Việt Nam được ‘nhắc nhở’ cẩn trọng về chính sách tiền tệ
Khánh Hòa, VNTB, 23/12/2020
Một năm tang thương
Tại buổi Công bố Báo cáo Điểm lại – Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, ấn phẩm tháng 12-2020 chiều 21-12, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã trả lời một số câu hỏi quanh việc Việt Nam bị Bộ Tài chính Mỹ "dán nhãn" thao túng tiền tệ.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Carolyn Turk cho biết trước việc bị Bộ Tài chính Mỹ xác định thao túng tiền tệ, Chính phủ Việt Nam cần có chính sách về tỷ giá hối đoái thích hợp hơn.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Carolyn Turk, nhấn mạnh Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt để phục hồi sau đại dịch Covid-19. Việt Nam đang có cơ hội để chọn con đường phát triển xanh hơn, thông minh hơn và bao trùm hơn. Nhờ đó, Việt Nam trở nên vững vàng hơn trước những cú sốc trong tương lai do cả đại dịch hay thảm họa thiên nhiên.
Theo báo cáo, dù phải đối mặt với cú sốc lớn nhất toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam dự kiến tăng trưởng gần 3% năm 2020 trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%.
Ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng và Quản lý Chương trình Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, của WB tại Việt Nam, cho rằng giai đoạn này, Việt Nam có cơ hội suy nghĩ nhiều hơn về một số chính sách của mình, đơn cử như chính sách về tỷ giá hối đoái.
"Thế giới những tháng vừa qua có nhiều biến động về tiền tệ, như đồng EURO, USD, Yen, đây cũng có thể là dịp để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam suy nghĩ xem đồng tiền nào Việt Nam muốn chú trọng trong thực hiện điều chỉnh dự trữ, có thể suy nghĩ đến việc đa dạng hóa, đưa ra chiến lược trên cơ sở xem xét những đối tác khác, điểm đến khác về đầu tư, thương mại" – chuyên gia Jacques Morisset phân tích.
Ông Jacques Morisset cũng cho rằng đây có thể là thời điểm Việt Nam có thể suy nghĩ về chính sách thương mại. "Việt Nam là một nước mở cửa, nền kinh tế liên quan mật thiết đến xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, trong thời gian dịch Covid-19, chúng ta có thể xem xét việc khai thác số hóa, những công nghệ ngày càng quan trọng, phải loại bỏ một số rào cản thương mại đối với dịch vụ. Trong thách thức có cơ hội, Việt Nam có thể tăng tốc một số chính sách, một số cải cách để ứng phó với thách thức tốt hơn" – ông gợi ý.
Ông Morisset cũng cho biết, trong thời gian tới, triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Dự báo này dựa trên giả định rằng khủng hoảng Covid-19 sẽ dần được kiểm soát, khi vắc-xin Covid-19 chứng minh được tính hiệu quả, kết quả quản lý một số rủi ro có thể phát sinh ở các mặt tài khóa, tài chính và xã hội.
Theo dự báo của WB, ngành nông nghiệp Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi sau tác động của dịch cúm heo gây ảnh hưởng trong quý I năm 2020 và những thiệt hại trong mùa bão năm 2020.
Ngành dịch vụ tiếp tục khôi phục nhờ gỡ bỏ hầu hết các biện pháp giãn cách xã hội theo dự báo và nhờ sức cầu tăng lên ở tầng lớp trung lưu trong nước. Các biện pháp cấm du khách nước ngoài sẽ từng bước được gỡ bỏ và ngành du lịch sẽ từng bước phục hồi.
Hy vọng… Biden
Vẫn theo WB, thực tế thì quy mô và thời gian hoành hành của đại dịch, cũng như tác động kinh tế của nó, khó có thể dự đoán. Vì vậy, một kịch bản xấu hơn cũng được đưa ra.
Trong trường hợp thế giới, và có thể cả Việt Nam, phải hứng chịu những làn sóng Covid-19 mới, sự phục hồi của nền kinh tế sẽ ở mức thấp hơn, và việc đưa nền kinh tế quay trở lại xu hướng tăng trưởng và củng cố tài khóa như trước Covid-19 cũng diễn ra chậm hơn dự kiến.
