Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/12/2020

Luật biểu tình : Chế độ cộng sản Việt Nam nhát gan hơn các chế độ dân chủ

Nhiều tác giả

Chưa thể có Luật Biểu tình vì sợ các thế lực thù địch, phản động ?

Hoài Nguyễn, VNTB, 12/12/2020

Bộ Công an là nơi được giao chấp bút soạn dự thảo Luật Biều tình. Theo Bộ này, hiện tại chưa thể trình dự luật được vì có đủ thứ lo ngại…

bieutinh1

Theo Bộ Công an, vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc, chưa thống nhất cao về đối tượng áp dụng, những trường hợp không được tổ chức, tham gia biểu tình, thẩm quyền cho đăng ký biểu tình…

Cạnh đó, vẫn theo Bộ Công an, dự án Luật Biểu tình có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, được quần chúng nhân dân rất quan tâm nên cần phải được nghiên cứu kỹ, bảo đảm chất lượng, phù hợp với thực tiễn, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sự thiếu chặt chẽ của luật mà xuyên tạc, hoạt động chống phá.

Mặt khác, để thực hiện có hiệu quả luật, Bộ Công an cho rằng cần phải hoàn thiện các đạo luật có liên quan, như Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ…

Do đó, Bộ Công an đã đề xuất và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép lùi thời gian trình dự thảo luật, để có thêm thời gian nghiên cứu, thống nhất nội dung và hoàn thiện sau đó sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo quy định.

Ghi nhận ý kiến từ một số sinh viên trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, thì Quốc hội nên ban hành Luật Biểu Tình dựa trên những nguyên tắc như sau : Thứ nhất, cần phải hiểu biểu tình là hành động đưa ra quan điểm hay ý kiến của một tập thể, một cộng đồng, hay còn gọi là quan điểm của nhiều công dân về một vấn đề nào đó.

Và hành động để biểu hiện ra những quan điểm đó phải được quản lý chặt chẽ, mọi hành động đều nằm trong một giới hạn nhất định. Như vậy, những nguyên tắc của Luật Biểu Tình nên được xây dựng dựa trên chính phạm vi của khái niệm này.

Ví dụ như : Không được sử dụng bạo lực để nhằm gây tổn thất đến các tài sản của nhà nước và chính quyền, không được kích động hay gây tác động xấu về mặt tư tưởng của những công dân khác nhằm chống phá nhà nước,…

Thứ hai, về phía nhà nước, cần có những biện pháp nhằm bảo vệ các công dân về mặt tư tưởng, cũng như giúp các công dân tránh khỏi những thế lực phản động. Và nhà nước cũng cần có những phương pháp răn đe, phương pháp mang tính bắt buộc đối với những công dân nào, hay thế lực thù địch với mục đích tuyên truyền tư tưởng sai trái, gây tổn thất về an ninh chính trị.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp – ông Lê Thành Long nói rằng việc hoãn trình dự án Luật Biểu tình ra Quốc hội còn là thực hiện theo các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ với yêu cầu Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương để nghiên cứu, xây dựng dự án luật bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối mất trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước.

Do đó, luật này Chính phủ cũng chưa đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật trong năm 2020 và cả ở năm 2021.

Một số sinh viên trường Luật đã thảo luận rằng Điều 25 Hiến pháp 2013 có ghi nhận công dân được quyền biểu tình theo pháp luật, tuy nhiên pháp luật chưa có quy định gì về biểu tình, nên công dân không được thực hiện quyền này trong đời sống.

Mặt khác, với lý do pháp luật không có quy định, nên dễ dẫn đến suy nghĩ một cách tùy tiện, nhiều trường hợp đúng bản chất là biểu tình hợp hiến, nhưng bị hiểu sai lệch thành bạo động. Như vậy quyền lực nhà nước sẽ đàn áp kẻ bạo động, mà đáng lẽ ra công quyền được sử dụng để bảo vệ công dân biểu tình.

"Dưới góc độ người dân thì cần thiết có luật biểu tình, vì từng có rất nhiều cuộc biểu tình xảy ra, nhưng do không có luật biểu tình, nên người dân dễ biến biểu tình thành bạo động, và như vậy là trái pháp luật. Luật biểu tình ban hành sẽ làm cho người dân biết thế nào là biểu tình, và thế nào là biểu tình hợp pháp.

Xét ở góc độ khác, khi chưa có luật biểu tình, các thế lực xấu nói Đảng – Nhà nước Việt Nam xâm phạm quyền con người, và yêu cầu Việt Nam phải xây dựng luật biểu tình. Nhưng nếu xây dựng xong và ban hành thì mọi chuyện có khá lên không ?

Tất cả đều có sự thuận lợi và khó khăn riêng, nhưng đã gọi là nhà nước pháp quyền thì vẫn cần phải có luật. Việc xây dựng luật phải áp dụng được và bớt các nghị định ‘chết’ như hiện nay !" – một sinh viên biện luận.

