Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/09/2018

Đảng trên luật, ngân sách nuôi công chức, tụ tập trái luật ?

Tổng hợp

Vì sao lãnh đạo không chịu ra tòa khi bị dân kiện hành chánh ? (RFA, 30/08/2018)

Phiên tòa xét xử vụ án ông Lê Văn Lung kiện Ủy ban nhân dân Quận 2 liên quan việc phá hủy căn nhà của ông theo quyết định cưỡng chế thu hồi đất do Chủ tịch UBND quận này ban hành, dự kiến diễn ra sáng 28/8 vừa qua đã bị hoãn. Lý do được thông báo ngay trước phiên xử là do bên bị đơn vắng mặt.

dang1

Tòa án Nhân dân Hà Nội. AFP

Đây không phải là vụ đầu tiên những phiên tòa như thế bị hoãn vì không có sự tham gia của bị đơn là đại diện bên chính quyền.

Vietnamnet trích thông tin từ 2015-2017, Tòa án nhân dân Hà Nội xét xử 189 vụ án nhưng chưa có vụ án nào Chủ tịch và Phó Chủ tịch uỷ ban tham gia tố tụng.

Tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Tư pháp diễn ra vào sáng 22/8, đoàn giám sát cho biết tỷ lệ các lãnh đạo UBND và người đại diện không tham gia phiên tòa năm 2017 cao gấp 3 lần so với trước khi thực hiện Luật tố tụng hành chính 2015. Hiện có hàng trăm vụ án loại này mà tòa án không thể thụ lý chỉ vì Chủ tịch UBND và đại diện UBND vắng mặt.

Lách luật hay bận ?

Lý giải vì sao các lãnh đạo UBND lại "né" việc đối chất hay tham gia tố tụng tại tòa, luật sư Ngô Anh Tuấn, trưởng một văn phòng luật mang tên ông ở Hà Nội nhận định :

Phải thừa nhận một thực tế là các cơ quan hành chính nhà nước không có nhiều sự tôn trọng đối với các cơ quan tư pháp, bởi vì tòa gọi là cơ quan tư pháp độc lập nhưng thực tế không độc lập được. Ngân sách thì được cấp từ bên hành chính nên họ phụ thuộc. Tòa thì tôi không nói nhưng bên cơ quan thi hành án chịu sự lệ thuộc khá là lớn bên cơ quan hành chính, nên nếu có phán quyết xấu với bên thi hành án xảy ra thì chưa chắc họ thực hiện.

Theo Luật sư Nguyễn Khả Thành, sở dĩ các vị chủ Tịch hay phó chủ tịch UBND không ra tòa một phần vì họ vin vào Điều 158 của Luật tố tụng hành chánh. Điều luật này quy định trường hợp đương sự vắng mặt nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt thì tòa án vẫn xử.

Vấn đề tốn kém về thời gian cũng là một nguyên nhân khiến các đại diện chính quyền ngại xuất hiện tại tòa. Luật sư Thành nói :

Theo tôi thì một trong những lý do họ hay né tránh - khi tôi nói chuyện với một số vị phó chủ tịch - thì công việc họ rất bề bộn, đôi lúc đến mấy chục đầu việc. Nhưng nếu theo đuổi một vụ án hành chánh thì phải theo từ đầu đến cuối, và luật pháp rất phức tạp nên họ rất là ngại. Hơn nữa một năm có hàng trăm vụ thì họ cũng không có thời gian theo đuổi. Mà nếu theo mà chỉ nắm một cách cụ thể, không nắm rõ ràng cụ thể thì khi ra tòa, nếu luật sư hay bên kiện họ chất vấn một số câu hỏi nào đó thì vị này rất khó trả lời.

Cần thay đổi luật

Theo Khoản 3 Điều 60 Luật tố tụng hành chính 2015, trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện...

Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy nói rằng sau khi luật 2015 có hiệu lực thi hành thì có những địa phương, Chủ tịch UBND làm văn bản ủy quyền thường xuyên cho phó chủ tịch tham gia tố tụng, nhưng thực tế phó chủ tịch cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên tòa nào.

