo tờ Nikkei Asian Review, USS Carl Vinson là một trong số chiến hạm lớn nhất thế giới, có chiều cao bằng tháp truyền hình Tokyo, chở theo 72 phi cơ, gồm các chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet.
Theo lịch trình, các thủy thủ, binh sĩ trên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinso sẽ tham dự các hoạt động trao đổi văn hóa, ẩm thực và thể thao cùng phía Việt Nam. Một số thủy thủ Mỹ cũng sẽ đến thăm Hội Nạn Nhân Chất Độc Da Cam Dioxin Đà Nẵng.
Tin cho hay, Sở Du Lịch Đà Nẵng cùng Hội Khách Sạn Đà Nẵng tổ chức buổi tiếp đón, quảng bá ẩm thực Việt Nam với các đầu bếp của USS Carl Vinson vào ngày 6 tháng Ba tại nhà hàng Madame Lân ở quận Hải Châu, Đà Nẵng. Trong số các món ăn được giới thiệu có chả giò, mì Quảng và bánh xèo. Bếp trưởng của nhà hàng Madame Lân và đầu bếp chuyên món Việt của Khách Sạn Furama Resort sẽ tham gia sự kiện này.
Hôm 4 tháng Ba, trả lời nhật báo Người Việt, ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên cộng tác của Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế Sài Gòn (SCIS) bình luận : "Đúng là chuyến viếng thăm của nhóm hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson có thể được gọi là ‘sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ ở Việt Nam, kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975.’ Dễ hiểu thôi vì đây là chuyến thăm đầu tiên của một hàng không mẫu hạm Mỹ kể từ năm 1975, mà ai cũng biết hàng không mẫu hạm là biểu tượng sức mạnh của Hải Quân Mỹ và niềm tự hào của sức mạnh trên biển của nước Mỹ".
"Đây là chuyến thăm mang ý nghĩa biểu tượng cao, tuy nhiên nếu xem xét xu hướng của quan hệ Việt-Mỹ nói chung và quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ nói riêng thì chuyến thăm này là một sự phát triển hết sức tự nhiên theo chiều hướng có thể dự đoán trước được. Không có gì phải quá ngạc nhiên và cũng không nên đề cao quá mức chuyến thăm, nhưng xin nhắc lại là chuyến thăm vẫn là quan trọng và mang tính biểu tượng".
"Biểu tượng thì như đã nói ở trên (hàng không mẫu hạm đầu tiên tới thăm Việt Nam từ sau 1975), còn quan trọng thì đặt trong bối cảnh an ninh khu vực. Việt Nam từ lâu nay vẫn nổi tiếng với chính sách cân bằng mềm, điều chỉnh một cách thực dụng quan hệ của mình với các cường quốc lớn xung quanh (Mỹ và Trung Quốc là tiêu biểu) trong tương quan với lợi ích quốc gia và đặt lợi ích quốc gia là trên hết.
"Trong bối cảnh từ năm 2009 cho tới nay Trung Quốc nổi lên như một cường quốc xét lại (ở đây là xét lại về trật tự khu vực), Việt Nam cần phải tranh thủ sự ủng hộ và trợ giúp về cả kinh tế, ngoại giao và quân sự từ các cường quốc khác để đối trọng. Trung Quốc trỗi dậy một cách quá hung hăng và chỉ một mình Việt Nam là không thể bảo vệ một cách hiệu quả bản thân mình, nên ‘tận dụng’ tất cả các mối quan hệ khác, triết lý đơn giản là thế. Quan trọng ở đây vẫn là như thế nào".
Ông Nguyễn Thế Phương cho biết thêm : "Nói là Việt Nam đang xích lại gần Mỹ cũng có ý đúng, nhưng có vẻ là chưa được đầy đủ lắm. Nói đúng hơn là Việt Nam đang chủ động ‘kéo’ Mỹ và nhóm các nước bạn bè đồng minh thân thiết của Mỹ lại gần mình hơn (nhóm nay có Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, với Mỹ đứng đầu) để giảm các áp lực an ninh gây ra từ phía Trung Quốc. Quan hệ quân sự là một lực kéo cần thiết trong nhiều các lực kéo khác nhau (kinh tế chẳng hạn, nhưng dưới thời Tổng Thống Donald Trump thì lực kéo này yếu hơn thời người tiền nhiệm Obama). Quan hệ quân sự đang lên giữa Việt Nam và Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ và Úc cũng đang theo xu hướng tương tự. Với Mỹ thì mức độ quan hệ và độ chú ý của giới chính sách và cả truyền thông cao hơn đơn giản vì Mỹ là cường quốc đứng đầu Châu Á - Thái Bình Dương và vốn từng là một cựu thù của Việt Nam".