Tại buổi hội luận này, vị giảng viên trường luật đặt vấn đề cho dẫn dắt trao đổi quanh chủ đề về luật biểu tình : "Hiện chúng ta có hòa bình, còn an bình thì cũng tùy mỗi người cảm nhận. Năm 1975, chúng ta thống nhất đất nước. Năm 1978, chúng ta phải chống họa diệt chủng Polpot phía nam.

Năm 1979, chúng ta phải chống Trung Quốc xâm lược biên giới phía bắc. Năm 1988, Trung Quốc tấn công chiếm một số đảo ở Trường Sa của Việt Nam. Hiện nay Trung Quốc đang lấn chiếm Biển Đông, trong đó có 1 số đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, còn Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm năm 1974 từ chính thể Việt Nam Cộng Hòa, thông qua đường lưỡi bò chín đoạn.

Hàng ngày ngư dân Việt Nam bị o ép trên biển, bị bắn giết, bị bắt nộp tiền chuộc… Đó là thứ chính trị cường quyền.

Vậy thì chúng ta có nên biểu tình trong khuôn khổ Luật biểu tình để chống lại Trung Quốc độc chiếm Biển Đông không ?".

Một giảng viên khác đã tiếp lời bằng một câu duy nhất mang tính kết luận : "Vâng, không có pháp luật về biểu tình, về quyền tự do lập hội,… chúng ta cũng sống có sao đâu, chỉ tiếc rằng không thể sống đúng nghĩa như một con người !"

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 12/12/2020

*********************

Xây dựng luật biểu tình có khó lắm không ?

Hà Nguyên, VNTB, 12/12/2020

Nói theo khẩu khí của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thì xây dựng luật biểu tình dễ như ‘ăn cơm sườn’ ( !?)

bieutinh2

"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc : Không thử thách nào dân tộc ta không thể vượt qua" là tựa của bài viết trên báo Tuổi Trẻ hôm 10/12/2020 (*). Bài báo thuật rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần X sáng 10/12, là, "Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, ‘đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu’ ; tô điểm cho bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam, không thử thách nào mà dân tộc ta không thể vượt qua".

Với khẩu khí trên, thì việc soạn luật biểu tình ở Việt Nam là chuyện khác gì ‘ăn cơm sườn’ kia chứ (!?).

Trên thực tế thì Quốc hội "nợ" dân chúng về luật biểu tình từ năm 1946, khi Hiến pháp của miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã hiến định quyền biểu tình của người dân. Bây giờ, Đảng vững mạnh hơn so mấy mươi năm trước rất nhiều, nên đã đủ tự tin cũng như các điều kiện ban hành luật, đáp ứng yêu cầu cuộc sống đang đặt ra.

Có ý kiến là đồng ý rằng "không thử thách nào mà dân tộc ta không thể vượt qua", song dường như chỉ xét riêng về quyền lập pháp đã cho thấy vấn đề là Quốc hội chưa bảo đảm được quyền giám sát tối cao của mình.

"Công tác xây dựng pháp luật ở các cơ quan trung ương mặc dù đã được quan tâm nhưng một số đạo luật đến nay vẫn chưa được ban hành theo kế hoạch dự kiến như dự án luật về Hội, luật Biểu tình… ; một số nội dung của Hiến pháp đến nay vẫn chưa được cụ thể hóa hoặc cụ thể hóa chưa đầy đủ, ví dụ cơ chế để Quốc hội kiểm soát quyền hành pháp, quyền tư pháp theo quy định hiện hành còn có điểm chưa thật hợp lý" – trích Báo cáo số 429/BC-UBTVQH sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp khối Quốc hội.

Trở lại với câu hỏi : Xây dựng luật biểu tình có khó lắm không ?

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng biểu tình không phải là vấn đề mới, bởi đã được quy định từ Hiến pháp 1946, sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh công nhận quyền này của công dân.

Ông Nghĩa cho rằng xây dựng luật biểu tình là không khó, bởi Hiến pháp đã quy định, Đảng đã có chủ trương, thế giới có nhiều kinh nghiệm. Xây dựng luật biểu tình là để người dân dễ dàng thực hiện quyền của mình một cách minh bạch, đồng thời cũng chống lại những người lợi dụng quyền biểu tình để gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự xã hội.

Có ý kiến về việc Chính phủ giao Bộ Công an trực tiếp soạn thảo đạo luật về quyền biểu tình này là gây khó cho Bộ Công an. Do đó nên giao cho Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng dự án luật biểu tình, và Bộ Công an chỉ tham gia phản biện.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Đoàn Luật sư Hà Nội) đặt vấn đề : Hiến pháp 2013 đã quy định về quyền con người và quyền công dân. Vậy thì chúng ta phải tạo ra một cơ chế và các luật để các quyền con người, quyền công dân được thực thi. Nếu pháp luật không quy định thì lấy gì làm hành lang pháp lý để người ta đi, để người ta thực hiện ?.

