Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/02/2017

Từ buông lỏng quản lý đến gây hại cho quốc gia

Quốc Nam

Liên quan đến việc Formosa Hà Tĩnh xả thải làm cá chết hồi tháng 4/2016 tại 4 tỉnh miền Trung, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã điểm mặt chỉ tên những lãnh đạo Bộ Tài nguyên và môi trường nhiệm kỳ 2008-2016, lãnh đạo Hà Tĩnh 2 nhiệm kỳ liên tiếp 2004-2011, 2011-2016 có liên quan. Những sai phạm này là chưa từng có tiền lệ trong một quá trình kéo dài khiến nguồn lực quốc gia bị ảnh hưởng và người dân thì khó khăn vô cùng.

quanly1

Nhà máy Formosa Hà Tĩnh

Đối với lãnh đạo Bộ Tài nguyên và môi trường, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ : "Thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo ; buông lỏng quản lý, điều hành ; thiếu kiểm tra, giám sát ; để xảy ra các vi phạm trong công tác thẩm định, phê duyệt, chấp thuận thay đổi đánh giá tác động môi trường, điều chỉnh địa điểm xả thải và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh". 

Một loạt tên tuổi từ người đứng đầu Bộ Tài nguyên và môi trường đến các cấp dưới giai đoạn 2008-2016 bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra gồm ông Nguyễn Minh Quang nguyên Bộ trưởng ; ông Bùi Cách Tuyến nguyên Thứ trưởng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường ; ông Nguyễn Thái Lai nguyên Thứ trưởng, chịu trách nhiệm trực tiếp về những vi phạm thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách và cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và môi trường ; ông Mai Thanh Dung trong thời gian giữ chức vụ Cục trưởng Cục Thẩm định, đánh giá tác động môi trường ; và ông Lương Duy Hanh, Cục trưởng Cục Kiểm sóat hoạt động bảo vệ môi trường, đã thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Những ông này và Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và môi trường có vi phạm, khuyết điểm "nghiêm trọng, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật".

Với tỉnh Hà Tĩnh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu : "Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh các nhiệm kỳ 2004-2011, 2011-2016 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo ; buông lỏng quản lý, điều hành ; thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện dự án ; để xảy ra các vi phạm trong thẩm định, phê duyệt, cấp phép và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh". Các ông Võ Kim Cự trong thời gian giữ cương vị Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế (2008-2010) và trách nhiệm của ông Hồ Anh Tuấn Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng (2010-2016) là nghiêm trọng, phải xem xét thi hành kỷ luật.

Một loạt cán bộ hiện thời làm lãnh đạo cấp cao của Hà Tĩnh cũng bị nêu tên và phải tổ "chức kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm ; đồng thời, chỉ đạo kiểm điểm, xem xét kỷ luật đối với những cán bộ thuộc thẩm quyền theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương", văn bản của Ủy ban nhấn mạnh. Đó là các ông : Lê Đình Sơn, Đặng Quốc Khánh, Dương Tất Thắng, Nguyễn Nhật trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh có phần trách nhiệm.

Sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm ở đây là gì ? Bộ Tài nguyên và môi trường dưới thời ông Nguyễn Quang Minh làm Bộ trưởng đã chấp thuận thay đổi đánh giá tác động môi trường, điều chỉnh địa điểm xả thải và quản lý nhà nước với dự án Formosa. Công nghệ luyện cốc từ dập khô ít ô nhiễm môi trường hơn đã bị thay bằng công nghệ dập ướt nhưng Bộ Tài nguyên và môi trường đã "chấp thuận" để rồi hậu quả là cá biển 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế chết khiến hàng loạt ngành nghề khác khốn đốn theo.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nghiêm khắc chỉ ra những vấn đề nghiêm trọng khiến nguồn lực người dân và nguồn lực quốc gia ảnh hưởng theo chiều hướng quá xấu. Vậy nhưng cho đến nay, ngành Tài nguyên và môi trường từ Sở Tài nguyên và môi trường Hà Tĩnh đến Bộ Tài nguyên và môi trường vẫn chưa thực sự nghiêm túc nhận khuyết điểm, kỷ luật 4 nhân sự thì không thông báo rộng rãi tên tuổi của những cá nhân liên quan. Báo chí đưa tin : "Cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Môi trường nhiệm kỳ 2015-2020, đồng thời kỷ luật hành chính bằng cách giáng chức, điều động sang đơn vị khác làm việc đối với 1 Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường ; khiển trách và cảnh cáo, điều động sang đơn vị khác làm việc đối với 2 trưởng phòng, 1 phó trưởng phòng thuộc Tổng cục Môi trường".

Chẳng lẽ, danh tính của những kẻ làm sai, buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm được ưu tiên bảo mật, còn cá chết làm điêu đứng ngư dân, gây hại cho hàng loạt nghề nghiệp liên quan khác không quan trọng như việc giữ kín tên của những người cầm trịch giữ sạch môi trường đã "nhúng chàm" cho doanh nghiệp luyện sắt giết chết biển miền Trung ?

Riêng tỉnh Hà Tĩnh, mãi tháng 12/2016 mới kỷ luật khiển trách 4 cán bộ công chức cấp xã thuộc UBND thị xã Kỳ Anh, ngoài ra Trưởng phòng Thẩm định - Đánh giá tác động môi trường (Sở Tài nguyên và môi trường), 1 Phó trưởng phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) cũng bị khiển trách. 

Hậu quả mà Formosa gây ra đến nay vẫn dằng dai và còn kéo dài nhiều hệ lụy chưa thể phục hồi mọi nguồn lực như trước đây. Nhiều xã biển hùng mạnh ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế không đánh bắt gần mà mà tàu thuyền chuyên đánh bắt xa bờ có sản lượng đánh bắt năm 2016 lớn hơn năm 2015 nhưng tiền bán ra ít hơn năm 2015 vì cú xả thải làm cá gần bờ chết khiến người làm ăn khơi xa khó khăn.

Ngành du lịch các địa phương thiệt hại khốc liệt, chỉ riêng Quảng Bình đã mất đi gần 2.000 tỉ đồng so với năm 2015. Từ người sản xuất tăm tre, đến người bán cá, nhân viên du lịch, buôn bán rau… đều thiệt hại ngoài sức tưởng tượng. Nhưng việc kỷ luật các cá nhân, tập thể liên quan với Hà Tĩnh làm như chiếu lệ, cho có, bằng cách thức cùng lắm "khiển trách" như trêu ngươi.

Nhưng Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông báo chính thức trước truyền thông và dư luận, rằng cá nhân đã về hưu vẫn phải xem xét thi hành kỷ luật. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, lãnh đạo đương nhiệm gồm Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh, ông Dương Tất Thắng- Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Nhật phải tổ chức kiểm điểm. 

Buông lỏng quản lý, gây hại cho hàng vạn người dân và tổn hại hình ảnh quốc gia không phải chỉ khiển trách qua loa chiếu lệ với nhân viên cấp dưới, mà lãnh đạo đương nhiệm hay về hưu cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là bước đầu tiên để có căn cứ tiếp theo và dư luận hy vọng các hình thức thích đáng sẽ công bằng với "tội trạng" thay đổi đánh giá tác động môi trường, "buông lỏng quản lý", "thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo", "gây hậu quả nghiêm trọng" của họ.

Quốc Nam

Nguồn : Một Thế Giới, 26/02/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quốc Nam
Read 656 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)