Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/12/2020

Tư pháp Việt Nam : công cụ hay đệ tam quyền ?

RFA tiếng Việt

Tòa án Việt Nam có thể trở nên thành trì bảo vệ công lý như ao ước ?

RFA, 22/12/2020

"Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy tòa án theo hướng khoa học, hiện đại, tinh gọn, bảo đảm tính ổn định, phù hợp với thực tế, hoạt động hiệu quả. Phấn đấu xây dựng TAND xứng đáng trở thành ‘thành trì bảo vệ công lý’..".

Đó là phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021, do Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức trực tuyến hôm 21/12/2020... Hội nghị có 10.000 người dự, trong đó có 6.000 thẩm phán các cấp tại gần 800 điểm cầu trực tuyến.

tuphap01

Biểu tượng cho công lý. - AFP

Liệu Tòa án Nhân dân Việt Nam có thể là thành trì bảo vệ công lý như lời ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi những năm qua đã xảy ra nhiều vụ án oan sai gây bức xúc trong dư luận. Chưa kể nhiều vụ án bị chính trị hóa, quy kết tội vi phạm an ninh quốc gia với những bản án bỏ túi.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, nói với RFA hôm 22/12 về vấn đề này :

"Tòa án lẽ ra phải là thành trì của Công lý ! Và Công lý luôn là khát khao cháy bỏng nơi người dân Việt.

Tuy nhiên, khi mà ở Việt Nam hiện nay hoạt động của Tòa án được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tiêu chuẩn chính trị của thẩm phán phải là đảng viên thì tính độc lập của Tòa án chỉ là khẩu hiệu và tồn tại trên câu chữ mà thôi ! Và lẽ cố nhiên, Tòa án mà không độc lập thì việc xét xử không thể tránh được oan sai và câu chuyện oan sai vẫn là điệp khúc bất tận trong môi trường pháp luật Việt Nam".

Đơn cử một số vụ được nhiều người quan tâm như vụ án Hồ Duy Hải kêu oan hơn hàng chục năm qua. Hồ Duy Hải ở Long An bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh ‘giết người, cướp tài sản’ tại cả ba phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và cả giám đốc thẩm. Tuy nhiên, hàng loạt những sai phạm trong quá trình điều tra, trong các phiên tòa được các luật sư và các nhà quan sát chỉ ra nhưng các chủ tọa đã không quan tâm, và giữ nguyên bản án đã tuyên trước đó.

Trước đó cũng có nhiều vụ án oan sai như vụ ông Hàn Đức Long bốn lần bị kết án tử hình dù vô tội. Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án chung thân với tội giết người dù liên tục kêu oan, sau 10 năm ngồi tù oan, ông mới được hủy hai bản án kết tội ông giết người.

Hay ông Huỳnh Văn Nén, người được xem là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan, gần 17 năm ngồi tù oan, và chỉ được đình chỉ điều tra sau khi công an tìm ra hung thủ giết người.

Mới nhất là vào ngày 12/10/2020, VKSND tỉnh Tây Ninh đã trao hơn 6 tỷ đồng tiền bồi thường cho các nạn nhân bị hàm oan 41 năm trong vụ án ‘Cướp tài sản riêng của công dân’. Vụ án oan này đã khiến cả gia đình tám người bị bắt vào cuối tháng 7 năm 1979 và có hai người đã chết không được nhận bồi thường.

Từ Sài Gòn hôm 22/12, Luật sư Đặng Đình Mạnh khi trả lời RFA qua tin nhắn cho biết, Tòa án có chức năng bảo vệ công lý. Nhưng khi người đứng đầu chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi xây dựng Tòa án Nhân dân thành ‘thành trì bảo vệ công lý’ là đã tái xác nhận một thực trạng đáng buồn về hệ thống tòa án Việt Nam đã chưa đáp ứng được chức năng chính yếu của mình. Luật sư Mạnh cho biết tiếp :

"Qua đó, tôi cho rằng lời kêu gọi của ông Phúc rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay và tôi cũng mong ông ấy sẽ có những hành động thiết thực, cụ thể để cải cách hoạt động tòa án chứ không dừng lại ở lời kêu gọi.

Vài vấn đề mang tính cơ bản có thể giúp cải cách hoạt động tòa án mà chính quyền có thể cho nghiên cứu, điển chế để vận dụng ngay, như :

- Bảo đảm tính độc lập xét xử. Hiện nay, tôi tin rằng sự tồn tại các tổ chức nội chính tỉnh/thành, các hoạt động "chỉ đạo án" hay "duyệt án"… đang làm ảnh hưởng đến tính độc lập xét xử của tòa án.

