Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/07/2020

Dịch bệnh Covid-19 do người Trung Quốc mang vào Việt Nam ?

Nhiều tác giả

Có một danh sách các địa chỉ là những địa điểm bùng phát lây nhiễm

Mỹ Thuận, VNTB, 29/07/2020

Đang có một danh sách các địa chỉ khả năng là những địa điểm của ‘chuông nguyện hồn ai’ trong giai đoạn bùng phát lây nhiễm cộng đồng của con virus corona.

dich1

Một mắt xích, một ốc vít lỏng có thể gây hậu quả lớn - Ảnh minh họa

Cứ tưởng tượng đã biết bao nhiêu du khách từng ghé qua nơi đây…

Tối 28/7, Bộ Y tế ra Thông báo khẩn số 17, đề nghị những người đến 20 địa điểm tại Thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam liên hệ ngay cơ sở y tế gần nhất.

Trong số 20 địa điểm kể trên, có 17 địa điểm tại Đà Nẵng, gồm các nơi cụ thể :

1. Intercontinential Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà, ngày 17-18/7/2020.

2. Nhà hàng Bảy Ban – Bãi Rạn, đường Hoàng Sa, Thọ Quang, Sơn Trà, từ 17 giờ 30 – 20 giờ, ngày 17/7/2020.

3. Nhà hàng Hải sản Cua Biển, số 112 Võ Nguyên Giáp, Phước Mỹ, Sơn Trà, vào trưa ngày 18/7/2020.

4. Chùa Pháp Hội, 69 Nguyễn Văn Thoại, An Hải Đông, Sơn Trà, ngày 18/7/2020 và 25/7/2020.

5. Sân cầu lông Thanh Khê Đông, đường Đỗ Ngọc Du, Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, từ 14 – 16 giờ, ngày 19/7/2020.

6. Quán Bún trên vỉa hè ở đối diện địa chỉ 152 Lê Duẩn, phường Thạch Thang, quận Hải Châu (chợ đêm Lê Duẩn), vào buổi sáng vào các ngày 20 – 25/7/2020.

7. Limousine Cafe, số 419 Nguyễn Tất Thành, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, vào buổi sáng vào các ngày 20 – 23/7/2020.

8. Chợ An Hải Đông, K.54 Lê Hữu Trác, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, từ ngày 20 – 24/7/2020.

9. Chợ tự phát (quán cóc) dọc đường Hải Phòng, gần đường Điện Biên Phủ, phường Thanh Khê, từ ngày 20 – 25/7/2020.

10. Cà phê Lối Cũ, 07 Hải Phòng, Thạch Thang, Hải Châu (gần bệnh viện Đà Nẵng) vào 7 giờ – 7 giờ 15 sáng ngày 22/7/2020.

11. Demen Coffee House, số 89 Nguyễn Trác, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu vào chiều ngày 23/7/2020.

12. Quán Lẩu & Nướng Phúc Tửu Q., số 366 Đống Đa, Thanh Bình, Hải Châu vào 16 – 17 giờ, ngày 24/7/2020.

13. Coffee Highland ở địa chỉ 203 Ông Ích Khiêm, Tân Chính, Thanh Khê vào 19 giờ – 20 giờ 30, ngày 24/7/2020.

14. Quán trên vỉa hè ở đối diện địa chỉ 40 Đinh Tiên Hoàng, Thanh Bình, Hải Châu sáng ngày 25/7/2020.

15. Nhà hàng của khách sạn Công đoàn, số 2 Ông Ích Khiêm, Thanh Bình, Hải Châu vào trưa ngày 25/7/2020.

16. Bệnh viện 199 – Bộ Công An, số 216 Nguyễn Công Trứ, An Hải Bắc, Sơn Trà vào chiều ngày 26/7/2020.

17. Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, số 118 Ngô Quyền, An Hải Bắc, Sơn Trà vào chiều ngày 26/7/2020.

3 địa điểm tại Quảng Nam, gồm :

1. Chợ ngã 4 Ái Nghĩa, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc vào ngày 22/7/2020.

2. Chùa Giác Nguyên, khu 2, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc vào tối ngày 24/7/2020 và sáng ngày 25/7/2020.

3. Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, khối 8A, huyện Điện Bàn ngày 25/7/2020.

Bộ Y tế yêu cầu những người từng đến những địa điểm nêu trên liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất, hoặc gọi điện đến các đường dây nóng 1900.9095 (Bộ Y tế), hoặc 0905.108.844 (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Đà Nẵng), hoặc 0914.085.388 (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Nam) cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc gần với mình.

Cần Thơ đang sợ ‘bị vạ lây’ từ Đà Nẵng ?

