Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/12/2020

Vì sao Hà Nội tới tấp xử tội ông Đinh La Thăng vào lúc này ?

Thu Thủy - Nguyễn Duy

Chống lại Nguyễn Phú Trọng – Đinh La Thăng thẳng thừng bác bỏ cáo trạng

Thu Thủy, Thoibao.de, 19/12/2020

Trong ngày thứ 3 xét xử sơ thẩm 2 cựu lãnh đạo Bộ Giao thông và vận tải cùng 18 bị cáo khác trong vụ án gây thiệt hại 725 tỉ đồng cho Nhà nước tại cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương tức ngày 16/12 vừa qua, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định cáo trạng truy tố ông cũng như lời khai của các bị cáo khác trước đó có nhiều điểm không đúng.

dlt1

Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa xét xử vụ án gây thiệt hại 725 tỉ đồng cho Nhà nước tại cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương

Ông Đinh La Thăng khẳng định cáo trạng suy đoán không có căn cứ đối với trách nhiệm của ông trong vụ án này.

Khi được chủ tọa hỏi về nội dung cáo trạng đã truy tố ông, ông Đinh La Thăng cho biết cáo trạng nêu 6 nội dung, chỉ có 1 nội dung đúng một phần, còn lại không đúng.

Cáo trạng đúng một phần, khi đề cập ông là Bộ trưởng, người đứng đầu Bộ Giao thông và vận tải, phải chịu trách về toàn bộ các hoạt động của ngành.

Bị cáo Đinh La Thăng trình bày : "Nhưng chỉ đúng một phần là tôi chịu trách nhiệm về mặt chính trị, hành chính nhưng nói tôi chịu trách nhiệm luôn về hình sự thì tôi không chịu trách nhiệm. Chẳng hạn, để tai nạn giao thông tăng thì trách nhiệm của Bộ Giao thông và vận tải là trước Quốc hội, chính phủ. Nhưng một vụ tai nạn giao thông cụ thể xảy ra thì không thể quy trách nhiệm hình sự cho tôi được".

Ông Thăng chỉ ra "5 phần sai" của cáo trạng được truyền thông trong nước cụ thể là Báo Thanh niên đăng tải như sau.

Thứ 1, Bộ Giao thông và vận tải có nhiều dự án và thời ông Thăng làm Bộ trưởng có 6 thứ trưởng và được phân công nhiệm vụ cụ thể, phụ trách theo từng lĩnh vực và các dự án cụ thể. Vì vậy, thứ trưởng chuyên trách là người chỉ đạo xuyên suốt, không phải ông.

Theo ông Đinh La Thăng : "Quy cho tôi vai trò trách nhiệm là chỉ đạo xuyên suốt là không đúng". Theo ông Thăng, cả dự án ông chỉ ký 2 văn bản và chỉ đạo 1 văn bản thì không thể gọi là chỉ đạo xuyên suốt.

Ông trình bày : "Tháng 08/2011, tôi ký 1 văn bản trình thủ tướng về việc đồng ý tiếp nhận lại dự án sau khi Công ty CP BIDV trả lại, không tiếp tục đầu tư ; tháng 10/2013, tôi mới ký tiếp QĐ thành lập hội đồng bán đấu giá ; còn một cái chỉ đạo là đến tháng 06/2015, anh Thể (Nguyễn Văn Thể – thời điểm đó là Thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải, nay là Bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải) có trình tôi văn bản về việc chậm thanh toán của Công ty Yên Khánh. Và tôi bút phê ngay trong đó, đề nghị anh Thể chỉ đạo các bên làm đúng theo hợp đồng đã ký, đúng quy định pháp luật".

Thứ 2, về trách nhiệm phân công nhiệm vụ, ông Thăng trình bày không phân công trực tiếp bất kỳ một thứ trưởng nào mà căn cứ lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công thì các thứ trưởng cứ thực hiện. "Tôi không gọi anh Trường lên bảo là anh tiếp nhận lại dự án này. Còn cáo trạng nói tôi giao cho dự án cho Tổng công ty Cửu Long là không đúng. Tôi không giao, mà thứ trưởng giao".

