Thủy điện xả lũ để tránh vỡ đập nên nhà trôi, cầu sập (Người Việt, 03/09/2018)
Những người đứng đầu của đập thủy điện Bản Vẽ tỉnh Nghệ An nhìn nhận việc xả lũ với lưu lượng lớn để tránh vỡ đập đã gây ra thảm họa nhà trôi, cầu sập cho khu vực hạ du.
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ. (Hình : VietnamNet)
Báo điện tử VietnamNet kể lại cuộc "trao đổi" với ông Tạ Thanh Hùng, phó giám đốc công ty thủy điện Bản Vẽ ngày 2 tháng Chín thì được cho biết, "Ngày cuối tháng Tám và đầu tháng Chín, lòng hồ thủy điện Bản Vẽ lần thứ 2 chứng kiến mực nước đổ về cao nhất trong lịch sử. Lượng nước đổ về từ 930m3/s đến gần 4,300m3/s, gây thiệt hại nặng cho nhà máy".
Trước lưu lượng nước dồn về hồ chứa tăng quá nhanh "chưa từng có" cho nên ông Hùng nói "buộc nhà máy phải xả lũ bằng lưu lượng nước đổ về".
Thủy điện Bản Vẽ là công trình thủy điện xây dựng tại thượng nguồn Nậm Nơn tức sông Lam, lớn nhất miền Trung với công suất 320MW. Đập chính và nhà máy điện đặt tại bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Nhiệm vụ của đập thủy điện Bản Vẽ là vừa cung cấp điện vừa giúp các khu vực hạ du "cắt lũ". Nhưng những gì đang xảy ra lại trái ngược.
Cầu sập vì thủy điện xả lũ. (Hình : Vietnamnet)
Ông Hùng nêu ra các chi tiết thúc đẩy công ty thủy điện Bản Vẽ phải xả tối đa vì "mái đá gia cố dưới cao trình 92m bị xói, bóc sâu hư hỏng gần như hoàn toàn. Mái bê tông gia cố bờ phải bị xói, sập khoảng 120m. Mái đất tự nhiên bờ phải bị sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ sạt tiếp vào nền đường vận hành N3, N4".
Nói cách khác, ông gián tiếp nhìn nhận phải vội vã xả lũ tối đa để tránh vỡ đập, bất chấp những hệ quả gây ra cho khu vực cư dân bên dưới. Chỉ trong hai ngày 30 và 31 tháng Tám, tại huyện Tương Dương đã có 239 nhà bị thiệt hại, trong đó 5 nhà bị sập, 10 nhà bị cuốn trôi, 37 nhà phải di dời khẩn cấp, 185 nhà bị ngập. Chiếc cầu "dân sinh" dài 150 mét gần nhà máy đã bị lũ cuốp trôi hai nhịp giữa.
Ngày 31 tháng Tám, rất nhiều xã của huyện Tương Dương bị ngập sâu, hàng ngàn người dân hối hả bỏ chạy lên núi để giữ lấy mạng sống.
Ngày 15 tháng Chín năm ngoái, báo chí trong nước tường thuật lời ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đi thị sát ở Quảng Bình ra lệnh cho Bộ Công Thương (chủ của các công ty thủy điện) "không để các hồ thủy điện xả đập gây ra lũ".
Các đập thủy điện vẫn hối hả xả lũ, gây ra ngập lụt với đủ mọi thứ hệ quả bắt người dân hứng chịu. Chỉ trong mấy ngày cuối tháng Tám sang đầu tháng Chín, thống kê cho thấy có 11 người chết và sáu người còn mất tích tại các tỉnh miền núi miền Bắc và bắc miền Trung. (TN)
**************************
Lũ lụt, thủy điện xả lũ làm 11 người chết, 6 người còn mất tích (Người Việt, 02/09/2018)
Thiên tai phối hợp với nhân tai đã làm thiệt mạng 11 người và còn sáu người ghi nhận mất tích không kể những thiệt hại to lớn về tài sản vật chất chỉ trong mấy ngày vừa qua.
