Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/12/2020

Gói cứu trợ Covid-19 : Donald Trump quyết cản trở đến cùng

Nhã Duy - Trọng Nghĩa - Thùy Dương

600 hay 2000, tuồng diễn quay lưng cuối năm

Nhã Duy, 26/12/2020

Từ giữa tháng Năm, Hạ Viện Dân chủ đã đưa ra dự luật HEROS Act với ngân sách 3.000 tỉ đô la, nhằm giúp đỡ người dân cùng các doanh nghiệp, cũng như kích thích nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Dự luật bao gồm nhiều điều khoản nhưng vài điều liên quan trực tiếp đến người dân và người lao động bao gồm việc cung cấp 1.200 USD đến mỗi người dân bất kể lớn nhỏ, trợ cấp thêm 600 USD mỗi tuần cho người thất nghiệp và giúp đỡ cho người thuê hay có nhà bị quá hạn tiền nhà. Một số dân biểu đảng Dân chủ còn vận động thay đổi dự luật để tăng trợ giúp 2.000 USD đến mỗi người dân.

cuutro1

Dự luật HEROS Act với ngân sách 3.000 tỉ đô la, nhằm giúp đỡ người dân cùng các doanh nghiệp, cũng như kích thích nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Lãnh đạo khối đa số Thượng Viện của đảng Cộng hòa là Mitch McConnell lập tức bảo đó là chuyện "khôi hài" và Tổng thống Donald Trump tuyên bố về dự luật sẽ bị "DOA" (Death on Arrival), trình lên là chết, là bị dẹp bỏ ngay. Tháng Sáu, Thượng Viện Cộng hòa đưa ra dự luật HEALS Act với ngân sách và điều khoản của riêng mình, nhưng trong đó cũng đề nghị cung cấp mỗi người dân 1.200 USD và người phụ thuộc là 500 USD.

Phải làm gì để dự luật hay gói cứu trợ được lưỡng viện thông qua ?

Nhân đây nhắc lại rằng, nhằm kiểm soát và cân bằng quyền lực trong nhánh lập pháp theo điều lệ hiến pháp Hoa Kỳ, một dự luật muốn trở thành đạo luật thì dự luật tương tự phải được thông qua tại cả lưỡng viện lập pháp. Đó là lý do có sự giằng co giữa hai viện bởi không phía nào sẽ đạt được điều mình đưa ra nếu chưa được bên kia chấp nhận.

Vậy thì vai trò Tổng thống và Bạch Ốc ở đâu trong các dự luật hay gói cứu trợ nói riêng như vậy ?

Không chỉ là người sẽ ký các dự luật để hiệu lưc hóa và chính thức áp dụng, nội các chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc vận động, thương lượng và thỏa thuận các điều khoản trong các dự luật đưa ra. Tổng thống và nội các biết rõ từng điều khoản và ngân sách đề nghị, ủng hộ hay phản đối nếu không có sự đồng ý trước từ phía chính phủ.

Từ đầu Hè, Bộ trưởng Ngân Khố Steven Mnuchin, Chánh Văn phòng Bạch Ốc Mark Meadows cùng Cố vấn kinh tế Larry Kudlow đã thay mặt tổng thống để vận động và thương lượng về gói cứu trợ. Cuộc thương lượng diễn ra như sự mặc cả một món hàng hơn là một chính sách kinh tế và biện pháp giúp đỡ người dân cùng các doanh nghiệp từ chính phủ, khi Bạch Ốc tăng dần từ vài chục đến trăm tỉ trong mỗi lần đề nghị về gói cứu trợ. Các đề nghị này được bàn thảo, cân nhắc giữa Donald Trump cùng các lãnh đạo đảng Cộng hòa là McConnell, lãnh đạo khối thiểu số tại Hạ Viện Kevin McCarthy cùng một số lãnh đạo cấp cao khác phía Cộng hòa.

Hơn nửa năm trôi qua, dù phía Dân chủ đã nhiều lần thay đổi nhằm cố gắng tìm sự thỏa thuận với Bạch Ốc và Thượng Viện, đợt cứu trợ kinh tế thứ nhì vẫn không tìm được tiếng nói chung và chưa được thông qua cho đến cuối năm. Bởi gói cứu trợ kinh tế làm sao quan trọng bằng cuộc vận động tái tranh cử, là mục tiêu hàng đầu của nội các Trump cùng đảng Cộng hòa trong nửa cuối năm qua. Nên không ngạc nhiên gì khi nó bị trì hoãn, kéo dài.

Và như người dân đã biết, thỏa thuận gói cứu trợ 900 tỉ đô la giữa lưỡng viện cuối cùng đã được thỏa thuận và công bố hồi tuần trước. Điều bất ngờ lớn nhất là số tiền trợ giúp cho mỗi người dân chỉ còn 600 USD, dù trước đó phía Cộng hòa cũng bày tỏ sự đồng ý ở mức 1.200 USD. Con số này ở đâu ra ?