Thứ 3, về mối quan hệ, ông Thăng khẳng định tất cả những lời khai trong hồ sơ và tại phiên tòa khẳng định ông tác động là không đúng.

Thứ 4, về số tiền 725 tỉ đồng, ông Thăng nói "đây là thuộc 1 vụ án khác, tôi không thể chịu trách nhiệm vì đây là hành vi gian dối để trốn doanh thu". Tuy nhiên, ông Thăng không nêu cụ thể dự án nào.

Thứ 5, theo ông Thăng, đây là dự án đấu giá, vì vậy việc triển khai phải dựa vào các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, không thể lấy quy định về đấu thầu vào dự án này. Ông Đinh La Thăng nhấn mạnh đấu thầu và đấu giá khác nhau đồng thời kết luận : "Vì vậy cáo trạng hành vi của tôi và các bị cáo thuộc Bộ Giao thông và vận tải là vi phạm thông tư hướng dẫn về đấu thầu là không đúng".

dlt2

Ông Đinh La Thăng, cựu Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bộ trưởng Giao thông và vận tải bàn giao công việc cho tân Bộ trưởng Giao thông Trương Quang Nghĩa ngày 12/04/2016

Đồng thời, ông Thăng cũng khẳng định lời khai của các bị cáo khác trước đó cũng có nhiều điểm không đúng.

Điểm thứ nhất ông Thăng chỉ ra là việc ông Nguyễn Hồng Trường (cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải) khai mọi văn bản do ông này ký đều gửi ông Thăng ‘là không đúng’.

Ông Thăng dẫn ra nhiều văn bản ông Trường ký mà không gửi cho mình, trong đó có văn bản trả lời của Thủ tướng việc đồng ý để Bộ Giao thông và vận tải tiếp nhận lại dự án.

Ông Thăng nói ông không biết có văn bản này. Ông cũng không nhận được quyết định về giá tài sản và quyết định đơn vị trúng đấu giá và hợp đồng hai bên ký.

Ông Thăng khẳng định trong dự án này, ông không trực tiếp chỉ đạo mà đã giao cho Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường.

Điểm thứ hai là về nội dung ông Dương Tuấn Minh (nguyên Tổng giám đốc Công ty Cửu Long, đơn vị tiếp nhận bàn giao việc bán đấu giá quyền thu phí cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương) khai ông Thăng quen biết ông Hệ nên giới thiệu.

Ông Thăng khẳng định không có quan hệ họ hàng, kinh tế hay chính trị gì với Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc"), chỉ đơn giản là biết nhau như những người quen biết khác và không có gì đặc biệt

Ông Thăng chỉ rõ : "Tại các bản khai trong hồ sơ và tại phiên tòa, bị cáo Minh và Hệ đều khẳng định tôi không giới thiệu Hệ hay Công ty Yên Khánh tiếp cận và tham gia dự án bán quyền thu phí cao tốc ; như anh Minh khai tại tòa, tháng 8.2012 thì Tổng công ty Cửu Long mới được giao dự án thì không lý gì tháng 2/2012 tôi đã gọi điện cho anh Minh để nói về dự án cả ; dự án này là đến 10/2013 vẫn là dự án thuộc Bộ Giao thông và vận tải quản lý và Bộ ra quyết định thành lập hội đồng (HĐ) bán đấu giá. Như vậy toàn quyền về dự án là Bộ Giao thông và vận tải và thành viên HĐ bán đấu giá là 7 người, trong đó anh Minh chỉ là một thành viên. Và như anh Minh khai, anh Minh cũng không có vai trò gì. Vì vậy, không có lý do gì để gọi cho anh Minh cả".

dlt3

Ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Hồng Trường khi còn đương chức tham dự lễ khởi công một dự án tại Hải Dương ngày 03/01/2015

Về cáo buộc gọi điện cho bị cáo Dương Tuấn Minh, ông Đinh La Thăng khẳng định có gọi nhưng là cuộc gọi giữa cấp trên cấp dưới, không phải là để giới thiệu.

