Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/01/2021

Truyền thông quốc tế lên án vụ xử Hội nhà báo độc lập Việt Nam

Nhiều tác giả

Việt Nam : Trước tòa, Phạm Chí Dũng khẳng định tự do ngôn luận là quyền của công dân

Đặng Đình Mạnh, Thụy My, RFI, 06/01/2021

Hôm 05/01/2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra phiên tòa xử ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập với các bản án nặng nề trong đó chủ tịch hội Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù giam, phó chủ tịch Nguyễn Tường Thụy và nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn mỗi người 11 năm tù, cộng thêm ba năm quản chế vì tuyên truyền chống Nhà nước. 

nhabao01

Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng trước tòa án, thành phố Hồ Chí Minh ngày 05/01/2021  © via Reuters - TTXVN

Ngay sau khi phiên tòa kết thúc, luật sư Đặng Đình Mạnh đã trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ :

RFI : Kính chào luật sư Đặng Đình Mạnh. Luật sư có nhận xét như thế nào về phiên tòa xử ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập vừa rồi, và tinh thần của những người bị đưa ra xét xử ra sao ?

Đặng Đình Mạnh : Tôi tin rằng cả ba người, ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn đã phải chịu một bản án hết sức bất công. Các ông ấy chỉ thực hiện những quyền do Hiến pháp Việt Nam quy định : quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội. Nhưng rất tiếc là những điều đó bị đẩy đi quá xa, đến mức ba ông phải ra tòa như những người vi phạm pháp luật Việt Nam.

Chúng tôi có nhận xét chung là cả ba người có tinh thần rất vững vàng. Họ rất biết điều họ làm, và có thể họ cũng biết trước khả năng sẽ phải gánh những hậu quả, mặc dù họ tin rằng mình làm đúng. Tại tòa, hầu như họ thừa nhận tất cả những việc mà cơ quan tố tụng Việt Nam cho rằng họ làm. Tuy nhiên bên cạnh đó họ vẫn khẳng định những việc làm của mình không vi phạm pháp luật Việt Nam. Đây là điều hết sức đáng lưu ý trong vụ án này.

Chúng tôi có dịp tiếp xúc với ông Phạm Chí Dũng trong trại giam, vào những ngày trước khi vụ án được đưa ra xét xử. Tôi thấy ông có thái độ hết sức ung dung, ông rất điềm nhiên về những diễn tiến của vụ án. Qua trao đổi tôi biết rằng ông có đức tin rất lớn đối với Thiên Chúa, mặc dù thật ra gia đình ông không phải là gia đình có đạo Công giáo.

Và như ông đã nói cho chúng tôi biết, năm 2012 ông chợt ngộ ra Thiên Chúa, và từ đó trở đi ông có niềm tin rất lớn đối với Công giáo, đối với Thiên Chúa. Thậm chí ở lần gặp gần đây nhất trong những ngày Giáng Sinh, thì ông cho biết trước lễ Giáng Sinh vài ngày, ông có sáng tác một bài hát tên là "Thánh ca tự do", trong đó có câu "Ngục tối không giam được đức tin". Gần như là đức tin đã giúp cho ông ấy vượt qua được nghịch cảnh, trong hoàn cảnh bị giam hãm trong tù.

RFI : Ông Phạm Chí Dũng có đề nghị điều tra lại phải không ạ, và sẽ có kháng cáo hay không ?

Đặng Đình Mạnh : Ông Dũng có cho biết vụ án được điều tra quá sơ sài, đây là đánh giá của ông. Vì vậy ông đề nghị tòa xem xét điều tra lại vụ án. Trước phiên tòa, các luật sư đã có giải thích về việc kháng cáo, những ưu điểm, khuyết điểm của việc này, và họ đều khẳng định là sẽ kháng cáo. Nhưng chúng ta cũng chưa biết họ có thực hiện điều đó hay không, vì quyền quyết định vẫn thuộc về họ. Sau 15 ngày nữa mới biết được.

