Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/12/2020

Nhân sự Đại hội 13 : những trường hợp đặc biệt và nhóm bất tài

RFA - Thu Thủy - Diễm Thi

Nhân sự chủ chốt Đại hội đảng XIII : Cân nhắc những "trường hợp đặc biệt"

RFA, 28/12/2020

Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII là đề tài quan trọng được Ban tổ chức trung ương tiếp tục thông tin tại Hội nghị tập huấn tuyên truyền Đại hội XIII của đảng cộng sản Việt Nam cho các cơ quan báo chí.

nhansu1

Đại hội đại biểu toàn quốc đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13 sẽ diễn ra từ ngày 25/1/2021 đến 2/2/2021 tại Hà Nội (Ảnh minh họa) - AFP

Hội nghị tập huấn diễn ra ngày 28/12 và được truyền thông Nhà nước đồng loạt loan tải.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên vụ trưởng Vụ cơ sở đảng, Ban tổ chức trung ương cho biết tại Hội nghị trung ương lần thứ 15 sắp tới, trung ương sẽ cân nhắc và quyết định những trường hợp đặc biệt và nhân sự chủ chốt khóa mới.

Cụ thể, ông Hà nói những trường hợp đặc biệt so với qui định chung sẽ cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng nhiều mặt và thông qua quy trình chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, trước khi trình Ban chấp hành trung ương xem xét, quyết định việc giới thiệu với đại hội và Ban chấp hành trung ương khóa XIII.

Ông Hà giải thích thêm về quy trình giới thiệu đối với 3 nhóm đối tượng nhân sự cho trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương tái cử ; lần đầu tham gia trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương và các chức danh chủ chốt ; còn có nhóm đối tượng thuộc diện đặc biệt.

Cũng theo ông Hà, nhóm trường hợp đặc biệt sẽ được giới thiệu cuối cùng và phải thông qua qui trình dân chủ, công khai, minh bạch.

Ông Hà dẫn chứng về một "trường hợp đặc biệt" được giới thiệu tham gia Bộ Chính trị khóa XII và đã trúng cử là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Ông Hà thông tin thêm rằng số lượng cán bộ được qui hoạch Ban chấp hành trung ương khóa XIII ít hơn, chặt chẽ hơn so với khóa XII, với khoảng 222 cán bộ cấp chiến lược, giảm gần 300 ngươi so với qui hoạch của khóa XII.

Ngoài ra, ông nguyên vụ trưởng vụ cơ sở đảng còn cho biết kiên quyết không để lọt vào Ban chấp hành trung ương những người không đảm bảo tiêu chuẩn và không bỏ sót những cán bộ có đức, có tài, có tín nhiệm cao trong nhân dân.

Đại hội đại biểu toàn quốc đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XIII sẽ diễn ra từ ngày 25/1/2021 đến 2/2/2021 tại thủ đô Hà Nội. Đây là sinh hoạt quan trọng diễn ra 5 năm một lần.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với địa phương diễn ra cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì vậy, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị cần chủ động tổ chức thực hiện tốt ngay từ đầu năm Nghị quyết đại hội XIII của đảng.

Nguồn : RFA, 28/12/22020

************************

Chia ghế cho đảng viên bằng giả và tham nhũng – Đại hội 13 quy tụ nhóm "bất tài"

Gần một tháng trước khi Đại hội toàn quốc 13 của đảng Cộng sản Việt Nam theo dự kiến sẽ khai mạc, một lãnh đạo cấp cao là thường trực Ban Bí thư của đảng này nêu quyết tâm của đảng.

nhansu2

Ông Đinh La Thăng (bên phải) và ông Tất Thành Cang khi còn đương chức. Ông Tất Thành Cang vừa mới bị khởi tố, còn ông Đinh La Thăng đã phải hầu tòa 3 lần với ba bản án tổng cộng 30 năm tù

Hôm 22/12/2020, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, được các báo chính thống của nhà nước Việt Nam dẫn lời bày tỏ quyết tâm làm trong sạch hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của đảng cầm quyền.

"Kiên quyết loại những người không đủ tiêu chuẩn, không để lọt vào khóa mới. Rút kinh nghiệm vừa rồi có những người không đủ tiêu chuẩn sau đó phải xử lý", ông Trần Quốc Vượng được báo VietnamNet hôm thứ ba dẫn lời phát biểu tại cuộc Hội nghị thứ ba của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng ngày.

