Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/12/2020

Nói tiếp về tư pháp Việt Nam : độc lập hay bù nhìn ?

Phú Nhuận, Hồng Hà, Trần Lê

Thẩm phán thực sự độc lập…

Phú Nhuận, VNTB, 24/12/2020

"Trong nội dung bản "Tuyên bố thành lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam" nêu rõ quan điểm, mục đích hoạt động của "Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam" là đấu tranh làm thay đổi thể chế chính trị Việt Nam hiện nay thành thể chế chính trị tam quyền phân lập" – trích trang 2, Cáo trạng số 543/CT-VKS-P1, ngày 10/11/2020.

tuphap1

Nếu thẩm phán thực sự độc lập, sẽ tuyên các bị cáo của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, là ‘không chống nhà nước xã hội chủ nghĩa’.

"Thể chế chính trị tam quyền phân lập" không đồng nghĩa với "chống nhà nước xã hội chủ nghĩa". Điều này tương tự với nền kinh tế thị trường mà các nước phương Tây đang áp dụng, vẫn dễ dàng được nhà nước Việt Nam vận dụng với tên gọi "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Bất cứ thể chế chính trị nào trên thế giới hiện nay đều xác định trung tâm quyền lực chính trị của hệ thống chính trị là nhà nước. Sự chi phối mọi hoạt động đối với nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp) của các đảng phái trong xã hội thể hiện bằng các hình thức khác nhau và mức độ khác nhau vì lợi ích của các giai cấp mà đảng phái đó đại diện.

Cho dù là nhà nước "tam quyền phân lập" hay nhà nước trong các thể chế chính trị khác, thì cũng đều chú trọng đặc biệt đến việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế nhằm kiểm soát quyền lực đối với từng chủ thể trong hệ thống chính trị và đối với toàn bộ hệ thống chính trị.

Như vậy, "tam quyền phân lập" không liên quan về "suy thoái chính trị" hay biểu hiện "diễn biến hòa bình" như cách diễn đạt trong một số nội dung ở diễn văn của các quan chức cấp cao ở Bộ Chính trị.

Ở Việt Nam, Đảng có quyền lực chính trị tối cao, thậm chí trong một số trường hợp, quyền lực chính trị của các tổ chức đảng rất lớn, như các quyết định về đường lối của đất nước, chủ trương, giải pháp trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, nhất là trong công tác tổ chức, cán bộ.

Vì thế, Đảng rất cần xây dựng và thực thi ngay những thiết chế về kiểm soát quyền lực trong nội bộ Đảng, bảo đảm mọi quyền lực chính trị của tổ chức đảng có thẩm quyền đều phải được quy định bằng thể chế lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Chỉ khi có cơ chế kiểm soát quyền lực đối với tổ chức đảng, đảng viên thì mới chủ động phòng ngừa các sai phạm có thể xảy ra và xử lý kỷ luật đối với những trường hợp lạm dụng quyền lực, độc đoán, gia trưởng, tham nhũng, "lợi ích nhóm".

Lâu nay, đối với tổ chức đảng, đảng viên, Đảng thực hiện cơ chế "tự kiểm soát" bằng các hình thức sinh hoạt đảng, tự phê bình và phê bình, giữ nghiêm kỷ luật đảng. Qua sinh hoạt đảng, các tổ chức đảng, đảng viên, nhất là trong các cơ quan nhà nước kiểm soát thường xuyên lẫn nhau việc thực hiện quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng vì "Đảng mạnh là do mỗi chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do đảng viên đều tốt".

Tuy nhiên phương thức kêu gọi tính tự giác "phê bình – tự phê bình" cho cảm giác gần với phạm trù đạo đức của tiết học "Công dân giáo dục".

Đến nay, cơ chế "tự kiểm soát" dựa trên "nhân chi sơ tính bổn thiện" cho thấy không mấy hiệu quả, nên trong nhiệm kỳ mới sắp tới đây, tại sao Đảng không thử chọn một dung hòa tương tự như "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", cho việc "tam quyền phân lập có định hướng chủ nghĩa xã hội" chẳng hạn ?.

Điều 3, Hiến pháp 2013 khẳng định : "Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân ; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân ; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện".

Nói theo cách quen thuộc văn phong tuyên giáo, thì nhân dân ta mong muốn gì hơn thế nữa ? Vấn đề then chốt của kiến tạo nền dân chủ ở Việt Nam, chính là thực hiện cho bằng được các mục tiêu về xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay – và "tam quyền phân lập" ngay trong yêu cầu quản trị quốc gia của Đảng cầm quyền, cần được coi là một đề xuất có tính xây dựng.

