Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/01/2021

Thay thế Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là cả một vấn đề

Nhiều tác giả

Vì sao càng gần đại hội, Nguyễn Phú Trọng càng lộng quyền ?


Lộng quyền là một hình thức sử dụng quyền lực ngoài quy định của luật pháp. Muốn cấm gì là cấm, muốn bắt ai thì bắt mà không cần phải sợ phạm luật hay vi hiến. Đã từ lâu người dân đã xác định bản chất ngành công an cộng sản rằng "tao là luật". Ý nói công an muốn làm gì thì làm, những gì nó làm nó tự xem như là một thứ luật pháp. Đó là trò lộng quyền. Nay ông Nguyễn Phú Trọng cũng càng ngày càng lộng quyền lộ liễu không khác gì công an.

tongbithu1

Nguyễn Phú Trọng càng ngày càng lộng quyền

Theo một số tờ báo nước ngoài thì người ta ví mệnh lệnh đưa những thông tin nhân sự Ủy viên Bộ Chính trị là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư chưa công khai là loại thông tin "Tuyệt mật" là một thứ mệnh lệnh mang tính chất đối phó tình huống không xét đến nó có hợp lý không ? Không xét đến tính hợp pháp của nó.

Mệnh lệnh này nó nằm trong Quyết định 1722/QĐ-TTg Về việc ban hành danh mục bí mật Nhà nước của Đảng do ông Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 3 tháng 11 năm 2020.

Do gần đây mạng xã hội thường xuất hiện tin đồn ông Nguyễn Phú Trọng sẽ về vườn. Vì người dân nghĩ rằng theo điều lệ đảng thì không lý do gì ông Trọng có thể còn bám ghế được nữa. Với bản chất tham quyền cố vị thì ông Trọng cảm thấy khó chịu về những thông tin như vậy. Có thể nói ông quyết định đưa thông tin nhân sự Ủy viên Bộ Chính trị là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư vào diện tin tuyệt mật cũng là một hình thức đáp trả của ông với tin đồn bất lợi. Ông Trọng đã dùng văn bản dưới luật một cách vô tội vạ để phục vụ mưu đồ riêng. Nói thẳng ra, với mệnh lệnh trên ông Trọng đã cấm dân không được bàn tán về đại hội đảng. Đây là một hành động lộng quyền của ông Trọng, bởi lẽ người dân Việt có quyền biết được người lãnh đạo đảng và nhà nước là ai, vì việc điều hành đất nước của người này có liên quan đến đời sống của họ. Không lý do gì cấm dân được biết cả.

Ông Trọng chặn tin có ý đồ gì ?

Ông Trọng muốn được tiếp tục giữ ghế thì phải dập tắt tin đồn ông về hưu. Mà thực chất mạng xã hội là công cụ để các phe cách đánh nhau. Việc đối thủ ông Trọng lợi dụng mạng xã hội tung tin ông sẽ về hưu sẽ là một bất lợi cho ông, đó là lí do tại sao ông Trọng ban ra băn bản quy định những thông tin "tuyệt mật" như vậy.

Ngoài thông tin về an ninh, quốc phòng hay công tác đối ngoại, đối nội của đảng thuộc loại Tuyệt mật, môt số thông tin về nhân sự hay kỷ luật nhân sự trong đảng cũng thuộc loại Tuyệt mật.

Cụ thể, những kết luận, tờ trình, báo cáo, thông báo, biên bản, công văn của Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kết quả kiểm tra, xác minh khi có dấu hiệu vi phạm, đề nghị thi hành kỷ luật đảng, giải quyết tố cáo đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa công khai thuộc bí mật nhà nước độ Tuyệt mật.

Thông tin về công tác tổ chức xây dựng đảng, công văn của Trung ương Đảng về quá trình chuẩn bị, đề án, phương án nhân sự Ủy viên Bộ Chính trị là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư chưa công khai cũng được đưa vào độ Tuyệt mật.

Nhiều người nghĩ sẽ có hội nghị 15 trước thềm đại hội 13 để chia chác các chức vụ trong tứ trụ. Nếu chia chác ngã ngũ thì lúc đó những quy định về "tin tức tuyệt mật" ấy không còn giá trị gì nữa và rất có thể người dân được biết.

Không biết vừa rồi Bộ Công an có yêu cầu công an Cần Thơ bắt một facebooker nổi tiếng có phải là chiến dịch dập tắt những tin đồn ngoài ý muốn của ông Trọng hay không ? Ở Việt Nam, có một số hot facebooker là những người chuyển những thông tin nội bộ ra ngoài công chúng. Nếu không chặn những facebooker đó sớm, biết đâu ông Trọng lại bị những thông tin nội bộ gây bất lợi cho ông thì sao ?

tongbithu2

Tô Lâm sẵn sàng hỗ trợ Nguyễn Phú Trọng bắt nhốt ai tung tin bất lợi

Nguyễn Phú Trọng tham quyền cố vị đến đàn em thân cận giờ cũng thành đối thủ

Việc ban hành quy định như vậy nó là cái cớ để công an có thể bắt và truy tố những ai mà dám tung "tin tuyệt mật" ấy ra công chúng. Ông Nguyễn Phú Trọng làm gì cũng tính toán rất kỹ, văn bản đi trước công an đi sau, ai hiểu thì phải câm mồm, ai không hiểu sẽ bị trừng trị mạnh tay.

Trên trang web của Trung tâm Báo chí thuộc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Sài Gòn cho hay, ông Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 2238/QĐ-TTg ban hành Danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 29 tháng 12 năm 2020. Điều này có nghĩa là mệnh lệnh được đưa xuống từng địa phương để quán triệt. Một sự đe dọa bao trùm cả trong và ngoài đảng.

Đây được cho là lần đầu tiên Nhà nước đặt phương án nhân sự cao cấp trước Đại hội đảng vào dạng Tuyệt mật. Nhưng có vẻ nó mang tính tạm thời đúng hơn là lâu bền. Ai cũng biết, văn bản này ra đời là mục đích che đậy những trận đấu đá khốc liệt trên thượng tầng chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, một hình ảnh không đẹp đẽ gì.

Tuyệt mật về danh sách tứ trụ càng làm cho người dân cảm thấy mình chẳng có quyền hành gì ở cái đất nước này, kể cả quyền được biết về những người có ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của mình. Ông Trọng vốn đã coi 90 triệu dân là cừu và bây giờ ông ta lại còn coi khinh lộ liễu hơn.

Mặt trái của việc lộng hành cấm cản dân tìm hiểu tin tức lãnh đạo như thế nó cho thấy tình hình nhân sự cấp cao đang rối ren nên chính phủ phải ra những quyết định như vậy để đối phó với dư luận. Đồng thời đây cũng là một sự răn đe. Nếu như những thông tin lủng củng mà bị bung ra ngoài thì có thể họ sẽ bỏ tù những người đưa tin.

Cái sự ban hành này nó cho người dân thấy rằng, đây là một hành động mang tính đối phó. Từ đó cho thấy trong nội bộ cấp cao chuẩn bị cho kỳ Đại hội đảng của nhà cầm quyền đang có sự rối rắm chưa thể giải quyết ổn thỏa. Phần tứ trụ là gay cấn nhất, hai ông Nguyễn Xuân Phúc và Trần Quốc Vượng nếu không không đoạt được ghế của ông Trọng thì có nguy cơ rớt khỏi Bộ Chính Trị như ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Lê Hồng Anh cách đây 5 năm.

tongbithu3

Trọng – Vượng hết thời làm thầy trò giờ chuyển thành đối thủ

Chỉ cách đây chừng 2 tháng, người ta còn thấy vai trò của ông Trần Quốc Vượng nổi lên ở các kì hội nghị Trung Ương, nhưng giờ đây thì rõ ràng ông Trọng không muốn ông Vượng kế vị mà giữ họ với nhau đang là đối thủ.