Dân huyện Tương Dương, Nghệ Anh, bỏ nhà chạy lên núi để giữ lấy mạng. (Hình : Lao Động)
Tờ Người Lao Động hôm Chủ Nhật căn cứ vào "báo cáo nhanh" của các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Thanh Hóa và Nghệ An, cho hay "thiệt hại tính đến hết ngày 1 tháng Chín, mưa lũ đã làm 11 người chết (Sơn La một người, Yên Bái một người, Lạng Sơn một người, Hòa Bình một người, Thanh Hóa bảy người). Hiện còn sáu người tại tỉnh Thanh Hóa mất tích".
Bên cạnh các thiệt hại nhân mạng nghiêm trọng, "mưa lũ còn khiến 297 nhà ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An bị sập đổ, thiệt hại ; 828 nhà phải di dời khẩn cấp ; 3.978 ha lúa, hoa màu, thiệt hại ; hàng chục ngàn gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi ; hơn 600 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ bị cô lập, chia cắt, hư hỏng nặng nề do ngập và sạt lở đất, đá".
Không thấy báo chí trong nước tường thuật gì về các đập thủy điện miền núi phía Bắc xả lũ ra sao. Chỉ thấy họ nói đến các vụ xả lũ hối hả với lưu lượng lớn nước của các đập thủy điện nhỏ tại các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đang làm người dân tại hai tỉnh này khốn đốn.
Dự báo thời tiết cho thấy "Mưa lớn diện rộng ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc còn kéo dài đến đêm 3 tháng Chín", nên các đập thủy điện nhiều phần sẽ còn tiếp tục xả lũ để tránh vỡ đập.
Tờ Người Lao Động đưa tin công an huyện Tương Dương tỉnh Nghệ An đã "triệu tập 6 người" bị cáo buộc "tung tin thủy điện Bản Vẽ vỡ khiến nhiều người hoảng sợ, tháo chạy lên núi lánh nạn". Nhưng tin đập thủy điện Bản Vẽ "tiến hành xả lũ với lưu lượng lớn 4.200 m3/giây" là có thật và làm ngập lụt một khu vực dân cư rộng lớn.
Hàng ngàn người dân Nghệ An tháo chạy lên núi do "tin đồn" nhưng tờ Thanh Niên hôm Chủ Nhật, 2 tháng Chín cho biết nhà cầm quyền huyện Thạch Thành tỉnh Thanh Hóa đã "phải tổ chức sơ tán 1.574 hộ đến nơi an toàn" khi nước sông Bưởi "vượt mức báo động 3 gần một mét". Sông Bưởi chảy qua các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Yên Định, và cả thành phố Thanh Hóa "nước lũ lại dâng cao, gây ngập nhiều nơi".
Thủy điện Trung Sơn đặt tại xã Trung Sơn huyện Quan Hóa trên thượng nguồn sông Mã nhằm "cung cấp điện và kiểm soát lũ cho các vùng hạ lưu của tỉnh Thanh Hóa nhưng sợ vỡ đập đã phải liên tục xả lũ.
Ngày 31 tháng Tám, 2018, tờ Lao Đông đưa tin "Do mưa lớn trong nhiều ngày, cộng với việc các nhà máy thủy điện xả lũ khiến nước sông Mã dâng nhanh và cao vượt đỉnh lũ 2007, hàng nghìn hộ dân tại huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đã phải sơ tán trong đêm. Nhiều gia đình không kịp mang theo tài sản, cuồng chân chạy lũ".
Báo Lao Động thuật lời một người địa phương tên Nguyễn Văn Hợi (45 tuổi, trú tại tổ 1, thị trấn Cẩm Thủy, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, nước lũ dâng nhanh chưa từng thấy. Đặc biệt, rạng sáng ngày 31 tháng Tám, lũ dâng từng phút. "Ở đây, ngót nửa đời, tôi chưa từng trải qua cơn lũ nào lớn như thế, may còn giữ được mạng sống. Chẳng biết rồi đây, tôi cùng nhiều gia đình khác sẽ sống sao khi tất cả tài sản đều bị chìm và cuốn theo dòng nước". (TN)
******************
Nước tràn đê sông, hàng ngàn nhà dân ở Thanh Hóa bị đe dọa (Người Việt, 02/09/2018)
Do lũ lớn, nước sông Mã, sông Bưởi lên cao khiến hàng chục ngàn ngôi nhà ở huyện Thạch Thành và Lang Chánh bị ngập sâu trong nước. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có bảy người chết, mất tích do lũ.