Liên quan đến việc cấp trên ủy quyền cho cấp dưới tham gia tố tụng, Vietnamnet dẫn lời đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) rằng người dân kiện những quyết định hành chính do người đứng đầu cơ quan hành chính ký, mà khi ra tòa thì lại ủy quyền cho cấp dưới tham gia tố tụng trong khi họ không đủ thẩm quyền đối chất mà chỉ nghe rồi đề nghị tòa án hoãn phiên tòa để về xin ý kiến Chủ tịch UBND, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết.

Vậy làm cách nào để những người bên phía chính quyền được triệu tập phải có mặt tại tòa, luật sư Ngô Anh Tuấn nói với chúng tôi :

Điều tôi quan tâm hơn là giải quyết kết quả của phiên tòa đó như thế nào, tính thực thi phán quyết của tòa như thế nào, các cơ quan có thực thi hay không, người trưởng có thực thi hay không hay cứ đẩy qua đẩy lại.

Quy định luật tố tụng hành chánh năm 2015 về phạm vi Người đại diện thì tôi thấy nó cứng nhắc, có nghĩa ông trưởng chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình. Đó không phải là mấu chốt để giải quyết vấn đề. Bởi vì người có chuyên môn có thể là một người khác, không quan trọng, miễn họ giải quyết được vấn đề. Còn giả sử người phó yếu kém về năng lực thì hậu quả người cấp trưởng cũng phải chịu.

Theo luật sư Nguyễn Khả Thành thì hiện tại là bế tắc, bởi Luật tố tụng hành chánh đưa ra Điều 60 vì họ mong muốn chính người ký quyết định có thể ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của người kiện phải ra tòa đối diện chất vấn. Nhưng thực tế theo đuổi một vụ kiện không phải đơn giản, thẩm phán phải coi hồ sơ tới hàng mấy tháng mới đem ra xử được, trong khi những vị phó chủ tịch rất nhiều công việc chứ không phải chỉ một việc ra tòa. Với hàng trăm vụ như vậy, nếu UBND cử riêng một vị phó chủ tịch chuyên ra tòa như Điều 60 thì cũng không xuể. Hơn nữa vị này không có chuyên môn sâu về pháp luật.

Báo Người Lao Động dẫn lời Luật sư Nguyễn Tri Đức, Giám đốc Công ty Luật 360, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đến nay, Luật Tố tụng hành chính không đề ra các quy định cụ thể chế tài khi phía người bị kiện không tham gia đối thoại. Chính điều này đã dẫn đến ít nhiều hệ lụy làm ảnh hưởng quyền, lợi ích của người khởi kiện và quá trình giải quyết, xét xử vụ án.

Diễm Thi

******************

9 người dân nuôi 1 công chức, không ngân sách nào có thể chịu nổi (RFA, 30/08/2018)

Mặc dù chính phủ nhiều lần đưa ra giải pháp tinh giản biên chế, nhưng Việt Nam hiện vẫn có số lượng công chức khổng lồ, gây nhiều hệ lụy kinh tế xã hội.

dang2

Hội thảo Chính phủ và Chính quyền địa phương do Bộ Nội vụ tổ chức hôm 25 tháng 8 tại Hà Nội. Courtesy tcnn.vn

Tại Hội thảo Chính phủ và Chính quyền địa phương do Bộ Nội vụ tổ chức hôm 28 tháng 8 tại Hà Nội, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa thuộc Đại học Fulbright Việt Nam, khi đề cập đến bộ máy chính quyền địa phương đã cho biết, số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước hiện nay là khoảng 11 triệu người.

Nếu số liệu đúng như vậy thì cứ 9 người Việt Nam phải nuôi 1 người làm việc, hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách nhà nước.

Ông Nghĩa cũng dẫn số liệu của Bộ Nội vụ tính đến tháng 3 năm 2018 cho biết, hiện Việt Nam có gần 137 ngàn tổ dân phố ; 11.162 xã, phường ; 713 đơn vị hành chính cấp huyện và 63 tỉnh, thành phố. Chỉ riêng từ cấp phường xã trở xuống thì số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách ước tính là 1,3 triệu người.