Sự lúng túng để lộ nội bộ rối ren

Dù có bí mật như thế nào thì trước sau gì dân cũng biết. Không thể có chuyện bầu tứ trụ rồi nhưng không ai được phép ra mặt trước công chúng. Về mặt khoa học thì cái quy định ấy nó không có logic, bởi việc bảo vệ bí mật nó phải có một khoảng thời gian quy định rất dài mới công bố chứ không phải bí mật chỉ trong 1 tháng rồi cuối cùng cũng phỉa công bố.

Theo dự kiến, Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ khai mạc vào ngày 25 tháng 1 năm 2021 và bế mạc vào ngày 2 tháng 2 năm 2021 tại thủ đô Hà Nội. Trước đó, hội nghị Trung ương lần thứ 15, dự kiến diễn ra ngày 15 tháng 1 năm 2021 để Bộ Chính trị báo cáo các ‘trường hợp đặc biệt’ để Trung ương quyết định.

Trước mỗi kỳ Đại hội, các nhà quan sát chính trị trong và ngoài nước thường có những nhận định, phân tích tình hình nhân sự cấp cao cho nhiệm kỳ tới. Năm nay cũng không ngoại lệ cho đến khi Quyết định 1722 được ban hành làm tất cả điều mù tịt mặt dù đại hội đã cận kề.

tongbithu06

Dù rất kín nhưng cũng không thể che đậy được trận đấu tay ba Trọng – Phúc – Vượng

Việt Nam đã có luật bảo vệ bí mật. Nhưng thực tế thì có rất nhiều văn bản đóng dấu mật bị tung lên mạng tràn lan. Những cổng thông tin điện tử của nhiều cơ quan đơn vị có thể có các lỗ hổng trong bảo mật cho nên chuyện lộ bí mật rất nghiêm trọng. Nó là một mê trận làm việt vị các thông tin chính thống. Cho đến nay, người dân vẫn thường hóng tin ngoài luồn nhiều hơn là tin chính thống, vì rất nhiều văn bản đóng dấu mật đã được các facebooker tung lênh mạng làm công cụ đấu đá giữa cách phe cánh trong đảng.

Hội nghị Trung ương 15 là trận quyết đấu cuối cùng, kẻ lộng quyền Nguyễn Phú Trọng sẽ ra sao ?

Ngày 15 tháng 1 năm 2021 tới đây sẽ khai mạc hội nghị trung ương 15, chỉ trước ày khai mạc đại hội 15 chỉ có 10 ngày, đây là trận quyết đấu. Hội nghị Trung ương 15 được ví như những đối thủ đang đưa nhau lên chấm phạt đền để giải quyết. Tại hội nghị này nếu Bộ Chính Trị chuẩn thuận trường hợp đặc biệt cho người quá 2 nhiệm kỳ lẫn quá tuổi thì xem như Nguyễn Phú Trọng thắng vào ngồi lại ghế, còn nếu không chuẩn thuận thì xem như ông Trọng thua.

Theo báo chính nhà nước cộng sản thì những trường hợp đặc biệt so với quy định chung sẽ được các cấp có thẩm quyền cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng nhiều mặt thông qua quy trình chặt chẽ trước khi trình Ban chấp hành Trung ương khóa XII xem xét.

Thực ra những trường hợp này nếu đồng tình thì việc chốt danh sách không khó, tuy nhiên cho đến bây giờ thì danh sách tứ trụ vẫn bỏ ngỏ mà nguyên nhân là ông Trọng nhất quyết không chịu rút lui.

Ông Nguyễn Phú Trọng là người chủ trì và điều khiển ủy ban soạn thảo văn kiện, là người tác động vào việc lựa chọn nhân sự cho đại hội 13 ấy vậy mà ông cũng không thể nào dễ dàng giữ ghế. Có thể nói trong 2 ông hoặc Nguyễn Xuân Phúc hoặc Trần Quốc Vượng đang là thế lực mới đang lên thách thức vị trí độc tôn của ông Nguyễn Phú Trọng. Xưa nay ai cũng thấy ông Trọng có thế độc tôn nhưng thực sự qua vụ giằng co trước đại hội 13 mới thấy, 2 ông kia cũng không phải là vừa. Vậy nên khả năng ông Trọng ở lại cũng có nhưng không thể chắc chắn được.

Nguyễn Duy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 02/01/2021

*******************

Nguyễn Phú Trọng : Kỷ luật vài người bỏ qua muôn người

Tại hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với các địa phương diễn ra sáng 28/12 vừa qua, Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, ông không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình mà trái lại rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung nên phải kỷ luật vài người để cứu muôn người. Tuy nhiên điều này chưa hẳn đúng, vì chỉ có quan chức của Đảng cộng sản mới có thể tham nhũng và cướp đi quyền lợi của nhân dân. Con số hàng triệu đảng viên Đảng cộng sản vẫn còn đó, bắt xử vài trăm người không thấm vào đâu với lớp tham nhũng tiếp tục sinh sôi nảy nở tầng tầng, lớp lớp.

tongbithu5

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu đến dự tại điểm cầu Hà Nội trong Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 khai mạc sáng 28/12

Truyền thông trong nước đưa tin Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có những tâm sự đặc biệt về công tác tổ chức cán bộ, phòng chống tham nhũng khi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương.

Tổng bí thư nêu rõ : "Theo số liệu thống kê trong nhiệm kỳ Đại hội XII, có 113 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, thậm chí có một số đồng chí bị xử lý hình sự. Trong đó, có 53 đồng chí công tác cơ quan chính quyền, 31 cán bộ ở lực lượng vũ trang, với các vi phạm phần lớn thuộc các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng tiêu cực nêu trên".

"Nhắc tới con số này chúng ta rất đau lòng. Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí của mình mà rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật, kỷ luật vài người để cứu muôn người".

Đây không phải lần đầu ông Nguyễn Phú Trọng nói câu này. Tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của đảng năm 2016 được tổ chức hôm 24/02/2017 tại Hà Nội, ông Trọng cũng có phát biểu tương tự, là ‘phải kỷ luật vài người để cứu muôn người’.

RFA đánh giá câu nói của ông Trọng mang tính chung chung. Một số người cho rằng ý ông Trọng là chỉ kỷ luật vài người tượng trưng để làm gương cho những người khác ; một số khác lại cho rằng ông Trọng muốn làm trong sạch đội ngũ cán bộ để cứu dân.

Người dùng facebook tên Lạc Việt bình luận : "Trong thời gian qua, ông đã kỷ luật 113 người thuộc diện trung ương quản lý, mà có cứu được ai đâu. Ai tin thì tin chứ bản chất của chế độ là thối nát thì nó vẫn là thối nát thôi".

"Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm còn biết cả nguồn gốc sai phạm đến từ đâu nên ông đã nhấn mạnh nơi nào tội phạm lộng hành, gây bất an trong nhân dân thì phải xem xét trách nhiệm và thay thế người đứng đầu nơi đó. Vậy thì đất nước luôn bất an, tội phạm khắp nơi, tội phạm ngay cả trong guồng máy hành chánh quốc gia, ở những bộ, ngành, từ cấp thấp đến cấp cao đều có cả, thì nên kỷ luật ai đây ? Điều này ông Tô Lâm biết, ông Trọng đều biết nhưng không thể nói và cũng không thể xử.

Chừng nào mà lời nói đi đôi với thực hành thì lúc đó muôn người mới được cứu !".

Trong hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật trong nhiệm kỳ qua có 27 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương và 4 Ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị.

Ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên bị kỷ luật là ông Đinh La Thăng. Ông Thăng bị kỷ luật vào ngày 07/05/2017 bằng hình thức cảnh cáo, cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị khi ông Thăng đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Ủy viên Bộ Chính trị thứ hai bị kỷ luật là ông Hoàng Trung Hải. Đầu năm 2020, khi đang là Bí thư Thành uỷ Hà Nội, ông bị Bộ Chính trị cảnh cáo sau khi xem xét vi phạm của ông liên quan dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Gần đây nhất, ngày 08/11/2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Văn Bình (Trưởng ban Kinh tế Trung ương) bị cảnh cáo do các vi phạm trong giai đoạn làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Trong nhiệm kỳ Đại hội 12 còn có một nguyên Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật là ông Lê Thanh Hải. Ông Hải bị cách chức nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 2010 – 2015) do vi phạm trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

tongbithu6

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Con số 113 cán bộ kỳ Đại hội 12 bị kỷ luật có 53 cán bộ trong chính quyền, 31 cán bộ trong lực lượng vũ trang. Đa số bị xử lý kỷ luật do tham nhũng. Đây cũng là nhiệm kỳ có số cán bộ bị kỷ luật cao nhất từ trước đến nay.

Cách đây gần 1 năm, vào thời điểm ngày 06/01/2020 ông Trần Quốc Vượng – Thường trực Ban bí thư đã có bài phát biểu tại "Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020" của Ban Nội chính Trung ương và cho biết "Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 12 của Đảng đến nay đã thi hành kỷ luật Đảng, xử lý hành chính, hình sự gần 80 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng", tiến sĩ toán học Nguyễn Ngọc Chu đã dự đoán một tỷ lệ choáng váng về tội phạm trong chính quyền cộng sản Việt Nam ở cấp cao nhất.

Ông viết : "Không có số liệu chính xác con số cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý là bao nhiêu, nhưng có thể ước tính thô như sau. Nếu tính cán bộ Trung ương quản lý là diện từ thứ trưởng trở lên, thì theo thống kê ngày 16/10/2017 của VnExpress, Việt Nam có 106 thứ trưởng và 22 bộ ngành (theo Dantri ngày 23/09/2015 có 122 thứ trưởng, 242 phó chủ tịch tỉnh). Như vậy con số bộ trưởng và thứ trưởng dao động xung quanh 150. Có khoảng 200 cán bộ ủy viên trung ương và cỡ 150 cán bộ cấp chủ tịch tỉnh và phó bí thư trực của 64 tỉnh thành. Từ đó tạm dự đoán có khoảng 500 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đương nhiệm. Nếu tính cả người đã về hưu đang sống thì con số này có thể dao động trên dưới 1.500 người.

Như vậy, 80 cán bộ bị kỷ luật chiếm khoảng 5% cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Nếu tính cán bộ đang đương chức bị kỷ luật thì tỷ lệ này khoảng 10% – là một tỷ lệ rất cao. Đó là chưa nói đến sự thật, rằng đang có nhiều tội phạm bị bỏ sót.

Nếu tính đúng, theo bạn, thì tỷ lệ sẽ là bao nhiêu ? Chắc chắn là một tỷ lệ choáng váng !".

Con số 113 cán bộ do trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật cũng được dư luận Việt Nam nhìn nhận chỉ phần nổi của tảng băng chìm. Còn phần chưa bị lộ thì nhiều lắm. Ở Việt Nam có câu đùa tếu là người đọc diễn văn khai mạc hội nghị sẽ mở đầu bằng câu ‘kính thưa các đồng chí chưa bị lộ’ để chào những người ngồi dự trong khán phòng.

tongbithu08

Ông Trần Quốc Vượng – Thường trực Ban bí thư

Facebooker Tân Phong nhận định "cái lò ông Trọng" chẳng làm nhụt chí đám quan chức tham lam chút nào.

Ông Trọng tuổi cao sức yếu, có cố công "đốt lò" cũng chỉ thêm được "một vài trống canh", còn sự nghiệp "ăn tàn phá hại" của đảng viên là… mãi mãi.

Chưa kể, "lò ông Trọng" chỉ đốt "củi địch" chứ không bao giờ đốt "củi ta". Cho nên, "kẻ thức thời là trang tuấn kiệt", cứ nêu cao tinh thần "học tập tấm gương đạo đức bác Trọng", thì có thể yên tâm "sự nghiệp cách mạng" sáng ngời, thênh thang quan lộ.

Chả thế mà những quan chức cộng sản không may "bị lộ" và biến thành "củi đốt lò" đều sớm "xin lỗi bác Tổng Bí Thư, xin lỗi đảng" sau khi "thành khẩn" đem dâng phần lớn tài sản cho "đồng chí bác", mong bảo toàn tấm thân béo mầm.

Có thể nói, quan chức ủy viên trung ương dù có đi tù vẫn hưởng điều kiện "họp có người ghi, đi có người rước, ăn có người bón, nằm có người đấm bóp". Quan chức cộng sản có đi tù, bất quá cũng chỉ như đi dưỡng lão… cưỡng bức mà thôi. Còn thân phận dân đen, dân oan bị tước đoạt hết mọi tài sản và đẩy vào tù đày, những người đấu tranh vì dân chủ… họ mới thực sự là đối tượng bị bộ máy tù đày cộng sản Việt Nam chà đạp, nghiền nát không chút nương tay.

Sau vài năm học tập lại… "đạo đức Hồ Chí Minh" với thân phận "tù thượng lưu", họ có thể tiếp tục hưởng lạc với dinh thự mênh mông và tài sản còn lại ở ngoài đời cho đến chết.

Những Đinh La Thăng, Nguyễn Đức Chung, Trương Minh Tuấn… xét cho cùng chỉ là những vai kép phụ trong vở tuồng của chế độ. Họ bị phe cánh khác mạnh hơn làm vật thí thân để "cơ cấu lại quyền lực", là đối tượng để đảng "đấu tranh", "làm trong sạch bộ máy" và nêu cao tính chính danh "đảng ta là đạo đức, đảng ta là văn minh".

Giáng Sinh này, có lẽ những kẻ từng một thời "hô phong hoán vũ" ấy trong xà lim cũng không thiếu rượu bia tràn ngập, em út nâng ly, để ôn lại "thời oanh liệt" đã qua.

tongbithu7

Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin – truyền thông Trương Minh Tuấn trong phiên toàn xử trong vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG tháng 12/2019. Do sức khỏe yếu, bị cáo Tuấn được ngồi trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử

Tại Hội nghị trực tuyến cuối năm mới diễn ra, ông Trọng còn đồng thời tự khen rằng, trong nhiệm kỳ vừa qua "công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu và hiệu quả. Tham nhũng tiêu cực tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng suy giảm, nhiều vụ việc được điều tra, xét xử nghiêm minh được nhân dân đánh giá cao, đồng tình ủng hộ".

Phân tích việc chống tham nhũng của Đảng Cộng sản có làm dân tin hay không, Giáo sư Nguyễn Đình Cống nói với RFA hôm 22/12/2020 :

"Tạm chia dân thành hai tầng lớp theo lao động. Tầng lớp lao động phổ thông và tầng lớp lao động bậc cao. Phần lớn lao động phổ thông chỉ nghe tuyên truyền một chiều từ tuyên giáo của đảng, họ chỉ mong giữ được yên ổn để làm ăn, họ bằng lòng với hiện tại, sợ chính quyền, không biết và không dám phản biện. Nếu có ai hỏi họ có tin đảng không thì họ vui vẻ nói là có tin, nhưng đó chỉ là câu nói cửa miệng, còn thật lòng họ chẳng biết mình có tin hay không.

