Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/01/2021

Vụ xử Hội Nhà báo độc lập Việt Nam nếu phúc thẩm cũng sẽ y án

Trần Lê, Trúc Chi, VNTB

Phạm Chí Dũng sẽ không kháng cáo

VNTB, 25/01/2021  

  • Ông Phạm Chí Dũng không kháng cáo
  • Ông Lê Hữu Minh Tuấn quyết định kháng cáo với sự trợ giúp của Luật sư bào chữa Đặng Đình Mạnh.
  • Liệu Ông Nguyễn Tường Thuỵ có kháng cáo hay không vẫn chưa được rõ.

phuctham1

Ông Phạm Chí Dũng không kháng cáo

Lời cuối trước toà hôm 5/1/2021, ông Phạm Chí Dũng đã nói: Một bản án quá nặng đối với các nhà báo thuộc Hội nhà báo độc lập Việt Nam sẽ làm cho cả thế giới biết đến nền ‘tự do báo chí’ của Việt Nam.

Tôi đề nghị trả hồ sơ để điều tra lại, vì nếu có một mức án nặng nề đối với chúng tôi, sẽ rất bất lợi cho bang giao quốc tế trong giai đoạn khó khăn này ".

Tiên liệu rằng việc kháng cáo cũng sẽ không làm thay hiện trạng của bản án đã tuyên, ông Dũng đã tuyên bố sẽ không kháng cáo ngay trong buổi tiếp xúc đầu tiên với các luật sư bào chữa sau phiên xử án. Tuy nhiên ông Phạm Chí Dũng đã khuyên hai đồng sự ông Nguyễn Tường Thuy và ông Lê Hữu Minh Tuấn nên kháng cáo.

Trước khi thời hạn kháng cáo kết thúc vào ngày 20/1/2021, ông Phạm Chí Dũng đã khẳng định không kháng thông qua một bản tuyên bố do chính tay ông ký với sự chứng kiến của hai Luật sư bào chữa Nguyễn Văn Miếng và Đặng Đình Mạnh.

"Tôi đã chứng kiến việc các luật sư bào chữa cho tôi và các đồng nghiệp của tôi bị toà án Tp HCM đối xử thiếu văn hóa và thô bạo như thế nào.

Tôi hiểu đây là một bản án đã được định sẵn cho chúng tôi để bóp nghẹt tự do báo chí ở Việt Nam.

Nghe kết quả xét xử vụ án nhóm Hiến Pháp ngày 08/01/2021, không có sự thay đổi nào cả. Mà lẽ ra họ phải được trả tự do vì không có tội. Họ chỉ chuẩn bị đi biểu tình để đòi quyền Hiến Pháp chứ không phá rối an ninh.

Chứng kiến nhiều vụ án chính trị xét xử phúc thẩm không thay đổi bản án

Cho nên, tôi quyết định không kháng cáo bản án.

Không kháng cáo bản án không phải là chấp nhận bán án bất công và rất nặng nề này. Số phận của tôi không phải do phiên tòa hay đảng cộng sản quyết định và do chúa quyết định.

Hãy để bản án này cho thể giới thấy cái gọi là quyền tự do nhân quyền, tự do báo chí ở Việt Nam như thế nào".

Ông Phạm Chí Dũng đã gửi lời cảm ơn đến các cơ quan, tổ chức trong và ngoài được đã bày tỏ sự quan tâm, chia sẻ và thông cảm cho tình cảnh của ông và các cộng sự.

"Tôi gởi lời cảm ơn sâu sắc đến bộ ngoại giao Hoa kỳ, bộ ngoại giao đức, liên minh châu âu, cao uỷ nhân quyền LHQ và các cơ quan ngoại giao quốc tế, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã lên tiếng, chia sẻ sự cảm thông về tình cảnh của chúng tôi.

Rất cảm ơn hai luật sư Nguyễn Văn Miếng và Đặng Đình Mạnh đã nhiệt tâm bào chữa, ủng hộ cho chúng tôi bất luận kết quả không như mong muốn.