"Nếu công dân muốn bày tỏ sự phản đối về một chủ trương, đường lối, chính sách hoặc một hành vi nào đó thì cần phải làm gì ? Người ta mong muốn được bãi công, đình công, biểu tình thì chúng ta lại chưa có quy định cụ thể trong luật để cho họ thực hiện. Như vậy, quyền con người, quyền công dân được quy định ở Hiến pháp rõ ràng đã không thể thực hiện được trên thực tế.

Câu chuyện ở đây là công cụ quản lý xã hội bằng luật pháp của Nhà nước ta luôn luôn được đề cao. Nếu không có điều luật quy định thì làm gì có công cụ để quản lý. Do đó, chúng ta đừng vì ngại rằng nếu có quy định thì có thể bạo loạn xã hội hoặc lật đổ chính quyền.

Điều đó ở Việt Nam từ trước đến nay chúng ta thấy rõ rồi. Có quy định thì chúng ta loại trừ được những yếu tố rêu rao của các thế lực phản động, đồng thời, tạo được hành lang để người dân có thể bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình. Nó cũng là một góc độ phản biện xã hội đấy chứ !

Tôi cho rằng nhìn nhận rằng biểu tình có thể biến tướng thành bạo loạn như vậy là không đúng, mà cần phải nhanh chóng đáp ứng được đòi hỏi, nhu cầu của người dân, của xã hội để giúp cho Nhà nước ta quản lý xã hội bằng công cụ pháp luật" – Luật sư Nguyễn Hồng Bách, biện giải.

Hà Nguyên

Nguồn : VNTB, 12/12/2020

Chú thích :

(*)https://tuoitre.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-khong-thu-thach-nao-dan-toc-ta-khong-the-vuot-qua-20201210093536047.htm

***********************

Luật về quyền biểu tình : bao giờ lại được trình Quốc hội ?

Lynn Huỳnh, VNTB, 11/12/2020

Dự thảo Luật biểu tình được Chính phủ giao cho Bộ Công an soạn thảo đã xong và gửi xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan, nhưng có ý kiến khác nhau về cách nghĩ liên quan ‘nhạy cảm chính trị’ nên thời hạn xem xét dự Luật biểu tình chưa biết đến khi nào mới tái trình lại.

bieutinh3

Vì hiện tại chưa có luật chuyên ngành điều chỉnh, nên việc thực hiện quyền biểu tình của công dân vẫn chưa được thực thi. Nhà nước vẫn chần chừ trong ban hành những quy định rõ ràng, cụ thể, làm sao để đảm bảo được quyền công dân, lại không phải lo lắng điều mà trong các diễn văn của quan chức hay nhắc tới là tránh bị các thế lực đối lập dựa vào quyền này mà gây mất trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Phúc, giảng viên Khoa Luật, Đại học Duy Tân biện luận rằng nếu mai đây Quốc hội chỉ bàn luận về dự luật biểu tình, thì điều đó là chưa đủ, mà còn phải ‘kéo’ theo nhiều luật chuyên ngành cần thiết liên quan.

Giảng viên Nguyễn Văn Phúc lập luận :

"Ta có thể thấy rằng giữa biểu tình và tự do ngôn luận có những điểm tương đồng là đều thể hiện ý kiến quan điểm của người tham gia trước vấn đề được bày tỏ. Sự khác nhau giữa hai khái niệm này ở chỗ.

Tự do ngôn luận gắn với cá nhân thường mang màu sắc cá thể, phản ánh những gì mà một chủ thể ghi nhận được và muốn bày tỏ nó. Trong khi đó, biểu tình là một hoạt động mang tính tập thể, ý kiến quan điểm được bày tỏ là quan điểm của số đông được tập hợp lại trên cơ sở những quan điểm cá nhân cùng mục đích.

Thứ nhất, xét trong mối quan hệ giữa quyền biểu tình với quyền tự do hội họp, thì tự do hội họp là một trong những quyền cơ bản của con người và được ghi nhận rộng rãi trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền ở khoản 1, Điều 20 của tuyên ngôn này : "Mọi người đều có quyền tự do hội họp và tham gia hội họp một cách hòa bình". Đây được xem là cơ sở quan trọng để hình thành nên quyền biểu tình của người dân.

Từ những quy định trên ta có thể nhận thấy rằng bản thân quyền biểu tình và quyền tự do hội họp có mối quan hệ gắn kết với nhau. Nếu không có quyền hội họp thì sẽ không thể có được quyền biểu tình hợp pháp, một cuộc biểu tình thường trải qua một giai đoạn chuẩn bị, họp lại và thống nhất để đưa ra đường lối và cách thức tiến hành cuộc biểu tình.

