Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/12/2020

Cuộc chiến công hàm và dự đoán tình hình Biển Đông 2021

Diễm Thi

Cuộc chiến công hàm

Trong năm qua, một vài quốc gia ASEAN và một số quốc gia phương Tây đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Điều này được cho là giúp Việt Nam tự tin hơn trong cuộc chiến pháp lý của mình dù sau mỗi đệ trình hay công hàm được gửi đi thì Trung Quốc lại ra công hàm phản đối.

congham0

Sơ đồ những vùng tranh chấp trên Biển Đông - Ảnh minh họa

Cuộc chiến công hàm

Trong năm qua, một vài quốc gia ASEAN và một số quốc gia phương Tây đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Điều này được cho là giúp Việt Nam tự tin hơn trong cuộc chiến pháp lý của mình dù sau mỗi đệ trình hay công hàm được gửi đi thì Trung Quốc lại ra công hàm phản đối.

Nước đầu tiên trong tổ chức ASEAN thực hiện việc này là Malaysia. Ngày 12/12/2019, Malaysia đã nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng của mình trên Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS). Cùng ngày, Trung Quốc gửi công hàm CML/14/2019 lên Liên Hiệp Quốc để phản đối bản đệ trình của Malaysia.

Ngày 30/3/2020, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã gửi Công hàm số 22/HC-2020 tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc để trình bày một cách có hệ thống về lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề pháp lý chính trên Biển Đông…

Tiếp theo, ngày 6/3/2020, Philippines gửi lên Liên Hiệp Quốc công hàm số 000191-2020 phản đối Công hàm số CML/14/2019 của Trung Quốc, Philippines tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Ngày 14/4/2020, Việt Nam gửi thêm hai công hàm để đáp lại quan điểm của Malaysia và Philippines.

Đáp lại, Trung Quốc ra một loạt công hàm phản đối :

Công hàm số CML/14/2019 ngày 12/12/2019 của Trung Quốc phản đối bản đệ trình xin công nhận thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Malaysia ; Công hàm số CML/11/2020 ngày 23/3/2020 của Trung Quốc phản đối tuyên bố của Philippines ; Công hàm số CML/42/2020 của Trung Quốc ngày 17/4/2020 bày tỏ quan điểm về bản đệ trình chung của Malaysia và Việt Nam xin công nhận thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý.

Ngày 26/5/2020, Phái đoàn thường trực của Indonesia tại Liên Hiệp Quốc gửi công hàm 126/POL-703/V/20 đề cập tới quan điểm của Indonesia với 3 công hàm trên của Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nhận định rằng, việc hàng loạt các nước mở ra cuộc chiến công hàm phủ nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc và tố cáo những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đã làm cho Việt Nam tự tin hơn trong cuộc chiến pháp lý của mình. Nhưng ông Đinh Kim Phúc nhấn mạnh rằng, cuộc chiến công hàm không giải quyết được vấn đề Biển Đông mà đây là vấn đề chiến lược toàn cầu. Chỉ khi nào mà Trung Quốc không còn đủ sức để cạnh tranh với Mỹ và các nước phương tây nữa thì lúc đó tình hình Biển Đông với có thể yên ắng. Ông đánh giá tình hình Biển Đông trong năm qua :

"Xét về tổng thể tình hình Biển Đông năm 2020 thì Trung Quốc vẫn kiên quyết phủ nhận phán quyết của tòa trọng tài và họ ngày càng hung hãn hơn ở Biển Đông. Họ tập trận rồi đưa tàu khảo sát, kể cả tàu cảnh sát biển, tàu tuần duyên…đi sâu vào các khu khai thác dầu khí của Việt Nam, ví dụ như lô 06.1.

Phải nói rằng ai cũng nghĩ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ vừa qua đã gây sức ép cho Trung Quốc góp phần làm cho Trung Quốc từ bỏ tham vọng trên Biển Đông. Nhận định như thế là sai.

Bản thân tôi nhận thấy việc Mỹ đưa tàu chiến đi qua eo biển Bashi rồi vào Biển Đông rồi diễn tập …thì cũng chỉ là thực hiện điều 17 của UNCLOS. Tức là thực hiện quyền tự do hàng hải chứ chưa bao giờ các lực lượng vũ trang của hải quân Mỹ áp sát vào khu 12 hải lý hoặc 500 mét của các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng".

Ngoài một vài quốc gia ASEAN gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phản đối chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, một số các quốc gia phương tây cũng có những động thái tương tự.

Hôm 1/6/2020 Mỹ gửi một công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông với lý do yêu sách của Bắc Kinh không phù hợp với luật pháp quốc tế được phản ánh trong Công ước về Luật Biển năm 1982. Mỹ cũng cho rằng các yêu sách về quyền lợi rộng lớn của Trung Quốc trên Biển Đông là nhằm cản trở quyền và tự do hàng hải của Mỹ và tất cả các nước khác.

Úc hôm 23/7/2020 cũng gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 và thể hiện lập trường ủng hộ Mỹ.

