Lại nói về quyền tự do ngôn luận
Loan thảo, VNTB, 15/01/2021
Việt Nam không ‘bịt miệng’ người dân…
"Ở bất kỳ quốc gia pháp quyền nào, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận đi kèm với trách nhiệm và tôn trọng pháp luật của đất nước và quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức và xã hội.
Những điều này phù hợp với các công ước quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền mà Việt Nam là một bên, bao gồm Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) (Điều 193, 21 và 22.2). Việt Nam chỉ truy tố và đưa ra xét xử những người vi phạm pháp luật, chứ không phải những người thực hiện các quyền hợp pháp của họ đối với quyền tự do ngôn luận và hội họp. Việc tạm giam và xét xử vi phạm pháp luật được thực hiện theo quy trình pháp luật Việt Nam".
Đoạn trích ở trên nằm bản dịch Việt ngữ về phúc đáp của chính phủ Việt Nam đề ngày 28/12/2020, đối với thư chất vấn của Cao Uỷ Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, về các nhà báo thuộc Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, cùng Phạm Đoan Trang và Hồ Sỹ Quyết.
Câu văn thể khẳng định : "Việt Nam chỉ truy tố và đưa ra xét xử những người vi phạm pháp luật, chứ không phải những người thực hiện các quyền hợp pháp của họ đối với quyền tự do ngôn luận và hội họp", được hiểu như thế nào trong điều kiện ở vế trước đó : "Ở bất kỳ quốc gia pháp quyền nào, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận đi kèm với trách nhiệm và tôn trọng pháp luật của đất nước và quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức và xã hội" ?
Các cụm từ cáo buộc về hành vi nêu tại Điều 117, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) : "tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân" – "tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân" – "tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý".
Cả 3 hành vi kể trên đều dùng chung một phương tiện gọi là "tuyên truyền thông tin". Vậy, "tuyên truyền thông tin" là gì ? Nó có đồng cách hiểu về công tác tuyên truyền của cơ quan Tuyên giáo Đảng ?
Theo cách hiểu của cơ quan tuyên huấn, công tác tuyên truyền, từ góc độ của khoa học chính trị, nhất là chính trị học, là hình thức hoạt động quan trọng và cần thiết của một đảng chính trị nhằm thực hiện nhiệm vụ giành, giữ và thực thi quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước. Trong điều kiện Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, công tác tuyên truyền của Đảng không chỉ là phương thức truyền bá hệ tư tưởng chính trị, làm cho hệ tư tưởng của giai cấp công nhân trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; mà còn trở thành phương thức cầm quyền của Đảng.
Theo bài viết "Tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn cho công tác dân vận hiện nay", tác giả Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, đăng trên Tạp chí Dân vận số tháng 10/2019, thì định nghĩa về tuyên truyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng : "Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại". Cán bộ tuyên truyền cần xác định rõ ràng nội dung, đối tượng, mục đích và phương pháp : "Tuyên truyền cái gì ? Tuyên truyền cho ai ? Tuyên truyền để làm gì ? Tuyên truyền cách thế nào ?".
Thế nhưng quyền tự do ngôn luận của người dân lại không phải là câu chuyện của cách hiểu "tuyên truyền" của "dân vận".
Những bài viết được cho là "phỉ báng chính quyền nhân dân" – "nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân" – "tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý" đều không phải trong phạm trù của "tuyên truyền – dân vận", nên cần thiết có cách hiểu phù hợp về thế nào là phỉ báng, là bịa đặt, và thế nào là mức độ đưa đến chiến tranh tâm lý ?
Tất cả các vấn đề nêu trên, rất tiếc, chưa tìm thấy về điều khoản nào trong hệ thống văn bản pháp quy hiện hành có các yêu cầu chế tài liên quan về quyền tự do ngôn luận.
