Lãnh vực âm nhạc
Nghị định 144 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn vừa được Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 14 tháng 12 vừa qua đã bỏ việc cấp phép phổ biến bài hát sáng tác ở miền Nam trước 1975.
Một số tác phẩm của nhà văn Nhật Tiến được tái bản tại Mỹ. Ảnh minh họa. RFA
Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn lời ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nhấn mạnh rằng : "Mọi tổ chức cá nhân sử dụng tác phẩm âm nhạc và sân khấu không vi phạm vào Điều 3 của Nghị định 144 và phải thực thi đúng quyền tác giả và quyền liên quan".
Điều 3 liệt kê những quy định cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn bao gồm việc chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ; Xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ; xâm phạm an ninh quốc gia ; phủ nhận thành tựu cách mạng ; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân ; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc ; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo ; phân biệt chủng tộc ; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân ; Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại ; Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.
Theo những điều được liệt kê trong Điều 3 của Nghị định 144 thì thật khó khi phải tự đánh giá bằng cảm nhận cá nhân một bài hát nào đó có vị phạm hay không.
Nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng nêu quan điểm của ông về nghị định mới này :
"Chẳng có gì đáng khen ngợi cả. Nó chỉ là bớt đi một khâu thủ tục hành chính thôi. Trước đây những bài hát miền Nam trước 75 thì họ rất cẩn thận, tức là ngoài danh sách những bài hát bị cấm thì khi biểu diễn họ vẫn bắt phải xin phép cả những bài không bị cấm. Tức là xin phép hai bước, hai giấy phép. Họ kiểm soát rất chặt chẽ. Danh sách những bài hát bị cấm thì vẫn cấm.
Bây giờ chỉ có khác là không phải xin phép những bài hát không nằm trong dạnh mục cấm nữa mà thôi. Không có nghĩa được phép hát những bài hát bị cấm lâu nay".
Nghị định 144 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 2 năm 2021 và cùng lúc, Nghị định 79 cũng như Nghị định 15 sẽ hết hiệu lực thi hành.
Liên quan đến hai nghị định này, chiều 11 tháng 2 năm 2019, Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho báo chí biết Chính phủ vừa chấp thuận chủ trương sửa đổi hai nghị định 79 và 15 về nghệ thuật biểu diễn, tức sắp tới sẽ bỏ việc cấp phép ca khúc trước năm 1975.
Ca sĩ Nguyễn Tín, người từng bị đàn áp, đánh đập vì có những buổi hát nhạc lính trước 1975 nhận định về chủ trương này của chính phủ :
"Có một thực tế là những ca khúc trước 75 dù được cấp phép hay không thì vẫn được lưu truyền trên kênh youtube, cho nên họ hợp thức hóa bằng cách bỏ cấp phép".
Lãnh vực sách báo
Ngoài các tác phẩm âm nhạc, kho tàng văn học miền Nam trước năm 1975 cũng chịu chung số phận khi sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, sách báo miền Nam bị cho là mang tư tưởng chính trị phản động và tư tưởng đồi trụy, độc hại cần phải được ‘quét sạch’ khỏi đời sống người dân. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ cơ bản của công cuộc mệnh danh ‘cải tạo xã hội, cải tạo con người, xây dựng chế độ mới, con người mới, lối sống mới, đạo đức mới…’
Nhà thơ Hoàng Hưng, từng đi tù hơn 3 năm với tội danh bị áp là "lưu truyền văn hoá phẩm phản động" chỉ vì mang theo trong người tập thơ của nhà thơ Hoàng Cầm vào năm 1982 khẳng định, Văn học - Nghệ thuật tại miền Nam trước 1975 là một bộ phận của thành tựu văn học Việt Nam. Ông nói :
"Cho đến nay, giới nghiên cứu văn học chính thống của Việt Nam trong chế độ này vẫn chưa chịu tìm hiểu một cách thấu đáo và chưa chịu công nhận những giá trị đó. Đó là khiếm khuyết rất lớn bởi đó không chỉ là thành tựu của miền Nam hay của Việt Nam Cộng Hòa mà đến nay thì phải khẳng định đó là một bộ phận của thành tựu văn học Việt Nam nói chung".
Từ nhiều năm qua, việc cho lưu hành hay không các ca khúc thời Việt Nam Cộng Hòa từng nhiều lần được các cơ quan chức năng liên quan đề cập đến. Còn lãnh vực sách báo thì không. Cho đến bây giờ, các tác phẩm văn học trước 1975 vẫn không được bày bán trong các tiệm sách một cách công khai. Còn những tác phẩm văn học ở miền Nam từ 1954 đến 1975 được tái bản ở nước ngoài cũng không thể vào Việt nam một cách bình thường.