RFI : Mà nếu kháng cáo có lẽ cũng không thay đổi được gì nhiều…

Đặng Đình Mạnh : Có lẽ nhận định đó đúng. Tại vì qua thời gian tham gia vào quá trình hoạt động xét xử tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy những vụ án thuộc nhóm tội - mà nhóm Hội Nhà báo Độc lập bị cáo buộc là tội xâm phạm an ninh quốc gia, hay gọi tắt là những vụ án về chính trị - thường thì án sơ thẩm như thế nào, thì án phúc thẩm nếu có kháng cáo họ cũng sẽ giữ y những hình phạt như án sơ thẩm. Sự thay đổi hầu như là không có.

RFI : Thưa luật sư, dường như những năm gần đây các vụ án chính trị thường bị xử nặng ?

Đặng Đình Mạnh : Quả đúng là như vậy. Thời gian gần đây với những vụ án chính trị thường thì hình phạt ngày càng nặng thêm. Và chúng tôi rất lấy làm tiếc là đối với những vụ án thuộc nhóm tội, tuy gọi là tội chính trị nhưng nội dung là tuyên truyền chống nhà nước. Nếu nói nôm na, gọi là "vạ miệng" đó mà. Tức là nói những điều không nên nói ! Thế nhưng hình phạt thì rõ ràng ngày càng nặng.

Và dường như ông Phạm Chí Dũng với hình phạt được tuyên là 15 năm tù, có vẻ ông là người đang nắm giữ kỷ lục mức hình phạt cao nhất đối với tội danh theo Điều 117 Luật Hình sự. Những hình phạt phải nói là hết sức nặng nề, khắc nghiệt.

Thật ra cả ba người đều bị truy tổ theo khoản 2 Điều 117, với hình phạt dao động từ 10 đến 20 năm tù. Nhưng so với những người bị truy tố cùng tội danh này, thì cho đến nay tôi thấy hình như chưa có ai chịu hình phạt nặng như ông Dũng. Mười lăm năm tù, theo tôi là cái mức kỷ lục rồi đó !

RFI : Ông Phạm Chí Dũng có chờ đợi một mức phạt nặng như thế này không ?

Đặng Đình Mạnh : Ông Dũng hầu như là không quan tâm đến vấn đề hình phạt, ông nhấn mạnh điều đó rất nhiều lần. Và thậm chí ông cũng nhờ tôi trấn an gia đình là chuyện hình phạt cao hay thấp bao nhiêu không phải là con số ông quan tâm. Gần như đây là điều cơ bản mà ông thường nhắc đi nhắc lại với tôi, rằng "Chúng tôi đã làm điều gì mà phải chịu hình phạt ?".

Cho nên số năm tù đối với ông Phạm Chí Dũng có vẻ không phải là con số mà ông ấy quá bận tâm. Trong phiên tòa, thái độ đó thể hiện rất rõ. Ông ấy hết sức điềm nhiên, không hề có dấu hiệu sợ sệt gì cả.

RFI : Thưa luật sư, có một nhận xét là các bị cáo ra tòa lần này tuy mặc thường phục nhưng rất giống nhau, như một kiểu đồng phục…

Đặng Đình Mạnh : Thật ra thì như thế này. Từ lâu đã có một văn bản của Tòa án Tối cao, miễn cho những người ra tòa khỏi phải mặc bộ đồng phục sọc - tức là đồng phục của những người thụ án, có hình phạt đã có hiệu lực pháp luật rồi. Và cho phép họ được mặc đồ dân sự bình thường, để bảo đảm nguyên tắc một người chỉ được coi là có tội khi đã có bản án xét xử họ có hiệu lực pháp luật. Vì vậy nên khi ra tòa họ là người chưa có tội, được mặc loại áo bình thường.

Tuy nhiên sau đó chúng tôi thấy các trại giam dần dần buộc họ mặc những bộ tuy dân sự nhưng lại mang tính chất như những bộ đồng phục. Tức là những bộ quần áo mang màu sắc y như nhau.

Họ (cơ quan chức nặng) có lý giải rằng điều đó tốt cho việc giữ an ninh và quản lý tại trụ sở tòa án. Theo chúng tôi thật ra điều này không thỏa đáng. Như sáng nay chúng tôi nhận thấy ba người đều mặc chiếc áo màu nâu đen. Bộ quần áo hết sức nhàu nhĩ, trông rất thảm hại. Tôi nghĩ rằng nếu họ có sự chọn lựa, họ sẽ không chọn những bộ quần áo giống như sáng nay họ phải mặc ra tòa.

