Điều tra của WHO về virus Covid-19 : Thái độ bất hợp tác của Trung Quốc
Thanh Phương, RFI, 12/01/2021
Mặc dù Trung Quốc cuối cùng đã để cho một phái đoàn các nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO ) đến nước này để điều tra về nguồn gốc của virus corona gây bệnh Covid-19, nhưng trên thực tế, chính quyền Bắc Kinh đã liên tục gây khó dễ cho phái đoàn điều tra.
Từ mùa xuân năm ngoái, WHO đã yêu cầu được đến Trung Quốc để điều tra, nhưng mãi đến thứ Năm 14/01/2021, một phái đoàn gồm 10 nhà khoa học quốc tế mới được phép đến nước này. Nhiệm vụ của họ chỉ là cố gắng truy tìm nguồn gốc của virus để hiểu được là nó đã lây sang người như thế nào.
Không nhằm tìm "thủ phạm"
Việc truy tìm nguồn gốc của virus rất quan trọng để giúp ngăn ngăn chận sự bùng phát của một đại dịch mới, đồng thời giúp cho thế giới đề ra những biện pháp phòng ngừa đối với loài súc vật này hay súc vật kia, cấm săn bắt, chăn nuôi chúng và tránh sự tiếp xúc giữa chúng với con người. Phần lớn công việc của các nhà khoa học sẽ là xác định "mắc xích còn thiếu" đã giúp cho virus SARS-CoV-2 từ một loài dơi lây lan sang người. Nhưng các thành viên của phái đoàn cũng tuyên bố là họ sẽ nghiên cứu mọi giả thuyết, tức là gián tiếp không loại trừ khả năng virus đã thoát ra từ một trong những phòng thí nghiệm virus học ở Vũ Hán.
Hôm qua, giám đốc đặc trách các vấn đề khẩn cấp y tế của WHO Michael Ryan đã nhấn mạnh mục tiêu của phái đoàn điều tra không phải là nhằm tìm ra "thủ phạm", tức là không nhằm cáo buộc bất cứ định chế nào hay bất cứ quốc gia nào. Nhưng chính quyền Bắc Kinh vẫn cứ lo ngại là trách nhiệm của họ trong việc để đại dịch lây lan ra toàn cầu sẽ bị phơi bày ra trước thế giới.
Vấn đề, là thời gian càng trôi qua, Trung Quốc càng không chấp nhận bị xem là quốc gia mà từ đó virus xuất phát. Chính vì có suy nghĩ như vậy cho nên Bắc Kinh đã tìm đủ mọi cách để cản trở công việc của phái đoàn các nhà khoa học quốc tế.
Gây khó khăn ngay từ đầu
Để chuẩn bị cho chuyến đi của phái đoàn điều tra quốc tế, mùa hè vừa qua, một nhà dịch tễ học và một chuyên gia y tế động vật đã đến Trung Quốc. Từ thời điểm đó, 10 chuyên gia của phái đoàn điều tra đã có thể họp qua mạng với các nhà khoa học Trung Quốc. Tuy nhiên, theo báo Le Monde, ngay từ đầu, đã có những cuộc mặc cả gay go giữa Trung Quốc với WHO về việc thành lập phái đoàn chuyên gia điều tra. Phái đoàn này gồm 10 chuyên gia có uy tín trong các lĩnh vực của họ, đến từ các nước Đan Mạch, Anh Quốc, Úc, Nga, Đức, Hoa Kỳ, Qatar, Nhật Bản và Việt Nam. Nhà khoa học Việt Nam tham gia phái đoàn là ông Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về sức khỏe cộng đồng. Ngay cả sau khi đã thống nhất với nhau về thành phần của phái đoàn điều tra, ngày giờ chuyến đi của phái đoàn điều tra đã không được xác định rõ ràng. Ban đầu WHO chỉ thông báo là chuyến đi sẽ diễn ra "vào tuần lễ đầu của tháng 01/2021". Chuyến đi theo lẽ đã bắt đầu từ thứ Tư tuần trước, nhưng vào giờ phút chót, nhiều thành viên phái đoàn mới biết là họ vẫn chưa được cấp thị thực nhập cảnh Trung Quốc. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm đó đã biện minh rằng sự trễ nải chỉ là vấn đề hành chánh : "Việc truy tìm nguồn gốc là rất phức tạp. Để bảo đảm cho công việc của nhóm chuyên gia quốc tế được suôn sẻ, cần phải tuân thủ các thủ tục cần thiết và cần có những sắp xếp đặc biệt. Hiện giờ, hai bên đang thương lượng về vấn đề này".