Tầng lớp lao động bậc cao có nhu cầu chủ yếu là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, họ có nhiều thông tin, một số ít có nhu cầu phản biện. Hỏi họ có tin đảng không thì đa số người trung thực trả lời không tin.

Đa số Lao động phổ thông tin rằng đảng quyết tâm chống tham nhũng, còn đa số lao động bậc cao nhận định rằng đảng không muốn và không thể chống tham nhũng triệt để mà chỉ dùng biện pháp chống tham nhũng để đấu đá nội bộ giữa các phe phái".

Giáo sư Nguyễn Đình Cống đề xuất để được lòng tin của dân, đảng phải thay đổi từ một đảng thống trị thành đảng chính trị cầm quyền, mà đảng Hành động Nhân dân của Singapore là một mẫu mực.

Theo ông, trước hết đảng phải làm được hai việc : Thứ nhất là trả lại quyền chính trị cho dân (để dân tổ chức bầu ra một Quốc hội thực sự đại diện cho trí tuệ toàn dân). Thứ hai là phải công khai, minh bạch trong các hoạt động, phải để cho tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do thực hiện nhân quyền, dân quyền.

Thế nhưng cho đến nay, thời điểm trước thềm Đại hội 13 của Đảng, không hề có một dấu hiệu nào cho việc mở rộng dân chủ tại Việt Nam. Nhà báo Đỗ Ngà bình luận : Đảng lại hô hào "lấy ý kiến toàn dân" cho Đại hội 13. Vẫn bổn cũ soạn lại, Đảng cộng sản hoặc đưa dự thảo văn kiện cho đám đoàn thanh niên, các hiệp hội thuộc cánh tay nối dài của đảng "góp ý". Thế là xong vở kịch. Đảng cộng sản với tư cách là kẻ có đặc quyền "dân chủ hơn" đã ép buộc nhân dân phải "dân chủ" theo ý họ. Thế là xong, cái gọi là "ý đảng lòng dân" nó như thế, kẻ "dân chủ hơn" đã gò ép cho "kẻ ít dân chủ hơn" phải vào khuôn khổ của nó. Nói cho dễ hiểu thì ý đảng là cái rọ, lòng dân là con lợn thịt, đảng bắt lòng dân nhốt vào rọ ý đảng là thành nên món "ý đảng lòng dân", thế thôi.

Thu Thủy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 02/01/2021

**********************

Nhân sự lãnh đạo đảng căng thẳng đến phút chót trước Đại hội 13

Tại hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 15, dự kiến diễn ra ngày 15/1/2021, Bộ Chính trị sẽ báo cáo các ‘trường hợp đặc biệt’ để Trung ương quyết định, giới thiệu ra Đại hội XIII của Đảng.

Đó là thông tin ông Nguyễn Đức Hà, chuyên gia Xây dựng Đảng thuộc Ban Tổ chức Trung ương, cho biết hôm 28/12 tại hội nghị tập huấn tuyên truyền Đại hội lần thứ XIII của Đảng cho các cơ quan báo chí.

tongbithu8

Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. (Nguồn : TTXVN)

Liệu nhân sự đảng sẽ được quyết tại Hội nghị Trung ương 15 ?

Trả lời RFA hôm 29/12, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á – Iseas, Singapore, nhận định :

"Ngay từ Hội nghị Trung ương 12 họ đã định ra cái 13, 14… 15 làm gì, chứ không phải là bất ngờ.

Vào ngày 28/12 lại cho đưa lên báo thì tôi cho rằng chỉ là tình cờ chứ không thay mặt cho Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Điều này đã được thông báo từ trước, từ ngày cuối Hội nghị 14 họ cũng có nói, nhưng họ sẽ để Hội nghị 15, và nếu vẫn không xử lý được, thì bắt buộc họ phải có Hội nghị 16…

Thế nhưng họ tin rằng Hội nghị 15 họ sẽ chốt được những cái tên của những người đặc biệt quá tuổi để ở lại".

Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ ​​din ra t ngày 25/1/2021 đến ngày 2/2/2021, ti Hà Ni vi 1.590 đại biểu, tăng 80 người so với Đại hội XII.

Trong số này có 194 đại biểu đương nhiệm, 1.381 đại biểu được bầu và 15 đại biểu chỉ định.

Các thay đổi nhân sự được thông qua tại đại hội đảng, thông thường sẽ nằm trong nhóm lãnh đạo chính phủ mới được thành lập ngay sau đại hội, để lãnh đạo đất nước cho đến năm 2026.

Tuy nhiên, chỉ các ủy viên Bộ Chính trị mới được xem xét cho 4 vị trí đứng đầu đất nước, hay còn gọi là ‘tứ trụ’.

Theo chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị, thời điểm tính độ tuổi tham gia các cấp trực thuộc trung ương là tháng 9/2020. Do đó, các ủy viên Bộ Chính trị hiện tại đã đủ 65 tuổi trước thời điểm tháng 9/2020 sẽ phải nghỉ hưu, ngoại trừ người được chọn để giữ vị trí tổng bí thư nhiệm kỳ tiếp theo.

Vậy liệu sẽ có bao nhiêu vị lãnh đạo quá tuổi được tiếp tục ở lại sau Đại hội 13 ?

tongbithu9

Các lãnh đạo đảng giơ tay biểu quyết trong hội nghị 14 Ban chấp hành Trung ương đảng hôm 14/12

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp đưa ra suy đoán của mình :

"Có một số khả năng sẽ có 2 trường hợp đặc biệt, khóa 12 chỉ có 1, lần này thậm chí có thể có 3 thậm chí 4 trường hợp.

Nếu mà suy đoán thì những trường hợp đặc biệt ở lại là sẽ làm trong ‘Tứ trụ’, chứ không làm nhỏ hơn.

Có thể xảy ra trường hợp quá tuổi như ông Nguyễn Xuân Phúc, Trần Quốc Vượng, còn nếu trường hợp 3 người thì có thể có thêm Nguyễn Thị Kim Ngân, nếu 4 trường hợp hay 3 rưỡi thì có thể có thêm ông Nguyễn Phú Trọng".

Tuy nhiên Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng nếu có ở lại, cũng có thể sẽ không ở lâu mà chỉ một thời gian ngắn.

Do đó ông cho rằng dư luận có thể đã nói sai, khi nói về việc nếu ông Trọng muốn ở lại thì Bộ Chính trị phải sửa Điều lệ Đảng. Ông giải thích :

"Họ nói ông ấy làm 2 khóa rồi thì không thể ở lại theo điều lệ Đảng, điều này đúng…

Thế nhưng ông Trọng có làm hết khóa 13 đâu mà phải sửa điều lệ. Vì Đại hội 13 này chắc chắn người ta không sửa điều lệ, người ta sẽ nói nếu cần ông Trọng ở lại thì không cần ở hết nhiệm kỳ, chẳng hạn 1 năm rồi bàn giao, thì không phải sửa điều lệ nhưng vẫn có thể để ổng ở lại.

Bởi vì có thể họ chưa tin tưởng người mới nên để ông Trọng ở lại một thời gian rồi bàn giao chức Tổng bí thư.

Còn một khả năng nữa là ông Trọng không ở lại ngày nào nhưng vẫn giữ chức Bí thư Quân ủy Trung ương, thì không phải sửa điều lệ Đảng và cũng không phải sửa Luật Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đó là những phỏng đoán của tôi".

Ngay từ nhiều tháng trước, rất nhiều thông tin được báo chí nhà nước Việt Nam loan tải mà dư luận cho rằng là đang ‘rào trước, đón sau’ việc ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục tại vị.

