Quyết tâm phế truất nhanh Trump, phe Dân chủ nhắm tới đích nào ?
Anh Vũ, RFI, 11/01/2021
Nhiệm kỳ của Donald Trump sẽ chính thức chấm dứt khi ngày 20 tháng Giêng, Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Chỉ còn 9 ngày nữa nhưng đảng Dân chủ liên tiếp các nỗ lực truất quyền và luận tội tổng thống của Donald Trump vì trách nhiệm trong vụ bạo loạn ở nhà Quốc hội đồi Capitol hôm 06/01 vừa qua nhằm lật ngược kết quả bầu cử tổng thống.
Hôm 10/01, bà Nancy Pelosi chủ tịch Hạ Viện do phe Dân chủ chiếm đa số cho biết sẵn sàng trong những ngày tới tiến hành những hành động buộc tổng thống mãn nhiệm phải rời khỏi quyền lực trước khi kết thúc nhiệm kỳ, trong đó gồm cả thủ tục luận tội tổng thống sau vụ bạo loạn ở đồi Capitol.
Bà Nancy Pelosi, thông báo cụ thể, hôm nay 11/01 Hạ Viện sẽ bỏ phiếu thông qua một nghị quyết yêu cầu phó tổng thống Mike Pence vận dụng Tu chính án 25 của Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép cách chức tổng thống khi bị đa số thành viên chính phủ đánh giá không đủ năng lực đảm nhiệm chức vụ. Nếu ông Mike Pence không đáp ứng đòi hỏi trên, lãnh đạo Hạ Viện cho biết phe Dân chủ đã sẵn sàng trình văn kiện luận tội Donald Trump theo thủ tục phế truất tổng thống. Theo văn bản luận tội đã được các dân biểu Dân chủ soạn thảo, tổng thống Trump bị cáo buộc "có những tuyên bố cố ý khuyến khích những người ủng hộ tràn vào chiếm nhà Quốc hội". Dân biểu Ted Lieu của đảng Dân chủ cho biết thêm, văn kiện đã được ít nhất 180 nghị sĩ ký, đồng thời ông khẳng định Donald Trump đã "gây nguy hiểm nghiêm trong cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ và các định chế chính quyền".
Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi tuyên bố : "Để bảo vệ Hiến pháp và nền dân chủ, chúng ta phải hành động khẩn cấp, bởi vì vị tổng thống này là mối đe dọa tức khắc với cả Hiến pháp và nền dân chủ" của nước Mỹ .
Như vậy quyết tâm của bên thắng cuộc rõ ràng là đối thủ phải bị hạ đo ván trước khi màn đấu khép lại. Tuy nhiên giới phân tích chính trị Mỹ đều nhận thấy các nỗ lực của đảng Dân chủ không thể có kết quả tức thì như mong muốn. Nếu vận dụng Tu chính án 25 thì phó tổng thống Mike Pence phải có được sự ủng hộ của đa số thành phần nội các hiện nay. Trong khi đó, những người còn lại trong chính quyền Trump lúc này đều là những người được coi là trung thành nhất. Những người bất đồng với tổng thống từ sau vụ đồi Capitol thì đã từ chức. Cho đến giờ Mike Pence dù không còn gần gũi với tổng thống Trump nhưng chưa tỏ dấu hiệu nào mặn mà với đề xuất mà đúng hơn là sức ép từ phía Dân chủ, vì lo ngại đến hệ hụy cho đảng Cộng hòa.
Còn thủ tục luận tội phế truất tổng thống, thì đòi hỏi nhiều thời gian cho dù đã cắt ngắn, không qua khâu điều tra. Lãnh đạo đa số của phe Cộng hòa hiện tại ở Thượng Viện Mitch McConnell đã cho biết các thủ tục này chỉ có thể được xem xét sau ngày Joe Biden tuyện thệ nhậm chức 20 tháng Giêng.
Những nỗ lực muốn phế truất ngay lập tức Donald Trump hầu như đều không có cơ hội đạt được. Vậy phải chăng những động thái của đảng Dân chủ chỉ mang tính biểu tượng, để khẳng định thể chế dân chủ Mỹ vẫn còn vững mạnh ?
