RFA, 01/10/2024
Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tấn công đã về cảng Sa Kỳ, Quảng Ngãi hôm 30/9/2024 - RFA 01/10/2024
Một quan chức địa phương viết trên mạng xã hội khẳng định người Trung Quốc đi trên ba ca nô đã tấn công tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi ở gần quần đảo Hoàng Sa khiến 10 ngư dân bị thương.
Ông Phùng Bá Vương, Chủ tịch UBND xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), viết trên tài khoản mạng xã hội vào tối 30/9 cho hay, tàu cá mang số hiệu QNg-95739-TS do thuyền trưởng Nguyễn Thanh Biên (sinh năm 1984) ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu đã cập cảng Sa Kỳ vào lúc 21 giờ 15 ngày 30/9.
Ông Vương, người được các tờ báo Nhà nước phỏng vấn liên quan đến vụ việc, viết : "Trước đó, ngày 29/9/2024 tàu cá QNg-95739-TS đánh bắt hải sản hợp pháp ở quần đảo Hoàng Sa đã bị tàu của Trung Quốc mang số hiệu 101 truy đuổi và tiếp cận tàu bằng ba ca nô với khoảng hơn 30 người có trang bị hung khí.
Khi tiếp cận được tàu cá, những người này lên tàu đánh đập dã man ngư dân làm bốn người bị thương tích nặng và lấy toàn bộ trang thiết bị trên tàu và hải sản ngư dân đánh bắt được."
Chủ tịch xã Bình Châu đăng tải các tấm ảnh cho thấy các quan chức huyện cùng bộ đội biên phòng lên tàu cá thăm hỏi ngư dân với thương tích đầy mình.
Ông Vương nói hành động tấn công các ngư dân là hết sức dã man và bày tỏ "kịch liệt phản đối với hành động trên của Trung Quốc."
Phóng viên gọi điện thoại cho hai số điện thoại di động của ông Vương để xác minh vụ việc nhưng không thể kết nối.
Thông tấn xã Việt Nam sau khi loan tin vụ tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tấn công đến thương tích ở khu vực Hoàng sa như vừa nêu, sau đó rút tin đó xuống mà không giải thích lý do.
Một số tờ báo Nhà nước vào trưa 1/10 đã đưa các tin bài, phỏng vấn những nhân chứng khi tàu cá về đến cảng Sa Kỳ vào tối hôm trước nhưng không đề cập gì đến quốc tịch của tàu tấn công.
Mạng báo Tiền Phong dẫn lời ông Nguyễn Thanh Biên (40 tuổi), thuyền trưởng tàu cá QNg 95739 TS kể lại, lúc khoảng 6 giờ sáng ngày 29/9, ông phát hiện con tàu mang số hiệu 301 trên máy định vị trên tàu.
Khoảng một tiếng sau, tàu 301 tiếp cận và rượt đuổi tàu cá. Khi đến gần, tàu này thả hai chiếc ca nô xuống và chạy hai bên kẹp tàu cá ở giữa để cho người lên tàu nhưng không được.
Cũng theo ông Biên, một lúc sau có thêm một tàu sắt khác mang số hiệu 101 tiếp cận, thả thêm một ca nô nữa, bao vây kẹp tàu cá vào giữa.
“Lúc này khoảng 10 giờ, lực lượng trên hai tàu sắt mang đồ rằn ri, khoảng 40 người leo lên tàu, mỗi người cầm một tuýp sắt rồi đánh xối xả... gặp đâu đánh đó. Lúc này tôi cố gắng chạy về phía trước mũi tàu, tuy nhiên có hai người kẹp tôi lại đánh tới tấp vào người khiến tôi bất tỉnh không biết gì nữa, khoảng một giờ sau tôi mới tỉnh lại”, thuyền trưởng Biên nhớ lại.
Em của ông Biên là ngư dân Nguyễn Thương (34 tuổi) lúc này quỳ xuống xin tha, nên họ không đánh nữa, đến một giờ chiều thì "lực lượng mặc đồ rằn ri" rời tàu chỉ để lại năm người kèm một thông dịch viên. Ông Thương kể lại : "Lúc này thông dịch viên nói cho tàu chạy về Việt Nam. Khi anh em kiểm tra thì ngư lưới cụ, máy móc trên tàu đã bị lấy đi hết, chỉ để lại một máy định vị để quay về bờ."
Mạng báo Kinh tế đô thị cho hay, khoảng sáu tấn hải sản các ngư dân đánh bắt được bị lấy đi và hầu hết dụng cụ trên tàu bị đập phá. Nhóm người hung hãn kia chỉ chừa lại một máy định vị để các ngư dân quay về bờ.
Tờ báo này cho biết thêm, một con tàu khác mang số hiệu QNg 90659TS đang neo đậu tại tọa độ 16 độ 11 phút vĩ độ Bắc, 112 độ 23 phút kinh độ Đông (ngay khu vực quần đảo Hoàng Sa) vào ba giờ chiều ngày 29/9, thì bị một tàu nước ngoài áp sát, khống chế, hành hung thuyền trưởng và uy hiếp các thuyền viên, sau đó lấy hết trang thiết bị và hải sản gồm bảy bành dây hơi, bảy đôi chân vịt, bảy bộ độ lặn, khoảng 3,5 tấn cá các loại. Tổng thiệt hại ban đầu khoảng 300 triệu đồng.
Nguồn : RFA, 01/10/2024
Bộ trưởng công nghiệp và công nghệ của Trung Quốc mới đây kêu gọi nước láng giềng Việt Nam cùng ý thức hệ cộng sản hãy hợp tác với nước ông trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo máy bay, một số báo Việt Nam đưa tin hôm 30/9.
Bộ trưởng Công nghiệp Công nghệ Trung Quốc Kim Tráng Long gặp một đoàn Việt Nam ở Bắc Kinh, 30/9/2024.
Thanh Niên và Công An Nhân Dân cho biết lời kêu gọi được đưa ra khi vị bộ trưởng Trung Quốc tiếp Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên của Việt Nam trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt Nam-Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 30/9.
Bộ trưởng Kim Tráng Long bên phía Trung Quốc nói với người đồng cấp đến từ Hà Nội rằng hai nước có tiềm năng và không gian hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp hàng không vũ trụ, theo tường thuật trên Thanh Niên và Công An Nhân Dân.
Vị bộ trưởng họ Kim được hai báo Việt Nam dẫn lời nói rằng Trung Quốc đã có trạm và làm chủ không gian vũ trụ của riêng mình, Thái Lan đã tham gia vào trạm không gian vũ trụ này và Trung Quốc mong muốn Việt Nam sớm là thành viên.
Tiếp đến, ông Kim Tráng Long "đề xuất, kêu gọi" Việt Nam hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực "sản xuất, chế tạo máy bay" và khẳng định Trung Quốc "sẵn sàng hợp tác cùng Việt Nam trong giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, cùng nhau thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hàng không", tin của Thanh Niên và Công An Nhân Dân cho hay.
Theo tìm hiểu của VOA, Việt Nam gần đây nổi lên là điểm đến cho một số hãng sản xuất linh kiện máy bay phục vụ cho hai hãng lớn hàng đầu thế giới là Boeing và Airbus.
Hồi đầu năm, báo chí Việt Nam đưa tin về việc động thổ nhà máy có tên KP VINA ở Đà Nẵng mà dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay để sản xuất linh kiện cho hai loại máy bay Boeing 787 và 737 Max.
Cũng tại Đà Nẵng, từ năm 2019, đã có dự án trị giá tới 170 triệu đô la của hãng Mỹ Universal Alloy Corporation Asia để chế tạo các bộ phận cho máy bay Boeing 787, 777 và 737, và cho động cơ của hãng Rolls Royce.
Hồi năm ngoái, tin tức trên báo chí Việt Nam cho hay đã có một số hãng nước ngoài hoạt động ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội để cung cấp thiết bị cơ điện và các cấu trúc bằng composite cho các dòng máy bay khác nhau của Airbus.
Gần đây hơn, vào cuối tháng 8 năm nay, báo chí trong nước cho biết Airbus đầu tư vào một công ty con của hãng Mitsubishi Heavy Industries ở Hà Nội để làm cửa thoát hiểm cho máy bay A321neo.
Bản tin hôm 30/9 của Thanh Niên và Công An Nhân Dân không nói rõ phía Trung Quốc muốn Việt Nam tham gia vào phần nào của việc sản xuất, chế tạo máy bay.
Hai báo không cho biết Bộ trưởng Diên của Việt Nam có hồi đáp gì cho lời kêu gọi về sản xuất, chế tạo máy bay.
Ông Diên được Thanh Niên và Công An Nhân Dân trích dẫn lời nói rằng ông đề nghị Việt Nam và Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp xe hơi ; công nghiệp tiêu dùng, chế biến và đóng gói thực phẩm ; công nghiệp khai khoáng ; công nghiệp hỗ trợ...
Như VOA đã đưa tin, đầu năm nay, Trung Quốc trình diễn và quảng bá ở Việt Nam và một số nước Châu Á về C919 và ARJ21, những máy bay chở khách đầu tiên mà Trung Quốc tự chế tạo, và nhận được những phản ứng có phần thiên về hoài nghi dành cho hai loại máy bay này.
Sau đó, cuối tháng 6, tổng giám đốc hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines nói trong đại hội cổ đông rằng hãng có đề án khai thác máy bay C919 của Trung Quốc trong bối cảnh hãng thiếu hụt máy bay trầm trọng. Nhưng cho đến nay chưa có thêm thông tin mới về việc liệu Vietnam Airlines sẽ thực sự sử dụng C919 hay không.
Nguồn : VOA, 01/10/2024
Cuối tháng 9/2021, Viện nghiên cứu chiến lược Trường quân sự Pháp (IRSEM) ra báo cáo về các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài, mô tả các phương thức hoạt động đa dạng của chính quyền Trung Quốc, từ tuyên truyền, thao túng dư luận đến tung tin giả trên quy mô lớn.
Trang bìa bản báo cáo về "Các hoạt động gây ảnh hưởng của chính quyền Trung Quốc" của Viện IRSEM © Ảnh chụp màn hình
Theo các tác giả báo cáo có tên chính thức "Các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc. Thời kỳ Machiavel ", dài 650 trang, chính quyền Trung Quốc ngày càng có xu hướng sử dụng các phương pháp gây ảnh hưởng "kiểu Nga", thiên về gây sợ hãi, cưỡng bức. Sau đây là trích đoạn cuộc phỏng vấn của chương trình "Decryptage" của RFI với ông Paul Charon , đồng tác giả báo cáo, phụ trách bộ phận "Tình báo, dự báo và các mối đe dọa lưỡng hợp" của Viện IRSEM.
***
RFI : Phải chăng chiến lược gây ảnh hưởng của Trung Quốc giờ đây dựa nhiều vào việc gây sợ hãi, hơn là quyến rũ ?
Paul Charon : Đúng như vậy, giả thiết của chúng tôi trong quá trình làm việc là đã có một sự thay đổi trong chiến lược của Trung Quốc. Trước đó, trong một thời gian, chiến lược của Bắc Kinh là tìm cách quyến rũ, xây dựng "quyền lực mềm", xây dựng một hình ảnh tích cực về Trung Quốc, tuy nhiên giai đoạn này đã qua. Giờ đây chúng ta thấy là rõ dấu ấn của thái độ hành xử kiểu Nga, cụ thể là gây áp lực, gây sợ hãi, cưỡng bức để đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc, Đảng cộng sản Trung Quốc cũng không hoàn toàn từ bỏ chiến lược cũ. Trong báo cáo này, chúng tôi phân biệt hai loại hoạt động, hoạt động thiên về quyến rũ, thuyết phục và các hoạt động có tính cứng rắn hơn nhiều, và sử dụng các phương tiện mà chúng tôi gọi chung là mang "tính cưỡng bức".
RFI : Mục tiêu của Trung Quốc là gì ?
Paul Charon : Có nhiều mục tiêu, nhưng mục tiêu nổi bật là để bảo đảm sự tồn tại lâu dài của Đảng cộng sản Trung Quốc, duy trì sự tồn tại của chế độ. Điều này là rõ ràng, được thể hiện qua các văn bản chính thức, các tuyên bố của Đảng. Ví dụ như trong Luật về An ninh Quốc gia ban hành năm 2015, trong vấn đề an ninh, có "văn hóa". "Đe dọa" đối với Trung Quốc là do sự "xâm nhập văn hóa", tức các ý tưởng về tự do, về pháp quyền, về nền dân chủ đại diện… được đưa từ bên ngoài vào Trung Quốc. Mục tiêu của Đảng cộng sản là kiểm soát những "cách kể" về (lịch sử và xã hội) Trung Quốc, về Đảng cộng sản Trung Quốc, ở Trung Quốc, nhưng kể cả ở nước ngoài.
Một trong các mục tiêu ưu tiên trong lĩnh vực này là các cộng đồng người Hoa ở hải ngoại. Không phải vì các cộng đồng Hoa Kiều được coi là "cánh tay nối dài" của chế độ Trung Quốc tại các quốc gia nơi họ cư trú, mà điều chủ yếu là các cộng đồng Hoa Kiều chính là mối đe dọa đối với tương lai của chế độ. Bởi vì các cộng đồng Hoa Kiều là nơi cùng lúc người dân sử dụng thành thạo tiếng Hoa, hiểu rõ các chuẩn mực văn hóa của người Hoa, nhưng cũng là nơi mà người dân tiếp xúc thường xuyên với các ý tưởng về tự do, và họ có thể du nhập những ý tưởng đó vào Trung Quốc. Như vậy, mục tiêu trước hết là phải kiểm soát được các "cách kể" về Đảng cộng sản Trung Quốc, về chế độ Trung Quốc, trong những cộng đồng Hoa Kiều, trước khi chuyển sang nhắm tới các nhóm xã hội khác.
RFI : Đâu là các hoạt động gây ảnh hưởng ngầm mà các tác giả ghi nhận trong báo cáo này ?