Gần đây nhất là hôm 16/9/2020, Pháp, Đức và Anh đệ trình lên Liên Hiệp Quốc một công hàm chung bác bỏ "các quyền lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông, lập luận rằng những quyền này không phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Công hàm chung này cũng đề cập đến hàng loạt công hàm Trung Quốc đã gửi cho Liên Hiệp Quốc trước đó.

Vào năm 2020, do hành vi của Trung Quốc trong bốn năm qua đã tạo cho các quốc gia khác đồng loạt lên tiếng bày tỏ quan điểm rõ rệt ủng hộ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và Trung Quốc đã bị cô lập về mặt ngoại giao. -Giáo sư Carl Thayer

Qua emai trao đổi với RFA hôm 16/12/2020, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định rằng, chủ đề chung trong các đệ trình, công hàm của các nước gởi Liên Hiệp Quốc suốt năm qua có điểm chung là ủng hộ rõ ràng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và bác bỏ hoàn toàn việc Trung Quốc tuyên bố về các quyền lịch sử và nỗ lực coi "Tứ Sa" (Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa) như các đơn vị riêng biệt bằng cách vẽ các đường cơ sở quanh đó, đồng thời. Ông nói thêm :

"Theo các quy tắc và thủ tục của Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa, không thể chấp thuận yêu sách về thềm lục địa mở rộng của một quốc gia nếu một quốc gia khác phản đối. Việc Trung Quốc từ chối đệ trình sơ bộ của Malaysia không có giá trị về mặt pháp lý.

Công hàm của Hoa Kỳ, Úc và đệ trình chung của Pháp-Đức-Anh đã được gửi cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc vì không quốc gia nào trong số này có thể yêu sách thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông. Ngoài ra, Hoa Kỳ không phải là một bên ký kết UNCLOS.

Ngày 22 tháng 9 năm 2020, Tổng thống Rodrigo Duterte phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ông khẳng định "cam kết của Philippines ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS và Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016". Duterte tuyên bố phán quyết của tòa là một phần của luật pháp quốc tế và Phillipines kiên quyết từ chối những nỗ lực nhằm phá bỏ việc tuân thủ phán quyết này.

Tóm lại, khi Tòa án quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông vào năm 2016 thì hầu hết các quốc gia trong vùng tranh chấp đều công nhận hoặc giữ im lặng. Nhưng vào năm 2020, do hành vi của Trung Quốc trong bốn năm qua đã tạo cho các quốc gia khác đồng loạt lên tiếng bày tỏ quan điểm rõ rệt ủng hộ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và Trung Quốc đã bị cô lập về mặt ngoại giao".

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thì gọi việc các quốc gia phương Tây lên tiếng là một bước ngoặc, bởi trước đây họ không nói gì cả, họ chỉ nói là phải tôn trọng luật pháp. Dù tất cả những công hàm cũng chỉ dựa trên công ước quốc tế về luật biển chứ không dựa trên một cái gì khác, nhưng điều này rất có lợi cho các nước Đông Nam Á. Tháng 7 năm 2016 Phillipines được tòa quốc tế đưa ra phán quyết bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc theo đường lưỡi bò. Năm nay Mỹ và các nước tái khẳng định điều đó. Ông Hà Hoàng Hợp phân tích thêm :

"Nói đến ASEAN là mình chỉ nói đến ba nước (Việt Nam, Philippines, Malaysia) chứ những nước khác họ sợ Trung Quốc. Họ có quyền lợi về kinh tế, văn hóa, lịch sử hoặc sắc tộc liên quan đến Trung Quốc. Họ sợ Trung Quốc nên họ đưa ra cái luận điểm là không theo bên nào, không đứng về phía bên nào cả. Vừa chiều lòng được Trung Quốc vừa chiều lòng Mỹ. Hơn nữa, chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump có những hành động và chính sách rất rõ ràng với Trung Quốc thì có những nước nể sợ Trung Quốc bắt đầu có những hành động phê phán chính quyền của Donald Trump. Đấy là sự thật !"

Tình hình Biển Đông sẽ ra sao ?

congham2

Bức ảnh này được chụp vào ngày 14 tháng 5 năm 2019, một tàu tuần duyên Philippines (phải) lướt qua tàu tuần duyên Trung Quốc trong cuộc tập trận chung tìm kiếm và cứu nạn giữa lực lượng tuần duyên Philippines và Mỹ gần bãi cạn Scarborough, ở Biển Đông. AFP

Chính sách của Trung Quốc về biển Đông đã trở nên mạnh mẽ sau khi Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc vào tháng 11/2012. Nhưng có lẽ năm 2020 là năm Trung Quốc tỏ ra hung hăng hơn khi vào ngày 18/04/2020, Trung Quốc thông báo thành lập hai quận thuộc "thành phố Tam Sa", đó là "quận Tây Sa" (tức quần đảo Hoàng Sa) và "quận Nam Sa" (tức quần đảo Trường Sa), hai quần đảo mà Hà Nội khẳng định là thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Giáo sư Carl Thayer chia sẻ với RFA đánh giá của ông về tình hình Biển Đông năm 2021 :