Đơn cử như vào ngày 27/5/2020, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Hồng Diên, khi phát biểu tại Hội nghị thông báo kết quả hội nghị lần thứ 12 đã nói : "Một số đồng chí được xem là trường hợp quá tuổi, đã thể hiện rất xuất sắc trong công việc, đặc biệt là người đứng đầu, đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước. Có thể nói trường hợp đặc biệt này là hạnh phúc của Đảng, dân tộc".

Hay vào ngày 24/6/2020, tại buổi tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu Hà Nội, bà Nguyễn Xuân Thắng – một cử tri từ quận Hoàn Kiếm – được truyền thông trong nước dẫn lời là "mong muốn ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước thêm một nhiệm kỳ nữa".

Nhà báo Lê Trung Khoa, chủ bút trang Thoibao.de tại Đức, khi trả lời RFA liên quan việc này vào tháng 6 năm 2020 cho rằng :

"Đây là sự giáo điều, rào trước của ông Nguyện Phú Trọng đối với các ủy viên trung ương khác.

Có thể ổng vẫn ở lại làm thêm một nhiệm kỳ nữa… các bạn cũng đã biết, lòng tham của những người đứng đầu đảng cộng sản thì vô cùng lắm, nhất là về tham nhũng quyền lực, nó còn tệ hơn tham nhũng.

Nó loại gần 100 triệu người dân ra khỏi việc điều hành đất nước, chỉ có một nhóm nhỏ trong đảng, họ nắm cái này, họ tham nhũng cái này.

Điều này rất tệ hại vì sẽ dẫn đến đường lối không dân chủ, mất tự do và ngày càng trở nên độc tài".

Theo Nhà báo Lê Trung Khoa, ông Nguyễn Phú Trọng có thể cũng muốn ở lại, nhưng có được hay không còn do những phe cánh trong đảng cộng sản, liệu họ có cách nào để thay đổi những mong muốn của ông Trọng hay không thì phải đợi thêm một thời gian nữa.

Cũng tại hội nghị tập huấn tuyên truyền Đại hội lần thứ XIII của Đảng cho các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Đức Hà cho biết, về quy trình công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII, các cơ quan sẽ chuẩn bị nhân sự khóa mới với cơ cấu 3 độ tuổi để đảm bảo kế thừa.

tongbithu10

Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gần đây thường xuất hiện với hình ảnh đi không vững khiến nhiều người phải đỡ, do đã từng bị đột quỵ hồi năm ngoái.

Cụ thể, nhân sự tham gia Trung ương lần đầu không quá 55 tuổi ; nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư lần đầu không quá 60 tuổi ; Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử không quá 65 tuổi ; ‘trường hợp đặt biệt’ là nhân sự trên 65 tuổi.

Liên quan đến việc quy định độ tuổi này, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng khi trả lời RFA hôm 29/12 từ Hà Nội, giải thích :

"Tại sao cái Đảng cộng sản này lại khắt khe về tuổi tác như vậy, trong lúc đó nhiều nước trên thế giới người ta rất thoải mái, như Mỹ chẳng hạn, lớn tuổi nhưng nhân dân vẫn tín nhiệm bầu như thường…

Còn Việt Nam như thế là do có vấn đề lịch sử, vài chục năm trước đây các ông đi làm cách mạng, khi thành công thì tranh nhau chức quyền, trình độ không có nhưng cứ ngồi giữ chức đấy không chịu về hưu.

Nhưng không đẩy ra được vì họ là chiến sĩ kỳ cựu có thành tích… nên người ta mới nghĩ ra mẹo dùng tuổi để khống chế, 60 tuổi bắt buộc phải về hưu, chỉ có trường hợp đặc biệt mới cho phép kéo dài thêm".

Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng đó là một điều không hay, vì tại sao phải dùng tuổi tác khống chế nhau mà không đưa ra năng lực ? Ông nói tiếp :

"Bây giờ họ lại dùng trò ưu tiên kéo dài tuổi cho một số nào đấy, đó chẳng qua là thủ đoạn đối với nhau thôi.

Theo tôi, quan trọng là năng lực, người ta nếu giỏi thì dù tuổi trẻ thì cũng có thể dùng, còn tuổi già rồi mà sức khỏe vẫn tốt, vẫn được tín nhiệm bình bầu… thì vì sao không chấp nhận người ta. Ở đây có một vấn đề phản dân chủ rằng, Trung ương cũ phải quyết định danh sách Trung ương mới, Bộ chính trị mới.

Vì giành quyền nên mới ngần ngại chỗ này chỗ kia, còn nếu dân chủ thoải mái thì cứ ứng cử trước Đại hội, có già mà khỏe được tín nhiệm thì được làm thôi".

Vì vậy Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, việc kéo dài độ tuổi để xem xét tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo, chỉ là một trò để bịp bợm và chẳng hay ho gì.

tongbithu11

Pa nô cổ động chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 tại Huyện Lệ Thủy Quảng Bình trong những ngày nước ngập lụt do cơn bão số 7.

"Có 8 Ủy viên Bộ Chính trị đều quá độ tuổi tái cử theo quy định", Blogger Bùi Thanh Hiếu đưa ra phân tích của mình hôm 28/12.

"Cụ thể, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (sinh năm 1944, 77 tuổi) ; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (sinh năm 1954, 67 tuổi) ; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (sinh năm 1954, 67 tuổi) ; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (sinh năm 1954, 67 tuổi) ; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016 – 2021 Nguyễn Thiện Nhân (sinh năm 1953, 68 tuổi) ; Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng (sinh năm 1954, 67 tuổi) ; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng (sinh năm 1953, 68 tuổi) ; Phó thủ tướng Trương Hòa Bình (sinh ngày 13/5/1955, cũng trên 65 tuổi).

Trong 8 trường hợp này ông Trọng sẽ về vì lần này nhấn mạnh về sức khoẻ đảm bảo công việc, ông Trọng không thể làm tổng bí thứ lần thứ ba liên tiếp, trừ khi sửa điều lệ đảng.

Ông cũng không thể giữ chức Chủ tịch nước tiếp vì chức này cần thực hiện nhiều nghi lễ, mà ông thì không đủ sức đi đứng được.

Ông Nguyễn Thiện Nhân bị loại khỏi chức bí thư Thành phố Hồ Chí Minh, không còn là nắm được đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh, cơ hội cho ông Nhân hầu như chẳng còn.

Bà Tòng Thị Phóng quá mờ nhạt, cho nên kỳ này bà về không có gì tranh cãi.

Vậy còn 5 ông quá tuổi là Phúc, Lịch, Vượng, Trương Hòa Bình và bà Ngân.

Cả 5 người này đều đòi ở lại, trong khi ban đầu ông Trọng dự tính có một trường hợp đặc biệt để dành cho ông Vượng làm Tổng bí thư.

Nếu cả 5 đều đòi được, thì chức thủ tướng đương nhiên ông Phúc làm tiếp, chức chủ tich quốc hội bà Ngân làm tiếp. Chức tổng bí thư cũng đương nhiên thuộc về ông Vượng.

Hai chức thường trực Ban bí thư và Chủ tịch nước sẽ do ông Ngô Xuân Lịch và Trương Hòa Bình chia nhau.

Ông Trương Hòa Bình có kinh nghiệm làm tư pháp nhiều hơn, ở chức phó thủ tướng thường trực, ông có cơ hội tiếp xúc ngoại giao nhiều hơn, nên cơ làm chủ tịch nước của ông Bình sẽ lớn hơn ông Lịch rất nhiều.

