Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/01/2021

Vũ khí áp lực của Bắc Kinh : lưu lượng nước sông Mê Kông

Trọng Thành - RFA tiếng Việt

Mêkông : Ảnh vệ tinh Mỹ buộc Trung Quốc minh bạch hơn số liệu nước thủy điện

Trọng Thành, RFI, 06/01/2021

Viễn cảnh sông Mêkông cạn dòng về mùa khô và rối loạn nhịp nước đã được giới chuyên gia, các tổ chức xã hội dân sự, chính phủ nhiều nước khẩn thiết cảnh báo từ nhiều năm nay. Hệ quả trực tiếp là đời sống của hơn 60 triệu dân cư ven bờ bị ảnh hưởng nặng nề. Nguyên nhân hàng đầu mà nhiều nhà quan sát chỉ ra là các đập thủy điện dòng chính, trong đó có 11 đập thủy điện Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh liên tục bác bỏ cáo buộc này.

mekong1

Lượng nước chứa trong các hồ trữ nước 11 đập thủy điện ở Lan Thương, Mêkông, Trung Quốc, cuối tháng 7/2020, theo số liệu của dự án Mekong Dam Monitor.  © Ảnh chụp màn hình Stimson Center

Hôm 14/12/2020, một dự án do chính phủ Mỹ tài trợ một phần mang tên Mekong Dam Moniter/Giám sát Đập Mêkông (gọi tắt là MDM) ra mắt, với sứ mạng thông tin đến công chúng về ảnh hưởng trực tiếp của các đập lớn đến dòng chảy Mêkông. Dự án MDM, dựa trên các hình ảnh do vệ tinh cung cấp, có tham vọng đưa ra bức tranh toàn diện về tác động của các con đập, đúng theo thời gian gần như thực. 

Cho đến nay, gần như có rất ít thông tin chính xác về lượng nước vào ra của các đập thượng nguồn Trung Quốc (trên đoạn sông mà Trung Quốc gọi là Lan Thương) được chia sẻ ra bên ngoài, cho dù có nhiều bằng chứng về đập thượng nguồn làm thay đổi chu kỳ dòng chảy tự nhiên của Mêkông, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở hạ lưu, cũng như nghề đánh cá nước ngọt, các nguồn sinh kế chủ yếu của cư dân hạ lưu, bao gồm Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam (Đồng bằng sông Cửu Long). Việc dự án Giám sát Đập Mêkông ra mắt mang lại hy vọng tạo áp lực buộc Trung Quốc phải minh bạch hơn về số liệu liên quan đến nước đập thủy điện.

Ảnh vệ tinh với sai số +/- 1 mét

Dự án MDM có mục tiêu cung cấp số liệu mực nước của sông hoặc hồ chứa, nơi không có dữ liệu thu thập tại chỗ, hoặc nơi dữ liệu tuy được đo, nhưng không được chia sẻ với các bên liên quan. Dự án sử dụng các hình ảnh của trạm dịch vụ vệ tinh Sentinel-1 và quy trình hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - GIS), để xác định mực nước trong lòng của 13 con đập (trong đó có 11 đập trên đất Trung Quốc) và hồ chứa đã hoàn tất trên dòng chính Mêkông, cùng với 15 đập và các hồ chứa trên phụ lưu với công suất trên 200 MW, với sai số là + / 1 mét. Thời gian cung cấp thông tin là một tuần một lần.

Trạm dịch vụ vệ tinh Sentinel-1 gồm hai vệ tinh quỹ đạo địa cực (Sentinel-1A và Sentinel-1B được đưa lên quỹ đạo năm 2014 và 2016), hoạt động phối hợp cả ngày lẫn đêm, thực hiện nhiệm vụ chụp ảnh theo công nghệ giao thoa radar độ mở tổng hợp (synthetic aperture radar imaging), cho phép thu nhận được hình ảnh với độ chính xác cao, bất kể thời tiết. Sentinel-1 là một trong năm dịch vụ chính của chương trình ​​Copernicus ca Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA). 