Thứ hai, xét mối quan hệ giữa quyền biểu tình với quyền tự do lập hội có thể thấy rằng quyền tự do lập hội (freedom of association), cùng với quyền tự do hội họp một cách hòa bình, đầu tiên được ghi nhận trong điều 20 Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền năm 1948. Cũng trong khoản 2 điều 20 của tuyên ngôn có quy định : "không ai bị ép buộc phải tham gia vào bất cứ hiệp hội nào".

Khi xem xét quyền tự do lập hội với quyền biểu tình, chúng ta thấy nó mối tương quan với nhau. Biểu tình là một hoạt động mang tính cộng đồng, có sự tham gia của nhiều người, nhiều thành phần, tuy nhiên, những người tham gia biểu tình đều có cùng chung mục đích là bày tỏ thái độ, quan điểm của mình về một vấn đề.

Lập hội cũng vậy mục đích chủ yếu cùng nhằm cùng nhau tìm đến một quan điểm để góp phần nói tiếng nói chung, cùng sở thích, cùng chí hướng với nhau. Cho nên, trong trường hợp này, để tìm kiếm những người có cùng chung mục đích với nhau thì khả năng người biểu tình tổ chức, thành lập các hội là điều đương nhiên.

Việc Việt Nam gia nhập các công ước các quyền con người này chỉ là bước đầu của việc quốc tế hóa quyền con người tại Việt Nam, đằng sau đó là việc tuân thủ các công ước này để đảm bảo thực hiện các quyền con người – quyền được biểu tình cho người dân và việc xây dựng và ban hành luật biểu tình là một sự thể hiện rõ nhất !".

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 11/12/2020

********************

Không gì phải sợ hãi biểu tình

Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 10/12/2020

Thực chất, biểu tình không có gì đáng sợ, quan trọng là cách tư duy về quyền này như thế nào, tiếp đó là kế hoạch, cách thức quản lý, tổ chức biểu tình ra sao.

bieutinh4

Biểu tình có vai trò quan trọng trong một xã hội dân chủ, nó thể hiện quyền của người dân. Thông qua biểu tình mọi người có thể tự do bày tỏ chính kiến hay quan điểm trước những đối tượng mà mình hướng tới.

Một luật sư đề xuất rằng thay vì cứ nhấc lên – đặt xuống dự thảo luật về quyền biểu tình trong suốt mấy mươi năm qua, thì một cách tiết kiệm hơn, nhanh chóng hơn là hãy chọn việc tu chỉnh Hiến pháp.

Theo đó, Hiến pháp nên tách riêng các quyền, trong đó có quyền biểu tình ra thành một Điều riêng, và nên quy định quyền biểu tình cụ thể như sau :

"1. Công dân có quyền biểu tình ôn hòa và không vũ khí, không phụ thuộc vào sự đồng ý hay không của chính quyền.

2. Nhà nước có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được thực hiện quyền biểu tình. Mọi hành vi đe dọa, chia rẽ, gây cản trở hoặc ngăn cản cuộc biểu tình hợp pháp sẽ bị xử lý hình sự hoặc xử phạt hành chính tùy theo tính chất, mức độ. 3. Quyền biểu tình của công dân chỉ có thể bị giới hạn bởi một đạo luật của Quốc hội. Việc giới hạn cũng không làm mất đi bản chất của quyền này".

Quy định như vậy sẽ có hai ưu điểm : Thứ nhất, điều khoản này xác định rõ công dân biểu tình không có nghĩa vụ phải xin phép, mà chỉ cần thông báo cho chính quyền. Đây là cách quy định phổ biến của các bản Hiến pháp trên thế giới hiện nay.

Thứ hai, quy định người tham gia biểu tình không được sử dụng vũ khí hay công cụ có tính bạo lực sẽ làm rõ cơ sở đảm bảo cho một cuộc biểu tình ôn hòa. Tất cả những vấn đề cụ thể, có tính kỹ thuật khác như cần phải thông báo trước trong thời gian bao lâu, những dụng cụ nào được hiểu là vũ khí, trách nhiệm của người trưởng đoàn biểu tình, những người tham gia biểu tình thế nào, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền ra sao… nên được quy định ở trong một đạo luật do Quốc hội ban hành.

Thực chất, biểu tình không có gì đáng sợ, quan trọng là cách tư duy về quyền này như thế nào, tiếp đó là kế hoạch, cách thức quản lý, tổ chức biểu tình ra sao.