"Trong tương lai thì các hoạt động tương tự như thế này nếu xảy ra cũng là điều hiển nhiên. Chuyến thăm của Hàng không mẫu hạm Carl Vinson chỉ là khởi đầu thôi, lần sau các hàng không mẫu hạm Mỹ có thể sẽ tới Cam Ranh. Lưu ý là tầm mức quan trọng của cảng Tiên Sa khác với Cam Ranh, Cam Ranh quan trọng hơn rất nhiều về mặt chiến lược. Cần nhớ là với ‘cân bằng mềm’ ở hiện tại thì nếu như các cảng của Việt Nam có đón tàu của Trung Quốc cũng là chuyện bình thường. Điều quan trọng hơn vẫn là đón loại tàu nào và đón ở đâu. Định hướng chung vẫn là chính sách ba không làm nền tảng và Hà Nội không muốn gây ra ấn tượng rằng họ hoàn toàn ngả về bên nào trong cân bằng chiến lược", ông Nguyễn Thế Phương nói với Người Việt.
Trong một diễn biến khác, Reuters hôm 4 tháng Ba tường thuật rằng, từ nhiều tháng trước khi hàng không mẫu hạm Mỹ cập cảng Đà Nẵng, các phái viên Việt Nam đã có những hoạt động liên tiếp nhằm giảm bớt lo ngại của Bắc Kinh về khả năng Hà Nội và Washington đang tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng. (T.K.)
**********************
Việt Nam ‘trấn an’ Trung Quốc vụ tàu USS Carl Vinson (VOA, 04/03/2018)
Nhiều tháng qua, các nhà ngoại giao Việt Nam đã tìm cách giảm bớt quan ngại của nước láng giềng Trung Quốc về chuyến thăm của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, cũng như về triển vọng quan hệ hợp tác an ninh sâu rộng hơn với Washington, Reuters dẫn lời các nguồn thạo tin cho biết.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhìn ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam năm 2015.
Hãng tin này dẫn các nhà ngoại giao cùng những người biết về các cuộc trao đổi nói rằng các quan chức quân sự và ngoại giao của Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh tới chính sách ngoại giao độc lập cùng mong muốn mở rộng quan hệ đối ngoại của nước này, với hy vọng duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc trong khi đương đầu với Bắc Kinh về Biển Đông.
Reuters nhận định tiếp rằng chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Mỹ, lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Việt Nam, là một biểu tượng lớn, thể hiện mối quan hệ chiến lược tăng cường giữa hai nước cựu thù, nhưng nó cũng cho thấy mối quan hệ phức tạp với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.
Trong khi một số nhà bình luận của Trung Quốc sử dụng chuyến đi của USS Carl Vinson để đề nghị nhà nước tăng cường củng cố quân sự ở vùng biển chiến lược, phản ứng chính thức của Bắc Kinh khá chừng mực.
Hôm 2/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói : "Như quý vị đã biết, về các trao đổi và hợp tác thông thường giữa các nước kể cả tương tác quân sự, Trung Quốc không phản đối miễn rằng đó là các hoạt động thông thường. Hoa Kỳ là một cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn và có trách nhiệm quan trọng đối với hòa bình - an ninh thế giới".
Phát ngôn viên này nói tiếp : "Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong khu vực và là láng giềng tốt của Trung Quốc. Tất nhiên, chúng tôi hy vọng sự trao đổi giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có thể đóng một vai trò mang tính xây dựng, thay vì tạo bất ổn, nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực. Trung Quốc hy vọng giao lưu Việt-Mỹ lần này là một hoạt động thông thường và mang lại lợi ích cho khu vực".
USS Carl Vinson cập cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng giữa lúc có nhiều tín hiệu từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Hoa Kỳ mong muốn củng cố hơn nữa quan hệ an ninh với Việt Nam trong một phần các mối quan hệ quân sự và chính trị nhằm kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc, theo Reuters.