Ông Thăng cho rằng ông Minh đã thay đổi lời khai khi lập luận trong quá trình điều tra "anh Minh từng khai tháng 04/2012, tôi có gọi điện cho anh Minh về nội dung giới thiệu Công ty Thái Sơn này kia, nhưng đến tháng 08/2012, trong phiên đối chất, anh Minh thay đổi lời khai rằng tháng 02/2012, như theo cáo trạng đề cập. Theo tôi được biết, là sau khi có danh sách điện thoại CQĐT cho xem thì anh Minh mới đổi thời khai. Vì tháng 04 không có cuộc gọi nào cả. Tôi xin lỗi anh Minh, tôi không có ý gì xúc phạm anh Minh cả nhưng thực tiễn như vậy nên tôi xin diễn giải ra. Một vấn đề nữa là anh Minh nói anh Út (tức Đinh Ngọc Hệ – PV) mang rượu đến sau khi cuộc gọi. Thì hôm qua, cả Út và Minh đều khai là đến Công ty Cửu Long trước phiên đấu giá. Và Út khai biết về dự án sau khi đài truyền hình đăng thông tin về dự án là hoàn toàn logic".

Ông Đinh La Thăng nói : "Tôi khẳng định cáo trạng đề cập tôi vì mối quan hệ với người này người kia mà làm việc nọ việc kia là không đúng. Cáo buộc này mang tính suy diễn, quy chụp. Để từ đó quy trách nhiệm cho tôi là hoàn toàn sai sự thật, không đúng".

Trước đó, hôm 15/12, bị cáo Đinh Ngọc Hệ cũng đã phủ nhận nhiều nội dung cáo trạng và khẳng định không nhờ ông Đinh La Thăng giới thiệu với đại diện Công ty Cửu Long.

dlt4

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ tại phiên tòa xét xử vụ án gây thiệt hại 725 tỉ đồng cho Nhà nước tại cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương

Theo cáo trạng, dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương có vốn ngân sách nhà nước nên việc bán quyền thu phí là bán tài sản của nhà nước và số tiền thu được từ việc này là tài sản nhà nước.

Bộ Giao thông và vận tải được Thủ tướng chính phủ giao là đơn vị chủ trì xây dựng đề án bán quyền thu phí để hoàn trả ngân sách đầu tư cho dự án.

Ông Thăng, khi đó là Bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải, ‘xuất phát từ động cơ cá nhân’, đã gọi điện cho ông Dương Tuấn Minh – Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long – để giới thiệu ông Đinh Ngọc Hệ và tạo điều kiện cho công ty của ông Hệ trúng thầu.

dlt5

Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương

Ông Hệ đã làm hồ sơ gian dối, báo cáo tài chính hai công ty con liên quan từ thua lỗ thành lãi để trúng thầu.

Sau khi trúng thầu, ông Hệ bị cáo buộc gian dối về doanh thu, can thiệp trái phép vào phần mềm quản lý của Bộ Giao thông và vận tải để chiếm đoạt tài sản nhà nước.

Ông Thăng, ông Hệ, ông Trường, cùng một số cán bộ khác dưới quyền ông Thăng bị cáo buộc làm thiệt hại tài sản nhà nước 725 tỷ đồng trong dự án đường cao tốc Trung Lương.

Phiên tòa xét xử 2 cựu lãnh đạo Bộ Giao thông và vận tải và 18 bị cáo khác trong vụ án sai phạm tại cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương dự kiến kéo dài từ 14-25/12/2020.