RFI : Đây là một phiên tòa được thông báo là công khai, như vậy các đại diện ngoại giao có quan tâm, và thân nhân có được dự thoải mái không thưa luật sư ?

Đặng Đình Mạnh : Tôi được biết là sáng nay có bà tổng lãnh sự Hoa Kỳ, tổng lãnh sự Đức và của EU có đến theo dõi phiên tòa. Tôi biết điều này bởi lẽ cuối phiên tòa họ có ra gặp, an ủi gia đình ông Dũng, ông Thụy và cậu Tuấn.

Thân nhân được vào rất hạn chế, mỗi một gia đình chỉ có một người được vào thôi. Thí dụ như ông Thụy có vợ là bà Lân, bà từ Hà Nội vào, sáng nay đến tòa với cậu con trai thì cuối cùng chỉ bà Lân được vào thôi, người con phải ở ngoài chờ đợi.

Phiên tòa này được thông báo là phiên xét xử công khai. Thế nhưng mà với lý do dịch, rồi lý do an ninh vân vân…Thật ra dù không có dịch đi nữa thì trước đây họ nại lý do an ninh. Mà nếu không có lý do an ninh thì chúng tôi được biết là phiên tòa vẫn lấp đầy người.

Như sáng nay chúng tôi thấy có một đoàn, khi họ vào trình giấy tờ thì chúng tôi biết họ là những cán bộ của quận 1, là nơi trụ sở họ đóng ở đó. Họ được sắp xếp vào ngồi kín những dãy ghế của những người dự khán phiên tòa. Vì vậy cho nên nếu những người khác - công chúng hoặc gia đình của các bị cáo - muốn vào tham dự thì có thể cũng chẳng có chỗ để ngồi nữa !

RFI : RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn luật sư Đặng Đình Mạnh.

Thụy My thực hiện

Nguồn : RFI, 06/01/2021

********************

Dân biểu quốc hội Châu Âu lên án việc kết án nhà báo Phạm Chí Dũng

Ỷ Lan, Saskia Bricmont, RFA, 06/01/2021

Ỷ Lan : Thưa bà Saskia Bricmont, bà là thành viên Đảng Xanh tại Quốc hội Châu Âu, và cũng là một trong vài tiếng nói mạnh mẽ cho Nhân quyền nói chung và nhân quyền tại Việt Nam nói riêng. Tin vừa loan tải cho biết ba Nhà báo thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam vừa bị đem ra xét xử, trong số này có ông Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù, hai người kia mỗi người 11 năm tù. Xin bà cho biết phản ứng của bà trước tin này ?

nhabao02

Dân biểu Quốc hội Châu Âu, bà Saskia Bricmont - Photo : RFA

Saskia Bricmont : Điều này chứng minh tình trạng nhân quyền tại Việt Nam chẳng có chi cải thiện theo hướng chúng ta mong đợi, đó là sự tôn trọng thiết yếu cho nhân quyền, cho các quyền cơ bản, đặc biệt quyền tự do ngôn luận. Ngay từ lúc khởi phát, qua những cuộc thảo luận diễn ra giữa chúng tôi, trước tiên tại Quốc hội Châu Âu rồi với nhà cầm quyền Việt Nam, chúng tôi mong mỏi pháp luật Việt Nam cải thiện, đặc biệt bộ Luật Hình sự – bởi vì Phạm Chí Dũng bị kết án chiếu theo bộ luật này, trong khi ai cũng biết ông Dũng hoạt động cho dân chủ, cho tự do báo chí, cho đa nguyên chính trị, cho một Nhà nước pháp quyền… cho những điều chúng tôi đạt được tại Vương quốc Bỉ, tại Châu Âu, và mong muốn các điều ấy được đối tác Việt Nam thực hiện.

Ỷ Lan : Trường hợp Phạm Chí Dũng mang tính tiêu biểu. Ông ấy gửi một băng Video đến các vị dân biểu Quốc hội Châu Âu yêu cầu hoãn phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Liên Âu – Việt Nam (EVFTA) bao lâu tình trạng nhân quyền tại Việt Nam chưa được cải thiện. Hai ngày sau đó, ông bị bắt. Các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam vô cùng xúc động trước các bản án nặng nề này : 15 năm tù giam cho Phạm Chí Dũng, 11 năm tù cho Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn. Ông Thuỵ nay đã 70 tuổi. Bà nghĩ sao về án tù này cho Phạm Chí Dũng ?