Paul Charon : Điều gây ấn tượng đặc biệt, đó là Đảng cộng sản Trung Quốc có trong tay rất nhiều phương tiện, chắc chắn là họ có nhiều phương tiện hành động nhất, nhiều hơn chính quyền Nga, chắc chắn là như vậy. Một mặt, do chính quyền Trung Quốc có các phương tiện tài chính, kinh tế không có, và cũng do Bắc Kinh công khai khẳng định vị thế cường quốc của mình, và sẵn sàng sử dụng hệ thống các phương tiện mang tính cưỡng bức, và mang tính quyến rũ mạnh nhất. Chúng ta chứng kiến các hoạt động gây ảnh hưởng trong hàng loạt lĩnh vực. Về mặt quyến rũ, ví dụ như có các Viện Khổng Tử, không chỉ để cổ vũ cho tiếng Trung, mà kể cả các tư tưởng chính trị. Một ví dụ là trong các sách giáo khoa được truyền bá qua kênh này, có việc viết lại lịch sử chiến tranh Triều Tiên. Hay việc kiểm soát các phương tiện truyền thông, hoặc bằng việc mua lại, hoặc bằng các đàn áp nhắm vào các nhà báo, chống lại một số báo. Hay thông qua các phương tiện như China Watch, phụ trương của tờ China Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc. Các ấn bản của China Watch được phát hành bên trong nhiều nhật báo trên thế giới (trang nhà của China Watch liệt kê một số báo đối tác có tên tuổi như The Washington Post, The Wall Street Journal, The Daily Telegraph, Le Figaro, Süddeutsche Zeitung, El Pais, Rossiyskaya Gazeta hay The Mainichi Shimbun). Phụ trương của China Watch trên các báo nước ngoài cũng là một kênh để truyền bá cho mô hình Trung Quốc.
RFI : Trên đây là các hoạt động nằm trong phần "quyền lực mềm". Trên thực tế, các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc có thể mang tính hung hãn hơn nhiều. Điều này diễn ra như thế nào ?
Paul Charon : Điều này có thể quan sát thấy trên nhiều góc độ. Đài Loan đã ghi nhận việc này từ lâu. Các hoạt động bóp méo thông tin trên quy mô lớn trên các mạng xã hội có thể nói giống với mô hình mà chính quyền Nga đã làm trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, ví dụ thông qua việc mua lại lại các tài khoản trên mạng xã hội. Và cũng có thể thông qua các môi trường trung gian, như các "Ferme de contenus / Content-Farm" (tức các trang web có nội dung chất lượng thấp, chủ yếu lập ra để kiếm tiền quảng cáo), thường đặt cơ sở tại khu vực Đông Nam Á, nhất là ở Malaysia. Các thông tin từ đây không bị coi là xuất xứ từ Hoa lục, dễ dàng đến với công chúng Đài Loan hơn. Các hoạt động gây ảnh hưởng đôi khi phức tạp hơn. Hồi đầu đại dịch Covid-19, Đảng cộng sản Trung Quốc tung nhiều tin bịa đặt về việc virus SARS-CoV-2 được sản xuất tại một căn cứ quân sự Mỹ. Tương tự với cơ quan an ninh Nga KGB đã làm năm 1993, khi khẳng định chính người Mỹ đã chế tạo ra virus gây bệnh HIV để tiêu diệt người đồng tính và người Mỹ da đen. Chính quyền Trung Quốc không những lấy lại nguyên cách làm của an ninh Nga, mà còn dựa trên cùng một loại lập luận. Hoạt động tuyên truyền này khá là có kết quả.
RFI : Bắc Kinh không chỉ tìm cách quảng bá cho mô hình chính trị của họ, mà còn làm xấu đi hình ảnh của mô hình chính trị của các xã hội dân chủ ?
Paul Charon : Đúng như vậy. Chính quyền Trung Quốc cùng một lúc làm hai việc. Một là quảng bá cho mô hình của chế độ cộng sản Trung Quốc, chứng minh là mô hình Trung Quốc có hiệu quả hơn. Mặt khác là để phủ nhận giá trị của nền dân chủ, chế độ dân chủ không thể là phương án thay thế, một lựa chọn chính trị đối với người Hoa. Khi chúng ta xem các phương tiện truyền thông Trung Hoa trong thời gian đại dịch, ví dụ như giai đoạn đầu của đại dịch, từ tháng 1/2020 đến tháng 4/2020, người ta muốn chứng minh là các nền dân chủ không có khả năng xử lý đại dịch. Mà tình hình như chúng ta biết, nền dân chủ của chúng đã đối phó hiệu quả. Điều mà họ muốn truyền bá là Dân chủ đồng nghĩa với hỗn loạn.
RFI : Bản báo cáo đã xác định được căn cứ 311, được coi là "tổng hành dinh" của các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc ?
Paul Charon : Trên thực tế, nhiều nhà nghiên cứu đã làm việc này trước chúng tôi. Về phần mình, đóng góp của chúng tôi là đi xa hơn trong hiểu biết về căn cứ này. Chúng tôi đã xác định thành phần lãnh đạo căn cứ 311, các chủ đề chính mà họ làm, ví dụ như các đề tài về Chiến tranh trong lĩnh vực "nhận thức", việc thao túng tư tưởng... cũng như hệ thống các cơ sở, như các nhà xuất bản, các khách sạn…, mà họ sử dụng để truyền đi các thông tin bịa đặt, và tiến hành điều mà họ là "Ba cuộc Chiến Tranh" (tức "chiến tranh dư luận", "chiến tranh tâm lý", "chiến tranh pháp lý").
RFI : Về tầm mức ảnh hưởng của các hoạt động này ?
Paul Charon : Hiện tại không có nơi nào tránh khỏi. Đài Loan, Hồng Kông, các quốc gia nằm trong khu vực gần gũi trực tiếp với Trung Quốc như Úc, New Zealand, tiếp tục là mục tiêu ưu tiên. Nhưng giờ đây, chúng ta chứng kiến các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại Châu Âu, Bắc Mỹ và nhiều nơi khác. Điều rõ ràng là, cho dù các hành động gây ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Châu Âu ít bài bản hơn, ít hung hãn hơn, như ở Pháp chẳng hạn, thì nếu như chúng ta nhìn sang Đài Loan, hay sang Úc, có thể thấy đấy chính là tương lai của Châu Âu.
RFI : Nhìn chung tác dụng của chiến lược gây ảnh hưởng này đối với chính quyền Trung Quốc ra sao ?
Paul Charon : Kết luận chung của báo cáo là chiến lược này không mang lại kết quả tích cực thực sự cho Trung Quốc. Nếu như Đảng cộng sản Trung Quốc có giành được một số thắng lợi về chiến thuật, thì về mặt chiến lược đây là một thất bại. Trước hết là bởi vì từ một năm rưỡi nay, trong lúc các hoạt động gây ảnh hưởng như trên của chính quyền Trung Quốc tiếp tục được tăng cường, chúng ta chứng kiến sự tan vỡ về uy tín của Trung Quốc trên thế giới, không chỉ ở phương Tây, mà ở cả những nơi mà Trung Quốc vốn có ảnh hưởng rộng rãi, như Hàn Quốc. Vấn đề này trong hiện tại vẫn để ngỏ. Đây có thể là một sai lầm về mặt chiến lược. Có thể chính quyền Trung Quốc không tính đến việc hình ảnh của Bắc Kinh có thể xấu đi nhanh chóng như vậy. Nhưng cũng có thể là Đảng cộng sản Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu và sẵn sàng chấp nhận trả giá, giống như Nga. Hiện tại chưa có lời giải cho câu hỏi này. Chỉ có điều rõ ràng có thể thấy là kết quả không được như mong đợi.
Nguyễn Nam, VNTB, 11/12/2022
Mấy ngày gần đây, một số tờ báo của Việt Nam đã đăng nhiều bài dịch liên quan đến việc Trung Quốc được nhiều quốc gia coi là ‘mối nguy’ cần phải dè chừng trong mọi quan hệ.
Khi không phải gặp trở ngại về hàng rào ngôn ngữ, nên người dân Việt Nam dễ dàng thấy rõ về mối họa thật sự khi Trung Quốc lâu nay được coi là "đồng chí tốt" đối với Đảng cộng sản Việt Nam.
"NATO đứng về phía Mỹ, coi Trung Quốc là mối nguy" là tựa của bài báo trên tờ Người Lao Động, số phát hành ngày 10/12. Bài báo viết (trích) :
"Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison hôm 9/12 cho biết Mỹ và đồng minh thuộc NATO giờ đây nhận thấy Trung Quốc là "mối nguy" bởi việc xây dựng quân đội, đánh cắp tài sản trí tuệ và các động thái của Trung Quốc ở Hồng Kông.
Phát biểu của bà Hutchison là bình luận mới nhất từ quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho thấy sự mất lòng tin của Mỹ đối với Trung Quốc cũng như những nỗ lực bền bỉ của nước này nhằm thuyết phục các đồng minh coi Trung Quốc là "nguy cơ".
Bà Hutchison nói với South China Morning Post : "Tôi nghĩ chúng ta khá chậm trễ trong việc đánh giá Trung Quốc là một nguy cơ".
Phát biểu tại sự kiện trực tuyến do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức, bà Hutchison nói rằng "thế giới đã cố gắng cho Bắc Kinh cơ hội tham gia dựa trên cơ sở tôn trọng trật tự dựa trên quy tắc, song thực tế cho thấy khó lòng tin tưởng họ hành xử công bằng" (1).
Rõ ràng với đoạn trích ở trên, nếu thay thế về địa danh và thực thể, sẽ cho thấy nó cũng đúng đối với Việt Nam :
"Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói rằng đã từ lâu Việt Nam nhận rõ Trung Quốc là "mối nguy" bởi các động thái của Trung Quốc trong việc xâm chiếm và xây dựng ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng là bình luận mới nhất từ quan chức cấp cao của chính phủ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho thấy sự nhẫn nhục của Việt Nam đối với Trung Quốc cũng như những nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong duy trì hữu hảo và coi Trung Quốc là đồng minh giờ đây đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
Bà Thu Hằng nói với South China Morning Post : "Tôi nghĩ là đã khá chậm trễ trong việc đánh giá Trung Quốc là một nguy cơ về toàn diện đối với Việt Nam".
Phát biểu tại sự kiện trực tuyến do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức, bà Thu Hằng nói rằng bà đồng cảm với đánh giá, "thế giới đã cố gắng cho Bắc Kinh cơ hội tham gia dựa trên cơ sở tôn trọng trật tự dựa trên quy tắc, song thực tế cho thấy khó lòng tin tưởng họ hành xử công bằng".
Cùng nguồn về bài dịch như tờ Người Lao Động, với báo Tuổi Trẻ thì chọn tít, "Quan chức NATO : Thế giới đã trao cho Trung Quốc cơ hội chơi cùng nhưng…" (2).
Báo Tuổi Trẻ biên dịch như sau (trích) :
"Tôi nghĩ chúng ta đã đến với cuộc chơi muộn. Chúng ta bị chậm trễ trong việc đánh giá Trung Quốc là mối nguy hiểm" – bà Kay Bailey Hutchison, đại diện thường trực của Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đánh giá. Tuy nhiên, bà cho biết : "Giờ đây chúng ta có đôi mắt tinh tường hơn một chút".
Phát biểu này được bà Kay Bailey Hutchison, từng là thượng nghị sĩ Mỹ đến từ bang Texas, đưa ra tại một sự kiện trực tuyến của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh) ngày 9/12.
Theo báo South China Morning Post, đây là bình luận mới nhất từ một quan chức trong chính quyền ông Trump cho thấy sự hoài nghi ngày càng tăng của Mỹ về Trung Quốc và nỗ lực bền bỉ trong việc thuyết phục các đồng minh có cái nhìn tương tự Washington về Bắc Kinh".
Áp dụng vào trường hợp Việt Nam, thì đoạn trích ở trên có thể được soạn thế này :
"Tôi nghĩ chúng ta đã đến với cuộc chơi muộn. Chúng ta bị chậm trễ trong việc đánh giá Trung Quốc là mối nguy hiểm" – bà Lê Thị Thu Hằng, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam, đánh giá. Tuy nhiên, bà cho biết : "Giờ đây chúng ta có đôi mắt tinh tường hơn một chút".
Phát biểu này được bà Lê Thị Thu Hằng, một cán bộ ngoại giao, đưa ra tại một sự kiện trực tuyến của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh) ngày 9/12.
Theo báo South China Morning Post, đây là bình luận mới nhất từ một quan chức trong chính quyền ông Nguyễn Xuân Phúc, cho thấy sự hoài nghi ngày càng tăng của Việt Nam về Trung Quốc, và nỗ lực bền bỉ trong việc thuyết phục những người đứng đầu Đảng có cái nhìn tương tự như bên chính phủ về Bắc Kinh".
Vào đầu tuần này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đưa ra bình luận tương tự đại diện Mỹ tại NATO. Ông đánh giá sự trỗi dậy của Trung Quốc "thật sự đang làm thay đổi môi trường an ninh mà chúng ta đối diện".
Liệu Việt Nam có nằm trong cách hiểu của "chúng ta đối diện" ?
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 11/12/2020
Chú thích :
(1)https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nato-dung-ve-phia-my-coi-trung-quoc-la-moi-nguy-20201210091304836.htm
(2)https://tuoitre.vn/quan-chuc-nato-the-gioi-da-trao-cho-trung-quoc-co-hoi-choi-cung-nhung-20201210113502989.htm
**********************
The Economist, VNTB, 10/12/2020
Con tàu lớp Zhaotou có thể là một tàu tuần duyên bình thường. Nhưng không phải dễ bị bắt nạt. Với trọng lượng 12.000 tấn, đây là con tàu tuần duyên lớn nhất thế giới. Tàu lớn hơn hầu hết các tàu khu trục của Mỹ hoặc Nhật Bản. Boong tàu chứa được hai trực thăng, một khẩu pháo 76mm và một loạt các loại vũ khí khác.
Trung Quốc có hai tàu loại này. Một chiếc được triển khai trên bờ biển phía đông. Chiếc mới nhất, CCG 3901 (các chữ cái viết tắt của "Cảnh sát biển Trung Quốc"), hạ thủy vào năm 2017 trong chuyến tuần tra đầu tiên trên Biển Đông, khu vực hoạt động được chỉ định cho nó. Không nơi nào xung quanh bờ biển của Trung Quốc là vùng biển có nhiều tranh chấp hơn. Sự xuất hiện con tàu khổng lồ này nhằm gửi một thông điệp : Trung Quốc củng cố các tuyên bố chủ quyền của mình trong khu vực đó bằng những nắm đấm thép.
Sắp tới CCG 3901 sẽ có thêm vũ khí. Vào tháng 11, Trung Quốc đã công bố một dự thảo luật sẽ trao quyền cho lực lượng tuần duyên phá dỡ các công trình của các quốc gia khác được xây dựng trên các bãi đá ngầm mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, đồng thời được phép lên và trục xuất tàu thuyền nước ngoài. Trong một số trường hợp, họ thậm chí có thể bắn vào các tàu đối thủ.
Trong thập niên qua, các vùng biển xung quanh Trung Quốc đã bị khuấy động bởi tình trạng thù địch và các hoạt động tranh chấp giữa các bên liên quan. Ở Biển Hoa Đông, các tàu Trung Quốc đã thăm dò vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản nắm giữ — những mỏm đá không người ở mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền (và gọi là Điếu Ngư). Ở Biển Đông Trung Quốc đã biến các bãi đá ngầm tranh chấp thành các đảo pháo đài.