Thu Thủy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 19/12/2020

***********************

Đinh La Thăng hầu tòa, báo chí réo tiếp Nguyễn Văn Thể

Nguyễn Duy, Thoibao.de, 15/12/2020

Đinh La Thăng người có tội chồng chất, vậy nên suốt 3 năm qua ông Nguyễn Phú Trọng cứ lôi ông này ra xử đi xử lại nhiều lần nhưng vẫn không hết tội. Có một điều là, dù lôi ông Thăng ra xử nhiều vậy nhưng cuối cùng tội Nguyễn Tấn Dũng vẫn không thể khui được. Một thất bại ê chề mà có lẽ ông Nguyễn Phú Trọng khó mà nuốt trôi.

dlt6

Suốt 3 năm qua ông Nguyễn Phú Trọng cứ lôi ông Đinh La Thăng ra xử đi xử lại nhiều lần nhưng vẫn không hết tội.

Ngày 14/12 này, tòa án nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh lại lôi Đinh La Thăng ra xét xửi tiếp, lần này ông cựu bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải được di lý từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh để xét xử về sai phạm khi bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương. Ông Đinh La Thăng (60 tuổi, đang thụ án 30 năm tù) ; cựu thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải Nguyễn Hồng Trường ; Nguyễn Chí Thành (quyền vụ trưởng Tài chính, Bộ Giao thông và vận tải) và 4 người khác bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật hình sự 2015, mức án 10-20 năm tù.

Liên quan vụ án, Đinh Ngọc Hệ (49 tuổi, tức Út "Trọc", nguyên phó giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) và 12 người khác bị cáo buộc tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Ông Út Trọc này là một con buôn có máu mặt toàn là chơi với quan cấp bộ, mới đây Út Trọc cũng dính vào vụ án đất đai của Cựu Đô Đốc, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến. Từ Bộ Giao thông và vận tải đến Bộ Quốc phòng, ông này đều dính. Có thể nói, quan chức cộng sản và nhóm doanh nghiệp sân sau có những mối quan hệ phức tạp khó mà moi ra hết. Nếu ông Trọng moi không khéo thì có thể moi đối thù thì lại lòi ra phe mình.

Ai sẽ xét xử Đinh La Thăng ?

Chủ tọa phiên tòa là Phó tòa hình sự Huỳnh Văn Trực. Ngoài hội đồng xét xử 5 người còn có thẩm phán dự khuyết Nguyễn Văn Hậu. Giữ vai trò công tố là kiểm sát viên Nguyễn Mạnh Thường, Lê Hữu Ngọc, Tô Hữu Thông, Ngô Phạm Việt và Trần Thị Liên. Trong đó có 2 công tố viên dự khuyết.

Để phục vụ việc xét xử, tòa cũng triệu tập 24 công ty, cá nhân với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Bộ Giao thông và vận tải được xác định là bị hại trong vụ án. Lần này lực lượng bị cáo và nhân chứng ra tòa khá đông. Vì vậy lực lượng luật sư bào chữa cũng đông không kém, có hơn 40 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho người liên quan. Riêng ông Thăng có 6 luật sư.

Cáo trạng xác định, dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương được hình thành từ nguồn vốn ngân sách, khoảng 9.800 tỷ đồng, nên việc bán quyền thu phí là bán tài sản Nhà nước. Ông Thăng là người đứng đầu Bộ Giao thông và vận tải – được giao quản lý tài sản, đã ký văn bản số 7331 đề nghị tìm đối tác để bán quyền thu phí tại dự án này.

Thời Nguyễn Tấn Dũng, Bộ Giao thông và vận tải của Đinh La Thăng là một ổ tham nhũng. Chẳng lẽ Nguyễn Tấn Dũng không có chút quyền lợi nào trong những thương vụ khủng như vậy sao ?

dlt7

Đinh La Thăng bị xử nhưng Nguyễn Tấn Dũng thì vẫn ung dung

Vụ án tiêu cực này xảy ra đã lâu nhưng đến bây giờ mới xử là một yếu tố cho thấy, cơ quan cảnh sát điều tra đã bất lực nên họ mới quần ông cựu bộ trưởng bộ Giao thông và vận tải này lâu đến vậy. Sắp nghỉ hưu rồi, ông Nguyễn Phú trọng đành cho đem ra xử vụ này chứ thực chất, kết quả điều tra không làm thỏa mãn được ông ta.

