Bình Nhưỡng : "Bán đảo Triều Tiên đang đứng bên bờ vực thẳm một tai họa hạt nhân". Tại Washington, tổng thống Donald Trump tuyên bố sẵn sàng tiếp Kim Jong-un. Hàn Quốc thông báo hoàn tất lắp đặt hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD, Seoul sẵn sàng đối phó với đe dọa Bắc Triều Tiên. Oanh tạc cơ của Mỹ tại đảo Guam được huy động tập trận cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản.
Bắc Triều Tiên phô trương tên lửa hiện đại nhân kỷ niệm 105 năm sinh nhật Kim Nhật Thành ngày 15/04/2017. Reuters
Chưa có dấu hiệu tình hình ở khu vực Đông Bắc Á hạ nhiệt. Xung đột vũ trang có nguy cơ bùng nổ hay không ? Hoa Kỳ và Bình Nhưỡng đang tính toán những gì ? Mariane Peron Doise, chuyên gia về chiến lược Châu Á, thuộc Học Viện Nghiên Cứu Chiến Lược, Trường Quân sự của Pháp IRSEM và giáo sư Annick Cizel, đại học Sorbonne Nouvelle- Paris 3, nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, phân tích về những tính toán của cả đôi bên.
Trước hết bà Mariane Peron Doise nhấn mạnh đến thế bắt buộc Bình Nhưỡng phải cứng giọng với cộng đồng quốc tế :
Mariane Peron Doise : Chế độ Bắc Triều Tiên ngày càng bị cô lập, nhất là sau khi Bình Nhưỡng cắt đứt hoàn toàn đối thoại với Seoul. Chúng ta có cảm giác với Kim Jong-un, Bắc Triều Tiên đang lao vào một cuộc đua ngày càng quyết liệt. Thực ra thì chế độ này bắt buộc phải duy trì áp lực với cộng đồng quốc tế, phải phô trương sức mạnh để tồn tại. Tôi có cảm tưởng đây là một cuộc chơi mà ở đó Kim Jong-un liên tục khiêu khích thế giới, liên tục bắt công luận quốc tế phải chú ý đến mình ở một nhịp độ do chính ông ta đặt ra. Từ các màn diễu binh khoe trang thiết bị quân sự đến các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo và vũ khí nguyên tử, Bình Nhưỡng chỉ tuân theo lô-gic của chính mình. Chế độ Bắc Triều Tiên bắt buộc phải liên tục khuấy động tình hình, duy trì căng thẳng để tồn tại, cả với công luận trong nước lẫn với phần còn lại của thế giới
Nhìn từ phía Hoa Kỳ, giáo sư Annick Cizel nói đến màn trình diễn của chính quyền Trump, nhưng về thực chất, Washington chưa có chiến lược rõ ràng với Bắc Triều Tiên :
Annick Cizel : Rất khác đời, trong động thái của tổng thống Trump triệu mời các thượng nghị sĩ đến Nhà Trắng để bàn về tình hình Bắc Triều Tiên, thay vì đích thân ông đến Thượng Viện. Tổng thống Hoa Kỳ có thể triệu tập lưỡng viện trong một cuộc họp bất thường để trình bày vấn đề. Nhưng ông đã chọn giải pháp khác. Qua đó, Donald Trump muốn chứng tỏ, ông mới là người điều khiển tất cả, như một vị nhạc trưởng.
Trên thực tế, tổng thống Mỹ không có chiến lược cụ thể về hạt nhân Bắc Triều Tiên. Tới nay, các thành viên trong chính phủ liên quan trực tiếp đền hồ sơ này, từ bộ trưởng Quốc Phòng, tướng Mattis, đến ngoại trưởng Tillerson, hay đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc Nikki Haley không đưa ra một tiếng nói đồng nhất về Bắc Triều Tiên. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence trong vòng công du Châu Á 10 ngày vừa qua, đã cố gắng trình bày quan điểm của Hoa Kỳ với các đồng minh. Điểm thứ hai tôi muốn nhấn mạnh là về mặt hình thức, chính quyền Trump đang dàn dựng một vở tuồng, để công luận Mỹ bớt chú ý đến tai tiếng chung quanh mối liên hệ giữa các cộng tác viên thân cận của tổng thống Hoa Kỳ với Nga, hay vụ con gái tổng thống Trump là Ivanka phải giải thích về sự hiện diện của cô ở Nhà Trắng.
Còn về nội dung, chúng ta thấy các cố vấn quân sự hàng đầu của tổng thống Trump, như bộ trưởng Quốc Phòng Mattis, đang cố gắng làm dịu tình hình. Một nhân vật uy tín khác trên chính trường Mỹ, là thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy Ban Quân Vụ tại Thượng Viện Hoa Kỳ cũng thiên về một giải pháp ngoại giao và đối thoại, thông qua các ngả khác nhau, kể cả Trung Quốc và Hàn Quốc.
Chuyên gia Mariane Peron Doise lo ngại tình hình trong khu vực đang nóng lên trong lúc các kênh đối thoại đều tắc nghẽn :
Mariane Peron Doise : Điều đáng quan ngại nhất hiện nay là sự thiếu vắng các kênh ngoại giao. Tất cả các động thái diễu võ dương oai, từ việc điều tàu chiến đến Đông Bắc Á hay các đợt tập trận trong khu vực đều nhằm chứng minh với đối phương về sức mạnh quân sự của mình. Hầu như mỗi ngày, cả Mỹ lẫn Bắc Triều Tiên đều "đặt lên mặt bàn" những phương tiện quân sự mới để gia tăng áp lực, để hù dọa phe bên kia.
