Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/12/2020

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có còn hợp thời ?

Nguyễn Nam - Hoài Nguyễn - Hà Nguyên

Vì sao Việt Nam xem nhẹ tài phán Hiến pháp ?

Hoài Nguyễn, VNTB, 26/12/2020 

Đến nay, mặc dù Hiến pháp nói rằng người dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình…, nhưng cụ thể các quyền này được điều chỉnh bằng luật thì vẫn chưa có. 

hp0

Phiên tòa hình sự sơ thẩm sẽ diễn ra vào ngày 5/1/2021 ở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, liên quan về tự do ngôn luận, tự do lập hội ở vụ án "Hội nhà báo độc lập Việt Nam", là một minh thị cho chuyện Việt Nam xem nhẹ tài phán Hiến pháp.

Trong lịch sử nhà nước Việt Nam, chưa bao giờ quyền lập hội của người dân không được thừa nhận và khẳng định trong Hiến pháp. Tuy nhiên, ở miền Bắc Việt Nam trước 1975, và sau đó, xét từ góc độ thực tế, trong suốt thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, khi Nhà nước lãnh đạo và bao cấp toàn diện đời sống của người dân, thì dường như đã không tồn tại cả điều kiện lẫn nhu cầu khách quan cho việc thực thi quyền lập hội.

Bên cạnh đó, các định kiến về tư tưởng cũng góp một vai trò quan trọng. Chẳng hạn, vẫn có những suy nghĩ thành lập hội một cách tự do và tự nguyện, không khác nào việc các cá nhân muốn liên kết và tập hợp lực lượng để tạo sức mạnh chính trị riêng, nhằm đi chệch hướng lãnh đạo của Nhà nước, hay gây sức ép, thách thức quyền lực với chính quyền nhân dân.

Có ý kiến, Công ước của Liên hiệp quốc về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là một thành viên, đã xác định hai loại quyền công dân tách biệt : lập hội dân sự và lập đảng chính trị là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa, việc Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo chính trị duy nhất đã được ghi ở Hiến pháp. Như thế, tâm lý e ngại việc lập hội tự do – như Hội Nhà báo độc lập Việt Nam chẳng hạn, phải chăng chỉ còn là sự chưa dám dứt bỏ các thành kiến cũ ?

Ở đây có vấn đề của tài phán Hiến pháp.

Hiến pháp là một hệ thống quy định những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Xét về mặt nội dung, hiến pháp là đạo luật cơ bản quy định các quy tắc pháp lý quan trọng nhất của quốc gia, ấn định hình thể quốc gia, ấn định các cơ quan điều khiển quốc gia cùng những thẩm quyền của các cơ quan ấy. Hiến pháp là văn bản phản ánh tổ chức chính trị của quốc gia.

Trước khi là đạo luật cơ bản, hiến pháp phải là một đạo luật. Với tư cách là đạo luật, hiến pháp phải được tổ chức thực thi, mà đã là thực thi thì bên cạnh những hành vi thực hiện đúng, cũng có những hành vi thực thi sai, không khác nào việc thực thi các đạo luật bình thường khác.

Với tư cách là đạo luật cơ bản, tức là đặc biệt, có hiệu lực pháp lý tối cao nên việc thi hành và việc vi phạm cũng đặc biệt : Trước hết, chủ thể thi hành Hiến pháp là đặc biệt so với chủ thể thi hành các đạo luật bình thường khác.

Điểm khác căn bản của Hiến pháp với các đạo luật khác ở chỗ chủ thể thi hành Hiến pháp là quan chức, mà không phải là công dân. Đó là các cơ quan, tổ chức nắm quyền lực nhà nước.

Cơ quan, tổ chức quyền lực nhà nước càng có nhiều quyền lực bao nhiêu, càng phải có trách nhiệm phải thi hành hiến pháp bấy nhiêu. Bên cạnh việc thi hành là khả năng vi phạm.

Đó là Nghị viện/ Quốc hội, cơ quan thực hiện quyền lập pháp. Đó là Chính phủ, cơ quan thực hiện quyền hành pháp. Đó là các cơ quan Đảng cầm quyền thông qua các hoạt động của lập pháp và hành pháp. Đó là các cơ quan chính quyền địa phương.

Khác với đạo luật thường khác, việc thực thi Hiến pháp không những qua các quy định, mà còn cả tinh thần của Hiến pháp.

Như vậy, với Hiến định tại Điều 25 : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định", thì cho đến nay cụm từ "Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định" vẫn chưa được thực thi là một hành vi của vi phạm Hiến pháp.

Hành vi không hành động vi hiến là hành vi không thực hiện thẩm quyền và nghĩa vụ đã được Hiến pháp quy định. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được Hiến pháp giao thẩm quyền, nếu không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời những thẩm quyền và nghĩa vụ đó, thì sẽ bị coi là vi phạm Hiến pháp không hành động.

