Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/09/2021

Bắc Kinh ngày càng thiên về dùng "nỗi sợ'' để gây ảnh hưởng

Paul Sharon, Trọng Thành

Cuối tháng 9/2021, Viện nghiên cứu chiến lược Trường quân sự Pháp (IRSEM) ra báo cáo về các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài, mô tả các phương thức hoạt động đa dạng của chính quyền Trung Quốc, từ tuyên truyền, thao túng dư luận đến tung tin giả trên quy mô lớn.

ínerm1

Trang bìa bản báo cáo về "Các hoạt động gây ảnh hưởng của chính quyền Trung Quốc" của Viện IRSEM  © Ảnh chụp màn hình

Theo các tác giả báo cáo có tên chính thức "Các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc. Thời kỳ Machiavel ", dài 650 trang, chính quyền Trung Quốc ngày càng có xu hướng sử dụng các phương pháp gây ảnh hưởng "kiểu Nga", thiên về gây sợ hãi, cưỡng bức. Sau đây là trích đoạn cuộc phỏng vấn của chương trình "Decryptage" của RFI với ông Paul Charon , đồng tác giả báo cáo, phụ trách bộ phận "Tình báo, dự báo và các mối đe dọa lưỡng hợp" của Viện IRSEM.

***

RFI : Phải chăng chiến lược gây ảnh hưởng của Trung Quốc giờ đây dựa nhiều vào việc gây sợ hãi, hơn là quyến rũ ?

Paul Charon : Đúng như vậy, giả thiết của chúng tôi trong quá trình làm việc là đã có một sự thay đổi trong chiến lược của Trung Quốc. Trước đó, trong một thời gian, chiến lược của Bắc Kinh là tìm cách quyến rũ, xây dựng "quyền lực mềm", xây dựng một hình ảnh tích cực về Trung Quốc, tuy nhiên giai đoạn này đã qua. Giờ đây chúng ta thấy là rõ dấu ấn của thái độ hành xử kiểu Nga, cụ thể là gây áp lực, gây sợ hãi, cưỡng bức để đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc, Đảng cộng sản Trung Quốc cũng không hoàn toàn từ bỏ chiến lược cũ. Trong báo cáo này, chúng tôi phân biệt hai loại hoạt động, hoạt động thiên về quyến rũ, thuyết phục và các hoạt động có tính cứng rắn hơn nhiều, và sử dụng các phương tiện mà chúng tôi gọi chung là mang "tính cưỡng bức".

RFI : Mục tiêu của Trung Quốc là gì ?

Paul Charon : Có nhiều mục tiêu, nhưng mục tiêu nổi bật là để bảo đảm sự tồn tại lâu dài của Đảng cộng sản Trung Quốc, duy trì sự tồn tại của chế độ. Điều này là rõ ràng, được thể hiện qua các văn bản chính thức, các tuyên bố của Đảng. Ví dụ như trong Luật về An ninh Quốc gia ban hành năm 2015, trong vấn đề an ninh, có "văn hóa". "Đe dọa" đối với Trung Quốc là do sự "xâm nhập văn hóa", tức các ý tưởng về tự do, về pháp quyền, về nền dân chủ đại diện… được đưa từ bên ngoài vào Trung Quốc. Mục tiêu của Đảng cộng sản là kiểm soát những "cách kể" về (lịch sử và xã hội) Trung Quốc, về Đảng cộng sản Trung Quốc, ở Trung Quốc, nhưng kể cả ở nước ngoài.

Một trong các mục tiêu ưu tiên trong lĩnh vực này là các cộng đồng người Hoa ở hải ngoại. Không phải vì các cộng đồng Hoa Kiều được coi là "cánh tay nối dài" của chế độ Trung Quốc tại các quốc gia nơi họ cư trú, mà điều chủ yếu là các cộng đồng Hoa Kiều chính là mối đe dọa đối với tương lai của chế độ. Bởi vì các cộng đồng Hoa Kiều là nơi cùng lúc người dân sử dụng thành thạo tiếng Hoa, hiểu rõ các chuẩn mực văn hóa của người Hoa, nhưng cũng là nơi mà người dân tiếp xúc thường xuyên với các ý tưởng về tự do, và họ có thể du nhập những ý tưởng đó vào Trung Quốc. Như vậy, mục tiêu trước hết là phải kiểm soát được các "cách kể" về Đảng cộng sản Trung Quốc, về chế độ Trung Quốc, trong những cộng đồng Hoa Kiều, trước khi chuyển sang nhắm tới các nhóm xã hội khác.