Saskia Bricmont : Sự kiện ông Dũng bị bắt vì tự do biểu tỏ quan điểm ông, nhằm kêu gọi nhà cầm quyền Châu Âu lấy trách nhiệm mình áp dụng cho nhân quyền tại Việt Nam và sử dụng đòn bẩy EVFTA để thực hiện, là điều không thể chấp nhận theo quan điểm dân chủ. Không thể nào chấp nhận việc bắt giam và tuyên án 15 năm tù cho việc công khai gửi một băng Video kêu gọi như thế. Cho dù bản án có nhẹ hơn đi nữa, theo quan điểm tôi, cũng không thể chấp nhận, vì tôi đã từng bảo vệ trong khuôn khổ thương thảo để tự do ngôn luận và dân chủ được tôn trọng tại Việt Nam.

Chúng ta thấy rõ, chế độ đang minh chứng trái ngược với các điều cam kết. Bằng cách này hay cách khác, nếu chế độ muốn chứng thực, họ phải ngưng ngay kiểu cách bắt bớ tuỳ tiện chiếu theo bộ Luật Hình sự, và họ phải khởi động ngay những cải cách cần thiết. Đây là một trường hợp tiêu biểu hiển nhiên và bổ khuyết, chứng minh rằng nhà cầm quyền Việt Nam không hề muốn thực thi các điều họ cam kết .

Trên quan điểm này, tôi đoàn kết với các nhà hoạt động Việt Nam, chính vì vậy, mà tôi không thể nào hậu thuẫn và tiếp tay cho loại kết án bất chấp như thế nói theo quan điểm dân chủ. Điều này sẽ thức tỉnh những người đồng viện Châu Âu của tôi, cũng là lúc báo động trước sự kiện thực hữu, một cách đánh chuông cấp báo các Dân biểu về hiện trạng các nhà hoạt động nhân quyền, các nhà báo tại Việt Nam không được ai quan tâm. Chỉ vì tự do biểu đạt thôi mà phải lãnh ngay án tù 15 năm và 3 năm quản chế như tin tôi nhận được… là điều không thể nào chấp nhận. Nhưng bất hạnh thay, đúng như vậy, tôi có cả một đống những người đồng viện thuộc các nhóm chính trị khác nhắm mắt trước hiện trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

Ỷ Lan : Tại Việt Nam, các nhà hoạt động thuộc xã hội dân sự rất thất vọng. Là Dân biểu Quốc hội Châu Âu, bà có thông điệp gì gửi đến họ ? Họ có nên tụ thủ bàng quan chăng ? Cộng đồng quốc tế đã bỏ rơi họ chăng ? Bà muốn tâm sự gì với họ đây ?

Saskia Bricmont : Tôi thông cảm với sự chán chường khi phải đối mặt với những án lệnh dành cho Phạm Chí Dũng. Tôi phải thú nhận tôi có cùng nỗi chán chường trong cuộc đấu tranh tại Quốc hội Châu Âu, khi tôi thấy có một loạt những người đồng viện chẳng liệu kế chủ yếu làm đòn bẩy cải thiện hiện trạng Việt Nam, hay ngay cả gây sức ép lên thể chế Việt Nam.

Nhưng không thể bó tay, phải tiếp tục. Phải tiếp tục vì chúng ta đấu tranh cho công lý, chúng ta đấu tranh cho tự do ngôn luận, chúng ta đấu tranh cho dân chủ… Bản thân tôi, tôi có một số tiện nghi : tôi không đứng đầu tuyến và tôi không là nạn nhân cho những quyết định tuỳ tiện và độc đoán. Tôi có tự do ngôn luận, cho phép tôi biểu đạt tự do quan điểm tôi tại Quốc hội Châu Âu… Tôi có nhiều bạn đồng viện cùng lên tiếng, còn có nhiều tổ chức Phi chính phủ bên cạnh tôi như những đấu sĩ. Như vậy, chúng ta cùng nhau hợp đồng để tiếp tục cuộc đấu tranh, và tôi, tôi cũng sẽ tiếp tục hoạt động, tiếp tục giương cao niềm tin chính trị để mọi người cùng tham gia vận động cho hồ sơ chủ yếu này.