Giả dụ như các bài báo đều nhằm đả kích các chính sách của Đảng, thì không thể suy diễn là vì Đảng lãnh đạo toàn diện, nên đả kích chính sách của Đảng là gián tiếp đả kích chính quyền.
Rõ ràng quyền đả kích ở đây thuộc một điều khoản Hiến định tại Điều 4.2, rằng Đảng chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Khi Đảng bị đả kích, Đảng cần đối thoại qua yêu cầu của tuyên truyền dân vận. Đảng không thể dùng quyền lực chuyên chế để cho rằng đó là nhằm chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa, rồi bịt miệng các tiếng nói được gọi là phản biện trái chiều !
Loan Thảo
Nguồn : VNTB, 15/01/2021
***********************
Mạng xã hội loại Donald Trump : Con dao hai lưỡi
Anh Vũ, RFI, 13/01/2021
Việc các công ty công nghệ kỹ thuật số gạt tổng thống Mỹ và nhiều người ủng hộ ông ra khỏi các mạng xã hội sau vụ tấn công đồi Capitol đã được hoan nghênh rộng rãi. Tuy nhiên nhiều câu hỏi lớn cũng đang được đặt ra xung quanh ảnh hưởng của những người khổng lồ của Thung lũng Silicon vào đời sống chính trị và các quyền tự do.
Cuối tuần qua, một loạt các ứng dụng công nghệ số Twitter, Facebook, Snapchat, YouTube, Instagram, TikTok và Twich lần lượt quyết định loại tổng thống Mỹ ra khỏi các nền tảng của họ, kể cả cấm cửa vĩnh viễn. Họ cho rằng các thông điệp của tổng thống, nhất là trên Twitter, có nội dung kích động những người ủng hộ trung thành tràn vào tòa nhà Quốc hội trên Đồi Capitol hôm 6 tháng Giêng vừa qua.
Các trừng phạt của những tập đoàn kkổng lồ công nghệ số không chỉ nhằm vào Donald Trump mà nhiều cử tri của tổng thống mãn nhiệm cũng đã trở thành những khách hàng không được chào đón của không gian mạng. Reddit và chat Discord đã dẹp bỏ những diễn đàn thảo luận của những người theo Trump một cách cực đoan hô hào làm cách mạng và phản đối bằng mọi giá kết quả bầu cử tổng thống hôm 03/11.
Các nhà cung cấp dịch vụ mạng còn đi xa hơn, xóa sổ các ứng dụng như Parler hay alt-Twitter trên các phần tải ứng dụng cho các loại điện thoại thông minh iPhone hay sử dụng phần mềm Android.
Cuộc thanh lọc lớn trên mạng được dư luận Mỹ đón nhận như vừa trút được gánh nặng. Như vậy mối quan hệ "độc hại giữa Trump và mạng xã hội cuối cùng đã kết thúc", như kênh truyền hình CNN bày tỏ hôm thứ Bảy 09/01. Thậm chí nhà bình luận về công nghệ Mỹ Nick Bilton trên tạp chí Vanity Fair còn cho rằng cuộc tảy rửa mạng xã hội này "tới hơi muộn".
Ngoài tính chất cơ hội của các quyết định trên, cuộc tấn công chớp nhoáng của các ông lớn Gafam (Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsft) nhằm vào phe của Trump cũng nảy ra "những câu hỏi thực sự về chính sách điều hành của các nền tảng trên và quyền lực thực sự mà các ông lớn công nghệ số tác động trong tranh luận công chúng", Konstantinos Komatis, giám đốc về chiến lược của Internet Society, một tổ chức phi chính phủ Mỹ chuyên xúc tiến phát triển interne, nhấn mạnh.
Quyền sinh quyền sát của công nghệ số
Việc Twitter và Facebook đóng các tài khoản của Donald Trump đã khiến ông mất tiếng. Người ta có thể vui mừng với điều đó, như tờ báo New York Time đã viết : "ngày cuối tuần đi qua không bị tràn ngập tweet của tổng thống thực sự dễ thở".