Lãnh đạo của WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, vốn vẫn bị chỉ trích là quá thân thiện với Bắc Kinh, lúc đó đã không giấu được vẻ bực bội : "Tôi rất thất vọng về thông tin này, bởi vì hai thành viên của phái đoàn đã bắt đầu đi, những thành viên khác vào giờ chót lại không thể đi được".
Nay thì vấn đề đã được giải quyết xong và bộ Y Tế Trung Quốc hôm qua vừa thông báo là các nhà điều tra của WHO sẽ đến Trung Quốc vào thứ Năm tuần này và phái đoàn sẽ "tiến hành các cuộc nghiên cứu chung với các nhà khoa học Trung Quốc về nguồn gốc của virus". Nhưng Bắc Kinh vẫn không cho biết chi tiết về diễn tiến của cuộc điều tra.
Khuôn khổ hoạt động hạn chế
Người ta chỉ được biết là chuyến đi của các nhà khoa học quốc tế sẽ kéo dài từ 5 đến 6 tuần, trước hết là sẽ đến thành phố Vũ Hán, thành phố đầu tiên trên thế giới bị cách ly từ ngày 13/01/2020 và cũng là nơi có ca tử vong đầu tiên do Covid-19 được thông báo cách đây một năm, ngày 11/01/2020. Vấn đề là khi đặt chân đến lãnh thổ Trung Quốc, phái đoàn của WHO sẽ bị cách ly 2 tuần ! Đi chỉ có mấy tuần, mà lại mất 2 tuần cách ly, thì thời gian sẽ quá hạn hẹp để các nhà khoa học có thể truy tìm cặn kẽ nguồn gốc của dịch bệnh. Họ phải đợi đến cuối tháng mới đến được Vũ Hán, thành phố bị nghi là nơi xuất phát virus gây bệnh Covid-19. Hiện chưa biết là họ có được phép đi vào chợ buôn bán súc vật ở Vũ Hán, nơi từng là tâm điểm của đại dịch. Chợ này đã bị đóng cửa, được tẩy trùng và nay đã bị bít kín hoàn toàn.
Các nhà khoa học vẫn nghĩ rằng vật chủ nguyên thủy của virus gây bệnh Covid-19 là loài dơi, nhưng họ chưa biết con vật trung gian nào đã truyền virus sang người. Nhưng do Trung Quốc đã đợi đến nay mới cho phép các nhà khoa học quốc tế đến tiến hành điều tra độc lập, những dấu vết đầu tiên rất có thể sẽ không còn nữa.
Ấy là chưa kể khi thương lượng về việc thành lập phái đoàn, phía Bắc Kinh đã buộc được WHO nhượng bộ về khuôn khổ hoạt động của các nhà điều tra. Đặc biệt, thỏa thuận giữa Trung Quốc và tổ chức của LHQ có ghi rõ là cuộc điều tra của các nhà khoa học quốc tế "sẽ dựa trên những thông tin đang có và sẽ bổ sung các thông tin đó, hơn là làm trùng với với các nỗ lực hiện có". Nói cách khác, các nhà điều tra của WHO phải dựa trên, ít ra là một phần, các kết quả điều tra của phía Trung Quốc, chứ không được tự họ tiến hành một số phân tích. Họ sẽ làm việc trên các mẫu do các nhà khoa học Trung Quốc cung cấp.