Nhà chức trách của thành phố Cần Thơ có thông báo toàn bộ 1.200 hành khách trên 8 chuyến bay từ Đà Nẵng về Cần Thơ trong hai ngày 26 và 27/7 đã được khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với Covid-19.

Tuy nhiên, cơ quan y tế Cần Thơ tiếp tục khuyến cáo người dân không chủ quan, tiếp tục cách ly theo dõi tại nhà trong 14 ngày. Ngoài ra ngành y tế của nơi từng mệnh danh Tây đô, cũng đưa ra lệnh kiểm soát tất cả phương tiện liên tỉnh tại bến xe, bến tàu để kiểm tra giám sát y tế người từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi vào thành phố Cần Thơ.

Đáng chú ý là sự quyết liệt của chính quyền nơi đây, khi UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu các địa phương vận động người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng (ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện…) ; đồng thời giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét khi tiếp xúc… Riêng các sự kiện văn hóa, lễ hội có diễn ra hay không sẽ do chính quyền các cấp quyết định. Những yêu cầu này tương tự như giai đoạn vừa kết thúc cách ly toàn xã hội, chuyển sang giai đoạn giãn cách xã hội.

Quyết liệt không kém Cần Thơ là tỉnh Thừa Thiên Huế. Tối 28/7, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, phát hành công văn chỉ cho phép người và xe cộ từ Thành phố Đà Nẵng đến Thừa Thiên Huế đối với "các trường hợp đặc biệt", bao gồm vì lý do công vụ, xe chở bệnh nhân, người hết thời hạn cách ly, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, xe vận chuyển phục vụ chống dịch và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa.

Như vậy, các loại xe khác nằm ngoài danh mục trên, kể cả xe máy 2 bánh đều bị cấm từ Đà Nẵng về Huế.

Trước đó, ngay chiều ngày 27/7, trong khi Đà Nẵng vẫn tiếp tục mọi hoạt động vận tải hành khách, thì tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiên quyết dừng ngay tuyến xe buýt Huế – Đà Nẵng, đồng thời rà soát hoạt động ‘xe ké, xe chui’ để tránh bỏ sót các đối tượng đến Huế không khai báo y tế. Những trường hợp từ Đà Nẵng trở về Huế sau ngày 10/7 phải được giám sát dịch tễ và khai báo y tế đầy đủ. Các địa phương tập trung lực lượng đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để kê khai y tế, công tác rà soát muộn nhất đến tối 28/7 phải hoàn thành.

Hiện tại, nhà chức trách của Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang ‘bắt chước’ chính quyền đất cố đô, chuẩn bị cho thực hiện kiểm tra "đi từng ngõ, gõ từng nhà" xác minh trong cộng đồng dân cư những người đến từ Đà Nẵng từ ngày 1/7 hiện đang có mặt trên địa bàn thành phố để áp dụng khai báo y tế.

Một mắt xích, một ốc vít lỏng ở thành phố Đà Nẵng, xem ra có thể gây hậu quả khôn lường cho cộng đồng trong mùa dịch Covid.

Mỹ Thuận

Nguồn : VNTB, 29/07/2020

***********************

Virus corona : Ý kiến nói đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam 'là tội ác'

Bùi Thư, BBC, 28/07/2020

Luật sư nhận định với việc đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh không chỉ là hành vi phạm tội mà còn là "tội ác", có thể lãnh án phạt đến 15 năm tù.

dich2

Liệu các trường hợp nhập cảnh trái phép có đâm thủng tuyến phòng dịch của Việt Nam ?

Sau hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, tình hình dịch bệnh của Việt Nam đã diễn biến xấu trong vài ngày trở lại đây. Hơn 10 người đã bị phát hiện dương tính, chủ yếu tập trung tại Thành phố Đà Nẵng, nơi trước đó lực lượng chức năng phát hiện nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép và tránh cách ly.

Việc người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, với sự tiếp tay của một số người Việt Nam, đang làm dấy lên chỉ trích gay gắt trong dư luận trước nguy cơ nỗ lực "chống dịch như chống giặc" có thể đổ vỡ.

Hành vi 'tội ác'

Nhiều người có ý kiến rằng việc đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thời điểm này không khác gì câu chuyện con ngựa thành Troy, đâm thủng tuyến phòng dịch và phá vỡ công sức của nhiều người căng mình chống Covid-19. Nhất là khi quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định chủng virus lây lan ở Đà Nẵng là chủng thứ 6 tại Việt Nam. Chủng này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận và chủng vius mới lần này xuất phát từ bên ngoài.

Trao đổi với BBC News tiếng Việt hôm 27/7, luật sư Lê Trung Phát từ Hãng luật Lê Trung Phát (Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có các ca nhiễm trong cộng đồng ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi, hành vi đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào khu vực này không chỉ là phạm tội mà còn là "tội ác".