Kỳ vọng

Trước hết RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với ông Nguyễn Hữu Thiện, nhà nghiên cứu độc lập về môi trường (Cần Thơ, Việt Nam) về ý nghĩa của dự án này. Ông Nguyễn Hữu Thiện nhận xét :

"Dự án MDM rất hữu ích trong việc tạo sự minh bạch về hoạt động tích-xả nước của các đập thủy điện, ảnh hưởng đến lượng nước của sông Mêkông. Dự án MDM góp phần thúc đẩy Trung Quốc tăng tính minh bạch, chia sẻ dữ liệu dòng chảy mùa khô của đoạn sông Mekong ở Trung Quốc. Đây là việc rất tốt (1). Ưu điểm của dự án MDM là cho phép so sánh dòng chảy sông Mêkông bị ảnh hưởng bởi các đập, so với tình huống tự nhiên khi chưa có đập như trước đây".

Hoài nghi

Về dự án Giám sát Đập Mêkông vừa được Mỹ khởi động, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, trưởng ban điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), tỏ ra ít lạc quan hơn nhiều. Trả lời báo Đất Việt, ông Đào Trọng Tứ ghi nhận trước hết dự án MDM làm "gia tăng thêm sự cạnh tranh giữa hai cường quốc ở sông Mêkông". Riêng về việc hợp tác, chia sẻ thông tin của Trung Quốc với các nước ở hạ du sông Mêkông, căn cứ trên kinh nghiệm nhiều năm trở lại đây từ cơ chế hợp tác Lan Thương - Mêkông, cho dù Bắc Kinh có hứa hẹn, ông Đào Trọng Tứ cho rằng "thực tế đã chứng minh chuyện cung cấp, chia sẻ thông tin chỉ có tính chất tượng trưng mà thôi" và "không ai tự dưng đem chuyện nhà mình đi nói với người khác" (2). 

Phản đối

Đúng vào hôm Mỹ công bố dự án Giám sát Đập Mêkông, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng : "cực lực phản đối những hành động hiểm độc để gây chia rẽ … Cộng đồng khoa học quốc tế và Ủy hội Sông Mêkông tin rằng chuỗi đập thủy điện Lan Thương sẽ giúp duy trì sự ổn định của dòng chảy Mêkông và có lợi cho việc ngăn ngừa lũ lụt và cứu trợ hạn hán của các quốc gia Mêkông" (Tân Hoa Xã, ngày 14/12/2020). Báo chí nhà nước Trung Quốc phản ứng dữ dội. Xã luận báo China Daily bình luận : "dự án này không là gì khác ngoài một phần trong chiến dịch gây ảnh hưởng của Washington nhằm bôi nhọ Trung Quốc và khiến các nước láng giềng chống lại Trung Quốc" (China Daily, ngày 16/12/2020).

Truy xét biến động nước từng con đập

Trả lời RFI về vấn đề này, kỹ sư Phạm Phan Long (California, Hoa Kỳ), chuyên theo dõi các vấn đề môi trường Mêkông từ hàng chục năm nay, cho biết ý nghĩa của dự án MDM :

"Mekong Dam Monitor là chương trình của viện nghiên cứu Stimson Center, đó là một nhóm nghiên cứu độc lập được chính phủ Hoa Kỳ tài trợ. Thêm vào đó MDM dựa vào nghiên cứu của Eyes on Earth (EOE) là một cơ quan trực thuộc NASA của chính phủ Hoa Kỳ. Mekong Dam Monitor cung cấp số liệu hoạt động thủy điện Trung Quốc trên Vân Nam. Là nghĩa vụ quốc tế chung cho các nước chung lưu vực, nhưng 25 năm rồi Trung Quốc chia sẻ thông tin manh mún và không thường xuyên. Với nghiên cứu không ảnh vệ tinh này, lẽ ra Hoa Kỳ và các thành viên Mêkông có thể chủ động theo dõi và phân tích từ 1995 khi Trung Quốc vận hành con đập đầu tiên Mãn Loan. Bây giờ khi Trung Quốc đã làm xong 11 đập lớn, với khả năng tích chứa 40 tỉ mét khối, Mekong Dam Monitor từ đây sẽ giúp truy xét những biến động mực nước lên xuống bất ngờ, đưa ra ánh sáng và tạo áp lực buộc Trung Quốc phải dè dặt, vận hành các hồ thủy điện Vân Nam chừng mực hơn".