Mỹ và các đồng minh đã lần lượt đưa ngày càng nhiều đoàn tàu chiến vào để thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở đó. Hải quân của Trung Quốc, lực lượng lớn nhất thế giới, cũng đang hoạt động tích cực hơn bao giờ hết. Nhưng lực lượng tuần duyên Trung Quốc, cũng là lực lượng lớn nhất thế giới, ngày càng trở nên quan trọng trong cuộc tranh chấp này.
Năm 2013, Trung Quốc đã hợp nhất một số cơ quan thực thi pháp luật hàng hải dân sự thành một cơ quan thống nhất mới, gọi là Cục Cảnh sát biển Trung Quốc. Năm năm sau, lực lượng này được đặt dưới quyền chỉ huy của Cảnh sát Vũ trang Nhân dân, một lực lượng bán quân sự báo cáo cho Quân ủy Trung ương, cơ quan quân sự tối cao của nước này. Trên thực tế, điều này đã biến lực lượng tuần duyên của Trung Quốc thành một nhánh của lực lượng vũ trang — giống như các lực lượng đối tác của họ ở Mỹ và Ấn Độ.
Trung Quốc cũng đã được hưởng lợi từ một cuộc đua đóng tàu. Ngày nay lực lượng tuần duyên của Trung Quốc có hơn 500 tàu. Trong khu vực, Nhật Bản đứng thứ hai với 373 tàu. Đài Loan có 161, Philippines 86 và Indonesia chỉ 41. Các tàu của Trung Quốc cũng to hơn.
Một thập kỷ trước, Trung Quốc chỉ có 10 tàu có lượng giãn nước đầy tải ít nhất 1.500 tấn (tương đương với kích thước của một tàu chiến nhỏ). Đến năm 2015 họ có 51 tàu như vậy. Ngày nay là 87 tàu, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, cho biết.
Nhiều tàu của lực lượng tuần duyên giờ đây đã vượt xa các tàu chiến lớn nhất trong các lực lượng hải quân nhỏ nhất của khu vực. Olli Suorsa thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore cho biết, "về cơ bản chúng là những tàu hải quân sơn màu trắng", và không có tên lửa (mặc dù điều đó cũng đúng với tàu tuần duyên của Nhật Bản). Ví dụ, tàu tuần tra Loại 818 là phiên bản sửa đổi của khinh hạm Loại 054A của hải quân Trung Quốc. Những con tàu lớn như vậy kém nhanh nhẹn hơn những con tàu nhỏ hơn, nhưng chúng lại phù hợp với việc uy hiếp đối thủ.
Điều đó tiện cho Trung Quốc, vì họ sử dụng lực lượng tuần duyên không chỉ để thực thi pháp luật hàng hải thông thường – chẳng hạn như bắt buôn lậu – mà còn để thể hiện sức mạnh. Khi Trung Quốc cử tàu khảo sát HD8 đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm ngoái, họ đã cử một đội tàu tuần duyên, bao gồm cả tàu CCG 3901, hỗ trợ. Một số tàu tuần duyên của Việt Nam chặn không cho tiếp cận. Khi HD8 được đưa đến vùng biển kinh tế Malaysia vào tháng 4, CCG 3901 lại đi theo.
Một báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington công bố năm ngoái cho thấy 14 tàu tuần duyên Trung Quốc tuần tra các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông đã phát sóng vị trí của họ trên Hệ thống Nhận dạng Tự động, một mạng theo dõi tàu quốc tế, để chứng minh "Sự hiện diện thường xuyên, rõ ràng của Trung Quốc". Hoạt động gần như thường xuyên của lực lượng tuần duyên Trung Quốc ở Biển Đông đã được trợ giúp từ nguồn cung từ các tiền đồn mới xây dựng của Trung Quốc ở đó.
Ở Biển Hoa Đông, các tàu tuần duyên đã ở lại thời gian lâu nhất trong năm nay gần Senkaku. Vào tháng 10, hai tàu của họ đã đi trong lãnh hải của các hòn đảo (nghĩa là cách bờ chưa đầy 12 hải lý) và ở lại lâu hơn kỷ lục cũ 39 giờ.
Đôi khi lực lượng tuần duyên được sử dụng để hỗ trợ cho các tàu đánh cá có vũ trang của Trung Quốc, mà nước này sử dụng để thiết lập sự hiện diện ở các vùng biển tranh chấp. Vào tháng 4, Việt Nam cáo buộc lực lượng tuần duyên của Trung Quốc đâm và đánh chìm một tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Đó là sự cố thứ hai như vậy trong khu vực trong vòng chưa đầy một năm.
Mỹ lo lắng về vai trò ngày càng tăng của lực lượng tuần duyên Trung Quốc như một nhân tố tăng cường sức mạnh hàng hải của nước này. Năm ngoái, một đô đốc Mỹ đã ám chỉ rằng, trong trường hợp xảy ra đụng độ, hải quân Mỹ sẽ đối xử với các tàu thuộc lực lượng tuần duyên và dân quân hàng hải của Trung Quốc không khác gì các tàu của hải quân nước này.
Vào tháng 10, Mỹ cho biết họ sẽ thăm dò khả năng triển khai các tàu tuần duyên của mình đến Samoa thuộc Mỹ, ở Nam Thái Bình Dương, để chống lại "hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát cũng như việc quấy rối tàu thuyền" của Trung Quốc.
Trung Quốc đã phản ứng gay gắt trước những lo ngại của các nước khác về dự thảo luật tuần duyên. Ở một mức độ nào đó, việc họ bực bội là có lý. Ông Collin Koh của RSIS cho biết hầu hết các điều khoản của dự luật này tương tự như các quy định của pháp luật ở nơi khác và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
Nhưng có mọi lý do để lo lắng về phạm vi đề xuất của bộ luật Trung Quốc. Ông Ryan Martinson thuộc Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ nói rằng nó bao gồm "vùng biển thuộc quyền tài phán" của Trung Quốc, một thuật ngữ mà nước này áp dụng cho hầu hết Biển Đông. Hầu hết các vùng biển đó đều được các quốc gia khác tuyên bố chủ quyền hoặc được coi là một phần chung của thế giới.
Việc khẳng định sâu rộng của Trung Quốc về các quyền tại đó đã bị Tòa án Trọng tài Thường trực, một tòa án quốc tế ở La Hay, bác bỏ vào năm 2016. Điều 22 của dự thảo luật này sẽ cho phép lực lượng tuần duyên của Trung Quốc tạo ra "các khu vực loại trừ tạm thời", có khả năng khoanh vùng các vùng biển rộng.
Theo ông Koh, lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã phàn nàn trong nhiều năm rằng họ cần một luật như vậy để giúp lực lượng này có nhiều ảnh hưởng hơn trong việc đối phó với các lực lượng đối thủ ở Biển Đông. Hu Bo, Giám đốc Sáng kiến Nghiên cứu Tình hình Chiến lược Biển Đông có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết lực lượng tuần duyên là "hùng mạnh". Tuy nhiên, ông nói thêm, họ có một "nhiệm vụ nặng nề".
Vào năm 2016, khi hải quân Indonesia bắn vào một tàu đánh cá của Trung Quốc và bắt giữ thủy thủ đoàn của họ, lực lượng tuần duyên đã không thể phản ứng — rõ ràng là lo lắng rằng việc sử dụng vũ lực mà không có sự hỗ trợ pháp lý rõ ràng có thể gây tổn hại đến hình ảnh của Trung Quốc. Ông Martinson nói : "Đó là một thất bại lớn. và "Có thể có rất nhiều suy xét sau đó". Luật mới sẽ đưa ra thông báo rằng các tàu vỏ trắng có thể bắn trả.
Một điều mà gần như tuyệt đại đa số người Việt đều ước mà chắc chắn làm không được là dời cái bản đồ Việt Nam ra khỏi nơi đang ở hiện nay. Đi đâu cũng được miễn là tránh khỏi Tàu, dù Tàu Cộng hôm nay hay có thể Tàu không Cộng trong tương lai. Tham vọng Đại Hán, dù Đông Hán hai ngàn năm trước hay Cộng Hán này nay cũng chẳng khác nhau nhiều.
Một số quan điểm, phát xuất từ lòng căm thù Trung Quốc, cho rằng những biện pháp phải thi hành tức khắc khi Việt Nam có dân chủ gồm :
(1) xóa bỏ các hiệp ước kể cả kinh tế bất bình đẳng và phân định biên giới mà cộng sản Việt Nam đã ký kết với Trung Quốc ;
(2) hủy bỏ tức khắc các hợp đồng kinh tế bất lợi với Trung Quốc ;
(3) Trung Quốc phải rút về nước trong một thời gian rất ngắn toàn bộ lực lượng lao động có mặt trên lãnh thổ Việt Nam.
Đương nhiên quốc gia Việt Nam dân chủ sẽ phải làm tất cả để đạt ba mục đích trên nhưng chiến lược và chiến thuật có thể sẽ phải linh động và đừng để Trung Quốc có cớ gây chiến khi Việt Nam chưa nắm bắt được trong tay hai yếu tố "thiên thời" và "địa lợi".
Một nước Việt Nam dân chủ non trẻ sau cộng sản có đủ khả năng ngăn chận Trung Quốc viện lý do "bảo vệ quyền lợi và kiều dân" để động binh ?
Chắc chắn là chưa đủ khả năng.
Nếu Trung Quốc động binh liệu Mỹ sẽ nhảy vào can thiệp ?
Không có gì bảo đảm Mỹ sẽ can thiệp ngay bằng các biện pháp cứng rắn.
Điều đó cũng có nghĩa, khi nào Việt Nam còn có chung biên giới trên đất liền và chung thềm lục địa dưới biển với Trung Quốc, Việt Nam sẽ phải chấp nhận bị chi phối bởi các nguyên tắc địa lý chính trị của một quốc gia đất hẹp, dân ít mà nằm trong vùng độn (buffer state).
Do đó, dù giả thiết đã có "nhân hòa", Việt Nam vẫn phải có một chính sách đối ngoại vô cùng khôn khéo.
1. Đàm phán
Không nên vội vã. Tất cả hiệp ước, cam kết, hứa hẹn, nợ nần v.v. với Trung Quốc đều sẽ được giải quyết song phương hay quốc tế nếu có liên hệ đến nước thứ ba, bằng "đàm phán".
Người viết để "đàm phán" trong ngoặc bởi vì muốn nhấn mạnh đến yếu tố thời gian cũng là phần của chiến lược để phục hồi sinh lực dân tộc về văn hóa đạo đức, ổn định chính trị, phát triển kinh tế và tăng cường quốc phòng.
2. Biết chọn lựa liên minh đúng lúc
Về địa lý chính trị, vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ sau thế chiến thứ nhất không quan trọng bằng vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ sau thế chiến thứ hai. Nếu năm 1922, Tổng thống Thổ Mustafa Kemal xin liên minh với Mỹ chưa hẳn đã đươc tổng thống Warren G. Harding đón nhận. Nhưng trong Chiến tranh Lạnh thì khác. Năm 1946 tổng thống Truman chính thức gởi chiến hạm USS Missouri tới thăm Cộng Hòa Thổ kèm theo các khoản viện trợ quân sự lớn đến sau.
3. Đừng để ghét hay thương chi phối chính sách đối ngoại
Đa số người Việt ghét Trung Quốc nhưng không nên để ghét thương chi phối chính sách đối ngoại.
Georgia và Ukraine có cảm tình với chính sách của Boris Yeltsin nên tham gia khối thịnh vượng chung và cuối cùng tự đưa cổ vào tròng Putin. Lithuania, Latvia, Estonia dù trong lòng chưa quên mối hận bị Mỹ bỏ rơi sau thế chiến thứ hai, đã chọn đứng về phía Mỹ và Tây Âu khi tái lập được nền độc lập.
Đa số người Việt ghét Trung Quốc nhưng không nên để ghét thương chi phối chính sách đối ngoại.
4. Chủ động chiến lược hóa vị trí quốc gia
Như người viết trình bày trong bài "Để thắng được Trung Quốc", để bảo đảm an ninh và phát triển, các lãnh đạo của một Việt Nam dân chủ non trẻ tương lai phải biết chủ động chiến lược hóa vị trí quốc gia và từng bước tham gia các liên minh quân sự tin cậy.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải đàm phán với Liên Xô khi nền Cộng hòa Thổ vừa ra đời nhưng khi vừa đủ mạnh và thấy thời cơ đến đã dứt khoát đứng về phía Tây.
Chính sách đối ngoại của tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower là một trường hợp nghiên cứu rất hay và cần phân tích ở đây.
Trong tác phẩm được phát hành vào tháng 3, 2018 "The Age Of Eisenhower", Giáo sư sử học William Hitchcock dành một chương dài để bàn về quan điểm của tổng thống Mỹ Dwight D.Eisenhower đối với Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung.
Theo đó, tổng thống Eisenhower tin rằng nếu Việt Nam rơi vào tay cộng sản các quốc gia Đông Nam Á cũng sẽ lần lượt sụp đổ theo. Lý luận này được nhiều người biết như là "thuyết domino".
Ngoại trừ việc gởi quân tham chiến, tổng thống Eisenhower đã làm hết những gì có thể làm để ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc. Tổng thống thứ 34 của Mỹ xem Việt Nam quan trọng đến mức chính ông và hai phụ tá thân cận đã thảo một điện văn dài cố gắng thuyết phục thủ tướng Anh Sir Winston Churchill để thành lập một liên minh nhằm ngăn chận sự bành trướng của cộng sản xuống Đông Nam Á.
Nếu Mỹ, Anh, Pháp cùng thành lập liên minh quân sự, rất đông đồng minh của Mỹ sau thế chiến thứ hai đều sẽ đứng sau lưng. Anh từ chối, Pháp thua tại Điện Biên Phủ nên lịch sử dân tộc Việt bị cuốn vào một thực tế đầy tang tóc hôm nay.
Nhưng đừng quên, cũng chính tổng thống Eisenhower đã từ chối can thiệp vào cuộc Nổi Dậy Hungary 1956 dù quốc gia Đông Âu trái độn này cũng nằm trong vị trí chiến lược không khác gì Việt Nam. tổng thống Eisenhower lo ngại việc can thiệp của Mỹ vào Hungary có khả năng dẫn đến thế chiến thứ ba.