Nhưng có điều đó cũng là một bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy giờ đây "các loại hình truyền thông có quyền thúc đẩy hay hạn chế một tác nhân chính trị trong môi trường công chúng", theo nhận xét của Lena Frischlich, chuyên gia về sức chống chịu dân chủ trong kỷ nguyên tuyên truyền của kỹ thuật số, thuộc đại học Munster (Đức) khi được France 24 phỏng vấn.
Quyền sinh quyền sát đối với phát ngôn của các lãnh đạo do các truyền thông xã hội định đoạt vẫn luôn tồn tại, nhưng thường không cảm nhận thấy.
Bởi vì các mạng xã hội Facebook và Twitter luôn tự cho mình là những nhà vô địch về tự do ngôn luận. Họ thà bị tố là buông lỏng còn hơn là bị quy kết là người kiểm duyệt, trang mạng Silicon Republic ghi nhận trên một diễn đàn có tiêu đề : "Cấm Trump không phải là điều gì đáng hân hoan".
Giờ đây các mạng xã hội này quay sang nhằm vào nhân vật lớn như Donald Trump, thì người ta không thể "thờ ơ trước quyền lực ảnh hưởng của các Gafam đối với đời sống chính trị", trên France 24, Frans Imbert-Vier, tổng giám đốc UBCOM, văn phòng chuyên các vấn đề bảo mật kỹ thuật số của Thụy Sĩ, nhấn mạnh. Bởi vì hành động kiểm duyệt đó là đơn phương không có cơ hội khiếu nại. Theo ông Frans Imbert-Vier thì đây chính là nút thắt của vấn đề : "Thẩm phán mới là người có quyền quyết định ai được nói và ai phải im miệng tùy theo luật pháp hiện hành. Nếu Twitter và Facebook phải chờ quyết định của tư pháp mới hành động thì không có vấn đề gì. Nhưng ở đây hệ thống dân chủ đã bị đảo lộn hoàn toàn bởi các nền tảng đó lại tự phong cho mình đặc quyền nhà vua, hạn chế tự do ngôn luận không chịu sự kiểm soát nào".
Quả thực, các nhà mạng làm việc đó trong khuôn viên riêng của họ. Trên lý thuyết, các mạng cung cấp các dịch vụ thuộc các thực thể tư nhân, tự do ấn định các quy định điều chỉnh. Chính vì thế mà theo Konstantinos Komatis, được trích dẫn ở trên, thì quyết định của Amazon cắt nguồn với Parler còn đáng phê phán hơn vì vai trò của Amazon, về cơ bản là cung cấp dịch vụ, việc không hề có liên quan gì đến điều chỉnh nội dung".
Trong trường hợp của các mạng xã hội, ngày càng trở nên khó để bảo vệ quyền tự mình làm cảnh sát khi mà rất nhiều thông điệp được các quan chức chính trị đưa lên mạng có tác động lớn đối với đời sống thực.
Các nhà chính trị gieo nhân nào gặt quả đấy
Ông Frans Imbert-Vier khẳng định như thế là "các nhà chính trị đang gặt những gì mà họ đã gieo". Theo chuyên gia này, người Mỹ trong những năm 2000 đã để cho các cơ sở như thế lớn lên để bây giờ thoát khỏi sự kiểm soát của họ, bởi các nhà chính trị cho rằng đó là những công cụ hoàn hảo để khuếch trương thông điệp của họ và rằng không được có những quy định nào với các mạng xã hội.
Khi Mùa Xuân Ả rập nổ ra, họ nhận ra rằng các vũ khí tuyên truyền đó có thể quay lại chống chính các nhà lãnh đạo, nhưng "đã quá muộn để lùi lại rồi", Frans Imbert-Vier nhận định và cho rằng các nền tảng truyền thông đó đã có ảnh hưởng quá lớn trên quy mô toàn cầu và nguy cơ bị tấn công đã trở nên qua lớn đối với phần đông các quan chức chính trị.