"Năm 2021, Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động như thường lệ để khẳng định chủ quyền của mình và một số các quốc gia ven biển vẫn giữ thái độ im lặng. Lực lượng Cảnh sát biển, Dân quân biển và đoàn tàu đánh cá của Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện của họ tại các khu vực tranh chấp. Nếu Việt Nam hoặc Malaysia cố gắng thuê các tàu khảo sát dầu của nước ngoài và tiếp tục thăm dò ở các vùng biển gần Bãi Tư Chính, mỏ dầu khí Lan Đỏ hay Bãi cạn Luconia thì Trung Quốc sẽ tập hợp một đội tàu để quấy rối các hoạt động này.Một điểm đáng chú ý là liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bày ra hành động khiêu khích nào để ‘thử’ Chính quyền của ông Biden trước khi ông Biden chính thức nhậm chức năm tới hay không".

Hôm 13 tháng 7 năm 2020, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Michael Pompeo ra tuyên bố về lập trường của Washington đối với những đòi hỏi chủ quyền hoàn toàn phi pháp của Bắc Kinh trên hầu hết diện tích Biển Đông. Theo Washington, chiến dịch bắt nạt các nước nhỏ nhằm kiểm soát những nguồn tài nguyên đó cũng phi pháp. Hoa Kỳ khẳng định, thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Hoa Kỳ tìm cách giữ gìn hòa bình và ổn định, duy trì tự do hàng hải trên các vùng biển này phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ những lợi ích cho đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, phiên bản tiếng Anh của Nhân Dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận chính thức của đảng cộng sản Trung Quốc sau đó có bài viết nhan đề "Nói vài lời thật lòng với người Việt Nam" của tổng biên tập Hồ Tích Tiến. Tác giả "khuyên" Việt Nam cảnh giác trong mối quan hệ với Hoa Kỳ bởi mục đích lớn nhất của Mỹ khi phát triển quan hệ với Việt Nam là "lợi dụng Việt Nam", "chia cắt mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc".

Bài báo kết luận rằng, thể chế chính trị Việt Nam khó trường tồn lâu dài nếu chính trị Trung Quốc không ổn định.Một số nhà quan sát cho rằng, tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp do Trung Quốc lợi dụng thời kỳ chuyển tiếp tổng thống của Hoa Kỳ, tức từ sau ngày bầu cử đến ngày tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định :

"Vì tình hình nước Mỹ hiện nay cho nên Bắc Kinh sẵn sàng lợi dụng tình thế khó khăn của nước Mỹ trong nội bộ để lấn tới. Bây giờ nó đang rất căng thẳng và người Trung Quốc có thể dẫn đến chiến tranh bất kỳ lúc nào như tấn công Đài Loan, tấn công Việt Nam ở Trường Sa và tiếp tục quấy rầy cũng như tấn công cả Phillipines. Nhưng với Malaysia thì chưa thấy họ làm gì nặng.

Điều này đã được dự báo từ trước rồi. Từ sau bầu cử ở Mỹ cho đến khi có tổng thống mới, tức là từ 3 tháng 11 cho đến 20 tháng 1 có thể sẽ xảy ra rất nhiều chuyện phức tạp".

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nêu quan điểm của ông :"Cho dù bước vào năm 2021 nước Mỹ có tổng thống mới thì tham vọng của Trung Quốc vẫn không dừng lại và việc giằng co trên Biển Đông vẫn tiếp tục như trong thời gian qua.

Việc đầu tiên nước Mỹ cần làm dưới thời tổng thống Joe Biden là phải gây sức ép trên tất cả các mặt trận đối với Trung Quốc buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Đừng mong gì buộc Trung Quốc phải từ bỏ tham vọng trên Biển Đông".

Theo ông Đinh Kim Phúc, một số nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam từng nhấn mạnh Việt Nam không từ bỏ vấn đề pháp lý, tức là sẽ đưa Trung Quốc ra các cơ quan tòa án quốc tế. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam chọn bước đi nào trong vấn đề đấu tranh với Trung Quốc trên thực địa khi nguyên thủ Việt Nam vẫn khẳng định tình hữu nghị Việt Trung là dòng chảy chính trong mối quan hệ hai nước ?

Nếu năm tới Việt Nam đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế thì Việt Nam sẽ chọn nội dung gì, kiện tòa nào và có chắc thắng hay không vì tất cả những vấn đề trong mối quan hệ Việt Trung chưa được giải mã.

"Phải minh bạch hóa hồ sơ Biển Đông thì mới đánh giá được trận chiến này sẽ tiếp diễn như thế nào", ông Phúc kết luận.

Vào ngày 17 tháng 12 năm 2020, Hoa Kỳ đưa ra cảnh báo rằng tàu chiến của quân đội nước này sẽ "quyết liệt" hơn khi phải đáp trả những vi phạm pháp luật quốc tế của Trung Quốc trong tham vọng bành trướng tại Biển Đông.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 18/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi
Read 521 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)