Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/01/2021

Nhân quyền : Việt Nam không yên với những vi phạm

Nhiều tác giả

Nghị Viện Châu Âu kêu gọi Việt Nam thả 3 nhà hoạt động nhân quyền

Thanh Phương, RFI, 22/01/2021

Hôm 21/01/2021, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua các nghị quyết về tình hình nhân quyền tại Hồng Kông, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Riêng về Việt Nam, nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu kêu gọi Hà Nội trả tự do "ngay lập tức và vô điều kiện" cho 3 nhà báo và cũng là những nhà đấu tranh cho nhân quyền Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn. 

nhanquyen1

Các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn (phía sau) trong phiên tòa tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, ngày 05/01/2021,  STR Vietnam News Agency/AFP

Trong phiên xử ngày 05/01 tại Sài Gòn, ông Phạm Chí Dũng đã bị kết án 15 năm tù, còn hai ông Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn lãnh án mỗi người 11 năm tù, với tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước".

Nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu còn kêu gọi trả tự do cho toàn bộ những người khác bị bắt giam và bị tuyên án tại Việt Nam chỉ vì đã hành xử các quyền tự do ngôn luận, đồng thời hủy bỏ mọi các buộc đối với những người này.

Các nghị sĩ Châu Âu lên án việc gia tăng đàn áp những nhà bất đồng chính kiến và gia tăng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Nghị Viện Châu Âu kêu gọi các bên có liên quan hãy sử dụng các hiệp định hiện có giữa Liên Hiệp Châu Âu với Việt Nam để cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Các nghị sĩ Châu Âu nhắc lại rằng nhân quyền vẫn là "một trong những nền tảng chủ yếu" trong mối quan hệ song phương Liên Hiệp Châu Âu -Việt Nam và là "một yếu tố chủ chốt" của Hiệp định Thương mại Tự do Liên Hiệp Châu Âu -Việt Nam.

Nghị quyết nói trên đã được thông qua với 592 phiếu thuận, 32 phiếu chống. Có 58 nghị sĩ Châu Âu không tham gia bỏ phiếu.

HRW : Việt Nam gia tăng đàn áp trước Đại hội Đảng

Hôm nay, 22/01/2021, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch (HRW) ra thông cáo lên án chính quyền Việt Nam gia đàn áp các nhà bất đồng chính kiến trước kỳ Đại hội đảng Cộng Sản sẽ khai mạc ngày 25/01/2021.

Trong thông cáo, ông John Sifton, Giám đốc Vận động châu Á của HRW, nói : "Đảng Cộng Sản Việt Nam đang chuẩn bị cho các màn trình diễn trong Đại hội, đồng thời bắt bớ những người đã đăng tải ý kiến và quan điểm của mình trên Facebook, như hàng triệu người trên thế giới vẫn làm hàng ngày".

HRW nêu dẫn chứng mới nhất là ngày 20/01 vừa qua, chính quyền đã đưa ra xét xử bà Đinh Thị Thu Thủy về các bài viết và bài đăng trên Facebook phê phán đảng và chính phủ. Bà đã bị bắt từ tháng 04/2020 và bị cáo buộc tội "tuyên truyền chống nhà nước" chiếu theo điều 117 của bộ Luật Hình sự Việt Nam. Một tòa án ở tỉnh Hậu Giang đã kết án Đinh Thị Thu Thủy 7 năm tù giam. 

Thông cáo của HRW cũng nhắc lại vụ xử ba nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn hôm 05/01 và vụ bắt giữ nhà báo và nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Phạm Đoan Trang vào tháng 10 năm ngoái.

Trong thông cáo, HRW còn khẳng định Đại hội Đảng lần thứ 13 sẽ quyết định các vị trí lãnh đạo mới của quốc gia với hơn 96 triệu dân, nhưng Đại hội này "không dân chủ, cũng không công khai minh bạch". Công dân Việt Nam bị cấm thảo luận về các ứng viên của bốn vị trí cao nhất là tổng bí thư Đảng, thủ tướng, chủ tịch nước, và chủ tịch Quốc Hội, cả bốn vị trí đều được xếp hạng "tuyệt mật" theo một quyết định do thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành trong tháng 12/2020.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 22/01/2021

********************

Nhiều Dân biểu Quốc hội Châu Âu yêu cầu có biện pháp mạnh với Việt Nam vì vấn đề nhân quyền