- Thẩm phán có nhiệm kỳ suốt đời và được đãi ngộ xứng đáng để họ có thể toàn tâm, toàn ý với nghề nghiệp của mình.

- Bảo đảm tuyệt đối hoạt động tham gia tố tụng của luật sư.

- Thành lập tòa bảo hiến.

- Tách việc quản lý giam giữ nghi phạm ra khỏi hệ thống công an hoặc có thể giám sát, kiểm tra được".

Cũng tại Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021, Tòa án nhân dân tối cao báo cáo trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, các tòa án đã thụ lý hơn 2 triệu vụ việc. Ngành tòa án trong năm 2020 cũng đã xử lý nghiêm nhiều vụ án lớn với các bị cáo là người có chức vụ cao như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn… Tuy nhiên cơ quan đứng đầu ngành Tố tụng không nói về các bản án oan sai mà dư luận đặc biệt quan tâm.

Luật sư Phạm Công Út, hiện sống tại Sài Gòn, giải thích với RFA hôm 22/12 về cơ chế tố tụng tại Việt Nam :

"Tôi nghĩ đó là ước ao của Thủ tướng, nhưng cơ chế pháp luật đặc biệt là tố tụng rất khó bảo vệ công lý bởi vì họ có những vấn đề nhạy cảm về chính trị. Ví dụ như những vụ án hình sự thông thường như gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, trốn thuế....nhưng biến thành một vụ án chính trị. Khi như vậy, dù không phải là phiên tòa an ninh quốc gia, nhưng khi người ta chính trị một vụ thường án... thì nó không khác gì một phiên tòa an ninh quốc gia. Từ đó an ninh thắt chặt, và người bị quy kết đã giống như có tôi khi họ họp với nhau, chứ không phải khi bản án tuyên có hiệu lực pháp luật".

Còn vấn đề thứ hai, theo Luật sư Út là vấn đề tố tụng của Việt Nam là sự pha trộn của tố tụng Xã hội Chủ nghĩa (xã hội chủ nghĩa), nó mang tính xét hỏi nhiều hơn là tính tranh tụng. Trong khi Việt Nam có ký kết một số công ước Liên Hiệp Quốc, và cũng có tiến hành sửa luật nhưng không đáp ứng được hiện thực tiến hành tố tụng. Ông đưa ra dẫn chứng :

"Ví dụ như chống tra tấn, phải ghi âm ghi hình, được từ chối trả lời nếu không có luật sư... Nhưng mà khi người ta đã chính trị hóa một vụ thường án thì luật sư không được sao chụp tài liệu, không được tham gia từ đầu cho tới cuối. Hay ví dụ vụ án giết người ở Đồng Tâm, thì người ta chính trị hóa nó thành vị trọng án, nó không phải vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, nhưng các luật sư tham gia bị hạn chế một số quyền tiếp cận hay quyền của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nó hạn chế rất nhiều so với các vụ trọng án khác, không phải là một phiên tòa xét có tội hay không và sau đó có một phiên tòa khác tuyên mức án. Mà phiên tòa này ở Việt Nam từ sơ thẩm kết tội đến kết án trong cùng một phiên tòa. Như vậy nó mang mô hình xã hội chủ nghĩa".

Trong vụ án "Giết người" và "chống người thi hành công vụ" xảy ra vào rạng sáng ngày 9/1/2020 ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Hà Nội... Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội trong phiên xử diễn ra vào ngày 14/9/20, đã ra phán quyết đối với 29 người.

Trong 6 người đã bị cáo buộc tội ‘giết người’, có 2 người bị tuyên tử hình là ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức, đều là con trai cụ Lê Đình Kình. Ông Lê Đình Doanh, cháu nội cụ Lê Đình Kình, nhận án chung thân. Ông Bùi Viết Hiểu 16 năm tù, Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù và Nguyễn Văn Tuyển 12 năm tù. 23 bị cáo còn lại nhận án từ 15 tháng tù treo đến 6 năm tù giam về tội ‘Chống người thi hành công vụ’.

Người dân Đồng Tâm và các luật sư đều cho rằng các bản án tuyên cho người dân Đồng Tâm đều là oan sai.