Hãng tin này cũng cho rằng do lâu nay vẫn nghi ngờ Bắc Kinh, giới lãnh đạo cộng sản ở Hà Nội đã và đang thúc đẩy các mối quan hệ an ninh nhằm cân bằng bang giao với Trung Quốc.
Nga, đồng minh lớn của Việt Nam thời Chiến tranh Lạnh, vẫn là quốc gia cung cấp vũ khí chủ yếu cho quân đội Việt Nam, trong khi Ấn Độ và Israel đang trở thành các nhà cung cấp quan trọng.
Trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm ngoái, ông Trump đã quảng bá vũ khí và tên lửa, nhưng chưa có hợp đồng lớn nào được ký kết.
Chiến lược An ninh Quốc gia của chính quyền Mỹ, công bố hồi tháng 12 năm ngoái, liệt Việt Nam là "đối tác hợp tác hàng hải".
Nếu bàn về xã hội Việt Nam thì cũng chỉ xoay quanh chữ : chính trực. Nếu bàn về chính trị Việt Nam thì cũng xoay quanh chữ : chính trực.
Hội đồng nhân dân - cơ quan quyền lực của địa phương cũng có thể bị khống chế bởi một chỉ thị từ một cơ quan trung ương và kỳ vọng sự chính trực trở nên quá khó khăn đối với các vị dân biểu.
Tại sao tôi không dùng từ ‘tử tế’, rằng ở Việt Nam có những người làm việc tử tế hay có những chính trị gia tử tế ? Nhưng có vẻ nghĩa ‘tử tế’ có phần châm biếm (troll) sau phát biểu của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nên bài viết này bàn về chính trực.
Chính trực là gì ? Nó là đức tính để khiến hành vi một người thực hiện trên cơ sở lương tâm của chính họ.
Trong nền chính trị, chính trực có thể biểu hiện ở việc họ không bị cám dỗ bởi quyền lực, và sử dụng quyền lực ở mục đích cá nhân. Ở một hệ thống chính trị có sự đan xen và giám sát lẫn nhau, tính chính trực có thể được hình thành một cách có điều kiện.
Trở lại Việt Nam, chính trực và phi chính trực có thể biểu hiện rõ nét ở hai con người tại thành phố Đà Nẵng.
Bên ni là Bá Thanh, bên tê là Duy Khương
Một là, Cựu Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Võ Duy Khương. Người còn lại là, Cựu Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh.
Câu chuyện của hai nhân vật này xoay quanh Vũ ‘Nhôm’ và đường dây lũng đoạn quyền lực, trục lợi đất công tại thành phố biển. Một người chống lại điều đó, người còn lại thì tiếp tay cho điều đó.
Ông Võ Duy Khương, người được Nhà báo Hoàng Hải Vân chia sẻ qua một bài viết trên trang điện tử Một Thế giới, theo đó : Ông Khương là thiểu số chính trực hiếm hoi trong Ban lãnh đạo thành phố. Ông không đủ sức cưỡng lại những hành vi vi phạm pháp luật của những người lãnh đạo chủ chốt. Nhưng vì sự phản đối đó mà từ năm 2013, ông bị thư nặc danh và các tin nhắn liên tục gửi tới đe dọa. Cuối cùng, ông bị ép phải rời khỏi chức vụ Phó chủ tịch UBND thành phố trước khi đến tuổi nghỉ hưu.
Còn ông Nguyễn Bá Thanh – thần tượng của cơ số không ít người lại là người có liên quan đến việc biếu đất công sản cho Vũ ‘Nhôm’ và đồng bọn, người có liên quan đến một văn bản ‘ép bán trực tiếp khu công sở (thuộc Sở Tư Pháp Đà Nẵng ở đường Bạch Đằng) cho công ty Vũ Nhôm.
Ông Võ Duy Khương - một chính khách Đà Nẵng
Ông Bá Thanh cũng là người khiến cho ông tướng Trần Văn Thanh, người từng làm Chánh Thanh tra Bộ Công an phải ‘sợ’, và khi Vũ ‘Nhôm’ bị bắt thì ông Thanh mới tuyên bố : Giờ thì không sợ nữa !
Theo như cách nhà báo Hoàng Hải Vân tường thuật lại, thì ông Võ Duy Khương là người chính trực (như cách nhà báo này đặt trên Facebook cá nhân), còn ông Nguyễn Bá Thanh là phi chính trực.