Tổng thống Eisenhower cũng không áp lực đồng minh hay Liên Hiệp Quốc đáp ứng lời thỉnh cầu của Thủ tướng Imre Nagy, tân lãnh đạo Hungary, kêu gọi Liên Hiệp Quốc can thiệp. Một số nhà phân tích cho rằng nếu một phái đoàn Liên Hiệp Quốc có mặt tại thủ đô Budapest trong thời điểm cuối tháng 10, 1956, cho dù không ngăn chặn hẳn, ít ra cũng làm chậm bước tiến của Liên Xô và giảm bớt số người bị giết trên đường phố thủ đô Budapest. Tóm lại, tổng thống Eisenhower không làm gì cả.
Một tổng thống và cũng trong gần cùng một thời điểm nhưng Mỹ có hai chính sách đối ngoại khác nhau.
Bài học đối ngoại của tổng thống Eisenhower là một thực tế chính trị mà các nước trong vị trí vùng trái độn đều phải học. Không nên chỉ nhìn một cách phiến diện vào khả năng quân sự của Mỹ vượt trội Trung Quốc mà suy ra viễn ảnh đầy lạc quan của Việt Nam.
Đối với Mỹ, vùng biển Đông Á là huyết mạch kinh tế lẫn an ninh của Mỹ và các nước đồng minh với Mỹ như Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines, Indonesia, liên minh được với Mỹ đúng thời điểm vừa có thể thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa đất nước để một ngày thách thức Trung Quốc về mọi mặt.
Túi khôn của loài người bao la nhưng cũng có giới hạn. Các lý thuyết quan hệ quốc tế thường được lập đi lập lại.
Như người viết kết luận trong chính luận "Để thắng được Trung Quốc", khi chảo dầu mâu thuẫn tại Á châu được đun nóng hơn, nhiều liên minh quân sự mới sẽ ra đời.
Do đó, biết chủ động chiến lược hóa, quốc tế hóa, quan trọng hóa vị trí của quốc gia cũng như biết khai thác mối lo của các cường quốc sẽ làm cho vị trí của quốc gia quan trọng hơn trong tranh chấp quốc tế.
Đồng thời, sự liên minh khôn khéo trong nhiều trường hợp giúp quốc gia tránh được chiến tranh hay có thêm thời gian để chuẩn bị chiến tranh.
Trần Trung Đạo
Nguồn : Tiếng Dân, 27/09/2019
Kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế : Vì sao Việt Nam do dự ?
Ngọc Lễ, VOA, 04/09/2019
Tòa án quốc tế thiếu cơ chế thực thi phán quyết và phản ứng trả đũa mạnh mẽ của Trung Quốc là những lý do Việt Nam nên cân nhắc kỹ nếu muốn đưa hành động Trung Quốc xâm lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ra tòa quốc tế, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Australia, nhận định với VOA.
Tàu cảnh sát biển Việt Nam đối đầu tàu hải giám Trung Quốc trên Biển Đông trong cuộc khủng hoảng giàn khoan hồi năm 2014
Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Bãi Tư Chính trên Biển Đông đã kéo dài gần hai tháng mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong lúc ngày càng có nhiều lời kêu gọi Hà Nội nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế do xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội chiến thắng Trung Quốc ở tòa án nếu chiếu theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) cũng giống như Philippines đã làm hồi năm 2016 với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).
'Không thực thi được'
Trao đổi với VOA, Giáo sư Carlyle Thayer nhận định rằng nếu như Việt Nam cũng làm như Philippines là đưa vụ việc ra tòa trọng tài trong khuôn khổ Phụ lục 7 của UNCLOS thì Việt Nam ‘sẽ có chiến thắng vang dội’.
"Mỹ, Australia, Nhật toàn bộ sẽ ủng hộ phán quyết (cho Việt Nam thắng) nhưng Trung Quốc sẽ từ chối tuân thủ", ông nói.
Theo ông phân tích, Việt Nam sẽ chiến thắng nếu làm như Philippines là yêu cầu tòa phân định đâu là quyền của Việt Nam trên Biển Đông, họ có được quyền khai thác dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của mình không, và trưng ra bằng chứng là Trung Quốc đã xâm phạm vào quyền này.
Ông nói những bằng chứng này cho thấy Trung Quốc đang ‘đứng trên luật pháp quốc tế’ và rõ ràng là Bắc Kinh tự diễn giải luật quốc tế theo ý mình
Tuy nhiên, cũng từ kinh nghiệm của Philippines, ông Thayer nêu ra hạn chế của phán quyết của PCA là ‘không có cơ chế thực thi’.
"Nếu anh nhìn trên khắp khu vực, không có ai đề cập đến phán quyết này (kể cả Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte). Trong ASEAN, họ gọi đó là quá trình ngoại giao và pháp lý", ông cho biết.
"Ngay cả tuyên bố chung của Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc mới đây cũng nói rằng cần tôn trọng tiến trình pháp lý nhưng lại không đề cập trực tiếp đến tòa trọng tài sau ba năm họ đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines", ông nói thêm.
Mặc dù một chiến thắng pháp lý như vậy sẽ ‘làm tổn thương uy tín của Trung Quốc’ và khiến cho Mỹ và các nước khác như Anh, Pháp, Nhật, Australia mạnh dạn hơn trong việc bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp, nhưng vào thời điểm này ‘không có dấu hiệu gì cho thấy ít nhất những quốc gia này sẽ hỗ trợ bằng cách gây áp lực đủ đối với Trung Quốc để họ chấp nhận phán quyết’, theo ông Thayer.
Ông chỉ ra là bản thân của Mỹ còn chưa ký vào UNCLOS nên họ không có tư cách pháp lý để được tham dự phiên xử ở The Hague, Hà Lan.
"Do đó cần phải có câu trả lời đạo lý và câu trả lời thực tiễn", ông Thayer nói.
Trả lời câu hỏi Bắc Kinh sẽ trừng phạt Hà Nội như thế nào nếu Hà Nội kiện họ ra tòa, vị giáo sư này nói rằng ‘chắc chắn sẽ có hậu quả’.
"Việt Nam có thể giành chiến thắng về đạo lý nhưng Trung Quốc sẽ trừng phạt Việt Nam trong suốt khoảng thời gian diễn ra quy trình xét xử của tòa trọng tài", ông nói.
"Liệu việc chiến thắng ở tòa có đáng để chịu cái giá mà Việt Nam phải trả hay không bởi gì sẽ không có gì thay đổi trên thực địa cả (do không có cơ chế thực thi) ?" ông đặt vấn đề. "Cho nên (các lãnh đạo Việt Nam) cần phải tính toán lợi ích quốc gia : chúng ta sẽ được gì nếu có hành động pháp lý, chiến thắng đạo lý hay chiến thắng chính trị nhưng với cái giá như thế nào ?"
Vào thời điểm này, ông Thayer cho biết cách xử lý của giới lãnh đạo Việt Nam là ‘kháng cự âm thầm’ trong khi ‘kiểm soát truyền thông’ và Việt Nam đã ‘tận dụng tất cả các kênh từ đảng, lãnh đạo và quân đội’ để nói chuyện với phía tương nhiệm Trung Quốc để khiến Trung Quốc phải rút đi.
Việt Nam có thể làm gì ?
Trả lời câu hỏi của VOA rằng Việt Nam đang có trong tay những lựa chọn nào để đối phó với Trung Quốc ở Bãi Tư Chính, ông Thayer cho rằng trước hết Việt Nam ‘phải tiếp tục phản đối Trung Quốc’ bởi vì nếu Việt Nam có đưa vụ việc ra tòa thì điều đầu tiên họ phải chứng minh với ban trọng tài là họ đã tìm mọi cách nói chuyện với Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc rút đi trên thực địa nhưng tất cả đều không có tác dụng.
Hà Nội cũng phải tranh thủ các ủy ban đối ngoại của Quốc hội Mỹ vốn đang xem xét các dự luật trừng phạt các thực thể Trung Quốc vì hành động của nước này trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, ông nói thêm.
"Hiện dự luật này đang gặp khó khăn được thông qua trong phạm vị hẹp của ủy ban đối ngoại cho nên các nhà ngoại giao (của các nước bị ảnh hưởng trên Biển Đông) cần phải trình bày trước ủy ban về những gì đang xảy ra ở vùng biển của Malaysia, Philippines và Việt Nam", ông giải thích.
"Và các phái đoàn của Việt Nam ở cấp đủ cao đến Mỹ cần phải gặp các thành viên của ủy ban đó để thông báo cho họ tình hình", ông nói thêm và cho rằng chuyến thăm dự kiến vào tháng 10 của Tổng bí thư-Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng sẽ ‘là cơ hội tốt’.
Ngoài ra, Việt Nam cũng phải tăng cường các cuộc diễn tập quân sự ‘với mục đích huấn luyện’ ở những vùng biển mà Trung Quốc có khả năng sẽ tăng cường hoạt động và tăng cường sự hiện diện, ông Thayer khuyến nghị.
Cuối cùng, Hà Nội nên tìm cách tận dụng truyền thông quốc tế để đưa tin về vụ việc Bãi Tư Chính như nước này đã từng làm trong cuộc khủng hoảng giàn khoan hồi năm 2014, ông nói thêm.
"Việt Nam có thể đưa các phóng viên quốc tế lên tàu cảnh sát biển, lên máy bay để họ ghi hình lại những gì Trung Quốc đang làm theo thời gian thực cho thế giới thấy", ông nói. "Và những hoạt động này nên được duy trì liên tục để gây sức ép lên Trung Quốc".
Ông cũng đề xuất là Việt Nam nên phối hợp với Malaysia vốn mới đây cũng bị Trung Quốc quấy rối tàu thăm dò trong vùng biển của họ.
"Malaysia luôn xử lý mọi việc (với Trung Quốc) rất, rất âm thầm… Chúng ta sẽ chờ xem liệu việc hãng Petronas bị Trung Quốc thách thức ngoài khơi bờ biển Surawak có dẫn đến mặt trận chung giữa Malaysia và Việt Nam mà nếu có sẽ trở thành một nhóm vận động hùng mạnh hơn để lôi kéo cộng đồng quốc tế lên án Trung Quốc", ông nói và nhắc đến chuyến công du Hà Nội mới đây của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad.
Theo lời ông Thayer thì nếu Hà Nội quốc tế hóa vấn đề sẽ ‘đi ngược lại điều Trung Quốc muốn’.
"Trung Quốc muốn đẩy tất cả các nước bên ngoài ra để họ có thể tự mình đối phó với các nước Đông Nam Á,’ ông giải thích và cho rằng nếu Việt Nam có thể tập trận với các nước Mỹ, Nhật, Pháp, Úc hết lần này đến lần khác thì Trung Quốc ‘sẽ thấy rằng con đường mà họ đang đi có tác dụng ngược’.
"Mỹ hay Úc không có lợi ích gì để làm tất cả mọi thứ giúp Việt Nam. Việt Nam trước hết phải đề ra là họ sẽ cho phép sự hiện diện quân sự nước ngoài tạm thời như thế nào để diễn tập quân sự và để đánh đi tín hiệu rằng Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền", ông nói.
Ông Thayer cũng cho rằng chuyến thăm sắp tới của ông Trọng đến Mỹ là cơ hội đến hai nước ‘mở rộng mối quan hệ đối tác toàn diện’ để hướng đến nâng cấp lên thành ‘đối tác chiến lược’.
Ông nói Hoa Kỳ muốn Việt Nam cho phép hàng không mẫu hạm hạt nhân của Mỹ cập cảng Việt Nam hàng năm và vấn đề này ‘đang được thảo luận’.
"Việt Nam rất cẩn trọng thăm dò xem Trung Quốc có thể phản ứng như thế nào", ông nói.
Bên cạnh đó, theo Carl Thayer, uy tín của Việt Nam đối với Mỹ cũng tăng lên với việc Hà Nội phản đối phổ biến vũ khí hạt nhân, thực thi các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên, tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai ở Hà Nội vào tháng 2 năm nay – tất cả những điều này đều quan trọng đối với Mỹ. Một yếu tố khác cũng cần lưu ý là Việt Nam hiện là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an và sắp đảm nhận ghế chủ tịch ASEAN vào năm sau. Tuy vậy, chuyên gia này cho rằng, Việt Nam ‘vẫn còn dè dặt trong việc nâng cấp hợp tác quân sự với Mỹ’.
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 04/09/2019
Viễn Đông, VOA, 04/09/2019
Một chuyên gia nghiên cứu về chiến lược nhận định rằng việc Trung Quốc đưa tàu vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam (EEZ) nhiều tuần qua nhằm mục đích "bào mòn quyết tâm" của Hà Nội, trong bối cảnh xuất hiện tin nói rằng tàu được trang bị cần cẩu thuộc loại lớn nhất thế giới "hiện diện trong vùng lãnh hải của Việt Nam".
Ông Brahma Chellaney từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi nói rằng giống như Ấn Độ, Việt Nam "không có đồng minh quân sự và buộc phải một mình đối đầu với sự xâm lược của Trung Quốc".
"Bài học chính cho Việt Nam là phải chuẩn bị cho một cuộc chiến trường kỳ vì mục tiêu của Trung Quốc là bào mòn quyết tâm của Việt Nam thông qua việc gây áp lực từ nhiều hướng", ông Chellaney nói, khi được hỏi về điều Hà Nội có thể học được từ kinh nghiệm đương đầu với Bắc Kinh của chính quyền New Delhi.
Nhận định của chuyên gia Ấn Độ được đưa ra trong khi có tin nói hôm 3/9 rằng tàu được trang bị cần cẩu của Trung Quốc là Lam Kình xuất hiện trong vùng EEZ của Việt Nam, trong khi tàu thăm dò Hải Dương 8 đã rời khu vực gần Bãi Tư Chính và tới thả neo ở Đá Chữ Thập. Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều chưa lên tiếng xác nhận hay phủ nhận, và VOA cũng không thể kiểm chứng độc lập các thông tin này.
Ông Chellaney cho rằng tham vọng bành trướng của Trung Quốc "rốt cuộc sẽ buộc Việt Nam phải thay đổi ‘chính sách ba không’" một cách "từ từ và tinh tế". Việt Nam lâu nay vẫn tuyên bố "không tham gia các liên minh quân sự, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia".
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch tháng trước đã cùng bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu, cam kết "tăng cường tham gia bảo đảm tự do hàng hải, hàng không" cũng như "đối phó với các thách thức" trên Biển Đông. Còn phía Mỹ nói rằng Washington "phối hợp đa phương", nhất là với Việt Nam, trong khi đương đầu với Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp giữa nhiều nước.
Mới đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar đã lên tiếng về vụ "đối đầu" giữa tàu Việt Nam và Trung Quốc nhiều ngày qua, nói rằng New Delhi "kiên quyết ủng hộ quyền tự do hàng hải và bay ngang" ở Biển Đông.
Khi được hỏi về tầm quan trọng của Việt Nam trong các chiến lược ngoại giao của Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á, ông Chellaney nói rằng mối quan hệ giữa Hà Nội và New Delhi "đang phát triển nhanh chóng".