Tôi nghĩ đó là ước ao của Thủ tướng, nhưng cơ chế pháp luật đặc biệt là tố tụng rất khó bảo vệ công lý bởi vì họ có những vấn đề nhạy cảm về chính trị.
-Luật sư Phạm Công Út

Sau này, Việt Nam đã có cải cách tư pháp, lấy tranh tụng tại phiên tòa làm trọng tâm của bản án. Tuy nhiên theo Luật sư Phạm Công Út, việc tranh tụng thì luật sư bị dẫn giải ra khỏi phòng tranh tụng rất nhiều. Nếu luật sư đó bị chủ tọa cho rằng luật sư đó không đi vào trọng tâm, sẽ bị nhắc nhở nhiều lần và áp giải ra ngoài. Tuy nhiên ông Út nói tiếp :

"Luật không quy định là nếu không đi vào trọng tâm, bị nhắc nhở nhiều lần thì cảnh sát bảo vệ tư pháp sẽ áp giải ra ngoài. Mà hình ảnh các luật sư bị áp giải ra ngoài rất nhiều, trong khi các luật sư cho rằng mình đi vào trọng tâm. Trong cải cách tư pháp, phiên tòa xét xử phải có camera ghi hình, phải lưu lại, nếu có khiếu nại tố cáo thì lấy ra xem ai đúnh ai sai... Thì tòa vẫn có camera, nhưng áp dụng một cách tùy nghi, cảm tính, người ta không dám trích xuất các camera các phiên tòa có luật sư bị dẫn giải sau khi tranh luận gay gắt, dù đã có tiếng nói của Liên đoàn Luật sư Việt Nam".

Như vậy đó không chỉ là ao ước của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mà cũng là ao ước của người dân. Họ ao ước có một sự công bằng công lý tại phiên tòa. Đó là về hình sự, Luật sư Phạm Công Út cho biết thêm về vấn đề dân sự trong tố tụng ở Việt Nam :

"Vấn đề dân sự trong tố tụng ở Việt Nam trải qua một gia đoạn có sử đổi. Tuy nhiên theo một vị chánh án từng nói ‘án dân sự tại Việt Nam sử sao cũng được’... như vậy thì làm sao có công bằng. Sau sơ thẩm thì đúng ra người ta kháng cáo phúc thẩm, nhưng thậm chí người ta bị chặn đứng bằng các thủ thuật để không thể kháng cáo phúc thẩm. Đôi khi vấn đề sai sót của tòa sơ thẩm được đưa ra lúc kháng cáo, thì tòa phúc thẩm cũng cho qua luôn. Theo luật, việc sai phạm nghiêm trọng ở sơ thẩm, mà cấp phúc thẩm không thể nào khắc phục được thì phải hủy để xét xử lại".

Tuy nhiên theo Luật sư Út, có rất nhiều vụ như vậy khiến đương sự mất sự công bằng đối với mình. Thậm chí có đương sự đã tự kết liễu sao phiên xử. Do đó đối với Luật pháp Việt Nam, dù Việt Nam không có Tam Quyền Phân Lập, thì Luật sư Phạm Công Út vẫn chưa tin rằng sau lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc như một người đứng đầu hành pháp, chứ không đứng đầu về tư pháp... mà có thể chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là Viện Kiểm Sát và Tòa Án.

Nguồn : RFA, 22/12/2020

*************************

Vụ án Đồng Tâm : bất cập trong quyền sở hữu đất đai và tư pháp Việt Nam

RFA, 22/12/2020

Hơn 3 tháng sau khi một số bị cáo trong phiên tòa xét xử người dân xã Đồng Tâm đã được giảm án và trả tự do, những người này cho biết đến nay vẫn bị ám ảnh, hoảng loạn, mất ngủ bởi những gì họ trải qua trong lúc bị tạm giam.

tuphap02

Phiên tòa xử những người dân Đồng Tâm ở Hà Nội hôm 7/9/2020 - TTXVN

Bà Lê Thị Oanh, một người dân Đồng Tâm, chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do hôm 20 tháng 12. 

"Sau phiên sơ thẩm thì 14 người được về. Khi họ về họ bảo, họ không giám nói. Người dân ra đón ở đầu làng đêm hôm sau phiên tòa sơ thẩm thì ai cũng nói là không bị đánh, không bị làm sao cả".

Nhưng bà Oanh nói chỉ một thời gian sau khi được thả thì những người này mới dám tiết lộ sự thật, rằng họ bị ép ký và cam kết không được nói về những gì đã xảy ra trong lúc bị giam. Bà Oanh thuật lại một trường hợp mà bà chứng kiến ; tuy nhiên vì lý do an ninh nên không thể cho biết danh tính :

"Buổi đầu tiên cô gặp anh ấy, anh ấy cứ ngồi mà chân tay cứ rung. Có nghĩa là bị sợ. Cô mới hỏi vì sao anh ngồi nói chuyện mà cứ bị rung như thế thì anh chia sẻ là anh sợ, anh không ngủ được. Trong giấc ngủ cứ bị mơ màng về sự việc đã xảy ra. Nói chung ảnh hưởng tinh thần của mọi người rất lớn. Khi nhìn mọi người như vậy thì mình cảm thấy rất xót xa". 

tuphap03

Thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội hôm 20 tháng 4 năm 2017. (Reuters)

Vụ án Đồng Tâm khởi đầu khi lực lượng chức năng với hàng nghìn cảnh sát trang bị vũ khí tấn công vào khu dân cư thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020. Ba công an chết trong vụ đột kích này, và phía người dân, ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, bị bắn chết một cách bất minh. 