Nhận xét về số liệu này, Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết :

"Lâu nay trên Diễn đàn Quốc hội và trong dư luận cũng ca thán là bộ máy cồng kềnh, thuế lại nuôi bộ máy đó, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Thứ hai, bộ máy cồng kềnh làm cho hiệu quả phục vụ nhân dân giảm sút".

Giáo sư Tương Lai, Cựu Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, từng là thành viên nhóm cố vấn cho các cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, đưa ra nhận định :

"Vấn đề nó quá rõ rồi, bởi vì một cái ngân sách như thế và phải nuôi số lượng người trong biên chế gồm viên chức nhà nước, quân đội, công an và tất cả các đoàn thể… thì không có một ngân sách nào có thể chịu được".

Cũng tại Hội thảo Chính phủ và Chính quyền địa phương, Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa cũng cho biết, tỷ lệ công chức và viên chức trên dân số của Việt Nam ước tính là 4,8%, con số này được ông Nghĩa cho là cao nhất Châu Á.

Theo số liệu do Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách VEPR công bố, các tổ chức quần chúng công mỗi năm tiêu tốn từ 45.670 tỷ đồng đến 52.700 tỷ đồng mỗi năm, tương đương khoảng 1,7% GDP của Việt Nam năm 2014. Trong đó, khoản chi từ ngân sách nhà nước khoảng 14.023 tỷ đồng.

Trong khi đó, trong Báo cáo Đánh giá về chi tiêu công Việt Nam do Bộ Tài chính và Ngân hàng thế giới công bố, dù có tăng trưởng kinh tế ấn tượng, Việt Nam vẫn nằm trong những quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất, tăng khoảng 10% trong 5 năm qua, mà nguyên nhân một phần là do bội chi ngân sách.

Rất khó để tinh giản

dang3

Công chức, ảnh minh họa. Courtesy tcnn.vn

Theo một số chuyên gia phát biểu tại Hội thảo Chính phủ và Chính quyền địa phương, để tinh gọn bộ máy chính quyền một hiệu quả, Việt Nam phải bắt đầu từ việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Ngoài ra, phải tách dịch vụ công thuần túy theo địa giới hành chính như đất đai, tài nguyên, quy hoạch, bảo vệ môi trường, thuế, y tế công cộng... ra khỏi các chức năng điều tiết từ trung ương. Đồng thời, tách công vụ, công chức dần ra khỏi trung ương và địa phương.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, hiện sống tại Sài Gòn thì cho rằng :

"Cải cách đó tới bây giờ thì có Nghị quyết trung ương 6, tức là sắp xếp bố trí lại các cơ quan một cách hợp lý hơn. Mà nếu thực hiện tốt cái này thì cũng có thể giảm một số khá lớn công chức. Ở Việt Nam thì làm cái gì cũng phải làm từ từ, không thể làm cái rụp được, vì họ sợ có biến động về chính trị thế này thế kia, cho nên làm một cách từ từ. Nhưng Bộ công an cũng cho biết là giảm từ mấy Tổng cục xuống còn một số Cục thôi. Nhưng vậy mà riêng tướng lãnh thôi cũng thừa ra chừng cả chục…".

Tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức ngày 7 tháng 8, để công bố việc triển khai Nghị định 01/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công an, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, sau tinh gọn, Bộ Công an chính thức không còn 6 Tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp Cục và giảm gần 300 đơn vị cấp phòng.

Ông Lê Văn Cuông cũng cho rằng, việc thu gọn bộ máy không dễ gì thực hiện vì sẽ thừa ra nhiều lãnh đạo.

"Bây giờ thu gọn đầu mối lại thì cũng rất ảnh hưởng và không dễ dàng mà thực hiện được vấn đề này. Nhưng mà có thể nói là đối với Việt Nam thì cũng không còn con đường lùi nữa".