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu từng xuất bản sách về sự trỗi dậy của Trung Quốc này nói rằng hai nước "cần thêm nội dung chiến lược" trong khi củng cố quan hệ song phương.
Ấn Độ năm 2016 từng có ý định trang bị tên lửa BrahMos cho các đơn vị đóng trên biên giới với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền, khiến Bắc Kinh phản ứng. Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi cũng từng lệnh cho công ty liên doanh với[VHN1] Nga, vốn sản xuất tên lửa tối tân này, tăng cường bán BrahMos sang năm nước tiềm năng mà đứng đầu là Việt Nam.
Hindustan Times hôm 3/9 đưa tin rằng Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ có ý định xin gia hạn thêm hai năm thăm dò Lô 128 của Việt Nam ở Biển Đông. "Việt Nam muốn một công ty Ấn Độ để đương đầu với sự can thiệp của Trung Quốc ở các vùng lãnh hải tranh chấp", tờ báo nhận định.
Mới đây, một chuyên gia của Mỹ nói với VOA tiếng Việt rằng sự liên quan của công ty Nga và Nhật trong vụ "đối đầu" giữa tàu hải cảnh Việt Nam và Trung Quốc ở Bãi Tư Chính đã "gây phức tạp" cho quyết sách của chính quyền Bắc Kinh.
Viễn Đông
Nguồn : VOA, 04/09/2019
******************
Thường Sơn, VNTB, 04/09/2019
Trong lúc 6 tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Việt Nam được cho là còn phải đi chống ngập ở Hà Nội và Sài Gòn, còn các tàu chiến khác, kể cả ‘tàu buồm hiện đại nhất thế giới’ mang tên Lê Quý Đôn mất dạng, toàn bộ lực lượng hải quân Việt Nam vẫn phủ phục trong tư thế bất lực và kiên định… bám bờ, các tàu Trung Quốc đã thả giàn tung hoành ở Biển Đông và ngay trong ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi’ của Việt Nam.
Họa đồ di chuyển của Hải Dương 8
Chỉ trong vòng khoảng một tuần, nhóm tàu khảo sát Hải Dương-8 của Trung Quốc đã tiến sâu thêm 30 km vào vùng biển Việt Nam và chỉ còn cách bờ biển tỉnh Ninh Thuận, miền trung Việt Nam khoảng 155 km, theo dữ liệu theo dõi tàu biển của trang Marine Traffic vào sáng sớm ngày 1/9.
Trước đó vào ngày 24/8, Hải Dương 8 cùng các tàu hải cảnh của Trung Quốc chỉ cách bờ biển Phan Thiết của Việt Nam khoảng 185 km.
Vụ tàu Trung Quốc lấn dần từng chục hải lý như thế đã gián tiếp tiết lộ một sự thật bi thảm : trong suốt thời gian từ đầu tháng 6 năm 2019 khi tàu Trung Quốc bắt đầu xâm nhập bãi Tư Chính, Bộ Quốc phòng và Cảnh sát biển Việt Nam đã đối phó tệ hại đến mức Trung Quốc hoàn toàn coi thường những hành động đối phó này.
Chiến thuật Việt Nam dùng một số tàu chiến và tàu hải cảnh bao vây tàu Trung Quốc, hoặc bám chặt tàu Trung Quốc đã tỏ ra vô ích và vô tích sự, bởi về số lượng thì tàu Trung Quốc luôn vượt gấp ít ra vài ba lần số tàu Việt Nam, còn việc bị bám đuôi thì Trung Quốc chẳng coi ra gì.
Cho tới nay, phía Việt Nam vẫn chẳng dám nổ một phát súng nào, dù chỉ để cảnh cáo tàu Trung Quốc.
Vì sao lực lượng hải quân Việt Nam lại phủ phục đến thế ? Nếu nổ ra chiến tranh thật sự với Trung Quốc thì lực lượng này sẽ đánh chác ra sao ?
Nếu ai đó cho rằng hải quân Việt Nam còn đang ‘giấu mình’, vẫn nêu cao tinh thần yêu nước và sẽ ra đòn quyết địnbh vào một thời điểm thuận lợi, là thế nào để giải thích việc một đô đốc của quân chủng này - Nguyễn Văn Hiến - cách đây không lâu đã bị tống vào ‘lò’ của ‘tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng vì tội ‘ăn đất’ ?
Trung Quốc muốn ép Trọng ?
Việc tàu Hải Dương 8, vừa trở lại khu vực Bãi Tư Chính sau 5 ngày quay lại đảo Đá Chữ Thập để tiếp liệu, lại rời Bãi Tư Chính để ‘tham quan’ vùng biển gần Phan Thiết, xảy ra trong bối cảnh một tin tức đang ngày càng cận kề : sau một thời gian khá dài được Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trung ương tận tình cứu chữa, ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng đã gần như hồi phục khỏi cơn bạo bệnh và chuẩn bị cho chuyến thăm Washington - một chuyến đi đặc biệt quan trọng - không chỉ về danh thể của Nguyễn Phú Trọng mà còn do tính chất đối đầu đã tới lúc không thể khoan nhượng giữa Việt Nam với Trung Quốc, mà theo đó Việt Nam đang rất cần đến lực lượng hải quân và không quân của Hoa Kỳ - đối trọng duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông - để bảo vệ Việt Nam khai thác dầu khí nuôi đảng.
Chẳng khó để hình dung ra rằng Tập Cận Bình chẳng thích thú gì với chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng, và muốn gây sức ép buộc Trọng phải hủy bỏ chuyến đi đó. Hoặc nếu không hủy bỏ thì buộc Nguyễn Phú Trọng phải đi Trung Quốc trước khi đi Mỹ, như một biểu hiện ‘triều kiến’.
Thời điểm dự kiến cho chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng đang lùi sang tháng 10 năm 2019.
Đã hầu như chắc chắn là sau giai đoạn đầu cho tàu Hải Dương 8 vào quấy phá tại Bãi Tư Chính, Trung Quốc sẽ còn ra những đòn mới và lắm chiêu trò hơn nhằm hành hạ tinh thần ảo não của giới chóp bu Việt Nam.
Trung Quốc đang thực hiện chiến thuật nuốt từng hải lý biển Việt Nam. Có thể vào một ngày đẹp trời không lâu nữa, người dân và các lực lượng quân đội lẫn cảnh sát ở Phan Thiết hoặc ở một thành phố duyên hải nào đó của Việt Nam sẽ trố mắt trước những chiếc tàu giương cờ Trung Quốc lừng lững ngự ngay trước mắt họ ở vùng biển sát bờ.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 04/09/2019
*******************
Thủ tướng Việt Nam lên tiếng về ‘vi phạm chủ quyền’ trên Biển Đông
VOA, 04/09/2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 4/9 nói Việt Nam đã"đấu tranh bằng mọi biện pháp"để chống lại các hoạt động vi phạm chủ quyền trên Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục các hoạt động "bất hợp pháp" trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại một cuộc họp Chính phủ hôm 4/9, nói rằng Việt Nam đãđấu tranh bằng mọi biện pháp để chống lại các hoạt động vi phạm chủ quyền trên Biển Đông.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam đưa ra thông tin trên trong một cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 tại Hà Nội hôm 4/9, theo ghi nhận của truyền thông trong nước.
Đây là lần đầu tiên người đứng đầu chính phủ Việt Nam có phát ngôn liên quan đến tình hình ở Biển Đông kể từ khi Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 vào hoạt động tại khu vực Bãi Tư Chính mà Việt Nam nói là vi phạm vùng biển của mình từ ngày 3/7.
Ông Phúc không nhắc tới Trung Quốc hay một sự việc cụ thể nào nhưng nói rằng : "Chúng ta đã kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng mọi biện pháp đối với các hoạt động của nước ngoài vi phạm chủ quyền trên biển của ta".
Bộ Ngoại giao ở Hà Nội đã 3 lần lên tiếng cáo buộc tàu Trung Quốc "vi phạm" quyền chủ quyền và thềm lục địa của Việt Nam. Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng vài lần phản bác những cáo buộc của Hà Nội và cho rằng tài Hải Dương 8 của họ luôn hoạt động trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc.
Việt Nam đã tìm kiếm sựủng hộ của quốc tế trong vụ Bãi Tư Chính khi Thủ tướng Phúc cùng với Thủ tướng Australia Scott Morrison nêu lên "quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông" trong một cuộc họp báo chung sau khi gặp mặt nhau tại Hà Nội hôm 23/8.
Trước đó vài tuần, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã"bày tỏ quan ngại nghiêm trọng" về hoạt động khảo sát của tàu thăm dò Hải Dương 8 trong một cuộc họp kín với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Hội Nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Bangkok hôm 1/8.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chưa lần nào lên tiếng trước công chúng về những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong hai tháng qua trên Biển Đông.
Tại cuộc họp hôm 4/9, Thủ tướng Phúc còn được truyền thông trong nước trích lời nói rằng : "Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mặc dù có những diễn biến phức tạp, nhưng các lực lượng chức năng đã làm hết sức mình dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ".
Vào thời điểm này, theo Giáo sư Carl Thayer nhận định với VOA hồi tuần trước, cách xử lý của giới lãnh đạo Việt Nam là"kháng cựâm thầm" trong khi "kiểm soát truyền thông" và Việt Nam đã"tận dụng tất cả các kênh từĐảng, lãnh đạo và quân đội"để nói chuyện với phía tương nhiệm Trung Quốc nhằm khiến Trung Quốc phải rút đi.
Các chuyên gia nước ngoài và người dân Việt Nam trong 2 tháng qua đã kêu gọi chính phủ Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tếđể ngăn chặn hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam về lâu dài như Philippines làm vàđã thắng tại vụ kiện ở tòa La Haye cách đây hơn 3 năm.
Cách nay bốn năm, vào ngày 27 tháng 7 năm 2015, cô Trần Thị Thủy viết một lá thư cảm tạ những người tổ chức cầu siêu cho cha của cô – mất trước đó 27 năm. Xin lược trích một số câu, đoạn trong thư (1) :
…Ba con mất đi chỉ có gia đình, mẹ con con chịu thiệt thòi, mất mát. Một mình mẹ phải gánh vác mọi việc trong gia đình, ruộng vườn cày cấy, làm thuê cuốc mướn vất vả khó nhọc để có tiền nuôi con ăn học trưởng thành…
…Dịp này, lần đầu tiên không chỉ gia đình con mà còn 63 gia đình khác được công khai khóc cho những người chồng, người cha mà không sợ bị ảnh hưởng đến tập thể hay cá nhân nào...
Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long cùng duyệt binh tháng 6/2017 tại Hà Nội - Ảnh minh họa
Cha cô Thủy là ai ? Phải chăng ông từng phạm những tội thuộc loại "đại nghịch bất đạo", thành ra thân nhân không chỉ sống vất vưởng, khốn khổ, khốn nạn mà còn không dám than khóc công khai ?
Nếu bảo rằng cha cô Thủy – ông Trần Văn Phương là Thiếu úy Hải quân nhân dân Việt Nam, một trong số 64 người lính Việt Nam chỉ vì dám minh định chủ quyền của Việt Nam tại bãi đá Gạc Ma mà bị Trung Quốc biến thành những tấm bia sống, tuần tự hạ gục từng người trong ngày 14 tháng 3 năm 1988. Sau khi đền nợ nước được vinh thăng Trung úy, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân – thì có ai cảm thấy não lòng và hoang mang, phẫn nộ không ?
***
Cho đến giờ, Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News và những người tham gia biên soạn - phát hành cuốn sách "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" vẫn chưa được yên thân.
Dường như cuộc tấn công trên mạng xã hội không tạo ra được tác dụng cần thiết, thậm chí là phản tác dụng nên hai ông tướng đã nghỉ hưu (Nguyễn Thanh Tuấn – Trung tướng, cựu Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng và Hoàng Kiền – Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Binh chủng Công binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) vừa mở một mặt trận nữa trên hệ thống truyền thông chính thức (Tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh các số 511, 512 phát hành vào các ngày 16 tháng 8 năm 2018 và 23 tháng 8 năm 2018) (2).
Trên hai số báo đã dẫn, tướng Tuấn và tướng Kiền nhân danh "tuyệt đại cựu chiến binh, tuyệt đại cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu nước", đề nghị : Kiểm điểm Hội đồng Thẩm định bản thảo, kiểm điểm – xử lý Nhà Xuất bản Văn học – nơi chịu trách nhiệm xuất bản và những tập thể, cá nhân liên quan đến "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử", thu hồi – tiêu hủy ấn phẩm này vì "sai sót cực kỳ nghiêm trọng, có hệ thống, nằm trong âm mưu xét lại lịch sử nhằm làm suy yếu chế độ, làm phân hóa nội bộ Đảng, tiếp tay cho âm mưu ‘bài Trung, phò Mỹ, lật sử, dựng cờ vàng, thay chế độ’ của các thế lực thù địch, tiến hành ‘diễn biến hòa bình’ chống phá chế độ ta".
***
Cần nhắc lại rằng chuyện Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News tổ chức phát hành cuốn sách "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" đã trở thành một sự kiện đặc biệt trong sinh hoạt chính trị - xã hội ở Việt Nam hồi đầu tháng bảy.
Việc xuất bản - phát hành cuốn sách khổ 16 cm x 24 cm với 328 trang trở thành sự kiện đặc biệt vì tính chất và số phận gian truân của nó !
Trong vòng bốn năm (2014 – 2018), bản thảo "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" do First News thực hiện được chuyển lòng vòng qua… 13 nhà xuất bản. Chỉ đến khi một hội đồng cấp quốc gia do chính quyền Việt Nam thành lập nhằm thẩm định nội dung của riêng "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" gật đầu, giấy phép xuất bản mới được cấp cho nhà xuất bản thứ 14 (Nhà Xuất bản Văn học) (3) !
Nhiều người đã từng thắc mắc, có cái… quái gì trong "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" khiến giới làm sách tại Việt Nam phải thận trọng, nhìn trước, ngó sau kỹ lưỡng như vậy và các viên chức hữu trách trong hệ thông công quyền Việt Nam phải nâng lên, đặt xuống nhiều lần trước khi đồng ý để "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" trở thành một ấn phẩm chính thức ?