Nhưng ở góc độ nào đó, một người có thể chính trực ở điểm này, cũng có thể không chính trực tại điểm khác. Như cách mà Facebooker Viet Hoang Le chỉ ra, bởi trong một bối cảnh khác thuộc Dự án liên quan đến rừng Sơn Trà, ông Võ Duy Khương lúc đó là Thường trực Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, là người trực tiếp giải quyết bồi thường giải tỏa rừng Sơn Trà, nhưng kết quả đã không có bồi thường nào xảy ra, mà chỉ là hỗ trợ người trồng rừng với mức giá rẻ mạt (1.400 VND/m2).
Như vậy có thể nhận ra, sự chính trực ở một chính trị gia bất kỳ Việt Nam đã hiếm, thì làm sao có thể nói về một sự tử tế của chính trị gia ?
Lãnh đạo thì hay, hay dân thì khờ dại ?
Lãnh đạo nói hay, dân thì khờ dại, nên thành ra ông Nguyễn Bá Thanh mới trở thành ‘Bác Thanh’ hay ‘Thánh Thanh’. Khi ông Bá Thanh còn sống, mỗi lần phát biểu trước một kỳ họp Hội đồng nhân dân nào đó của thành phố, dân các tỉnh lại tấp nập bật Tivi nghe ông nói. Ai chưa có dịp thì lại lên Youtube để xem lại, rồi phản hồi ‘ngưỡng mộ’. Khi ông chết đi, hàng ngàn người đổ ra đường đưa tang ông, một số vị dân biểu thành phố Đà Nẵng còn lên tiếng đòi đặc cách lấy tên ông để đặt tên đường, hay ngay điểm cầu Ngã ba Huế - thì mọc lên quán café Nguyễn Bá Thanh.
Người từng đòi 'bắt nhốt hết không nói nhiều' tham nhũng, lại là người tham nhũng lớn ở cấp địa phương.
Với ông Võ Duy Khương, nếu đặt một mặt mà nhà báo Hoàng Hải Vân chỉ ra, thì ông Khương là người chính trực, và trong hàng tá phản hồi trong bài viết đó, có tới 1,2 nghìn lượt thích, 77 lượt yêu thích, 28 lượt ngạc nhiên, 2 lượt cười, và 2 lượt phẫn nộ. Nhiều phản hồi bày tó ông Khương là ‘cán bộ liêm chính ; kính trọng ông ; người anh mẫu mực ; cán bộ tài năng, liêm khiết’,…
Ông Nguyễn Bá Thanh được tưởng nhớ tại một quán cafe.
Nhưng nếu một ngày ông Võ Duy Khương bị điều tra bởi các quyết định sai quy định, ‘nâng đỡ trong sáng’ trong điều hành chính sách nhà nước, thì liệu những ngôn từ biểu thị trên có trở thành một sự phẫn nộ hay không ?
Chỉ biết là, cái câu ‘thời thế, thế thời, thời phải thế’ luôn ám chỉ đúng với môi trường chính trị Việt Nam. Và sự chính trực trong một chính trị gia bất kỳ trở nên cực kỳ khó tồn tại, bởi một thể chế mà một cá nhân có thể lợi dụng quyền lực cấp trên để trục lợi, thậm chí khống chế cả một tập thể quyền lực nhân dân. Cái ‘tập thể lãnh đạo Đà Nẵng’ từng đã phải ‘cúi đầu’ trước cái cơ quan quyền lực to đùng ở Trung ương, để đi đến ‘thống nhất’ bán đất công sản với giá rẻ mạt cho doanh nhân ‘Vũ’ Nhôm đấy thôi ?
Còn người dân, vẫn có sự ngây thơ nhất định, vẫn bị dắt mũi bởi sự kiện mang tính nhất thời của lãnh đạo. Những con người vẫn hằng tin tưởng, trong một cơ chế lạm dụng quyền lực vẫn còn lãnh đạo biết ‘vì dân’.
Và gần đây, là sự nổi lên của vị đứng đầu Đcộng sản Việt Nam.
