Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/01/2021

Dân thì phạt nặng, doanh nghiệp trái phép không ai hay !

Trung Nam

Chuyện hàng trăm, thậm chí hàng ngàn căn nhà xây trái phép, xây sai thiết kế thỉnh thoảng vẫn bị cơ quan chức năng phát hiện dù quy trình từ lúc xin giấy phép cho đến khi hoàn công được cho là rất nghiêm ngặt.

dan1

Đại công trường gần 500 căn nhà xây không phép mà chính quyền xem như không biết

Gần đây nhất là Dự án Khu dân cư Tân Thịnh do Công ty LDG làm chủ đầu tư xây 488 căn nhà tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Dù chưa có giấy phép xây dựng nhưng doanh nghiệp này đã san nền, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xây dựng xong phần thô cho 198 biệt thự và 290 căn nhà liền kề.

Đại diện Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh khẳng định, Sở chưa nhận được hồ sơ về đất đai của dự án 488 biệt thự, nhà liền kề này. Sở chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trả lời truyền thông trong nước, bà Vũ Thị Minh Châu – chủ tịch UBND huyện Trảng Bom khẳng định : "Chính quyền cơ sở đã báo cáo chủ đầu tư dự án khu dân cư Tân Thịnh là Công ty cổ phần đầu tư LDG vi phạm từ đầu nhưng vì sao văn bản không đến nơi, không có đề xuất xử lý cụ thể để sự việc xảy ra lớn như vậy.

Đây là lý do chúng tôi đang yêu cầu rà soát toàn bộ sự việc, làm rõ trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân".

Là chủ một doanh nghiệp tư nhân có kinh doanh về bất động sản, ông Đức Minh cho biết việc xây dựng không thể đơn giản đến mức mấy trăm căn nhà trái phép được khởi công rầm rộ như vậy mà chính quyền địa phương không đến kiểm tra. Ông nói :

"Nói đến chuyện gần 500 căn biệt thự và nhà dân dụng ở xã Đồi xây dựng không phép bây giờ lòi ra thì rõ ràng có sự mờ ám ở đây. Chủ đầu tư sai thì rành rành rồi nhưng ai là người tiếp tay ?

Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước tiên. Người dân có thể khẳng định mà không cần có căn cứ rằng, mờ ám ở đây là chung chi tiền để xây, để bán.

Đừng có nói là không biết, không nghe, không thấy.

Đây là điệp khúc ngụy biện, điệp khúc mị dân của chính quyền địa phương trong việc quản lý xây dựng. 

Người dân thường cứ thử kéo gạch, kéo cát về để trước sân nhà là hôm sau sẽ có người xuống hỏi thăm. Trong khi mấy trăm căn nhà xây không phép mà bảo là không biết thì rõ ràng có bảo kê, chung chi".

Người dân thường cứ thử kéo gạch, kéo cát về để trước sân nhà là hôm sau sẽ có người xuống hỏi thăm.

Ngoài ông Minh Đức, nhiều người dân quan tâm cũng bày tỏ sự bất bình khi người dân chỉ xây cái chuồng heo và sửa cái nhà vệ sinh là bị làm khó.

Khi dân phản đối thì bị kết tội ‘chống người thi hành công vụ’, thậm chí bị truy tố ra tòa như trường hợp ông Nguyễn Quang Khải ở Củ Chi hay ông Nguyễn Xuân Chiến ở Bình Chánh.

Năm 2017, ông Nguyễn Quang Khải sửa cái nhà vệ sinh sau nhà. Khi tổ kiểm tra xuất hiện hạch sách lần thứ hai thì ông Khải nóng nảy xảy ra xô xát.

Ông Khải bị tuyên phạt 18 tháng tù giam về tội chống người thi hành công vụ.

Năm 2015, ông Nguyễn Xuân Chiến xây cái chuồng heo có diện tích khoảng 30 mét vuông.

Đang xây dựng, ông Chiến bị lực lượng chức năng xã phát hiện và lập biên bản yêu cầu ngừng thi công. Ông Chiến sau đó còn bị xử phạt vi phạm hành chính 2 triệu đồng.

Ông Minh Đức giải thích thêm rằng, trước khi xây một căn nhà thì chủ đầu tư phải xin giấy phép xây dựng rất nhiêu khê theo quy định.

Khi có giấy phép xây dựng rồi thì phải trình báo với cơ quan quản lý ở địa phương là cấp phường, xã trước khi xây.

Trong quá trình thi công, ít nhất ba lần cơ quan thanh tra xây dựng, cơ quan quản lý đô thị vào kiểm tra, đối chiếu thực tiễn công trình xây dựng với giấy phép xây dựng coi có đúng không.

Vì thế, không thể có chuyện con voi chui tọt lỗ kim.

Thực tế thì đã có nhiều "con voi chui tọt lỗ kim" trong các công trình xây dựng khắp cả nước.