Cơ hội cả 5 người này ở lại đều rất lớn vì họ đang có quyền lực, biết đâu vì e sợ trung ương và dư luận dị nghị vì số người đặc biệt quá nhiều, cho nên Bộ Chính Trị khóa 12 để dành phút chót mới đưa các vị này thành đặc biệt hết, lúc đó có phản ứng cũng đã xong rồi". Blogger Bùi Thanh Hiếu đưa ra nhận định.

Thu Thủy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 02/01/2021

****************************

Cuộc chiến giữ ghế của Nguyễn Phú Trọng đến hồi gay cấn

Đến hôm nay là chỉ còn đúng 25 ngày nữa là tới đại hội 13 của Đảng cộng sản. Đang có dấu hiệu cho thấy cuộc chiến đang ác liệt chứ chưa ngã ngũ. Ngày 30/12, báo chí cộng sản đồng loạt loan tin rằng "Các phương án nhân sự Tổng bí thư, Chủ tịch nước là tuyệt mật". Thực tế những đại hội lần trước, khi cận đại hội thì nhân sự chủ chốt đã công bố rồi nhưng lần này họ vẫn kín bưng và đồng thời còn lại xem những thông tin này là "bí mật". Đó là một trường hợp bất thường.

Thực ra nhân sự chủ chốt thì trước sau gì dân cũng biết, Đảng cộng sản đang dùng cái gọi là "bí mật nhà nước" để hoãn công bố nhân sự thôi. Một số ý kiến trên mạng xã hội lại cho rằng, thực ra đây là dấu hiệu cho thấy cuộc đấu đá chưa ngã ngũ nên họ dùng cái gọi là bí mật nhà nước để hoãn binh chứ không có gì là bí mật cả. Như vậy là trong 25 ngày sắp tới có nhiều chuyện để mà xem.

tongbithu07

Ông Nguyễn Phú Trọng quyết giữ ngai không buông

Trận chiến này được BBC gọi là Trò chơi vương quyền vì nó thực sự sự tranh giành để kế vị ‘Ngai Vàng’, tương tự như nội dung bộ phim.

Khát vọng quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng là cực lớn, nhưng tham vọng quyền lực của ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Trần Quốc Vượng cũng không hề nhỏ, nên chính trường của Đảng cộng sản Việt Nam trước ngày đại hội nó vẫn còn đang ở thế chân vạt. Thực sự bên trong nội bộ Đảng cộng sản không thể nào tránh khỏi những trận đấu đỉnh cao để giành lấy ‘vương quyền’. Họ chiếm đoạt, tranh giành, chuyển giao… là những trò chơi với các âm mưu và thủ đoạn khốc liệt trong các thiết chế khác nhau.

Chế độ đảng cộng sản toàn trị mang những đặc điểm khác biệt so với chế độ dân chủ. Ở chế độ dân chủ, lá phiếu người dân là quyết định còn ở bên trong Đảng cộng sản, thế lực của phe cánh người nào mạnh thì người đó sẽ thắng, và không loại trừ khả năng ai là người được Bắc Kinh ủng hộ nữa.

Thực tế cuộc chiến khốc liệt hơn nhiều người tưởng

Trước thềm Đại hội 13, không ai ngờ ‘trò chơi vương quyền’ chuyển giao ‘tứ trụ’ lại gay cấn như vậy. Năm 2016, khi đó Nguyễn Phú Trọng đấu với Nguyễn Tấn Dũng rất dữ dội nhưng ngã ngũ rất sớm, còn nay sự đấu đá nhìn bề nổi có vẻ không ác liệt như cách đây 5 năm nhưng thực tế chi thấy đến giờ vẫn chưa ngã ngũ. Điều đó cho thấy cuộc chiến vương quyền kỳ này khốc liệt không kém lần trước, có đều nó ngầm chứ nó không nổi mà thôi.

Mỗi sự thay đổi nhân sự cấp cao, đặc biệt ở Bộ Chính trị, được dư luận quan tâm vì nó liên quan đến vận mệnh đất nước và số phận của người dân Việt Nam. Vì thế, việc kém công khai minh bạch trong chế độ đảng trị, khép kín bởi những quy định riêng thường làm cho người dân càn tò mò hóng chuyện.

Phải nói rằng, sau bầu cử Mỹ thì chuyện sắp xếp nhân sự cho đại hội 13 làm cho người dân quan tâm nhất. Người dân đã theo dõi rất sát tình hình. Đặt biệt là từ đầu năm, cụ thể là ngày 9/1/2020 Bộ Chính Trị đã cảnh cáo một ủy viên, đó là ông Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải và điều chuyển làm Phó trưởng bộ phận Thường trực chuyên trách Tiểu ban văn kiện Đại hội 13 của Đảng. Ngày 7/2 một uỷ viên Bộ Chính Trị khác là ông Phó Thủ tướng được phân công thay thế giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội… Kể từ đó dâu hiệu đấu đá đã xuất hiện rồi. Và cho đến hôm nay, những ngày kế cận đại hội mà đấu đá làm sao không khốc liệt chứ ?

Trò chơi vương quyền đã ngã ngũ cho Vương Đình Huệ khi ông này đã thay ông ông Hoàng Trung Hải đầu năm 2020, và ông Nguyễn Văn Nên thay ông Nguyễn Thiện Nhân mới đây. Đấy ! ‘Trò chơi vương quyền’ lúc đó đã đến hồi quyết liệt rồi huống hồ chi những ngày cận đại hội ? !

Cao điểm của bất ổn được cho là diễn ra vào nhiệm kỳ trước đại hội 12, khi đa phần Ủy viên Trung ương khóa 11 đã không đồng thuận trước một số quyết định của Bộ Chính trị, như việc bổ sung hai chức danh trưởng Ban Nội chính trung ương và Ban Kinh tế trung ương vào Bộ Chính trị năm 2013 và không kỷ luật nguyên thủ tướng, ‘đồng chí X’, năm 2014.

Mặc dù Đại hội 12 đầu năm 2016 diễn ra căng thẳng, nhưng ‘nút thắt’ đã được gỡ, khi sự đồng thuận, ‘cân bằng’ cũng đạt được với 180 Ủy viên Ban chấp hành trung ương, 19 Ủy viên Bộ Chính trị, và ông Nguyễn Phú Trọng được bầu chọn tiếp tục nhiệm kỳ 2 giữ cương vị Tổng bí thư. Nhưng nay không phải vậy.

Nguyễn Phú Trọng có ước mơ được cầm quyền lâu như các đại công thần trong chế độ cộng sản

Ở Liên Xô cũ, Stalin nắm quyền cho đến chết hơn 31 năm ở Trung Quốc Mao Trạch Đông (1893–1976) giữ chức Chủ tịch Đảng cũng nắm quyền cho đến chết, ở Việt Nam Lê Duẩn (1907-1986) cũng nắm quyền cho đến chết vv…

Chế độ đảng cộng sản toàn trị ra đời bởi cách mạng chuyên chính, trong đó cá nhân ‘lãnh tụ’ có vai trò to lớn. Bởi vậy, thế hệ ‘khai quốc công thần’ được sùng kính. Họ thường nắm quyền lãnh đạo suốt đời. Tuy nhiên cho đến hôm nay, ông Nguyễn Phú Trọng là hậu sinh rất xa thế hệ khai quốc công thần nhưng vẫn có tham vọng được như thế hệ cộng sản đời đầu vậy và ông đang cố thực hiện điều đó.