Cũng không hẳn là như vậy. Theo tính toán của phe Dân chủ, sau ngày Joe Biden chính thức bước Nhà Trắng thì cũng là lúc đảng Dân chủ nắm đa số tại lưỡng viện Quốc hội, các thủ tục luận tội Doanld Trump có nhiều khả năng được thông qua, khác với lần luận tội đầu tiên bị Thượng Viện, khi đó phe Cộng hòa chiếm đa số, bác bỏ hồi tháng 2/2020. Nếu phe Dân chủ đi đến đích thì Donald Trump, dù không còn là tổng thống, cũng có "tiền án". Điều này ngăn chặn Donald Trump quay trở lại chính trường, như ông đã không giấu ý đồ cách đây ít lâu.
Đó là về lâu dài, trước mắt động thái của phe Dân chủ được nhiều nhà quan sát nhìn nhận như là đòn áp lực với các nghị sĩ Cộng hòa, buộc họ phải tỏ lập trường. Vô hình chung phe Cộng hòa sẽ bị phân hóa giữa ủng hộ và chống Trump làm rạn nứt thêm đảng. Donald Trump có thể sẽ bị cô lập hơn, không còn có thể làm thêm điều "khó lường" nào nữa, ít nhất từ nay đến ngày chuyển giao quyền lực.
Tuy nhiên, nhiều người thuộc đảng Dân chủ lo ngại những nỗ lực vô hiệu hóa Donald Trump sẽ càng khoét sâu thêm rạn nứt đoàn kết quốc gia, gây khó khăn cho Joe Biden lãnh đạo đất nước tới đây.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, đang dần khép lại, giống như khi bắt đầu, một cách không bình thường. Nước Mỹ lại một lần nữa đếm ngược từng ngày dài cho đến 20 tháng Giêng với hy vọng không có điều tồi tệ nào xảy ra thêm sau vụ bạo lực ở đồi Capitol. Nhưng những rạn vỡ chính trị, xã hội và nền dân chủ Mỹ vẫn còn tồn tại lâu dài như một thách thức cho nhiệm kỳ của Joe Biden.
Anh Vũ
Nguồn : RFI, 11/01/2021
********************
Đảng Dân chủ mở phiên luận tội hòng chặn đường chính trị của Donald Trump ?
Phạm Trần, Minh Anh, RFI, 11/01/2021
Sau những ngày hỗn loạn tại Điện Capitol, tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 08/01/2021 cam kết sẽ chuyển giao quyền lực "êm thắm và có trật tự", đồng thời tuyên bố không dự lễ tuyên thệ nhậm chức của người kế nhiệm Joe Biden. Cùng lúc, phe Dân chủ muốn tổ chức một cuộc luận tội tổng thống Donald Trump, dự kiến diễn ra ngày thứ Hai 11/01/2021.
Thái độ này của ông Donald Trump được diễn giải như thế nào ? Đảng Dân chủ muốn gì khi mở một cuộc luận tội trong khi chỉ còn có mươi ngày nữa là Donald Trump hết nhiệm kỳ ? Nhà báo Phạm Trần từ Washington giải thích.
RFI : Trình tự nghi thức của ngày chuyển giao quyền lực là gì ? Tuyên bố của ông Trump không đến dự lễ nhậm chức người kế nhiệm Joe Biden được diễn giải như thế nào ?
Phạm Trần : Theo tiến trình lịch sử của Hoa Kỳ, mỗi một khi chuyển quyền, tổng thống đương nhiệm mời vị tổng thống đắc cử vào trong Nhà Trắng, để mạn đàm, uống nước trà buổi sáng. Sau đó hai người ngồi cùng chiếc xe đi đến điện Capitol để vị tổng thống đắc cử nhậm chức. Đây là tiến trình bình thường trong lịch sử.
Nhưng năm nay, do những biến cố chính trị xung quanh việc phủ nhận ông Joe Biden thắng cử nên gây ra những rắc rối. Cuối cùng, sau khi thấy Quốc hội đồng ý với quyết định của cử tri đoàn, tổng thống Donald Trump buộc lòng phải lên đài truyền hình thông báo với toàn quốc là ông hứa chuyển quyền một cách ôn hòa, trật tự.
