Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/12/2020

Biển Đông : Trung Quốc có còn là một đe dọa lớn cho Việt Nam ?

Nguyễn Nam - The Economist

Việt Nam có coi Trung Quốc là ‘mối nguy’ ?

Nguyễn Nam, VNTB, 11/12/2022

Nếu Việt Nam coi Trung Quốc là ‘mối nguy’ thì không lẽ cùng là đồng chí của nhau, người ta lại cứ phải dè chừng nhau ?

tautrang1

Mấy ngày gần đây, một số tờ báo của Việt Nam đã đăng nhiều bài dịch liên quan đến việc Trung Quốc được nhiều quốc gia coi là ‘mối nguy’ cần phải dè chừng trong mọi quan hệ.

Khi không phải gặp trở ngại về hàng rào ngôn ngữ, nên người dân Việt Nam dễ dàng thấy rõ về mối họa thật sự khi Trung Quốc lâu nay được coi là "đồng chí tốt" đối với Đảng cộng sản Việt Nam.

"NATO đứng về phía Mỹ, coi Trung Quốc là mối nguy" là tựa của bài báo trên tờ Người Lao Động, số phát hành ngày 10/12. Bài báo viết (trích) :

"Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison hôm 9/12 cho biết Mỹ và đồng minh thuộc NATO giờ đây nhận thấy Trung Quốc là "mối nguy" bởi việc xây dựng quân đội, đánh cắp tài sản trí tuệ và các động thái của Trung Quốc ở Hồng Kông.

Phát biểu của bà Hutchison là bình luận mới nhất từ quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho thấy sự mất lòng tin của Mỹ đối với Trung Quốc cũng như những nỗ lực bền bỉ của nước này nhằm thuyết phục các đồng minh coi Trung Quốc là "nguy cơ".

Bà Hutchison nói với South China Morning Post : "Tôi nghĩ chúng ta khá chậm trễ trong việc đánh giá Trung Quốc là một nguy cơ".

Phát biểu tại sự kiện trực tuyến do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức, bà Hutchison nói rằng "thế giới đã cố gắng cho Bắc Kinh cơ hội tham gia dựa trên cơ sở tôn trọng trật tự dựa trên quy tắc, song thực tế cho thấy khó lòng tin tưởng họ hành xử công bằng" (1).

Rõ ràng với đoạn trích ở trên, nếu thay thế về địa danh và thực thể, sẽ cho thấy nó cũng đúng đối với Việt Nam :

"Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói rằng đã từ lâu Việt Nam nhận rõ Trung Quốc là "mối nguy" bởi các động thái của Trung Quốc trong việc xâm chiếm và xây dựng ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng là bình luận mới nhất từ quan chức cấp cao của chính phủ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho thấy sự nhẫn nhục của Việt Nam đối với Trung Quốc cũng như những nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong duy trì hữu hảo và coi Trung Quốc là đồng minh giờ đây đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Bà Thu Hằng nói với South China Morning Post : "Tôi nghĩ là đã khá chậm trễ trong việc đánh giá Trung Quốc là một nguy cơ về toàn diện đối với Việt Nam".

Phát biểu tại sự kiện trực tuyến do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức, bà Thu Hằng nói rằng bà đồng cảm với đánh giá, "thế giới đã cố gắng cho Bắc Kinh cơ hội tham gia dựa trên cơ sở tôn trọng trật tự dựa trên quy tắc, song thực tế cho thấy khó lòng tin tưởng họ hành xử công bằng".

Cùng nguồn về bài dịch như tờ Người Lao Động, với báo Tuổi Trẻ thì chọn tít, "Quan chức NATO : Thế giới đã trao cho Trung Quốc cơ hội chơi cùng nhưng…" (2).

Báo Tuổi Trẻ biên dịch như sau (trích) :

"Tôi nghĩ chúng ta đã đến với cuộc chơi muộn. Chúng ta bị chậm trễ trong việc đánh giá Trung Quốc là mối nguy hiểm" – bà Kay Bailey Hutchison, đại diện thường trực của Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đánh giá. Tuy nhiên, bà cho biết : "Giờ đây chúng ta có đôi mắt tinh tường hơn một chút".