Không ai biết kéo dài bao lâu, ‘thần tượng’ này sẽ sụp đổ, và không ai hiểu rõ, là sau này, nếu thể chế thay đổi, tài liệu giải mật thì hàng tá thần tượng lãnh đạo mà người dân đang ngưỡng mộ sẽ bị phơi bày thế nào. Bởi thế, nên pháo hoa ở Yên Bái vẫn bắn lên cao, trong sự hạnh phúc của người dân, sau những ngày ‘đốt lò’.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 12/02/2018
Đà Nẵng bất ngờ thu hồi văn bản đòi kiểm duyệt báo chí (CaliToday, 08/02/2018)
Chỉ một ngày sau khi ban hành ra công văn yêu cầu cơ quan truyền thông, báo chí phải cung cấp bản thảo trước khi in ấn cho Sở Thông tin và truyền thông xét duyệt, cơ quan này đã phải cho thu hồi quyết định trên, đồng thời có lời xin lỗi đến các cơ quan báo chí.
Ngày 8/2, ông Nguyễn Quang Thanh-Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông thành phố Đà Nẵng đã có công văn số 236 để thu hồi lại công văn 228 (ban hành vào ngày 6/2) đã gửi đến các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn thành phố.
Chính quyền Đà Nẵng đang rất muốn siết chặt báo chí, truyền thông, nhất là vào thời điểm thành phố này đang trong giai đoạn thanh trừng căng thẳng những cán bộ thân tín của cựu Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nhưng họ không biết dùng cách nào. Vậy nên, được ngụy tạo dưới vỏ bọc nhờ báo chí "phối hợp, hỗ trợ cung cấp thông tin về nội dung tin, bài trước thời gian in ấn và phát hành các ấn phẩm báo chí", Sở Thông tin và truyền thông muốn kiểm duyệt tất cả tin tức, bản tin mà Đài phát thanh truyền hình Đà Nẵng, báo Đà Nẵng, báo Công an Đà Nẵng trước khi cho xuất bản.
Công văn của Sở Thông tin và truyền thông gửi các cơ quan báo chí. Ảnh : Tuổi Trẻ
Còn riêng với các tờ báo của Trung ương và địa phương khác đóng trên địa bàn, Sở Thông tin và truyền thông "đề nghị" hỗ trợ tin tức bằng cách cung cấp các đường link các bài báo, trang tin có những vấn đề liên quan đến Đà Nẵng. Sở Thông tin và truyền thông cho biết, những đề nghị trên là làm theo chỉ thị của Thường trực Thành ủy.
Ngay sau công văn 228 được ban ra đã gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ các cơ quan truyền thông, báo chí có trụ sở tại thành phố này. Trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Nguyễn Như Phong-Đại tá công an, Tổng biên tập tờ Thời Mới nhận định :
"Thứ nhất, đây là biểu hiện của một sự lạm quyền quá mức- Đòi kiểm tra tất cả, duyệt tất cả và tự cho mình là "cha mẹ thiên hạ".
Thứ hai, thể hiện sự "cay cú" đối với báo chí, khi mà họ "không kiểm soát" được thông tin.
Thứ ba, thể hiện sự dốt nát đến mức… không hiểu nổi".
Cũng theo ông Phong, với những lãnh đạo có tư duy như vậy cách hay nhất là chuyển đi làm việc khác, không để cho họ dính líu đến việc quản lý.
Trong khi đó, tờ Tuổi Trẻ dẫn lại các điều luật của nhà nước cộng sản Việt Nam khẳng định rằng "Không ai được kiểm duyệt báo chí"
Trước tình hình đó, Thành ủy Đà Nẵng đã phải trốn tránh trách nhiệm. Ngày 8/2, ông Lương Nguyễn Minh Triết-Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng khẳng định Thường trực Thành ủy và Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng không có bất kỳ chỉ thị nào cho Sở Thông tin và truyền thông để yêu cầu các cơ quan truyền thông, báo chí phải cung cấp bản thảo trước khi in ấn, xuất bản.
******************
Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng hôm 8/2 thông báo thu hồi lại một công văn đòi kiểm duyệt báo chí đóng tại địa phương trước khi họ đăng bài, chỉ một ngày sau khi công văn được gửi đi và chịu nhiều chỉ trích từ báo giới lẫn người dân.
Công văn ký ngày 6/2 của sở đề nghị báo Đà Nẵng và báo Công an Đà Nẵng "phối hợp, hỗ trợ cung cấp thông tin về nội dung tin, bài trước thời gian in ấn và phát hành". Đối với Đài Phát thanh-Truyền hình của thành phố, sở đề nghị "phối hợp kịp thời cung cấp các thông tin nổi cộm, cần các cơ quan đơn vị phản hồi thông tin báo nêu".