Chính quyền nên tận dụng hoạt động biểu tình, nên coi đó như một cầu nối, một kênh đối thoại quan trọng giữa chính quyền với nhân dân, từ đó một mặt kiểm soát và đưa hoạt động này trở nên có nề nếp, trật tự, mặt khác thông qua việc lắng nghe dân, cân nhắc, điều chỉnh và hoạch định các chính sách liên quan sao cho hợp với lòng dân hơn.

Cũng theo ý kiến của vị luật sư đề nghị ẩn danh kể trên, thì nếu vẫn kéo dài dự án luật về quyền biểu tình, dự án luật về quyền lập hội thì điều luật hình sự sau đây sẽ mãi mãi không cơ hội nào để vận dụng :

"Điều 167. Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân.

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm : a) Có tổ chức ; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn ; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm".

"Tôi cho rằng tuy chưa có luật về biểu tình, luật về lập hội, song nếu những khái niệm ghi ở điều 167 được làm rõ để hiểu và áp dụng quy định Bộ luật hình sự về tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân trong thực tiễn, thì người ta vẫn có thể đường hoàng biểu tình, đường hoàng thực hiện quyền tự do báo chí…, mà không sợ bị chụp chiếc mũ chính trị hóa" – vị luật sư ‘ẩn danh’, kết luận.

Trần Dzạ Dzũng

Nguồn : VNTB, 10/12/2020

******************

Luật Biểu tình : ‘đề bài’ phải giải của Quốc hội nhiệm kỳ 2021 – 2026

Nguyễn Nam, VNTB, 10/12/2020

Liệu các đại biểu quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ trả được món nợ quyền dân : Luật Biểu tình ?

bieutinh5

Không ai có thể chối cãi rằng, quyền biểu tình là quyền hiến định quan trọng của nhân dân và Hiến pháp luôn luôn có hiệu lực trực tiếp. Việc chưa có Luật Biểu tình, không có nghĩa là người dân không được phép biểu tình, mà theo tinh thần của nhà nước pháp quyền, việc chưa có Luật Biểu tình phải được hiểu là quyền biểu tình của người dân chưa bị hạn chế bởi bất cứ quy định pháp luật nào.

Như vậy, tư duy lo ngại có Luật Biểu tình sẽ đồng nghĩa với việc có một kênh hợp pháp cho nhân dân chống phá Nhà nước, là một tư duy ‘cũ kỹ’, hoàn toàn sai lầm và cần loại bỏ.

Cần phải hiểu, có Luật Biểu tình nghĩa là có một kênh quan trọng để nhân dân thực hiện quyền tự do của mình trong khuôn khổ pháp luật, và cũng là một kênh quan trọng để Nhà nước thực hiện việc quản lý của mình.

Thứ nhất, có luật về biểu tình, nghĩa là Nhà nước có thêm một công cụ để ngăn chặn, phòng chống được việc lợi dụng tụ tập đông người để gây mất ổn định trật tự, an ninh xã hội, kích động, lôi kéo chống phá chính quyền.

Thứ hai, có luật về biểu tình có nghĩa là người dân có thêm một công cụ để thực hiện quyền của mình.

Thứ ba, có luật về biểu tình có nghĩa là nhân dân và Nhà nước, đã trở thành những đối tác tin cậy để cùng nhau xây dựng nhà nước pháp quyền.

Thứ tư, luật về biểu tình chính là một biểu hiện của cung cách ứng xử văn minh và sòng phẳng giữa cả hai bên Nhà nước và dân chúng. Ngoài ra, việc ủng hộ quyền biểu tình của người dân cũng thể hiện sự tự tin, bản lĩnh lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tưởng cũng nên nhắc lại để tránh chuyện có ai đó độc mồm xấu miệng sẽ xỉa xói rằng Đảng sợ biểu tình, vì Đảng cũng từng sử dụng quyền dân chủ này để phục vụ mục đích cao cả là thống nhất đất nước. Giờ Đảng sợ chính thế lực ngay trong nội bộ của mình lợi dụng quyền biểu tình để ‘lật đổ’ chiếc ghế quyền lực nào đó…

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, biểu tình là một công cụ hữu hiệu mà Đảng cộng sản Việt Nam (lúc đó còn mang tên Đảng cộng sản Đông Dương) sử dụng để vận động đấu tranh chống chính quyền thực dân, phong kiến.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều cuộc biểu tình tại miền Nam Việt Nam được giơ cao biểu ngữ là chống chế độ bù nhìn của Mỹ, chống chiến tranh của nhiều tầng lớp nhân dân đã nổ ra, góp phần tạo làn sóng truyền thông mạnh mẽ đến độ dấy lên phong trào phản chiến lan rộng, thay đổi nhận thức của xã hội và của quốc tế về cuộc chiến tranh liên quan đến người Mỹ tiến hành tại Việt Nam.