Tất nhiên là có ! "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" là cuốn sách đầu tiên hệ thống hóa những thông tin, dữ kiện liên quan tới chuyện Trung Quốc cưỡng đoạt các bãi đá ngầm thuộc chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa hồi đầu năm 1988, kèm tường thuật của một số nhân chứng may mắn sống sót sau cuộc thảm sát ngày 14 tháng 3 năm 1988 ở bãi đá ngầm Gạc Ma, được… in - xuất bản – phát hành một cách… hợp pháp trên… lãnh thổ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cho dù tham gia tổ chức nội dung, biên soạn "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" có hai ông tướng (Lê Mã Lương – Thiếu tướng, cựu Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Lê Kế Lâm – Chuẩn Đô đốc, cựu Tham mưu phó đặc trách tác chiến của Quân chủng Hải quân, cựu Giám đốc Học viện Hải quân), một cựu Vụ trưởng đặc trách Cơ quan Thường trực phía Nam của Ban Tuyên giáo Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (Đào Văn Lừng), một Đại biểu Quốc hội bốn nhiệm kỳ kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (Dương Trung Quốc), 68 nhà báo và các cựu chiến binh là nhân chứng vụ thảm sát ở bãi đá Gạc Ma nhưng tất cả đều bị xem là "những kẻ đang thực hiện âm mưu xét lại lịch sử, hạ bệ thần tượng, bôi nhọ quân đội và xúc phạm vai trò lãnh đạo của Đảng"...
***
27 năm sau vụ thảm sát Gạc Ma, lần đầu tiên có một Đại lễ Tưởng niệm và Cầu siêu cho 64 người lính Việt Nam bị Trung Quốc bắn hạ vào ngày 14 tháng 3 năm 1988, trong Thư ngỏ gửi mọi người, cô Thủy viết :
Con xin được thay mặt gia đình cảm ơn sự động viên, quan tâm của tất cả mọi người… 27 năm không phải là khoảng thời gian quá dài nhưng cũng không ngắn đối với gia đình chúng con, những gia đình mất đi người thân, những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng và những đứa con vĩnh viễn không bao giờ được gặp người cha thân yêu của mình. Đó chính là nỗi đau thương thiệt thòi quá lớn mà không gì có thể bù đắp được. 27 năm trôi qua con chưa bao giờ được chứng kiến hay tham dự một buổi đại lễ cầu siêu nào cầu cho linh hồn những người đã không tiếc thân minh hi sinh cho Tổ quốc để họ được yên ủi nằm lại trong lòng biển sâu lạnh lẽo, băng giá. Cho tới ngày hôm nay được chính thức tham dự một đại lễ cầu siêu lớn như vậy, thực sự con cảm thấy rất ấm lòng, cũng là sự động viên tinh thần rất lớn đối với gia đình con cũng như gia đình 63 liệt sĩ khác.
Trong thư, cô Thủy kể thêm, cha cô bị giết năm 1988 nhưng đến 2009 mẹ cô "nhiều lần ngược xuôi làm giấy tờ, thủ tục thì mới được hưởng trợ cấp".
Cô tâm sự thêm :
Trước nữa, nhắc đến sự kiện 14 tháng 3 năm 1988 là điều không thể, như bị ngăn cấm, như sợ bị ảnh hưởng đến quan hệ "láng giềng tốt đẹp" giữa mình và một quốc gia đang tâm cướp đi sinh mạng người thân của chúng con… Tại sao lại không được bày tỏ, tại sao lại không được nhắc đến và tại sao chúng ta lại phải giấu diếm cho tội ác tày trời của chúng ? Chúng ta kìm nén, chúng ta nhường nhịn và chúng ta nhẫn nhục mãi cho tới tận ngày hôm nay để chúng ta nhận được những gì ? Cũng không có gì thay đổi, vẫn là sự ngang nhiên xâm chiếm, vẫn là sự ngang tàng, táo tợn của những kẻ bộc lộ rõ bản chất xấu xa với những ý đồ nham hiểm trên vùng biển của ta, làm hại người dân của ta.
***
Thư của người phụ nữ chưa bao giờ được cha bồng ẵm vì ông bị giết khi cô còn đang trong bụng mẹ còn viết :
Cho tới ngày hôm nay khi được tự do nói đến, khi được một số cơ quan, đoàn thể quan tâm đến thì có một số người cha, người mẹ của liệt sĩ đã mất vì già yếu, bệnh tật. Cũng có một số thương binh trở về từ cuộc chiến đã mất, những người còn sống cũng chưa được hưởng chế độ gì, hoặc nếu có thì phải trải qua bao khó khăn mới có được như mẹ con…
Xin lỗi cô Thủy khi phải nhận định rằng cô đã sai ! Đến bây giờ, bốn năm sau khi cô viết Thư ngỏ đã dẫn, vẫn chưa có cái gọi là "được tự do nói đến" đâu cô Thủy ạ ! "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" chính là bằng chứng. Đâu chỉ có gia đình cô Thủy, 63 gia đình có thân nhân bị giết ở Gạc Ma và những cựu chiến binh may mắn sống sót gánh thảm cảnh ấy. Còn những người cha, người mẹ, người vợ, con, anh chị em, cháu,… những người lính khác đã bị giết ở biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam và những cựu chiến binh may mắn sống sót trong những cuộc chiến vệ quốc ấy nữa. Không có thống kê nhưng con số phải tính bằng triệu.
Bất kể Trung Quốc thế nào, hành xử ra sao thì chủ quyền quốc gia, tương lai dân tộc vẫn không quan trọng bằng điều mà Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng quốc phòng, Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam từng thay mặt giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam "quán triệt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân" : Việt Nam và Trung Quốc có một "di sản quý báu là sự tương đồng ý thức hệ". "Đặc trưng của ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một Đảng Cộng sản lãnh đạo" và "điểm tương đồng đó đã tạo ra mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc", "chi phối cách ứng xử của hai nước", thành ra "nếu có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". Thế thôi !
Chính vì tin vào sự nhất quán về đường lối, chủ trương đó, tướng Tuấn, tướng Kiền, báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh mới liên tục đòi "chặt đầu, lột da" cho bằng được những tập thể, cá nhân liên quan tới tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử", kể cả đòi truy cứu trách nhiệm của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam – nơi đã thành lập một hội đồng chỉ để thẩm định nội dung của riêng "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử".
Trân Văn
Nguồn : VOA, 28/08/2018
Chú thích
(1) https://trithucvn.net/blog/goc-nhin-cuoc-song/lan-dau-duoc-khoc-cong-khai.html
(2) https://thienhasu2018.com/2018/08/27/gac-ma-vong-tron-bat-tu-chong-lai-the-luc-doi-thieu-huy/
(3) https://news.zing.vn/hang-tram-cau-chuyen-xuc-dong-o-gac-ma-vong-tron-bat-tu-post856588.html
(4) https://tinquansu.wordpress.com/2013/01/01/khong-ai-quen-loi-ich-quoc-gia-dan-toc/#more-5977
Trước nạn Trung Quốc xâm lấn càng ngày càng rõ rệt : đọc lại những bài viết của của cố vấn Tàu ở Việt Nam trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946 – 1954
Trường Chinh, Hồ Chí Minh, Đại tướng Trần Canh (giữa), Trung tướng La Quý Ba (phải) tại Chiến khu Việt Bắc (Pắc Bó) năm 1950. Ảnh : Tieuxue.net
Đây là những bài viết của những người được gọi là những"lão đồng chí đã từng công tác trong Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam đầu những năm 1950 của thế kỷ 20", theo lời của Nhóm biên tập của tập tài liệu có nhan đề Ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp (Hồi ký của những người trong cuộc), do Nhà xuất bản Lịch sử Đảng cộng sản Trung Quốc ấn hành ở Bắc Kinh năm 2002, bản dịch tiếng Việt của Trần Hữu Nghĩa và Dương Danh Dy hiệu đính.
Bản dịch này không ghi nơi xuất bản cũng như tên nhà xuất bản với lý do được viết là tài liệu lưu hành nội bộ và được gửi từ trong nước ra hải ngoại qua thư điện tử. Cũng vậy, ghi là "nội bộ" nhưng sách cũng không được ghi rõ là nội bộ của cơ quan nào, tổ chức nào. Dương Danh Dy là một nhà nghiên cứu được nhiều người tin cậy. Ông đã từng giữ chức Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ở Bắc Kinh và Tổng lãnh sự ở Quảng Châu, Trung Quốc.
Tập tài liệu này dày 280 trang qua thư điện tử và gấp đôi, tức 560 trang theo khổ sách in nhỏ, gồm tổng cộng 10 bài, thêm hai trang "Lời cuốí sách". Tất cả đều ít nhiều được phổ biến trên một vài trang mạng ở hải ngoại nhưng không thường trực.
Tác giả đầu tiên là La Quý Ba, ngưòi được Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc bí mật cử sang Việt Nam đầu năm 1950 làm đại diện liên lạc giữa Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc và Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương, sau này là Đại sứ đầu tiên của chính quyền cộng sản Trung Quốc ở Việt Nam. Bài viết của La Quý Ba này ngắn và có tinh cách tổng quát, được viết để tưởng nhớ Mao Trạch Đông.
Tác giả thứ hai là Trương Quảng Hoa. Ông này xuất thân làm công tác ở văn phòng cố vấn quân sự của Đoàn, lo về thống kê nên nắm vững tình hình giao nhận vật tư để báo cáo cho lãnh đạo của Đoàn. Trương Quảng Hoa có cả thảy bốn bài, đồng thời giữ vai trò sửa chữa và hiệu đính, kể cả sửa chữa và hiệu đính cho phần "Đại Sử Ký" tức phần niên biểu các sự kiện chính ở cuối sách trong đó có bài viết tổng quát và một bài viết về vai trò có tính cách quyết định của Tướng Trần Canh trong trận Đông Khê - Thất Khê. Chủ trương của Trần Canh cũng như của các cố vấn Tầu đối nghịch với chủ trương ban đầu của các chỉ huy trưởng Việt Minh, trong đó có các Trung đoàn trưởng Trung đoàn 102 Nguyễn Hữu An và Trung đoàn 88 Thái Dũng.
Người có bài thứ ba là Vu Hóa Thuần, viết về Vi Quốc Thanh trong cả hai trận Đông Bắc và Điện Biên Phủ, một vai trò cũng quyết định giống như vai trò của Trần Canh trong chiến dịch Đông Bắc. Vương Nghiên Tuyền nguyên ở trong ban tham mưu của tướng Trần Canh và là cố vấn cho Đại đoàn 308 trong thời chiến tranh chống Pháp, năm 1956 lại trở sang Vịêt Nam làm tổ trưởng Tổ chuyên gia quân sự cho đến năm 1957. Ông này có hai bài dài và coi như nòng cốt của tập sách.
Tiếp theo là các bài của Độc Kim Ba và của Như Phụng Nhất mà tiểu sử không được ghi dù là gián tiếp. Cuối cùng là một bảng niên biểu liệt kê theo ngày tháng tiến trình hoạt động của Đoàn cố vấn Trung Quốc từ ngày được thành lập, từ tháng Giêng và tháng Hai năm 1950 cho đến trung tuần tháng Ba năm 1956.
***************
Nói tới Chiến tranh Pháp-Việt Minh (1946-1954) không ai là không biết tầm quan trọng của viện trợ của cộng sản Trung Quốc cho cộng sản Việt Nam kể từ sau khi Đảng cộng sản Trung Quốc chiếm được toàn thể Trung Hoa lục địa. Hay chậm hơn và đúng hơn chút nữa là từ trung tuần tháng 8 năm 1950, khi hai đoàn cố vấn quân sự, một do Vi Quốc Thanh và Đặng Dật Phàm cầm đầu từ Quảng Tây và một do Trần Canh hướng dẫn từ Vân Nam đến bộ chỉ huy tiền phương của Việt Minh ở Quảng Uyên, Cao Bằng và được Võ Nguyên Giáp và Trần Đăng Ninh đón tiếp và thuyết trình.
Các cấp chỉ huy Trung đoàn của quân đội Trung Quốc, đóng quân tại bản Khuổi Nậm, Nà Kéo, Nà Mạ, và Nậm Lìn thuộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ảnh : (internet).
Đây là thời điểm then chốt. Nó mở đầu cho một giai đoạn mới trong lịch sử Chiến tranh Việt Minh-Pháp hay Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, trong đó viện trợ của Trung Quốc đóng vai trò quyết định. Sau thời điểm này quân đội của tướng Giáp không còn phải "chiến đấu trong vòng vây", không còn chỉ đánh du kích nữa mà đã chuyển sang vận động chiến rồi sau đó là công kiên chiến để đánh bại địch quân của họ, theo sách lược của Mao Trạch Đông và kinh nghiệm của Quân đội nhân dân Trung Quốc.
Hồi ký của các nhà lãnh đạo Việt Minh trong đó có tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh quân đội, có Đặng Văn Việt, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, con Hùm Xám của Đường Số 4, đều nói tới nguồn viện trợ duy nhất và thiết yếu này nhưng nói tương đối ít. Những chiến thắng của Việt Minh từ các trận Đông Khê và Cao Bằng trong chiến dịch Việt Bắc tới trận Điện Biên Phủ theo các chỉ huy người Việt này là do sự hoạch định chiến lược và chiến đấu của chính người Việt.
Các cố vấn Trung Quốc trong tập Ghi chép thực kể trên đã gần như nói ngược lại. Không những thế, họ còn viết nhiều hơn nữa, không riêng về quân sự như cung cấp dư dả súng ống, đạn dược, quân trang, quân dụng, soạn thảo tài liệu huấn luyện, tái tổ chức lại quân đội với chủ trương đặt nặng vai trò của chính trị trong quân đội, thành lập và võ trang những đại đơn vị mới như các Đại đoàn 316, 320, 325, 351 và một Trung đoàn công binh bên cạnh các Đại đoàn 304, 308, 312 và một số trung đoàn đã có từ trước. Họ còn giúp Việt Minh giải quyết những khó khăn về kinh tế, tài chánh, đặc biệt là về tiền tệ, lương thực để Việt Minh từ thế gần như thụ động, bị bao vây trên nhiều mặt trận, sang chủ động làm chủ chiến trường. Các cố vấn Tàu còn cho biết họ đã soạn thảo các chiến lược và trực tiếp tham gia chiến trận cùng với quân đội của tướng Giáp, từ đó đã giúp cho cộng sản Việt Nam toàn thắng.
Một cách tóm tắt, khi đọc tài liệu này ta có thể ghi nhận được những sự kiện sau đây :
Thứ nhất : Viện trợ của Trung Quốc cho cộng sản Việt Nam là do cộng sản Việt Nam yêu cầu qua văn thư của Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương gửi Mao Trạch Đông và Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc. Sự kiện này đã xảy ra tiếp theo hai chuyến đi bí mật của Hồ Chí Minh sang Bắc Kinh vào đầu tháng Giêng năm 1950 và vào mùa đông năm 1951.
Lần đi thứ nhất, khi Hồ Chí Minh đến Bắc Kinh thì Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đã đi Moscow để ký Hiệp ước Tương trợ đồng minh hữu nghị Trung-Xô từ trước nên họ Hồ chỉ được Lưu Thiếu Kỳ đón tiếp rồi sau đó được Lưu Thiếu Kỳ thu xếp để sang Moscow.