Ỷ Lan, RFA, 22/01/2021

Sau một khoáng đại sôi nổi nhưng hào hứng tại Quốc hội Châu Âu ở thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ, Nghị quyết về nhân quyền cho Việt Nam đã được thông qua vào lúc 4 giờ 30 chiều ngày 21 tháng 1 vừa qua. Hầu hết các Dân biểu đại diện các quốc gia Tây Âu, Bắc Âu, Đông Âu đều lên tiếng phát biểu. Sự nô nức tham gia phát biểu cho thấy họ theo dõi và am hiểu tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam, đặc biệt giới Đông Âu nắm vững ý thức hệ Cộng sản qua sự phân tích và phê phán của họ. Vì đại dịch COVID-19 nên một số Dân biểu không thể trực tiếp có mặt nhưng vẫn tham dự qua video viễn liên.

nhanquyen2

Dân biểu Maria Arena thuộc Liên minh Xã hội & Dân chủ, Chủ tịch Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu Photo : RFA

So với các khoáng đại thảo luận vấn đề Việt Nam trước đây, khoáng đại này rất quyết liệt, vì cảm thức bị xúc phạm trước sự bội ước của Hà Nội khi hứa hẹn hão trên bình diện nhân quyền và các tự do cơ bản để kết thúc Hiệp định EVFTA. Đến khi ký xong thì Hà Nội đã phủi tay đàn áp nhân quyền. Nhiều Dân biểu đặt thẳng yêu sách Liên Âu đình chỉ Hiệp định Thương mại Tự do Liên Âu-Việt Nam (EVFTA) hoặc dựng lại hàng rào quan thuế đối với Việt Nam mà hiệp định đã huỷ.

Nghị Quyết Quốc hội Hội Châu Âu bao gồm 15 nhận định và 23 yêu sách gói trọn mọi vi phạm nhân quyền đang xảy ra. Nghị quyết nhận định Việt Nam là "quốc gia giam giữ các tù nhân chính trị đông nhất tại Đông Nam Á", và"lên án các cuộc đàn áp gia tăng giới bất đồng chính kiến cùng những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, kể cả việc kết án, đe dọa chính trị, theo dõi, sách nhiễu, tấn công, xét xử bất minh và tống khứ các nhà hoạt động chính trị, nhà báo, bloggers, nhà bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền ra nước ngoài vì họ hành xử tự do ngôn luận, rõ ràng là Việt Nam vi phạm các nghĩa vụ quốc tế".

Nghị quyết quan tâm đặc biệt đến việc bắt giữ tùy tiện và kết án ba nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn, sáng lập và thành viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, yêu sách trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho họ cũng như cho các tù nhân chính trị, nhà hoạt động nhân quyền, môi sinh, công đoàn, vì họ hành xử quyền tự do ngôn luận, và bãi truất các án dành cho họ".

Kết luận, Nghị quyết Quốc hội Châu Âu kêu gọi "Các thành viên quốc gia Liên Âu, đặc biệt trước thềm Đại lội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, lên tiếng mạnh mẽ về hiện trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam ; khuyến thỉnh Liên Âu và các quốc gia thành viên gia tăng nỗ lực quốc tế để thăng tiến sáng kiến chung với các đối tác cùng chí hướng, và đặc biệt với Tân Chính quyền Hoa Kỳ, để kết liên hành động cho sự thực hiện cụ thể việc tôn trọng nhân quyền tại Việt Nam".

Sau đây là một số phát biểu của các Dân biểu tại khoáng đại 21 tháng giêng trước khi Nghị quyết được thông qua do phóng viên Ỷ Lan ghi nhận.

Nữ Dân biểu Saskia Bricmont (Đảng Xanh, người Bỉ) phát biểu :

Hai năm trước, Quốc hội này thông qua Nghị quyết về vận mệnh của những tù nhân chính trị tại Việt Nam. Rồi gần một năm trước, Quốc hội Châu Âu Chuẩn y Hiệp định Thương mại Tự do Liên Âu – Việt Nam (EVFTA). Đứng trước những nghi ngờ như tôi, những người hậu thuẫn hiệp định khẳng định rằng EVFTA sẽ trợ giúp cải thiện nhân quyền cho toàn dân Việt Nam.