Xin cầu nguyên thiên chúa giúp cho gia đình chúng tôi luôn bình an và hi vọng sớm sẽ gặp lại nhau .

Xin cầu nguyện dân chủ và nhân quyền sớm đến với dân tộc Việt Nam".

phuctham2

Bất lợi cho bang giao quốc tế đến mức nào ?

Ngày 21/11/2019, ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam đã bị bắt sau khi gửi thư cho Liên Âu yêu cầu hoãn phê chuẩn Hiệp định EVFTA cho đến khi Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết nhân quyền.

Lần lượt sau đó, phó chủ tịch Hội Nguyễn Tường Thuy và hội viên Lê Hữu Minh Tuấn đã bị bắt vào ngày 23/5/2020 và 12/6/2020. Cả ba ông đều bị cáo buộc theo điều 117 của Bộ Luật Hình Sự.

Gần 1 năm sau khi EVFTA được thông qua, ngày 5/1/2021 Việt Nam đã tuyên án ông Phạm Chí Dũng cũng hai đồng sự mức án khắc nghiệt chưa từng có cho những người bị kết án theo khoản 2 điều 117 của Bộ Luật Hình sự.

Mức án 15, 11 và 11 năm chẳng khác gì một cái tát vào mặt Liên Âu, chứng tỏ cho Liên Âu thấy rằng nhân quyền không những không được tôn trọng mà còn bị vi phạm ngày càng trầm trọng.

Nữ Dân biểu Maria Arena  (Liên minh Xã hội & Dân chủ, Chủ tịch Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu) đã tuyên bố thẳng thừng về việc mất lòng tin đối với chế độ Cộng sản độc tài Việt Nam bởi không còn tin họ muốn tôn trọng nhân quyền" trong buổi họp ngày 22/1/2021.

"Ngày 22 tháng 2 năm 2020, Quốc hội này phê chuẩn Hiệp định EVFTA Liên Âu  Việt Nam. Dù rằng chúng ta có tất cả những báo cáo từ những năm 2018, 2019, 2020 của các tổ chức nhân quyền như Ân Xá Quốc tế, Human Rights Watch, v.v… tố cáo các tội ác và những vi phạm các quyền cơ bản của người dân Việt.

Báo cáo viên Uỷ ban Thượng mại quốc tế Liên Âu (INTA), Ông Bourgeois nắm giữ các hồ sơ này, ông cũng đã từng đến Việt Nam hồi ông còn làm Bộ trưởng trong Chính phủ Vương quốc Bỉ. Ông phải biết các sự trạng này chứ. Thế mà ông chẳng hề lên tiếng đề cập vấn đề Nhân quyền. Cũng chính ông Báo cáo viên này còn ca hót rằng, nếu chúng ta nhận thấy những vi phạm nhân quyền trầm trọng và quy mô, chúng ta sẽ phải bỏ đi mọi ưu đãi thương mại cho Việt Nam. Vậy sao?

Nay tôi hướng tới ông Bourgeois và hướng tới Uỷ ban Liên Âu. Những vi phạm trầm trọng, vẫn còn hiện hữu đó, chúng đã hiện hữu và còn sẽ tiếp tục hiện hữu.

Cho nên, tôi yêu sách Liên Âu đình chỉ Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam".

Ngày 22/1/2021, Quốc Hội Âu Châu đã ra nghị quyết về nhân quyền Việt Nam, đặc biệt về trường hợp của ba nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ, và Lê Hữu Minh Tuấn  với  592 phiếu thuận, 32 phiếu chống và 58 phiếu trắng.

Nguồn : VNTB, 25/01/2021

*********************

Chuyện kháng cáo…

Trần Lê, VNTB, 25/01/2021

"Kháng cáo là tôi vô tội thì phúc thẩm dễ y án lắm !"