"Có thể nói, tội phạm nào cũng đáng bị lên án bởi nó để lại hậu quả lớn cho xã hội, xâm phạm đến trật tự xã hội được pháp luật bảo hộ. Thế nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh đang khiến các nước trên thế giới gặp nhiều khó khăn, trong đó có Việt Nam, mà những người phạm tội lại thực hiện các hành vi nêu trên, thì đây có thể được coi là một tội ác".

"Hậu quả nó để lại cho xã hội là vô cùng lớn, làm cả hệ thống chính trị phải tiếp tục vào cuộc để phòng chống, đảo lộn cuộc sống của mấy chục triệu dân, làm ảnh hưởng và suy thoái cả một nền kinh tế, tốn kém không biết bao nhiêu ngân sách của nhà nước. Nó cũng chẳng khác gì so với hành vi diệt chủng, bởi nó đã gieo rắc cái chết đến cho rất nhiều người, nếu họ không được chữa trị kịp thời".

dich3

Lập tám đoàn kiểm tra phòng dịch trên các tuyến biên giới.

Cơn sóng chỉ trích đường dây đưa người nhập cư trái phép ở Thành phố Đà Nẵng chưa dứt, sáng 28/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố lại phát hiện 8 người Trung Quốc và 1 người Việt Nam nhập cảnh trái phép tại quận 12.

Đây là sự việc mới nhất liên quan đến vấn đề đưa người nhập cảnh trái phép diễn ra trong bối cảnh Việt Nam có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng trở lại sau hơn 100 ngày yên bình. Trước đó, hàng loạt vụ nhập cảnh trái phép đã được phát hiện tại Đà Nẵng, Quảng Nam, An Giang và một số nơi khác.

Tình trạng nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép dấy lên lo ngại về dịch Covid-19 sẽ lây lan mạnh trở lại trong cộng đồng, khiến nhiều người phẫn nộ, nhất là khi chủng virus xuất hiện ở Đà Nẵng được xác định là chủng thứ 6 tại Việt Nam, có nguồn gốc từ bên ngoài.

Dat Dang, một nhà báo tại Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân : "Bộ Y tế xác định có bệnh nhân nCov chủng mới từ bên ngoài vào. Nói thật, không dân nào hại nhau giỏi bằng dân Việt đâu. Chỉ sau 1 đợt kiểm tra nhẹ, Đà Nẵng gần trăm ông Tàu nhập lậu. Các xứ Quảng chung quanh cũng từa lưa. Chán hẳn. Giờ các địa phương khác sẽ oằn mình chống dịch vì Mỵ Châu".

dich4

Nhiều người bức xúc về các trường hợp nhập cảnh trái phép trong bối cảnh dịch bệnh.

Trên trang cá nhân của mình, luật sư Nguyễn Kiều Hưng nêu ý kiến : "Đề nghị 1 : Những ai đã tiếp xúc với người Trung Quốc trong 15 ngày qua hoặc hơn, nên tự cách ly. Đề nghị 2 : Cứ thấy người Trung Quốc báo ngay cho công an và tránh xa họ. Vì một đất nước không TQ, không Covid. Tính gửi 2 đề nghị này để góp ý cho ngài Thủ tướng. Bà con thấy được không ?"

Đồng thời, ông Hưng cũng cho rằng : "Cũng vì hám tiền đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép cả, đưa cả xe ô tô vào mà không ai biết, cần truy cứu cả trách nhiệm của lực lượng chức năng"…

Hôm 25/7, trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng nếu căn cứ vào 3 vụ việc mà Công an Đà Nẵng, Công an Quảng Nam phát hiện, xử lý thì thấy tình hình quản lý nhập cảnh còn lỏng lẻo. Ông nói thêm, nguồn lây nhiễm đối với bệnh nhân dương tính Covid-19 ở Đà Nẵng tuy chưa xác định được nhưng khoảng trống về quản lý người nhập cảnh trái phép là điều cần nhìn nhận nghiêm túc và xử lý dứt điểm.

Phạt tù lên đến 15 năm

Trả lời BBC, luật sư Lê Trung Phát cho biết những người tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép có thể bị khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 348 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 với "Tội tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép".

Theo đó, tùy vào tính chất mức độ như : phạm tội từ 2 lần trở lên, đối với từ 5 người trở lên hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì có thể bị đối mặt với khung hình phạt tù từ 5 năm đến 15 năm tù.

Bên cạnh đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

dich5

Cao Lượng Cố (quốc tịch Trung Quốc) bị Công an Đà Nẵng cáo buộc cầm đầu đường dây đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Luật sư Phát phân tích rằng, những người phạm tội này có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Điều 52 Bộ luật hình sự 2015 với các tình tiết như phạm tội có tổ chức, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp và đặc biệt là lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để phạm tội.