Chúng ta cũng nhìn rõ những hồ sơ khác với các đối tác kinh tế quan trọng khác như Trung quốc, để áp lực cho vấn đề lao động khổ sai, thảm trạng người Uyghurs đang gia tăng. Tôi cũng tin rằng chúng ta cần gia tăng áp lực chính trị lên nhà cầm quyền Việt Nam.

Ỷ Lan : Xin cám ơn bà Dân biểu Quốc hội Châu Âu Saskia Bricmont.

Ỷ Lan thực hiện

Nguồn : RFA, 06/01/2021

********************

Hoa Kỳ lên tiếng về những bản án đối với 3 nhà báo độc lập Việt Nam

RFA, 06/01/2021

Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hoa Kỳ trong ngày 5 tháng 1 ra thông cáo bày tỏ sự thất vọng sau khi biết tin về những bản án nặng tuyên đối với 3 thành viên của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, trong đó có người sáng lập là ông Phạm Chí Dũng.

nhabao03

Ba thành viên Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam tại phiên tòa ở Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hôm 5/1/2021 - Reuters

3 thành viên của hội bao gồm Chủ tịch hội Phạm Chí Dũng, Phó Chủ tịch hội Nguyễn Tường Thuỵ và Biên tập viên Lê Hữu Minh Tuấn vừa bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án tổng cộng 37 năm tù với cáo buộc " Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Thông cáo nêu rõ những bản án nặng này là mới nhất trong xu thế đáng lo lắng về tình trạng bắt giữ và kết án những công dân Việt Nam chỉ thực thi quyền được ghi trong hiến pháp Việt Nam.

Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam đảm bảo các hành động nhất quán với các quy định về nhân quyền trong chính hiến pháp Việt Nam cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của mình.

Phía Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhắc lại quyền tự do báo chí là căn bản cho vấn đề minh bạch và quản trị có trách nhiệm. Các nhà văn, bloggers và nhà báo thường thực thi công việc của họ với nguy cơ cao ; chúng tôi thúc giục chính phủ và công dân toàn thế giới, trong đó có chính phủ Việt Nam, bảo đảm sự bảo vệ cho họ.

********************

Liên Âu mong Việt Nam trả tự do cho 3 lãnh đạo Hội Nhà báo độc lập vừa bị tuyên 37 năm tù

RFA, 06/01/2021

Người Phát ngôn Liên Hiệp Châu Âu EU hôm 6/1/2021 ra thông cáo khẳng định việc Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trước đó 1 ngày kết án với 3 lãnh đạo Hội Nhà báo độc lập Việt Nam là "diễn biến tiêu cực".

nhabao04

Lãnh đạo Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam tại phiên tòa xét xử ở Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hôm 5/1/2021 - Reuters

Thông cáo được đăng tải trên Fanpage Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam và trên website chính thức của Liên Hiệp Châu Âu khẳng định :

"Quyền tự do biểu đạt được đảm bảo bằng Hiến pháp của Việt Nam, Tuyên bố Toàn cầu về Nhân quyền và các công ước quốc tế khác mà Việt Nam tham gia ký kết, bao gồm cả Công ước Quốc tế về các Quyền Chính trị và Dân sự.

Hơn nữa, trong khuôn khổ của Đánh giá Định kỳ Phổ quát, Việt Nam đã chấp nhận các khuyến nghị để đảm bảo và dỡ bỏ các hạn chế đối với quyền tự do bày tỏ quan điểm và biểu đạt.

Tuy nhiên, việc gia tăng những vụ bắt bớ, bỏ tù và kết án những nhà báo Việt Nam và những nhà bảo vệ nhân quyền lại đi theo hướng ngược lại.

Liên Hiệp Châu Âu mong các nhà chức trách Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Dũng, ông Thủy và ông Tuấn, cũng như tất cả các nhà báo, blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù vì đã bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa.

Liên Hiệp Châu Âu sẽ tiếp tục theo dõi và làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam và tất cả các bên liên quan để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam".

Liên Hiệp Châu Âu cũng cho biết, Hiệp hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) là một tổ chức xã hội dân sự thúc đẩy tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do lập hội.

