Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/12/2020

2020 : Làn sóng bài Trung Quốc dâng cao cùng Covid-19

Marc Julienne, Thanh Hà

Trong suốt 12 tháng, virus corona được nhắc đến hàng ngày trong mỗi bản tin thời sự và hầu như tất cả các tạp chí của RFI. 2020 là năm đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán làm chi phối toàn thế giới và làm hủy hoại hình ảnh của Trung Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế.

baitq1

Biểu tình ở Hồng Kông chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, ngày 02/09/2019.  AP - Jae C. Hong

Hai nghiên cứu liên tiếp, của viện Pew Researche Center tại Washington và của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp- IFRI tại Paris, cùng đưa ra một nhận định : tinh thần bài Trung Quốc gia tăng tại các nước Tây phương. Nguyên nhân chính là dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,7 triệu người trên toàn cầu, hơn 78 triệu người trên hành tinh bị lây nhiễm. Kèm theo đó là hàng trăm triệu người mất việc làm, một số không nhỏ rơi vào cảnh bần cùng. Ngoại trừ Trung Quốc và một số rất ít các quốc gia, trong đó có Việt Nam, kinh tế điêu đứng ở những nơi khác từ ở Nga đến Nhật Bản, từ của Brazil đến Canada hay từ Ấn Độ đến Liên Hiệp Châu Âu và cả Hoa Kỳ.

Mỹ, Nhật đã bơm hàng ngàn tỷ đô la để khắc phục hậu quả tai hại Covid-19 gây nên. Anh Quốc đối mặt với tình trạng kinh tế tệ hại nhất kể từ sau Thế Chiến 2. Pháp đã hai lần áp dụng các biện pháp phong tỏa trong tổng cộng 14 tuần lễ, toàn bộ các hàng quán phải đóng cửa. 

Tại Hoa Kỳ Covid-19 thổi bay các thành tích kinh tế trong bốn năm nhiệm kỳ tổng thống Trump. Lãnh đạo Nhà Trắng tới nay vẫn gọi virus corona là siêu vi Trung Quốc.

Theo thăm dò của viện nghiên cứu Mỹ Pew Research Center thực hiện trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay, 86 % người Nhật được hỏi tỏ rõ thái độ bài Trung Quốc. Tỷ lệ này tại Úc là 81 % ; Ở Anh là 74 % và tại Canada là 73 %.

Tại Thụy Điển nơi mà từ 10 năm qua, dân chúng đã có cái nhìn "tiêu cực" về ông khổng lồ Châu Á này, thì tỷ lệ bài Trung Quốc lên tới  85 %. Pháp và Đức  là 70 %. Với công luận Mỹ, 73 % xem Trung Quốc là một mối đe dọa. Đáng chú ý hơn nữa là 2018 chỉ có 43 % những người được hỏi có cái nhìn không hay về Bắc Kinh mà thôi.

Về lý do khiến tinh thần bài Trung Quốc tăng lên nhanh trong vài tháng vừa qua, trung tâm nghiên cứu Mỹ cho biết 14 nước trong các quốc gia được hỏi đưa ra yếu tố "Bắc Kinh xử lý không đích đáng dịch Covid-19" để thế giới vạ lây.

Ác cảm với Trung Quốc : Bắc Kinh đứng thứ nhì trong mắt dân Pháp

Nghiên cứu thứ nhì cũng về hình ảnh tồi tệ của Trung Quốc vừa được Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI công bố vào cuối tháng 11/2020 (French public opinion on China in the age of COVID-19 Political distrust trumps economic opportunities). Nghiên cứu này được thực hiện tại 13 quốc gia Châu Âu trong hai tháng 9 và 10/2020. Theo các đồng tác giả, 62% những người Pháp được hỏi có cái nhìn "xấu" về Trung Quốc và hơn một nửa trong số này cho rằng "quan điểm của họ về Trung Quốc đang càng lúc càng xấu đi trong những năm gần đây".