Về ý nghĩa của dự án MDM so với các hiểu biết đã có về dòng chảy Mêkông, kỹ sư Phạm Phan Long cho biết thêm :

"Từ năm 2012 đến nay đã có nhiều nghiên cứu quốc tế dùng mô hình thủy học đánh giá tác động tích hợp của thủy điện đối với môi trường và sinh kế dân cư tại lưu vực Mêkông. Tuy nhiên, các nghiên cứu đó của ICEM, HDR, MRC, OXFAM, không cung cấp số liệu sống từng tuần của mực nước như mô hình viễn thám của MDM. Hiện tại, Mekong Dam Monitor mới chỉ mới cung cấp lưu lượng dòng chảy tại hai trạm Chiang Saen (Thái Lan) và Vientiane (Lào) của lưu vực. Trong tương lai, để phơi bày thực chất của việc sử dụng nước cho thủy điện tại Trung Quốc, MDM cần cung cấp toàn bộ lưu lượng vào và ra tại tất cả các hồ chứa và dung tích của chúng từng giờ để làm bài toán lượng nước mất ở đâu và vào lúc nào".

"Dòng chảy môi sinh" : Hướng đến quy trình liên hồ thuỷ điện toàn lưu vực

Số liệu và thông tin từ Mekong Dam Monitor và EOE có hiệu ứng thực tế gì và giúp bảo vệ Cam Bốt và Việt Nam như thế nào, kỹ sư Phạm Phan Long giải thích :

"MDM và EOE cung cấp mực nước của 13 hồ chứa dòng chính và 13 hồ chứa phụ lưu, nên khi có dao động mực nước xuống hạ du, Cam Bốt và Việt Nam có thể truy cứu nguyên nhân, thảo luận với các quốc gia chủ hồ. EOE chưa tính toán lưu lượng dòng chảy trên các biểu đồ như họ ghi trên biểu đồ của báo cáo. Tác giả chính của EOE Alan Basis, đã đồng ý và cho tôi biết ông đang hợp tác với Mekong River Commission để hoàn chỉnh. Tiềm năng của MDM rất lớn, khi hoàn chỉnh xong sẽ có số liệu để thiết lập chính sách bảo vệ lưu vực dựa vào quan trắc kiểm chứng được. Khi khai thác số liệu thủy học, tác động của 26 hồ thủy điện Trung Quốc và Lào, sẽ được chứng minh rõ trong mùa mưa, Biển Hồ Tonle Sap bị mất nhịp lũ và Đồng bằng sông Cửu Long cùng mất mùa nước lớn ra sao ; tiếp sau đó sang mùa khô, nước từ Biển Hồ không có để bù đắp cho Đồng bằng sông Cửu Long như thế nào. Từ nghiên cứu này, các nhà khoa học mới thiết lập được quy trình vận hành liên hợp các hồ thủy điện để duy trì "dòng chảy môi sinh" (environmental flow) (3) cho Biển Hồ và Đồng bằng sông Cửu Long được bền vững, theo quy ước tối thượng cho các sông ngòi quốc tế là "không ai gây hại cho ai"".

Đập tả ngạn ở Lào : Khoảng trống dữ liệu

Đối với nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Hữu Thiện, dự án MDM là một điểm khởi đầu rất tốt để tiến tới minh bạch hóa các số liệu nước tích – xả ở các đập tả ngạn Mêkông, trên các phụ lưu, mà theo ông, có ý nghĩa trực tiếp quan trọng hơn với Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam :

 "Có thể thấy là đối với Đồng bằng sông Cửu Long thì lượng mưa ở phần Hạ lưu vực quan trọng hơn rất nhiều so với lượng nước từ phần Trung Quốc. Theo số liệu của Ủy hội Sông Mêkông Quốc tế (MRC), tổng dòng chảy cả năm của sông Mêkông tính trung bình nhiều năm là 475 tỉ mét khối, trong đó lượng nước trong phần lãnh thổ Trung Quốc đóng góp 16%, Miến Điện 2%, phía tả ngạn tức phần Lào đóng góp 35%, phần Thái Lan 18%, Cam Bốt 18%, phần Việt Nam gồm mưa ở Tây nguyên và mưa tại chỗ Đồng bằng sông Cửu Long là 11%. Trong đó lượng mưa phía tả ngạn con sông, tức là trên đất Lào quyết định rất lớn đến việc Đồng bằng sông Cửu Long có mùa lũ hay không vào mùa mưa, và bị hạn mặn như thế nào trong mùa khôTrên các sông nhánh của sông Mêkông ở phía Lào có đến hơn trăm đập thủy điện. Gặp những năm có El Nino ít nước thì mưa trên đất Lào bị các hồ chứa của hơn trăm đập chi lưu này giữ lại. Nước các sông nhánh không đổ ra được dòng chính để xuôi về hạ lưu, làm cho tình hình hạn ở hạ lưu tồi tệ thêm. Qua một mùa khô hạn thì các hồ chứa bị cạn, đến đầu mùa mưa thì các cơn mưa đầu mùa sẽ bị các đập này giữ lại hết, do đó ở phía hạ lưu sẽ không có mùa lũ, dù có mưa trở lại. Từ trước đến nay chúng ta không hề có bất cứ dữ liệu nào về việc vận hành tích - xả nước của các đập ở đây".