Một trong những công trình tai tiếng được truyền thông Nhà nước đưa tin là Khách sạn 5 sao Mường Thanh Phú Quốc do Tập đoàn Mường Thanh của đại gia Lê Thanh Thản làm chủ đầu tư.

dan2

Bà Phan Thị Lan ở thôn Đông An, phường Hòa Thuận, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam bị cưỡng chế đập tan tành chuồng heo, tạm giữ 10 con heo, trong khi bà nói chỉ cải tạo nhà kho thành chuồng heo và cùng xóm rất nhiều người xây chuồng heo không bị sao

Theo Thanh tra Chính phủ, dự án này đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng.

Hay vụ tòa nhà 8B Lê Trực, Hà Nội, xây cao vượt quá 16 mét so với giấy phép xây dựng. Diện tích sàn cũng xây vượt 6.000 m2 so với giấy phép.

Ông Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường gọi những câu chuyện như vậy là "tham nhũng trong phát triển bất động sản".

Những dự án như vậy khá phổ biến ở Hà Nội, còn ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng có nhưng ít hơn. Ông giải thích về chuyện 488 căn nhà xây trái phép bị phát hiện ở Đồng Nai :

"Vừa rồi Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện khu vực Đông Nam Bộ. Trong đó có Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu… thì phát hiện ra rất nhiều thứ theo kiểu mới có dự án, chưa được phép mà đã xây dựng và đã bán.

Tôi gọi đây là ‘bất động sản ma’. Tức là chưa có cái gì cả mà họ đã hình thành để bán. Mà chỉ bán trên giấy chứ ngoài thực tế chưa có gì.

Tôi cho rằng chính quyền các cơ sở nói không biết là hoàn toàn vô lý. Chính quyền cấp phường xã là chính quyền cơ sở.

Tại mỗi khu phố của chính quyền đó còn có cảnh sát khu vực. Anh này nắm rõ từng người trong khu phố.

Không có lý gì nói rằng không có dự án hoặc dự án mới ở dạng đề xuất mà đã xây đã bán, mà chính quyền cơ sở không biết.

Ở đây chắc chắn là phải có hiện tượng gọi là nhóm lợi ích giữa chính quyền một cấp nào đó với nhà đầu tư đã có hành vi gian lận.

Chắc chắn có câu chuyện gì đấy như ‘bôi trơn’ hoặc có phong bì để che chắn việc vi phạm pháp luật của một dự án nào đó, của một nhà đầu tư nào đó".

dan3

Khách sạn Mường Thanh Phú Quốc đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng hiện nay chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng

Theo ông Đặng Hùng Võ, các hàng hóa ‘bất động sản ma’ thường xuất hiện trong hai hình thức : Bất động sản lúc mua có trên giấy nhưng không có thật để trả cho người mua ; Nhà đầu tư tự đưa ra dự án không có thật để bán trong các phân khúc bất động sản đang sốt giá.

Ngày 22 tháng 12 năm 2020, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 540 triệu đồng đối với Công ty cổ phần đầu tư LDG về hành vi xây dựng gần 500 căn nhà trái phép tại dự án Khu dân cư Tân Thịnh.

Ngoài ra, doanh nghiệp này phải thực hiện thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định đối với trường hợp sử dụng đất khi chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, đồng thời phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm gần 5,8 tỉ đồng. Thời hạn khắc phục trong vòng 60 ngày.

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, do khoảng trống trong pháp luật hình sự, cách xử lý hiện nay thường là phạt cho tồn tại, vì nếu đập bỏ phần vi phạm lại lo lãng phí nguồn lực xã hội, tức gián tiếp thừa nhận giá trị thu lợi bất chính rất lớn của chủ đầu tư dự án.

Thêm vào đó, việc bán hàng hóa ‘bất động sản ma’ chưa được xử lý theo khung hình sự đối với hành vi lừa đảo người tiêu dùng.

Bị công an còng tay vì tự bỏ tiền túi làm đường

Tự bỏ tiền túi ra để làm đường giúp dân, một ông ở huyện Củ Chi bị công an truy đuổi, khống chế và đưa về trụ sở xã tạm giữ nhiều giờ.

Nói với báo Tiền Phong, ngày 3 tháng Bảy, ông Bùi Hoàng Anh (39 tuổi, ở huyện Củ Chi, thành phố Sài Gòn) cho biết, chủ tịch và công an xã Tân Thạnh Đông đã mời ông lên "làm việc" sau gần 2 tháng tạm giữ chiếc xe lu mà ông đã thuê để làm con đường nhựa cho người dân trong xóm đi lại bớt cực.

dan4

Lực lượng cưỡng chế đang dùng máy xới tung đoạn hẻm vừa trải nhựa do dân tự bỏ tiền ra làm đường ở phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức

Ông Anh cho biết, ông đã cam kết rằng sau khi được trả lại chiếc xe, ông sẽ phá bỏ con đường nhựa đã làm để trả nó về hiện trạng ban đầu là con đường đất. Tại buổi làm việc, ông Anh thừa nhận "làm đường khi chưa có giấy phép".

Trước đó, ông Anh có đơn tố cáo công an xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, đã còng tay và bắt giữ ông trái pháp luật.