Nhà dân gần đê sông Bưởi bị ngập đến nửa nhà. (Hình : Lao Động)
Sáng 1 tháng Chín, 2018, mực nước trên sông Bưởi (đoạn qua xã Thạch Định, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) là 12,61 mét (trên mức báo động là 61 cm), khiến một đoạn đê sông Bưởi dài khoảng 1 cây số ở xã Thạch Định đã bị tràn với mực nước tràn có đoạn sâu khoảng 30 cm.
Theo báo Lao Động, nước đê sông Bưởi tràn bờ khiến hàng ngàn nhà dân tại xã Thạch Định phải nhanh chóng di chuyển đồ đạc, tránh tình huống xấu xảy ra. Trước tình hình trên, huyện Thạch Thành đã phát lệnh báo động, di tản các nhà dân có nguy cơ bị ngập đến nơi an toàn.
Huyện Thạch Thành có 15 xã, thị trấn với hơn 1,000 nhà dân bị ngập. Số nhà dân đã di tản đến nơi an toàn là 1.574, trong đó riêng xã Thạch Định là 630 nhà.
Báo này cho biết, đến chiều 1 tháng Chín, hàng ngàn nhà dân ở các xã Thạch Định, Thạch Đồng, Thành Kim, Thành Trực đang di chuyển đồ đạc, vật nuôi đến nơi an toàn nếu tình trạng tràn đê vẫn tiếp tục gia tăng.
Được biết, sau khi nước lũ tràn đê sông Bưởi, chính quyền huyện Thạch Thành đã huy động hàng trăm cán bộ, dân quân tiến hành đắp đê bao, hạn chế nước lũ vượt đê tràn vào khu vực trũng thấp của xã Thạch Định.
Hiện tại, mực nước trên sông Bưởi vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Vì vậy, chính quyền huyện Thạch Thành luôn phải ứng trực, sẵn sàng hỗ trợ các nhà dân trong vùng lụt nếu có tình huống xấu xảy ra.
Trong khi đó, Phòng Cảnh Sát Phòng Cháy Chữa Cháy và Tìm Kiếm Cứu Hộ Cứu Nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết, tính đến chiều 1 tháng Chín, toàn tỉnh có bảy người chết, mất tích trong cơn lũ khi đang vận chuyển đồ đạc chạy lũ, trong đó các nạn nhân đều ở huyện Cẩm Thủy. Tuy nhiên, hiện chỉ mới tìm thấy thi thể hai nạn nhân, còn năm người vẫn đang mất tích. (Tr.N)
****************
Sợ vỡ đập thủy điện, dân Nghệ An nháo nhào chạy lên núi (Người Việt, 01/09/2018)
Lượng nước đổ về quá lớn khiến thủy điện Bản Vẽ phải xả lũ gây ngập úng nhiều nơi ở huyện Tương Dương. Người dân huyện này nhìn thấy nước lũ chảy cuồn cuộn trên sông và nghe mọi người kháo nhau "vỡ đập thủy điện", nên dân nháo nhào chạy lên núi lánh nạn.
Gỗ bị nước lũ cuốn trôi ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. (Hình : VietnamNet)
Theo báo VietnamNet, Ủy ban nhân dân huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết, thủy điện Bản Vẽ xả lũ gây ngập úng ở nhiều xã như thị trấn Hòa Bình, Thạch Giám, Tam Thái, Tam Quang…
"Nhiều xã bị ngập, quốc lộ 7 ngập năm đoạn chưa thể đi qua. Một cây cầu dẫn lên thủy điện Bản Vẽ bị gãy, nhiều nhà bị cuốn trôi", vị lãnh đạo văn phòng ủy ban huyện cho hay.
Báo VnExpress dẫn tin, hơn 9 giờ sáng 31 tháng Tám, 2018, trên mạng xã hội rộ tin với nội dung "vỡ đập thủy điện Bản Vẽ ở huyện Tương Dương (Nghệ An)", khiến nhiều người dân ở huyện này hoảng hốt.
Một ngôi nhà ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An bị ngập sâu. (Hình : VietnamNet)
Các nhà dân ở thị trấn Hòa Bình, xã Xá Lượng, Yên Na, Tam Quang… nháo nhào gọi nhau chạy lên chỗ cao. Người lớn bế trẻ nhỏ, dắt người già ôm đồ đạc di chuyển lên các ngọn núi gần nhà để tránh lũ.