Thế rồi từ đó, các cuộc đàn áp nối tiếp gia tăng. Chính sách thương mại và nhân quyền là hai yếu tố viễn ly chăng ? Nó không viễn ly cho trường hợp Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Ông ta bị bắt vài ngày sau khi gửi đến chúng ta cái nhìn phê phán tiến trình phê chuẩn EVFTA. Bị kết án 15 năm tù giam vì cái nhìn phê phán ấy – cùng với Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn. Dũng và hai người đồng nghiệp là trọng tâm yêu sách trả tự do vô điều kiện cho họ của chúng ta hôm nay. Phái đoàn Ủy ban Đối ngoại Liên Âu tại Hà Nội tiếp tục quan ngại cho hàng trăm bản án xử các nhà hoạt động ôn hoà, đồng thời nhận thức sự co hẹp không gian tự do ngôn luận, quyền biểu tình, quyền lập hội tại Việt Nam. Vì thế, Nghị quyết của chúng ta yêu sách trả tự do cho ba nhà báo và các nhà hoạt động nhân quyền, cải thiện điều kiện giam giữ tù nhân, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, ban lệnh đình hoãn án tử hình, cũng như nhắc nhở nghĩa vụ Việt Nam đối với nhân dân họ, đối với Liên Âu và Cộng đồng thế giới.

nhanquyen3

Dân biểu thuộc Đảng Xanh Saskia Bricmont

Dân biểu Adam Bielen (Đảng Bảo thủ và Cải cách Châu Âu, người Ba Lan) phát biểu :

Liên Âu vừa mở vòng tay đến Việt Nam qua EVFTA làm rộng mở chân trời cho các nhà kinh doanh Việt Nam và Châu Âu. Nhưng chúng ta không thể nhắm mắt trước những vi phạm nhân quyền xẩy ra cho các đối tác kinh tế của chúng ta. Hôm nay chúng ta kêu gọi Nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do tức khắc cho ba nhà báo bị kết án cũng tất cả các nhà báo, bloggers, nhà hoạt động nhân quyền bị giam tù vì hành xử quyền tự do biểu đạt của họ.

Năm ngoái, trong khi chúng ta kết thúc EVFTA, tổ chức Phóng viên Không Biên giới sắp Việt Nam vào hàng thứ 175 trong Danh sách các quốc gia tôn trọng Tự do Báo chí, đứng sau cả Syria. Lý do vì sao chúng ta thúc đẩy Việt Nam chấm dứt kiểm duyệt tuỳ tiện truyền thông, báo chí độc lập, và bãi bỏ các giới hạn trên các nguồn truyền thông trực tuyến.

Nữ Dân biểu Marianne Vind (Đảng Xã hội, người Đan Mạch) phát biểu :

Chúng ta luôn luôn mong muốn hợp tác với Việt Nam nhằm giúp đỡ giới công nhân thoát khỏi nghèo đói và được hưởng mọi tự do. Cùng chung hợp tác làm cho chúng ta mạnh lên. Thế nhưng tình trạng nhân quyền Việt Nam ngày càng xấu. Phạm Chí Dũng bị bắt vì có quan điểm chống phê chuẩn sớm EVFTA, là điều không thể nào chấp nhận. Bị bắt như thế chẳng những vi phạm các quyền cơ bản của ông ta, mà còn nỗ lực đe dọa các nhà báo phê phán chính quyền. Bộ Luật Hình sự đã đuợc sửa đổi, nhưng sửa đổi sai hướng. Việt Nam phải hiểu rằng quan hệ giữa chúng ta đặt trên cơ sở cùng chung thỏa thuận, cùng chung tham gia bảo vệ các quyền cơ bản và tự do. Qua Nghị quyết hôm nay, chúng ta gửi đi một thông điệp kiên quyết.

nhanquyen4

Dân biểu Marianne Vind (Đảng Xã hội, người Đan Mạch) phát biểu tại Quốc hội Châu Âu hôm 21/1/2021

Dân biểu Petras Austrevicius (Tân Đảng, người Lithuania) phát biểu :