Sau đó 29 người dân bị bắt, nhiều phần là thân nhân gia đình ông Kình. Tại phiên tòa sơ thẩm bắt đầu vào ngày 9 tháng 9, kéo dài 7 ngày, Tòa án Nhân dân Tp Hà Nội đã tuyên án tử hình đối với hai người con của cụ Kình là ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức và tuyên án tù chung thân đối với người cháu của cụ, là ông Lê Đình Doanh. 

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) trong trả lời đài Á Châu Tự Do mới nhất có nhận định rằng vụ Đồng Tâm thể hiện hai lĩnh vực đặc biệt đen tối trong chính sách của chính quyền Việt Nam : là việc quản lý đất đai và một nền tư pháp thiếu mọi cơ sở công bằng.

Ông nói : "Điều mà vụ Đồng Tâm cho thấy là chính quyền sẽ không chấp nhận bất cứ thách thức nào đối với thẩm quyền của họ. Vụ này liên quan đến quyền đất đai, là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm.

Một điều nữa được thể hiện qua vụ án Đồng Tâm là sự kiểm soát hoàn toàn và tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với tòa án".

Xung đột giữa dân làng xã Đồng Tâm và chính quyền đã kéo dài trong nhiều năm, qua vụ tranh chấp liên quan đến khu canh tác nông nghiệp tại cánh đồng Sênh ở xã Đồng Tâm. Chính quyền Hà Nội cho đó là khu đất quốc phòng thuộc doanh nghiệp Viettel của quân đội Việt Nam. Ông Robertson nói sự phản kháng mạnh mẽ của người dân Đồng Tâm buộc Hà Nội phải "ra tay" :

"Chúng tôi không ngạc nhiên rằng cuối cùng chính quyền đã ra tay đàn áp họ. Đây gần như là một tình huống mà chính phủ không thể cho phép công khai thách thức tiếp diễn, bởi vì nếu không chính phủ sẽ mất uy tín về khả năng kiểm soát dân chúng. Đó là mối lo sợ thường xuyên của chính phủ Việt Nam".

Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong những luật sư được gia đình bị cáo mời bào chữa trong vụ án, cũng ghi nhận vấn đề tranh chấp đất đai ở Việt Nam sẽ còn tiếp diễn lâu dài nếu không có một thay đổi về pháp luật và quyền sở hữu đất đai. Ông nói :

"Đồng Tâm nó liên quan đến vấn đề sử dụng đất đai trong quan hệ giữa chính quyền và người dân. Ở đây chính quyền biết rất rõ là trong quan hệ sử dụng đất đai nó là một trong những điểm hết sức quan trọng. Nó tác động rất nhiều mặt khác".

Điều 4 Luật Đất đai 2013 quy định : "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý".

Theo quy định này thì nhà nước chỉ trao quyền sử dụng đất cho người dân. Luật sư Mạnh nói trong các trường hợp nhà nước thu hồi đất cho các dự án dù là quốc phòng hay công cộng, quyền lợi của người dân đều bị xem nhẹ. 

"Nó gây ra những bức xúc lớn trong xã hội và nếu chúng ta để ý thì chúng ta thấy những trường hợp dân oan từ tỉnh kéo về Hà Nội khiếu kiện, tôi có thể nói là trong 10 trường hợp, 9 trường hợp liên quan đến vấn đề đất đai cả. Tôi nghĩ chính quyền đã biết điều này, nhưng để có một thay đổi tốt hơn, tôi nghĩ chắc phải chờ một thời gian nữa".