Điều có thể làm một số người ngạc nhiên hơn nữa là dù dự phần và được tường trình chi tiết trong suốt cuộc thương thảo gói cứu trợ, Donald Trump làm như không biết gì về thỏa thuận này cho đến khi nó được công bố. Trump phủ quyết dự luật và cho rằng số tiền trợ giúp đến mỗi người dân cần là 2.000 USD, nhằm lái chỉ trích về phía lập pháp. Trump phủ quyết cả dự luật ngân sách quốc phòng đã được đa số nhà lập pháp lưỡng đảng thông qua.

Điều gì diễn ra đàng sau vở tuồng này ?

Khá rõ ràng là 1.200 USD hay 2.000 USD là điều Hạ Viện Dân chủ đề nghị và luôn sẵn sàng thông qua để giúp đỡ người dân ngay thời điểm khó khăn. Trên thực tế, phía Dân chủ đã lập tức soạn dự luật bổ sung về mức trợ giúp mới là 2.000 USD như Trump đưa ra nhưng tất nhiên lại bị Thượng Viện Cộng hòa gạt bỏ.

Đề nghị 2.000 USD mà Donald Trump biết rằng sẽ không bao giờ trở thành sự thật chỉ là tiểu tiết ma mị trong tuồng kịch dở cuối năm mà Trump vụng về dựng ra. Hay cố tình như hành động trả đũa giới lập pháp, những đồng minh chính trị bị ông cho là đã phản bội mình. Là gì thì nó có tác dụng như một liều trợ lực kích động lần cuối mà Trump tiêm vào nhóm ủng hộ mình, cho họ tin rằng Trump là người "yêu nước thương dân" (!?).

Khi số tử vong vì Covid-19 tăng cao mức báo động, số người đi lãnh thực phẩm miễn phí giữa mùa Đông đã tăng lên mức kỷ lục và vô số gia đình đang thiếu hụt, mong đợi tấm ngân phiếu từ chính phủ hơn bất cứ lúc nào thì Donald Trump bỏ mặc gói cứu trợ, quay lưng cùng người dân và nước Mỹ để cùng gia đình đi nghỉ Đông, đánh golf trong sự xa hoa và không quên tiếp tục gởi ra những tin nhắn đầy giận dữ và cay đắng ngay trong ngày lễ. Đó là người đứng đầu quốc gia hay sao ?

Những ngày quyền lực cuối cùng còn lại của Donald Trump chẳng ngoài mục đích trao lại tân nội các một nước Mỹ tệ hại nhất có thể. Đó là di hại lớn nhất mà Donald Trump đã đạt được trong bốn năm qua và riêng trong năm 2020 này.

Dẫu sao thì món quà cuối năm mà người dân Mỹ đã nhận được là sự hợp lực thành công trong việc loại bỏ Donald Trump ra khỏi Bạch Ốc, để đón chào tân nội các cùng một năm mới chứa chan niềm hy vọng sẽ mang đến nhiều điều tốt lành hơn.

Nhã Duy

(2612/2020)

************************

Hàng triệu người Mỹ thất nghiệp mất trợ cấp vì Tổng thống Trump bác gói kích cầu

Trọng Nghĩa, RFI, 26/12/2020

Hàng triệu người Mỹ phải chứng kiến ​​tr cp tht nghip ca h hết hn vào th By26/12/2020, sau khi tng thng Donald Trump t chi ban hành gói kích cu gn 900 t đô la đã được Quốc hội thông qua hôm 20/12.

cuutro2

Hàng quán nằm trong số đối tượng được hưởng hỗ trợ trong kế hoạch 900 tỷ đô la, hiện bị tổng thống Trump từ chối phê chuẩn. Ảnh minh họa : một nhà hàng ở California, ngày 08/12/2020.  AP - Marcio Jose Sanchez

Ông Donald Trump đã gây ngạc nhiên ngay trong đảng Cộng hòa của ông cũng như trong đảng Dân chủ khi ông nói trong tuần qua rằng ông không hài lòng với dự luật được chờ đợi từ lâu, lên tới 892 tỷ đô la (730 tỷ euro). Đây là một trong hai phần của kế hoạch chấn hưng 2.300 tỷ đô la. Khoản tiền này bao gồm gần 900 tỷ đô la nói trên (trong đó có trợ cấp thất nghiệp) hết hạn vào ngày 26/12 và 1,4 nghìn tỷ đô la chi cho các hoạt động của liên bang cho đến tháng 09/2021.

Theo dữ liệu từ Bộ Lao động, nếu không có chữ ký của tổng thống Mỹ, khoảng 14 triệu người Mỹ có thể mất các khoản trợ cấp thất nghiệp này. Việc đóng cửa một phần các cơ quan hành chính cũng sẽ xảy ra kể từ thứ Ba tuần tới, nếu Quốc hội không đồng ý được vào thời điểm đó về một văn bản cấp kinh phí tạm thời.