Quan chức thường trực Ban Bí thư của đảng cộng sản Việt Nam cũng được tờ Thanh Niên dẫn lời thêm, cũng từ cuộc hội nghị trên, nhấn mạnh :

"Gần đây chúng ta tiếp tục kỷ luật đảng viên có vi phạm, điều tra vụ việc, xét xử vụ án dù gần đến Đại hội.

"Điều này giúp dân tin rằng Đảng không ngừng nghỉ trong đấu tranh phòng chống tham nhũng".

Phát biểu là một lẽ, nhưng hành động thì thế nào ?

Trong một bình luận mới đây trong dịp diễn ra Hội nghị 14 của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, một quan chức nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, Luật sư Trần Quốc Thuận bình luận với BBC về vấn đề quyết tâm của đảng cần như thế nào :

"Tôi cho rằng giữa việc nói và làm còn có một khoảng cách, vẫn còn có việc làm chưa đến nơi đến chốn.

"Nhiều nơi, nhiều trường hợp còn nể nang, né tránh, đụng tới những người có chức, có quyền, những ai có thế lực là có biểu hiện chùn tay.

"Bây giờ hãy lấy phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mà thực hiện, kỳ này xét người vào Trung ương, theo tôi là phải rõ ràng, minh bạch, công khai, nếu người nào có tài sản, nhà cửa, tiền tài, thu nhập mà không giải thích được nguồn gốc, thì không đưa vào.

"Đây là thời điểm phải bắt những người đó phải công khai ra xem họ có bao nhiêu cái nhà, bao nhiêu tài sản thì tự nhiên ra ngay, chứ chỉ nói suông và nói đi nói lại hoài mà có thấy làm đến nơi, đến chốn đâu, thì người dân người ta sẽ khó tin", Luật sư Trần Quốc Thuận nói.

‘Chống tham nhũng để giữ uy tín cho Đảng, không lo giảm uy tín’

Hôm 22/12, báo Thanh Niên Online cũng trích dẫn lời của ông Trần Quốc Vượng nói tại kỳ Hội nghị nhóm họp cuối năm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một đoàn thể chính trị được cho là "cánh tay" quyền lực nối dài của đảng cầm quyền :

"Tôi đi nhiều địa phương, bà con nói : sợ nhất các bác làm chùng xuống. Tôi trả lời với bà con là chúng ta tiếp tục. Trong khó khăn, gần tổ chức Đại hội chúng ta vẫn làm.

Chúng ta xác định làm để giữ uy tín cho Đảng, chứ không lo giảm uy tín".

Trước đó không lâu, hôm 12/12, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng của đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đã tổ chức một hội nghị toàn quốc tổng kết công tác này trong giai đoạn 2013-2020.

Đưa tin về hội nghị tổng kết này, trang mạng của Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng cộng sản Việt Nam cho hay công tác qua 7 năm được ban lãnh đạo đảng chỉ đạo "quyết liệt" đã thu được nhiều thành quả, đạt nhiều thành tích khả quan, không có "vùng cấm, ngoại lệ" :

"Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào"…

"Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo.

Riêng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang…)".

nhansu3

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khi đương chức và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Hôm 22/12, từ Pháp, ông André Menras (tức Hồ Cương Quyết), một nhà quan sát thời sự Việt Nam bình luận với BBC :

"Nạn tham nhũng luôn đi cùng với quyền lực. Ở nước nào cũng vậy. Nhưng suốt mấy chục năm Việt Nam đã phải chịu tham nhũng như ung thư từ cấp cao đến cấp dưới của hệ thống cai trị. Vô số cán bộ cao cấp trong bộ máy kinh tế, tài chính, quân đội, công an đã bị dính líu, nhiều khi liên kết với các thế lực được cho là "mafia". Đến mức cách thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh ấy đang làm biến chất cả xã hội.

"Ông nguyễn Phú Trọng có thể khóc trước vụ đồng chí X, ông có thể lo này hay lo kia, nhưng tham nhũng không thể bị diệt trù vì nó là sản phẩm có tính cấu trúc, không thể tránh khỏi của chế độ độc đảng, một chế độ công an trị mà công an là do đảng vì đảng.