Sử sách của chính quyền miền Bắc xã hội chủ nghĩa nói rằng những cuộc biểu tình ở thời điểm đó, chính là những xúc tác quan trọng, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Như vậy, biểu tình không phải là khái niệm xa lạ, mới mẻ ở miền Bắc Việt Nam mà với đặc thù lịch sử ở Việt Nam, biểu tình phải được hiểu là ủng hộ và yêu nước.

Tuy nhiên sau tháng 4-1975, khi chiến tranh hai miền Bắc – Nam chấm dứt, người ta lại sợ biểu tình, mà thay vào đó bằng tên gọi ‘mít – tinh’ với hình thức cũng xuống đường, nhưng luôn là ‘ủng hộ – ủng hộ – và ủng hộ’.

Thời hậu chiến, không rõ vì sao lại xuất hiện sự yếm thế với tâm lý e ngại bất ổn, biểu tình luôn được hiểu là tụ tập đông người, là gây rối trật tự công cộng, là chống đối.

Thế nhưng trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập với thế giới, thì việc không có luật lại vẫn không được hiểu theo cách hiểu chung của thế giới là quyền đó không bị giới hạn, mà lại ‘kiên định’ cách hiểu rằng người dân chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện quyền của mình trên thực tế.

Tình trạng này đã dẫn đến là những người không hiểu biết pháp luật thì nghi ngại, người hiểu biết pháp luật thì dù hiểu là mình có quyền biểu tình theo Hiến pháp, nhưng lại e dè khi nghĩ rằng mình hiểu đúng, nhưng chắc gì chính quyền đã hiểu như mình (!?).

Tâm lý này tạo ra một vòng luẩn quẩn trong cách thực hiện quyền biểu tình của người dân. Chính quyền thì trì hoãn, còn nhân dân thì e dè và khi bức xúc, không có cách nào khác là biểu tình tự phát.

Dĩ nhiên trong bối cảnh chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ 13 mà bàn chuyện luật về biểu tình, dễ bị chính trị hóa một quyền dân sự.

Tạm hy vọng rằng ở nhiệm kỳ mới 2021 – 2026 của Quốc hội, các ông bà là đại biểu của người dân sẽ cùng chung tay giúp trả món nợ quyền dân này, với không chỉ là luật về biểu tình, mà còn có luật về quyền lập hội, luật về tư nhân được tự do làm báo…

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 10/12/2020

*********************

Quyền biểu tình

Linh Giang, VNTB, 09/12/2020

Luật Biểu tình không chỉ là đòi hỏi của một xã hội văn minh, dân chủ và pháp quyền, mà Luật Biểu tình còn là kênh quan trọng nhằm duy trì trật tự xã hội.

bieutinh6

Vậy là ở cả 3 thành phố lớn là Hà Nội – Sài Gòn – Đà Nẵng đều có biểu tình phản đối chính sách thuế.

Các cuộc biểu tình này mang yếu tố nước ngoài khi diễn ra với màu áo của Grab – ứng dụng đặt xe hiện đang có mặt tại 6 quốc gia là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam và Indonesia.

Theo nghị định 126/2020, bắt đầu từ ngày 5/12, thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng từ 3% lên 10% với mỗi cuốc xe công nghệ. Hành khách đi xe phải chi thêm tiền theo từng km, còn tài xế lo ngại vì cước phí tăng dẫn đến tình trạng ế ẩm.

VAT là thuế gián thu nên kể từ khi tăng mức thuế thêm 7%, thì 27,273% là tỷ lệ khấu trừ mỗi cuốc xe mà tài xế phải chịu so trước kia là 20%.

Nồi cơm của các tài xế đã bị sứt mẻ, vậy là xuống đường biểu tình phản đối thôi.

Quyền biểu tình là một quyền dân sự, chính trị quan trọng của con người, được ghi nhận trong Hiến pháp của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, quyền biểu tình được ghi nhận trong các bản Hiến pháp từ năm 1959 đến năm 2013. Hiến pháp năm 1946 tuy không ghi nhận trực tiếp quyền này, nhưng có thể hiểu quyền biểu tình là nội hàm của quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp theo quy định tại Điều thứ 10.

Cũng giống như quyền tự do ngôn luận, quyền biểu tình được thực hành theo cách ôn hòa, không được dùng để xúc phạm, gây chia rẽ, bất ổn hay kích động các hành vi bạo lực, phân biệt đối xử.

Là nội hàm của quyền hội họp hòa bình, quyền biểu tình luôn đi kèm với hình thức "phi vũ trang". Đồng thời, được phân biệt rằng, biểu tình là một hình thức của tự do hội họp, nhưng không phải là hội họp một cách ngẫu nhiên, mà nó đòi hỏi phải có một quá trình chuẩn bị cẩn thận, chu đáo.