RFI : Đâu là các hoạt động gây ảnh hưởng ngầm mà các tác giả ghi nhận trong báo cáo này ?

Paul Charon : Điều gây ấn tượng đặc biệt, đó là Đảng cộng sản Trung Quốc có trong tay rất nhiều phương tiện, chắc chắn là họ có nhiều phương tiện hành động nhất, nhiều hơn chính quyền Nga, chắc chắn là như vậy. Một mặt, do chính quyền Trung Quốc có các phương tiện tài chính, kinh tế không có, và cũng do Bắc Kinh công khai khẳng định vị thế cường quốc của mình, và sẵn sàng sử dụng hệ thống các phương tiện mang tính cưỡng bức, và mang tính quyến rũ mạnh nhất. Chúng ta chứng kiến các hoạt động gây ảnh hưởng trong hàng loạt lĩnh vực. Về mặt quyến rũ, ví dụ như có các Viện Khổng Tử, không chỉ để cổ vũ cho tiếng Trung, mà kể cả các tư tưởng chính trị. Một ví dụ là trong các sách giáo khoa được truyền bá qua kênh này, có việc viết lại lịch sử chiến tranh Triều Tiên. Hay việc kiểm soát các phương tiện truyền thông, hoặc bằng việc mua lại, hoặc bằng các đàn áp nhắm vào các nhà báo, chống lại một số báo. Hay thông qua các phương tiện như China Watch, phụ trương của tờ China Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc. Các ấn bản của China Watch được phát hành bên trong nhiều nhật báo trên thế giới (trang nhà của China Watch liệt kê một số báo đối tác có tên tuổi như The Washington Post, The Wall Street Journal, The Daily Telegraph, Le Figaro, Süddeutsche Zeitung, El Pais, Rossiyskaya Gazeta hay The Mainichi Shimbun). Phụ trương của China Watch trên các báo nước ngoài cũng là một kênh để truyền bá cho mô hình Trung Quốc.

RFI : Trên đây là các hoạt động nằm trong phần "quyền lực mềm". Trên thực tế, các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc có thể mang tính hung hãn hơn nhiều. Điều này diễn ra như thế nào ?

Paul Charon : Điều này có thể quan sát thấy trên nhiều góc độ. Đài Loan đã ghi nhận việc này từ lâu. Các hoạt động bóp méo thông tin trên quy mô lớn trên các mạng xã hội có thể nói giống với mô hình mà chính quyền Nga đã làm trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, ví dụ thông qua việc mua lại lại các tài khoản trên mạng xã hội. Và cũng có thể thông qua các môi trường trung gian, như các "Ferme de contenus / Content-Farm" (tức các trang web có nội dung chất lượng thấp, chủ yếu lập ra để kiếm tiền quảng cáo), thường đặt cơ sở tại khu vực Đông Nam Á, nhất là ở Malaysia. Các thông tin từ đây không bị coi là xuất xứ từ Hoa lục, dễ dàng đến với công chúng Đài Loan hơn. Các hoạt động gây ảnh hưởng đôi khi phức tạp hơn. Hồi đầu đại dịch Covid-19, Đảng cộng sản Trung Quốc tung nhiều tin bịa đặt về việc virus SARS-CoV-2 được sản xuất tại một căn cứ quân sự Mỹ. Tương tự với cơ quan an ninh Nga KGB đã làm năm 1993, khi khẳng định chính người Mỹ đã chế tạo ra virus gây bệnh HIV để tiêu diệt người đồng tính và người Mỹ da đen. Chính quyền Trung Quốc không những lấy lại nguyên cách làm của an ninh Nga, mà còn dựa trên cùng một loại lập luận. Hoạt động tuyên truyền này khá là có kết quả.

RFI : Bắc Kinh không chỉ tìm cách quảng bá cho mô hình chính trị của họ, mà còn làm xấu đi hình ảnh của mô hình chính trị của các xã hội dân chủ ?