Theo trình bày của ông Hoàng Anh, trong một lần đi qua ấp 6, xã Tân Thạnh Đông, thấy con đường đất dài 100m, rộng 3m dẫn vào nhà một số hộ dân đã xuống cấp trầm trọng nên ông đã tự bỏ 200 triệu đồng làm đường giúp dân.

Trước khi bắt đầu làm đường, những người dân sinh sống ở đây đã thông báo với chính quyền địa phương. Đến ngày 4 tháng Năm, 2018, thì ông Anh tiến hành làm.

Thế nhưng, trong khi đang tráng nhựa đường thì một số cán bộ xã Tân Thạnh Đông đến yêu cầu ngưng làm lại đồng thời tịch thu cả máy móc.

Ông Hoàng Anh liền đến để trình bày sự việc thì bị cán bộ xã Tân Thanh Đông truy đuổi, khống chế, còng tay rồi đưa về trụ sở tạm giữ nhiều giờ liền.

"Toàn bộ máy móc làm đường hôm đó đều bị chính quyền xã Tân Thạnh Đông tịch thu mà không rõ lý do, không lập biên bản", ông Anh khẳng định.

dan5

Con đường nhựa do ông Bùi Hoàng Anh bỏ tiền đầu tư làm sẽ phải phá để trở lại thành đường đất. Ảnh : Tiền Phong

Bắc Ninh : Doanh nghiệp Trung Quốc xây nhà máy 20.000m2 không giấy phép !

Công ty TNHH in Yaolong Việt Nam (Công ty Yaolong, Trung Quốc) đã xây dựng gần như hoàn tất các nhà xưởng, nhà văn phòng, hệ thống tường rào.

dan6

Nhà máy của Công ty TNHH in Yaolong của Trung quốc đã xây dựng hoàn tất ở Bắc Ninh mà chính quyền không hề nhìn thấy

Hệ thống nhà xưởng, nhà văn phòng hầu hết đã được sơn bên ngoài, lắp kính hoàn thiện. Cổng ra vào nhà máy được đóng bằng hệ thống cửa tự động, có bảo vệ canh giữ không cho người lạ ra vào. Ngoài cổng và ở bức tường tòa nhà gần cổng, đã gắn biển tên công ty bằng tiếng Việt và tiếng Trung Quốc.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tới thời điểm hiện tại, Công ty TNHH in Yaolong Việt Nam đã xây dựng xong 4 nhà xưởng sản xuất, 1 tòa nhà văn phòng 4 tầng, 1 nhà kho. Hiện, dự án đang thi công hoàn thiện 4 nhà xưởng sản xuất, 1 nhà văn phòng 4 tầng. Dự án có quy mô hơn 20.000m2, gồm nhiều hạng mục nhà xưởng, công trình kiên cố. Tổng mức đầu tư hơn 115,5 tỷ đồng. Tất cả các công trình của nhà máy này đều là không phép.

"Hàng chục nghìn m2 nhà xưởng xây không phép như vậy nhưng chỉ khi báo chí vào cuộc và họ xây gần như xong rồi chính quyền mới phát hiện và xử phạt thì quả thật là đáng trách. Chắc phải có "cái gì" đó thì ung chục nghìn m2 xây không phép đó mới có thể che mắt chính quyền địa phương, chứ khó có thể là không biết việc xây dựng này được.

"Lý giải về những "thiếu sót" dẫn đến sai phạm khá nghiêm trọng này, vị Phó chủ tịch UBND huyện Quế Võ cho rằng "có yếu tố khách quan".

"Để xảy ra sự việc này một phần do chủ đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Châu Phong là Công ty TNHH Haesung Tech đã không có báo cáo chính quyền khi cho Công ty TNHH Yaolong Việt Nam khởi công. Ngoài ra, thời điểm Công ty TNHH Yaolong Việt Nam tiến hành xây dựng "chui" là khi đang có dịch Covid-19, chúng tôi khi đó làm việc ở nhà nên việc kiểm tra của chính quyền không được thường xuyên", ông Thọ nói và giải thích ung, phía Công ty TNHH Yaolong Việt Nam xây dựng bằng phương pháp lắp ráp thép định hình vào bao tôn nên xây dựng rất nhanh.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, những nhà xưởng và nhà văn phòng này không chỉ có xây dựng bằng thép và tôn. Doanh nghiệp Trung Quốc còn cho xây dựng bằng bê tông, gạch, vữa. Vì vậy, với diện tích xây dựng nhà máy lên đến 20.000m2, thì quá trình xây dựng phải lâu dài, lượng công nhân thi công lớn.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Thọ cho rằng, dự án của Công ty TNHH Yaolong Việt Nam được xây trong khu vực hẻo lánh nên khó phát hiện. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của phóng viên, Cụm công nghiệp Châu Long nằm sát QL18 (mật độ lưu thông của phương tiện rất đông). Từ QL18 nhìn rõ mồn một những công trình xây dựng không phép của Công ty TNHH Yaolong Việt Nam.

Trung Nam (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 01/01/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trung Nam
Read 465 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)