Cụ thể sai phạm như thế nào ?

Tháng 2/2012, ông Thăng chỉ đạo Dương Tuấn Minh (nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, thuộc Bộ Giao thông và vận tải) để công ty của Đinh Ngọc Hệ (kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính) mua được quyền thu phí.

Hành vi này của ông Thăng được cho là "phớt lờ" các quy định về quản lý tài sản Nhà nước và chuyển giao quyền thu phí. Tức là, ông Thăng nhận thức rất rõ đây là tài sản đặc thù, có giá trị lớn, cần tìm đối tác có năng lực tài chính để tối ưu hóa việc bán quyền thu phí, nhưng vẫn giúp công ty đang thua lỗ của Út "Trọc".

Quá trình tổ chức đấu giá, ông Thăng ký quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí và Tổ thường trực giúp việc, giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường làm Chủ tịch. Toàn bộ hoạt động xây dựng hoàn thiện đề án và kết quả bán đấu giá được ông Trường báo cáo Bộ trưởng. Thông qua các tài liệu này, ông Thăng biết việc bán đấu giá không thực hiện đúng quy định của pháp luật, để Công ty Yên Khánh trúng thầu theo ý định ban đầu của mình.

Theo cơ quan điều tra, ông Thăng biết Công ty Yên Khánh không thanh toán tiền trúng đấu giá như cam kết, vi phạm quy chế bán đấu giá, hợp đồng phải bị chấm dứt trước hạn và trả lại quyền thu phí cho Nhà nước. Tuy nhiên, khi được Dương Minh Tuấn báo cáo, ông Thăng không chỉ đạo chấm dứt trước hạn hợp đồng mà còn yêu cầu "để doanh nghiệp trả từ từ".

Ngoài ra, ông Thăng còn bút phê đề xuất để Công ty Yên Khánh làm nhà đầu tư xây dựng bổ sung hai nút giao thông trên tuyến nối Tân Tạo – Chợ Đệm và đề nghị cho công ty này cấn trừ vào tiền phải thanh toán theo hợp đồng mua quyền thu phí, dẫn đến việc doanh nghiệp tiếp tục không thanh toán đúng quy định.

Nhờ sự giúp đỡ của ông Thăng, Nguyễn Hồng Trường và nhiều người khác, Út "Trọc" đã chiếm đoạt, hưởng lợi tổng cộng 725 tỷ đồng của Nhà nước.

dlt8

Út Trọc, kẻ dính đến nhiều dự án vốn ngân sách từ chính phủ

Câu hỏi đặt ra là, ai đã bảo kê cho Đinh La Thăng và nhóm sân sau này tự động bán tài sản nhà nước ? Chẳng lẽ ông Nguyễn Tấn Dũng bù nhìn hay sao mà không phát hiện ra trò gian lận như vậy ? Hỏi cũng là trả lời, Nguyễn Tấn Dũng không hề bù nhìn, ông ta thường nhúng tay vào hầu hết các dự án vốn ngân sách mà chính phủ làm chủ đầu tư. Chính vì vậy khi ông ta không còn làm thủ tướng đã để lại cho đất nước một đống nợ và các dự án hoang phí. Vậy mà Nguyễn Phú trong tời giờ vẫn không làm gì được ông ta.

Giải thích của giới luật sư về vụ án, Nguyễn Tấn Dũng liên quan như thế nào ?

Trả lời VnExpress, luật sư Hoàng Văn Doãn (Đoàn luật sư TP Hà Nội, bảo vệ ông Thăng) cho biết, sức khỏe thân chủ ổn định trước phiên toà. Đối với nội dung cáo trạng quy kết "phải chịu trách nhiệm chính về toàn bộ các sai phạm", ông Thăng cho là "vô lý, không thuyết phục".