Paul Charon : Đúng như vậy. Chính quyền Trung Quốc cùng một lúc làm hai việc. Một là quảng bá cho mô hình của chế độ cộng sản Trung Quốc, chứng minh là mô hình Trung Quốc có hiệu quả hơn. Mặt khác là để phủ nhận giá trị của nền dân chủ, chế độ dân chủ không thể là phương án thay thế, một lựa chọn chính trị đối với người Hoa. Khi chúng ta xem các phương tiện truyền thông Trung Hoa trong thời gian đại dịch, ví dụ như giai đoạn đầu của đại dịch, từ tháng 1/2020 đến tháng 4/2020, người ta muốn chứng minh là các nền dân chủ không có khả năng xử lý đại dịch. Mà tình hình như chúng ta biết, nền dân chủ của chúng đã đối phó hiệu quả. Điều mà họ muốn truyền bá là Dân chủ đồng nghĩa với hỗn loạn.

RFI : Bản báo cáo đã xác định được căn cứ 311, được coi là "tổng hành dinh" của các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc ?  

Paul Charon : Trên thực tế, nhiều nhà nghiên cứu đã làm việc này trước chúng tôi. Về phần mình, đóng góp của chúng tôi là đi xa hơn trong hiểu biết về căn cứ này. Chúng tôi đã xác định thành phần lãnh đạo căn cứ 311, các chủ đề chính mà họ làm, ví dụ như các đề tài về Chiến tranh trong lĩnh vực "nhận thức", việc thao túng tư tưởng... cũng như hệ thống các cơ sở, như các nhà xuất bản, các khách sạn…, mà họ sử dụng để truyền đi các thông tin bịa đặt, và tiến hành điều mà họ là "Ba cuộc Chiến Tranh" (tức "chiến tranh dư luận", "chiến tranh tâm lý", "chiến tranh pháp lý").

RFI : Về tầm mức ảnh hưởng của các hoạt động này ?

Paul Charon : Hiện tại không có nơi nào tránh khỏi. Đài Loan, Hồng Kông, các quốc gia nằm trong khu vực gần gũi trực tiếp với Trung Quốc như Úc, New Zealand, tiếp tục là mục tiêu ưu tiên. Nhưng giờ đây, chúng ta chứng kiến các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại Châu Âu, Bắc Mỹ và nhiều nơi khác. Điều rõ ràng là, cho dù các hành động gây ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Châu Âu ít bài bản hơn, ít hung hãn hơn, như ở Pháp chẳng hạn, thì nếu như chúng ta nhìn sang Đài Loan, hay sang Úc, có thể thấy đấy chính là tương lai của Châu Âu.

RFI : Nhìn chung tác dụng của chiến lược gây ảnh hưởng này đối với chính quyền Trung Quốc ra sao ?

Paul Charon : Kết luận chung của báo cáo là chiến lược này không mang lại kết quả tích cực thực sự cho Trung Quốc. Nếu như Đảng cộng sản Trung Quốc có giành được một số thắng lợi về chiến thuật, thì về mặt chiến lược đây là một thất bại. Trước hết là bởi vì từ một năm rưỡi nay, trong lúc các hoạt động gây ảnh hưởng như trên của chính quyền Trung Quốc tiếp tục được tăng cường, chúng ta chứng kiến sự tan vỡ về uy tín của Trung Quốc trên thế giới, không chỉ ở phương Tây, mà ở cả những nơi mà Trung Quốc vốn có ảnh hưởng rộng rãi, như Hàn Quốc. Vấn đề này trong hiện tại vẫn để ngỏ. Đây có thể là một sai lầm về mặt chiến lược. Có thể chính quyền Trung Quốc không tính đến việc hình ảnh của Bắc Kinh có thể xấu đi nhanh chóng như vậy. Nhưng cũng có thể là Đảng cộng sản Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu và sẵn sàng chấp nhận trả giá, giống như Nga. Hiện tại chưa có lời giải cho câu hỏi này. Chỉ có điều rõ ràng có thể thấy là kết quả không được như mong đợi.

Trọng Thành dịch

Nguồn : RFI, 28/09/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Paul Sharon, Trọng Thành
Read 524 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)