Nhưng ông Donald Trump lại thòng thêm một câu, "để trả lời cho tất cả những người đã hỏi tôi, thì hôm nay tôi nói cho mọi người biết là tôi sẽ không dự buổi lễ nhậm chức ngày 20/01". Câu nói này của Donald Trump đã bộc lộ bản tính của ông là không muốn có sự hòa giải có sự chuyển quyền một cách êm thắm.
Mặc dù là bề mặt là có sự chuyển quyền nhưng trong thâm tâm Donald Trump vẫn cho là ông thắng cử. Điều này sẽ tạo ra những trở ngại cho tổng thống đắc cử Joe Biden sau khi nhậm chức vào ngày 20 tháng Giêng. Bởi vì điều này sẽ tạo ra một làn sóng tiếp tục phản đối của những người ủng hộ ông Donald Trump.
RFI : Phe Dân chủ muốn tổ chức luận tội tổng thống Donald Trump. Tại sao đảng Dân chủ muốn thực hiện việc này trong khi chỉ còn vài ngày nữa là Donald Trump hết nhiệm kỳ ?
Phạm Trần : Điều đầu tiên là họ muốn truất phế ông Donald Trump ngay lập tức căn cứ vào điều 25 Tu chính án của Hiến pháp Mỹ. Điều khoản này cho phép phó tổng thống Mỹ và thành viên nội các họp với nhau và quyết định rằng tổng thống không còn khả năng hay là không còn uy tín để lãnh đạo đất nước nữa.
Sau đó, nếu điều này không xảy ra thì phải đem ra Quốc hội. Nhưng mà thủ tục đi lên Quốc hội để truất phế một tổng thống đương nhiệm hết sức là dài dòng, phải thảo luận rồi phải biểu quyết,… trong khi đó ông Trump chỉ còn có mươi ngày nữa là hết nhiệm kỳ.
Vì vậy, bà chủ tịch Hạ Viện, tức lãnh đạo đa số của đảng Dân chủ thấy rằng con đường hay nhất là giờ không buộc ông Donald Trump từ chức, trừ phi ông ấy tự nguyện nhượng quyền lại cho ông phó tổng thống, mà bà tiến hành thủ tục luận tội sẽ dễ dàng hơn bởi vì chỉ cần có một đa số ở Hạ Viện là có thể biểu quyết luận tội ông Donald Trump.
RFI : Cụ thể là phe Dân chủ muốn luận ông Trump về những tội gì ?
Phạm Trần : Theo bản dự thảo nghị quyết, đảng Dân chủ đưa ra một điều tuy ngắn nhưng bao gồm nhiều ý nghĩa chính tại sao họ lại luận tội ông Trump. Theo đó, ông Trump đã đưa ra những phát biểu kích động xúi bẩy những thành phần ủng hộ ông ấy để mà tiến vào tòa nhà Quốc hội và đã gây ra thiệt hại cho quốc gia, tức là buộc tội ông Trump chống quốc gia chống đất nước. Đấy là một tội được coi như tội phản quốc.
Căn cứ vào việc làm đó họ sẽ tiến hành luận tội ông Donald Trump vào ngày thứ Hai 11/01, và một nghị quyết sẽ được thông qua, dự trù vào khoảng giữa tuần thứ Tư 13 hay là thứ Năm 14/01.
Nhưng mà chuyện nước Mỹ luận tội một tổng thống ở Hạ Viện với một đảng đang chiếm đa số thì rất dễ dàng. Nhưng phiên tòa xử vị tổng thống bị luận tội là ở Thượng Viện chứ không phải ở Hạ Viện, như cuộc luận tội đầu tiên năm 2019 liên quan đến cuộc bầu cử được cho là có sự can dự của Nga.
Vào thời điểm đó, ông Donald Trump và những người trong ban vận động tranh cử của ông đã bị cáo buộc có quan hệ với Nga, tức là nước ngoài, để tìm cách lũng đoạn cuộc bầu cử. Nhưng khi lên đến Thượng Viện, thì không có đủ số phiếu để có thể đưa ra các hình phạt đối với ông Donald Trump.
