Đảng cộng sản Việt Nam sắp bước vào tuổi 91, với vị được dự báo là tân Tổng bí thư nhiệm kỳ XIII là một cụ ông chỉ kém Đảng có 14 tuổi thôi.
Ngày 3/2, 2021, Đảng cộng sản Việt Nam sẽ ăn mừng tuổi 91.
Lập luận hàn lâm nói rằng sự lãnh đạo của Đảng trước khi có chính quyền, khác rất nhiều so với khi đã có chính quyền. Trước khi có chính quyền, Đảng không có quyền lực nào đối với dân, đối với xã hội.
Trong điều kiện hoạt động bất hợp pháp, mọi đường lối của Đảng có đến được với dân hay không, chủ yếu là do các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trực tiếp tuyên truyền, phổ biến thuyết phục đến các hội, quần chúng cốt cán của Đảng, thậm chí đến từng người dân, từ đó tổ chức nhân dân thực hiện đường lối của Đảng. Đảng phải được dân tin, dân yêu, dân nuôi, dân bảo vệ; mọi sự xa rời nhân dân đều có thể dẫn đến tổn thất cho cách mạng.
Khi đã có chính quyền, thì chính quyền là công cụ mạnh mẽ để đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng vào cuộc sống.
Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục quần chúng, Đảng lãnh đạo chính quyền (Nhà nước) thể chế hóa mọi đường lối, chính sách của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật, thành các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và tổ chức quần chúng thực hiện.
Cho đến lúc này, bắt đầu nói đến những mẫu câu cửa miệng, như "Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, mọi quyền lực đều là của nhân dân, nhân dân ủy nhiệm Nhà nước thực thi quyền lực của nhân dân trong toàn xã hội".
Do vậy, một hiển nhiên là cần cảnh giác với nguy cơ những người nắm quyền lực Nhà nước, vốn là đại biểu được nhân dân bầu ra nhưng có thể lợi dụng biến quyền lực đó thành quyền lực của mình.
Nếu việc sử dụng quyền lực của Nhà nước có tính chất cưỡng chế cũng rất dễ làm cho không ít tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên coi nhẹ việc tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục nhân dân trong công tác lãnh đạo của Đảng, hoặc làm chỉ có tính hình thức.
Điều ấy chứng tỏ quyền lực nếu có sức mạnh to lớn trong việc cải tạo hiện thực, xây dựng xã hội mới, thì cũng có mặt trái dễ làm tha hóa con người, thậm chí làm tha hóa cả một đảng cầm quyền.
Lord Acton – nhà sử học đồng thời là nhà triết học người Anh cuối thế kỷ XIX đã có câu nói nổi tiếng: "Quyền lực dẫn đến hư hỏng. Quyền lực tuyệt đối đẫn đến hư hỏng tuyệt đối" – Luận điểm ấy hoàn toàn có lý khi suy nghĩ về mặt trái của quyền lực.
Là người lãnh đạo cuộc cách mạng vô sản thắng lợi và thành lập nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới, V.I.Lê-nin đã cảnh báo về những tệ nạn như quan liêu, dốt nát, kiêu ngạo cộng sản từ rất sớm và đòi hỏi đảng cộng sản Nga khi đã trở thành đảng cầm quyền phải kiên quyết chống lại những tệ nạn này.
Là người lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi, thành lập nhà nước dân chủ nhân dân, Hồ Chí Minh đã vạch rõ tham ô, lãng phí, quan liêu là ba thứ giặc nội xâm có thể biến một người có công trở thành kẻ có tội, thậm chí làm đổ vỡ cả sự nghiệp của một đảng cầm quyền.
Đáng tiếc là những tệ nạn ấy đã diễn ra ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, ở tất cả các đảng cộng sản cầm quyền, và đã trở thành một trong những nguyên nhân đưa đến sự tan rã của đảng cộng sản, và sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Đông Âu cuối thế kỷ XX.
Như vậy, việc xây dựng một đảng cộng sản cầm quyền không phải chỉ có thuận lợi, mà còn không ít thách thức cần phải vượt qua, nguy cơ cần phải đẩy lùi. Đảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới để luôn luôn xứng đáng là một đảng cách mạng chân chính, như Hồ Chí Minh thường nhắc nhở.
Vấn đề chủ yếu đối với một đảng cộng sản cầm quyền, là làm sao giữ vững được vai trò cầm quyền của mình bằng đường lối cách mạng đúng đắn, và phương pháp cách mạng thích hợp; đặc biệt quan trọng là bằng sự trong sạch, vững mạnh của các tổ chức đảng cũng như của cả đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ đó giữ vững mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, nguồn gốc tạo nên sức mạnh của Đảng.
Thế nhưng với câu chuyện của chiến dịch "đốt lò" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, lại cho thấy sự trong sạch, vững mạnh của các tổ chức đảng đang có vấn đề mang tính trầm kha tham nhũng. Và cũng từ những vấn đề chưa thể giải quyết được này, nên người ta đang đồn đoán rằng dù đã tuổi cao, sức yếu, song ông Nguyễn Phú Trọng vẫn buộc phải tái cử để giữ gìn Đảng trong mối quan hệ máu thịt với nhân dân
Quốc Tuân
Nguồn : VNTB, 20/01/2021