Một luật sư chuyên làm án tranh tụng, giờ vì sức khỏe kém, ông không thể đứng lâu nên chuyển sang nghề luật sư tư vấn. Ông này là bạn của tôi, nên cứ mỗi bận thắc mắc điều gì liên quan tới ‘án – iếc’, tôi cứ hẹn ông bạn cà phê và tha hồ hỏi mà không tốn cắc bạc tiền trả cho ‘chất xám’ luật sư.

phuctham3

Phạm Chí Dũng trong phiên sơ thẩm ngày 5/1/2021 - Ảnh minh họa 

Lần đó, nhân vụ mấy người bạn của tôi bị kết án theo khoản 2, Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015, sau đó chỉ có 1 người chắc chắn ‘chống án’ lên cấp tòa phúc thẩm , còn các ‘đồng phạm’ thì chấp nhận ‘đi trường’ ngay sau khi hết hạn kháng cáo. "Phải chăng không kháng cáo là nhìn nhận các tội danh mà cấp sơ thẩm đã tuyên?", tôi thắc mắc.

Ông bạn luật sư nói rằng, rất có thể mấy vị không chống án kia hiểu quá rõ là nếu mình kháng cáo theo hướng không phạm tội, thì với khoản 2, Điều 117, chẳng có cấp tòa phúc thẩm nào giảm án đâu.

"Tôi hiểu bạn đang thắc mắc vụ án gì. Nói vầy, án trong khung cáo buộc của "an ninh quốc gia", chỉ giảm ở mức thấp nhất nếu như người bị buộc tội đồng ý việc làm của mình là đúng như những gì mà công tố ra rả trước tòa. Nhưng bạn ơi, tôi tin rằng chẳng có ai điên khùng để làm một điều mà biết tỏng tòng tong đây là cấm kỵ của pháp luật, chắc chắn phải ở tù ngoài chục năm cả.

Bởi viết báo công khai, đăng công khai, với hẳn hòi mục đích là phản biện đa chiều, theo đúng quyền Hiến định là người dân được trao quyền giám sát mọi chính sách của Đảng ghi tại Điều 4.2 và 4.3, thì làm sao lại là phạm tội cho được kia chứ? Hơn nữa, đây là thuộc cách hiểu của dân chủ.

Nói về dân chủ, tôi còn nhớ trên báo chí vẫn nhắc câu chuyện diễn ra tháng 6/1968, tại buổi làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên truyền Trung ương Ðảng về việc làm và xuất bản loại sách "Người tốt, việc tốt", Bác Hồ căn dặn : "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân…".

Vậy thì tại sao Đảng không cảm ơn các bài báo đưa ra những lập luận phản biện về các quyết sách của Đảng, qua đó giúp Đảng hiểu để sửa mình, để Đảng vẫn có thể vĩ đại trở lại trong mắt công chúng ?" – ông bạn luật sư vừa ngồi nói, vừa diễn tả bằng những cái ‘chém tay’ cố hữu như hồi còn đứng trước phiên tòa để tranh tụng.

Phân tích chi tiết, ông bạn của tôi nói giả dụ như ở đây là kháng cáo theo hướng giảm nhẹ, thì thử phân tích Bộ luật Hình sự 2015, Điều 51"Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự".

Theo luật thì các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự :

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm ;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả ;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng ;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết ;

đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội ;

e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra ;

g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra ;

h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn ;

i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng ;

k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức ;

l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra ;

m) Phạm tội do lạc hậu ;

n) Người phạm tội là phụ nữ có thai ;

o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên ;

p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết ật đặc biệt nặng ;

q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình ;

r) Người phạm tội tự thú ;

s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải ;

t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án ;

u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội ;

v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác ;

x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

"Thử coi ông bạn kháng cáo kia có đáp ứng nội dung nào ở đây không rồi hãy bàn tiếp, ở Điều 54 "Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng", ghi:

"1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.

2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

3. Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này, nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án".

