Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/01/2021

Bạo loạn Điện Capitol : Nước Mỹ và thể chế dân chủ Mỹ bị hoen ố

Jonathan Marcus - Lê Trung Tĩnh

Bạo loạn Điện Capitol có ý nghĩa gì với chính sách đối ngoại của Mỹ ?

Jonathan Marcus, BBC, 11/01/2021

Nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài - và đặc biệt là các đồng minh của Washington - chắc hẳn đã theo dõi các sự kiện trong tuần này ở Đồi Capitol với sự sửng sốt lẫn kinh hãi.

baoloan1

Những cảnh tượng như thế này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ của Mỹ và hình ảnh của đất nước này trong mắt nước ngoài ?

Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg là một trong những người đầu tiên đưa ra phản ứng, viết dòng tweet "những cảnh gây sốc ở Washington DC. Kết quả của cuộc bầu cử dân chủ này cần phải được tôn trọng".

Ai có thể tưởng tượng dòng bình luận như vậy đến từ quan chức hàng đầu thuộc khối liên minh gửi đến cho quốc gia thành viên hàng đầu ? Đây là thứ mà bạn tưởng rằng ông Stoltenberg sẽ gửi đến Belarus hoặc Venezuela.

Sự kiện nói lên nhiều về vị thế của Washington trên trường thế giới sau nhiệm kỳ bốn năm tổng thống của Donald Trump.

Nước Mỹ đã suy yếu đi nhiều về tầm ảnh hưởng và quyền lực mềm.

Nước Mỹ đã rút khỏi các thỏa thuận kiểm soát vũ khí, thỏa thuận hạt nhân Iran và một hiệp định quan trọng về khí hậu. Nó cũng đã tìm cách giảm sự can dự quân sự ở nước ngoài trong khi cũng không có được đề xuất về những lựa chọn ngoại giao thay thế.

Ở một chừng mực nào đấy, các quốc gia như Israel, Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ đều tìm cách tự bảo vệ an ninh cho mình, vì ý thức rằng mối quan tâm của Tổng thống Mỹ chỉ có hạn. Trên thực tế thì Donald Trump có vẻ coi nhà lãnh đạo toàn trị là các vị chủ nhà mến khách hơn các vị nguyên thủ của nhiều nước dân chủ đồng minh.

Những động lực làm cho đất nước này trở thành hình mẫu cho những nhà có khát vọng dân chủ ở khắp mọi nơi đang bị hoen rỉ, những vết nứt của nó đều phơi bày cho tất cả mọi người trông thấy.

Hôm nay, như nhà phân tích Ian Bremmer nói : "Mỹ tới nay là quốc gia rối loạn chức năng chính trị nhất và chia rẽ nhất trong tất cả các quốc gia dân chủ công nghiệp phát triển trên thế giới".

Điều này quan trọng bởi lẽ trong những năm gần đây, hệ thống quốc tế rõ ràng đã chịu tổn hại bởi quyết định theo đuổi chính sách 'Nước Mỹ trên hết' của ông Trump. Những kẻ độc đoán đang diễn hành. Trung Quốc và Nga đều cảm thấy tầm ảnh hưởng của họ được đẩy mạnh trong những năm Trump nắm quyền. Các thiết chế của trật tự tự do - như Nato, Liên Hiệp Quốc và nhiều cơ quan của nó - phải đối mặt với các mức độ khủng hoảng khác nhau.

Các cuộc tấn công mạng và cái được gọi là hoạt động trong vùng xám - chỉ vừa chạm ngưỡng của chiến tranh - đang trở thành chuyện bình thường. Thế giới phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng kịch cấp bách như đại dịch và biến đổi khí hậu và dưới sự kiểm soát của ông Trump, Hoa Kỳ đơn giản là đã không thực hiện nghĩa vụ của một cường quốc.

Hãy làm rõ ở đây. Đây không phải là lời kêu gọi Mỹ chi phối thế giới. Thường thì chính sách ngoại giao bành trướng của Mỹ cũng mang đến nhiều rắc rối cùng lúc với giải pháp.

Nhưng chính sách an ninh và quốc phòng của Mỹ đang không ổn. Toàn bộ giàn khung của các thỏa thuận kiểm soát vũ khí kế thừa từ thời Chiến tranh Lạnh, từ hiệp ước INF (loại bỏ tên lửa tầm trung) cho đến Hiệp ước Bầu trời mở, đang sụp đổ.