Bởi sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng đồng ý giao cho Bộ Giao thông và vận tải thực hiện việc bán quyền thu phí đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương, ông Thăng đã ký quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá và Tổ thường trực giúp việc, giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường làm Chủ tịch Hội đồng. Sau đó, ông Trường giao Công ty Cửu Long ký hợp đồng mua bán quyền thu phí với Công ty Yên Khánh. Ngày 22/6/2015, khi thực hiện Hợp đồng, Thứ trưởng (nay là Bộ trưởng Giao thông Vận tải) Nguyễn Văn Thể mới xin ý kiến của ông Thăng.

Ngày 23/6/2015, ông Thăng có bút phê "đề nghị anh Thể chỉ đạo giải quyết theo đúng hợp đồng hai bên đã ký và đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước Tổng công ty Cửu Long". Cho nên, hành vi cáo buộc ông Thăng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí là không khách quan, không có căn cứ.

Năm 2018, ông Thăng bị phạt 30 năm tù trong hai vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương. Hồi đầu năm, ông tiếp tục bị đề nghị truy tố trong vụ án chỉ định nhà thầu thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ, gây thiệt hại hơn 600 tỷ đồng.

dlt9

Dù sai phạm động trời, Nguyễn Tấn Dũng vẫn cười ngạo nghễ

Như vậy là đã rõ, ông Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý thì Đinh La Thăng mới thực hiện. Trong 2 người, một kẻ chủ trương và một kẻ thi hành thì kẻ chủ trương tội phải nặng hơn. Nguyễn Tấn Dũng chủ trương, Đinh La Thăng thi hành nhưng người gánh tội chỉ có Đinh La Thăng còn Nguyễn Tấn Dũng thì vô can.

Nguyễn Văn Thể liên quan đến vụ án này như thế nào ?

Tại dự án này, nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan, nhưng đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải (Giao thông và vận tải) Nguyễn Văn Thể (thời gian đó làm thứ trưởng) có xin ý kiến và thực hiện hợp đồng theo chỉ đạo "bút phê" từ ông Thăng. Không biết ông Thể được ai đỡ đầu mà vẫn ngồi vào ghế bộ trưởng bộ Giao thông và vận tải bất nhấp rất nhiều sai phạm.

Theo báo Vietnam Finance thì ôngBộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng có phần trách nhiệm khi thực hiện chỉ đạo theo "bút phê" của ông Đinh La Thăng chứ khôngb thể vô can.

Cụ thể, dù ông Đinh La Thăng có ký quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá và Tổ thường trực giúp việc, giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường làm Chủ tịch Hội đồng.

Nhưng sau đó, ông Trường giao Công ty Cửu Long ký hợp đồng mua bán quyền thu phí với Công ty Yên Khánh. Ngày 22/6/2015, khi thực hiện Hợp đồng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể (nay là Bộ trưởng Giao thông Vận tải) mới xin ý kiến của ông Thăng.

Ngày 23/6/2015, ông Thăng có bút phê "đề nghị anh Thể chỉ đạo giải quyết theo đúng hợp đồng hai bên đã ký và đúng quy định của pháp luật".

dlt10

Nguyễn Văn Thể vẫn bình an

Thời điểm đó, với cương vị cấp dưới ông Thể buộc phải thực hiện hợp đồng theo nhiệm vụ cấp trên. Tuy nhiên, cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước Tổng công ty Cửu Long.

Cấp trên ông Đinh La Thăng chủ trương thì không sao, ông Đinh La Thăng thực hiện và trong đó có Nguyễn Văn Thể trợ giúp vậy mà mình Đinh La Thăng bị truy tố còn Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Văn Thể bình an vô sự. Với ông Dũng thì ông Trọng không đánh nổi, nhưng với ông Thể tại sao Nguyễn Phú Trọng để yên ? Vậy nên ai còn tin sự công mình của ông Nguyễn Phú trọng thì nên xem lại. Ông ta chỉ lựa người mà đánh chứ không phải ai sai phạm ông ta cũng đánh. Đó là bản chất của cái gọi là "chống tham nhũng không có vùng cấm" của ông Trọng.

Nguyễn Duy (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 15/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Thủy, Nguyễn Duy
Read 618 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)