Liên quan vấn đề này, Giáo sư Tương Lai cho rằng vì vậy việc tinh giản biên chế là không thể không giảm được, nhưng mà "đảng" phải giảm như thế nào để tránh gây biến động xã hội, đấy là vấn đề phải tính. Ông nói thêm :

"Bởi vì cái số người bám vào cái ngân sách nhà nước là quá đông, và phải nhớ rằng khi mà họ vào để trở thành một viên chức nhà nước thuộc biên chế, thì cái số tiền họ mua để vào biên chế đó không nhỏ đâu. Ngay cả một giáo viên ra trường muốn có một chỗ đi dạy thì cũng phải mua. Ví dụ như lực lượng công an, để vào được biên chế công an đâu phải đơn giản. Thì số tiền người ta đã bỏ ra mà anh gạt người ta ra thì người ta phải đòi lại số tiền đó. Mà làm sao đòi được, thì nó sẽ sinh ra những biến động xã hội".

Theo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam-PAPI được công bố ngày 4 tháng 4 năm 2017, khoảng 54% số người dân được hỏi cho rằng, cần phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước.

Theo Giáo sư Tương Lai, vấn đề giảm biên chế là buộc phải giảm, nhưng ông cho rằng giảm biên chế có thể sẽ gây ra những biến động xã hội không hề đơn giản.

"Không giảm biên chế được thì từ vấn đề kinh tế nó sẽ chuyển qua vấn đề xã hội. Mà khó để giải quyết vấn đề xã hội đó, vì tình hình Việt Nam rất bê bối, nhìn đâu, sờ vào đâu cũng đều thấy có vấn đề cả".

******************

Mơ hồ việc tụ tập trái luật ở Việt Nam (RFA, 30/08/2018)

Giới hoạt động trong nước thường xuyên bị ngăn cản, gây khó dễ mỗi khi tổ chức các cuộc tụ tập đông người hay biểu tình, với lý do cơ quan chức năng đưa ra là "gây rối trật tự công cộng".

dang4

Người dân hò reo chào mừng đội tuyển U23 về nước sau giải đấu vô địch U23 Châu Á hôm 28/1/2018. AFP

Trong khi đó nhiều sự kiện tụ tập đông người khác có tính chất ăn mừng thì lại được chính quyền cho phép, thậm chí hưởng ứng cùng.

Vài ngày trước, trên mạng xã hội xuất hiện lời kêu gọi Tổng Biểu tình nhân dịp lễ Quốc khánh và kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng 8.

Ngay sau đó, Chủ tịch Thành phố Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung nói rằng Hà Nội phải chủ động phòng, chống các hoạt động tập trung đông người, tuần hành, biểu tình trái pháp luật gây mất an ninh, trật tự trong dịp lễ Quốc khánh ngày 2 tháng 9.

Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi tuyên bố của ông Nguyễn Đức Chung được đưa ra, hàng ngàn người dân ở các thành phố lớn xuống đường tụ tập, hò reo mừng chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam trước U23 Syria trong giải đấu ASIAD. Người dân mang theo các khẩu hiệu Việt Nam vô địch, mặc trang phục lá cờ đỏ sao vàng, hò reo ầm ĩ. Thậm chí một số video lan truyền trên mạng xã hội còn cho thấy cảnh đốt lửa, chặn xe,… trước mặt các nhân viên an ninh mà không một ai bị bắt hay gây khó dễ vì "gây rối trật tự công cộng".

Nhà hoạt động Đỗ Nam Trung ở Hà Nội nhận định về nguyên nhân dẫn đến phản ứng khác nhau của lực lượng an ninh trong các sự kiện tụ tập đông người như vậy :

Vấn đề không phải chuyện tụ tập đông người hay biểu tình hay không mà những người Cộng sản họ sợ có thế lực khác làm mất quyền độc tôn trong việc lãnh đạo đất nước này. Vì vậy họ luôn sợ khi có một đám đông biểu tình hoặc một buổi tụ tập mang một chút xu hướng chính trị hay dân quyền.