Trả lời đài RFI tiếng Việt, Marc Julienne, đặc trách về Trung Quốc tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp và là một trong những đồng tác giả báo cáo nói trên nêu bật những lý do vì sao Trung Quốc đang mất điểm :

Marc Julienne : Có ba yếu tố chính giải thích cho thái đội dè chừng đó.Trước hết là áp lực của Trung Quốc nhắm vào Tổ Chức Y Tế Thế Giới về những thông tin liên quan tới đại dịch Covid-19. Đây là dấu hiệu đầu tiên khiến công luận Pháp nói riêng, Châu Âu nói chung, nghi ngờ về đối tác Trung Quốc. Kế tới là luật an ninh quốc gia nhắm vào Hồng Kông do Bắc Kinh ban hành để bóp nghẹt các quyền tự do tại đặc khu hành chính này. Đây cũng là dấu chấm hết cho mô hình Một quốc gia hai chế độ ở Hồng Kông. Quyết định này đi ngược lại với các giá trị về nhân quyền, về các quyền tự do cơ bản của Châu Âu. Sau cùng từ tháng 3/2020 đến giờ, liên tục có những tiết lộ về chính sách của Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, các vụ cưỡng bức lao động. Rồi đến tháng 6/2020 đã xuất hiện nhiều báo cáo về các chương trình triệt sản phụ nữ Hồi Giáo ở Tân Cương … Như vậy là trong vòng sáu tháng, hình ảnh của Trung Quốc đã xấu đi đáng kể trong mắt công luận Pháp và mọi người có cảm tưởng là tình hình càng lúc càng tồi tệ hơn.

RFI : Khoảng 70 % những người được hỏi không tin tưởng vào ông Tập Cận Bình vậy không lẽ, vế kinh tế không quan trọng bằng những chuyển biến về chính trị tại Hồng Kông hay các biện pháp Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương ?

Marc Julienne : Yếu tố kinh tế rất quan trọng. Tuy nhiên tôi đã không nêu lên do báo cáo mới của chúng tôi được thực hiện trên cơ sở một cuộc thăm dò dư luận. Kết quả các đợt thăm dò liên tiếp cho thấy đối với người dân bình thường, vế chính trị quan trọng hơn. Kinh tế không phải là một ưu tiên. Ngược lại trong số các nhà lãnh đạo Châu Âu thì hồ sơ kinh tế, thương mại chiếm vị trí hàng đầu và nhất là đối với các định chế của Châu Âu tại Bruxelles. Thực ra, quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc đã xấu đi từ 2019. Tháng 3 năm 2019, báo cáo của Ủy Ban Châu Âu nêu đích danh Bắc Kinh là "đối thủ mang tính hệ thống". Chưa khi nào Châu Âu nặng lời với Trung Quốc như vậy và như đã biết, xung khắc kinh tế là một vấn đề lớn. Càng lúc hồ sơ này càng chiếm một vị trí quan trọng trong mắt của cả Bắc Kinh  lẫn Bruxelles. Đôi bên cùng hướng tới mục tiêu hoàn tất thỏa thuận bảo hộ đầu tư trước cuối năm nay nhưng tôi không tin các bên sẽ đạt được mục tiêu đó – hay ít ra tôi hy vọng là như vậy !

RFI : Thế còn về phía các lãnh đạo Châu Âu nói chung, của Pháp nói riêng, thì họ có quan điểm thế nào về Bắc Kinh và làm sao giải thích được lập trường đó ?

Marc Julienne : Trên hồ sơ kinh tế, tôi nghĩ rằng Châu Âu đã mệt mỏi với thái độ câu giờ của Trung Quốc. Sự thật cho thấy là ngay cả với hiệp định đầu tư song phương, đôi bên đã bắt đầu đàm phán từ bảy, tám năm qua, Bắc Kinh cũng không nhượng bộ gì nhiều. Các nhà đàm phán cho rằng Trung Quốc cứ tiến một bước rồi lại lùi hai bước. Trong khi đó về thực chất đây là một thỏa thuận rất quan trọng vì văn bản này sẽ cho phép phần nào cân bằng lại quan hệ và các luồng trao đổi giữa Bắc Kinh – Bruxelles. Chúng ta thấy rõ là trong ván bài này, Trung Quốc chiếm thế thượng phong : Châu Âu mở cửa cho các doanh nghiệp Trung Quốc vào tung hoành. Ở chiều ngược lại các điều lệ của Trung Quốc lại rất khắt khe. Tuy nhiên ở cấp lãnh đạo, ngoài vế kinh tế, hồ sơ chính trị càng lúc càng trở thành cái gai trong đối thoại song phương. Hồng Kông và Tân Cương là hai chủ đề mà Liên Hiệp Châu Âu không thể tiếp tục nhắm mắt làm ngơ. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von Der Leyen đã có những lời lẽ rất cứng rắn về điểm này và thậm chí còn nêu lên khả năng trừng phạt Bắc Kinh vi phạm nhân quyền.