Kỳ này cũng sẽ diễn ra như thế. Do vậy, đối với đảng Dân chủ, đây là một hành động chính trị, và nhằm chứng minh quyền lực của Quốc hội đối với ông tổng thống đã có những hành động bị coi như là chống lại quốc gia.
Chuyện này rồi trước sau cũng qua đi vì thời gian ông Trump cầm quyền chỉ còn có 10 ngày, và nhất là số nghị sĩ của đảng Cộng hòa chiếm đa số ở Thượng Viện, thế nên, nghị quyết này cũng rơi vào tình trạng là sẽ không đi tới đâu.
RFI : Giả như bản nghị quyết này được thông qua, phải chăng là ông Trump sẽ không được ra tái tranh cử vào năm 2024 ?
Phạm Trần : Đúng vậy. Ông Trump sẽ bị ngăn cấm tuyệt đối giữ bất cứ một chức vụ dân cử hay một chức vụ nào trong chính quyền. Đặc biệt là ông sẽ không được ra ứng cử nữa. Điều này sẽ xảy ra nếu quyết nghị của Hạ Viện được bên Thượng Viện chấp thuận.
Tuy nhiên, như tôi đã nói, chuyện này rồi cũng sẽ qua đi, không có gì ngăn cấm ông Trump ra tranh cử năm 2024, vì ông đã chuẩn bị rồi. Ông ấy nói rõ ràng là ông rời Nhà Trắng nhưng tiến trình chính trị của ông là mới bắt đầu. Do vậy ai cũng biết rằng ông ấy sẽ ra tranh cử năm 2024.
RFI : RFI tiếng Việt xin cảm ơn nhà báo Phạm Trần tại Washington.
Minh Anh thực hiện
Nguồn : RFI, 11/01/2021
********************
Hạ Viện Mỹ sẵn sàng khởi động thủ tục luận tội truất phế tổng thống Trump
Thanh Hà, RFI, 11/01/2021
Phải chăng Donald Trump sẽ là người đầu tiên hai lần đối mặt với thủ tục luận tội truất phế tổng thống trong lịch sử Hoa Kỳ ? Năm ngày sau vụ bạo loạn tại Quốc hội, hôm 11/01/2020 Hạ Viện Mỹ bắt đầu "hành động" để cách chức tổng thống Trump. Ngày càng có nhiều chính khách ngay trong hàng ngũ đảng Cộng hòa kêu gọi Donald Trump ra đi trước khi mãn nhiệm.
Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi bên đảng Dân chủ hôm 10/01/2021 thông báo sẽ có một loạt "hành động" để buộc Donald Trump từ bỏ chức vụ tổng thống trước ngày chuyển giao quyền lực 20/01/2021. Bởi vì đương kim chủ nhân Nhà Trắng là một "mối đe dọa tiềm tàng" đối với nền dân chủ Mỹ và Hiến pháp Hoa Kỳ. Trước tiên, phe Dân chủ sẽ đề nghị phó tổng thống Mike Pence kích hoạt điều khoản 25 tu chính án trong bản Hiến pháp để truất phế tổng thống với lý do ông này mất khả năng điều hành đất nước. Một số nghị sĩ của bên đảng Cộng hòa thiên về giải pháp này và muốn tránh để Donald Trump thêm một lần nữa phải đối mặt với thủ tục luận tội truất phế tổng thống trong bối cảnh Hoa Kỳ đang trải qua khủng hoảng cả về mặt chính trị, y tế lẫn kinh tế.
Thông tín viên đài RFI Loubna Anaki từ New York nhấn mạnh đến một tuần lễ đầy căng thẳng đang mở ra với ông Donald Trump :
"Các điều khoản luận tội nhắm vào Donald Trump có thể phải được hoàn tất trong ngày hôm nay. Xúi giục nổi dậy sau vụ tấn công tòa nhà Quốc hội đã đành nhưng có thể kèm theo đó là tội danh gây áp lực với các quan chức để làm thay đổi kết quả bầu cử. Bên đảng Dân chủ đang tính đến khả năng đưa ra thêm tội danh thứ nhì này sau khi ông Trump gọi điện thoại cho tổng thư ký đặc tránh về bầu cử của bang Georgia. Trong cuộc điện đàm này, nhà tỷ phú Mỹ rõ ràng đã đòi kiểm lại phiếu để đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống.