Khi chuyển đổi sang thị trường, chế độ toàn trị gặp phải vấn đề ‘ngụy vương’, nhất là việc chuyển giao từ thế hệ ‘khai quốc công thần’ đến các thế hệ kế tiếp. Đó là năng lực của lãnh đạo kế nhiệm vương quyền. Làm sao có thể chọn được ‘vị vua anh minh’ để duy trì ‘vương triều’ ? Liệu có cơ chế nào để đảm bảo rằng ông ta sẽ giúp tái hiện những ‘nhân vật anh minh’ nối tiếp hết thế hệ này sang thế hệ khác ? Tuy nhiên, đó chỉ là những điều hoang tưởng. Hiện nay ngoài ông Nguyễn Phú Trọng thì không còn mấy ai tin vào cái tư tưởng cộng sản đó nữa. Họ chỉ tin vào quyền lực và tiền bạc, chính vì vậy, với ông Nguyễn Phú Trọng thì trong trận chiến này ông như là một chiến binh để giữ lấy hệ tư tưởng nguyên bản.

Đảng cộng sản cũng có giới hạn về nhiệm kỳ công tác và độ tuổi, lựa chọn dựa vào phẩm chất và năng lực và coi trọng thử thách thực tế qua các vị trí công tác… Tuy nhiên, việc nảy nở các quan hệ phức tạp của xã hội tư bản thân hữu, sự cấu kết giữa các quan chức với doanh nghiệp để chiếm đoạt tài nguyên và tài sản công, những hiện tượng ‘thái tử đỏ’‘cả họ làm quan’‘bảo trợ chính trị’‘nhóm lợi ích’, trục lợi, tham nhũng … đã phá vỡ các quy định trên. Và nay cũng chính ông Nguyễn Phú Trọng vì tham quyền cố vị ông cũng đang ra tay phá nát những quy định ấy chứ nói chi ai ? Ông Trọng nếu hất được Nguyễn Xuân Phúc và Trần Quốc Vượng thì bản thân ông danh cũng không chính và ngôn cũng không thuận nữa. Tuy nhiên, ông sẽ phớt lờ tất cả.

Thế thượng phong của ông Trọng trước Trần Quốc Vượng và Nguyễn Xuân Phúc

Hiện nay Đảng cộng sản đang xem mặt trận tư tưởng như là chiến trường, với 800 tờ báo luôn mở hết công suất chống lại "tự diễn biến, tự chuyển hóa". Bởi vậy, tăng cường chiến dịch chống tham nhũng và củng cố tổ chức đảng là lựa chọn nhằm tập trung quyền lực cho Bộ chính trị, Ban bí thư và cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng. Năm 2017 ông kiêm luôn chức Chủ tịch nước sau khi ông Trần Đại Quang qua đời.

Việc củng cố chế độ ‘vương quyền’ là để giải cứu cho nguy cơ sụp đổ chế độ bằng sự chuyển biến chuyển hóa. Thế nhưng kết quả chống tham nhũng không được như móng muốn, giờ vẫn còn nhiều con cá mập chưa tóm được. Tuy nhiên chỉ cần nhiêu đó thì ông Trọng cũng chiếm được uy tín của các đảng viên dành cho ông.

Vì lý do giới hạn tuổi, nhiệm kỳ công tác và sức khỏe ông Trọng có lẽ coi việc chuyển giao ‘vương quyền’ là một trọng tâm. Ngoài việc điều động, bố trí nhân sự chuẩn bị cho đại hội, nhiều quy định về đề cử, ứng cử, khen thưởng, kỷ luật, nêu gương của lãnh đạo cấp cao… cũng được ban hành. Mới đây, ngày 2/2/2020 Đảng Cộng sản Việt Nam đã công bố Quy định 214, thay thế Quy định 90 năm 2017, của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ cao cấp. Theo các nhà phân tích, Quy định 214 cụ thể hơn đối với nhiều chức danh lãnh đạo cao cấp, đồng thời tiêu chuẩn mới cho chức Tổng bí thư ‘được hạ bớt’ trước Đại hội Đảng 13…

Việc đưa ra các tiêu chuẩn phù hợp với cản trở những người khác chứ không thể cản trở được ông Nguyễn Phú Trọng, bởi vì ông đang ở ‘thế thượng phong’ trong nguyên tắc lãnh đạo tập thể để đạt đồng thuận theo ‘quy hoạch’.

Một trong những yêu cầu quan trọng nhất đối với người cán bộ là lòng trung thành tuyệt đối đối với đảng, và lý tưởng, mà điều đó thì ông Trọng có thừa. Với những lợi thế vậy thì làm sao ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Trần Quốc Vượng chống lại ông nổi ?

Cần loại bỏ ông Nguyễn Phú Trọng khỏi ngai vàng để kiểm soát quyền lực

Cần đặt việc chống tham nhũng, tập trung quyền lực và củng cố tổ chức đảng trong bối cảnh cải cách thể chế, trong đó quyền lực ở mọi vị trí, kể cả ‘vương quyền’. Tuy nhiên khi lãnh đạo cộng sản nắm quyền quá lớn thì cũng cần có cơ chế kiểm soát. Việc loại ông Trọng khỏi chức vụ tổng bí thư đại hội 13 cũng là cách giảm bớn sự lộng quyền.

Khi quyền lực được tập trung càng cao, thì càng lạm quyền, vì thế một người chiếm 2 ghế cao nhất cần phải loại bỏ để đưa về quy tắc tứ trụ trước đây.

Việc kiêm nhiệm chức tổng bí thư và chủ tịch nước dẫn đến hậu quả là quyền lực ngày càng bị tha hoá, mà biểu hiện rõ nhất là việc lạm dụng bạo lực và quản trị yếu kém của bộ máy tập trung quan liêu, đặc biệt trong điều kiện chuyển đổi sang thị trường đòi hỏi tính công khai, minh bạch, thông tin và kiến thức đầy đủ, kịp thời.

‘Trò chơi vương quyền’ tác động đến cuộc sống của đất nước, của mọi người, bởi vậy cần có sự tham gia của họ. Tuy nhiên không đời nào Đảng cộng sản cho dân tham gia, nếu dân tham gia vào trò chơi vương quyền thì hóa ra chính trị Việt Nam thay đổi sao ? Không bao giờ.

Lập đại hội chia quyền của Đảng cộng sản là trò ăn chia với nhau trên đầu người dân thôi. Người dân Việt Nam muốn có dân chủ để tự cầm lá phiếu chọn người đứng đầu đất nước thì cần phải loại bỏ Đảng cộng sản chứ không phải loại bỏ Nguyễn Phú Trọng. Vì nói cho cùng, dù loại Nguyễn Phú trọng thì cộng sản vẫn còn cộng sản chứ không gì khác.

Nguyễn Duy (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 01/01/2021

*************************

Liệu Nguyễn Xuân Phúc có khả năng tái nhiệm ?

Người Buôn Gió, 31/12/2020

Đại hội 13 cũng giống như đại hội 12 là những lãnh đạo chủ chốt trong tứ trụ đều quá tuổi. Trước tình thế đó ông Trọng nều ra ý kiến trong hội nghị trung ương đảng 12 khóa 12, cần người quá tuổi trong nhóm tứ trụ cần ở lại để duy trì sự ổn định, kế tiếp. 

tongbithu12

Ông Phúc đã buộc ông Trọng phải nới rộng thêm mọi cửa ngõ, để ông Phúc có cơ hội ở lại khóa sau.

Đến ở hội nghị trung ương 13 khóa 12, có ba phương án được đưa ra là ;

- Tổng bí thư , chủ tịch nước, thủ tướng đều ở lại.

- Tổng bí thư, chủ tịch nước ở lại

- Riêng tổng bí thư ở lại.

