Năm 2020 có thể được xem là một năm thành công đối với Việt Nam khi kiểm soát hiệu quả Covid/19 và duy trì tốc độ tăng trưởng GDP dương (2,4% theo dự báo của IMF) trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, khiến nhiều nước phải trầm trồ.
Thanh niên ở Hà Nội trong đêm giao thừa chào đón năm mới 2021
Bên cạnh đó, Việt Nam còn giữ chức chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh 10 nước ASEAN trực tuyến (tháng 11/2020), sau đó đóng góp tích cực vào lễ ký kết trực tuyến lịch sử Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - được xem là khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới.
Việt Nam rõ ràng đã có những bước tiến thuận lợi, tranh thủ được sự chuyển dịch địa chính trị, kinh tế và môi trường kinh doanh toàn cầu, trong đó có thương chiến Mỹ - Trung. Việc nhiều tập đoàn đa quốc gia lên kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc để né thuế quan trừng phạt của Mỹ đang tiếp thêm nhiên liệu cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo báo cáo do IMF thực hiện, đến hết năm 2020, GDP danh nghĩa của Việt Nam sẽ vượt qua Singapore và Malaysia để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ASEAN. Ruchir Sharma, chiến lược gia trưởng của Morgan Stanley Investment Management, cũng nhận định Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế đang phát triển bật lên mạnh mẽ nhất sau đại dịch (xem bài viết "Which Developing Economies Will Rise After the Pandemic ?" trên New York Times).
Bức tranh chỉ có màu hồng ?
Tuy nhiên, bức tranh ấy chắc chắc sẽ không phải chỉ có mỗi màu hồng. Bên cạnh những điểm sáng lạc quan, hãy còn đó không ít nỗi lo.
Thứ nhất là nguy cơ "chưa giàu đã già". Trên thực tế, Việt Nam đã bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011 (với tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 9,9%), sẽ trải qua giai đoạn dân số già từ 2026 - 2054 (chiếm 10 - 19,9%), và giai đoạn dân số rất già từ 2054 - 2069 (chiếm 20 - 29,9%).
Việt Nam cũng được xem là nước có thời gian chuyển từ "già hóa dân số" sang "dân số già" thuộc nhóm nhanh nhất thế giới (20 năm), trong khi Nhật Bản và Trung Quốc mất 26 năm, Anh và Tây Ban Nha mất 45 năm. Một số biện pháp can thiệp nhằm duy trì mức sinh thay thế, như bỏ quy định không sinh con thứ ba, hay Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích phụ nữ sinh thêm con, … vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.
Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa thật sự tận dụng tốt cơ hội trong giai đoạn dân số vàng, khi tỷ lệ lao động được đào tạo có tăng lên nhưng năng suất vẫn thấp hơn nhiều so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, … thậm chí còn có nguy cơ bị Lào và Campuchia qua mặt.
Thứ hai, việc tranh thủ tối đa các yếu tố thuận lợi quốc tế và ổn định chính trị trong nước để tiếp tục thành công như 5 năm qua có thể sẽ không còn dễ dàng nữa khi Việt Nam bắt đầu chịu nhiều áp lực, bao gồm cả từ phía Washington - đối tác toàn diện, thân thiện và bạn hàng lớn nhất.
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2020 đã lên tới 58 tỷ USD, vượt qua Nhật Bản, chỉ xếp sau Trung Quốc và Mexico, khiến Bộ Tài chính Mỹ "gắn nhãn" chỉ định Việt Nam là nước thao túng tiền tệ trong giai đoạn chuyển giao quyền lực của chính quyền Donald Trump.
Thứ ba, tư duy phát triển của các lãnh đạo Việt Nam thật sự chưa có nhiều đột phá. Trong giai đoạn 2006 - 2016, do nóng vội, duy ý trí và quản trị kém, nhiều tổng công ty, tập đoàn nhà nước - được kỳ vọng là "quả đấm thép" của nền kinh tế Việt Nam - đã gây ra những sai phạm và hậu quả nghiêm trọng (như tham nhũng, thất thoát, thua lỗ tại Vinashin, PVN…) mà đến giờ vẫn chưa khắc phục xong.