Về tình trạng thiếu nước trầm trọng vào mùa khô ở hạ lưu Mêkông, Trung tâm Stimson chủ trì dự án MDM nhấn mạnh nhiều hơn đến vai trò đặc biệt quan trọng của các đập thủy điện Trung Quốc, bởi lượng nước đến từ Trung Quốc vào cao điểm mùa khô (tức tháng 4), trong điều kiện tự nhiên, có thể lên đến 40% (báo cáo kết luận của Peter T. Adamson nộp MRC năm 2006). Sở dĩ nước từ Trung Quốc chiếm tỉ lệ lớn đó là do tuyết tan là nguồn cung cấp nước chủ yếu trong mùa này.

Nhiều người quan tâm hy vọng, sau khi kho dữ liệu MDM hoàn chỉnh, tỉ lệ đóng góp của từng khu vực, trong từng mùa, từng tháng…, tác động của mỗi đập đến đâu, phần nào do trách nhiệm từ các đập Trung Quốc, phần nào do đập ở Lào… sẽ được minh xác.

Minh bạch về thủy điện "tả ngạn" : Áp lực gián tiếp với Bắc Kinh

Trên thực tế, Trung Quốc không phải là đích ngắm duy nhất của MDM. Mục tiêu của dự án là "cải thiện việc quản lý xuyên biên giới dòng chảy Mêkông thông qua việc chia sẻ dữ liệu và ra quyết định dựa trên căn cứ khoa học". Nền tảng dữ liệu của MDM dựa trên đóng góp của nhiều đối tác. Từ chính phủ các nước, các tổ chức liên chính phủ như Ủy hội Sông Mêkông, các tổ chức phi chính phủ, cũng như các đối tác khác trong và ngoài khu vực, của đối tác ASEAN cũng như Trung Quốc. Việc minh bạch thông tin về các đập ở hạ lưu, cụ thể như ở vùng tả ngạn lưu vực sông Mêkông, có thể coi như một áp lực gián tiếp, tạo một xu thế minh bạch hóa chung nhằm gia tăng hợp tác, có thể thúc đẩy Trung Quốc phải dần dần minh bạch thông tin.

Dự án Giám sát Đập Mêkông, với chủ trương "cung cấp dữ liệu dựa trên bằng chứng để chống lại những tuyên bố không chính xác về tình trạng và hoạt động của các đập, hồ chứa và dòng chảy của nước trên lưu vực sông Mêkông", có thể coi là một áp lực bổ sung với Trung Quốc, trong bối cảnh Washington đã liên tục có nhiều áp lực với Bắc Kinh trong hồ sơ Mêkông trong năm 2020 vừa qua (4). Lần này, với công nghệ không ảnh độ chính xác cao, thì không chỉ là lưu lượng nước bị giữ lại trên thượng nguồn nói chung, mà là việc vận hành nước vào ra của từng con đập cũng sẽ bị đưa ra ánh sáng.

Tuy nhiên, khả năng buộc Bắc Kinh công khai dữ liệu còn phụ thuộc vào sự đoàn kết của các quốc gia hạ lưu, quyết tâm bảo vệ lợi ích sống còn của người dân. Để thực hiện nghĩa vụ chung tay đóng góp bảo vệ "dòng chảy môi sinh" của con sông chung, ắt hẳn tâm lý đèn nhà ai, nhà nấy rạng, còn đè nặng lâu nay phải được vượt qua. Minh bạch về thủy điện tả ngạn Mêkông là một trong những hành động cần làm để khẳng định sự đoàn kết và trách nhiệm của các nước hạ lưu.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 06/01/2021

Ghi chú :

1. Về hậu quả của các đập thủy điện Trung Quốc, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thiện cũng lưu ý là đối với Đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề nước chỉ là chuyện quan trọng thứ hai, việc các đập thủy điện chặn nguồn phù sa và cát dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển khắp nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long mới là chuyện chính, đe dọa sự tồn tại của Đồng bằng sông Cửu Long.