Một khi các điều khoản luận tội được hoàn tất, các dân biểu ở Hạ Viện có thể bỏ phiếu vào thứ Ba hoặc thứ Tư. Tuy mục đích đề ra là truất phế tổng thống Trump sớm chừng nào tốt chừng nấy, nhưng đảng Dân chủ có thể sẽ không chuyển ngay lên Thượng Viện bản luận tội. Theo lời ông James Clyburn, một trong những phụ tá của bà Nancy Pelosi ở Hạ Viện, đảng Dân chủ không muốn để phiên xử phế truất Donald Trump làm lu mờ những ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden. Bởi vì cần ưu tiên nhanh chóng phê chuẩn bổ nhiệm các thành viên nội các của tân tổng thống, cũng như các biện pháp cần thiết nhằm đối phó với khủng hoảng y tế và kinh tế. Phiên xử vụ truất phế Donald Trump có thể diễn ra nhiều tuần lễ sau khi ông đã rời Nhà Trắng".
Theo thăm dò của đài truyền hình ABC News/Ipsos được công bố ngày Chủ Nhật 10/01/2021 56 % những người được hỏi cho rằng tổng thống Donald Trump nên từ chức trước khi mãn nhiệm.
Thanh Hà
*********************
Bộ mã vũ khí hạt nhân : Đâu là quyền hạn của tổng thống Mỹ ?
Minh Anh, RFI, 10/01/2021
Thứ Sáu, 08/01/2021, chủ tịch Hạ Viện, bà Nancy Pelosi cho biết đã có cuộc trao đổi với tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ để biết chắc rằng ông Donald Trump, một vị "tổng thống bất ổn", không thể sử dụng mã khóa các loại vũ khí hạt nhân.
Cuộc điện đàm diễn ra hai ngày sau vụ bạo loạn ở đồi Capitol, do những người biểu tình ủng hộ Donald Trump gây ra. Đâu là quyền hạn của tổng thống Mỹ trong việc sử dụng các loại vũ khí hạt nhân theo như quy định của Hiến pháp ?
Từ Washington, nhà báo Phạm Trần giải thích :
"Ưu tiên số một là chỉ có tổng thống mới có quyền ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân. Thứ hai, bộ Quốc Phòng của Mỹ, là đối tượng thứ hai có thể chấp thuận theo lệnh của tổng thống nếu xét thấy quyết định của tổng thống là chính đáng và cần phải sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ nước Mỹ. Nhưng mà, bộ Quốc Phòng có thể bác nếu thấy lệnh của tổng thống là không phù hợp, chưa đến mức độ phải sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trong trường hợp này, bà chủ tịch Hạ Viện, Nancy Pelosi của đảng Dân chủ điện thoại nói chuyện với đại tướng Mark Milley và đã yêu cầu canh chừng chìa khóa sử dụng vũ khí hạt nhân, bởi vì bà nhận thấy tình trạng là ông Donald Trump có thể gây ra bất cứ một việc gì bất thường mà nước Mỹ hay mọi người không thể ngờ tới được.
Do vậy, bà Pelosi đề phòng chuyện đó, bởi vì những con số cho phép dùng vũ khí hạt nhân nhắm vào một mục tiêu nào đó thì chỉ có tổng thống mới được quyền sử dụng, không phải một người nào khác theo như quy định của Hiến pháp Hoa Kỳ.
Trường hợp này, bà Nancy Pelosi, chỉ đưa ra một dự đoán phòng hờ. Thực tế chưa cho thấy có dấu hiệu gì tổng thống mãn nhiệm Donald Trump có mưu tính làm những chuyện như vậy.
Đây cũng là lần đầu tiên xảy ra chuyện như vậy cho một ông tổng thống khi chỉ còn có ít ngày nữa là mãn nhiệm, đã bị đề phòng đến mức tối đa như thế. Lần đầu tiên một chuyện như vậy xảy ra ở nước Mỹ".