"Như vậy, khi áp dụng khung hình phạt trong giới hạn của Điều 348, thì họ sẽ bị áp dụng gần như là ở mức cao nhất của khung hình phạt mà họ bị truy tố, tức 15 năm tù", luật sư nêu.

Luật sư Phát cũng nêu quan điểm rằng : "Trong hoàn cảnh này, chúng ta cần triển khai nhanh công tác xét xử người phạm tội, để sớm tiến hành trục xuất những người này ra khỏi Việt Nam, tránh phải tiêu tốn thêm ngân sách để điều trị cho họ, tránh làm ảnh hưởng chung đến lợi ích của quốc gia. Đối với các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, khi phát hiện hành vi vi phạm về nhập cảnh, có nguy cơ gây lây dịch bệnh, cần áp dụng biện pháp cấm nhập cảnh và nhanh chóng cho họ quay trở lại quốc gia, lãnh thổ mà họ đã đến".

Bùi Thư

Nguồn : BBC, 29/07/2020

**********************

Người Đà Nẵng trước đợt bùng phát dịch Covid-19 mới và chuyện dân lậu Trung Quốc

Cao Nguyên, RFA, 27/07/2020

Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thành phố Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội bắt đầu từ 0 giờ ngày 28/7, trong vòng ít nhất là 14 ngày.

dich6

Nhân viên Trung tâm phòng chống dịch bệnh hướng dẫn người xếp hàng kiểm tra thân nhiên ở san bay quốc tế Đà Nẵng hôm 27/7/2020 AFP

Ông Phúc nhấn mạnh cần phải tập trung xử lý triệt để đối với 3 bệnh viện, bao gồm : Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và các khu dân cư lân cận 3 bệnh viện kể trên, được đánh giá là có nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Tối ngày 27/7, Bộ Giao thông Vận tải cũng ra công văn yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách đến TP này, kể từ 0 giờ ngày 28/7.

Người dân Đà Nẵng chuẩn bị cho giãn cách lần 2

Bà Thanh Lâm, một cư dân sống cách bệnh viện Đà Nẵng chưa tới 1km, là nơi bị đánh giá là "ổ dịch" nên tình hình kiểm soát rất nghiêm ngặt :

"Khu của mình là "ổ dịch" gần sát bệnh viện luôn, cho nên phải cách ly nguyên một khu, mấy đoạn đường chính gần bệnh viện cũng bị cách ly hết.

Chỉ có hàng ăn là được bán mang đi, chợ và siêu thị thôi, còn những cái khác là phải đóng cửa hết".

Bà Lâm gởi cho Đài Á Châu Tự do văn bản chỉ thị của Uỷ ban Nhân dân Đà Nẵng yêu cầu mọi người dân phải ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi mua thực phẩm, thuốc men, cấp cứu ; Thực hiện việc giữ khoản cách tối thiểu 2m khi giao tiếp ; Không tập trung quá 2 người ở các nơi công cộng.

Đối với hoạt dộng giao thông vận tải, thành phố yêu cầu dừng hoạt động các bên xe khách, xe taxi xe buýt đến ra ra khỏi địa bàn Thành phố Đà Nẵng…

Tiến sĩ Đinh Gia Hưng, giảng viên Đại học Kiến Trúc Đà Nẵng cho biết người dân thành phố này khá bình tĩnh và sẵn sàng tuân thủ những yêu cầu giãn cách xã hội lần thứ 2 :

"Cảm giác chung của Đà Nẵng là thành phố có vẻ trầm lắng, ngoài đường mọi người cũng ít đi lại hơn, và nhiều hàng quán cũng đã dẹp, đóng cửa. Có vẻ mọi người đã có kinh nghiệm hơn sau lần "đóng cửa" sau Tết.

Thành ra người dân cũng không có gì là xôn xao quá. Họ bình tĩnh và nghe ngóng thông tin chính thống. Một số cũng đi mua khẩu trang, rồi các siêu thị cũng cam kết là sẽ có đủ các loại thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân. Cảm giác chung là Đà Nẵng chuẩn bị tốt và tuân thủ những thông báo từ chính quyền".

dich7

Một nhân viên y tế đang đo thân nhiệt cho cư dân tại khu vực phát hiện bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới ở Đà Nẵng hôm 26/7/2020 Reuters

Một cư dân Đà Nẵng khác, ông Khúc Thừa Sơn thì cho rằng có 2 vấn đề khác khiến người dân thực sự lo ngại lúc này. Thứ nhất là nguồn lây nhiễm, hay còn gọi là F0, từ đâu ra ? Phải biết được nguồn bệnh thì mới chủ động phòng tránh được. Thứ hai là người dân sẽ sống ra sao trong những ngày không có việc làm sắp tới :

"Căn bệnh này người dân đã biết qua truyền thông mạng xã hội, cho nên họ lo sợ rằng những ca dương tính ở Đà Nẵng chưa tìm ra được nguồn gốc, mà hiện tại đang lây lan, cho đến ngày hôm nay là đã lên đến mười mấy ca dương tính rồi.

