Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/01/2021

Nước Lào giữa Trung Quốc và Việt Nam

Marwaan Macan-Markar

Lãnh đạo mới của Lào cố gắng ‘đi dây’ giữa Trung Quốc và Việt Nam

Khi bước vào vai trò là người đứng đầu đảng cộng sản Lào, Thủ tướng Thongloun Sisoulith phải đối mặt với một thách thức ngoại giao : tiếp tục tỏ ra trung thành với đồng minh lâu đời hơn là Việt Nam ngay cả khi nền kinh tế của đất nước nghèo khó, nợ nần chồng chất của ông đang được nâng đỡ bởi Trung Quốc, gã khổng lồ ngày càng quyết đoán ở phương bắc.

lao1

Lao Prime Minister Thongloun Sisoulith, left, and Chinese President Xi Jinping before a meeting at the Great Hall of the People, in Beijing, in Jan. 2020.   © Reuters

Các nhà quan sát chính trị Lào lâu năm nói rằng đó là một hành động cân bằng mong manh ở đất nước "sân sau" do những người cộng sản cai trị ở Đông Nam Á mà Thongloun đã tiên liệu. Rốt cuộc, chính trong nhiệm kỳ 5 năm của ông trên cương vị thủ tướng Lào, Trung Quốc đã vượt qua Việt Nam trở thành chủ nợ, nhà đầu tư và xây dựng hàng đầu của Lào. Trung Quốc cũng xếp cao hơn Việt Nam trên tư cách là đối tác thương mại song phương của Lào, đứng thứ hai chỉ sau Thái Lan.

Vị trí của Thongloun, 75 tuổi, đã được định rõ cho ông sau khi ông được bầu làm tổng bí thư của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cầm quyền vào tuần trước tại đại hội đảng toàn quốc năm năm một lần kéo dài ba ngày được tổ chức ở thủ đô Vientiane. Việc bề bạt Thongloun, một người nói tiếng Nga và được đào tạo tại Liên Xô cũ, vào vị trí chính trị quyền lực nhất trong Đảng mở đường cho ông được bổ nhiệm làm chủ tịch nước tiếp theo của Lào trong năm nay.

Thongloun, người từng giữ chức ngoại trưởng trước khi bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng vào năm 2016, kế nhiệm vị chủ tịch nước cao tuổi Bounnhang Vorachit. Nhiệm kỳ của Bounnhang, 83 tuổi, trên tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của đảng đánh dấu thế hệ cuối cùng trong các thế hệ được gọi là các nhà cách mạng, những người đã thống trị nền chính trị Lào kể từ năm 1975.

Thế hệ của Bounnhang đã chiến đấu bên cạnh các đồng minh cộng sản Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ ở Đông Dương, đặt nền tảng cho mối quan hệ anh em bền chặt giữa hai nước láng giềng thời hậu chiến. Kể từ đó, người dân Lào chỉ biết đến một đảng chính trị đã cai trị cuộc sống của họ bằng một sự kìm kẹp nhằm đạt được mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội cho giai cấp vô sản.

Đó vẫn là một nhiệm vụ quá cao siêu đối với đất nước đa phần đồi núi thưa dân với 7,2 triệu người. Lào, quốc gia có thu nhập bình quân đầu người 2.500 USD, vẫn bị Liên Hợp Quốc xếp là một trong 47 quốc gia kém phát triển nhất thế giới.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi mối quan hệ lâu đời giữa hai nước láng giềng giúp đảm bảo cho một Việt Nam lớn mạnh hơn có một vai trò thống trị. Các cán bộ của Lào dành thời gian ở Việt Nam để học tư tưởng chủ nghĩa Mác và lý thuyết xã hội chủ nghĩa trên con đường vươn lên hàng ngũ lãnh đạo của đảng.

Bounnhang là một lãnh đạo kỳ cựu được đào tạo tại Việt Nam, Thongloun cũng vậy. Những người khác trong đội ngũ lãnh đạo hiện tại của Đảng cũng từng được đào tạo tại Hà Nội gồm Pany Yathotou, Chủ tịch Quốc hội Lào, Phó Thủ tướng Bounthong Chitmany, và Phó Chủ tịch nước Phankham Viphavanh. Một nhà quan sát chính trị người Lào nói với Nikkei Asia : "Đây là thế hệ lãnh đạo mới, và họ đều có bằng lý luận chính trị ở Việt Nam. Được đào tạo lý luận chính trị ở Việt Nam là điều kiện bắt buộc để trở thành lãnh đạo quốc gia".