Nhưng đến một lúc nào đó thì các bên bắt buộc phải nối lại đối thoại, phải để cho các nhà ngoại giao làm việc với nhau. Vấn đề đặt ra là từ trước tới nay, dù Washington và Bình Nhưỡng không trực tiếp nói chuyện với nhau, nhưng kênh đối thoại đó vẫn được duy trì qua trung gian Hội Đồng Bảo An, hay là Trung Quốc, hoặc thông qua đặc sứ của các bên cũng như vai trò hết sức quan trọng của Hàn Quốc. Có điều ở thời điểm này, Seoul đang chuẩn bị bầu lại tổng thống vào ngày 09/05/2017. Ứng cử viên có triển vọng đắc cử nhất lại không chút mặn mà với giải pháp quân sự. Thậm chí, ứng cử viên Moon Jae-in cũng rất dè dặt với dự án đặt hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Trong bối cảnh đó, tôi nghĩ là có lẽ bản thân Kim Jong-un cũng muốn đợi xem tình hình sẽ tiến triển ra sao. Trước mắt Bình Nhưỡng sẽ tránh đi quá đà. Nói tóm lại cả Donald Trump lẫn Kim Jong-un đều là những nhân vật có tính khí thất thường, nhưng về bản chất, hy vọng rằng cả hai không quá điên rồ để lao vào một cuộc chiến.
Giáo sư Cizel, chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ cho rằng, trong ván bài hiện nay, tổng thống Trump như đang nhắm tới quá nhiều mục tiêu cùng một lúc, mà mục tiêu nào cũng nguy hiểm như nhau :
Annick Cizel : Về mặt lý thuyết, đúng là Mỹ oanh tạc căn cứ quân sự của Syria đề cảnh cáo Bắc Triều Tiên. Nhưng có lẽ chính quả bom mẹ thả xuống Afghanistan mới là thông điệp trực tiếp Washington gửi tới Bình Nhưỡng. Nói một cách ví von, tôi cho rằng, Hoa Kỳ đang dồn đối thủ đến sát bờ vực thẳm, để đối phương hiểu rằng, chỉ cần nhích một ly thôi, mọi việc sẽ đổi thay. Có điều, đòn hù dọa và răn đe đó rất nguy hiểm, vì chỉ cần một sự cố nhỏ cũng có thể đẩy toàn khu vực vào chiến tranh.
Hơn nữa, Đông Á như đang sống lại những năm tháng thời chiến tranh lạnh : Trung Quốc vừa hạ thủy tàu sân bay thứ nhì đề chứng minh với Mỹ rằng, Bắc Kinh có phương tiện quân sự để đối phó khi cần thiết. Mỹ thì nào là tập trận, nào là điều tàu chiến đến khu vực bán đảo Triều Tiên... Đây là một trò chơi nguy hiểm. Đồng thời Donald Trump cũng khẳng định lập trường rất rõ ràng với hai đồng minh truyền thống là Hàn Quốc và Nhật Bản. Thông điệp của chủ nhân Nhà Trắng là : tình hình nóng bỏng hiện nay cho thấy, đã đến lúc Seoul và Tokyo cần tự định đoạt lấy tương lai, chính sách phòng thủ phải là một ưu tiên. Hàn Quốc và Nhật Bản cần có khả năng phòng vệ xứng đáng, không nên trông chờ vào ô dù của Mỹ.
Dù vậy chuyên gia Mariane Peron Doise, học viện IRSEM, tin tưởng rằng, Kim Jong-un sẽ không dại để bị Mỹ đánh phủ đầu :
Mariane Peron Doise : Đây cũng là thông điệp mà chính quyền Mỹ nhắm tới Trung Quốc. Như vừa nói, Bắc Kinh cho hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm thứ nhì để khẳng định mình là một siêu cường quân sự, nhưng chúng ta đừng quên một điều, là các bên liên quan, đều có vũ khí hạt nhân. Trong trường hợp xấu nhất, Bình Nhưỡng có thể dùng đến loại vũ khí này để trả đũa và cũng chính vì thế mà Hàn Quốc và Nhật Bản rất lo âu.
Phía Tokyo, chúng ta đều biết, từ khi trở lại cầm quyền, thủ tướng Shinzo Abe đã tạo mọi điều kiện để Nhật Bản có thể sử dụng sức mạnh trong trường hợp cần thiết, và điều này đã khiến Bắc Kinh lo ngại. Trong trường hợp Tokyo và Seoul bị Washington gây áp lực quá lớn để lao vào một cuộc chạy đua vũ trang, để trang bị tên lửa đạn đạo, hay vũ khí hạt nhân, thì tình hình càng phức tạp hơn gấp bội.
Chính sách khuyến khích Nhật Bản và Hàn Quốc tự trang bị vũ khí để phòng vệ trước hiểm họa Bắc Triều Tiên không là giải pháp tốt nhất. Vì ngoài yếu tố Bắc Triều Tiên còn có yếu tố Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi cho rằng, trước mắt chúng ta có thể an tâm một điều : lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un còn đang cân nhắc xem có nên đi quá đà hay không, và có lẽ Bình Nhưỡng không dại gì thử lửa với Washington, để lãnh lấy họa vào thân. Biết đâu Mỹ mạnh tay đánh phủ đầu.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 02/05/2017