Đại hội 13 : Tiếp tục cải cách như thế nào trong bối cảnh ‘trật tự mới’ ?
Toàn cầu hóa là kết qủa của quá trình biến đổi và tiến hóa lịch sử, trong đó mô hình toàn cầu hóa kinh tế tân tự do mang tính thời đại, tạo ra chu kỳ phát triển mạnh mẽ của thế giới, kéo dài nửa thế kỷ tính từ cuối những năm 1970. Việt Nam là một trong số các quốc gia "đồng hành" với chu kỳ này nhờ cải cách đã hưởng lợi để thúc đẩy tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, sự thay đổi mang tính bước ngoặt đang diễn ra gần đây bởi những mâu thuẫn nội sinh và được tăng cường bởi thương chiến Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 khiến các quốc gia, trong đó có Việt Nam, buộc phải điều chỉnh chính sách trong bối cảnh "trật tự mới". Mặc dù "tiếp tục đổi mới" được cam kết trong Văn kiện Đại hội 13, nhưng như thế nào để chủ động thích ứng với sự thay đổi trên vẫn là câu hỏi lớn đối với các nhà cải cách.
Ảnh minh họa : Hội nghị Ban chấp hành Trung ương đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 14 hôm ngày 14/12/2020 - Nhân dân
Hưởng lợi từ toàn cầu hóa
Nhiều quốc gia, đặc biệt các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Land…, trong đó có Việt Nam, đã cải cách để hưởng lợi từ toàn cầu hóa tân tự do nhằm tăng trưởng kinh tế.
Toàn cầu hóa là kết quả của một quá trình tiến hóa lịch sử. Adam Smith (1723-1790) và David Ricardo (1772-1823), đã phân tích sự trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia dựa trên lợi thế so sánh nhờ chuyên môn hóa và phân công lao động. Sản xuất các hàng hóa không có lợi thế cần phải loại bỏ và sẽ nhập chúng từ nước ngoài. Do đó, tự do thương mại cho phép người tiêu dùng có thể tiếp cận với số lượng lớn các sản phẩm tốt và rẻ hơn vì được sản xuất hiệu quả hơn. Nhờ thế, theo lý thuyết này thương mại quốc tế mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, toàn cầu hóa theo trường phái kinh tế tân tự do vượt qua các rào cản biên giới quốc gia bất chấp khác biệt thể chế được cho là đã khởi đầu từ cuối những năm 1970 và phát triển mạnh từ đầu những năm 1990. Ngoài việc mở rộng thương mại giữa các quốc gia, các làn sóng đầu tư trực tiếp và gián tiếp bởi các công ty từ các nước phát triển đến các nước kém phát triển hơn đã "bùng nổ".
Một trong các đặc điểm quan trọng của giai đoạn này là không phải các quốc gia buôn bán với nhau mà chính là các công ty, và nhiều quốc gia đã phải nhường chỗ cho các tập đoàn đa quốc gia trong việc ấn định "luật chơi". Theo đó, việc sản xuất hàng hóa bởi các tập đoàn kinh doanh được phân chia thành nhiều giai đoạn và được thực hiện trên khắp thế giới dựa trên chi thấp của toàn bộ chuỗi giá trị của sản phẩm, từ thiết kế đến chế tạo. Bằng cách thức này, các tập đoàn được hưởng lợi, gia tăng lợi nhuận. Ví dụ, việc sản xuất chiếc iPhone hoàn chỉnh bao gồm ít nhất tám công đoạn sản xuất ở tám quốc gia khác nhau, từ thiết kế ở Hoa Kỳ đến lắp ráp tại Trung Quốc, bao gồm cả việc sản xuất màn hình cảm ứng hoặc bộ xử lý ở Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Đài Loan... Sự thay đổi này đã dẫn đến hệ quả là sự giàu có của quốc gia theo các thước đo truyền thống đã suy giảm và quyền lực của các tập đoàn xuyên quốc gia đã tăng mạnh đối với nền kinh tế toàn cầu…
Toàn cầu hóa tác động đến mọi quốc gia, tuy nhiên sự "đồng hành" và khả năng hấp thụ, trong đó có việc nắm bắt các cơ hội để phát triển, lại tuỳ thuộc vào chính sách và thể chế của mỗi nước. Trung Quốc đã thực hiện chính sách cải cách và mở cửa sớm, hơn nữa với năng lực hấp thụ đầu tư nước ngoài với chính sách thực dụng "mèo trắng, mèo đen" đã giúp nước này hưởng lợi lớn để tăng trưởng thần kỳ. Tương đồng về chế độ chính trị, nhưng Việt Nam đã bỏ lỡ thời cơ để "bứt phá", thậm chí, như cố Thủ tướng Singapore từng nhận xét, còn bị níu kéo bởi ý thức hệ xã hội chủ nghĩa giáo điều.
Thay đổi bước ngoặt
Theo các nhà nghiên cứu, mô hình toàn cầu hóa tân tự do đã "tới giới hạn" và đang chu kỳ đi xuống. Năm 1970, xuất khẩu thế giới chiếm 13,65% GDP, tăng lên 30,76% trong năm 2008, thời điểm khủng hoảng kinh tế thế giới, và sau đó chỉ còn khoảng 25% trong giai đoạn 2014-2016. Hai hiện tượng đi kèm với sự thay đổi này, đó là cuộc khủng hoảng sản xuất và sụt giảm tiêu dùng xuất phát từ mâu thuẫn nội sinh của chủ nghĩa tư bản, khi liên tục cần tìm các thị trường tiêu thụ mới để kiếm lợi nhuận.