Như vậy, trong phiên tòa hình sự sơ thẩm sẽ diễn ra vào ngày 5/1/2021 ở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, liên quan về tự do ngôn luận, tự do lập hội ở vụ án "Hội nhà báo độc lập Việt Nam", cần thiết xem xét trách nhiệm của các tổ chức liên quan về "không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời những thẩm quyền và nghĩa vụ" được nêu ở vế thứ hai của Điều 25, Hiến pháp 2013.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 25/12/2020

*************************

Chuyện Hiến pháp

Nguyễn Nam, VNTB, 25/12/2020

Nếu có luật về lập hội, và luật tự do báo chí thì chắc sẽ không có vụ án Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.

hp2

Ba thành viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, gồm Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn sẽ bị một tòa án ở thành phố Hồ Chí Minh xét xử vào ngày 5/1/2021. Ba nhà báo tự do này bị truy tố theo khoản 2 Điều 117 Bộ Luật hình sự 2015 "Làm, tàng trữ, phát tán, hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước".

Ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam (IJAVN), đồng thời là một cộng tác viên thường xuyên của VOA, bị bắt ngày 21/11/2019, với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước".

Chính quyền Việt Nam được cho là đang gia tăng đàn áp các tiếng nói chỉ trích chính phủ trên mạng và thực hiện việc bắt giữ nhiều hơn trong năm 2020, đặc biệt sau vụ xung đột ở Đồng Tâm và trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản sắp diễn ra vào tháng 1/2021.

Nhà báo tự do Trương Châu Hữu Danh và Phạm Đoan Trang là những vụ bắt giữ mới nhất của chính quyền Việt Nam vì những cáo buộc "tuyên truyền", hay đăng tải thông tin "chống nhà nước Việt Nam". Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao ở Việt Nam luôn nói rằng không có việc những người vì bày tỏ chính kiến mà bị bắt giam ở Việt Nam, và rằng không có cái gọi là tù nhân lương tâm ở quốc gia Đông Nam Á này.

Có lẽ mọi chuyện nếu xem xét từ góc nhìn các quyền Hiến định, thì sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc bắt bớ kể trên liên quan đến quyền tự do báo chí được hiến định tại Điều 25 "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".

Do các đặc điểm về lịch sử và địa lý, Việt Nam (không đề cập đến chính thể Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam trước tháng 4/1975) – mặc dù đã có Hiến pháp, nhưng lại ít chú trọng đến việc thực thi Hiến pháp. Vì vậy việc nghiên cứu, phân tích các hành vi vi phạm Hiến pháp chưa được đặt ra đúng mức. Bàn luận về chuyện này dễ bị đánh đồng với hành vi cố tình chống phá Đảng và Nhà nước, và dễ dàng bị quy chụp chính trị hóa.

Không những thế, từ lâu nay, trong nhận thức của không ít nhà quản lý có những người lầm tưởng rằng, Hiến pháp cũng giống như các đạo luật thường khác, được ban hành ra chỉ để cho nhân dân phải thực hiện. Nhận thức phổ biến này được minh chứng bằng biểu hiện của câu khẩu hiệu kiểu như : Toàn Đảng, toàn dân nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật.

Bên cạnh đó, lâu nay, từ các giới chức cho đến người dân đều có một nhận thức không đúng khi cho rằng, Hiến pháp là đạo luật tối cao, chỉ tập trung quy định những nguyên tắc chung, mà muốn cho những quy định chung này được thực hiện, cần phải có sự cụ thể hoá bằng các đạo luật.

Trong khi đó, các hành vi vi hiến không phải là không có, hoạt động bảo hiến ở Việt Nam chỉ được hiểu và quy định ở nghĩa rộng, bao gồm các hoạt động giám sát của các cơ quan nhà nước cấp trên đối với các cơ nhà nước cấp dưới và cho đến tận hành vi tuân thủ Hiến pháp của các công dân.

Cuối cùng, Hiến pháp giao cho Quốc hội được quyền giám sát tối cao đối với các hoạt động tuân thủ Hiến pháp của mọi cơ quan nhà nước. Đây cũng là một điều phi lý, vì chính Quốc hội mới là chủ thể tiềm tàng khả năng nhất cho việc vi phạm Hiến pháp. Thứ đến là các cơ quan hành pháp, mà đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ, trong danh sách các chủ thể tiềm tàng khả năng vi phạm Hiến pháp.

Hoạt động bảo hiến, hay cụ thể hơn ở nghĩa hẹp là hoạt động tài phán Hiến pháp, phần nhiều tập trung vào hoạt động lập pháp của Quốc hội, tức là hoạt động ban hành các văn bản luật mâu thuẫn với Hiến pháp.

Đáng tiếc rằng, Hiến pháp trước đây và hiện hành của Việt Nam lại giao nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ Hiến pháp cho rất nhiều chủ thể : Từ Ủy ban nhân dân cấp cơ sở cho đến cấp cuối cùng cao nhất và nặng nề nhất – là Quốc hội.