Phú Nhuận

Nguồn : VNTB, 24/12/2020

*********************

Cổ súy tam quyền phân lập không phải để nhằm chống nhà nước xã hội chủ nghĩa

Hồng Hà, VNTB, 24/12/2020

Phát triển kinh tế thị trường, thực hiện tam quyền phân lập và xã hội dân sự có phải là mô hình tổ chức và vận hành của xã hội có tính khuôn mẫu, bất biến mà mọi đất nước phải noi theo để phát triển không ?

Câu trả lời là không.

hoinghi4

Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành các chủ trương, chính sách, luật pháp nhằm kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Vậy thì có phải lựa chọn "đường lối đổi mới phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đưa nước ta vào dòng chảy của thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội để phát triển đất nước là đúng đắn, phù hợp với xu thế của thời đại và điều kiện của đất nước" là duy nhất đúng ?

Câu trả lời cũng là không.

Đề xuất lựa chọn phương thức quản lý nào là phù hợp, hoàn toàn không liên quan đến việc "chính trị hóa" kiểu như cáo buộc "chống nhà nước xã hội chủ nghĩa" – vì trên thực tế, lý thuyết của chủ nghĩa xã hội không phản bác học thuyết tam quyền phân lập, bởi xét về mặt khoa học thì quan điểm nào cũng có sự đa chiều ưu – khuyết của nó.

Có ý kiến, vì không chọn quản trị quốc gia bằng học thuyết tam quyền phân lập, nên gần đây, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành các chủ trương, chính sách, luật pháp nhằm kiểm soát quyền lực, đặc biệt là Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc "Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền".

Quyền lập pháp luôn gắn với chủ quyền quốc gia, đó là ý chí của nhân dân có chủ quyền quyết định. Vì vậy, quyền hành pháp chỉ là được ủy quyền và phục vụ chủ quyền nhân dân, quyền tư pháp phải lệ thuộc và tuân theo pháp luật, nhưng có tính độc lập tương đối với lập pháp và hành pháp. Rõ ràng, nhà nước "tam quyền phân lập" có mặt tích cực trong hạn chế lạm quyền, tùy tiện sử dụng quyền lực.

Lại có ý kiến, nguyên tắc phân quyền chỉ tồn tại khi có sự cạnh tranh quyền lực giữa các đảng phái chính trị khác nhau. Ở Việt Nam thì Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội, không có bất kỳ cạnh tranh nào nên không cần thiết phân quyền rạch ròi giữa lập pháp – hành pháp – tư pháp.

Thế nhưng ngay trong nội bộ Đảng cũng nhận ra rằng dân chủ trong Đảng chưa được thực hiện đầy đủ. Nguyên tắc tập trung dân chủ thực hiện chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng "thành tích là của cá nhân, khuyết điểm là do tập thể".

Việc Đảng ban hành hai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã khẳng định vấn đề đó. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền còn những bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc cơ bản : Thượng tôn pháp luật ; hoạt động thực sự dân chủ ; chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…

Nguyên tắc "Đảng lãnh đạo – Nhà nước quản lý – Nhân dân làm chủ" chưa được thể chế hóa đầy đủ, cụ thể và rành mạch thành cơ chế đồng bộ để nhân dân thực sự là chủ và làm chủ các quá trình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, làm chủ theo tinh thần "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân".

Cơ chế kiểm soát quyền lực của Đảng, Nhà nước chưa đầy đủ, chưa đồng bộ ; nỗ lực ban hành các văn bản lãnh đạo, quản lý nhằm kiểm soát quyền lực của Đảng, Nhà nước chậm đi vào thực tế cuộc sống ; tình trạng lạm quyền, tham quyền, tha hóa quyền lực đã gây bức xúc trong xã hội…

Cụ thể hơn nữa, trong bản tin phát hành vào đầu giờ chiều ngày 22/12/2020, có tựa Ông Trần Quốc Vượng : ‘Chống tham nhũng để giữ uy tín cho Đảng, không lo giảm uy tín’, viết rằng, khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sáng 22-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, khẳng định : "Gần đây chúng ta tiếp tục kỷ luật đảng viên có vi phạm, điều tra vụ việc, xét xử vụ án dù gần đến Đại hội. Điều này giúp dân tin rằng Đảng không ngừng nghỉ trong đấu tranh phòng chống tham nhũng" (*).