Từ giữa trung ương 12 và trung ương 13, đơn tố cáo Nguyễn Tấn Dũng được gửi tới tấp về Bộ Chính Trị từ những giáo sư của học viện Hồ Chí Minh, Phan Diễn cựu uỷ viên Bộ Chính trị, Trịnh Văn Lâu cựu uỷ viên trung đảng. Tất cả những đơn thư này nhằm đến mục đích muốn trung ương đảng thực hiện phương án 2 là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chủ tịch nước Trương Tấn Sang đều ở lại. Trương Tấn Sang sử dụng trang mạng Quan Làm Báo, phối hợp với các cây viết khác như Trương Huy San, Hoàng Hải Vân, Lưu Trọng Văn...và một số cây viết hải ngoại tạo thành làn sóng tấn công Nguyễn Tấn Dũng.

Lúc này Trần Đại Quang cũng muốn vào tứ trụ, vì thế trang Chân Dung Quyền Lực ra đời và công bố nhiều hồ sơ về tài sản và những mối quan hệ lợi ích nhóm của nhiều lãnh đạo cao cấp, đặc biệt là Trương Tấn Sang và Nguyễn Xuân Phúc.

Tình thế rất căng thẳng, chưa có giải pháp nào phù hợp, nếu như trong lúc đó Nguyễn Tấn Dũng thể hiện quyết tâm ở lại bằng được. Có lẽ đảng cộng sản Việt Nam đã vào thế tan thành mấy mảnh.

Thế nhưng Nguyễn Tấn Dũng lại chọn một cách an toàn cho cả mình và đảng, đó là ông ta đề nghị chỉ nên trọn phương án tổng bí thư ở lại và tất cả về hết. Bộ Chính Trị quyết định ngay hôm đó, chỉ mình ông Trọng là trường hợp đặc biệt tái cử giữ chức tổng bí thư.

Đại hội 13 lần này cũng giống lần trước là các lãnh đạo chủ chốt đều quá tuổi, các uỷviên Bộ Chính trị đang độ tuổi không đủ phiếu để giới thiệu làm tổng bí thư. Trường hợp đặc biệt quá tuổi ở lại sẽ gần như chắc chắn là sẽ có, chỉ có điều khả năng ông Trọng ở lại là chuyện cực kỳ thấp.

Nếu vậy ai sẽ là người đặc biệt ở lại ở khóa 13 tới đây ?

Nếu phân tích thông thường thì không ai khác ngoài thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Phúc mới làm thủ tướng một nhiệm kỳ. Khi ông Quang chết và ông Trọng lâm bệnh không đi lại được, ông Phúc là người hoạt động năng nổ nhất trong bộ máy lãnh đạo. Bản thân ông Phúc có chân trong tiểu ban nhân sự đại hội đảng khóa 13. Ông có một bộ sậu lợi ích nhóm các đại gia ngàn tỷ dài dằng dặc sẵn sàng ủng hộ ông như Don Lam, Nguyễn Duy Hưng, Trần Bá Dương, Thân Đức Nam, Đặng Văn Thành... và lực lượng an ninh trong bộ công an. Điều đáng chú ý là cho đến giờ phút trước thềm đại hội 13, ông Phúc không hề bị một cây viết nào có tên tuổi từ trong đến ngoài nước tấn công như Nguyễn Tấn Dũng trước kia.

Ông Trần Quốc Vượng là lựa chọn độc đoán của mình ông Trọng, ông đưa ông Vượng làm thường trực ban bí thư và nâng tầm cái ghế này lên hàng tứ trụ, thuận tiện đưa ông Vượng vào danh sách chủ chốt. Nhưng lựa chọn cho Trần Quốc Vượng của ông Trọng đã không thành công, lựa chọn ấy chỉ phần nào thành công ở chỗ nó được gọi là phương án, có nghĩa nó như nhiều phương án khác sẽ đem ra bàn ở trung ương 15.

Như lần trước đích danh chốt được trước thềm đại hội là "một trường hợp duy nhất đặc biệt quá tuổi ở lại tái cử trong bộ chính trị". Lần này đảng cộng sản Việt Nam không mạnh mồm nói "trường hợp duy nhất". Thay vào đó họ dùng từ "những trường hợp đặc biệt quá tuổi sẽ xem xét".

Từ "một trường hợp "đến "những trường hợp "và vẫn vẫn chưa quyết được ai, đó là thành công của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc đã buộc ông Trọng phải nới rộng thêm mọi cửa ngõ, để ông Phúc có cơ hội ở lại khóa sau. Đồng thời ngay sau khi họp Bộ Chính trị mới đây, ông Phúc ký ngay quyết định "tuyệt mật "để ngăn chặn những thông tin có thể làm hại cho mình.

Cứ thử nghĩ xem, ông Phúc là thủ tướng, dính đến nhiều chính sách kinh tế, vợ con và anh em nhà ông lẫn nhà vợ ông đều lợi dụng ảnh hưởng của ông để trục lợi. Trong khi đó con ông Vượng chỉ dính đến án nhỏ được Bùi Văn Cường bí thư Daklak nâng đỡ. Ông Vượng từng là chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra trung ương, nay là thường trực ban bí thư. Bây giờ nếú có đơn tố cáo tung ra về hai ông, hẳn nhiên ai cũng biết đơn thư tố cáo, quyết định thanh tra về ông Phúc sẽ gấp ngàn lần ông Trần Quốc Vượng.

Nhìn lại quãng đường của ông Nguyễn Xuân Phúc đi đến chức thủ tướng, đó là một con đường có rất nhiều việc không tưởng, dường như mọi cản trở hay cạnh tranh với ông ta đều bị trời diệt hay người diệt . Cái đặc biệt là khi ông đến chức thủ tướng, lúc đến tuổi về hưu thì ngoảnh lại chẳng còn ai thay thế được ông. Khi ông đi lên những kẻ ngáng đường đều chết, khi ông phải về những kẻ muốn thế ông đều lãnh án kỷ luật.

Con đường như thế, không đơn giản là may mắn của một thằng niễng ngu đần, đọc cờ lờ mờ hay nói năng lung tung về đầu tầu, thủ phủ. Nó là con đường rất đặc biệt của người có thủ đoạn phi phường, của những bậc đế vương lập nghiệp. Chỉ có những kẻ đi qua những con đường như thế mới đủ khả năng làm thay đổi quốc gia. Làm sao những kẻ bình bình như Ngô Xuân Lịch, Trần Quốc Vượng chỉ nhờ vào sự yêu mến của ông Trọng, không phải kinh qua gian khó mà nghiễm nhiên hưởng ngôi báu, những kẻ như thế liệu có tầm để quyết đoán việc gì cho quốc gia.

Quê hương Quảng Nam của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây nổi lên hai hiện tượng là cồn cát và hào quang. Không nói về mê tín, nhưng khi hai hiện tượng này xuất hiện, báo chí và người dân rất hưng phấn khi nghĩ nó liên quan đến vận khí của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Điều này cho thấy ảnh hưởng của Nguyễn Xuân Phúc trong dân lớn hơn nhiều các lãnh đạo cao cấp khác, kể cả Nguyễn Phú Trọng.

Tôi xin đặt cửa 10 nghìn usd cho việc thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ được ở lại, dựa trên những phân tích của mình. Nếu tôi được, sẽ dùng số tiền thắng trao cho một trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, đó là ân đức của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Còn nếu tôi thua, xin chồng đủ tiền ngay tức khắc.

Bây giờ phân tích bình luận là phải đưa ra nhận định của mình và xuống tiền để khẳng định nhân định của mình, tránh cho chuyện không mất mát gì, cứ nói khơi khơi, thiên hạ người ta chửi cho là chém gió, là phá hoại, là xuyên tạc.

Người Buôn Gió

Nguồn : nguoibuongio1972, 31/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Duy, Thu Thủy, Người Buôn Gió
Read 960 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)