Về phần các cơ quan báo chí trung ương và các địa phương khác đóng ở Đà Nẵng, Sở Thông tin và truyền thông thành phố đề nghị họ "cung cấp kịp thời đường dẫn trên báo điện tử hoặc trang thông tin điện tử của báo các thông tin nổi cộm liên quan đến Thành phố Đà Nẵng cần các cơ quan, đơn vị phản hồi thông tin báo nêu".
Các nhà báo và công chúng đã nhanh chóng chia sẻ thông tin về công văn, gọi Đà Nẵng là "một mình một luật" và chất vấn về tính hợp pháp của nó. Nhiều người cũng bình luận rằng nó "kỳ cục", "ngoài sức tưởng tượng" và đưa Đà Nẵng quay ngược về quá khứ cả nửa thế kỷ. Nhà báo kỳ cựu Võ Văn Tạo nói với VOA :
"Nó quá lạc hậu rồi. Trước đây nhà nước Việt Nam cũng có chuyện đó. Nhưng mà sau này đã bỏ hết những cái đó rồi. Sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng ra văn bản quy định như thế gây cho tôi cảm giác rất kinh hoàng, rất là bất ngờ".
Nhà báo có gần 2 thập niên kinh nghiệm nói thêm từ khoảng 30 năm nay, chính quyền Việt Nam đã thay việc một cơ quan trung ương kiểm duyệt trước khi đăng bài bằng hình thức các cơ quan báo chí tự kiểm duyệt.
Ông Tạo nói rõ hơn rằng lâu nay ban biên tập các cơ quan báo chí tự quyết định đăng những nội dung gì. Nhưng nếu các cơ quan quản lý như Bộ Thông tin và truyền thông, hoặc an ninh văn hóa của chính phủ, hay Ban Tuyên giáo của Đảng cộng sản "không hài lòng" về tin, bài nào đã đăng, họ sẽ "nhắc nhở, phê bình, hoặc phạt".
Phản ứng của báo giới và người dân trong một ngày qua dường như đã dẫn đến việc Sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng rút lại công văn gây tranh cãi. Tin trên báo chí trong nước hôm 8/2 nói sở này trong cùng ngày đã thu hồi công văn vì họ thấy rằng nó "không phù hợp với các quy định của Luật Báo chí".
Nhà báo Võ Văn Tạo đánh giá về động thái mau lẹ của chính quyền địa phương :
"Họ rút lại là một điều tốt. Đấy là một động thái biết lắng nghe phản ứng của công chúng. Nhưng nếu họ không rút, tôi tin rằng cấp trên cũng phải yêu cầu họ rút. Nếu cộng đồng, công chúng phản ứng dữ dội, cơ quan chính quyền cao nhất ở trung ương người ta thấy chối tỉ quá, người ta cũng phải yêu cầu Đà Nẵng rút".
Một mặt cho rằng tư tưởng muốn quản lý báo chí còn rất nặng nề, không chỉ ở cấp địa phương như thể hiện trong sự việc vừa qua ở Đà Nẵng, mà kể cả ở cấp nhà nước, song mặt khác, ông Tạo nhận định "sự cố" của Sở Thông tin và truyền thông thành phố còn có nguyên nhân ở chất lượng nhân sự. Ông giải thích :
"Các quan chức của Việt Nam bây giờ tôi không hiểu trình độ của họ đến đâu, tư duy họ thế nào, cho nên là lâu lâu lại có những văn bản quái đản tương tự như thế. Cách đây khoảng vài chục năm, họ làm công tác cán bộ còn tàm tạm được. Họ không đến nỗi có những văn bản quái đản như thế này. Vài thập kỷ trở lại đây, công tác cán bộ quá kém. Chuyện con ông cháu cha, rồi chạy chọt mua chức mua ghế, dốt nát, bằng giả, v.v… cho nên cái đó chính là cái đẻ ra những cái văn bản quái đản như thế".
Báo chí Việt Nam cho hay cùng với việc rút lại công văn đòi kiểm duyệt trước khi báo chí đăng bài, Sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng cũng "thành thật xin lỗi với các cơ quan báo chí".