"Hơn nữa tôi cho rằng trong hệ thống chính trị của những nhóm lợi ích hiện nay, việc gia nhập giới cầm quyền đối với một cán bộ trong sạch, "chưa bị lộ" tức là không dính líu với nhóm lợi ích nào, trở thành một "nhiệm vụ bất khả thi".

"Theo tôi, chừng nào Điều 4 còn ngự trị trên Hiến pháp Việt Nam, nó sẽ là kẻ bảo vệ quyết liệt cho nạn tham nhũng có hệ thống, cơ cấu.

Chỉ có khả năng kiểm soát thật sự của dân mới có thể bắt đầu đẩy nó phải lùi ra.

"Nhưng, đối với cái nhóm đang bám vào quyền lực bằng mọi giá mà họ dùng tham nhũng để cai trị cũng để dàn xếp các vụ tranh chấp trong cuộc đấu tranh giữ quyền lực trong nội bộ dưới sức ép hay ảnh hưởng mà theo tôi là của Bắc Kinh, thì làm sao họ chịu loại bỏ bê tông, xi măng khỏi tòa nhà ?

Nó sẽ đổ sụp xuống ngay ! Chính vì vậy chế độ này đang coi dân quyền như kẻ thù và vụ Đồng Tâm là một ví dụ hiển nhiên".

Giới quan sát đánh giá tham nhũng trong nhiều năm gần đây càng có chiều hướng gia tăng, ngông cuồng và thô thiển hơn những năm trước bất chấp chiến dịch đốt lò của Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn liên tục gia tăng thêm củi lửa và sức nóng.

Có một nghịch lý rằng đem quyền lực chống tham nhũng chỉ càng làm cho tham nhũng lây lan phát triển thêm nhiều chi nhiều nhánh, đánh chưa kịp chỗ này thì chỗ khác đã mọc lên rậm rịt. Nói cách khác thì đem độc tài chống tham nhũng chỉ là cách tiếp sức cho tham nhũng thêm mạnh hơn.

Trao đổi với BBC News tiếng Việt hôm thứ Năm, 18/12/2020 từ Hà Nội, vào thời điểm một ngày trước khi Hội nghị Trung ương 14 khóa XII của đảng Cộng sản bế mạc, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ, nhà nghiên cứu chính sách công từ Bộ Kế hoạch & đầu tư Việt Nam trước hết cho rằng đang có một "vòng luẩn quẩn" trong công cuộc "đốt lò".

"Trong tổng kết 7 năm chống tham nhũng và kể từ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban phòng, chống tham nhũng trung ương, ông có nhấn mạnh 6 bài học để phòng chống tham nhũng thế nào cho tốt và hiệu quả.

"Việc ông đưa ra những bài học này là để làm sao tiếp tục chống tham nhũng trong những nhiệm kỳ tiếp theo, nhưng có lẽ đó chỉ là một cách làm thôi, trong khi từ đó chúng ta có thể suy ra một điều không tránh khỏi, đó là tập trung quyền lực để chống tham nhũng, nhưng lại trớ trêu thay, tham nhũng lại xuất phát từ sự tha hóa quyền lực".

Liệu cái "Lồng thể chế" có "nhốt" được quyền lực hay không ?

Nhà phân tích chính sách công từ Hà Nội nhấn mạnh đang có một "mâu thuẫn" rất lớn và theo ông là rất khó xử lý ở Việt Nam :

"Việc đó đang là một mâu thuẫn rất lớn hiện nay với công cuộc cải cách thể chế nói chung và thể chế chính trị nói riêng và đó là điều rất khó, bởi vì như vậy chúng ta có thể hình dung ra là sau khi hội nghị trung ương kết thúc, sẽ có lãnh đạo mới ở đại hội, nhiệm kỳ 13.

"Và chúng ta lại có thể thấy khi đó sẽ có sự tập trung quyền lực cao hơn nữa để chống tham nhũng cho nhiệm kỳ trước đó vừa xong hoặc là nhiệm kỳ trước nữa, như thế nó trở thành một cái vòng rất luẩn quẩn".

"Công cuộc "đốt lò" hiện chưa xử lý căn nguyên được vấn đề chống tham nhũng bởi vì tập trung quyền lực để chống tham nhũng, mà tham nhũng lại xuất phát từ sự tha hóa quyền lực, chính vì vậy có những giải pháp căn cơ hơn nữa để chống tham nhũng và đấy mới chính là những điều đáng bàn.