"Tôi thấy nước lũ ở sông chảy cuồn cuộn dâng nhanh. Cùng lúc này mọi người nói với nhau có thông tin vỡ đập thủy điện nên tay chân run bần bật rồi chỉ biết gọi mọi người cùng chạy lên điểm cao", chị Thái Thị Tú, ở xã Xá Lượng, nói.
Nhận tin báo về sự hoảng loạn của nhiều người dân, ông Nguyễn Văn Hải, chủ tịch huyện, "đã tới khu vực thủy điện Bản Vẽ để kiểm tra ; đồng thời chỉ đạo phòng văn hóa dùng xe hơi gắn loa chạy dọc các tuyến đường để bác bỏ thông tin thất thiệt về việc vỡ đập thủy điện", báo VnExpress tường thuật.
Theo báo này, tại các khối, xóm, do điện lưới bị mất nên cán bộ phụ trách được yêu cầu dùng máy phát điện để lên loa phóng thanh thông báo cho người dân biết "đập thủy điện vẫn an toàn". Lực lượng công an, quân đội cũng được giao nhiệm vụ dùng điện thoại, trực tiếp gặp dân hoặc có thể lên mạng xã hội đăng thông tin chính thức về thủy điện Bản Vẽ.
Người dân thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, nháo nhào chạy lên núi lánh nạn. (Hình : VietnamNet)
"Ước tính có cả ngàn người dân bị hoảng loạn bởi thông tin thất thiệt, hàng trăm người chạy lên núi tránh lũ. Đến chiều nay, người dân khi có thông tin chính thức đều đã trở về nhà", ông Hải nói và cho biết công an đang vào cuộc xác minh người đăng thông tin thất thiệt nêu trên.
Nằm ở hạ du thủy điện Bản Vẽ, nhiều người dân huyện Con Cuông cũng lo lắng gọi điện thoại hỏi nhau về tình hình mưa lũ.
Để trấn tĩnh người dân, ông Nguyễn Đình Hùng, bí thư Huyện Ủy Con Cuông, đã viết thông báo trên mạng xã hội với nội dung : "Hiện tại có một thông tin thất thiệt về vỡ đập thủy điện. Đề nghị cấp ủy chính quyền và các đoàn thể tuyên truyền cho nhân dân hết sức bình tĩnh…".
Nói với báo VnExpress, ông Tạ Hữu Hùng, phó giám đốc phụ trách nhà máy thủy điện Bản Vẽ, cho biết : "Tôi đang ở khu vực nhà máy thì bất ngờ có nhiều cuộc điện thoại từ lãnh đạo các huyện, xã gọi tới tấp để xác minh thông tin vỡ đập thủy điện. Chúng tôi khẳng định công trình vận hành an toàn".
Người dân xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, căng bạt tá túc trên núi. (Hình : VietnamNet)
Chiều cùng ngày, thủy điện Bản Vẽ giảm lưu lượng xả từ 4,200 mét khối/giây xuống còn 3,.800 mét khối/giây.
Mặc dù ông Hùng khẳng định "công trình vận hành an toàn", nhưng theo báo VietnamNet dẫn tin của Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai-Tìm Kiếm Cứu Nạn tỉnh Nghệ An cho hay : "Lũ dâng khiến 15 ngôi nhà tại huyện Tương Dương bị ngập sâu, 10 nhà bị sụt lún, sạt lở phải di dời ; 13 nhà dân ở thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, đang bị ngập sâu".
Ngoài một cây cầu dẫn lên thủy điện Bản Vẽ bị gãy thì "Nhiều vị trí trên quốc lộ 7A bị ngập. Có đoạn ngập sâu 2.5 mét. Hiện tuyến quốc lộ 7A từ huyện Tương Dương lên cửa khẩu Nặm Cắn (huyện Kỳ Sơn) có nhiều đoạn đang bị ngập sâu 30-50 cm gây tắc nghẽn giao thông", ông Nguyễn Việt Phương, chi cục trưởng Chi Cục Quản Lý Đường Bộ II.2, được báo VietnamNet trích lời nói. (Tr.N)