Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/09/2018

Mặt trái của Việt Nam bề ngoài hào nhoáng

Người Việt

Tội phạm ở ‘đảo ngọc Phú Quốc’ ngày càng ‘manh động và liều lĩnh’ (Người Việt, 02/09/2018)

Trong năm 2018, huyện đảo Phú Quốc xuất hiện thêm các băng nhóm bảo kê trong tranh chấp đất đai, cho vay nặng lãi, khai thác khoáng sản trái phép…

toipham1

Công an bắt quả tang một vụ khai thác cát trái phép ở bờ biển thuộc xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc. (Hình : Thanh Niên)

Sáng 1 tháng Chín, 2018, báo Thanh Niên trích lời ông Lê Văn Mót, trưởng Công An huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, cho biết tình hình hoạt động của các băng nhóm tội phạm "vẫn còn diễn biến phức tạp".

Ông cho hay, trong năm 2018, tình hình trật tự xã hội ở huyện đã xảy ra 80 vụ, tội phạm ma túy phát hiện 27 vụ, tội phạm kinh tế xảy ra hai vụ. Ngoài ra, công an đã phát hiện một vụ, bắt bốn người tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép, thu giữ một súng AR15 và 38 viên đạn.

Trong 80 vụ án ở huyện, "dù số liệu có giảm 28 vụ so với cùng kỳ năm 2017 nhưng phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội manh động và liều lĩnh hơn", báo Thanh Niên cho hay.

toipham2

Rác trên bãi biển Phú Quốc. (Hình : Thanh Niên)

Cũng theo báo Thanh Niên, sáng 31 tháng Tám, ông Phạm Văn Nghiệp, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc, cho biết : "Phú Quốc phát triển kéo theo nhiều hệ lụy".

Theo ông Nghiệp, "đảo ngọc Phú Quốc" khó tránh khỏi ô nhiễm môi trường, khiến người dân Phú Quốc đang phải đối mặt hằng ngày.

Trong năm qua Phú Quốc có trên 33,000 người nhập cư. Con số này gây áp lực rất lớn đối với chính quyền địa phương.

"Điều đáng nói là đến thời điểm này, Phú Quốc vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải và rác thải tập trung", báo này cho hay. (Tr.N)

****************

Dân Đà Nẵng 10 năm sống khổ bên dòng kênh đen (Người Việt, 02/09/2018)

Người dân sống dọc bờ kênh Khuê Trung-Đò Xu (tổ 68, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) suốt 10 năm qua phải chịu cảnh ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sinh hoạt.

toipham3

Kênh Khuê Trung-Đò Xu đen ngòm, bốc mùi hôi thối. (Hình : Thanh Niên)

Theo báo Thanh Niên, kênh hở Khuê Trung-Đò Xu được xây dựng từ năm 2007, chảy qua khu vực giáp phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) và phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ). Dòng kênh dài 300 mét (từ đường Hồ Nguyên Trừng đến hồ điều tiết Đò Xu), nước đen sì, bốc mùi hôi thối. Hai bên bờ kênh đã được xây bao bằng đá nhưng phía dưới cỏ cây vẫn mọc um tùm, chặn đứng dòng chảy.

Bà Phạm Thị Trọng (57 tuổi, nhà bên bờ kênh) cho biết dòng kênh bốc mùi hôi rất khó chịu suốt cả ngày. Vào mùa nắng nóng, nước kênh cạn, mùi hôi càng nồng nặc. Bà đã mở một quán ăn ngay trước nhà nhưng vì mùi hôi dưới kênh bốc lên, khách đến một lần là không dám trở lại.

"Hơn 10 năm tôi sống ở đây chỉ thấy người ta nạo vét dòng kênh có một lần. Ô nhiễm khiến gia đình tôi không thể buôn bán gì được", bà Trọng than phiền.