"Và hiện nay điều khó nhất là việc "nhốt quyền lực" vào trong một cái "lồng thể chế" như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói, thì chưa rõ hình hài của cái "lồng thể chế này", trong đó có nói tới kiểm soát tài sản của các quan chức, thì khá là mơ hồ và khá định lượng, chưa thể làm được điều này và điều đó là khó khăn".

"Làm sao thoát khỏi vòng luẩn quẩn này là một câu hỏi lớn cho cải cách thể chế của nhiệm kỳ 13 sắp tới", Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ nói với hội luận Bàn tròn thứ Năm của BBC.

Cũng tại thảo luận này, nhà văn, nhà báo tự do Võ Thị Hảo, từ Berlin, Cộng hòa liên bang Đức cho rằng tham nhũng quyền lực gây ra tai hại lớn nhất cho các quốc gia :

"Tôi nghĩ tham nhũng quyền lực là tham nhũng lớn nhất để lại những hậu quả tai hại nhất đối với tất cả mọi đất nước, cũng như mọi người dân ở trên thế giới này.

Và cái đầu tiên quan trọng là phải chống tham nhũng quyền lực bằng thể chế, cũng như phải có những lực lượng đối lập, có những người phản biện và phải đưa ra trước công luận cũng như là công lý.

"Chính ông ấy một mặt thì "đốt lò", nhưng mặt khác lại tạo ra những việc cho sự độc tài ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ và dẫn tới tham nhũng quyền lực cực kỳ lớn,

"Và mọi người có thể tìm được những dẫn chứng mà bây giờ trong thời đại Internet rất dễ để tìm kiếm và linh cảm của tôi là sắp tới, nếu ông Nguyễn Phú Trọng không bị đột quỵ, hay là chân tay run rẩy, đi lại quá khó khăn, thì ông còn có được những lực lượng để ông có thể sửa điều lệ đảng để cho một người như ông ấy có thể ở lại tiếp tục trong nhiệm kỳ nữa, cũng như ông Tập Cận Bình đã làm chẳng hạn, tôi nghĩ khuynh hướng có thể như vậy".

Từ California, Hoa Kỳ, Luật sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm ngay trước đó phát biểu nêu quan điểm của mình với hội luận về tham nhũng quyền lực, đặc biệt liên hệ tới trường hợp Việt Nam hiện nay :

"Tham nhũng quyền lực là một biến thái về ý chí quyền lực mà thôi.

"Ý chí quyền lực có thể hướng thượng cho mục tiêu cao cả. Ví dụ các nhân vật lịch sử muốn thay đổi chiều hướng của lịch sử như sự suy đồi của một triều đại, một quốc gia, thì họ muốn làm lãnh đạo để thay đổi chiều hướng đó, để thay đổi hướng đi.

"Tuy nhiên, ở Việt Nam, tất cả những lý tưởng trở thành tham nhũng. Lý do vì sao ?

Vì ví dụ trong lớp lãnh đạo như ông Nguyễn Phú Trọng chẳng hạn, tôi nghĩ rằng ông ta thành thật trong lý tưởng cộng sản của ông ta.

"Và tổ chức "Đảng ta" nói theo triết học là một căn nhà hữu thể cho những cá nhân đó, do đó ông nói mất đảng là mất tất cả, trong khi với những thế hệ mới của những đảng viên, họ không nhìn vấn đề "Đảng ta" như một căn nhà cho hữu thể của họ, mà họ coi đó như một cơ hội hay một cơ chế để giải quyết những nhu cầu mà bây giờ là kinh tế cá nhân.

"Cho nên những cái này sẽ còn kéo dài và tạo ra những mâu thuẫn rất lớn và ở Việt Nam không thể chống tham nhũng như thể loại hiện nay, nếu không có một sự độc lập tư pháp, nếu không có một sự độc lập về báo chí, không có một sự trưởng thành về xã hội dân sự.

"Và nhất là vấn đề về thực tế hơn là lương bổng, vấn đề quy chế về tuyển chọn nhân sự, thì tham nhũng về quyền lực này nó trở thành một tính thiết yếu cho tất cả những con người muốn làm kinh tế, là bởi vì phải có quyền lực chính trị thì mới có quyền lực kinh tế, hai cái đó ràng buộc lẫn nhau.

