Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/12/2020

Lại chỉ thị cấm tặng quà Tết cho cấp trên

Cao Nguyên

Ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư vừa ký ban hành chỉ thị 48-CT/TW năm 2020 về việc tổ chức tết năm 2021. 

cam1

Hình minh hoạ. Người bán hàng quà tặng Tết trên đường phố Hà Nội - AFP

Trong đó, điều 4 của chỉ thị này quy định các cán bộ nhà nước không được tổ chức đi thăm, chúc tết cấp trên và lãnh đạo các cấp, nghiêm cấm biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức, không đi lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công, không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi. 

Ông Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra trả lời mạng báo VOV về chỉ thị này rằng "việc biếu, tặng quà là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, biểu lộ thành ý kính trọng, tri ân với những người thân thiết, giúp đỡ mình hoặc giữa những người có mối quan hệ trong làm ăn, buôn bán với nhau.

Tuy nhiên, việc tặng quà đã bị lạm dụng, biến tướng ngày càng tinh vi, khó lường, lợi dụng biếu xén để tranh thủ cơ hội nhằm hối lộ, chạy quyền, chạy chức…

Thời gian qua, tình trạng này đã diễn ra khá nhiều nhưng việc kiểm tra, giám sát trong thực tế lại gặp không ít khó khăn bởi việc tặng quà biến tướng ngày càng tinh vi".

"Thiếu gì dịp khác để đút lót, tham nhũng"

Bà Lê Hiền Đức, người được tổ chức Minh bạch Thế Giới trao giải thưởng Công dân Liêm Chính hồi năm 2007 nêu quan điểm rằng chuyện tặng quà tết cho nhau không có gì xấu cả. Còn cái lệnh ban hành cấm biếu quà tết thì người ta có thiếu gì cách khác để đút lót, chạy chọt chuyện cá nhân :

"Việc cấm như thế chỉ là một cái lệnh thôi. Còn cái người biếu và người nhận móc nối với nhau thì chả có anh nào kiểm tra được. Nên lệnh là một chuyện nhưng có làm được hay không. Chẳng hạn tôi với bạn thân nhau, tôi biếu bạn một tí là tình cảm thì không sao cả, nhưng mà biếu để nhờ vả, xin xỏ việc nọ việc kia đó mới là cái đáng cấm.

Chẳng cần phải là quà tết mà thiếu nhiều lúc người ta gặp nhau để biếu nhau. Ví dụ bây giờ tôi cần lên chức thì không cần phải đến tết tôi cũng mang đến để biếu".

Giảng viên học viện Âm nhạc Huế Dương Bích Hà cho biết cái chỉ thị như vậy năm nào cũng có. Tuy nhiên, việc cấm biếu quà không thực tế, chỉ là hình thức, là khẩu hiệu, không thể làm giảm được vấn nạn hối lộ, tham nhũng trong công quyền. Không cần đợi đến tết, người ta có thể "tặng quà" cho sếp bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và nhiều hình thức khác nhau :

"Theo mình đánh giá thì đó cũng chỉ là một cái lệnh hình thức thôi, chứ thực tế thì đâu có ai thực hiện theo cái chỉ thị đó. Ngày nay, thậm chí chức quyền càng to thì người ta càng thực hiện cái trò đó nhiều hơn. 

Nói chung, sau lệnh cấm đó thì bây giờ người ta tìm kiểu khác, quà cáp sang kiểu khác. hiện nay, có hiện tượng là tất cả quà cáp được quy ra thành tiền và đi phong bì hết.

Thực tế tất cả mọi người đều biết vẫn có hiện tượng quà cáp nhưng mình chỉ biết được đối tượng nào thường đi quà cho sếp, còn chuyện người ta đi vào lúc nào thì mình không biết được".

cam2

Hình minh hoạ. Cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son tại phiên tòa ở Hà Nội hôm 20/12/2019. Ông Son bị kết án tù vì tội nhận hối lộ. Hình TTXVN

Một ví dụ điển hình về chuyện đưa hối lộ, "biếu xén quà tết", với số tiền được báo chí nhà nước cho là "lớn chưa từng có" là vụ đại án MobiFone mua lại AGV, xét xử hồi tháng 4/2020.