Tôi tin là có quyền hy vọng phiên phúc thẩm sắp tới, sẽ tuyên ông bạn kháng cáo đó khung hình phạt 5 năm theo khoản 1, Điều 117. Nếu thật sự có điều này, tôi nghĩ trước tiên cần hết sức biết ơn các ‘đồng phạm’ trong vụ án đã chọn việc từ chối kháng cáo.

Tế nhị và có chút lắt léo là chỗ đó" – ông bạn luật sư của tôi đã đưa ra những giả định đầy rối rắm như vậy.

Trần Lê

Nguồn : VNTB, 25/01/2021

*********************

Án bỏ túi… có phúc thẩm thì vẫn y án !

Trúc Chi, VNTB, 21/01/2021

Đã tròn 15 ngày kể từ ngày xét xử vụ án Hội Nhà Báo Độc Lập.

phuctham4

Án bỏ túi 37 năm tù giam chỉ nhằm bóp nghẹt tự do báo chí - 37 năm tù giam và 9 năm quản chế cho Chủ tịch hội Phạm Chí Dũng, Phó chủ tịch Nguyễn Tường Thuỵ và hội viên Lê Hữu Minh Tuấn.

Những ngày này có lẽ hơn bao giờ hết mới cảm nhận được sự can trường của những người mẹ, người vợ, người chị, người thân của các nhà báo đang bị giam giữ.

Giữa những lúc mưa bão, lũ lụt hay ngay cả trong thời điểm dịch bệnh nguy hiểm, họ vẫn tất tả ngược xuôi để lo cho người thân của mình mà không một lời ca thán. Rồi đến ngày xử án, họ và những người vợ tù nhân lương tâm khác là những người đã trực tiếp đưa thông tin, hình ảnh ra cho thế giới bên ngoài được biết tin tức về một phiên toà được cho là "xét xử công khai nhưng lại kín".

Thông tin một chiều chỉ có được trên báo chính thống, hình ảnh phiên xử chỉ có trên hệ thống truyền hình nhà nước…

Nếu không có tin từ luật sư bào chữa đăng rất nhanh chóng và hợp xu hướng truyền tải thông tin tất tần tật trên mạng xã hội thì sẽ lại còn mù mờ đến mức nào.

Còn lại thì tất cả chỉ là im ắng… im ắng đến rợn người…

Mà có lẽ ai cũng sợ phải án binh bất động ; thì làm sao có thể thoát xác ve sầu để mạo hiển đến một nơi mà an ninh thường phục, sắc phục đã được bố trí vòng trong vòng ngoài…

Làm sao mà lại không thể sợ được cơ chứ !

Một vụ xét xử đã làm lôi cuốn sự chú ý của truyền thông thế giới vì những bản án nặng nề mà nhà cầm quyền dành cho ba nhà báo độc lập như những phát đại bác bắn vào tự do ngôn luận và tự do báo chí ở Việt Nam.

37 năm tù giam và 9 năm quản chế cho Chủ tịch hội Phạm Chí Dũng, Phó chủ tịch Nguyễn Tường Thuỵ và hội viên Lê Hữu Minh Tuấn.

6 năm trước, năm 2015, nhà báo Phạm Chí Dũng đã từng lạc quan khi trả lời Thomas Bass rằng có lẽ những tù nhân lương tâm chỉ phải nhận án vài ba năm tù là hết. Những đển hôm nay, với bản án có thể được coi là nặng nhất từng được giáng xuống cho những người bị xét xử theo điều 117 Bộ Luật Hình Sự, thì ắt sau này sẽ không mấy ai nhận một bản án nhẹ nhàng hơn mà sẽ lại càng tiệm cận về phía kịch khung.

Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc gọi đây là thông điệp "lạnh mình" cho giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam, James Pearson cũng nhận xét đây là sự đàn áp "ớn lạnh" đối với những ai dám phản biện nhà cầm quyền ngay trước thềm Đại hội Đảng XIII sắp sửa nhóm họp vào thứ Hai tuần tới.