Và họ còn lo lắng là những ngày sắp tới sẽ sống ra sao. Bởi vì, đợt COVID vừa rồi, hỗ trợ của nhà nước Việt Nam mình vẫn chưa xong. Ví dụ, vừa rồi, chỉ có những người có công với cách mạng, hộ nghèo thì đã được hỗ trợ, nhưng những người lao động tự do hoặc doanh nghiệp trong ngành du lịch, khách sạn thì chưa nhận được.

Bây giờ lại tiếp tục đợt này nữa thì cuộc sống của họ sẽ như thế nào trong những ngày tới. Còn vấn đề giãn cách xã hội thì đa số người dân đều ủng hộ".

Nguồn bệnh từ những người Trung Quốc nhập cư trái phép ?

Ngày 25/7, Chính phủ công bố thêm một ca nhiễm Covid-19 mới thứ 416, xuất hiện tại Đà nẵng. Đây là ca dương tính đầu tiên sau 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Đến ngày 27/7, Việt Nam ghi nhận thêm 11 người khác mắc Covid-19 có liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng, là nơi phát hiện bệnh nhân số 416.

Hiện tại, chưa có thông tin chính thức về nguồn lây nhiễm đợt mới này từ đâu ra. Tuy nhiên, trang web của Bộ Y tế dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết "Chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài".

Ông Khúc Thừa Sơn nói : "Cái vấn đề tìm ra nguyên nhân thuộc về phạm vi của cơ quan chức năng Thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo mình quan sát thì người dân Đà Nẵng trong những ngày qua rất bức xúc vấn đề về Chính quyền địa phương Đà Nẵng nói riêng, và Chính phủ Việt Nam nói chung để cho người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam và đến Đà Nẵng.

Những ngày qua cũng có rất nhiều trường hợp người Trung Quốc xâm nhập trái phép vào Đà Nẵng và đã bị bắt. Đó chỉ là số đã bị bắt thôi. Sau khi nhóm người Trung Quốc bị bắt hàng loạt thì Đà Nẵng lại thông tin rằng có những ca dương tính mới, thì người dân rất bức xúc".

Tiến sĩ Đinh Gia Hưng phân tích, trong gần 100 ngày Việt Nam không có nhiễm trong cộng đồng. Như vậy có nghĩa rằng người dân trong nước không thể có vấn đề gì với dịch bệnh. Ông Hưng cũng yêu cầu Chính phủ phải công bố minh bạch cho người dân về nguồn bệnh từ đâu mà ra :

"Có thông tin là ở Đà Nẵng có một số người Trung Quốc nhập cư vào bất hợp pháp, nhưng mà bên chính quyền lại không quản lý chặt, cũng không nắm được.

Hiện nay, ngay quận của tôi ở là quận Sơn Trà cũng có mười mấy người Trung Quốc bị phát hiện đang sống bất hợp pháp. Có nhiều người Đà Nẵng đã cho những người Trung Quốc này ở trọ.

Ở trong nước, rõ ràng mấy chục ngày qua rất là yên lặng, không có lây nhiễm gì cả. Có nghĩa là người trong nước không có vấn đề gì về dịch bệnh hết. Nhưng mà nếu có trường hợp người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp thì khả năng cao là họ có thể lây cho người địa phương và người địa phương sẽ lấy tiếp. Đây là vấn đề mình phải đặt một nghi vấn lớn nhất.

Tôi cũng mong muốn Chính quyền xét nghiệm, cách ly và thông báo cho người dân biết là những người nhập cư bất hợp pháp như vậy có bị bệnh hay không. Người dân họ cũng muốn biết, chứ nếu không người dân cũng rất mơ hồ về chuyện lây nhiễm như thế nào.

Trong lúc khó khăn như thế này thì người dân và Chính quyền nên hợp tác với nhau, và tất cả thông tin đều phải minh bạch, trung thực. Như vậy thì người dân sẽ đồng lòng với Chính quyền".

Những ngày vừa qua, báo chí nhà nước đưa tin nhiều vụ người Trung Quốc nhập cảnh, cư trú bất hợp pháp tại Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành khác ở Việt Nam.