Đoạn diễn văn trên của ông Trần Quốc Vượng, người từng là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (nhiệm kỳ 2007 – 2011), cho thấy người dân hoài nghi vào khả năng quản trị quốc gia của Đảng.

Chính điều này cho thấy giả dụ như có người dân nào đó – như trường hợp nhà báo Phạm Chí Dũng chẳng hạn, ông đã đề xuất về vận dụng thuyết tam quyền phân lập vào thực tế đơn nguyên đảng chính trị ở Việt Nam, thì đó cần trân trọng xem xét, thay cho quy chụp các ý kiến này là "chống nhà nước xã hội chủ nghĩa", rồi sau đó bắt bỏ tù ông.

Hồng Hà

Nguồn : VNTB, 14/12/2020

Chú thích :

(*) https://thanhnien.vn/thoi-su/ong-tran-quoc-vuong-chong-tham-nhung-de-giu-uy-tin-cho-dang-khong-lo-giam-uy-tin-1320109.html

**********************

Quyền tư pháp ở Việt Nam : hiểu sao cũng trúng ?

Trần Lê, VNTB, 23/12/2020

Vùng cấm của tư tưởng

‘Tam quyền phân lập’ lâu nay vẫn là ‘vùng cấm’ trong phản biện ở Việt Nam. Vì sao lại trái khoáy như vậy, điều đó không dễ trả lời vì sẽ đối mặt với án chính trị nếu đi ngược lại với ý chí của Tổng bí thư đương nhiệm (*).

tuphap31

Trong vụ án tạm gọi là Hội Nhà báo độc lập Việt Nam sẽ được xét xử phiên hình sự sơ thẩm vào ngày 5/1/2021, thì nhà báo Phạm Chí Dũng bị cáo buộc về việc đã cổ súy cho ‘tam quyền phân lập’.

Bởi vì khi cổ súy ‘tam quyền phân lập’ được hiểu đồng nghĩa đang ‘suy thoái tư tưởng’, nên trong bàn luận lâu nay về vấn đề tư pháp vẫn tiếp tục loay hoay về phương thức quản trị. Cụ thể, rất nhiều vấn đề cần được tiếp tục giải quyết như : Quyền tư pháp theo quy định của Hiến pháp năm 2013 có nội hàm thế nào ? Quyền xét xử được giới hạn đến đâu và có mối liên hệ thế nào với quyền điều tra, quyền truy tố, quyền thi hành án ?

Những cơ quan được xác định là cơ quan tư pháp theo chủ trương, đường lối của Đảng, thể hiện qua các nghị quyết của Bộ Chính trị hiện nay có còn là cơ quan tư pháp theo quy định của Hiến pháp năm 2013 hay không ?

Hiện đang có các ý kiến, quan điểm khác nhau, trong đó bao gồm cả cách hiểu điều luật quy định về những vấn đề này. Có ý kiến cho rằng, Hiến pháp năm 2013 quy định Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, nhưng điều đó không khẳng định chỉ có Tòa án nhân dân là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, hoặc quyền tư pháp ở Việt Nam có nghĩa rất rộng, không phải chỉ là quyền xét xử mà còn những quyền khác như quyền điều tra, quyền truy tố, quyền thi hành án như đã được nêu trong các nghị quyết của Đảng.

Hoặc nếu chỉ có Tòa án nhân dân là cơ quan tư pháp, thì những cơ quan được xác định là cơ quan tư pháp trong các nghị quyết của Đảng, và trong nhận thức của cơ quan nhà nước, người dân, nay sẽ là những cơ quan gì, có vai trò thế nào trong bộ máy nhà nước ?…

Sự khác biệt giữa nhận thức, quan niệm về tư pháp của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam so với nhiều quốc gia trên thế giới, xuất phát từ sự khác nhau giữa cách thức tổ chức và quản lý xã hội.

Nhiều nước trên thế giới tổ chức bộ máy quyền lực để quản lý xã hội theo học thuyết tam quyền phân lập, trong đó có sự phân chia quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp ; các quyền này độc lập, cân bằng, có đối trọng và chế ước lẫn nhau nhằm tránh sự lạm quyền, sự độc quyền và độc tài ; bảo đảm sự dân chủ, công bằng, bảo đảm quyền và lợi ích của người dân được thực thi theo quy định của hiến pháp và pháp luật.

