Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/12/2020

Năng suất lao động Việt Nam đội sổ ở Đông Nam Á ?

Mai Lan

Có lẽ sẽ là bất ngờ khi biết rằng năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 88,7% so với lao động của nước Lào.

Theo một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, thì năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn trước khi có dịch Covid, chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore ; 19,5% của Malaysia ; 37,9% của Thái Lan ; 44,8% của Indonesia ; 55,9% của Philippines, 68,9% của Brunei.

laodong01

Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng ~ 7,3% Singapore, ~ 19% Malaysia, ~ 37% Thái Lan, ~ 44,8% Indonesia, ~ 55,9% Philippines.

Nếu so với Myanmar, thì Việt Nam chỉ bằng 90%, và chỉ bằng 88,7% so với Lào. Trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, được phía Bộ Kế hoạch và đầu tư ghi nhận là lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ của Việt Nam chỉ chiếm 22,37%.

Theo báo cáo của Sở Lao động thương binh và xã hội thành phố Hà Nội, thì năm 2020, mạng lưới 21 trường trung cấp, cao đẳng công lập thuộc thành phố Hà Nội đặt mục tiêu tuyển 18.735 người, gồm 7.980 chỉ tiêu hệ cao đẳng, 10.755 chỉ tiêu hệ trung cấp.

Tuy nhiên kết quả là các trường đã tuyển sinh được 2.514 người học trình độ cao đẳng, đạt 31,5% kế hoạch ; 6.520 người học trình độ trung cấp, đạt 60,6%… Tính chung, kết quả tuyển sinh của 21 trường nghề công lập trong năm 2020 mới đạt 48,2% chỉ tiêu đặt ra.

Lý giải nguyên nhân tuyển sinh khối giáo dục nghề nghiệp đang quá thấp, nhà chức trách địa phương ‘đổ thừa’ dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Việc gắn kết "bốn nhà" : Nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp – gia đình nhằm bảo đảm đầu ra cho người học còn thiếu cơ chế ràng buộc, nên chưa có nhiều doanh nghiệp "mặn mà" tham gia.

Tình cảnh này bắt gặp tương tự ở Sài Gòn. Hiệu trưởng Trường Trung cấp Mai Linh cho biết, dịch bệnh là điều không ai mong muốn nhưng việc phải tạm nghỉ khiến cả nhà trường và sinh viên gặp khó khăn. Trường Trung cấp Mai Linh đã phải chi phí gần 100 triệu đồng/tháng tiền thuê mặt bằng ; rồi phải trả lương cho 15 cán bộ, giáo viên…

Trong khi đó, tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân, hiện có khoảng 200 sinh viên đang theo học ở 7 ngành. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên nhà trường phải nhiều lần gián đoạn giảng dạy, trong khi vẫn phải trả lương cho đội ngũ giảng viên, trả tiền thuê mặt bằng lên đến hàng trăm triệu đồng.

Tình trạng trên cũng đang xảy ra tại nhiều trường, như Trường Cao đẳng An ninh mạng iSPACE, Trường Cao đẳng Bách Việt, Trường Cao đẳng Miền Nam, Trường Cao đẳng Quốc tế Kent, Trường Cao đẳng Y dược Sài Gòn…

"Nguồn tài chính chủ yếu của nhà trường là từ học phí của sinh viên. Trong bối cảnh sinh viên nghỉ phòng chống dịch, để giúp các nhà trường, chúng tôi kiến nghị các ngân hàng hỗ trợ bằng cách miễn giảm lãi vay hoặc cho khoanh nợ để các trường an tâm, tiếp tục ổn định công tác đào tạo và tuyển sinh trong thời gian tới khi dịch bệnh đi qua" – ông Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, nói.

Một thầy giáo cấp 3 giải thích : "Số lượng trường đại học, cao đẳng quá nhiều nên đa số các em không thi vào được đại học, cao đẳng mới vào học nghề, coi học nghề là sự lựa chọn cuối cùng, dẫn đến bất cập về cơ cấu trình độ phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động xã hội.

Thời gian tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng dài gây ra rất nhiều khó khăn cho các trường nghề trong công tác tuyển sinh. Chất lượng đầu vào của sinh viên thấp, nên các cơ sở đào tạo gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức đào tạo bảo đảm chất lượng".

Không đồng tình với tất cả các ý kiến ở trên, một nhà báo chuyên mảng kinh tế đã cho rằng, chính việc đô thị hóa nông thôn đã đẩy nguồn lao động trẻ ở nông thôn phải tìm việc ở các khu công nghiệp, do đó khó thể đòi hỏi số đông lao động trẻ này được đào tạo nghề bài bản.

Hiện tại thì những con số báo cáo thành tích được tuyên truyền nghe rất dễ tạo ngộ nhận về chuyện ‘mặt trời luôn tỏa sáng’, như ở "Báo cáo về phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao nguồn nhân lực", Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội Lê Tấn Dũng đã cho biết, tính đến nay cả nước có 1.909 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm có 399 trường cao đẳng, 458 trường trung cấp, 1.052 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

"Qua đó, thực hiện các giải pháp gắn kết hiệu quả giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp ; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn…" – Thứ trưởng Lê Tấn Dũng có nhận xét như vậy về chuyện ‘đào tạo nghề’.

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 16/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai Lan
Read 501 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)