Việt Nam đang nhanh chóng đổi mới kinh tế, nhưng cũng đồng thời vi phạm mọi lĩnh vực nhân quyền. Chúng ta đang nhìn thấy sự tăng cường đàn áp trên căn bản quyền dân sự và chính trị tại xứ sở này. Tự do báo chí bị truyền thông Nhà nước nghiến nát. Kiểm duyệt gia tăng, với Luật An ninh Mạng cho phép kiểm soát toàn bộ các nguồn truyền thông xã hội. Mọi phê phán chính quyền là hộ khẩu nhập tù. Phạm Chí Dũng báo động chúng ta những hứa hẹn hão huyền của Nhà cầm quyền Việt Nam cốt chiếm đoạt EVFTA của Liên Âu. Lẽ ra chúng ta phải nghe lời ông ấy. Nay Liên Âu phải sử dụng mọi công cụ để hậu thuẫn cho ba nhà báo này cùng với hàng trăm tù nhân khác chỉ vì họ hành xử theo lương tâm.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam tùy thuộc vào EVFTA. Nếu Nhà cầm quyền Việt Nam chỉ hiểu được thứ ngôn ngữ kinh tế vì lợi quyền, thì chúng ta hãy dựng lại hàng rào quan thuế đối với Việt Nam.

Dân biểu Sean Kelly (Đảng Bình dân Châu Âu, người Ái Nhĩ Lan) phát biểu :

Việt Nam là nước mỹ miều, nhân dân kỳ diệu. Nói chung là thế, nhưng chúng ta không thể im lặng khi tình trạng nhân quyền tồi tệ. Nhà cầm quyền Việt Nam phải biết tôn trọng từng mẩu pháp lý, trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế, liên quan tới bảo vệ và thăng tiến nhân quyền. Ba nhà báo bị tống giam chỉ vì họ ăn nói tự do. Tôi kêu gọi Liên Âu áp lực Việt Nam trả tự do tức khắc và không đều kiện cho họ.

Dân biểu Antonio-Isturiz White (Đảng Bình dân Châu Âu, người Tây Ban Nha) phát biểu :

Tình trạng nhân quyền Việt Nam sa sút là điều hiển nhiên. Điều ai cũng biết. Đảng Cộng sản cầm quyền từ nhiều năm nhưng có bao giờ được tự do bầu cử đâu, và họ cứ bắt bớ cho bằng thích bất cứ ai phê phán vi phạm nhân quyền. Tôi hy vọng tất cả các chính đảng ở Liên Âu cùng nhau làm áp lực cho sự thay đổi tại Việt Nam và chính quyền của họ chịu liên hệ doanh thương đúng cách với Liên Âu.

Nữ Dân biểu Maria Arena (Liên minh Xã hội & Dân chủ, Chủ tịch Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu) phát biểu :

Lời phát biểu của tôi không hướng tới Chế độ Cộng sản độc tài Việt Nam. Bởi vì tôi không tin họ muốn tôn trọng nhân quyền. Tôi muốn hướng lời phát biểu của tôi đến nền Dân chủ Châu Âu.

Ngày 12 tháng 2 năm 2020, Quốc hội này phê chuẩn Hiệp định EVFTA Liên Âu Việt Nam. Dù rằng chúng ta có tất cả những báo cáo từ những năm 2018, 2019, 2020 của các tổ chức nhân quyền như Ân Xá Quốc tế, Human Rights Watch, v.v… tố cáo các tội ác và những vi phạm các quyền cơ bản của người dân Việt. Báo cáo viên Uỷ ban Thượng mại quốc tế Liên Âu (INTA), Ông Bourgeois nắm giữ các hồ sơ này, ông cũng đã từng đến Việt Nam hồi ông còn làm Bộ trưởng trong Chính phủ Vương quốc Bỉ. Ông phải biết các sự trạng này chứ. Thế mà ông chẳng hề lên tiếng đề cập vấn đề Nhân quyền. Cũng chính ông Báo cáo viên này còn ca hót (hót chứ không phải hát, lời người dịch, xin người đọc quan tâm cho) rằng, nếu chúng ta nhận thấy những vi phạm nhân quyền trầm trọng và quy mô, chúng ta sẽ phải bỏ đi mọi ưu đãi thương mại cho Việt Nam. Vậy sao ? Nay tôi hướng tới ông Bourgeois và hướng tới Uỷ ban Liên Âu. Những vi phạm trầm trọng, vẫn còn hiện hữu đó, chúng đã hiện hữu và còn sẽ tiếp tục hiện hữu.

Cho nên, tôi yêu sách Liên Âu đình chỉ Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam.