Virus là từ bên ngoài vào ?
Không biết các chuyên gia quốc tế sẽ điều tra như thế nào trong lúc mà nước chủ nhà vẫn khẳng định họ không có liên can gì đến nguồn gốc đại dịch ! Trả lời phỏng vấn trên báo chí chính thức ngày 02/01/2021, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã khẳng định rằng "ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy là đại dịch rất có thể là do những phát tán riêng lẻ từ nhiều nơi trên thế giới". Nói cách khác, thay vì nhìn nhận đã chậm trễ trong việc thông báo các ca nhiễm đầu tiên vào tháng 12/2019 và trong việc chính thức nhìn nhận virus có thể lây từ người sang người vào tháng 1/2020, Bắc Kinh kể từ nay để cho hiểu là virus gây bệnh Covid-19 là đến từ nơi khác và chính họ đã báo động cho thế giới về đại dịch này ! Báo chí chính thức gần đây còn đua nhau khẳng định virus có thể đã nhập vào Trung Quốc qua bao bì các thực phẩm đông lạnh. Trong khi đó, các công trình nghiên cứu của thế giới đã cho thấy là mọi loại virus corona đang lan truyền hiện nay trên thế giới đều có nguồn gốc từ virus xuất hiện vào tháng 09/2019 ở Vũ Hán.
Bên cạnh đó, chế độ Bắc Kinh cũng đã lợi dụng khủng hoảng Covid để củng cố quyền lực của họ, đồng thời trấn áp những tiếng nói chỉ trích.
Cuối tháng 12 vừa qua, các lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc đã tự khen ngợi họ về thành công trong việc kềm chế dịch Covid-19, khẳng định đó là nhờ "vai trò quyết định" của Đảng. Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh đã bắt giữ và kết án tù ít nhất 8 người dám chỉ trích chính sách của chính phủ vào lúc khởi đầu dịch Covid-19. Trường hợp mới nhất là nhà báo công dân Trương Triển đã lãnh án 4 năm tù vào cuối tháng 12 vì đã đăng trên mạng các bài tường thuật về tình hình dịch Covid-19 tại Vũ Hán trong những ngày đầu.
Trong bối cảnh như vậy, theo lời một thành viên của phái đoàn, chuyên gia về bệnh động vật truyền sang người Fabian Leendertz, thuộc Viện Robert Koch của Đức, không nên chờ đợi là chuyến đi đầu tiên của phái đoàn điều tra trong tháng 1 sẽ đạt được ngay các kết quả cụ thể. Nhưng ông hy vọng phái đoàn sẽ có thể trở lại Trung Quốc với một "kế hoạch cụ thể" cho giai đoạn 2 của cuộc điều tra.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 12/01/2021
************************
Covid-19 : Một năm sau khi bùng lên ở Vũ Hán, Trung Quốc, nguồn gốc virus vẫn chưa rõ ràng
Trọng Nghĩa, RFI, 11/01/2021
Hôm 11/01/2021 là đúng một năm ngày ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 chính thức được ghi nhận tại Vũ Hán (Trung Quốc). Từ ngày 11/01/2020 đến nay, con virus corona chủng mới, với tên khoa học là SARS CoV2, đã lây lan ra toàn thế giới, giết chết hơn 1,9 triệu người.
Theo thống kê của hãng tin Anh Reuters, trên toàn thế giới, số ca nhiễm đã vượt qua mốc 90 triệu người vào hôm nay. Theo khu vực, Châu Âu là nơi bị nặng nhất với 25 triệu ca vượt qua hồi tuần trước, theo sau là Bắc Mỹ (22,4 triệu) và Châu Mỹ Latinh (16,3 triệu).
Tính theo quốc gia, dựa trên số liệu của Đại Học Mỹ Johns Hopkins, nước Mỹ đi đầu với hơn 22 triệu ca nhiễm, tiếp theo là Ấn Độ với hơn 10 triệu ca, và Brazil với hơn 8 triệu. Nga đứng thứ tự với gần 3,4 triệu, theo sau là Anh với hơn 3 triệu.