Ngày 25/7, Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố, bắt giam 6 đối tượng tổ chức đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam từ Móng Cái, với giá khoảng 13 triệu đồng mỗi người.

Chiều ngày 27/7, Công an tỉnh Quảng Nam lại khởi tố tiếp vụ án liên quan đến đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, tạm giữ 2 người, trong đó có 1 người Trung Quốc. Vụ việc này xảy ra vào ngày 18/7, Phòng quản lý xuất nhập cảnh tỉnh Quảng Nam phát hiện một nhóm 21 người Trung Quốc lưu trú trái phép tại thị xã Điện Bàn, Quảng Nam mà không rõ đã nhập cảnh đường nào. Tất cả hiện nay đều đã được đưa vào cơ sở cách ly tập trung.

Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Sơn ngày 25/7 thừa nhận "Có lỏng lẻo trong quản lý nhập cảnh" sau khi xảy ra các vụ việc trên. Ông nói "Tình trạng người nước ngoài xâm nhập bất hợp pháp vào nước ta, chủ yếu là người Trung Quốc, rất nhiều và chưa thống kê hết được trên phạm vi cả nước, qua một số sự việc gần đây cho thấy cần phải "khắc phục kịp thời lỗ hổng xuất nhập cảnh".

Cao Nguyên

Nguồn : RFA, 29/07/2020

**********************

Thêm ca nhiễm Covid-19 phát hiện ở ngoài Đà Nẵng

RFA, 29/07/2020

Việt Nam vào chiều ngày 29/7 báo cáo thêm 4 trường hợp mắc Covid-19 mới, những ca mới được ghi nhận tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Dak Lak. Như vậy tính đến thời điểm này Việt Nam có tổng cộng 450 trường hợp nhiễm Covid-19. Trong số này có 34 ca lây nhiễm trong cộng đồng được phát hiện từ ngày 25/7 đến nay.

dich8

Một nhân viên y tế ở Hà Nội đang xét nghiệm Covid-19 cho một nhân viên một quán bán pizza nơi có người được xét nghiệm dương tính với Covid-19 hôm 29/7/2020 - Reuters

Thông tin vừa nêu do Ban Chỉ Đạo Quốc Gia Phòng chống dịch Covid-19 thông báo vào lúc 6 giờ chiều ngày 29/7.

Vào sáng ngày 29/7, Thường trực Chính phủ Hà Nội về phòng chống Covid-19 tiến hành cuộc họp dưới sự chủ trì của ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra nhận định tại cuộc họp rằng phần lớn các ca nhiễm tại Thành phố Đà Nẵng có liên quan đến khu vực 3 bệnh viện là Bệnh Viện Đà Nẵng, Bệnh Viện C và Bệnh Viện Phục Hồi Chức năng Đà Nẵng.

Tuy vậy ổ dịch không chỉ trong bệnh viện mà có thể bao gồm khu vực lân cận ngoài ba bệnh viện vừa nêu. Vấn đề đáng quan tâm là vẫn còn 3 trường hợp chưa tìm thấy nguồn gốc lây nhiễm dù đã tiến hành điều tra kỹ.

Quyền Bộ trưởng Y tế Việt Nam cho biết thêm đối với các địa phương khác đến nay mới chỉ phát hiện khả năng cao xâm nhập từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Dak Lak và Dak Nông.

Thủ tướng chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, cho rằng dịch lần này khác lần trước vì đã lây ra cộng đồng nhiều ngày, chưa tìm được ca F0 ; do đó tình hình phức tạp, nhiều nguy cơ lây nhiễm ở các địa phương, các thành phố lớn, các tình, thành phố xung quanh Đà Nẵng.

***********************

Việt Nam : Đà Nẵng là "ổ dịch" Covid-19

BBC, 28/07/2020

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói cần tính đến cả "tình huống xấu nhất" trong lúc có thêm ca dương tính Covid-19 tại Đà Nẵng và Quảng Nam.

dich9

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nói "Cả hệ thống chính trị, trước hết là ngành y tế cần "chia lửa" với Đà Nẵng

Thông điệp được đưa ra trong bối cảnh có thêm 7 ca nhiễm mới trong ngày thứ Ba 28/07, với 3 bệnh nhân ở Quảng Nam và 4 người ở Đà Nẵng.

Như vậy, trong bốn ngày qua (25-28/07) riêng Đà Nẵng ghi nhận 18 ca nhiễm, Quảng Nam 3 ca, và Quảng Ngãi một ca.

Các ca Quảng Ngãi và Quảng Nam đều có yếu tố dịch tễ liên quan Đà Nẵng.

Trong tổng số 22 ca nhiễm mới trong cộng đồng cho tới nay, ít nhất hai ca được mô tả là trong "tình trạng nặng" và phải thở máy.