2. "Mỹ giám sát đập Trung Quốc trên sông Mêkông : Kỳ vọng gì ?", Đất Việt, ngày 16/12/2020.

3. "Dòng chảy môi sinh" hay "dòng chảy môi trường", theo định nghĩa của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), là "chế độ nước (lưu lượng, phẩm chất và mùa tiết) được cung cấp cho một dòng sông, một vùng đất ngập nước hoặc vùng cửa sông đủ để duy trì các hệ sinh thái và những lợi ích của chúng (đối với con người) ở những nơi mà dòng chảy bị điều tiết và có sự cạnh tranh trong việc sử dụng nước" (Cẩm nang dòng chảy môi trường của IUCN, 2007, tr. 19).

4. Trong một hội nghị với đối tác Mêkông ngày 15/10, ông David Stilwell, quan chức phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, bộ Ngoại Giao Mỹ, trực tiếp lên án Bắc Kinh "không minh bạch", "không chia sẻ thông tin đầy đủ về các hoạt động đập… ở thượng nguồn, hạn chế khả năng của các chính phủ Mêkông chuẩn bị đối phó hoặc giảm thiểu thiệt hại". Ngày 22/10, Trung Quốc hứa "sẽ cung cấp dữ liệu quanh năm" của hai trạm thủy điện tại tỉnh Vân Nam, trong lúc trong suốt 18 năm qua, Trung Quốc "chỉ chia sẻ dữ liệu nước trong mùa mưa từ tháng 6 tới tháng 10 với MRC".

**********************

Trung Quốc thông báo đang giữ nước sông Mekong

RFA, 06/01/2021

Trung Quốc vừa thông báo cho các nước láng giềng ở hạ lưu rằng họ đang ngăn dòng chảy của sông Mekong tại một đập thủy điện trên thượng nguồn trong 20 ngày.

mekong2

Đập thủy điện Cảnh Hồng trên sông Lan Thương, một nhánh của sông Mekong. AFP

Reuters hôm 6/1 trích dẫn thông tin từ Ủy ban sông Mekong MRC (The Mekong River Commission) và Thái Lan cho biết đây là một phần của hiệp ước chia sẻ dữ liệu mới.

Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi hệ thống giám sát mới do Mỹ hậu thuẫn cho biết Trung Quốc đã không thông báo cho các quốc gia hạ nguồn về việc tích nước bắt đầu từ ngày 31 tháng 12 năm 2020.

Tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc đã đồng ý chia sẻ dữ liệu về nước với MRC. Đây là một cơ quan tư vấn cho Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Hơn 60 triệu người ở các quốc gia này phụ thuộc vào sông Mekong để đánh cá và trồng trọt.

Trung tâm Chỉ huy Nước Quốc gia của Thái Lan cho biết Trung Quốc đã thông báo cho Thái Lan vào hôm thứ Ba 5/1 rằng, đập Cảnh Hồng (Jinghong) của họ sẽ giảm tốc độ xả nước từ 1.904 mét khối / giây xuống 1.000 mét khối / giây, tức là giảm khoảng 47%.

Phía Trung Quốc cho biết mục đích để ‘bảo trì các đường dây tải điện’ trong lưới điện của nước này.

MRC cũng cho biết họ đã nhận được thông báo vừa nêu cùng ngày, mặc dù MRC đã phát hiện mực nước giảm lần đầu vào ngày 31 tháng 12, mức giảm có thể sẽ là 1,2 mét, gây ảnh hưởng giao thông đường thủy và đánh bắt cá.

MRC cho biết, Trung Quốc đảm bảo dòng chảy ‘sẽ dần dần được khôi phục về trạng thái hoạt động bình thường vào ngày 25 tháng 1’, mà không nêu rõ tốc độ và khối lượng chính xác.

Theo hệ thống Giám sát Đập Mekong (The Mekong Dam Monitor), việc Trung Quốc đã không thông báo cho các nước láng giềng khi đập Cảnh Hồng bắt đầu hạn chế nước vào ngày 31 tháng 12, khiến mực nước sông giảm đột ngột 1m ở hạ lưu có thể tàn phá đàn cá.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, RFA tiếng Việt
Read 614 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)