Thực thế, một nỗ lực tối hậu nhằm gia hạn thỏa thuận cuối cùng về hạn chế kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ và Nga - hiệp ước Khởi đầu Mới - sẽ là một hạng mục ban đầu trong chương trình nghị sự của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Việc kiểm soát vũ khí ngày càng trở nên quan trọng khi các hệ thống vũ khí mới chết người như tên lửa siêu thanh tốc độ cao được phát triển, chưa kể đến việc quân sự hóa vũ trụ ngày càng tăng. Phương Tây phải đối mặt với sự trỗi dậy của một Trung Quốc quả quyết hơn và sự trở lại của một nước Nga hung hãn hơn. Vì vậy, sự tham gia, lãnh đạo của Hoa Kỳ, tùy bạn gọi, là điều cần thiết để bắt đầu vật lộn với các vấn đề liên quan.

Tất cả những điều này đặt ra nhiều vấn đề to lớn cho chính quyền sắp tới của Biden. Kẻ thù của Washington đang vui mừng sau cơn bão ở Điện Capitol.

Tổng thống mới lên nắm quyền vào lúc nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi sau đại dịch trong khi phản ứng của Mỹ trước Covid đang thất bại nặng nề với tỷ lệ tử vong lớn và việc không chắc chắn về hiệu quả của việc triển khai vaccine. Thật sự, đại dịch là một vấn đề mà Tổng thống Trump phần lớn đã bỏ mặc kể từ khi bại trận trong cuộc bầu cử.

Không ngạc nhiên khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tin rằng cuộc khủng hoảng đã chứng tỏ tính ưu việt của hệ thống của ông.

Nga có thể là một kẻ gây phiền toái hơn là một đối thủ chiến lược đối với Washington, nhưng các chiến dịch xuyên tạc thông tin và các hoạt động tin tặc vào giai đoạn cuối của thời đại Trump đã là một cái gì đó hoàn toàn mới về quy mô và tác động.

Joe Biden sẽ lèo lái một chính quyền nơi có nhiều cơ quan đang sử dụng các hệ thống máy tính vốn đã bị người Nga xâm nhập. Không ai biết chuyện xâm nhập đó sâu và lâu dài như thế nào.

Ngay cả trong số những người bạn của Mỹ, đường lối của chính quyền mới cũng khó có thể xuôi chèo mát mái. Tất nhiên, tân tổng thống sẽ được các đồng minh của Washington ở nước ngoài chào đón nồng nhiệt, đặc biệt là trong EU và các nhóm G7. Những nước như Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đang nhanh chóng thay đổi hoặc điều chỉnh lại các chính sách của họ, tìm cách tạo ra một cuộc đối thoại mới với đội ngũ của Biden.

Nhưng đừng trông đợi bất kỳ 'tuần trăng mật' nào sẽ kéo dài đối với chính quyền mới của Mỹ.

Ví dụ, sự chia rẽ trong liên minh Đại Tây Dương có thể được giải quyết khá nhanh chóng. Nhưng ông Biden sẽ đặt ra yêu cầu đối với các đối tác Châu Âu của mình giống như chính quyền Trump đã làm. Ông cũng sẽ muốn chi tiêu quốc phòng nhiều hơn và thêm vào đó là các chính sách phối hợp và cứng rắn đối với Iran, Trung Quốc và Nga.

Việc tạo ra các liên minh chính sách mới này sẽ không dễ dàng như thoạt nhìn. Hãy nhìn vào hiệp ước đầu tư gần đây giữa Liên minh Châu Âu và Bắc Kinh, là thứ mà nhiều người trong đội ngũ sắp cầm quyền của Biden hy vọng có thể trì hoãn lại. Họ hỏi, một thỏa thuận thương mại như vậy có thực sự là cách để đối phó với việc Trung Quốc đàn áp nền dân chủ ở Hong Kong, sự săn đuổi người Duy Ngô Nhĩ, hay hăm dọa về kinh tế nhắm vào Australia ? Đó thực sự không phải là một khởi đầu thuận lợi.

Những khác biệt về chính sách, quan hệ thương mại và khát vọng của chính Châu Âu về mức độ tự chủ mang tính chiến lược cao hơn đều sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ với Washington. Nhưng ngoài điều này, còn có một yếu tố lớn khác góp phần vào sự căng thẳng.

Tất cả đều rất tốt khi chính quyền Biden đặt việc xây dựng lại các liên minh ở vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính sách đối ngoại nhưng nhiều đồng minh không chắc rằng chủ nghĩa Trump đã ra đi vĩnh viễn.

Không đơn thuần chỉ là cú sốc trước cuộc tấn chiếm Tòa nhà Quốc hội Mỹ, họ lo sợ rằng ông Biden có thể chỉ là quãng ngắn được 4 năm, sau đó một hình thức mới của chủ nghĩa Trump có thể trở lại cầm quyền. Liệu một số đồng minh của Washington có đi nước đôi để phòng rủi ro ?

Đây là thời điểm mà chính sách đối nội của Hoa Kỳ có lẽ đã trở thành yếu tố chủ chốt nhất giúp định hướng cách tiếp cận với nước ngoài. Thật vậy, bạn thậm chí có thể nói rằng tất cả các chính sách hiện nay ở Mỹ của Biden đều là đối nội.