Bi thảm hơn là số người chết vì Covid-19, đã vượt mức 1,9 triệu nạn nhân, và đang chạm gần đến mốc biểu tượng 2 triệu người. Hoa Kỳ cũng là nước có số tử vong cao nhất (374.784), tiếp theo là Brazil (203.100), Ấn Độ (151.160), Mêhicô (133.706) và Vương quốc Anh (81.561).
Điều đáng nói là cho đến giờ, nguồn gốc chính xác của con virus corona chủng mới vẫn chưa được biết rõ.
Đặc phái viên RFI Stéphane Lagarde đã đến Vũ Hán và thử tìm hiểu xem người dân thành phố này biết gì về nguồn gốc của con virus mà nhiều người gọi là virus Vũ Hán :
Chung quanh khu chợ là những bức tường xanh, dưới một chiếc lều bạt ở ngã tư có một viên cảnh sát canh gác : Một năm sau khi đại dịch bắt đầu, chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán vẫn không được mở ra cho công chúng. Trong một chiếc áo khoác màu cam dạ quang, một nữ công nhân làm đường 56 tuổi khẳng định rằng : "đã gần một năm rồi, không còn virus ở chợ này nữa. Họ đã dọn dẹp mọi thứ. Không có cửa hàng nào được mở cửa. Mọi thứ đều đóng cửa, đều được xây tường bịt kín".
Về mặt lý thuyết, ổ dịch đầu tiên được ghi nhận và đã được tẩy trùng này có thể nằm trong số những nơi mà nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới WHO sẽ đến thăm, cũng như là phòng thí nghiệm của Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh ở bên cạnh.
Để hỏi xem virus đến từ đâu, chúng tôi đã gặp ngay trước chợ một sinh viên 22 tuổi, vốn mong muốn được tiếp tục học tập tại Hoa Kỳ. Đối với anh khó mà có câu trả lời rõ ràng : "Ông hỏi virus từ đâu đến, và ông nghĩ rằng nó xuất phát từ đây à ? Lúc đầu, quả đúng là mọi người đều nghĩ như vậy, nhưng bây giờ nhiều người tin rằng virus đến từ Châu Âu. Tóm lại không ai biết rõ và để khẳng định, bạn cần bằng chứng và điều đó có thể mất 10, 20 năm".
Bằng chứng cũng là điều mà một bà bán đồ chơi cho du khách trên các chiếc phà vượt song Dương Tử gần đấy đòi hỏi : "Chỉ có bằng chứng khoa học mới biết được nguồn gốc của virus corona. Và tôi đọc thấy trên internet là con virus thực ra đến từ nước ngoài. Từ ngày Vũ Hán không có trường hợp nhiễm Covid nào, phi cơ từ ngoại quốc đã quay trở lại Trung Quốc và các trường hợp nhiễm virus mới lại xuất hiện".
Phải nói là từ nhiều tháng nay, một giả thuyết về việc virus corona không phải xuất xứ từ Trung Quốc mà là ở nước ngoài, đã được một số phương tiện truyền thông và chuyên gia Trung Quốc nhắc lại. Một phái bộ của WHO đang chờ được đến Vũ Hán để điều tra.
Trung Quốc đã bật đèn xanh cho phái đoàn WHO
Nhóm chuyên gia quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được giao nhiệm vụ điều tra nguồn gốc của đại dịch Covid-19 sẽ đến Trung Quốc vào ngày 14/01/2021. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã xác nhận tin trên vào hôm nay, 11/01, nhưng không cho biết chi tiết về hành trình của phái đoàn.
Phái đoàn chuyên gia của WHO lẽ ra đến Trung Quốc từ đầu tháng, nhưng chuyến đi đã bị trì hoãn do việc Bắc Kinh không cấp visa, điều mà Trung Quốc biện minh là do "hiểu lầm".
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 11/01/2021