Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/01/2021

Hoa Kỳ và Trung Quốc : chính sách của Biden không khác nhiều với Trump

Thanh Phương - RFI tiếng Việt

"Chính quyền Biden : Cứng rắn với Trung Quốc, nhưng liên kết với đồng minh"

Thanh Phương, RFI, 20/01/2021

Chính quyền của tân tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục có thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc, nhưng sẽ liên kết chặt chẽ với các đồng minh, chứ không đi theo chính sách ngoại giao đơn phương của Donald Trump.

hktq1

Ông Antony J. Blinken, điều trần tại Tiểu ban Đối ngoại Thượng Viện, Capitol, Washington, ngày 19/01/2021, trước khi được chính thức thông qua chức ngoại trưởng Hoa Kỳ.  Reuters - Pool

Trong 4 năm dưới nhiệm kỳ tổng thống Trump, Hoa Kỳ đã lao vào một cuộc đối đầu quyết liệt, "một mất một còn" với Trung Quốc, không khác gì cuộc đối đầu với Liên Xô vào thời chiến tranh lạnh. Trong thời gian ông Trump tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2, các thành phần bảo thủ bên đảng Cộng hòa cũng đã liên tục đả kích ứng cử viên Joe Biden nói riêng và đảng Dân chủ nói chung là đã tỏ ra quá nhu nhược với Bắc Kinh, gián tiếp tạo điều kiện cho Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ như thế.

Trước những lời chỉ trích này, các bộ trưởng tương lai của tổng thống Joe Biden đã tỏ cho thấy là chính quyền Dân chủ cũng sẽ biết đương đầu với Bắc Kinh.

Hôm 19/01/2020, khi ra điều trần trước Thượng Viện để được chấp nhận làm ngoại trưởng của tổng thống Biden, ông Antony Blinken đã tuyên bố : "Chúng ta có thể chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc". Cũng giống như chính quyền của tổng thống tiền nhiệm Donald Trump, ông Blinken xem siêu cường quốc đối địch với Hoa Kỳ là "thách đố quan trọng nhất" đối với nước Mỹ. Thậm chí nhân vật được ông Biden đề cử làm ngoại trưởng còn công nhận là cựu tổng thống Trump "đã có lý khi chọn một lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc", tuy ông không đồng tình với cách thức mà ông Trump thể hiện lập trường cứng rắn này.

Tuyên bố nói trên của ông Blinken chắc đã làm nhà tỷ phú "mát ruột", vì trong suốt nhiệm kỳ 4 năm vừa qua, Donald Trump vẫn luôn đề cao chiến lược của ông đối với Bắc Kinh. Trong bài phát biểu từ giã Nhà Trắng hôm qua, cựu tổng thống Mỹ cũng đã nêu bật : "Chúng ta đã tạo được xung lực mới cho các liên minh của chúng ta và đoàn kết được các quốc gia trên thế giới để đối đầu với Trung Quốc một cách mạnh mẽ chưa từng có".

Trong buổi điều trần trước Thượng Viện, ông Blinken cũng đã đồng tình với cáo buộc Trung Quốc phạm tội "diệt chủng" đối với người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo, như thông cáo của ngoại trưởng mãn nhiệm Mike Pompeo hôm qua.

Về phần bộ trưởng Tài chính tương lai Janet Yellen, trong cuộc điều trần hôm qua trước Thượng Viện, bà cũng đã cho biết là về thương mại, chính quyền Biden sẽ giữ nguyên chính sách của chính quyền Trump. Bà Yellen coi như đã lập lại đúng những cáo buộc mà tổng thống mãn nhiệm Cộng hòa thường đưa ra : "Chúng ta phải tấn công vào những hành động lạm dụng, bất công và bất hợp pháp của Trung Quốc", cụ thể đó là "ăn cắp sở hữu trí tuệ", "cưỡng ép chuyển giao công nghệ" và "trợ cấp trái phép" cho các doanh nghiệp. Tuy không nêu chi tiết, nhưng bộ trưởng Tài chính tương lai Janet Yellen hôm qua cho biết chính quyền Biden sẽ sử dụng nhiều công cụ để chống những hành động đó của Bắc Kinh.

Chính là nhân danh việc bảo vệ các doanh nghiệp và người lao động Mỹ, mà vào năm 2018 tổng thống Trump đã phát động một cuộc chiến tranh thương mại chống cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Cuộc thương chiến chỉ tạm ngưng với thỏa thuận mà hai bên ký kết vào/1/2020, theo đó Bắc Kinh cam kết sẽ mua thêm hàng hóa của Mỹ, nhưng hai bên vẫn giữ nguyên phần lớn các thuế quan mang tính trừng phạt.