"Mà con người bây giờ là những "động vật về kinh tế" mà thôi, thì nhu cầu kinh tế đó ràng buộc với nhu cầu quyền lực chính trị, cho nên vấn đề tham nhũng chính trị là vấn đề không thể tránh khỏi", Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm, người đồng thời là một nhà nghiên cứu triết học nói với BBC.

Thu Thủy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 24/12/2020

*********************

Chống tham nhũng để lấy tiếng cho Đảng trước đại hội ?

Diễm Thi, RFA, 23/12/2020

Sáng 22 tháng 12 năm 2020, phát biểu tại hội nghị lần thứ ba Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng tuyên bố, việc chống tham nhũng để giữ uy tín cho đảng chứ không sợ làm giảm uy tín của đảng cho dù gần đến Đại hội 13.

nhansu4

Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 37 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội ngày 12/11/2020. AFP

Ngày hôm sau, 23 tháng 12 năm 2020, tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tuyên bố công tác phòng, chống tham nhũng có thể coi là đặc sản của Hà Nội, bởi rất hiếm tỉnh, thành phố nào trong cả nước có chương trình công tác toàn khóa về phòng chống tham nhũng kéo dài, xuyên suốt trong nhiều khóa như tại Hà Nội. Ông Vương Đình Huệ yêu cầu phải minh bạch trong quản lý, điều hành để không thể tham nhũng.

Tiến sĩ - Bác sĩ Đinh Đức Long, người tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 2014, nhận định về câu nói của Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng về chống tham nhũng qua ứng dụng facebook messenger với RFA :

"Tham nhũng thì ở đâu cũng có, nhưng tham nhũng ở Việt Nam khác với mọi nơi là nó có tính "Đảng", vì hầu như tất cả quan chức tham nhũng đều là Đảng viên, được học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thường xuyên, liên tục. Nói như ông Trần Quốc Vượng không sai, nhưng lấy gì để đo lường uy tín của đảng tăng lên sau mỗi đợt đấu tranh chống tham nhũng ?

Đảng có dám trưng cầu dân ý, lấy phiếu tín nhiệm của dân về kết quả chống tham nhũng hay năng lực cầm quyền của đảng không ?

Một khi mà cương lĩnh chính trị của Đảng là cao nhất, hơn cả Hiến pháp, thì mọi hành vi chống tham nhũng dưới bất kỳ hình thức nào, bất kỳ thời gian nào (trước hay sau đại hội Đảng) cũng chỉ là để bảo vệ lợi ích của Đảng, chứ không phải là bảo vệ lợi ích của Dân".

Hôm 12 tháng 12 năm 2020, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020 do ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học phát biểu rằng : "Tổng bí thư đã nhiều lần kết luận công khai rằng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng không dừng, không nghỉ, không chùng xuống mà còn quyết liệt hơn".

‘Chiến dịch đốt lò’ do ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng từ năm 2016 trên cương vị Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Chiến dịch này được cho là một nỗ lực của đảng trong việc giành lại quyền lực cũng như củng cố lòng tin của người dân vào chính quyền.

Một đảng viên cũng thông báo từ bỏ Đảng cộng sản Việt Nam và yêu cầu tổ chức đảng xóa tên ông khỏi danh sách vào năm 2016 là Giáo sư Nguyễn Đình Cống. Vị giáo sư này cho rằng, việc chống tham nhũng đúng ra là công việc của Chính quyền, của Hành pháp, của Tư pháp, thế mà đảng ôm vào để làm. Uy tín của đảng được hình thành từ nhiều họat động mà chống tham nhũng chỉ là một phần. Hơn nữa, muốn chống tham nhũng triệt để phải loại bỏ được gốc rễ sinh ra nó là sự độc tài đảng trị, mà việc này đảng không muốn.