Trong khi sản xuất công nghiệp đã chậm lại trên toàn thế giới, thì Trung Quốc, quốc gia hưởng lợi nhiều trong các chuỗi giá trị toàn cầu, vẫn tăng trưởng. Tỷ lệ giá trị gia tăng của nước này đối với hàng hóa cuối cùng được sản xuất đã không ngừng tăng lên kể từ khoảng 5% năm 2005, tăng từ mức dưới lên gần 25% năm 2019. Nhiều nước trên thế giới phải phụ thuộc vào chuỗi cung từ Trung Quốc với mức độ khác nhau. Năm 2017, xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc chiếm 16,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới…
Cuộc thương chiến Mỹ - Trung leo thang căng thẳng là biểu hiện đặc trưng của giai đoạn khủng hoảng toàn cầu hóa hiện nay. Trung Quốc trỗi dậy hung hăng, tranh giành lãnh thổ, lãnh hải bất chấp luật lệ quốc tế, ngoại giao "chiến lang" như kiểu với nước Úc, nội trị kiểu vi phạm cam kết "một quốc gia, hai chế độ" đối với Hồng Kông, vi phạm chuẩn mực dân chủ tự do phổ quát đối với các vùng tự trị Tân Cương, Nội Mông… Chính phủ D.Trump từ 2018 đã đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế như gia tăng thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, cấm vận nhiều công ty và phong toả tài khoản và hạn chế nhập cảnh quan chức đảng cộng sản… có liên quan đến các hành vi nêu trên của chính quyền Bắc Kinh. Nhiều rào cản trong chính sách đầu tư nước ngoài được dựng lên từ cả hai phía chắc chắn ảnh hưởng tới làm toàn cầu hóa suy yếu thêm nói chung và làn sóng đầu tư nói riêng.
Ngoài ra, đại dịch Covid-19 mặc dù không trực tiếp gây ra "khủng hoảng" toàn cầu hóa này, những đã làm cho nó tăng tốc và bộc lộ một cách mạnh mẽ. Suy giảm kinh tế, đứt gãy chuỗi giá trị toàn cầu, thay đổi chuẩn mực hành vi cá nhân và xã hội do phong toả kéo dài để đối phó với dịch bệnh…
Biểu hiện của bước ngoặt thay đổi này là các chính phủ đang nỗ lực giành quyền lực để mạnh lên trước các tập đoàn xuyên quốc gia. Ngoài ra, xu thế đối đầu ý thức hệ đang gia tăng. Và hệ quả của nó có thể sẽ chấm dứt cuộc chơi "cả hai bên cùng có lợi (win-win)". Các quốc gia buộc phải điều chỉnh chính sách trong bối cảnh "có kẻ thắng và người thua" đồng thời với việc khắc phục những hậu quả về ô nhiễm môi trường, bất công về việc làm và thu nhập, vi phạm về nhân quyền và dân chủ… Vậy Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách như thế nào trong bối cảnh toàn cầu hóa thay đổi bước ngoặt ?
Tiếp tục cải cách
Không khí "hồ hởi sảng" dựa trên "khát vọng" dân tộc, ý chí và quyết tâm chính trị… trước Đại hội 13 thay vì một tư duy chiến lược dựa vào tầm nhìn trong bối cảnh quốc tế biến đổi phức tạp có thể khiến chính sách cải cách mang tính chủ quan. Xin nêu một vài ý kiến gợi mở dưới đây và mong được thảo luận và cân nhắc khi hoạch định chính sách.
Một là, trong bối cảnh kinh tế thế giới "u ám" do đại dịch Covid-19 thành tích tăng trưởng GDP "dương" hơn 2% của Việt Nam đạt được nhờ chính sách "thực dụng" và nỗ lực tập trung quyền lực chống tham nhũng, tuy nhiên việc cải cách thể chế chính trị phù hợp với thể chế kinh tế thị trường như thế nào vẫn là câu hỏi lớn. Ví dụ, "lồng cơ chế" để nhốt quyền lực vẫn là ý tưởng phác thảo hơn là một bản thiết kế chi tiết ;
Hai là, nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư nước ngoài vốn là nội dung của quá trình toàn cầu hóa kinh tế tân tự do, nay đang "sụp đổ". Bởi vậy, liệu có thể có mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn nếu khống tính đến sự thay đổi này ?
Ba là, các kết quả về thặng dư thương mại tăng nhanh, trên 58 tỷ USD trong 12 tháng qua, và vốn đầu tư vẫn gia tăng chỉ không thể coi là nội lực, bền vững, mà chủ yếu là nhờ sự dịch chuyển sản xuất của một số công ty nước ngoài ra khỏi Trung Quốc và do đứt gãy nguồn cung do đại dịch Covid-19 ;
Bốn là, thiếu vắng lộ trình cải cách thể chế chính trị, đặc biệt về các quyền tư do dân chủ, quyền con người, quyền hội họp và biểu tình… được hiến định. Trước sự thay đổi về toàn cầu hóa các hiệp định tự do thương mại và đầu tư ngày càng yêu cầu chuẩn mực cao trong lĩnh vực này…
Mới đây Chính phủ Mỹ vừa "dán nhãn" thao túng tiền tệ, trừng phạt công ty vận tải Việt Nam liên quan đến lệnh cấm vận Iran, và trước đó, năm 2018 và 2019, đã áp thuế trừng phạt đối với các sản phẩm thép do Việt Nam sản xuất… Các động thái như vậy có thể "dấu hiệu cảnh báo" về sự ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa thay đổi bước ngoặt.
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 21/12/2020