RFI : Từ 2019 Liên Âu đã hô hào "không còn ngây thờ với Trung Quốc" nhưng có thực sự là Châu Âu cảnh giác trước những cái bẫy của Bắc Kinh hay không và liệu rằng trong chiến lược đối ngoại với Trung Quốc có yếu tố Mỹ hay không ?

Marc Julienne : Hoàn toàn đúng như vậy. Lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Âu Joseph Borell thường xuyên tuyên bố Châu Âu không còn "ngây thơ" với bạn hàng Trung Quốc. Tuy nhiên tôi cho rằng ở đây yếu tố Mỹ không quan trọng lắm trong giai đoạn bốn năm sắp tới. Đúng là dưới chính quyền Trump, Bắc Kinh  đã tìm cách lôi kéo Châu Âu về phía mình và khai thác lá bài America First của Donald Trump để thuyết phục Liên Hiệp Châu Âu rằng "các bạn thấy đó đồng minh thân thiết nhất đang bỏ rơi các bạn" từ hồ sơ chống biến đổi khí hậu đến hiệp định hạt nhân Iran...

Trung Quốc đồng thời xoáy vào những lợi ích chung giữa Châu Âu và nước khổng lồ Châu Á này nhằm ly gián thêm nữa hai khối Âu-Mỹ. Cần nói thêm là Bắc Kinh dùng thỏa thuận bảo hộ đầu tư Châu Âu –Trung Quốc là miếng mồi để chiêu dụ Bruxelles. Ngoài ra, với đại dịch lần này, trong năm nay Trung Quốc còn khai thác lá bài ngoại giao y tế để mua chuộc cảm tình của Châu Âu, thế nhưng, đồng thời, chính sách ngoại giao "sói lang", Trung Quốc hung hăng không chỉ với Châu Âu mà còn đe dọa từ Canada đến Úc .. đã làm hủy hoại những nỗ lực của Bắc Kinh  muốn tô điểm hình ảnh thân thiện của Trung Quốc. Sắp tới đây, với Joe biden ở Nhà Trắng và ông này chủ trương thắt chặt trở lại quan hệ cốt lõi với các quốc gia ở bên này Đại Tây Dương, Trung Quốc sẽ phải xét lại chiến lược ngoại giao…

Khó đoán trước được, nhưng Trung Quốc không thể tiếp tục cho Châu Âu uống nước đường như họ vẫn làm từ trước tới nay và có khả năng là những nước cờ của Bắc Kinh với Châu Âu còn tùy thuộc vào chính sách đối ngoại của chính quyền Biden với các đối tác tại Lục địa già. Đừng quên rằng dù Trung Quốc có đem lá bài kinh tế ra nhử Châu Âu, nhưng trao đổi mậu dịch giữa Mỹ và Liên Âu vẫn còn rất quan trọng.

Thanh Hà thực hiện

Nguồn : RFI, 30/12/2020

Marc Julienne, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, IFRI và nhiều tác giả thuộc trường đại học Czech Palacky University Olomouc, tiếc rằng vào lúc phương Tây thấy rõ bộ mặt thật của Trung Quốc, ác cảm với ông Tập Cận Bình thì ở Washignton chính quyền Trump đã không nắm bắt được cơ hội để giành lại thế "leadership" trong thế giới tự do.

Thuần túy về y tế và kinh tế thì các con số chính thức của Bắc Kinh cũng như thống kê quốc tế đều cho thấy 2020 đã mở ra trong những "điều kiện tệ hại hơn bao giờ hết cho Trung Quốc" nhưng đang khép lại với những tỷ lệ tăng trưởng khá vững vàng, với hình ảnh lá cờ Trung Quốc được cắm trên cung Trăng !

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Marc Julienne, Thanh Hà
Read 572 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)