"Các quốc gia phải bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tạo ra một môi trường thuận lợi cho các cuộc tranh luận công khai ngay cả khi các ý kiến được bày tỏ trái ngược với những ý kiến mà chính quyền đưa ra.

Quyền tự do bảy tỏ quan điểm và biểu đạt - cả trực tuyến và trực tiếp - là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính minh bạch, công bằng xã hội, phát triển bền vững và bao trùm cũng như thịnh vượng". - thông cáo của người phát ngôn EU thể hiện.

Hôm 5/1/2021, Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh kết án 3 nhà báo thuộc Hội Nhà báo độc lập tổng cộng 37 năm tù giam bao gồm ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội - 15 năm tù, ông Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch và Biên tập viên Việt Nam Thời Báo Lê Hữu Minh Tuấn cùng 11 năm tù.

Cả 3 đều bị khép tội "Làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam" theo điều 117 Bộ uật Hình sự 2015.

********************

RSF tố cáo bản án 37 năm tù dành cho ba lãnh đạo Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam

Thụy My, RFI, 06/01/2021

Sau khi tòa án Thành phố Hồ Chí Minh hôm qua 05/01/2021 tuyên bản án tù nặng nề 15 năm đối với tiến sĩ Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và 11 năm nhắm vào hai thành viên khác là Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở tại Paris đã ra thông cáo lên án đây là một phiên tòa "hoàn toàn mang tính chính trị".

nhabao05

Các bị cáo : Nguyễn Tường Thụy (trái), Phạm Chí Dũng và Lê Hữu Minh Tuấn (hàng sau) tại Tòa Án Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 05/01/2021.  © AFP / TTXVN

Thông cáo nhấn mạnh, mục đích duy nhất của các bản án tổng cộng 37 năm tù là nhằm đe dọa những công dân Việt Nam đang đấu tranh để có được thông tin khả tín và độc lập. Ba nhà báo trên bị kết án theo Điều 117 Luật Hình sự thường được sử dụng để dập tắt mọi tiếng nói lệch pha với tuyên truyền của đảng cộng sản, nhưng điều luật này đi ngược lại với Điều 25 Hiến pháp công nhận tự do ngôn luận.

Trả lời RFI Pháp ngữ, ông Daniel Bastard, phụ trách Châu Á-Thái Bình Dương của Phóng viên Không biên giới nhận định :

"Các bản án được tuyên đối với các nhà báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam thực sự gây sốc. Bản án 15 năm tù nhắm vào ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch hội là hết sức nặng nề. Cần phải biết rằng các thành viên này của hội từng là cựu quân nhân. Người ta buộc họ phải trả giá cho những phát biểu tự do, và những chỉ trích ban lãnh đạo đảng vốn hoàn toàn xơ cứng.

Họ không chống chế độ cộng sản, mà chống lại ban lãnh đạo đảng cộng sản hiện nay đang hoạt động như một kiểu phe nhóm, và các đảng viên không thể phê phán về cách điều hành đất nước cũng như các quyết định của chính quyền. Một chế độ độc đảng như Việt Nam rất không ưa điều này vì sợ sẽ nảy sinh tranh luận trong đảng. Vì vậy trước Đại hội Đảng diễn ra 5 năm một lần, tất cả những tiếng nói phản biện hay có thể gây tranh cãi trong xã hội và trong nội bộ đảng đều phải được dập tắt".

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng từng được Phóng viên Không biên giới tặng danh hiệu "Anh hùng thông tin" năm 2014, bị bắt tại nhà ngày 21/11/2019. Phó chủ tịch hội Nguyễn Tường Thụy bị bắt ngày 23/05 và biên tập viên Lê Hữu Minh Tuấn vào tháng Sáu. Đến tháng 11/2020 cả ba mới được tiếp xúc với luật sư.