Nữ Dân biểu Karin Karlsbro (Tân Đảng, người Thuỵ Điển) phát biểu :

EVFTA với Việt Nam là hiệp định đầy tham vọng của Liên Âu chưa từng ký với một quốc gia phát triển. Ngày chúng ta phê chuẩn hiệp định, chúng ta không chỉ trông chờ chuyện đôi bên cùng có lợi, mà còn mong mỏi cho cơ hội thăng tiến dân chủ và nhân quyền hiện ra. Nhưng tình trạng nhân quyền ngày nay tại Việt Nam không thể nào chấp nhận. Chúng ta yêu sách trả tự do tức khắc cho ba nhà báo và các tù nhân chính trị. Lúc này là lúc ra tay áp lực Việt Nam và sử dụng Hiệp định EVFTA như một diễn đàn hậu thuẫn xã hội dân sự. Khi chúng ta phê chuẩn EVFTA, chúng ta cũng từng kêu gọi Uỷ ban Châu Âu và Uỷ ban Đối ngoại Liên Âu nhanh chóng thực hiện tác động nhân quyền đã quy định trong hiệp định.

Dân biểu Paryk Jaki (Đảng Bình dân Châu Âu, người Ba Lan) phát biểu : 

Đây là cứu cánh của chủ nghĩa Cộng sản, luôn luôn như vậy. Việt Nam là ví dụ tiêu biểu nhất, vì chủ nghĩa Cộng sản là một ý thức hệ vi phạm tất cả luận lý và lẽ phải. Đã là Cộng sản thì phải bóp nghẹt tự do ngôn luận, vì tri thức cộng sản không thể chấp nhận tranh luận. Chúng ta đã thấy ba nhà báo bị kết án 15 năm tù, là điều không thể nào chấp nhận. Liên Âu phải mạnh mẽ bước tới chống kháng lối hành xử của Việt Nam. Chúng ta cũng phải quan tâm tới các công ty kỹ năng cao như Google hay Facebook đang hậu cho nỗ lực dẹp bỏ tự do ngôn luận của nhà cầm quyền Việt Nam.

Nữ Dân biểu Isabel Wiseler-Lima (Đảng Bình dân Châu Âu, người Luxembourg) phát biểu :

Cách đây một năm Liên Âu phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, nhiều quan ngại tha thiết trên phương diện nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có cam kết tôn trọng nhân quyền và luật lao động quốc tế hay không.

Do đó, chúng tôi đã bổ sung vào hiệp định việc thiết lập các cơ chế giám sát và khiếu nại độc lập để công dân có thể tiếp cận hiệu quả với nơi cầu trợ. Các cơ chế này vẫn chưa được thực hiện. Chúng tôi kêu gọi Ủy ban Châu Âu và Nhà cầm quyền Việt Nam thiết lập ngay các cơ chế này. Đặc biệt chúng tôi cảm thấy xúc phạm việc Phạm Chí Dũng bị giam tù, vì đã liên hệ với các Dân biểu Quốc hội Châu Âu trong bối cảnh tự do trao đổi và đầu tư. Quốc hội Châu Âu kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do tức khắc cho ông Dũng, cũng như các nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền khác đang bị cấm cố một cách bất công.

Dân biểu Pascal Durand (Tân Đảng, người Pháp) phát biểu với câu kết thúc đầy mỉa mai :

Giống như người đồng viện xuất chúng của tôi, Maria Arena, tôi chẳng muốn ngỏ lời với độc tài toàn trị Việt Nam. Tôi muốn nói với Uỷ ban Châu Âu, người canh gác các Hiệp định. Thế thì các hiệp định nói gì ? Điều 21 Hiệp ước Liên Âu viết rất rõ ràng : "Hành động của Liên Âu trên trường quốc tế đặt trên những nguyên tắc trước khi thành lập, nhắm vào mục tiêu thăng tiến dân chủ, nhà nước pháp quyền, nhân quyền phổ quát và bất khả phân cùng các tự do cơ bản trong toàn thế giới.

Vì vậy, thưa Bà Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu, xin hãy làm sao cho các nguyên tắc này được áp dụng và tôn trọng. Nếu không làm được, thì hãy vì lương thiện trí thức, mà thêm vào Hiệp ước một khoản, minh định rằng, các nguyên tắc trên sẽ huỷ bỏ, khi chúng làm đe dọa các thị trường, lợi tức, quyền lợi của Châu Âu.