Điều này đúng theo hai ý nghĩa quan trọng. Việc xây dựng lại nền dân chủ Mỹ, làm cho nó thành một xã hội bình đẳng hơn và ít nóng bỏng hơn, là điều cần thiết để xây dựng lại "thương hiệu nước Mỹ" ở trường quốc tế. Chỉ khi các đồng minh (lẫn kẻ thù) của họ có thể chắc chắn rằng Mỹ thực sự đang trở lại trên một con đường khác và nhất quán thì họ mới có thể tin tưởng vào sự lãnh đạo của Washington trong tương lai.

Nhưng trọng tâm của chính sách đối nội này hoạt động theo cả hai cách. Nếu Tổng thống đắc cử Biden muốn thành công trên trường quốc tế, ông ấy cần cần phải chiến thắng ở trong cái đất nước đang chia rẽ của mình hiệu triệu họ cùng ủng hộ chính sách ngoại giao của ông.

Lấy Trung Quốc làm ví dụ. Ông Biden muốn cạnh tranh lẫn hợp tác với Bắc Kinh nếu cần thiết. Chính sách thương mại ở đây quan trọng hơn các dòng chảy chiến lược truyền thống - tàu chiến và căn cứ ở nước ngoài. Và nền tảng của một chính sách thương mại thành công đối với Trung Quốc chỉ có thể là thứ mà một người dân thường Mỹ cũng thấy là đang phục vụ lợi ích của họ, mang công ăn việc làm trở lại và một sân chơi bình đẳng trong thương mại.

Khôi phục tình trạng của quốc gia có thể là yếu tố quan trọng nhất làm cơ sở cho bất kỳ thành công nào mà ông Biden có thể đạt được ở nước ngoài.

Jonathan Marcus

Nguồn : BBC, 11/01/2021

Jonathan Marcus là cựu phóng viên ngoại giao và quốc phòng /của BBC

********************

Cơn bão Điện Capitol và niềm tin vào nền dân chủ Mỹ

Lê Trung Tĩnh, BBC, 11/01/2021

Tôi có một tình cảm khá bất công với nước Mỹ : tôi yêu nước Mỹ hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, ít nhất là gần bằng với Việt Nam nơi tôi sinh ra, Pháp hay Anh nơi tôi học tập, sinh sống và có con. Đến độ mà người bạn đón tôi tại sân bay Washington DC Dulles cách đây vài năm đã quá ngạc nhiên vì sự phấn khích của tôi khi đến Mỹ, một sự phấn khích không tưởng đối với một người đã sống gần một nửa thời gian ở nước ngoài.

baoloan2

Điện Capitol, trụ sở Quốc hội, là biểu tượng nền dân chủ độc đáo của Hoa Kỳ

Có thể tình cảm này là bởi vì khi còn nhỏ, hơn ba mươi năm trước, ở Việt Nam tôi đã tìm thấy trong nhà mình giữa nhiều cuốn sách có bìa mang hình những cái bắt tay của USAid với nền lá cờ Những ngôi Sao và Vạch.

Hoặc sau này khi tôi lớn lên, tôi đến thăm nghĩa trang của người Mỹ ở Normandy, Pháp nơi hàng chục nghìn người Mỹ đã chết để bảo vệ tự do cho Châu Âu và thế giới.

Chính với tình cảm này, tôi xem hình ảnh người dân tràn vào Điện Capitol gây ra cái chết của năm người với một nỗi buồn tột cùng. Mặc dù tôi đồng ý với việc lên án những hành vi này, nhưng tôi không chia sẻ những bình luận hạ nhục nước Mỹ và nền dân chủ của nước này, hay thậm chí một số người còn chế nhạo cái mà họ gọi là sự suy đồi của ngọn hải đăng của thế giới tự do.

Dân chủ không phải là 'đương nhiên'

Bỏ qua những lời nói từ những kẻ thù của thế giới tự do, có vẻ những người hiện giờ thất vọng về nước Mỹ phần nào đã coi dân chủ như một lẽ đương nhiên và đơn giản như một đặc ân, một món quà vĩnh cửu đặc biệt cho phương Tây, một đặc-tính-ngoại-hạng của phương Tây. Nên bỗng nhiên họ bị sốc vì hình ảnh của Mỹ và con người Mỹ không mỹ miều như mong đợi, phần nào là kết quả của sự lý tưởng hóa quá đáng một xã hội dân chủ. Hay mọi người có thể hơi quá coi trọng sự khác biệt của con người phương Tây để giải thích các đặc điểm dân chủ của xã hội phương Tây ?