Phát biểu này được bà Kay Bailey Hutchison, từng là thượng nghị sĩ Mỹ đến từ bang Texas, đưa ra tại một sự kiện trực tuyến của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh) ngày 9/12.

Theo báo South China Morning Post, đây là bình luận mới nhất từ một quan chức trong chính quyền ông Trump cho thấy sự hoài nghi ngày càng tăng của Mỹ về Trung Quốc và nỗ lực bền bỉ trong việc thuyết phục các đồng minh có cái nhìn tương tự Washington về Bắc Kinh".

Áp dụng vào trường hợp Việt Nam, thì đoạn trích ở trên có thể được soạn thế này :

"Tôi nghĩ chúng ta đã đến với cuộc chơi muộn. Chúng ta bị chậm trễ trong việc đánh giá Trung Quốc là mối nguy hiểm" – bà Lê Thị Thu Hằng, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam, đánh giá. Tuy nhiên, bà cho biết : "Giờ đây chúng ta có đôi mắt tinh tường hơn một chút".

Phát biểu này được bà Lê Thị Thu Hằng, một cán bộ ngoại giao, đưa ra tại một sự kiện trực tuyến của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh) ngày 9/12.

Theo báo South China Morning Post, đây là bình luận mới nhất từ một quan chức trong chính quyền ông Nguyễn Xuân Phúc, cho thấy sự hoài nghi ngày càng tăng của Việt Nam về Trung Quốc, và nỗ lực bền bỉ trong việc thuyết phục những người đứng đầu Đảng có cái nhìn tương tự như bên chính phủ về Bắc Kinh".

Vào đầu tuần này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đưa ra bình luận tương tự đại diện Mỹ tại NATO. Ông đánh giá sự trỗi dậy của Trung Quốc "thật sự đang làm thay đổi môi trường an ninh mà chúng ta đối diện".

Liệu Việt Nam có nằm trong cách hiểu của "chúng ta đối diện" ?

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 11/12/2020

Chú thích :

(1)https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nato-dung-ve-phia-my-coi-trung-quoc-la-moi-nguy-20201210091304836.htm

(2)https://tuoitre.vn/quan-chuc-nato-the-gioi-da-trao-cho-trung-quoc-co-hoi-choi-cung-nhung-20201210113502989.htm

**********************

Những con tàu trắng khổng lồ

The Economist, VNTB, 10/12/2020

Một luật mới sẽ tạo điều kiện cho lực lượng hải cảnh Trung Quốc hoạt động xa bờ. 

tautrang2

Con tàu lớp Zhaotou có thể là một tàu tuần duyên bình thường. Nhưng không phải dễ bị bắt nạt. Với trọng lượng 12.000 tấn, đây là con tàu tuần duyên lớn nhất thế giới. Tàu lớn hơn hầu hết các tàu khu trục của Mỹ hoặc Nhật Bản. Boong tàu chứa được hai trực thăng, một khẩu pháo 76mm và một loạt các loại vũ khí khác.

Trung Quốc có hai tàu loại này. Một chiếc được triển khai trên bờ biển phía đông. Chiếc mới nhất, CCG 3901 (các chữ cái viết tắt của "Cảnh sát biển Trung Quốc"), hạ thủy vào năm 2017 trong chuyến tuần tra đầu tiên trên Biển Đông, khu vực hoạt động được chỉ định cho nó. Không nơi nào xung quanh bờ biển của Trung Quốc là vùng biển có nhiều tranh chấp hơn. Sự xuất hiện con tàu khổng lồ này nhằm gửi một thông điệp : Trung Quốc củng cố các tuyên bố chủ quyền của mình trong khu vực đó bằng những nắm đấm thép.

Sắp tới CCG 3901 sẽ có thêm vũ khí. Vào tháng 11, Trung Quốc đã công bố một dự thảo luật sẽ trao quyền cho lực lượng tuần duyên phá dỡ các công trình của các quốc gia khác được xây dựng trên các bãi đá ngầm mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, đồng thời được phép lên và trục xuất tàu thuyền nước ngoài. Trong một số trường hợp, họ thậm chí có thể bắn vào các tàu đối thủ.