Trong vụ án này, bị cáo Lê Nam Trà, nguyên là Chủ tịch công ty MobiFone khai đã nhận từ Phạm Nhật Vũ 2,5 triệu đô-la Mỹ. Trong đó có phong bì quà tết gởi đến văn phòng làm việc trị giá 500 ngàn đô. Với 2 triệu đô còn lại, ông Vũ bỏ vào 2 thùng carton chứa hoa quả gởi đến nhà riêng cho ông Nam Trà.

Sau đó, ông Trà 2 lần gởi tổng cộng 700 ngàn đô cho Nguyễn Bắc Son, khi đó là Bộ trưởng Thông tin truyền thông. Trong đó có 500 ngàn đô-la Mỹ là "quà tết". 

"Rất khó sống nếu không quà cáp, biếu xén" 

Bà Lê Hiền Đức cho rằng, quan chức tham lam đã đành, nhiều người dân Việt Nam cũng đang góp phần làm cho vấn nạn hối lộ, tham nhũng trầm trọng hơn :

"Tôi đang giúp cho cái ông kia mất 590 triệu, tức là gần 10 tiền lương để xin cho con ông ấy vào công an, vào chỗ này chỗ kia nhưng có vào được đâu. Cả 3,4 năm nay rồi".

Theo bà Dương Bích Hà, sống trong một xã hội như Việt Nam, từ dân cho đến quan chức, không ai muốn được thăng tiến mà không cần đến "chạy chọt, đút lót".

Người dân chạy xe máy ra đường gặp cảnh sát giao thông phải "đút túi" cảnh sát vài trăm ngàn để được đi cho nhanh, khỏi bị kiểm tra phiền phức. Cho đến học sinh tiểu học cũng sẽ bị giáo viên "tỏ thái độ" nếu phụ huynh lỡ quên tặng quà cho thầy cô giáo :

"Thực tại bây giờ, hầu như tất cả các cơ quan, đoàn thể từ trung ương đến địa phương người nào được cấp trên cất nhắc đều có vấn đề hết. Những ai không có vấn đề thì bị gạt ra ngoài luồng đó.

Ở Việt Nam mình có câu "trên không nghiêm thì dưới không nghiêm". Bây giờ, một xã hội loạn như vậy. Cấp trên đã không nghiêm chỉnh thì không thể nào tránh khỏi những việc này. Với một chính quyền như hiện tại thì sẽ không bao giờ thay đổi một cái gì cả. Điều đó vẫn sẽ mãi tồn tại thôi.

Cái tình trạng gọi là "đảng trị" làm cho mọi người bị nhu nhược, ai cũng sợ bị động đến quyền lợi của mình cả. Không ai dám lên tiếng. Bởi vì lên tiếng là vào tù, là sẽ bị trù dập, bị mất quyền lợi… thì chả ai dám dại gì mà mở miệng ra cả. Người ta sống từ trên xuống dưới đều bằng kiểu đó.

Theo góc nhìn của mình thì rất khó để đưa ra một cái giải pháp gì. Ngoại trừ trường hợp thay đổi thể chế. Nếu không thì vẫn sẽ tồn tại một xã hội từ trên xuống dưới đầy tiêu cực và tham nhũng, không bao giờ thóa t khỏi được cả".

Theo điều 364, Bộ luật hình sự năm 2015 về tội Đưa hối lộ quy định "Người nào trực tiếp hay qua trung gian đưa cho người có chức vụ, quyền hạn để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm".

Quy định riêng dành cho cán bộ, công chức được ban hành từ năm 2007 ghi rằng, nếu biếu quà tết dưới 2 triệu đồng, dù chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cán bộ, công chức tặng quà và người nhận quà cũng có thể bị xử lý kỷ luật.

Cao Nguyên

Nguồn : RFA, 21/2/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Cao Nguyên
Read 573 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)