Tương tự, ông Nguyễn Tấn Liêm (47 tuổi, tổ 68, phường Hòa Cường Nam) bực tức nói : "Con kênh này bốc mùi hôi thối cả ngày lẫn đêm, nặng nhất là lúc trời mưa rồi nắng trở lại. Lúc mưa to khiến nước tại miệng cống thoát không kịp, mùi hôi thối bốc lên càng kinh khủng hơn, chúng tôi không thể nuốt nổi bữa cơm".

toipham4

Người dân khổ vì 10 năm sống chung với dòng kênh ô nhiễm. (Hình : Thanh Niên)

Theo ông Nguyễn Văn Nhật, tổ trưởng tổ 68, phường Hòa Cường Nam, kênh Khuê Trung-Đò Xu ô nhiễm ảnh hưởng đến hơn 50 nhà dân thuộc tổ 68 và học sinh tại trường trung học Nguyễn Khuyến. "Hiện cơ quan chức năng có đặt hệ thống bơm tại miệng cống để khử mùi hôi, nhưng giải pháp này không hiệu quả. Nước ô nhiễm của kênh là môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển, nguy cơ gây dịch bệnh sốt xuất huyết", ông Nhật nói.

Nói với báo Thanh Niên hôm 30 tháng Tám, 2018, ông Mai Mã, giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, cho biết "công ty đã dùng khoáng hóa xử lý mùi, tại cửa xả kênh Đò Xu đã có hệ thống phun khử mùi tự động định thời".

"Các nhà dân nơi đây đề nghị xây cống hộp để khỏi bốc mùi hôi, đồng thời tận dụng mặt bằng trên cống để làm việc khác. Nếu làm cống hộp kín sẽ kiểm soát được vấn đề mùi hôi, tạo được không gian nơi đây tốt hơn. Nhưng vấn đề này là do Sở Xây Dựng tham mưu rồi trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định", ông Mã cho biết thêm. (Tr.N)

***************

Dân Đồng Tháp dùng xung điện ‘tàn sát’ cá, bất chấp tính mạng (Người Việt, 01/09/2018)

Đầu tháng Tám, 2018, trên một cánh đồng ở xã An Bình A, thị xã Hồng Ngự, một người dân tử vong do bất cẩn khi đánh bắt cá bằng xung điện.

toipham5

Bộ xung điện dùng để đánh bắt cá. (Hình : Người Lao Động)

Theo báo Người Lao Động, thay vì dùng ngư cụ bình thường đánh bắt cá thì nhiều người ở thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, lại dùng xung điện bắt cá, bất chấp cảnh báo nguy hiểm tính mạng.

Báo này cho hay, tại nhiều nơi ở miền Tây còn tồn tại cách đánh bắt dùng xung điện (hay còn gọi là xiệc điện). Chỉ với khoảng 1 triệu đồng (hơn $42), người dân sẽ "trang bị" được một bộ xung điện để đánh bắt cá, gồm bình ắc quy, cục biến thế, dây điện…

Giá cả vừa túi tiền, dễ mua, dễ làm, đánh bắt hiệu quả cao nhất nên phương thức đánh bắt cá này ngày càng nở rộ, bất chấp mạng sống.

Những ngày cuối tháng Tám, 2018, mương Út Gốc (thuộc xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự) đã được rút nước. Nước cạn nên cá trong mương dễ thấy hơn, và thế là nhiều người dân đã dùng ngư cụ để đánh bắt. Điều đáng nói là thay vì dùng các ngư cụ thông thường thì không ít trong số đó dùng xung điện để đánh bắt cá theo kiểu tận diệt, tiềm ẩn nguy cơ an toàn tính mạng.

toipham6

Mương Út Gốc cạn nước cũng là lúc dập dìu người đánh bắt cá bằng xung điện. (Hình : Người Lao Động)

Từ rất sớm, nhiều phương tiện xuồng nhỏ sử dụng xung điện đánh bắt cá dập dìu tại đây. Mỗi phương tiện có trang bị bình ắc quy cỡ lớn, dây điện và một cây sào tre. Phần đầu sào tre này có một cái vợt được dẫn điện để làm tê liệt cá, sau đó vợt này dùng để vớt cá. Theo một người sử dụng xiệc điện "bật mí" rằng dùng cách này có khi một ngày bắt được cả chục kg cá là bình thường.

Cách sử dụng thì đơn giản và theo nhiều người thì rất hiệu quả, thế nhưng tiềm ẩn nguy cơ bị điện giật rất cao, bởi vì những người đi xiệc đều đang tiếp xúc trực tiếp với nguồn điện. Hơn nữa, cách đánh bắt cá này đang làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, dù ngành nông nghiệp cấm sử dụng.

Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp tử vong liên quan đến xung điện, thế nhưng vì sự "tiện lợi" của nó nên nhiều người đã bất chấp để sử dụng. (Tr.N)

Quay lại trang chủ
Read 804 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)