Trong thập niên qua, các vùng biển xung quanh Trung Quốc đã bị khuấy động bởi tình trạng thù địch và các hoạt động tranh chấp giữa các bên liên quan. Ở Biển Hoa Đông, các tàu Trung Quốc đã thăm dò vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản nắm giữ — những mỏm đá không người ở mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền (và gọi là Điếu Ngư). Ở Biển Đông Trung Quốc đã biến các bãi đá ngầm tranh chấp thành các đảo pháo đài.

Mỹ và các đồng minh đã lần lượt đưa ngày càng nhiều đoàn tàu chiến vào để thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở đó. Hải quân của Trung Quốc, lực lượng lớn nhất thế giới, cũng đang hoạt động tích cực hơn bao giờ hết. Nhưng lực lượng tuần duyên Trung Quốc, cũng là lực lượng lớn nhất thế giới, ngày càng trở nên quan trọng trong cuộc tranh chấp này.

Năm 2013, Trung Quốc đã hợp nhất một số cơ quan thực thi pháp luật hàng hải dân sự thành một cơ quan thống nhất mới, gọi là Cục Cảnh sát biển Trung Quốc. Năm năm sau, lực lượng này được đặt dưới quyền chỉ huy của Cảnh sát Vũ trang Nhân dân, một lực lượng bán quân sự báo cáo cho Quân ủy Trung ương, cơ quan quân sự tối cao của nước này. Trên thực tế, điều này đã biến lực lượng tuần duyên của Trung Quốc thành một nhánh của lực lượng vũ trang — giống như các lực lượng đối tác của họ ở Mỹ và Ấn Độ.

Trung Quốc cũng đã được hưởng lợi từ một cuộc đua đóng tàu. Ngày nay lực lượng tuần duyên của Trung Quốc có hơn 500 tàu. Trong khu vực, Nhật Bản đứng thứ hai với 373 tàu. Đài Loan có 161, Philippines 86 và Indonesia chỉ 41. Các tàu của Trung Quốc cũng to hơn.

Một thập kỷ trước, Trung Quốc chỉ có 10 tàu có lượng giãn nước đầy tải ít nhất 1.500 tấn (tương đương với kích thước của một tàu chiến nhỏ). Đến năm 2015 họ có 51 tàu như vậy. Ngày nay là 87 tàu, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, cho biết.

Nhiều tàu của lực lượng tuần duyên giờ đây đã vượt xa các tàu chiến lớn nhất trong các lực lượng hải quân nhỏ nhất của khu vực. Olli Suorsa thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore cho biết, "về cơ bản chúng là những tàu hải quân sơn màu trắng", và không có tên lửa (mặc dù điều đó cũng đúng với tàu tuần duyên của Nhật Bản). Ví dụ, tàu tuần tra Loại 818 là phiên bản sửa đổi của khinh hạm Loại 054A của hải quân Trung Quốc. Những con tàu lớn như vậy kém nhanh nhẹn hơn những con tàu nhỏ hơn, nhưng chúng lại phù hợp với việc uy hiếp đối thủ.

Điều đó tiện cho Trung Quốc, vì họ sử dụng lực lượng tuần duyên không chỉ để thực thi pháp luật hàng hải thông thường – chẳng hạn như bắt buôn lậu – mà còn để thể hiện sức mạnh. Khi Trung Quốc cử tàu khảo sát HD8 đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm ngoái, họ đã cử một đội tàu tuần duyên, bao gồm cả tàu CCG 3901, hỗ trợ. Một số tàu tuần duyên của Việt Nam chặn không cho tiếp cận. Khi HD8 được đưa đến vùng biển kinh tế Malaysia vào tháng 4, CCG 3901 lại đi theo.

Một báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington công bố năm ngoái cho thấy 14 tàu tuần duyên Trung Quốc tuần tra các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông đã phát sóng vị trí của họ trên Hệ thống Nhận dạng Tự động, một mạng theo dõi tàu quốc tế, để chứng minh "Sự hiện diện thường xuyên, rõ ràng của Trung Quốc". Hoạt động gần như thường xuyên của lực lượng tuần duyên Trung Quốc ở Biển Đông đã được trợ giúp từ nguồn cung từ các tiền đồn mới xây dựng của Trung Quốc ở đó.