Thụy My

Nguồn : RFI, 06/01/2021

**********************

Ba tổ chức nhân quyền Việt Nam lên tiếng về việc kết án 3 nhà báo độc lập

RFA, 06/01/2021

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và hai tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền Việt Nam, Tổ chức Yểm trợ Nhân quyền vào ngày 6 tháng 1 ra tuyên bố chung về việc tòa án Thành phố Hồ Chí Minh kết án 3 thành viên Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam.

nhabao06

Phó chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam Nguyễn Tường Thuỵ tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hôm 5/1/2021 - Reuters

Thông cáo báo chí cho rằng phiên tòa kết tội ba ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn thuộc Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam là bất công, không theo chuẩn mực quốc tế về xét xử công bằng. Cụ thể, việc kết án được thực hiện sau nhiều tháng biệt giam cả 3 người kể từ khi họ bị bắt giữ cho đến tháng 12 năm 2020. Lúc đó họ mới được tiếp xúc lần đầu với luật sư bào chữa. Còn tại phiên xử kéo dài chưa tới 6 tiếng đồng hồ, tất cả mọi lời bào chữa của luật sư và lời khai của 3 nhà báo độc lập không được tòa tôn trọng.

Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên tổng cộng 37 năm tù đối với 3 thành viên của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Ba tổ chức cùng ra tuyên bố chung cho rằng ông Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thụy và anh Lê Hữu Minh Tuấn bị tuyên những bản án vô cùng nặng chỉ vì họ thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hiệp hội. Đây là những quyền con người căn bản nhất được ghi trong hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế về nhân quyền mà chính phủ Hà Nội đã ký kết.

Ba tổ chức cho rằng những bản án tuyên cho 3 nhà báo độc lập Việt Nam vừa nêu là hoàn toàn bất công. Do đó họ nêu ra yêu cầu chính quyền Việt Nam hủy bỏ các bản án, xóa bỏ cáo buộc và trả tự do ngay, vô điều kiện cho 3 ông.

Những yêu cầu khác gồm ngưng việc đàn áp Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và những nhà báo độc lập, Facebookers khác ; bảo đảm các quyền tự do cơ bản, đặc biệt quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do báo chí và tiếp cận thông tin được tôn trọng ; hủy bỏ điều 117 trong phần An Ninh Quốc gia của Bộ Luật Hình sự vốn được chính phủ Việt Nam dùng nhằm đàn áp người phản biện ôn hòa.

*****************

RFS và CPJ lên tiếng về bản án 37 năm tù đối với 3 thành viên ‘Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam’

RFA, 05/01/2021

Tổ chức phóng viên Không biên giới (RFS) và Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) phổ biến thông cáo báo chí liên quan Tòa án Việt Nam, vào ngày 5/1, tuyên bản án 37 năm tù giam đối với 3 thành viên của "Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam".

nhabao07

Ba thành viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (từ trái qua) : Lê Hữu Minh Tuấn, Nguyễn Tường Thuỵ và Phạm Chí Dũng - RFA

Giám đốc Văn phòng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của RSF, ông Daniel Bastard nhấn mạnh trong thông cáo báo chí rằng các bản án tù mà Chính quyền Việt Nam tuyên cho 3 nhà báo của "Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam" gây nên một sự sửng sốt cực độ. Phiên tòa xét xử được tiến hành trước Đại hội Đảng CSVN lần thứ 13, sẽ diễn ra vào cuối tháng 1 và các bản án nặng nề rõ ràng cho thấy Chính quyền Việt Nam dập tắt mọi hình thức tranh luận của xã hội dân sự, mà 3 thành viên của "Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam" từng thực hiện.

RFS cho rằng ba nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn đã phải chịu đựng những điều kiện kinh khủng. Họ bị giam giữ trong nhiều tháng mà không được tiếp xúc với luật sư đến tận cuối tháng 11, chỉ vỏn vẹn khoảng 1 tháng trước khi phiên tòa sơ thẩm được mở ra.

Thông cáo báo chí của RSF ghi nhận nhà báo Phạm Chí Dũng, từng là đảng viên Đảng CSVN và được RSF vinh danh "anh hùng thông tin" năm 2014. Ông Phạm Chí Dũng bị bắt giữ tại nhà, ở TP.Hồ Chí Minh hồi tháng 11/2019. Nhà báo Nguyễn Tường Thụy bị bắt giữ ở Hà Nội ngày 23/5/2020. Và, nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn bị bắt giữ vào tháng 6/2020.