Người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam không theo học thuyết này, mà tổ chức bộ máy nhà nước gọi là theo nguyên tắc tập trung dân chủ, với việc tuyên truyền rằng quyền lực nhà nước là thống nhất và tập trung trong tay nhân dân ; nhân dân trao cho người đại diện là các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lực của mình, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lực ấy là quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Vì không có sự phân chia quyền lực, nên từ góc độ này thì ở Việt Nam không có quyền tư pháp theo nghĩa mà nhiều nước trên thế giới hiện nay đang quan niệm. Hơn nữa, khái niệm của "nhân dân" ở đây khá mơ hồ của cách dùng từ phiếm chỉ trong ngữ pháp tiếng Việt.

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới (Nghị quyết số 08-NQ/TW) lần đầu tiên tiếp cận khái niệm tư pháp, và cơ quan tư pháp dưới góc độ đường lối chính sách của Đảng về công tác tư pháp. Theo đó, nội dung của công tác tư pháp và cơ quan tư pháp có phạm vi rất rộng, từ điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án.

Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết 49-NQ/TW) tiếp tục nói rằng hệ thống các cơ quan tư pháp mà trọng tâm là Tòa án nhân dân thực hiện quyền xét xử ; Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp ; các cơ quan điều tra thực hiện nhiệm vụ điều tra trong tố tụng hình sự và các cơ quan thi hành án.

Ngoài những cơ quan tư pháp kể trên, Nghị quyết 08-NQ/TW đề cập đến hoạt động luật sư, cảnh sát tư pháp, tổ chức giám định, hoạt động công chứng, thống kê tư pháp với tư cách là các hoạt động bổ trợ tư pháp ; Nghị quyết số 49-NQ/TW xác định nhiệm vụ hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp này như một hoạt động quan trọng trong công tác tư pháp, và hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp là một khâu quan trọng trong công tác cải cách tư pháp.

Như vậy, theo các nghị quyết của Bộ Chính trị, các cơ quan tư pháp của Việt Nam gồm cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát, cơ quan xét xử và cơ quan thi hành án. Theo đó công tác tư pháp hay hoạt động tư pháp gồm hoạt động điều tra, hoạt động truy tố, hoạt động xét xử và hoạt động thi hành án.

Nếu ở nhiều nước, "Tư pháp" là xét xử và cơ quan tư pháp là Tòa án, thì ở Việt Nam, "Tư pháp" được hiểu theo nghĩa là sự trộn lẫn toàn bộ hoạt động bảo vệ pháp luật, trong đó hoạt động xét xử của Tòa án là trung tâm. Ngoài ra, còn có các hoạt động bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, đấu giá, giám định tư pháp.

Hiện nay, trong nhận thức của nhiều người dân các cơ quan tư pháp còn bao gồm các cơ quan trong ngành Tư pháp từ trung ương đến địa phương như Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp và các phòng tư pháp cấp huyện…

Vấn đề đặt ra cho nhiệm kỳ mới của Đảng ở lần Đại hội XIII sắp tới, là nếu ông Nguyễn Phú Trọng có tiếp tục tại vị, thì vẫn phải giải quyết cho bằng được yêu cầu sau đây :

Với đặc điểm tổ chức các cơ quan nhà nước theo nguyên tắc tập trung thống nhất, thì việc phân định một cách rõ ràng cơ quan tư pháp với các cơ quan khác liên quan đến hoạt động tư pháp, dù chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đã được quy định trong Hiến pháp, hoặc các văn bản pháp luật khác, thì thời gian cần thiết từ năm 2013 đến nay để đạt được sự thống nhất trong nhận thức, trong hoạt động của các cơ quan liên quan đến tư pháp, phù hợp với tinh thần mới của Hiến pháp năm 2013, tiếp cận được với quan niệm về quyền tư pháp của nhiều quốc gia trên thế giới, cần phải được sửa đổi tương ứng.

Việc hiểu đúng về quyền tư pháp và cơ quan tư pháp trong bối cảnh Hiến pháp 2013 đã được ban hành được 8 năm, không phải chỉ là những vấn đề lý luận mà có tác động trực tiếp tới định hướng cải cách tư pháp và việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày nay.

Và trong cách nhìn nhận vấn đề như trên, thiết nghĩ cần thiết xem lại về cáo buộc nhà báo Phạm Chí Dũng, trong chuyện ông đã phản biện và cổ súy tinh thần pháp luật theo "tam quyền phân lập".

Trần Lê

Nguồn : VNTB, 23/12/2020

Chú thích :

(*)https://www.tienphong.vn/xa-hoi-tin-tuc/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-576194.tpo

https://www.voatiengviet.com/a/tbt-vietnam-yeu-cau-xu-ly-suy-thoai-tu-tuong-chinh-tri/1610935.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phú Nhuận, Hồng Hà, Trần Lê
Read 509 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)