Ông phân tích việc chống tham nhũng của đảng có làm dân tin đảng hay không, qua email :

"Vì Dân có nhiều tầng lớp với các nhận thức và quyền lợi khác nhau. Một số tin và số khác không tin. Tạm chia dân thành hai tầng lớp theo lao động. Tầng lớp lao động phổ thông và tầng lớp lao động bậc cao. Phần lớn lao động phổ thông chỉ nghe tuyên truyền một chiều từ tuyên giáo của đảng, họ chỉ mong giữ được yên ổn để làm ăn, họ bằng lòng với hiện tại, sợ chính quyền, không biết và không dám phản biện. Nếu có ai hỏi họ có tin đảng không thì họ vui vẻ nói là có tin, nhưng đó chỉ là câu nói cửa miệng, còn thật lòng họ chẳng biết mình có tin hay không.

Tầng lớp lao động bậc cao có nhu cầu chủ yếu là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, họ có nhiều thông tin, một số ít có nhu cầu phản biện. Hỏi họ có tin đảng không thì đa số người trung thực trả lời không tin.

Đa số Lao động phổ thông tin rằng đảng quyết tâm chống tham nhũng, còn đa số lao động bậc cao nhận định rằng đảng không muốn và không thể chống tham nhũng triệt để mà chỉ dùng biện pháp chống tham nhũng để đấu đá nội bộ giữa các phe phái".

Cựu Đại biểu quốc hội Lê Văn Cuông thì khẳng định việc tiếp tục kỷ luật đảng viên vi phạm ; điều tra, xét xử các vụ án theo quy định pháp luật trong suốt thời gian qua chứng minh đảng ‘nói và làm’ theo ý nguyện người dân. Ông nói :

"Vừa qua, ban chấp hành Đảng cộng sản Việt Nam đã có chủ trương không những không chùng xuống trong việc chống tham nhũng trước đại hội mà lại còn phải duy trì mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Việc này được nhân dân rất đồng tình ủng hộ. Công tác này đã được chứng minh rằng trong năm qua, chống tham nhũng đã được đẩy lên một bước với nhiều vụ việc rất nghiêm trọng. Những đối tượng có chức sắc cao cũng đã bị truy tố. Điều đó càng củng cố lòng tin của nhân dân đối với đảng chứ không làm giảm uy tín của đảng. Nó thể hiện đảng nói và làm, mà làm theo kiến nghị của nhân dân".

Làm sao để đảng có lòng tin của dân ?

Khoản 2 Điều 4 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 hiến định : Đảng cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Dù Hiến pháp đã quy định rõ là đảng phải chịu sự giám sát của dân, nhưng trên thực tế thì không phải như vậy. Bác sĩ Đinh Dức Long khẳng định, đảng độc tài thì rất khó giữ được uy tín, vì dân không có quyền giám sát trên thực tế.

Còn với Giáo sư Nguyễn Đình Cống thì để được lòng tin của dân, đảng phải thay đổi từ một đảng thống trị thành đảng chính trị cầm quyền, mà đảng Hành động Nhân dân của Singapore là một mẫu mực. Theo ông, trước hết đảng phải làm được hai việc : Thứ nhất là trả lại quyền chính trị cho dân (để dân tổ chức bầu ra một Quốc hội thực sự đại diện cho trí tuệ toàn dân). Thứ hai là phải công khai, minh bạch trong các hoạt động, phải để cho tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do thực hiện nhân quyền, dân quyền.

Cựu Đại biểu quốc hội Lê Văn Cuông tin tưởng đảng đang tập trung xây dựng đội ngũ chiến lược là những người có phẩm chất đạo đức, có năng lực và có uy tín trong dân. Nếu có đội ngũ này thì uy tín đảng trong dân được tăng lên. Ông nói :

"Qua công tác phòng chống tham nhũng vừa qua thì tôi thấy có một số cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với đảng. Do đó, muốn củng cố lòng tin này cũng như muốn chống tham nhũng thành công thì trước hết phải xây dựng được đội ngũ chiến lược. Đặc biệt ban chấp hành trung ương phải là những người không những là tinh hoa của đất nước mà phải là những người thực sự gương mẫu, thực sự có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín cao trước dân và có tài năng lãnh đạo".

Sáng 18 tháng 12 năm 2020, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành trung ương đã họp phiên bế mạc. Hội nghị kết thúc sớm hơn kế hoạch đề ra và trước kỳ Đại hội 13 sẽ có Hội nghị trung ương lần thứ 15 để quyết định phương án nhân sự.

Ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại đề nghị Trung ương đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết trong việc bỏ phiếu giới thiệu nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 13 !

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 23/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt, Thu Thủy, Diễm Thi
Read 568 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)