Sống ở những quốc gia phương Tây trong nhiều năm, tôi phải thừa nhận rằng có rất ít sự khác biệt giữa người dân phương Đông và phương Tây nói chung. Khác với những gì tôi đã suy nghĩ, khi đến những đất nước phương Tây này, tôi phát hiện ra rằng cỏ cũng là cỏ, con người cũng là con người, với tất cả những thăng trầm, tốt và xấu, thông minh và ngu ngốc, ôn hòa và bạo lực. Tất cả con người chúng ta đều giống nhau và có nhiều vấn đề.

Phương Tây dân chủ hơn không phải vì người dân của họ khác hay vượt trội hơn phương Đông và, cụ thể trong trường hợp này, người Việt Nam. Họ không khôn ngoan hơn, văn minh hơn, hay về bản chất ít bạo lực hơn. Nếu có khác biệt thì họ dũng cảm hơn một chút, chỉ một chút thôi vì nhiều người cũng bắt buộc phải vậy chứ không phải tất cả đều tự nguyện, trong việc lựa chọn cách sống với nhau tốt hơn, công bằng hơn. Dân chủ là một sự lựa chọn.

Và sự lựa chọn sống cũng như tổ chức xã hội theo một lối sống dân chủ được điều hành bởi pháp quyền không phải là không có tai nạn, mà cơn bão Điện Capitol hôm qua là một ví dụ. Nhưng dầu đáng lên án đến đâu, đây là một tai nạn của lối sống can đảm chọn dân chủ thay vì chủ nghĩa độc tài.

Hãy tưởng tượng làm thế nào một cảnh tượng như vậy có thể xảy ra ở Trung Quốc, Nga, hoặc thậm chí Việt Nam, nơi mọi cuộc tụ họp chẳng hại ai cũng được giám sát, đừng nói đến các biểu tình, đình công và tất nhiên là không có chuyện gây bão cho bất kỳ Cung điện hay tòa nhà Quốc hội nào.

Thành thật mà nói, việc xông vào điện Capitol, dù mang nhiều tính biểu tượng, không phải là quá ấn tượng với tôi, một công dân Pháp, nơi mọi người biểu tình vài tuần một lần và môn thể thao quốc gia là phản đối, hầu hết đều rất mãnh liệt : bao gồm cả nhặt đá trên vỉa hè ở Champs Elysees ném vào cảnh sát, biến đường xá thành chiến hào, đốt ô tô, đập phá bất kỳ tác phẩm điêu khắc hàng nhiều trăm năm tuổi nào ở Khải Hoàn Môn. Tất cả nhằm chống lại bất kỳ chính phủ của bất kỳ tổng thống được bầu nào : từ tả sang hữu, hoặc thậm chí ở giữa.

Lên án những hành vi bạo lực này là một quyền. Lên án mà không cố gắng tìm hiểu gốc rễ của vấn đề là đơn giản phớt lờ thực tế, hoặc là một lựa chọn chính trị có chủ ý, và do đó cướp đi ở người dân cơ hội được lắng nghe, được hiểu lý do của hành vi của họ và thậm chí được thông cảm. Đúng, dù họ có vẻ xấu đi chăng nữa, những người này có quyền được hiểu, cũng như những người đã biểu tình vì Black Lives Matter. Tôi luôn nghĩ rằng việc chỉ lên án những hành vi bạo lực do một số thành viên BLM đơn độc gây ra cũng phần nào bóp nghẹt phong trào đòi hỏi quyền lợi hợp pháp và đúng đắn cho người da đen.

Lên án là một chuyện, tìm hiểu nguyên nhân và tìm ra giải pháp tận gốc càng quan trọng hơn. Thậm chí còn quan trọng hơn nhiều ở một đất nước như Hoa Kỳ, nơi chúng ta có những người sắc sảo nhất cùng chung một nồi nấu chảy, từ một Barack Obama nào đó mà tôi đọc được hai từ "be cool" và "đòn bẩy", đáng nhớ nhất trong "Những giấc mơ từ cha tôi" của ông.

Không biết ông Obama sử dụng đòn bẩy như thế nào trong cuộc đời chính trị của mình nhưng sự điềm tĩnh là đặc điểm rất đáng chú ý của ông. Và lại càng quan trọng khi nước Mỹ có một người mang tên Donald Trump, một nhân vật táo bạo mà chỉ một nền dân chủ như Mỹ mới có thể kiềm chế và...phát triển.

Tôi vẫn tin rằng nước Mỹ cùng nền dân chủ của mình vẫn luôn là nơi tốt nhất để cả hai nhân vật trên và nói rộng ra là cho tất cả chúng ta có thể cùng sống và mưu cầu hạnh phúc.

Lê Trung Tĩnh

Nguồn : BBC, 11/01/2021

Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh, công dân Pháp, hiện sống và làm việc tại Gloustershire, Anh Quốc. Bài viết đã đăng trên trang LivenGuide của tác giả.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Jonathan Marcus, Lê Trung Tĩnh
Read 701 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)