Ỷ Lan

Nguồn : RFA, 22/01/2021

*************************

Thế giới cần áp dụng các chế tài với Việt Nam vì những đàn áp nhân quyền thời gian qua

Lập Quyền Dân, RFA, 18/01/2021

Các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 14/1/2021 ra thông cáo báo chí lên án chính quyền Việt Nam bỏ tù các nhà báo thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAV) chỉ vài tuần trước Đại hội 13 Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Thông cáo báo chí gọi hành động này của chính quyền Việt Nam là một cảnh báo ớn lạnh gửi đến các nhà bảo vệ nhân quyền và những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông.

nhanquyen5

Các nhà báo bị bắt gần đây từ phải sang: Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Lê Anh Hùng, Phạm Đoan Trang, Hồ Sỹ Quyết.

Những bản án "chào mừng" Đại hội

Ngày 14/1/2021, Giám đốc Tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền (DTD) [Defend the Defenders] Vũ Quốc Ngữ nói với BBC về những tổn thất nặng nề mà phong trào đấu tranh dân chủ và nhân quyền phải gánh chịu, khi các nhà hoạt động tiêu biểu như Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng đều bị bắt. Các tổ chức nhân quyền quốc tế nhận định rằng, 2020 là năm tình trạng nhân quyền của Việt Nam "tồi tệ hơn với các bản án nặng nề hơn", khi chính phủ Việt Nam bắt bớ và xét xử những nhà hoạt động dân chủ "cuối cùng".

Nhận định của ông Vũ Quốc Ngữ được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa công bố báo cáo thường niên 2020 dài hơn 700 trang về tình hình nhân quyền 100 nước trên thế giới. Việt Nam được dành trọn 5 trang. Trong đó, HRW mô tả Việt Nam "tiếp tục vi phạm một cách có hệ thống các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong 2020… Việc thắt chặt các hạn chế đối với quyền tự do ngôn luận dường như có liên quan đến Đại hội Đại biểu Toàn quốc ĐCSVN, dự kiến diễn ra cuối tháng 1/2021".

Càng gần đến ngày Đại hội (25/1 tới) chính quyền Việt Nam càng bắt giữ liên tục nhiều nhà báo, blogger, các nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền. Văn phòng Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) mới đây vừa bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc chính phủ Việt Nam gia tăng làn sóng đàn áp dựa trên "các điều luật được định nghĩa một cách mơ hồ".

Trong một cuộc họp báo tại Genève hôm 8/1/2021, phát ngôn viên Ravina Shamdasani của OHCHR nhận định : "Hiện đang có xu hướng đàn áp ngày càng gia tăng nhắm vào quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam". Phát ngôn viên OHCHR "nhấn mạnh đến việc nhiều nhà tranh đấu bị tạm giam bất hợp pháp trong thời gian dài trước khi xét xử". OHCHR cũng thường xuyên có các báo cáo "bày tỏ lo ngại về cách đối xử với họ trong trại giam", cũng như "đòi quyền được xét xử công bằng đối với họ mỗi khi bị xâm phạm". Phát ngôn viên của LHQ đặc biệt lưu ý đến tình trạng nhiều người đã phải nhận các bản án tù nhiều năm, sau khi bị kết tội chống lại an ninh quốc gia.

OHCHR nêu đích danh trường hợp của ba ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn. Ba nhà báo này vừa bị một tòa án tại Thành phố Hồ Chí Minh kết án ngày 5/1, vì tội "làm ra, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước" theo điều 117 Bộ luật Hình sự. Ông Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù và 3 năm quản chế. Các ông Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, mỗi người bị kết án 11 năm tù và ba năm quản chế.

Phát ngôn viên Shamdasani kêu gọi chính quyền Việt Nam sửa đổi các điều khoản liên quan của Bộ luật Hình sự để phù hợp với các nghĩa vụ của mình theo Công ước quốc tế mà Hà Nội đã ký kết. Theo phát ngôn viên LHQ, việc Việt Nam bắt giữ người tùy tiện, dựa trên các điều luật được định nghĩa mơ hồ như trên, là vi phạm điều 19 về Tự do Ngôn luận của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) cũng lên án bản án 37 năm tù dành cho ba lãnh đạo nói trên từ IJAV. Trả lời Đài RFI, ông Daniel Bastard, phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của RSF nhận định : "Các bản án được tuyên đối với các nhà báo của IJAV thực sự gây sốc. Cần biết rằng các thành viên này của hội từng là cựu quân nhân. Nhà nước Việt Nam buộc họ phải trả giá cho những phát biểu tự do và những chỉ trích ban lãnh đạo đảng vốn hoàn toàn xơ cứng".