Ở Biển Hoa Đông, các tàu tuần duyên đã ở lại thời gian lâu nhất trong năm nay gần Senkaku. Vào tháng 10, hai tàu của họ đã đi trong lãnh hải của các hòn đảo (nghĩa là cách bờ chưa đầy 12 hải lý) và ở lại lâu hơn kỷ lục cũ 39 giờ.

Đôi khi lực lượng tuần duyên được sử dụng để hỗ trợ cho các tàu đánh cá có vũ trang của Trung Quốc, mà nước này sử dụng để thiết lập sự hiện diện ở các vùng biển tranh chấp. Vào tháng 4, Việt Nam cáo buộc lực lượng tuần duyên của Trung Quốc đâm và đánh chìm một tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Đó là sự cố thứ hai như vậy trong khu vực trong vòng chưa đầy một năm.

Mỹ lo lắng về vai trò ngày càng tăng của lực lượng tuần duyên Trung Quốc như một nhân tố tăng cường sức mạnh hàng hải của nước này. Năm ngoái, một đô đốc Mỹ đã ám chỉ rằng, trong trường hợp xảy ra đụng độ, hải quân Mỹ sẽ đối xử với các tàu thuộc lực lượng tuần duyên và dân quân hàng hải của Trung Quốc không khác gì các tàu của hải quân nước này.

Vào tháng 10, Mỹ cho biết họ sẽ thăm dò khả năng triển khai các tàu tuần duyên của mình đến Samoa thuộc Mỹ, ở Nam Thái Bình Dương, để chống lại "hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát cũng như việc quấy rối tàu thuyền" của Trung Quốc.

Trung Quốc đã phản ứng gay gắt trước những lo ngại của các nước khác về dự thảo luật tuần duyên. Ở một mức độ nào đó, việc họ bực bội là có lý. Ông Collin Koh của RSIS cho biết hầu hết các điều khoản của dự luật này tương tự như các quy định của pháp luật ở nơi khác và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Nhưng có mọi lý do để lo lắng về phạm vi đề xuất của bộ luật Trung Quốc. Ông Ryan Martinson thuộc Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ nói rằng nó bao gồm "vùng biển thuộc quyền tài phán" của Trung Quốc, một thuật ngữ mà nước này áp dụng cho hầu hết Biển Đông. Hầu hết các vùng biển đó đều được các quốc gia khác tuyên bố chủ quyền hoặc được coi là một phần chung của thế giới.

Việc khẳng định sâu rộng của Trung Quốc về các quyền tại đó đã bị Tòa án Trọng tài Thường trực, một tòa án quốc tế ở La Hay, bác bỏ vào năm 2016. Điều 22 của dự thảo luật này sẽ cho phép lực lượng tuần duyên của Trung Quốc tạo ra "các khu vực loại trừ tạm thời", có khả năng khoanh vùng các vùng biển rộng.

Theo ông Koh, lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã phàn nàn trong nhiều năm rằng họ cần một luật như vậy để giúp lực lượng này có nhiều ảnh hưởng hơn trong việc đối phó với các lực lượng đối thủ ở Biển Đông. Hu Bo, Giám đốc Sáng kiến ​​Nghiên cu Tình hình Chiến lược Biển Đông có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết lực lượng tuần duyên là "hùng mạnh". Tuy nhiên, ông nói thêm, họ có một "nhiệm vụ nặng nề".

Vào năm 2016, khi hải quân Indonesia bắn vào một tàu đánh cá của Trung Quốc và bắt giữ thủy thủ đoàn của họ, lực lượng tuần duyên đã không thể phản ứng — rõ ràng là lo lắng rằng việc sử dụng vũ lực mà không có sự hỗ trợ pháp lý rõ ràng có thể gây tổn hại đến hình ảnh của Trung Quốc. Ông Martinson nói : "Đó là một thất bại lớn. và "Có thể có rất nhiều suy xét sau đó". Luật mới sẽ đưa ra thông báo rằng các tàu vỏ trắng có thể bắn trả.

The Economist

Nguyên tác : A new law would unshackle China’s coastguard, far from its coast, The Economist, 4/12/2020

Khánh An dịch

Nguồn : VNTB, 10/12/2020

Nguồn : https://www.economist.com/china/2020/12/05/a-new-law-would-unshackle-chinas-coastguard-far-from-its-coast

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Nam, The Economist
Read 643 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)