Nếu như chính sách của chính quyền Biden đối với Trung Quốc vẫn sẽ cứng rắn giống như dưới thời Donald Trump, tân tổng thống Mỹ sẽ thay đổi phương pháp : Hoa Kỳ kể từ nay sẽ không "đơn thương độc mã" trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, mà sẽ dựa vào các đồng minh. Đây là điều mà cả hai vị bộ trưởng tương lai của ông Biden đều nhấn mạnh hôm qua. Bà Janet Yellen đã tuyên bố Hoa Kỳ "sẽ làm việc với các đồng minh", nhất là với Liên Hiệp Châu Âu, vốn cũng lên án những hành động của Trung Quốc về thương mại. Về phần Anthony Blinken, ông khẳng định phải hợp tác với các đồng minh, "thay vì bài bác họ". Theo ngoại trưởng tương lai của Mỹ, Washington "phải tham gia và lãnh đạo các tổ chức quốc tế, thay vì rút ra khỏi các tổ chức đó".

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 20/01/2021

**********************

Chuyên gia Trung Quốc nghĩ gì về quan hệ Mỹ-Việt dưới thời Biden

RFI tiếng Việt, 17/01/2021

Hoàn Cầu Thời Báo, ngày 05/01/2021, có đăng bài "Liệu chính quyền Biden có thể giật dây Việt Nam để chống Trung Quốc ?", tác giả Lý Khải Sinh (Li Kaisheng) : Phó giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế, thuộc Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, Trung Quốc.

hktq2

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh chụp ảnh chung trước cuộc hội đàm tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 30/10/2020.  AP - Bui Lam Khanh

Nhận định đáng chú ý của chuyên gia Trung Quốc – cũng có thể hiểu như một lời cảnh báo - Đảng cộng sản Việt Nam họp Đại hội 13 vào cuối tháng Giêng 2021, chính quyền Biden có thể "chiều chuộng" Việt Nam hơn và nếu có một sự thay đổi lớn trong ban lãnh đạo tại Hà Nội thì Mỹ và Việt Nam sẽ nhích lại gần nhau hơn.

*

Joe Biden chuẩn bị vào Nhà Trắng với tư cách tân tổng thống Mỹ vào ngày 20/01/2021. Khi vấn đề Biển Đông đã trở thành điểm nóng trong quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ và trong các hồ sơ quốc tế, cộng đồng quốc tế đang tự hỏi Biden sẽ có chính sách như thế nào để giải quyết vấn đề Biển Đông.

Derek Grossman, chuyên gia phân tích cấp cao về quốc phòng, thuộc tổ chức tư vấn Mỹ RAND Corporation, có trụ sở tại Hoa Kỳ, ngày 04/01/2021, đã đăng một bài báo trên tạp chí The Diplomat (*). Grossman lập luận rằng khi chính quyền Biden xây dựng chiến lược Biển Đông, thì "một trong những đối tác khu vực có vị trí quan trọng là Việt Nam". Ông nói rằng chính quyền Biden có thể muốn xem xét, "tái hợp tác với Việt Nam để nâng 'quan hệ đối tác toàn diện' Việt - Mỹ thành 'quan hệ đối tác chiến lược'".

Chính phủ Donald Trump có chiến lược khôn khéo với Việt Nam. Một mặt, Washington dường như lôi kéo Hà Nội bằng cách tỏ thiện chí và nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của việc gắn bó với Việt Nam. Ví dụ, Washington đã cử các nhà ngoại giao hàng đầu thăm Hà Nội trong hai/10 và 11/2020. Vào/11, một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ đã tuyên bố sẽ ủng hộ Việt Nam trong các tranh chấp biển với Trung Quốc. Mặt khác, vào/12, Washington lại gắn nhãn cho Hà Nội là nước thao túng tiền tệ. Điều này thể hiện chính sách đối ngoại vị kỷ "Nước Mỹ trên hết" của chính quyền Hoa Kỳ hiện nay. Washington cố gắng thuyết phục Hà Nội kiềm chế Bắc Kinh bằng cách chấm dứt lập trường trung lập trong các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông. Nhưng khi thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam lên cao kỷ lục, chính quyền Trump đã cáo buộc Hà Nội can thiệp không xác đáng vào thị trường ngoại hối. Ngay cả đối với các đồng minh, chính quyền Trump đã có lúc áp đặt các biện pháp trừng phạt. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi thấy Washington có những động thái trái ngược như vậy đối với Hà Nội.