Đôi khi, như trường hợp của Donald Trump, các nền tảng đó cũng có những quyết định làm hài lòng số đông hơn. " Nhưng sẽ ra sao nếu có ngày họ quyết định kiểm duyệt cả quan chức chính trị nào đó ít gây tranh cãi hơn ?", nhà đối lập Nga Alexei Navalny tự hỏi trên Twitter. Là người chỉ trích mạnh mẽ quyết định loại tổng thống Mỹ ra khỏi các mạng xã hội, nhà hoạt động Nga cho rằng "tiền lệ này sẽ có tác động sâu bởi nó sẽ được các kẻ thù của tự do ngôn luận khắp nơi trên thế giới khai thác. Mỗi khi muốn khóa miệng ai, như ở Nga chẳng hạn, người ta chỉ cần giải thích rằng Twitter cũng đã làm điều đó với Donal Trump".
(Theo France24.com)
Anh Vũ tóm lược
Nguồn : RFI, 13/01/2021
*******************
Google, Apple và Amazon ngăn chặn mạng xã hội Parler bị cho là nguy hiểm
Trọng Nghĩa, RFI, 11/01/2021
Ba đại tập đoàn internet trong nhóm GAFA đã quyết định đình chỉ mạng xã hội Parler vì đã không ngăn chặn các bình luận bị cho là nguy hiểm. Ngay hôm 09/01/2021, Google đã xóa ứng dụng này ra khỏi kho ứng dụng Play Store của mình. Vài giờ sau, đến lượt Apple cấm Parler trên kho AppStore. Cũng như vậy, tập đoàn khổng lồ bán hàng trực tuyến Amazon, cũng đã loan báo đóng cửa tài khoản Parler kể từ hôm nay, 11/01.
Được thành lập vào năm 2018 như một giải pháp thay thế cho các mạng xã hội chính thống, Parler luôn chứng tỏ là họ tự do hơn các mạng truyền thống. Thế nhưng, trong thời gian gần đây, mạng này đã thu hút giới ủng hộ nhiệt thành nhất của ông Donald Trump, trong đó có cả những thành phần cực đoan và chạy theo những loại thuyết âm mưu không một chút ôn hòa.
Mối đe dọa của các hoạt động bất hợp pháp
Ba tập đoàn khổng lồ của Silicon Valley đã biện minh cho việc trừng phạt của họ là do "sự gia tăng" của "các mối đe dọa bạo lực và các hoạt động bất hợp pháp" đối với Parler. Ban đầu được đánh giá cao trong giới cực hữu, Parler đã mở rộng đối tượng của mình trong những tháng gần đây khi Twitter và Facebook bị phe bảo thủ buộc tội kiểm duyệt và thiên vị đảng Dân chủ.
Ứng dụng này vào tháng 11 đã có 4 triệu người sử dụng tích cực, đã đứng đầu về lượt tải xuống vào thứ Sáu, 06/01, tại Hoa Kỳ.
Google, Apple và Amazon cáo buộc mạng xã hội Parler không biết cách xử lý những lời lẽ nguy hiểm, chẳng hạn như lời kêu gọi sát hại phó tổng thống Mike Pence. Một số người sử dụng cũng đã chuẩn bị hoặc kích động cuộc tấn công vào điện Capitol từ mạng xã hội này.
Trọng Nghĩa
********************
Việc Twitter xóa tài khoản của Donald Trump gây tranh luận mạnh mẽ
Trọng Thành, RFI, 10/01/2021
Việc mạng xã hội Twitter đóng cửa vĩnh viễn tài khoản của tổng thống mãn nhiệm Hoa Kỳ Donald Trump hôm 08/01/2021, sau vụ người biểu tình ủng hộ ông Trump tràn vào nhà Quốc hội Mỹ, gây nhiều tranh luận tại Mỹ cũng như tại Pháp. Những người chỉ trích lo ngại tự do ngôn luận bị xâm phạm nhân danh chống bạo lực.