Một số nhóm y bác sĩ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được điều tới Đà Nẵng để hỗ trợ cho các ca "có bệnh nền" và giảm tải cho gánh nặng y tế của thành phố này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nói "cả hệ thống chính trị, trước hết là ngành y tế cần "chia lửa" với Đà Nẵng, không phân biệt bệnh viện tuyến Trung ương với địa phương hoặc địa phương với địa phương" và "không để xảy ra trường hợp nào tử vong".

"Chúng ta không bất ngờ trước tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng nhưng trong chống dịch bao giờ cũng phải lường đến tình huống xấu, tính đến cả tình huống xấu nhất.

"Đến thời điểm hiện nay, các tỉnh, thành phố như : Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, đặc biệt Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đều có nguy cơ có những người liên quan đến Đà Nẵng nhưng thành phố này hiện đang là ổ dịch.

"Do đó, cả hệ thống chính trị, trước hết là ngành y tế cần "chia lửa" với Đà Nẵng, không phân biệt bệnh viện tuyến Trung ương với địa phương hoặc địa phương với địa phương", ông Đam nói.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin trước mắt sẽ tiến hành xét nghiệm khoảng 10.000 người là nhân viên y tế, bệnh nhân các bệnh viện được phát hiện có ca lây nhiễm, người dân ở khu vực nguy cơ và người nước ngoài.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh nhu cầu đặc biệt lưu ý đến tình trạng "người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam".

Ông Nhân được dẫn lời nói trong phiên họp ngày 28/7 rằng "đây là mối nguy cơ cao, từ đó yêu cầu mỗi người dân, mỗi gia đình phải chủ động phát hiện và thông báo kịp thời cho chính quyền và y tế địa phương để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng".

"Xác định rõ nguy cơ, nguồn bệnh là từ đâu thì từ đó mới có các giải pháp hiệu quả", ông Nhân nói thêm.

Tin cho hay trong ba ngày qua, có hơn 18.000 người dân từ Đà Nẵng về Thành phố Hồ Chí Minh bằng đường hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất

Được biết Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị các quận huyện chủ động rà soát, kiểm tra xác minh trong cộng đồng dân cư những người đến từ Đà Nẵng từ ngày 1/7 hiện đang có mặt ở thành phố để áp dụng khai báo y tế.

Trong khi đó chính quyền Thành phố Hà Nội yêu cầu thực hiện rà soát "những trường hợp đi Đà Nẵng và trở về Hà Nội từ ngày 8/7/2020".

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung được dẫn lời xác định Hà Nội là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao và do đó cần ngay lập tức thực hiện rà soát những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm từ "ổ dịch Đà Nẵng".

"Kết quả rà soát ban đầu của các quận, huyện cho thấy khoảng 15.000 đến 20.000 người từ Đà Nẵng trở về thủ đô", Chủ tịch Chung nói. "Mọi người tự giác chấp hành, vì chính quyền có đi rà soát cũng không thể hết",.

Tin cho hay ngành y tế Quảng Nam đưa hơn 10 người đi cách ly và sẽ lấy mẫu xét nghiệm sau khi những người này đã "bỏ trốn" khi đang trong diện phải cách ly ở Bệnh viện Đà Nẵng.

************************

Covid-19 : Hai thành phố lớn đã có các ca lây nhiễm từ Đà Nẵng

Thu Hằng, RFI, 28/07/2020

Ngày 29/07/2020, bộ Y Tế Việt Nam thông báo có thêm 8 ca nhiễm virus corona, đều liên quan đến bệnh viện ở Đà Nẵng, nâng số ca nhiễm trong năm ngày qua lên thành 30, trong đó có 26 ca là ở Đà Nẵng. 

dich10

Cán bộ y tế Cao Bằng kiểm tra sức khỏe các trường hợp có nguy cơ cao lây nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh minh họa : Sở Y tế Cao Bằng

Biện pháp cách ly xã hội, theo chỉ thị 16, được áp dụng triệt để trên phạm vi toàn thành phố Đà Nẵng để khống chế dịch, vì vẫn chưa tìm được dấu F0 (ca nhiễm đầu tiên). Virus corona có nguy cơ lan ra nhiều tỉnh thành trên cả nước do Đà Nẵng đón rất nhiều du khách tham quan trong thời gian qua.

Riêng thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 2 ca là một cặp vợ chồng. Người chồng có triệu chứng viêm phổi và được điều trị ở Đà Nẵng, sau đó đến điều trị ở Bệnh viện Quốc tế City, quận Bình Tân. Còn người vợ, chăm sóc chồng, cũng có triệu chứng nhiễm Covid-19. Một khách sạn nằm đối diện với bệnh viện Chợ Rẫy đã bị phong tỏa từ ngày 29/07 do cặp vợ chồng này đã lưu trú tại đây. Bệnh viện Quốc tế City cũng thông báo ngừng tiếp nhận bệnh nhân để khử khuẩn.