Tuy nhiên cần phân biệt rõ giữa vụ án Đồng Tâm và quyền sở hữu của mảnh đất tranh chấp. Trong báo cáo Đồng Tâm, thực hiện bởi nhà báo Phạm Đoan Trang và nhà hoạt động Will Nguyễn, hai tác giả này nhấn mạnh, "Vấn đề tranh chấp đất ở khu vực cánh đồng Sênh (xã Đồng Tâm) và vụ tấn công của công an vào khu dân cư thôn Hoành (cũng xã Đồng Tâm) là hai vụ việc có bản chất pháp lý khác nhau, dù có liên quan với nhau nhưng phải được xem xét một cách độc lập về mặt pháp lý". Trong bản báo cáo, họ nói tiếp "Ngay cả khi cưỡng chế đất, thì vụ việc cũng phải theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật. Liệu cưỡng chế đất vào nửa đêm về sáng có phải là một trình tự hợp lý hay không ? Phương pháp cưỡng chế này gần với một hoạt động quản lý hành chính của nhà nước hay gần với một cuộc tập kích tiêu diệt kẻ thù hơn ?".

tuphap04

Ngày 9 tháng 1 sắp tới đánh dấu 1 năm sự kiện Đồng Tâm. 5 người trong vụ án đã làm đơn kháng cáo là ông Lê Đình Công và ông Lê Đình Chức, hai người bị tuyên án tử hình, ông Lê Đình Doanh (án tù chung thân), ông Bùi Viết Hiểu (16 năm tù) và ông Nguyễn Quốc Tiến (13 năm tù). Lịch xét xử phúc thẩm chưa được Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội ấn định, nhưng theo luật sư thì có lẽ nó được đặt vào thời điểm để tránh ảnh hưởng đến Đại hội thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam. 

Nhiều luật sư và các nhà quan sát trong và ngoài nước đánh giá phiên tòa sơ thẩm đã có nhiều sai sót về mặt tố tụng. Hàng chục tổ chức nhân quyền quốc tế, dân biểu các nước tự do cũng đã lên tiếng về phiên tòa được gọi là "bỏ túi". Các chuyên gia cũng không tỏ vẻ khách quan lắm với phiên tòa phúc thẩm sắp đến nói riêng cũng như về ngành tư pháp của Việt Nam nói chung.

Luật sư Mạnh nói : "Trong dịp Tết, năm tới sắp đến thì thường chúng ta có tâm lý chờ đợi sẽ có những điều tốt đẹp hơn, diễn biến tốt hơn cho đất nước và nhất là trong hoạt động tư pháp. Hy vọng thì cứ hy vọng thôi, mà cơ sở để có một sự thay đổi đột phá cho đến nay tôi vẫn chưa thấy nó lộ diện hoàn toàn".

Theo ông Phil Robertson của Human Rights Watch thì các phiên tòa phúc thẩm thường không thay đổi bản án sơ thẩm, đặc biệt trong các vụ án chính trị, trừ khi bị can hợp tác hoặc đặc biệt hữu ích đối với cán bộ. 

Ông Lê Đình Công, người bị tuyên án tử hình, ngày 15 tháng 12 nhắn với luật sư bào chữa rằng, ông "có chết cũng sẽ không nhận tội và (ông) sẽ không để cho (cán bộ điều tra) thỏa hiệp bất cứ chuyện gì". 

Ông Robertson khẳng định, cả nền tư pháp của Việt Nam là một vết đen cho một chính quyền đang muốn hòa nhập vào thế giới văn minh :

"Toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam không cho phép luật sư gặp thân chủ cho đến khi cuộc điều tra của công an kết thúc, là một tình huống có vấn đề. Việc xét xử tự do và công bằng ở Việt Nam có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt đối với những loại vụ án chính trị. Đây là một vết đen đối với hệ thống tư pháp và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế khi mà Việt Nam nổi tiếng như là một nước bị hoàn toàn kiểm soát bởi đảng cầm quyền".

Ngay trong nước, bà Lê Thị Oanh, người dân Đồng Tâm, chia sẻ người dân đã không còn tin tưởng vào chính quyền.

"Trước ngày 9 tháng 1, bản thân cụ Kình cũng như người dân Đồng Tâm hoàn toàn không hề có những bất đồng chính kiến gì chống phá chính quyền…Không hề. Thế nhưng đến khi sự việc xảy ra thì sự tuyệt vọng của người dân coi như là không còn. Phiên tòa sơ thẩm họ còn làm như vậy. Họ càng ác bao nhiêu thì lòng dân, người ta càng căm phẫn. Người ta không thể làm gì được, nhưng người ta không phục".

Riêng Luật sư Mạnh thì cho rằng đã có 4 người thiệt mạng trong vụ Đồng Tâm là quá đủ :

"Có lẽ chúng ta không cần thêm những án tử hình đề làm chết thêm người nữa". 

Ông nói nếu cho rằng họ có tội, thì hãy tuyên họ một án nhẹ hơn thay vì tử hình.

Nguồn : RFA, 22/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 496 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)