Minh Anh
***********************
Donald Trump – Không ăn được phá cho hôi
Thạch Đạt Lang, quyenduocbiet, 07/01/2021
Buổi họp của quốc hội chính thức xác nhận kết quả bỏ phiếu của cử tri đoàn ngày 06/01/2021 đã bị gián đoạn nhiều lần. Nguyên nhân đầu tiên là có một số nghị sĩ, dân biểu của đảng Cộng hòa phản đối kết quả bỏ phiếu của đại cử tri. Nguyên nhân thứ hai là cuộc biểu tình chống đối kết quả bầu cử do ông Donald Trump kích động, kêu gọi đã thực sự diễn ra đúng theo sự mong muốn của ông là "Sẽ Rất Hỗn Loạn" – "It will be wild" (1).
Hình Wall Street Journal
Trước giờ quốc hội nhóm họp, xuất hiện trước đám đông biểu tình, được bảo vệ bằng những tấm kính chắn đạn ở ngoài khuôn viên tòa Bạch Ốc, công viên Ellipse, Trump lên án, chỉ trích, chửi rủa đảng Dân Chủ bằng những lời lẽ nặng nề, đồng thời kêu gọi những người ủng hộ phải có hành động quyết liệt lấy lại cuộc bầu cử đã bị đánh cắp. Ông tuyên bố sẽ dẫn đầu đoàn biểu tình tiến về Điện Capitol – tòa nhà quốc hội – tuy nhiên sau đó, trong lúc hỗn loạn, Trump lại chui vào xe bọc thép trốn đi mất, hiện giờ không ai biết Trump ở đâu.
Phản ứng trước những tweet kích thích, xúi dục đám người biểu tình bạo động, tấn công tòa nhà quốc hội, ban điều hành mạng xã hội Twitter đã tạm thời đóng tài khoản của ông Trump trong 12 tiếng, yêu cầu Trump tự xóa bỏ những tweet cổ xúy bạo lực, nếu không sẽ tiếp tục bị đóng băng. Twitter trước đây cũng đã thông báo cho Trump biết, tài khoản này sau ngày 20/01/2021 sẽ được xóa sạch nội dung và chuyển giao cho ông Joe Biden, tất cả các tweet của ông Trump sẽ được lưu trữ trong thư khố (Archive). Các mạng xã hội khác như Instagram, Facebook, Snapchat, Youtube cũng theo chân Twitter, khóa tài khoản của Donald Trump (2).
Tuy nhiên đã quá trễ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Donald Trump, hàng ngàn người biểu tình đã tràn vào Điện Capitol đập phá các cửa kính, lục lọi các bàn làm việc, la hét cuồng loạn khiến cuộc chứng nhận kết quả bỏ phiếu đại cử tri phải tạm ngưng, những dân biểu, nghị sĩ vì lý do an ninh được đến các nơi an toàn. Tuy nhiên sau đó, cuộc kiểm phiếu chứng nhận đã tiếp tục diễn ra khi tình hình an ninh được vãn hồi. Đến 4 giờ sáng buổi xác nhận phiếu đại cử tri kết thúc, không có gì thay đổi với 306 phiếu đại cử tri cho ông Joe Biden.
Thật rõ ràng, Donald Trump đã phơi bày dã tâm, âm mưu, hành động phá hoại nước Mỹ, xé bỏ hiến pháp khi công khai kêu gọi sử dụng bạo lực của đám đông cuồng nộ để ngăn cản cuộc chứng nhận kết quả bầu cử của cử tri đoàn trong Điện Capitol. Hậu quả tai hại nhất của Donald Trump để lại sau 4 năm cầm quyền là hủy diệt niềm tin của người dân Mỹ vào thể chế dân chủ, hệ thống bầu cử, các định chế của hiến pháp. Bomb, súng ngắn, bom lửa (Molotov cocktail) được tìm thấy trong Điện Capitol, tòa nhà của quốc hội, dưới các ghế ngồi của các dân biểu, nghị sĩ (3). Tin mới nhất cho biết có 4 người thiệt mạng trong cuộc tấn công vào Điện Capitol, 52 người bị bắt, 14 cảnh sát bị thương.
Trump biết việc mình phải rời khỏi tòa Bạch Ốc ngày 20/01/2021 là điều không thể tránh được nhưng với bản chất gian manh, tham lam cùng cực, hèn hạ, tiểu nhân, thù vặt - được bà Mary L. Trump mô tả trong cuốn Too Much And Never Enough – Trump không thể chấp nhận việc ra đi trong yên bình, lịch sự, chững chạc trong tư cách một người quân tử. Trump phải quậy phá cho tan nát thì mới phù hợp với con người, tính chất ngạo mạn vô liêm sỉ, không có lòng tự trọng của Trump.