Trong một hội thảo cập nhật chủ đề : "Kinh tế Việt Nam trong thế giới biến động : Covid, hậu bầu cử Hoa Kỳ và RCEP", theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM), thì một vấn đề nổi lên trong quan hệ thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ hiện nay đó là thặng dư thương mại.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam với Hoa Kỳ trong 10 tháng đầu năm 2020 là 50,9 tỷ USD.Trong khi phía Mỹ ước tính con số thâm hụt thương mại với Việt Nam là 56 tỷ USD.
Chính vì vậy, Mỹ đang gây sức ép rất lớn lên Việt Nam với cáo buộc gần đây về điều tra cơ chế quản lý tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Cụ thể, Hoa Kỳ đã cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ thông qua việc định giá đồng Việt Nam thấp hơn 4,7% so với tỷ giá hối đoái thực tế nhằm thúc đẩy xuất khẩu, và chính sách tỷ giá đó đã gây thiệt hại cho các ngành kinh tế nội địa của Hoa Kỳ.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang mở một cuộc điều tra về việc liệu Việt Nam có định giá thấp đồng tiền của mình và gây tổn hại cho thương mại Hoa Kỳ hay không. Cuộc điều tra được thực hiện theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974, điều khoản pháp lý tương tự mà Mỹ đã sử dụng để bắt đầu cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, nếu Mỹ kết luận Việt Nam thao túng tỷ giá để giữ đồng tiền thấp hơn giá trị thực thì đó sẽ là các căn cứ để Bộ Thương mại và Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ có thể đề xuất các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, từ kết luận đến việc đưa ra các biện pháp trừng phạt là cả một quá trình.
"Khách quan mà nói, tỷ giá hoàn toàn không phải là yếu tố gây ra thâm hụt thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ với Việt Nam. Yếu tố cơ cấu mới là nguyên nhân chính.Việt Nam là nền kinh tế nhập khẩu linh kiện, nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN rồi gia công, chế tạo với giá trị gia tăng thấp để xuất sản phẩm cuối cùng sang thị trường Mỹ và EU. Vì thế, Việt Nam thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ, với EU, nhưng thâm hụt ở mức tương đương với Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN", ông Thành phân tích.
Ông Thành cho rằng, ngay cả khi kết luận Việt Nam thao túng tỷ giá, thì xác xuất có những hành động trừng phạt nặng nề như đối với Trung Quốc là rất thấp, vì ông Biden sẽ không áp dụng cách tiếp cận của ông Trump. Mặc dù vậy, một số ngành xuất khẩu ở Việt Nam vẫn sẽ chịu tác động nhất định vì Mỹ sẽ tiếp tục có các biện pháp bảo hộ với từng ngành hàng cụ thể.
Khánh Hòa
Nguồn : VNTB, 23/12/2020
*********************
Nhà Trắng và Thông tin Chính phủ : ai đúng hơn ai ?
VNTB, 23/12/2020
Sau khi bị Mỹ gắn mác "Thao túng tiền tệ" hôm 16/12/2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuọc điện đàm với Tổng Thống Trump lúc đêm khuya ngày 22/12/2020 từ Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến chào Tổng thống Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka 28/6/2019 - Ảnh minh họa
Trang Facebook của chính phủ, Thông tin Chính phủ với hàng triệu người theo dõi, đưa tin quan trọng :
"TỔNG THỐNG DONALD TRUMP RẤT QUÝ TRỌNG ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI VIỆT NAM"
Trong đó nêu rõ mục đích chính của cuộc điện đàm là động thái gắn mác thao túng tiền tệ cho Việt Nam từ phía Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ hôm 16/12/2020.
"Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ và Tổng thống Hoa Kỳ đã trao đổi về việc Cơ quan Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) đang tiến hành điều tra chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam theo Điều khoản 301 của Luật Thương mại năm 1974 của Hoa Kỳ.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam là nước đang phát triển, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.
Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí giao các Bộ, ngành Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác, giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Hoa Kỳ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Tổng thống Donald Trump về phát triển thành công 2 loại vaccine trong thời gian ngắn kỷ lục.
Tổng thống Donald Trump khẳng định rất quý trọng đất nước và con người Việt Nam và mong muốn thăm lại Việt Nam vào thời gian tới".
Thế nhưng, theo Reuters, tin tức từ phía Nhà Trắng đưa ra có vẻ lại không khớp với thông tin của chính phủ Việt Nam
Hôm thứ Ba 22/12/2020, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nêu quan ngại về thâm hụt thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ trong một cuộc điện đàm cùng với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Nhà Trắng cho biết.