Giữa những người đi biểu tình phải có tối thiểu một mối liên hệ chung, đó là mục đích của biểu tình. Hành vi hội họp một cách ngẫu nhiên, bất thường cần được phân biệt rõ ràng với hành vi biểu tình, vì các hành vi này đưa đến những hệ quả pháp lý khác nhau.

Hiện nay, mỗi khi có các cuộc biểu tình tự phát của người dân thì các cơ quan nhà nước ở Việt Nam thường áp dụng Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng.

Tuy nhiên, Nghị định này lại nhằm để điều chỉnh hành vi "tập trung đông người ở nơi công cộng" chứ không phải là điều chỉnh các hoạt động biểu tình.

Cần phải hiểu rõ việc tập trung đông người ở nơi công cộng có thể là một hình thức của biểu tình, nhưng chưa chắc đã là hoạt động biểu tình. Theo quy định của Nghị định này, các hoạt động tập trung đông người chỉ được diễn ra khi có sự "cho phép" Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

Quy định này là hoàn toàn trái với tinh thần của pháp luật về biểu tình. Bởi biểu tình là một quyền tự do, người dân chỉ cần "thông báo" đến cơ quan nhà nước về việc tổ chức biểu tình chứ không phải là "xin – cho".

Đồng thời, các quy định của Nghị định này đều thể hiện rõ xu hướng là tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước trong công tác quản lý, chứ không phải là tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền của mình. Hơn nữa, biểu tình là một quyền hiến định và vì thế, những nội dung liên quan đến quyền này chỉ có thể được ghi nhận trong luật chứ không thể dùng nghị định để điều chỉnh.

Như vậy, Luật Biểu tình không chỉ là đòi hỏi của một xã hội văn minh, dân chủ và pháp quyền, mà Luật Biểu tình còn là kênh quan trọng nhằm duy trì trật tự xã hội.

Không ai có thể phủ nhận những đóng góp tích cực của các cuộc biểu tình. Đó là kênh giao tiếp quan trọng giữa nhân dân với chính quyền, nó góp phần làm các bên hiểu biết và dễ chia sẻ với nhau hơn.

Với các cuộc biểu tình ủng hộ, đương nhiên, Nhà nước tìm thấy trong đó những tiếng nói khích lệ, sự đoàn kết, ủng hộ của dân chúng với các chủ trương đúng đắn.

Còn với các cuộc biểu tình phản đối, phải hiểu đó không phải là sự chống đối của người dân mà đó chính là kênh quan trọng để người dân bày tỏ quan điểm một cách hòa bình, góp phần để Nhà nước phát hiện ra những sai sót, yếu kém trong quản lý để từ đó nhanh chóng khắc phục.

Biểu tình chính là một kênh phản biện xã hội quan trọng cần có trong một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Linh Giang

Nguồn : VNTB, 09/12/2020

***********************

Nghiệp đoàn độc lập và quyền biểu tình : nhìn từ vụ ‘xuống đường’ của các ‘Grab bike’

Sơn Trà, VNTB, 09/12/2020

Liệu đã đến lúc chín muồi cho việc thành lập các nghiệp đoàn độc lập, cũng như thực thi việc ban hành luật về quyền biểu tình ?

bieutinh7

Sáng 8/12, hàng trăm tài xế Grab sau khi đòi quyền lợi tại trụ sở công ty đã tập trung diễu hành trên đường phố Đà Nẵng để phản đối chính sách khấu trừ mới của Grab.

Không chỉ tập trung đòi quyền lợi, một số hội nhóm tài xế trên mạng xã hội đã vận động mọi người đình công. Một số trường hợp còn đặt cuốc ảo, ‘boom’ hàng khiến những tài xế khác không thể mở ứng dụng để hoạt động bình thường.

Đến khoảng 11 giờ 30 cùng ngày, sau khi tập trung đòi quyền lợi, hàng trăm tài xế Grab đã tổ chức diễu hành, bấm còi inh ỏi trên các trục đường chính của thành phố Đà Nẵng như Lê Duẩn, Bạch Đằng, Ngô Quyền, Nguyễn Hữu Thọ…

Vấn đề pháp lý đặt ra : liệu đã đến lúc chín muồi cho việc thành lập các nghiệp đoàn độc lập, cũng như thực thi việc ban hành luật về quyền biểu tình ?

Cụ thể trong trường hợp của Grab, chính giới lao động đã phải tự đứng lên để đấu tranh cho riêng họ, nhưng có lẽ vấn đề là họ chỉ như là làm thời vụ, rồi sẽ chuyển qua công việc khác khi có thể – tức một kiểu của bột phá tức thời, và nó có thể tái diễn trong tương lai mỗi khi lại gặp những chính sách gây bất lợi cho số đông nào đó.