Điều này cho thấy tính không hiệu quả của chủ trương phát triển lấy khu vực kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Tuy nhiên, lộ trình thoái vốn nhà nước và cổ phần hóa các doanh nghiệp này vẫn đang diễn ra hết sức chậm chạp, liên tục bị trì hoãn.
Bên cạnh chính sách gom các đầu mối về một siêu ủy ban quản lý vốn nhà nước (thay cho SCIC), dự thảo mới đây do Bộ Kế hoạch & Đầu tư soạn thảo còn đề cập tới khái niệm "doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn", đề xuất thí điểm chính sách riêng biệt đối với một số doanh nghiệp nhà nước đặc thù trong lĩnh vực viễn thông (Mobifone), năng lượng (EVN) và công nghiệp quốc phòng (Viettel) để đưa thành những con "sếu đầu đàn" thực thụ của nền kinh tế Việt Nam.
Cách làm này thực ra không có nhiều thay đổi về chất, chỉ là "dấu bụi dưới thảm", cho nên khó có thể đảm bảo thành công và hiệu quả quản trị rủi ro.
Có thể trì hoãn cải cách được nữa ?
Cùng nhìn lại lịch sử, bài học Đổi mới tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 (năm 1986) thực chất chỉ là trở về với những giá trị cũ (xóa bỏ độc quyền nhà nước và tự do hóa một phần nền kinh tế) khi mô hình chỉ huy bao cấp lâm vào khủng hoảng.
Để đạt được mục tiêu thịnh vượng và chí ít trở thành một cường quốc bậc trung cho xứng đáng với tiềm năng của đất nước, Việt Nam cần thiết phải tiến hành cải cách mạnh mẽ, triệt để, vĩnh viễn không được đi vào vết xe đổ của "cải cách nửa vời". Kinh nghiệm thế giới cho thấy, thịnh vượng sẽ là kết quả sau cùng của chính sách tự do hóa.
Nhà sử học Johan Norberg, người từng làm tập phim tài liệu "Thụy Điển : Một bài học cho Hoa Kỳ ?", khẳng định Thụy Điển không phải là một quốc gia xã hội chủ nghĩa bởi "nhà nước không sở hữu tư liệu sản xuất".
Trong giai đoạn tăng trưởng thần kỳ của mình, các nền kinh tế Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều duy trì vai trò dẫn dắt của nhà nước, nhưng dần nới lỏng, chấm dứt sự chi phối và nhường sân chơi cho khu vực tư nhân. Ngay đến những công ty đình đám nhất Trung Quốc hiện nay - vốn tương đồng với Việt Nam về ý thức hệ - như Alibaba, Tencent… cũng đều là do tư nhân điều hành.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 sắp diễn ra, sẽ hoạch định lộ trình cho giai đọan 5 năm tiếp theo nhằm củng cố thành công của Việt Nam như một quốc gia trẻ đang phát triển năng động, và một thị trường hấp dẫn 100 triệu dân. Nhưng đó mới chỉ là trên khía cạnh kinh tế, còn về mặt chính trị xã hội (theo cách nói của Marx, chính là kiến trúc thượng tầng của cơ sở hạ tầng kinh tế), có lẽ Việt Nam không thể trì hoãn cải cách được nữa.
Trong bài viết Vietnam's Communists brace for next 5 years after big 2020 (tạm dịch : Việt Nam củng cố chế độ cộng sản cho 5 năm tới sau 2020) trên Nikkei Asia Review, tác giả Tomaya Onishi đã dẫn lời cựu Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp thị Đặng Tâm Chánh, rằng các lãnh đạo Việt Nam giai đoạn tới nhất thiết phải có những chính sách hiệu quả để đảm bảo mô hình "nhà nước pháp quyền", kiến tạo không gian tự do cởi mở thực sự cho người dân, bên cạnh tầm nhìn, mục tiêu và hành động cụ thể để dẫn dắt thế hệ trẻ phát triển hết tiềm năng.
Quốc Việt
Nguồn : BBC, 02/01/2021
Tác giả là một nhà báo đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.