Hà Nội có từ 15.000 đến 20.000 người vừa từ Đà Nẵng và các vùng phụ cận trở về. Ca nghi nhiễm đầu tiên tại Hà Nội, được thông báo ngày 29/07, là một nam thanh niên, 23 tuổi, trú tại Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Chính quyền thành phố Hà Nội đề nghị những người từ Đà Nẵng về từ ngày 08/07 đến nay phải tự cách ly, khai báo y tế để lấy mẫu xét nghiệm. Vùng Cao nguyên cũng xuất hiện một số ca nghi nhiễm Covid-19, theo Reuters.

Trong cuộc họp thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19 sáng 29/07, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo về tình hình dịch lây lan nhanh, hiện đã lan ra đến 7 địa phương, bao gồm cả Đà Nẵng và trong thời gian ngắn. Theo VnExpress, ông Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan chức tăng cường chống dịch, nhưng đồng thời không được "ngăn sông cấm chợ", mà từng địa phương có kịch bản ứng phó như giai đoạn đầu chống dịch.

Thu Hằng

*********************

Covid 19 : Việt Nam ngừng toàn bộ giao thông đi và đến Đà Nẵng

Anh Vũ, RFI, 28/07/2020

Theo Reuters, sau khi phát hiện 14 trường hợp nhiễm virus corona trong vòng 3 ngày tại thành phố Đà Nẵng, chính quyền Việt Nam đã quyết định áp dụng các biện pháp phong tỏa hoàn toàn thành phố du lịch miền trung này.

dich11

Cảnh sát đeo khẩu trang dựng rào cản trên một con đường tại thành phố Đà Nẵng (Việt Nam) hôm 28/07/2020. Reuters - Stringer

Bắt đầu từ hôm nay, 28/07/2020, bộ Giao Thông thông báo ngừng toàn bộ các chuyến bay, các phương tiện vận tải đường sắt, đường bộ đi và đến Đà nẵng trong vòng 15 ngày. Thành phố Đà nẵng và các vùng phụ cận từ hôm nay trở lại với các biện pháp giãn cách phòng dịch gần như đã áp dụng tại Việt Nam hồi tháng 3 vừa qua. Hiện tại ngành hàng không chỉ dành ưu tiên một số chuyến bay để giải tỏa du khách ra khỏi thành phố sau khi có lệnh giãn cách xã hội.

Ngoài ra các tỉnh thành khác của Việt Nam cũng đang được đặt trong tình trạng báo động, do Covid-19 có thể lan ra từ những khách từ Đà Nẵng trở về.

Thông tín viên RFI Frédéric Noir tại thành phố Hồ Chí Minh tường trình :

Quyết định giải tỏa số lượng lớn du khách được chính phủ ban hành khẩn cấp. Báo chí tại Việt Nam đăng các hình ảnh nhà ga sân bay Đà Nẵng chật kín người. Từ hôm thứ Bảy, các hãng hàng không trong nước đã thực hiện gần 100 chuyến bay mỗi ngày từ Đà Nẵng đến các thành phố trong nước.

Để bảo đảm đợt giải tỏa khách khỏi thành phố sẽ không góp phần làm lây lan thêm virus, chính quyền quyết định tất cả những người từ Đà Nẵng trở về sẽ phải được cách ly 14 ngày tại địa phương. Các biện pháp giãn cách xã hội cũng được áp dụng trở lại ở Đà Nẵng, nhiều người lo ngại các biện pháp sẽ còn được mở rộng ra các thành phố khác. Được biết một trong số người nhiễm vừa được phát hiện đã từng tới thành phố Hồ Chí Minh thăm người thân.

Dù chính quyền không chính thức khẳng định có liên quan giữa các ca dương tính mới với tình trạng nhập cảnh bất hợp pháp, nhưng các nghi ngờ vẫn lan truyền trong dân chúng. Cần phải nói là từ tháng 5, gần 1.500 người đã bị bắt vì đã nhập cảnh lậu qua biên giới.

Dù đa phần trong số này là những người Việt Nam từ Trung Quốc trở về nhưng muốn tránh bị cách ly bắt buộc, báo chí còn chỉ ra trong số nhập cảnh lậu còn có các lao động người Trung Quốc. Thủ tướng Việt Nam đã ra lệnh cho công an trấn áp mạnh nạn nhập cảnh trái phép.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mỹ Thuận, Bùi Thư, Cao Nguyên, Thu Hằng, Anh Vũ, RFA tiếng Việt, BBC tiếng Việt
Read 738 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)