Bầu cử Thượng Viện : tài trợ kỷ lục cho đảng Dân chủ ở Georgia

Cuộc bầu cử Thượng Viện ở bang Georgia sẽ được tổ chức vào ngày 05/01/2021. Bốn ứng cử viên cho cuộc bầu cử Thượng Viện tại đây đã huy động được hơn 340 triệu đô la để tài trợ cho chiến dịch tranh cử của họ. 

Hai ứng cử viên đảng Dân chủ đã huy động được nhiều đóng góp. Jon Ossof, chẳng hạn, đã nhận được hơn 106 triệu đô la trong hai tháng, chủ yếu nhờ vào các khoản quyên góp nhỏ, trong khi đối thủ của ông thuộc đảng Cộng hòa là David Perdue đạt mức 68 triệu đô la.

Ứng cử viên Đảng Dân chủ khác cho ghế Thượng Viện thứ hai của Georgia là Raphael Warnock, nhận được số tiền 103 triệu đô la, cao hơn gần 40 triệu đô la so với Kelly Loeffler, đối thủ của mình.

Những khoản tiền kỷ lục này tuy nhiên không đảm bảo chiến thắng, như được chứng minh qua kết quả của cuộc bầu cử thượng nghị sĩ vào tháng 11 năm ngoái. Nhưng những khoản tiền này vẫn cho phép các ứng cử viên Dân chủ chiếm lĩnh không gian quảng cáo. 

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 26/12/2020

*************************

Tổng thống Trump dọa phủ quyết dự luật tài chính, các cơ quan Liên bang có nguy cơ đóng cửa

Thùy Dương, RFI, 25/12/2020

Tổng thống Donald Trump đã dọa phủ quyết dự luật tài chính mà Quốc hội lưỡng viện đã thông qua. Dự luật này bao gồm dự thảo ngân sách hoạt động của các cơ quan Liên bang và kế hoạch tái thiết kinh tế.

cuutro3

Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân Melania Trump tại căn cứ không quân Andrews chuẩn bị lên máy bay đi nghỉ lễ ở khu biệt thư Mar-a-Lago, Florida, ngày 23/12/2020.  AP - Patrick Semansky

Trước đó, nguyên thủ Mỹ đòi sửa đổi kế hoạch tái thiết, tăng gấp 3 tiền trợ cấp cho người nghèo. Phe Dân chủ hôm qua 24/12 đề xuất sửa đổi dự luật theo gợi ý này, nhưng đảng Cộng hòa của tổng thống lại không chấp nhận. Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ phải ngưng hoạt động vì không có ngân sách.

Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki cho biết thêm :

"Việc bác bỏ là có thể dự đoán được, ngay cả khi phe Dân chủ hy vọng là dưới áp lực của tổng thống Donald Trump, phe Cộng hòa sẽ thuận theo. Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi và các đồng nghiệp ở Hạ Viện hôm qua (14/12) đã đề xuất sửa đổi dự luật để tăng khoản tiền hỗ trợ cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Theo kế hoạch ban đầu, khoản tiền hỗ trợ là 600 đô la/người. Thế nhưng, hôm thứ Ba 22/12, tổng thống Donand Trump đã coi đó là điều không thể chấp nhận được và kêu gọi các dân biểu sửa đổi dự luật và dọa là nếu không, ông sẽ không ký phê chuẩn dự luật mà Quốc hội thông qua sau 7 tháng đàm phán.

Phe Dân chủ đã đề xuất nâng khoản tiền hỗ trợ lên thành 2.000 đô la/người theo gợi ý của tổng thống. Nhưng phe Cộng hòa đã bác bỏ đề xuất này. Kế hoạch lâm vào ngõ cụt và văn bản đã được để nguyên như vậy và gửi đến Nhà Trắng. Các dân biểu giờ đây hy vọng là tổng thống Donald Trump sẽ không biến lời đe dọa thành hiện thực.

Như vậy, trái bóng hiện giờ đang ở bên sân của tổng thống. Trong một tin nhắn Twitter gửi đến tổng thống, chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi đề nghị tổng thống khẩn trương ký phê chuẩn dự luật để giải ngân quỹ hỗ trợ, chuyển tiền cho hàng triệu người dân Mỹ đang cần khoản hỗ trợ này.

Nếu kế hoạch không được phê chuẩn trước tối thứ Hai (28/12), chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ "đóng cửa": các cơ quan Liên bang sẽ phải ngưng hoạt động, bởi vì ngân sách hoạt động của chính phủ gắn với kế hoạch tái thiết kinh tế".

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 25/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nhã Duy, Trọng Nghĩa, Thùy Dương
Read 569 times

2 comments

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)