Câu hỏi được đặt ra là trước khi đi, Mao và Lưu có biết là Hồ sẽ sang Bắc Kinh hay không ? Câu hỏi được đặt ra nhưng câu trả lời phần nhiều là có.
Nếu vậy tại sao hai người lại không đợi Hồ Chí Minh sang Bắc Kinh để rồi cùng đi ? Câu trả lời phần nào có thể thấy được nếu người ta theo dõi những gì đã xảy ra sau đó.
Thứ nhất là trong buổi tiệc, do Bộ chính trị trung ương Đảng cộng sản Liên Xô tổ chức để khoản đãi Hồ Chí Minh, khi họ Hồ mới tới Moscow tối ngày 6 tháng Hai năm 1950, Staline đã không đến dự và Staline chỉ tiếp ông Hồ nhiều ngày sau đó và tiếp ở phòng làm việc của mình với sự có mặt của nhiều ngưới khác, trong đó có cả Vương Gia Tường là Đại sứ Trung Quốc ở Liên Xô.
Thứ hai là trong buổi tiếp tân chiêu đãi trọng thể dành cho Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và toàn thể các đoàn viên phái đoàn Trung Quốc, Hồ Chí Minh cũng được mời, có thể là không chính thức vì chuyến đi của ông là bí mật. Lợi dụng cơ hội này và khi Staline rất vui, Hồ Chí Minh đã ngỏ ý xin được ký một hiệp ước tương tự như hiệp ước Trung-Xô mà Mao Trạch Đông đã ký với Staline trước đó. Staline đã từ chối.
Trương Quảng Hoa đã kể lại cuộc đối thoại giữa hai người như sau :
Staline rất vui, trong bữa tiệc luôn luôn trò chuyện với khách. Hồ Chí Minh nắm lấy thời cơ này cười hỏi Staline : "Đồng chí còn có chỉ thị gì nữa đối với công tác của Việt Nam chúng tôi không ?". Staline cười : "Tôi làm sao có thể chỉ thị cho đồng chí, đồng chí là Chủ tịch nước, quan còn to hơn tôi mà !".
Hồ Chí Minh lại nói : "Các đồng chí đã ký hiệp ước với Trung Quốc, nhân tôi ở đây, chúng tôi cũng muốn ký một hiệp ước !". Staline nói : "Thế người ta hỏi đồng chí từ đâu ra ? Chúng tôi giải thích như thế nào ?".
Hồ Chí Minh nói : "Điều đó rất dễ, đồng chí cho chiếc máy bay chở tôi lượn một vòng trên trời, sau đó cho người ra sân bay đón tôi, đưa một tin trên báo, không được sao ?".
Staline cười lớn nói : "Đó là quá sức tưởng tượng đặc biệt của người phương Đông các anh" (trang 21).
Họ Trương ghi tiếp là "Rất nhiều người dự tiệc cũng đều cười vang lên".
Chi tiết này chứng tỏ cuộc đối thoại giữa Hồ Chí Minh và Staline là công khai trước mặt mọi người. Nhưng xét toàn bộ người ta thấy Staline tỏ ra rất lạnh nhạt, không tôn trọng Hồ Chí Minh, đã mỉa mai khi trả lời những câu hỏi nghiêm chỉnh và quan trọng của họ Hồ. Không những thế Staline còn đem những đề nghị của Hồ ra làm trò cười cho những người có mặt trong buổi chiêu đãi và thẳng thừng từ chối những lời yêu cầu của họ Hồ, trong đó có đề nghị ký một hiệp định là điều ông này rất mong muốn.
Tại sao vậy ? Theo Trương Quảng Hoa, Staline lo lắng Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc, là Ti Tô thứ hai. Nhưng đọc kỹ chi tiết hơn, người ta thấy hai điều. Một là Staline có chủ trương muốn Hồ Chí Minh đẩy sớm hơn và mạnh hơn cách mạng xã hội và kinh tế thay vì chỉ lo đánh Pháp để sớm tiến tới chủ nghĩa vô sản và hai là Staline đã cùng Mao Trạch Đông, và ngay cả trước đó không lâu, Lưu Thiếu Kỳ trong một chuyến đi bí mật sang Nga, đã từng thảo luận và đồng ý với nhau về vai trò viện trợ cho cộng sản Việt Nam của Trung Quốc rồi. Đây là lý do chính và Hồ Chi Minh khi được các lãnh đạo cộng sản Trung Quốc thu xếp cho sang Nga chỉ là để nghe một chuyện đã được sắp xếp rồi.
Riêng về cá nhân Hồ Chí Minh, xuyên qua cuộc đối thoại này, người ta thấy phần nào bản chất thực tế, kiên nhẫn, chịu đựng, quyền biến đến độ lì lợm, sẵn sàng dùng những biện pháp lừa dối như ông đã thường làm ở Việt Nam của ông.
Cuối cùng thì chuyến đi Liên Xô của Hồ Chí Minh hoàn toàn thất bại, không giành được gì từ phía Liên Xô, không được Staline coi trọng như Mao Trạch Đông để từ đây Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam phải nghe và hoàn toàn trông cậy vào viện trợ của Trung Quốc.
Vận mệnh của Đảng cộng sản Việt Nam nói riêng và vận mệnh của dân tộc Việt Nam cũng như lãnh thổ Việt Nam nói chung, có thể đã bị quyết định ngay từ chuyến đi của Hồ Chí Minh này. Nói như vậy là vì khi làm cố vấn bắt buộc chuyên gia Trung Quốc phải nghiên cứu địa hình, địa diện, các cao điểm chiến thuật, chiến lược, trục lộ giao thông cùng các tiềm năng khác có thể khai thác... bằng chính tai mắt và khối óc của mình. Đó là chưa kể khi họ vạch và làm đường vận chuyển khi khí giới, quân trang quân dụng được vượt qua biên giới, chở sang cho Việt Minh. Các cao điểm chiến lược, các cột mốc biên giới hẳn khó lọt qua con mắt của các chuyên gia quân sự Trung Quốc ngay từ thời điểm này để chuyển về cho Trung ương Đảng của họ, không cần phải đợi tới bốn chục năm sau.
Về chủ trương giữ bí mật cho những chuyến đi của Hồ Chí Minh và sau này là về Đoàn cố vấn Trung Quốc cũng là điều người ta cần chú ý.
Phía nào thực sự chủ trương giữ bí mật và tại sao phải giữ bí mật ? Câu hỏi cần phải được đặt ra, cũng như Hồ Chí Minh có hứa hẹn gì với Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc để đánh đổi lấy viện trợ của Trung Quốc không ?
Cũng vậy có thật viện trợ này là không hoàn trả và hoàn toàn vô vị lợi dựa trên nghĩa vụ quốc tế giữa các đảng cộng sản với nhau hay không hay ngược lại, có liên hệ gì tới sự nhượng bộ của cộng sản Việt Nam đối với cộng sản Trung Quốc sau này không ?
Về điều này người đọc nên để ý tới sự gợi ý của Staline là Trung Quốc giúp cho Việt Nam một con gà thì Việt Nam có thể trả lại cho Trung Quốc một trái trứng. Con gà là quân sự, là kinh tế, tài chính, là lương thực, là tiền tệ, còn trái trứng là cái gì ?
Cũng vậy, sự giữ bí mật này có liên hệ gì tới cách giải thích sự thỏa hiệp với Pháp của Hồ Chí Minh hồi năm 1946 trước đó, đại khái là thà ngửi c... thằng Tây ít năm còn hơn là làm nô lệ thằng Tầu thêm một ngàn năm nữa, hay những gì họ Hồ và Đảng cộng sản đã lên án phía Việt Quốc, Việt Cách mấy năm trước đó ? Hay giữ bí mật theo yêu cầu của Nga và của Tầu hay tất cả ? Người viết sẽ trở lại vấn đề này trong một bài khác.
Cũng cần phải để ý tới sự kiện là thời điểm của cuộc viếng thăm là đầu năm 1950, lúc Liên Xô sau thế chiến thứ hai chưa đủ mạnh và cộng sản Trung Quốc chỉ mới lên cầm quyền ớ Trung Hoa Lục Địa không được bao lâu. Cả hai lúc đó đều không muốn gây chuyện trực tiếp với Pháp và gián tiếp với Hoa Kỳ.
Thứ hai : Viện trợ cho Việt Nam không phải chỉ vì nhu cầu của Việt Nam mà cả Trung Quốc vì ở thời điểm 1950 Trung Quốc cũng có nhu cầu đánh đuổi quân Pháp nhằm bảo đảm biên giới phía Nam của mình chống lại tàn dư của Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Điều này cũng được các tác giả nói tới. Chiến dịch Đông Bắc và sau này đánh Tây Bắc và sang Lào thay vì đồng bằng sông Hồng mà các cố vấn Trung Quốc đã bắt ép các nhà chỉ huy quân sự Việt Minh phải chấp nhận cũng nhằm mục tiêu này.
Thứ ba : Có một sự khác biệt về chủ trương chiến lược và chiến thuật giữa các cố vấn Trung Quốc và các tướng tá Việt Minh.
Phía Việt Minh bị bó buộc phải nghe theo trong đó có mục tiêu tấn công như đánh để tiêu diệt địch hay đánh để chiếm các cứ điểm hay các thị trấn ?
Địa điểm tấn công, đánh nơi nào trước, Cao Bằng hay Đông Khê, đồng bằng sông Hồng hay Lai Châu, Tây Bắc và Lào ? Đánh nhưng vẫn phải lưu tâm tới hoàn cảnh của các chiến sĩ anh em, đồng bào của mình hay đánh để thắng với bất cứ giá nào ?
Cuối cùng các cố vấn Trung Quốc khi không thuyết phục các tướng tá Việt Minh được đã luôn luôn báo cáo về cho Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc và Mao Trạch Đông để Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc liên lạc với Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và Hồ Chí Minh và cuối cùng các cố vấn Trung Quốc đã luôn luôn thắng thế.
Chủ trương của họ đã được Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam chấp nhận, đồng thời may mắn cho họ, kết quả là đã chiến thắng.
Đọc các bài víết này người ta có cảm tưởng là các chiến thắng của Việt Minh từ Đông Bắc đến Điện Biên Phủ hoàn toàn là do công lao của các cố vấn Trung Quốc, từ đầu đến cuối, từ hoạch định chiến lược, lựa chọn địa điểm để đánh đến trực tiếp tham gia theo dõi, chỉ huy trận đánh và trực tiếp can thiệp ngay khi cần.
Các tướng tá Việt Nam đều là thiếu kinh nghiệm, nhút nhát, không dám chấp nhận gian khổ. Chẳng hạn như trong chiến dịch Việt Bắc, Trần Canh và Vi Quốc Thanh đã nghiên cứu tỉ mỉ phòng tuyến Quốc lộ 4 của Pháp để đưa ra đề nghị đánh Đông Khê trước thay vì Cao Bằng. Đề nghị này đã được Hồ Chí Minh lúc đó lên thị sát mặt trận, trực tiếp phê chuẩn thay vì qua Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Họ Hồ còn chỉ thị thêm rằng : "Chiến dịch này chỉ được thắng, không được thua !", đúng như chủ trương của Trần Canh. Lý do là vì Hồ đã quen bíết Trần Canh từ lâu trước đó, từ năm 1925 - 1926, đã yêu cầu Mao Trạch Đông cử Trần Canh sang giúp và tin cậy ở Trần Canh đồng thời biết rõ nhu cầu Trung viện.
Chỉ được thắng, không được thua hay thắng bằng bất cứ giá nào, bất kể sự hy sinh của binh sĩ là chủ trương của Trần Canh, khác với chủ trương của Võ Nguyên Giáp và của Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 Đặng Văn Việt.
Trong trận Đông Khê khi vị Trung đoàn trưởng này khi thấy bộ đội của mình bị thương vong quá nhiều có định rút lui, Vi Quốc Thanh đã điện thoại cho cố vấn Trương Chí Thiện của trung đoàn này, thúc đẩy vị chỉ huy của trung đoàn này, điều chỉnh bố trí và đánh tiếp.
Giữa Trần Canh và Võ Nguyễn Giáp tối ngày 4 tháng 10 năm 1950 cũng đã tranh cãi nặng nề qua điện thoại khi quân Việt Minh tấn công chiếm núi Cốc Xá sau ba ngày liên tiếp và bị thiệt hại nặng, Bộ chỉ huy tiền phương Việt Minh ra lệnh cho bộ đội tạm ngưng tấn công để nghỉ ngơi chỉnh đốn.
Tranh cãi nặng qua điện thoại đến độ Trần Canh có lúc đã nói to : "Nếu trận này không đánh nữa thì tôi xin cuốn gói chuồn". Và nói tiếp : "Vào giờ phút then chốt này, bộ chỉ huy mà dao động thì chôn vùi thời cơ rất tốt để chiến dịch thắng lợi", đồng thời dập mạnh điện thoại xuống.
Nhưng rồi sau đó Trần Canh đã liên lạc thẳng với Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Trung Quốc. Kết quả là Hồ Chí Minh đã ra lệnh cho bộ đội tiếp tục, còn Mao Trạch Đông thì khuyến cáo phải nhanh chóng tiêu diệt địch cho dù thương vong quá lớn cũng không nên quá lo, không nên dao động (trang 41).
Những chi tiết này cho thấy ít ra tướng Giáp và Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 - là những nhân chứng ở thời điểm cuốn sách này được ấn hành (năm 2002), hay khi bài điểm sách này được viết (đầu mùa xuân năm 2013) hiện vẫn còn sống - có thẩm quyền xác nhận hay phủ nhận, đồng thời cũng có quyền giữ im lặng.
Thứ Tư : Trong việc giúp Việt Minh huấn luyện và tổ chức lại quân đội, các cố vấn Trung Quốc còn giúp và rất có thể đã áp lực các nhà lãnh đạo của đảng này thực hiện một cuộc chỉnh huấn với chữ dùng trong tài liệu là chỉnh quân chính trị.
Công tác này đã được các cố vấn Trung Quốc lưu ý từ ngay những ngày đầu, nhưng mãi đến mùa hè và mùa thu năm 1953 mới trở thành qui mô toàn diện. Nó nằm trong chủ trương cách mạng căn bản của Mao Trạch Đông và luôn cả của Staline. Qua khuyến cáo của Staline khi Staline tiếp Hồ Chí Minh hồi đầu năm 1950, với những dấu hiệu đầu tiên đã lộ rõ qua những nhận xét của các cố vấn Trung Quốc về các cấp chỉ huy của bộ đội Việt Minh khi họ thấy những vị chỉ huy này có trình độ học vấn cao, ghi chú nhanh, học giỏi, nhưng nặng đầu óc tư sản, nhút nhát, sợ gian khổ, sợ khó khăn, không có tầm nhìn chiến lược... trong khi các binh sĩ cấp dưới ít học và không được thăng thưởng. Những ngôn từ như tố khổ, giác ngộ giai cấp... đã được Vu Hóa Thầm nhắc tới trong bài viết của tác giả này (trang 63).