Câu chữ của người Cộng sản cũng rất vô cùng. Nếu họ tụ tập ăn mừng chiến thắng, độc lập thì không sao. Nhưng nếu người khác, những người bất đồng chính kiến với họ, hay có tư tưởng cấp tiến mà tụ tập đông người hay lập hội lập nhóm gì đó độc lập mà không theo định hướng của Đảng thì lập tức quy chụp tội ngay.

Một người dân tích cực tham gia biểu tình ở Sài Gòn, cho RFA biết, chính quyền thành phố đã bố ráp an ninh khắp các nẻo đường chuẩn bị đàn áp biểu tình 2/9 :

Có một nhóm chuẩn bị xuống đường, và vừa đi dạo Sài Gòn thì thấy họ đã đưa người ra đầy đủ, ở tất cả các ngả đường đã bị phong tỏa. Các khu vực như chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, sân bay,….

Điểm lại các sự kiện tụ họp đông người, hay biểu tình mà có sự góp mặt của những người bất đồng chính kiến, thì nhận thấy phần lớn sẽ có người bị bắt vì bị quy kết hành vi gây rối trật tự công cộng, dù đây đều là những cuộc tụ tập ôn hòa. Chỉ trong vòng hai tháng 7 và 8 đã có khoảng 40 người người bị bắt và kết án sau khi tham gia vào cuộc biểu tình chống hai dự luật đặc khu và an ninh mạng ngày 10-11/6 vừa qua, hầu hết cũng đều bị quy vào tội gây rối trật tự công cộng.

Chúng tôi nêu câu hỏi khi nào thì cụm từ "tụ tập đông người trái luật" được áp dụng, với luật sư Bùi Quang Nghiêm, thuộc đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Ông cho biết :

Chính quyền Việt Nam nếu nghi ngờ mục đích của việc tụ tập ấy họ không kiểm soát được thì họ cho ngay rằng bất hợp pháp. Còn nếu họ kiểm soát được mục đích và có thể quản lý được thì họ cho là bình thường, và họ không ngăn cấm.

dang5

Dân biểu tình phản đối dự luật đặc khu hôm 10/6/2018. Courtesy of FB Nguyen Peng

Hiến pháp Việt Nam cho phép việc tụ tập đông người nhưng trong Nghị định số 38/2005/NĐ-CP lại đưa ra một loạt các điều kiện chế tài việc tụ tập này như phải đăng ký với cơ quan chức năng, không được mang theo băng, cờ, biểu ngữ nhằm chống đối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước,… và điều được nói là mơ hồ nhất đó là tụ tập không được gây rối trật tự công cộng mà không giải thích cụ thể thế nào là gây rối trật tự công cộng. Đây là những điều được Việt Nam quy vào tội "tập trung đông người nơi công cộng trái luật".

Luật sư Bùi Quang Nghiêm nói rằng cần có luật biểu tình để làm rõ việc tụ tập đông người trái luật :

Giới cầm quyền thì họ không muốn có luật biểu tình, không muốn đảm bảo quyền biểu tình hiến định được thực thi trong thực tế cho nên họ trì hoãn luật biểu tình rất nhiều lần. Cá nhân tôi thì mong muốn có luật biểu tình để làm rõ ràng ranh giới tụ tập đông người hợp pháp hay không hợp pháp.

Sau nhiều lần trì hoãn cho đến bây giờ Việt Nam vẫn chưa có luật biểu tình, dù trong Hiến pháp quy định rõ quyền được biểu tình của công dân.

Nhà hoạt động Đỗ Nam Trung cho rằng việc thông qua luật biểu tình như con dao hai lưỡi, vì cơ quan chức năng có thể thắt chặt các buổi tụ tập hay biểu tình bằng cách đưa ra các con số hay câu chữ "đánh bẫy" người dân. Anh nhấn mạnh ở Việt Nam "luật chỉ dành cho dân mà không dành cho cán bộ, và khi người ta đã không thích thì bất cứ điều gì cũng có thể khép thành tội".

Quay lại trang chủ
Read 577 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)