Cả 3 nhà báo của "Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam" bị kết tội "tuyên truyền chống nhà nước", theo Điều 117 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Theo RSF, đây là một tội danh mà Chính quyền Việt Nam thường sử dụng để bịt miệng những ai lên tiếng khác với đường lối tuyên truyền của Đảng CSVN lãnh đạo, mặc dù điều luật này mâu thuẫn với Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam, hiến định về quyền tư do truyền thông của công dân Việt Nam.

Thông cáo báo chí của CPJ, được phổ biến cùng ngày 5/1, cho biết Bộ Công an Việt Nam đã không phản hồi về email của CPJ liên quan bản án 37 năm tù giam đối với 3 thành viên của "Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam". CPJ cũng chưa thể xác định được 3 nhà báo này có ý định kháng án hay không.

Đại diện cấp cao khu vực Đông Nam Á của CPJ, ông Shawn Crispin, trong thông cáo báo chí, tuyên bố rằng các bản án tù tàn nhẫn dài hơn một thập niên của Chính quyền Việt Nam đối với mỗi nhà báo gồm Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn cho thấy Hà Nội không hề có ý định cho phép thậm chí là các yếu tố căn bản nhất của tự do báo chí hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam.

Ông Shawn Crispin kêu gọi Chính quyền Việt Nam nên để cho 3 nhà báo này được kháng án và bảo đảm rằng giới nhà báo cùng với tự do báo chí được thực thi ở Việt Nam.

CPJ ghi nhận Việt Nam hiện cầm tù ít nhất 15 nhà báo tính đến ngày 1/12/2020, bao gồm 3 nhà báo của "Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam".

CPJ xếp hạng Việt Nam là quốc gia thứ nhì sau Trung Quốc về bắt giam nhà báo ở Châu Á.

RSF xếp hạng Việt Nam thứ 175 trong danh sách 180 nước có tự do báo chí trong năm 2020. 

*********************

Kết án ông Nguyễn Tường Thụy là sự ‘tấn công trực diện’ vào tự do báo chí

RFA, 05/01/2021

Chủ tịch Đài Á Châu Tự Do, ông Stephen Yates, vào ngày 5 tháng 1 ra thông cáo lên án Tòa Thành phố Hồ Chí Minh tuyên 11 năm tù đối với ông Nguyễn Tường Thụy, một blogger từng có bài cộng tác cho Ban Việt Ngữ- Đài Á Châu Tự Do.

nhabao08

Hình minh hoạ : Blogger Nguyễn Tường Thuỵ trong một lần đến Washington DC vào năm 2014 - RFA

 Thông cáo nêu rõ : "Đài Á Châu Tự Do công khai lên án việc kết tội đối với ông Nguyễn Tường Thụy và kêu gọi trả tự do ngay cho ông này. Việc tuyên án nặng nề ông Thụy và hai nhà báo độc lập khác là một sự tấn công trực diện vào các quyền tự do căn bản và nhắm thẳng vào quyền tự do biểu đạt được qui định trong hiến pháp Việt Nam. Mặc dù diễn biến này, Đài Á Châu Tự Do sẽ tiếp tục mang đến cho người dân Việt Nam nền tảng báo chí đáng tin cậy và cung cấp cho họ một diễn đàn bình luận độc lập’.

 Ông Nguyễn Tường Thụy bị buộc tội ‘làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu và vật phẩm nhằm chống Nhà nước’sau một phiên xử kéo dài chưa đầy một ngày và tại tòa ông vẫn tuyên bố bản thân vô tội. Hai nhà báo tự do khác là Lê Hữu Minh Tuấn và Phạm Chí Dũng bị tuyên án tương ứng 11 năm tù và 15 năm tù.

 Trước đây, Đài Á Châu Tự Do từng lên tiếng kêu gọi cơ quan chức năng Việt Nam trả tự do cho blogger Nguyễn Tường Thụy khi ông bị bắt vào tháng Năm năm ngoái.

 Hiện còn có hai cộng tác viên khác của Đài Á Châu Tự Do hiện đang phải thụ án tù. Đó là ông Trương Duy Nhất, một blogger bị tuyên án 10 năm tù vào tháng 3 năm ngoái ; và anh Nguyễn Văn Hóa, một người quay phim, bị tuyên 7 năm tù vào tháng 11 năm 2017.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đặng Đình Mạnh, Thụy My, Ỷ Lan, RFA tiếng Việt, VOA tiếng Việt
Read 504 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)