Chiến dịch chỉnh huấn quân sự, chính trị qui mô này đã được phối hợp với phong trào cải cách ruộng đất lúc này đang được tiến hành ở các cứ địa của Việt Minh ở Việt Bắc.
Những sĩ quan xuất thân là các sinh viên, học sinh, những thành phần trí thức, quan lại, tư sản đã tham gia Vệ quốc đoàn từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến do Việt Minh lãnh đạo thuần túy chỉ vì yêu nước, không còn được phục vụ như xưa nữa. Ngay danh xưng Vệ quốc đoàn cũng bị thay thế để trở thành Quân đội nhân dân.
Một giai đoạn trong cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Minh đã đi qua, kèm theo với tất cả những gì đẹp đẽ nhất và lãng mạn nhất của nó. Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt, con Hùm Xám của Đường số 4, thay vì trở thành ít ra là thiếu tướng - vì đã đánh bại không phải một mà hai đại tá của quân Pháp theo tiêu chuẩn của Hồ Chí Minh khi ông này phong cấp đại tướng cho Võ Nguyên Giáp - đã bị gửi qua Trung Quốc làm tân khóa sinh của một trường sĩ quan của người Tầu. Cũng may là họ Đặng nhờ ơn phước của dòng họ, còn sống sót.
Trong sinh hoạt văn học nghệ thuật phải chăng vì danh xưng Vệ quốc đoàn không còn dược dùng nữa, những bài hát tràn ngập lòng yêu nước đại loại như :
Đoàn Vệ Quốc Quân một lần ra đi
Nào có mong chi đâu ngày trở về.
Ra đi, ta đi bảo tồn sông núi.
Ra đi, ra đi thề chết chớ lui...
hay những bài thơ đẹp và vui tươi như :
Đoàn Vệ Quốc áo đen
Vượt qua sườn Tam Đảo
Sau những ngày dông bão.
Việt Bắc giặc lui rồi
Lũ tàn quân xơ xác
Chiến sĩ ta reo cười
Chim rừng vang tiếng hát.
Các anh như bầy chim,
Nẻo rừng sâu bay tới.
Huyện Tam Dương im lìm
Bỗng dưng vào đại hội.
và :
Đêm liên hoan đầu người nhấp nhô như sóng biển ngang tàng.
Ta muốn thét cho vỡ tan lồng ngực vì say sưa tình thân thiết Vệ quốc đoàn.
Hoàng Cầm, Đêm Liên Hoan
Sau những năm này không còn được ai sáng tác nữa hay có sáng tác cũng chẳng bao giờ được phổ biến. Tất cả chỉ còn là một hoài vọng để cho những người lính già lâu lâu ngồi nhớ lại kể cho nhau nghe hay viết cho nhau đọc.
Chỉ tiếc rằng cái đẹp vừa hào hùng vừa lãng mạn của thời trai trẻ mà chính họ cũng như thời thế đã tạo được cho họ đã không toàn vẹn như cái đẹp của người lính già thuở Bình Mông ngày trước :
Buông tay gầu vui lại thuở Bình Mông.
và ngâm hai câu thơ của vua Trần Nhân Tông :
Bạch đầu quân sĩ tại
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong.
Lính già phơ tóc bạc,
Kể chuyện thủa Nguyên Phong.
Trần Nhân Tông (Xuân Nhật Yết Chiêu Lăng)
Ngô Tất Tố dịch
Cùng với viện trợ của người Tàu và sự can thiệp "không khoan nhượng" của các cố vấn Tầu cũng như cuộc "chỉnh quân chính trị", cuộc cải cách ruộng đất tiếp theo và sự loại trừ danh xưng Vệ quốc đoàn, thay thế bằng Quân đội nhân dân, cuộc chiến tranh giành độc lập của người Việt Nam do Hồ chí Minh và Đảng Việt Minh lãnh đạo không còn là cuộc chiến tranh giành độc lập nữa. Nó đã thực sự trở thành chiến tranh ý thức hệ nhằm xây dựng xã hội chủ nghĩa dưới sự chỉ đạo của Bắc Kinh và gián tiếp từ Mạc Tư Khoa.
Câu đầu tiên Hồ Chí Minh hỏi Staline trong buổi tiếp tân chiêu đãi trọng thể dành cho Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và toàn thể các đoàn viên phái đoàn Trung Quốc, "Đồng chí còn có chỉ thị gì nữa đối với công tác của Việt Nam chúng tôi không ?" dẫn trên, nếu đúng, cho ta thấy rõ điều này.
Trên đây chỉ là một vài nhận xét mà người viết đọc tài liệu này, đọc và nhận ra được.
Hy vọng tác phẩm này cũng như những tác phẩm tương tự sẽ được phổ biến rộng rãi hơn và được nhiều người đọc hơn, nhất là những người được các tác giả của những hồi ký này bằng cách này hay bằng cách khác nói tới, hầu có thể đóng góp thêm sự thực về một giai đoạn cực kỳ khó khăn và cực kỳ phức tạp và tế nhị nhưng không phải là không có những nét đẹp riêng của lịch sử Việt Nam trước khi mọi sự trở thành đen tối như người ta thấy sau này vì dù sao đây mới chỉ là tiếng nói của một phía. Điều đáng tiếc là cho đến nay hầu như tất cả đều im lặng, một sự im lặng đáng sợ.
Phạm Cao Dương
Khởi viết đầu Xuân 2013, sửa lại đầu Hè 2017
Tiến sĩ Phạm Cao Dương là nhà sử học, nguyên Giáo sư các trường Đại học Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 và một số Đại học Hoa Kỳ sau năm 1975
Không ảnh mới chụp giữa tháng 6/2017 cho thấy các cơ sở và tòa nhà quân sự của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo khổng lồ, họ bồi đắp tại quần đảo Trường Sa gần hoàn tất.
Trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Đồng Nai.
Một mặt, Bắc Kinh nói khu vực Biển Đông hoàn toàn hòa bình yên tĩnh, đả kích các “thế lực ngoài khu vực” cố tình kích động cho nổi sóng. Mặc khác, những gì họ đang ráo riết tiến hành, biến những bãi san hô thành những căn cứ quân sự tối tân, khống chế cả khu vực thì không ngừng nghỉ một giây.
Theo một bản tường trình cuối Tháng Sáu của bộ phận Sáng kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu (AMTI) thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) tại Hoa Thịnh Đốn, cứ cách ít ngày là người ta lại thấy có thêm những cơ sở mới được hoàn tất và các trang bị quân sự sẵn sàng sử dụng.
Nhà chứa hỏa tiễn, các cơ sở truyền tin, viễn thông, radar và các cơ sở hạ tầng trên ba đảo nhân tạo Đá Chữ Thập, Vành Khăn và Su Bi nhìn thấy qua các tấm không ảnh cho người ta thấy rằng trong khi các cuộc đàm phán cho một Bộ Quy Tắc Ứng Xử đang diễn ra, Trung Quốc vẫn nhất định phát triển các căn cứ quân sự tại Trường Sa, nhằm kiểm soát toàn bộ khu vực.
Theo AMTI, đảo Chữ Thập tiếp tục là căn cứ quy mô và tân tiến nhất của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa. Tháng Hai vừa qua, AMTI đã thấy 8 nhà chứa được kiên cố hóa với mái che kéo dài ra, co lại được ở cả ba đảo nói trên mà người ta tin sẽ là các vị trí đặt các giàn hỏa tiễn. Trong vòng ba tháng trở lại đây, Trung Quốc làm thêm 4 nhà chứa như vậy trên đảo Chữ Thập nhưng chưa thấy tại các đảo Vành Khăn và Su Bi.
Tại đảo Vành Khăn, Trung Quốc đã tạo dựng được một mạng lưới viễn thông và radar rất lớn. Một hệ thống an-ten rất lớn thấy xuất hiện góc phía nam của đảo. Người ta tin rằng nó giúp họ nâng cao khả năng theo dõi các hoạt động ở khu vực. Khả năng này đặc biệt đáng để chính phủ Manila quan tâm vì đảo nhân tạo Vành Khăn tương đối gần với các khu vực Palawan, Reed Bank và Second Thomas Shoal.
Thêm nữa, một vòm radar lớn mới đây thấy được thiết trí trên một tòa nhà ở mặt phía nam của đảo Chữ Thập, chứng tỏ đây là một hệ thống radar hay viễn thông tầm cỡ lớn. Một tòa nhà tương tự cũng đang được xây dựng mặt phía bắc của đảo Chữ Thập trong khi hai tòa nhà khác tương tự ở đảo Vành Khăn.
Một vòm radar nhỏ hơn được dựng trên một tháp gần nhà chứa hỏa tiễn cho hiểu là nó có thể kết nối với các radar của các hệ thống hỏa tiễn được bố trí tại đó.
Cuối cùng, hoạt động xây dựng đang tiến hành các cấu trúc ngầm dưới lòng đảo, mỗi đảo có 4 cấu trúc, có vẻ như chúng được dùng làm kho đạn hoặc cất giữ những thứ thiết yếu. Các cấu trúc lớn chôn ngầm dưới lòng đảo được cho là các nơi trữ nước ngọt và nhiên liệu, theo một bản tường trình gần đây của Ngũ Giác Đài.
Hồi tháng ba 2017, AMTI từng báo động, các hoạt động xây dựng các cơ sở , các giàn radar, hệ thống viễn thông, phi đạo tại ba đảo nhân tạo Chữ Thập, Vành Khăn và Su Bi coi như hoàn tất. Họ có thể điều động máy bay, hỏa tiễn, và các trang bị viễn thông, các loại võ khí đến đây bất cứ lúc nào.
Tháng 5-2014, vào lúc dư luận thế giới chú ý vào cuộc đối đầu trên biển giữa Việt Nam với Trung Quốc khi Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương HD-981 tới khoan tìm dầu khí ở phía nam quần đảo Hoàng Sa, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đã được các tàu nạo hút cá đá lòng biển, bồi đắp một loạt 7 bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thành 7 đảo nhân tạo khổng lồ.
Việt Nam thế yếu nước nhỏ, chỉ đưa ra các lời tuyên bố chủ quyền suông trong khi Bắc Kinh tiến hành kế hoạch khống chế toàn bộ khu vực Biển Đông từ các căn cứ tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Phi Luật Tân kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng Tài Quốc Tế và phán quyết của Tòa hồi Tháng 7 năm ngoái phủ nhận tuyên bố chủ quyền “Lưỡi Bò” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố không công nhận phán quyết dù cũng là một trong những nước ký vào Bản Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) như Việt Nam và Phi Luật Tân.
Với phi đạo tại cả Hoàng Sa và Trường Sa, các phi cơ chiến đấu, cảnh báo sớm và tuần thám của Trung Quốc có thể hoạt đồng gần như bao trùm cả Biển Đông. Các hệ thống radar và các hệ thống cảnh báo sớm đặt tại các đảo nhân tạo ở Trường Sa và ở quần đảo Hoàng Sa cũng có khả năng tương tự.
Năm ngoái, người ta đã thấy Trung Quốc bố trí hai đơn vị hỏa tiễn phòng không tầm xa HQ-9 trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa. Người ta tin rằng chúng cũng sẽ được đưa tới bố trí trên các đảo nhân tạo tại Trường Sa.
Ngô Đồng
Nguồn : VOA, 03/07/2017
Dù thâm hụt thương mại lớn trong tháng 12/2016, song tính chung cả năm, Việt Nam vẫn xuất siêu 2,52 tỷ USD...
Theo Tổng cục Hải quan, thị trường xuất khẩu năm 2016 của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á, với kim ngạch hơn 85,3 tỷ USD, chiếm 48,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tổng cục Hải quan đã chính thức công bố số liệu xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2016, với những chênh lệch đáng kể so với số liệu ước tính đã công bố hồi cuối năm 2016.
Cụ thể, tháng 12/2016, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 33,66 tỷ USD. Tính chung 12 tháng năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 350,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 176,63 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Nhập khẩu đạt hơn 174,1 tỷ USD, tăng 5,2%.
Dù thâm hụt thương mại lớn trong tháng 12/2016, song tính chung cả năm, Việt Nam vẫn xuất siêu 2,52 tỷ USD.
Trong đó, riêng khu vực FDI có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 222,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ, xuất siêu 21,6 tỷ USD.
Một nửa thị trường xuất khẩu nằm tại châu Á
Theo Tổng cục Hải quan, thị trường xuất khẩu năm 2016 của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á, với kim ngạch hơn 85,3 tỷ USD, chiếm 48,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trong đó, Trung Quốc nhập gần 22 tỷ USD hàng hóa của Việt Nam, tăng 28,4% so với cùng kỳ, chiếm 12,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước, là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam.
Nhật đạt gần 14,68 tỷ USD, tăng 3,9%, chiếm tỷ trọng 8,3% ; Hàn Quốc đạt gần 11,42 tỷ USD, tăng 28%, chiếm tỷ trọng 6,5%...
Khu vực châu Mỹ đạt kim ngạch hơn 47,38 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 26,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch hơn 38,46 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ, và chiếm tới 21,78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Khu vực EU (gồm 28 nước) đạt gần 33,97 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 19,2%, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ.
Châu Đại Dương đạt kim ngạch gần 3,39 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1,9% ; châu Phi đạt gần 2,74 chiếm tỷ trọng 1,6%.
Nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Mỹ, châu Âu
Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2016, Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu hàng hoá từ khu vực châu Á với kim ngạch 140,76 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, và chiếm tỷ trọng 80,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Trong đó, thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc với kim ngạch gần 49,9 tỷ USD, tăng 0,9%, và chiếm tỷ trọng 28,7% tổng nhập khẩu của cả nước.
Tiếp theo là Hàn Quốc với kim ngạch 32 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm 18,4% nhập khẩu cả nước. Nhập khẩu hàng hoá từ Nhật tăng chậm, đạt trên 15 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Châu Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch gần 14,5 tỷ USD, tăng 4,3%, trong đó Mỹ chiếm 8,7 tỷ USD. Thị trường châu Âu đạt kim ngạch gần 13,4 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước.
Như vậy, năm 2016, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần 72 tỷ USD, chiếm 20,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 47,16 tỷ USD. Việt Nam giữ vị thế xuất siêu trong quan hệ thương mại với Mỹ, song vẫn là nước nhập siêu lớn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Bạch Huệ