Theo AFP, hôm 09/01/2021 hàng loạt nhân vật thân cận với tổng thống mãn nhiệm Donald Trump đã lên tiếng phản đối, trong đó có ngoại trưởng Mike Pompeo, luật sư riêng của ông Trump, ông Rudy Giuliani, con trai cả của ông Trump, Donald Trump Jr. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa có nhiều ảnh hưởng, ông Ted Cruz, cho rằng quyết định trên của Twitter, là "võ đoán và hết sức nguy hiểm". Ông Ted Cruz đặt câu hỏi : "Tại sao một vài tỉ phú ở thung lũng Sillicon lại có được độc quyền kiểm soát các phát biểu về chính trị ?".
Tại Pháp, quyết định xóa bỏ tài khoản của ông Trump trên Twitter cũng bị nhiều chính trị gia phản đối, trong đó có chính trị gia phong trào cực tả Nước Pháp Bất Khuất Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen, cũng như nghị sĩ đảng cầm quyền Cộng hòa Tiến Bước LREM Aurore Bergé. Theo dân biểu LREM, bà Aurore Bergé, "ta có thể chống lại Trump và tình trạng hỗn loạn mà ông ta đã gây ra, nhưng không nên vui mừng với việc các tập đoàn tin học GAFA đơn phương ra quyết định về việc này, mà không chịu sự giám sát của tư pháp, cũng như không để ngỏ cho khả năng khiếu nại".
Cần xác lập các phương thức "giám sát dân chủ"
Về phần bộ trưởng phụ trách Kỹ thuật số của chính quyền Pháp, ông Cédric O, khẳng định việc đình chỉ vĩnh viễn tài khoản trên Twitter của tổng thống Mỹ Donald Trump là điều hoàn toàn có thể biện minh được, với tư cách một biện pháp "phòng ngừa khẩn cấp", nhưng quyết định này cũng "đặt ra nhiều vấn đề mang tính nguyên tắc", liên quan đến việc "điều tiết các phát biểu tại các không gian công cộng trên mạng".
Theo bộ trưởng phụ trách Kỹ thuật số của Pháp, để điều tiết các phát ngôn tại các không gian công cộng, như mạng xã hội Twitter, liên quan đến hàng tỉ người sử dụng, hành động một cách đơn phương, võ đoán như quyết định vừa qua của Twitter rõ ràng là "thiếu dân chủ". Trong tương lai, cần phải "thiết lập các phương thức giám sát dân chủ" đối với các mạng xã hội, bên ngoài quy định chống lại việc "truyền bá thù hận trên mạng" hiện nay.
Trọng Thành
**********************
Khi Twitter cấm ông Trump : Vị trí của mạng xã hội
BBC, 10/01/2021
Việc các mạng xã hội Twitter, Facebook và Instagram áp lệnh cấm đối với tài khoản của ông Donald Trump làm dấy lên câu hỏi lớn về việc mạng xã hội cần phải được kiểm soát như thế nào, Bộ trưởng Y tế của Anh, Matt Hancock nói.
Twitter cấm vĩnh viễn tài khoản @realDonaldTrump của ông Trump hôm thứ Bảy
Các công ty trên đã có hành động sau khi những người ủng hộ Tổng thống Hoa Kỳ xông vào Điện Capitol ở thủ đô Washington DC hôm thứ Tư.
Bộ trưởng Y tế Anh nói rằng việc khóa tài khoản cho thấy nay các mạng xã hội đang có "những quyết định về đường lối biên tập tin tức".
Các nhà vận động thì muốn mạng xã hội được coi là các "nhà xuất bản" thay vì là các "nền tảng", có nghĩa là các mạng xã hội cần phải chịu kiểm soát nhiều hơn.