Một nhân viên Nhà sách Tự Lực, một nhà sách ở miền Nam tiểu bang California, Hoa Kỳ cho biết :
"Cửa hàng chúng tôi nhận gửi sách đi tất cả các nước trừ Việt Nam vì sách không bao giờ đến tay người nhận. Họ làm việc không có luật lệ gì hết nên chúng tôi không muốn làm việc với họ. Chúng tôi đành bỏ thị trường trong nước".
Luật sư Đặng Trọng Dũng cho rằng, việc Chính quyền Việt Nam không mở cửa cho học sinh, sinh viên được học các tác phẩm trước 1975 là một điều đáng tiếc. Theo ông, những tác phẩm văn học - nghệ thuật đó đều là những tác phẩm rất nhân văn, rất nhân bản. Những ai được tiếp cận những tác phẩm văn hóa đó thì tâm hồn họ sẽ rất phong phú và từ đó họ sẽ cống hiến cho xã hội những điều tốt đẹp. Ông nói thêm :
"Tôi rất quan tâm đến vấn đề này bởi đây là món ăn tinh thần của người Việt Nam. Đáng lẽ ra những di sản văn hóa, những tác phẩm văn học, nghệ thuật của miền Nam trước đây cần thiết phải được lưu truyền để mọi ngưới được thụ hưởng. Thế nhưng do đầu óc của những người quản lý, những người nắm giữ vận mệnh của đất nước họ lại không lại không hiểu và tìm cách ngăn cản và không cho người dân được thụ hưởng. Tôi thấy đây là điều rất buồn cười.
Ngày nay, với tư duy đổi mới thì họ thấy việc ngăn sông cấm chợ đối với các tác phẩm văn hóa-nghệ thuật không còn cần thiết nữa cho nên họ không cho những cũng không cấm việc cho người dân thụ hưởng loại văn hóa này.
Tuy nhiên chuyện không cấm thì tôi nghĩ họ cần phải làm mạnh dạn hơn bằng cách cho học sinh, sinh viên được tiếp cận những tác phẩm văn hóa-nghệ thuật. Những tác phẩm như thế nên có trong thư viện của các trường trung học, đại học để ngay từ nhỏ đã được tiếp cận cái di sản đó".
Theo Nhà thơ Hoàng Hưng, khác với âm nhạc, ở Việt Nam việc phát hành sách hay xin tái bản một cuốn sách trước 1975 nào đó phải theo một quy luật chung. Cơ quan chức năng của Nhà nước không lên danh sách những cuốn sách nào được in hay không bởi tất cả các Nhà xuất bản đều do Nhà nước độc quyền kiểm soát. Không một cuốn sách nào có thể đươc phát hành mà không qua từng bước kiểm duyệt chặt chẽ. Họ kiểm duyệt từng cuốn. Ông giải thích :
"Ví dụ một nhà xuất bản muốn in lại một cuốn truyện cũ của miền Nam trước 75 thì vị giám đốc Nhà xuất bản có quyền quyết định cho in hay không. Thế nhưng Nhà xuất bản lại phải trình danh sách cho một vị ở trên cao nữa là Cục xuất bản. Cục xuất bản sẽ xem xét cho in hay không. Nhưng khi in ra rồi thì phải nộp lưu chiểu cho nó kiểm duyệt. Trước đây là 15 ngày giờ rút ngắn còn 10 ngày. Sau khi in rồi họ vẫn duyệt lại. Lúc bấy giờ Cục xuất bản và bên công an họ mới đọc. Nếu họ thấy không được thì họ không cho phát hành.
Tóm lại thì càng ngày họ càng mở rộng hơn nhưng phải có hai điều kiện : Thứ nhất, nội dung cuốn sách không dính gì đến chính trị. Thứ hai, bản thân nhà văn đó không phải là một cây bút hiện hành đang chống cộng ở hải ngoại hoặc trong nước".
Dù Nhà nước có cấm người dân tiếp cận sách báo trước 1975 với lý do đó là ‘văn hóa phẩm độc hại’ thì những người quan tâm và mong học hỏi vẫn tìm đọc bằng cách này hay cách khác nếu họ muốn. Họ cho rằng chính người đọc biết mình nên chọn 'món ăn tinh thần' nào cho bản thân, mà không cần Nhà nước chọn giúp.