Châu Á có thể là nằm trong số những ưu tiên đối ngoại hàng đầu của chính quyền Biden. Việt Nam là cường quốc Châu Á mới trỗi dậy, thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Việt Nam cũng có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Vì vậy, Hoa Kỳ đã lợi dụng Việt Nam như là một công cụ để chống Trung Quốc. Do đó, Việt Nam sẽ là một ưu tiên trong các chính sách Châu Á của chính quyền Biden.

Đối với Biden, có thể dùng Việt Nam để kiểm soát Trung Quốc ở Biển Đông. Có thể dự đoán là chính quyền Biden sẽ có một chính sách đối với Việt Nam nhất quán hơn và sẽ khoan dung hơn đối với Hà Nội về mặt thương mại.

Chính quyền Biden có thể dự tính tăng cường quan hệ song phương của Hoa Kỳ với Việt Nam. Cho dù từ nhiều năm nay, Mỹ đã can thiệp vào Biển Đông,với tư cách là một thế lực bên ngoài, ảnh hưởng của sự can thiệp này là hạn chế. Trong bối cảnh đó, ve vãn các bên có tranh chấp và đào sâu hố ngăn cách giữa họ và Trung Quốc là một giải pháp tốt cho Mỹ.

Các vòng đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đang bước vào thời điểm quan trọng. Việc ban hành một bộ Quy tắc mới (COC) là điều mà Washington không muốn thấy. Washington hiện có thể sử dụng các bên có tranh chấp ở Biển Đông để trì hoãn hoặc phá hoại các cuộc đàm phán. Philippines và Việt Nam là hai nước có tranh chấp chính. Philippines, mặc dù là đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng đang duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte. Còn Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam vào cuối tháng Giêng 2021. Trong bối cảnh đó, chính quyền Biden sẽ chú ý hơn đến việc dụ dỗ Việt Nam.

Theo quan điểm của Hà Nội, Washington có thể sẽ hữu ích cho những nước có lập trường cứng rắn trong vấn đề Biển Đông. Một số người dường như nghĩ là có thể lợi dụng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông để kiềm chế các tuyên bố chủ quyền và sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Nhưng quan hệ Trung Quốc - Việt Nam không chỉ có vấn đề Biển Đông. Ngày càng có nhiều người có xu hướng xem xét quan hệ Trung Quốc-Việt Nam trong một bối cảnh rộng lớn hơn. Thậm chí, họ còn cảnh giác trước những nỗ lực của Mỹ nhằm kích động các diễn biến hòa bình ở Việt Nam và lo ngại Mỹ can thiệp quá mức vào vấn đề Biển Đông có thể khiến Trung Quốc tức giận và làm tổn hại các lợi ích của chính Việt Nam. Do vậy, những người này giữ thái độ thận trọng trước việc Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông.

Nhưng nhìn chung, Việt Nam ngầm ủng hộ Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ. Dưới thời tổng thống Biden, Mỹ sẽ tăng cường nỗ lực phục vụ Việt Nam. Trong trường hợp này, nếu Hà Nội có những thay đổi lớn trong ban lãnh đạo, thì có nhiều khả năng Việt Nam và Mỹ sẽ xích lại gần nhau hơn.

Hồi tháng 08/2020, một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng Mỹ muốn thấy Việt Nam tham gia bộ Tứ mở rộng, vốn là một nhóm nước hợp tác không chính thức về an ninh, bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Rõ ràng đây là một khối nhắm vào việc kiềm giữ Trung Quốc và là một chủ đề nhạy cảm đối với một số nước. Biden có thể hy vọng mở rộng bộ Tứ. Nhưng Việt Nam, gần gũi với Trung Quốc về địa chính trị, thương mại và ý thức hệ, sẽ cảnh giác khi tham gia cơ chế này. Việt Nam có thể mở rộng hợp tác chính trị và an ninh với chính quyền Biden một cách linh hoạt - nhưng sẽ không muốn bị ràng buộc hoàn toàn vào cơ chế này.

Nguồn : RFI, 17/01/2021

Ghi chú :

(*) What does Vietnam want from the US in the South China Sea? - Việt Nam muốn gì ở Mỹ tại Biển Đông - https://thediplomat.com/2021/01/what-does-vietnam-want-from-the-us-in-the-south-china-sea/

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương, RFI tiếng Việt
Read 448 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)