Người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere cho biết : "Tổng thống Trump nêu quan ngại về thâm hụt thương mại và thúc giục Thủ tướng Phúc thực hiện các biện pháp mạnh để đảm bảo thương mại công bằng và có đi có lại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam".
Ai nói đúng hơn ai ?
Các công ty Mỹ đã nhập khẩu khoảng 65 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2020, so với 66,6 tỷ USD của cả năm 2019.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn một phần tư tổng doanh thu xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm nay. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hoa Kỳ bao gồm hàng may mặc, điện tử và các sản phẩm gỗ.
Nguồn : VNTB, 23/12/2020
*********************
Ông Phúc và ông Trump điện đàm, nêu quan ngại thâm hụt mậu dịch
VOA, 23/12/2020
Hôm 22/12, Tổng thống Donald Trump nêu quan ngại về thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Nhà Trắng cho biết.
Vào tuần trước, Hoa Kỳ đã chỉ định Việt Nam là nước thao túng tiền tệ, một động thái mà các chuyên gia thương mại cho rằng có thể mở đường cho việc Tổng thống Trump đánh thuế lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam trước khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1/2021.
Phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere cho biết : "Tổng thống Trump nêu quan ngại về thâm hụt thương mại và thúc giục Thủ tướng Phúc thực hiện các bước đi táo bạo để đảm bảo thương mại công bằng và có đi có lại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam".
Bộ Ngoại giao Việt Nam loan báo hôm 22/12 rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, "khẳng định việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế".
Thủ tướng Phúc khẳng định : "Việt Nam là nước đang phát triển, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, nên điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỉ giá không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế".
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump còn trao đổi về việc Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) đang tiến hành điều tra chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam theo Mục 301 của Luật Thương mại năm 1974 của Mỹ.
Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam viết : "Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí giao các Bộ, ngành Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác, giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Hoa Kỳ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi".
Bộ Tài chính Mỹ hôm 16/12 đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ sau khi cho rằng quốc gia này đã can thiệp mạnh vào thị trường tiền tệ nhằm điều chỉnh hiệu quả cán cân thanh toán.
Mỹ cho rằng Việt Nam đã đáp ứng 3 tiêu chí mà Bộ Tài chính Mỹ dùng để đánh giá việc thao túng tiền tệ của một quốc gia, bao gồm thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% GDP, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ USD, và can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất là 2% GDP.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long hôm 17/12 nhận định với VOA rằng Việt Nam không nên cải chính mà phải chứng minh là không có những dấu hiệu thao túng tiền tệ như Bộ Tài chính Mỹ vừa định danh.
Tiến sĩ Ngô Trí Long nói : "Những dấu hiệu đó Việt Nam có hay không ? Chứ không phải họ nói như vậy mà mình cải chính. Việt Nam phải chứng minh là không có những dấu hiệu đó".
Bà Deborah Elms, Giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại Châu Á có trụ sở ở Singapore, phát biểu trong một sự kiện trực tuyến hôm 18/12 do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức : "Nếu khôn ngoan thì nên có kế hoạch ngay từ bây giờ cho kết luận điều tra theo Mục 301, bởi vì, nhất là với việc xác định của Bộ Tài chính, rất có thể Hoa Kỳ sẽ áp đặt một số hình thức trả đũa đối với Việt Nam".
Bà nhấn mạnh rằng : "Sẽ có những hậu quả kinh tế".
Nguồn : VOA, 23/12/2020
*************************
Thủ tướng Việt Nam điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump
RFA, 12/12/2020
Việt Nam và Hoa Kỳ đồng tin tưởng mối quan hệ hai nước sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu, ổn định, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, trong đó hợp tác kinh tế thương mại là trọng tâm và động lực của quan hệ song phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống Donald Trump ngày 22/12/2020. Courtesy of VGP News
Nội dung vừa nêu được Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khẳng định trong cuộc hội đàm, vào ngày 22/12.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, trong cùng ngày 22/12, cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại cuộc điện đàm, bày tỏ Việt Nam đánh giá cao vai trò lãnh đạo và tình cảm tốt đẹp mà Tổng thống Donald Trump đã dành cho Việt Nam trong những năm qua và cảm ơn ông Donald Trump luôn quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump được cho biết khẳng định Hoa Kỳ coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam, chúc mừng Việt Nam đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực.