Với người quản lý thì không thể nhìn đây chỉ là bức xúc thời vụ, mà cần thấy rằng về lâu dài, để giúp người lao động tự bảo vệ mình trước các chính sách đang đi ngược lại lợi ích của giới cần lao, thì người ta cần biết tập họp lại dưới một tổ chức kiểu như nghiệp đoàn độc lập. Điều này cũng nằm trong tiên liệu, bởi chỉ còn vài tuần lễ nữa thôi khi Bộ Luật lao động phiên bản tu chỉnh có hiệu lực, thì quyền tự do công đoàn đã được minh định.

Ở đây cũng cần thấy rõ rằng bất cứ giới nào, ngành nào, kể cả lực lượng cảnh sát, cũng rất cần nghiệp đoàn cơ sở, để bảo vệ người lao động, giúp họ điều chỉnh các hành vi trong khuôn khổ luôn tuân thủ luật pháp – bởi rất có thể họ sẽ bị chính đồng nghiệp, hay tổ chức của họ chèn ép và bỏ rơi khi họ làm đúng luật.

Trở lại với vụ Grab.

Vào ngày 2/12, trên trang web của Grab có thông báo với nội dung (trích) :

"Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 05/12/2020 ("Nghiệp đoàn 126"). Theo đó, kể từ ngày 05/12/2020, chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) áp dụng cho các nền tảng đặt xe và Đối tác tài xế công nghệ sẽ thay đổi như sau :

Grab sẽ tiến hành kê khai thuế VAT trên toàn bộ doanh thu hợp tác, bằng cách khấu trừ ngay nghĩa vụ thuế VAT (thuế suất 10% hoặc theo hướng dẫn khác của cơ quan thuế tùy thời điểm) cho toàn bộ cuốc xe vận tải trước khi phân chia doanh thu theo hợp đồng cho Đối tác với tỷ lệ không đổi (80%).

Thuế thu nhập cá nhân (1,5%) không thay đổi, chỉ áp dụng với những Đối tác có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.

Việc kê khai thuế VAT theo NĐ 126 sẽ bắt đầu áp dụng với các cuốc xe phát sinh từ ngày 05/12/2020, doanh thu phát sinh từ ngày 01/01/2020 đến 04/12/2020 vẫn áp dụng chính sách thuế cũ".

Tuy nhiên vào ngày 7 và 8/12, lần lượt tại cả 3 thành phố Hà Nội – Sài Gòn – Đà Nẵng đã diễn ra việc tài xế với màu áo Grab đã xuống đường với kiến nghị Grab không tăng mức khấu trừ, không tính mức thuế VAT tăng cho tài xế, và ký hợp đồng lao động với tài xế.

Gần như ngay sau đó, Grab tiếp tục có phản hồi liên quan đến các phản ảnh của tài xế. Cụ thể, Grab dẫn theo nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 5/12, thuế VAT 10% được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế. Do đó, Grab đã khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Còn phí sử dụng ứng dụng (chiết khấu) áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên không thay đổi.

bieutinh8

Theo Grab, việc Grab khấu trừ khoản thuế phải nộp, kê khai và nộp hộ cho các đối tác tài xế là tuân thủ quy định của nghị định 126.

Như vậy với cục diện diễn ra cho thấy ‘địa chỉ’ cho việc xuống đường ở đây phải là Tổng cục Thuế đối với Hà Nội ; và ở Đà Nẵng, Sài Gòn là Cục Thuế.

Bàn luận bên lề vụ việc, một luật sư tại Sài Gòn ngờ vực có bàn tay ‘tổng đạo diễn’ ở đây thuộc ‘người nhà nước’. Ông lý giải : "Các bác tài nghĩ sao mà lại yêu cầu ký hợp đồng lao động với tài xế ?

Bởi nếu ký, thì đương nhiên thuế VAT 10%, và còn phải đóng cả các khoản về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Khi ấy, việc sử dụng ứng dụng công nghệ ở đây sẽ chẳng khác biệt gì với loại hình taxi, khó thể cạnh tranh về giá cả ; khác chăng chỉ là việc không gò bó về mức doanh thu tối thiểu. Và công đoàn, thì đương nhiên sẽ là công đoàn thuộc nhà nước…".

Vẫn theo quan sát của ông luật sư, những việc xuống đường để biểu tình như Grab sở dĩ vẫn suôn sẻ, diễn ra ở khu vực trung tâm với số lượng tham gia đông đảo… trong bối cảnh Việt Nam vẫn chưa ban hành luật về quyền biểu tình, thì ‘chuyện lạ’ đó chỉ có thể được lý giải : kịch bản của phép thử được thế lực chính trị nào đó ngay trong nội bộ của nhà chức trách đưa ra…

Sơn Trà

Nguồn : VNTB, 09/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoài Nguyễn, Hà Nguyên, Lynn Huỳnh, Trần Dzạ Dzũng, Nguyễn Nam, Linh Giang, Sơn Trà
Read 574 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)