Norihiko Yamada, một học giả người Nhật Bản đã từng là học giả thỉnh giảng trong các bộ của chính phủ Lào, khẳng định rằng mối quan hệ tư tưởng có nguồn gốc sâu xa. Yamada, là học giả chuyên về Lào tại Viện các nền Kinh tế đang Phát triển thuộc Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, cho biết : "Trong lịch sử, Lào có quan hệ chính trị sâu sắc với Việt Nam, và không quá khi nói rằng sự ra đời của nhà nước Lào hiện nay là nhờ Việt Nam. Một yếu tố quan trọng của mối quan hệ khăng khít giữa hai nước [là] việc các quan chức cấp cao của Lào được học tập và đào tạo tại Việt Nam. Điều đó đã không thay đổi".

Nhưng sức ép kinh tế của Trung Quốc đang tràn qua Lào đã làm Việt Nam mất thế độc quyền. Năm 2013, Việt Nam vẫn là nhà đầu tư lớn nhất tại Lào, đã rót 4,9 tỷ USD cho 420 dự án kể từ năm 1989, đứng trên Thái Lan, nước đã đầu tư 4 tỷ USD vào thời điểm đó, và Trung Quốc, với 3,9 tỷ USD. Đến năm 2020, Trung Quốc đã lật ngược thế cờ khi đã bơm hơn 12 tỷ USD để hỗ trợ 785 dự án, từ các đặc khu kinh tế đến các dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Trung Quốc cũng đã làm tương tự trên hai mặt trận kinh tế khác để làm lu mờ Việt Nam. Đến năm 2020, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất đối với nền kinh tế có quy mô 20 tỷ USD của Lào, chiếm 5,9 tỷ USD trong tổng số nợ nước ngoài ước tính 12,6 tỷ USD của nước này. Tới năm 2019, ngay trước khi đại dịch COVID-19 nổ ra, Trung Quốc cũng trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Lào sau Thái Lan, với kim ngạch thương mại song phương đạt 3,5 tỷ USD, theo các báo cáo chính thức.

Do đó, tiền mặt của Trung Quốc đã khuyến khích các nhà cầm quyền Lào thờ ơ với các cơ quan phát triển được phương Tây hậu thuẫn, những tổ chức đã có mặt ở Lào từ lâu trước khi Trung Quốc làm thay đổi cán cân. "Mặc dù hỗ trợ của các nhà tài trợ đã tăng lên đáng kể trong thập niên qua, tác động hay ảnh hưởng của họ so với Trung Quốc đã giảm đi đáng kể", một nhà phân tích kỳ cựu về hỗ trợ phát triển ở Lào cho biết. Những nhà tài trợ này "đang ngày càng làm ngơ [trước những vụ vi phạm nhân quyền và tham nhũng] để duy trì chỗ đứng của mình ở Lào".

Những thay đổi về kinh tế ở Lào không phải là không được Việt Nam để ý. Yamada nói : "Việt Nam không cảm thấy thoải mái khi chứng kiến ​​Lào phát trin mi quan h sâu sc vi Trung Quc, nhưng cho rng các nhà lãnh đạo Lào đang" khéo léo cân bng [quan hệ] giữa Việt Nam và Trung Quốc, và [họ] đã cố gắng giữ thể diện cho Việt Nam ".

Đó là một quan điểm mà Supalak Ganjanakhundee, một nhà phân tích Đông Nam Á và theo dõi Lào đang sống ở Bangkok, đã phát hiện ra ở các ủy viên bộ chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào khi đối mặt với việc Trung Quốc lôi kéo Lào khỏi ảnh hưởng của Việt Nam.

Ông nói : "Nhiều nhà lãnh đạo và quan chức Lào mà tôi đã nói chuyện cùng trong những năm qua ám chỉ rằng họ coi Trung Quốc là hình mẫu để phát triển, mặc dù họ đã được đào tạo và giáo dục ở Việt Nam. Những gì Lào đang cố gắng tránh là không làm Việt Nam khó chịu".

Marwaan Macan-Markar

Nguyên tác : "Laos’ new leader to play balancing act between China and Vietnam", Nikkei Asia, 20/01/2021.

Trần Hùng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 22/01/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Marwaan Macan-Markar
Read 513 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)