Tình trạng của nhà báo Phạm Chí Dũng và những người hoạt động dường như đều được định đoạt sẵn một khi đã dấn thân vào con đường đấu tranh cho các quyền tự do cơ bản nhất của con người đó là như "cá nằm trên thớt".

Bản án 37 năm dành cho ba nhà báo có lẽ được nhà cầm quyền sử dụng làm đòn cảnh tỉnh cho những ai dám phản biện xã hội. Dù đã có thể phần nào dự đoán được nhưng vẫn không thể nào không uất ức, phẫn nộ khi nghe toà tuyên án.

Sự phẫn nộ với phiên xét xử lại trở thành sự buồn cười khi Toà truy thu tiền từ các nhà báo mà Toà cho là thu lợi bất chính. Họ lao động trí óc, sử dụng chất xám để sáng tạo chứ không ăn tàn ăn hại vào tiền thuế của người dân.

Số tiền mà họ buộc phải trả lại chưa được tròm trèm 2 tỷ trong thời gian 6 năm lao động lương thiện. Số tiền đó chỉ là là muỗi so với tiền tiêu vặt của một ông quan tỉnh. Số tiền đó đã thấm vào đâu để chạy cho được một cái chứ thơm tho vào thời điểm chạy quyền chạy chức đồng bộ này ?

Con của nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ đã thốt lên rằng: "Bố đã 70 tuổi rồi, biết có ở được ngần ấy năm trong tù không !".

Với nhà báo Phạm Chí Dũng, nếu ở hết thời gian thụ án trong tù, khi ra ngoài anh đã là một ông lão ở tuổi thất thập cổ lai hy; con trai út anh giờ mỗi ngày vẫn nói " Ba đi công tác, thứ sáu về", khi anh trở về nó đã là một chàng thanh niên trẻ.

Với Lê Hữu Minh Tuấn, 11 năm là qua hết một thời trai trẻ để có thể tạo dựng một tương lai, sự nghiệp, bỏ lỡ cả độ tuổi nên lập gia đình.

Thế nhưng họ vẫn ngẩng cao đầu cho đến khi nói lời cuối rằng họ không làm gì sai cả.

Một Phạm Chí Dũng hiên ngang, một Nguyễn Tường Thuỵ bình tĩnh đến lạ thường, một Lê Hữu Minh Tuấn ung dung, tự tại mà tôi chỉ được nhìn qua báo chí khác hẳn những quan chức lừa đảo, tham nhũng ăn của dân không từ thứ gì lại phải khóc lóc, ngất xỉu, xin lỗi đảng, xin lỗi lãnh đạo, xin lỗi cả bố mẹ.

Cái bản án khắc nghiệt dành cho cho việc cầm bút để phản biện thật quá đắt trong một chế độ mà tự do ngôn luận, tự do báo chí đã bị bóp nghẹt bằng một bản án đã định sẵn như nhà báo Phạm Chí Dũng đã nói.

Hôm này là ngày hạn họ phải nộp đơn kháng cáo … dù có kháng cáo hay không, nhìn những vụ án từng được phúc thẩm từ trước, mà chẳng đâu xa xôi là Nhóm Hiến Pháp được đưa ra xử chỉ 3 ngày sau khi xử 3 thành viên Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam phiên sơ thẩm.

Án bỏ túi đã tuyên … có phúc thẩm thì vẫn y án!

Chính phủ Việt Nam đã trả lời chất vấn của các cơ quan thuộc Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc rằng ba nhà báo của hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam vi phạm pháp luật nhà nước Việt Nam.

Nhưng tôi cũng như nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuy, Lê Hữu Minh Tuấn, nhìn khắp hết vẫn không biết họ đã phạm tội gì.

Cái tội duy nhất có lẽ là họ đã sanh ra nhầm ở chế độ không biết trọng dụng người tài, và không được phép buông lời nghịch nhĩ.

Trúc Chi

Nguồn : VNTB, 21/01/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Lê, Trúc Chi, VNTB
Read 537 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)