Tổng thống Trump đồng thời chúc mừng Chính phủ và người dân Việt Nam ứng phó thành công với đại dịch Covid-19. Ông Trump cũng hoan nghênh sự hợp tác trong phòng chống dịch bệnh giữa hai nước.
Cũng theo tin từ báo giới Nhà nước Việt Nam, ông Donald Trump nói với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng ông mong muốn thăm lại Việt Nam vào thời gian tới.
*************************
Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với thép nguội Trung Quốc
VOA, 23/12/2020
Việt Nam vừa chính thức ra quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cuộn cán nguội có xuất xứ từ Trung Quốc kể từ ngày 28/12/2020 và sẽ kéo dài trong 5 năm, với thuế suất có thể lên đến trên 25%.
Hôm 23/12, Bộ Công thương Việt Nam cho biết vừa ra quyết định áp thuế chống bán phá giá (CBPG) chính thức đối với sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu dạng cuộn hoặc tấm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Biên độ bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu được xác định là từ 4,43% đến 25,22%, vẫn theo Bộ Công thương.
Mục đích áp dụng mức thuế này là "để ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước do tác động từ lượng lớn các sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu đang được bán phá giá vào Việt Nam".
Trong quá trình điều tra từ tháng 9/2019, Bộ Công Thương phát hiện lượng nhập khẩu thép cán nguội từ Trung Quốc lên đến 272.073 tấn, chiếm 65,5% tổng lượng nhập khẩu thép cán nguội vào Việt Nam.
Việt Nam cho biết việc điều tra này được thực hiện theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan.
Vào tháng 5/2020, Bộ Thương mại Mỹ mở một cuộc điều tra xem liệu các sản phẩm thép tấm không gỉ nhập từ Việt Nam có phải là thép Trung Quốc được gia công ở Việt Nam để xuất sang Mỹ nhằm tránh thuế.
Theo một thông cáo báo chí của Cơ quan Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITA) hôm 12/5, Bộ Thương mại Mỹ nghi ngờ rằng các nhà sản xuất thép của Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thép cán phẳng không gỉ từ Trung Quốc, sau đó gia công hoàn thiện rồi xuất khẩu sang Mỹ.
Từ trước đến nay các quan chức Việt Nam nói rằng luôn quyết tâm ngăn chặn hàng nhập khẩu Trung Quốc gắn mác Việt Nam để né thuế xuất khẩu sang Mỹ.
Khi đến thăm Việt Nam vào tháng trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’brien khuyên rằng Việt Nam nên ngăn chăn việc trung chuyển trái phép hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Nguồn : VOA, 23/12/202
***********************
Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đến hơn 25% với thép từ Trung Quốc
RFA, 23/12/2020
Việt Nam sẽ áp thuế với biên độ 4,43% đến 25,22% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ 16 nhà sản xuất thép Trung Quốc.
Ảnh minh họa - Courtesy of doanhnhanvn
Đó là quyết định do Bộ Công thương Việt Nam công bố hôm 23/12 và mạng Bloomberg loan đi. Đây được coi là động thái chống bán phá giá của Việt Nam đối với các mặt hàng thép Trung Quốc.
Theo Bloomberg, Quyết định của Bộ công thương có hiệu lực trong vòng 5 năm, tính từ ngày 21/12/2020 đối với thép cán nguội dạng cuộn hoặc tấm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Bộ này cho rằng việc nhập các sản phẩm thép bán phá giá có thể gây thiệt hại đáng kể cho ngành thép trong nước.
Theo nguồn truyền thông Nhà nước Việt Nam, việc áp thuế chống bán phá giá 5 năm với thép cán nguội Trung Quốc là từ kết quả kiểm tra của Bộ công thương từ tháng 9/2019. Qua đó, lượng nhập khẩu thép nguội từ Trung Quốc xấp xỉ 273.000 tấn chiếm 65,5% tổng lượng nhập khẩu thép cán nguội vào Việt Nam.
Số liệu nhập khẩu cho thấy có sự gia tăng tuyệt đối và tương đối với lượng nhập khẩu thép cán nguội từ Trung Quốc so với sản lượng sản xuất tại Việt Nam và Bộ cho rằng sự gia tăng đó là nguyên nhân chính gây tác động tiêu cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa tương tự của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.