Biến động ngày 06/01/2021 ở Điện Capitol khiến cả thế giới bàng hoàng, hầu hết lãnh đạo các nước dân chủ, tự do trên thế giới lên án, truyền thông, báo chí chế diễu, nhạo báng. Cho dù nền Cộng hòa của Mỹ vẫn đứng vững trong giông bão, biểu tượng tự do, dân chủ của Mỹ ít nhiều đã bị Trump biến thành trò cười cho lãnh đạo các nước độc tài như Vladimir Putin, Tập Cận Bình, Kim Jong-un, Mohammed bin-Salman, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc.... Chắc chắn họ đã quan sát, theo dõi cuộc tấn công vào Điện Capitol của đám người ủng hộ Trump một cách thích thú, vui mừng, hả hê.
Bên cạnh hậu quả do Trump và một số đảng viên Cộng hòa gây ra cho nước Mỹ ngày 06/01/2021 là những ảnh hưởng, tác động tích cực đến cộng đồng người Việt hải ngoại cũng như trong nước. Nó làm bộc lộ hết căn tính nô lệ, hèn nhát, a dua, lười biếng, không chịu học hỏi, tìm hiểu của đa số người Việt Nam qua đại diện của họ là những khuôn mặt trí thức, luật sư, nhà văn, nhà báo, cựu tù nhân lương tâm, tu sĩ, linh mục… như Lê Luân, Trần Đình Thu, Hồ Hải, Lưu Trọng Văn, Nguyễn Ngọc Già, Lê Dũng Vova, Huỳnh Thục Vy, Hoàng Hải Vân, Lê Hoài Anh, Huỳnh Quốc Bình, Nguyễn Vũ Bình... và rất nhiều người khác nữa, những người có số fan theo dõi hàng chục ngàn hoặc hơn.
Trên những status của những nhân vật kể trên, cùng với hàng ngàn bình luận "thích" (like) còn có những ý kiến háo hức, cổ vũ, kêu gọi người Việt ở Mỹ hưởng ứng cuộc bạo loạn ngày 06/01/2021 tại Điện Capitol. Tất nhiên, những kẻ kêu gọi này chỉ a dua cho sướng miệng chứ nếu ở Mỹ có cho tiền họ cũng chẳng dám gia nhập, đi theo đám Proud Boys, KKK, Hell’ s Angels...
Đảng cộng sản Việt Nam bất chiến tự nhiên thành. Chẳng còn nhà dân chủ, đấu tranh cho tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhân quyền nào ở Việt Nam quan tâm đến tình hình bầu cử của đảng cộng sản, xã hội, kinh tế, vật giá, chuyện hải quân của Trung Quốc, tầu đánh cá ngang nhiên hoạt động ở Hoàng Sa, Trường Sa, trong thềm lục địa của Việt Nam... Tất cả đã và đang dồn hết tâm trí, thời gian theo dõi, ủng hộ chiến lược, chiến thuật tát cạn đầm lầy, sự an nguy của một lãnh đạo Mỹ cách xa Việt Nam hàng chục ngàn cây số…
Donald Trump đã thất bại ê chề trong mưu đồ xóa bỏ hiến pháp Mỹ bằng những chiêu trò bẩn thỉu, đê hèn sau ngày 03/11/2020 và cuộc đảo chánh không có quân đội ngày 06/01/2021 nhưng lại thành công trong việc giúp chế độ cộng sản VN dập tắt mầm mống, ý thức dân chủ, tự do, nhân quyền của dân tộc.
Thạch Đạt Lang
Nguồn : quyenduocbiet, 07/01/2021
-----------------------
(1) https://www.dailymail.co.uk/.../Washington-DC-hotel-Proud...
(2) https://www.thesun.co.uk/.../us-capitol-protest-donald.../
https://www.businessinsider.com/woman-shot-in-capitol...
(3) https://www.thesun.co.uk/.../us-capitol-protest-donald.../