Nhưng những người phản đối thì nói làm vậy là đồng nghĩa với việc khiến cho chính phủ các nước rộng tay hạn chế quyền tranh luận.
Tổng thống Trump hiện đang đối diện với việc bị luận tội ; Đảng Dân chủ cáo buộc vị tổng thống thuộc phe Cộng hòa này là đã kích động bạo lực ở Washington, sự kiện khiến cho năm người thiệt mạng.
Twitter đã cấm vĩnh viễn tài khoản riêng của ông Tổng thống, @realDonaldTrump, vào hôm thứ Bảy và nhắc tới "nguy cơ có thêm việc kích động bạo lực".
Tuy nhiên, ông Trump gọi đây là hành động tấn công vào quyền tự do ngôn luận, và nói ông sẽ cân nhắc tới việc "xây dựng một nền tảng riêng của chúng tôi trong tương lai".
Lựa chọn tiếng nói
Đã có cuộc tranh luận kéo dài từ lâu về việc liệu các công ty vận hành mạng xã hội theo luật có cần phải được coi như các nhà xuất bản hay không. Nếu có, các mạng xã hội sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc xử lý nội dung do người dùng đăng tải có liên quan tới việc phỉ báng, phân biệt đối xử, thông tin sai hoặc kích động chống đối.
Ông Hancock, người từng giữ chức bộ trưởng văn hóa Anh, nói trong chương trình Andrew Marr của kênh truyền hình BBC One : "Những cảnh rõ ràng diễn ra do sự khuyến khích của Tổng thống Trump - những cảnh xảy ra tại Điện Capitol - là thật kinh khủng, và tôi rất buồn khi phải chứng kiến điều đó, bởi nền dân chủ Mỹ một điều đáng tự hào.
"Nhưng đã có những thứ thay đổi, đó là các nền tảng mạng xã hội đang đưa ra những quyết định có tính chất định hướng biên tập. Điều đó có nghĩa là họ đang lựa chọn ai là người được nói và ai là người không được phép lên tiếng trên các nền tảng của họ".
Ông Hancock nói rằng diễn biến như vậy nhiều khả năng sẽ tạo ra "những hậu quả".
Trước đó, khi được hỏi về quyết định của Twitter trong việc đóng tài khoản của ông Trump, ông Hancock nói với hãng tin Sky News : "Tôi cho rằng điều này làm dấy lên một câu hỏi vô cùng quan trọng, đó là các nền tảng truyền thông xã hội nay đang đưa ra các quyết định về mặt biên tập.
"Và đó là một câu hỏi rất lớn, bởi nó làm dấy lên những câu hỏi về các đánh giá mang tính chất đường lối biên tập của họ và cách mà họ cần phải chịu các quy định quản lý, kiểm soát".
Twitter đã cấm tài khoản của ông Trump sau khi liên tục tăng cường cảnh báo đối với các post của ông nói về đại dịch Covid-19 và về kết quả kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.
Trong một bài blog đăng hôm thứ Sáu, công ty nói rằng lợi ích công chúng mà Twitter muốn hướng tới là nhằm để công chúng được trực tiếp lắng nghe từ các quan chức được bầu và từ các nhà lãnh đạo thế giới.
Hãng nói thêm : "Tuy nhiên, chúng tôi phải nói rõ rằng nhìn lại những năm qua, các tài khoản này không đứng trên được các quy định của chúng tôi, và không thể sử dụng Twitter để kích động bạo lực. Chúng tôi sẽ tiếp tục minh bạch về chính sách của mình và về việc thực thi các chính sách đó".
Facebook và Instagram cấm tài khoản của ông Trump "vô thời hạn" từ hôm thứ Năm.
CEO của Facebook Mark Zuckerberg nói rằng lệnh cấm này sẽ không được dỡ bỏ ít nhất là cho tới ngày 20/1, là lúc ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức để trở thành tân Tổng thống Hoa Kỳ.
Nguồn : BBC, 10/01/2021