Và càng đáng tiếc hơn nếu như ai đó cứ kiên trì viết – lách để phản biện về câu chuyện bảo hiến ở Việt Nam, thì những người đó – bằng cách này hay cách khác, họ sẽ nhận những ‘đòn roi’ khác nhau từ chính quyền.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 25/12/2020

********************

"Toàn Đảng, toàn dân nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật"

Hà Nguyên, VNTB, 25/12/2020

Câu khẩu hiệu này là một trong những khẩu hiệu rất phổ biến ở Việt Nam, cũng như ở nhiều nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây.

hp3

Nhưng xét dưới giác độ lý luận và pháp lý thì câu khẩu hiệu trên không đúng. Bởi vì Hiến pháp với tư cách là đạo luật cơ bản có hiệu lực pháp lý tối cao được làm ra, được thông qua không phải cho nhân dân thực hiện. Người thực hiện chính, chủ thể thực hiện chính là các cơ quan nhà nước thông qua các quan chức của Nhà nước. Cơ quan nhà nước, cá nhân trong thành phần các cơ quan nhà nước càng cao bao nhiêu thì càng phải có trách nhiệm tuân thủ Hiến pháp bấy nhiêu.

Những người dân bình thường không có khả năng vi phạm Hiến pháp.

Một khi Hiến pháp được thi hành nghiêm chỉnh, thì người dân chỉ được lợi mà thôi, không có điều ngược lại. Bởi lẽ, đối tượng điều chỉnh ở nghĩa hẹp nhất của Hiến pháp là giới hạn quyền lực nhà nước.

Điều này cũng là dễ hiểu, vì bản thân sự hiện diện của một bản Hiến pháp thành văn và sự đòi hỏi việc tuân thủ bản hiến pháp này đã bao hàm sự giới hạn quyền lực nhà nước. Cũng như những đạo luật khác, sự hiện diện của nó đã đòi hỏi một sự tuân thủ. Nếu không có sự tuân thủ thì cũng chẳng cần đến việc chuẩn bị, việc thảo luận, rồi thông qua chúng.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng rất cần cơ chế bảo hiến thật sự dân chủ ở Việt Nam.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa biện luận : Thông qua hiến pháp, nhân dân trao cho nhà nước một bộ phận quyền lực, và giữ lại cho mình một số quyền lực, như quyền phúc quyết những vấn đề hệ trọng quốc gia, quyền phúc quyết sửa đổi hiến pháp, và nhất là quyền bầu cử – ứng cử dân chủ, tự do để thay đổi nhà nước nếu nhà nước làm hại cho dân.

Những ai thực sự học tập và làm theo Hồ Chí Minh thì không thể không biết đến quan điểm dân chủ và nhân văn của Người qua những câu nói nổi tiếng sau đây : "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.

Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta" (Thư gửi Uỷ ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, báo Cứu quốc số ra ngày 17/10/1945). "Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa" (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, NXB Sự Thật, trang 283).

Một cơ chế bảo hiến thực sự dân chủ, ngoài những công cụ bảo hiến của nhà nước, phải tạo điều kiện cho đa số nhân dân lao động, trí óc cũng như chân tay, tuỳ hoàn cảnh và năng lực của mình, được quyền trực tiếp giám sát việc tuân thủ hiến pháp, và được quyền tố giác, yêu cầu chấm dứt những hành vi vi hiến của của các "công bộc", nhất là khi các quyền tự do cơ bản của mình bị xâm phạm.

Đây là lý do mà mọi hiến pháp ở các nước dân chủ, văn minh đều quy định nhân dân có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do tụ họp hoà bình, cùng với những quyền tự do khác.

Những quyền tự do cơ bản ấy có gì xa lạ mà chính là những quyền con người được công nhận tại Thoả ước quốc tế về các Quyền dân sự và Quyền chính trị của Liên hiệp quốc có hiệu lực từ năm 1976 mà Việt Nam đã tham gia từ 24/9/1982.

Nội luật hoá những quyền ấy và đưa nó vào cuộc sống là nghĩa vụ của các nước thành viên. Chỉ khi những quyền tự do này được nhân dân sử dụng một cách thực chất thì chúng ta mới có một cơ chế bảo hiến với những điều kiện cần và đủ, và do đó có hiệu quả cao.

Từ góc nhìn trên của luật sư Trương Trọng Nghĩa, cho thấy với vụ án "Hội Nhà báo độc lập Việt Nam", sẽ được xét xử phiên hình sự sơ thẩm vào ngày 5/1/2021 tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các bị cáo ở vụ án này bằng các bài viết đăng báo, họ đã sử dụng quyền trực tiếp giám sát việc tuân thủ hiến pháp, và quyền tố giác, yêu cầu chấm dứt những hành vi vi hiến của của các "công bộc", nhất là khi các quyền tự do cơ bản của mình bị xâm phạm.

Những hành động của công dân trong thực thi quyền dân chủ cho bảo hiến, không phải là hướng đến việc "chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa".

Hà Nguyên

Nguồn : VNTB, 25/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Nam, Hoài Nguyễn, Hà Nguyên
Read 763 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)