Không chỉ các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu (EU) cũng đã lên tiếng về các bản án "khắc nghiệt" và kêu gọi trả tự do cho ba thành viên của IJAVN vừa bị chính quyền đưa ra xét xử. Trong thông cáo gửi cho VOA tối ngày 5/1, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết : "Chúng tôi rất thất vọng khi hay tin về những bản án khắc nghiệt do một tòa án ở Việt Nam xét xử đối với ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, trong đó có ông Phạm Chí Dũng, người sáng lập kiêm Chủ tịch của Hội". Cũng theo Bộ Ngoại giao Mỹ, những bản án khắc nghiệt này là biểu hiện mới nhất của xu hướng bắt giữ và kết án đáng lo ngại nhằm vào các công dân Việt Nam thực hiện các quyền được ghi trong Hiến pháp Việt Nam.

Đạo luật Magnitsky vẫn chưa tạo được áp lực

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định tiếp : "Tự do báo chí là nền tảng của sự minh bạch và quản trị có trách nhiệm. Các tác giả, blogger và nhà báo thường làm công việc của họ với rủi ro lớn, và chúng tôi kêu gọi các chính phủ và công dân trên toàn thế giới – bao gồm cả Chính phủ Việt Nam – phải bảo vệ họ". Còn EU thì mong muốn Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ba nhà báo vừa bị xử hôm 5/1, cũng như tất cả các nhà báo, blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù, vì đã bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa. EU cho biết họ sẽ tiếp tục theo dõi và làm việc với các cơ quan chức năng và tất cả các bên liên quan để cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.

Theo Tổ chức Bảo vệ Ký giả (CPJ), tính đến hiện nay đang có 15 nhà báo bị giam giữ tại Việt Nam. Nhiều nhà hoạt động vì các quyền tự do khác, như quyền tự do tín ngưỡng, đã bị bắt, tuyên phạt với các bản án khắt khe, phải chịu chế độ quấy rối có hệ thống, kể cả bị ép cung, tra tấn. Thống kê của các tổ chức theo dõi nhân quyền đều cho thấy tình trạng đàn áp khốc liệt trong năm qua. Tổ chức Ân xá Quốc tế trong báo công bố ngày 1/12, ghi nhận Việt Nam đang giam giữ ít nhất 170 tù nhân lương tâm (TNLT), con số kỷ lục kể từ khi Ân xá Quốc tế bắt đầu theo dõi tình trạng TNLT tại Việt Nam.

Theo DTD, con số TNLT hiện bị giam giữ thật ra còn cao hơn thế. Thống kê của tổ chức này cho rằng, ít nhất có 260 TNLT đang trong lao tù Việt Nam. Ông Vũ Quốc Ngữ trong một cuộc phỏng vấn với Nhật báo Người Việt vào ngày 27/12 cho biết, năm 2020, Đảng CSVN bắt giữ 31 nhà hoạt động, chưa kể 29 dân oan đấu tranh cho đất của họ ở xã Đồng Tâm.

Trước làn sóng "khủng bố trắng" nói trên, có 8 dân biểu Hoa Kỳ đã gửi thư đến Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin, từ văn phòng của Dân biểu Alan Lowenthal, vào ngày 18/12/2020. Đây là một bức thư đặc biệt. Trong đó, các dân biểu nêu rõ biện pháp trừng phạt đối với những quan chức Việt Nam bị cho là vi phạm quyền con người. Biện pháp đó là áp dụng Luật Magnitsly đối với 8 thành viên bị nêu tên của Công an tỉnh Hà Tĩnh.

Những người bị tố cáo đánh đập, tra tấn tù chính trị trẻ Nguyễn Văn Hóa gồm : Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Đại úy Nguyễn Văn Sáng, Trung úy Lê Anh Đức, Đại úy Trần Anh Đức, Đại tá Nguyễn Huy Chương, Thiếu tá Trương Quang Quốc, Thiếu úy Bùi Xuân Đạt, và Đại úy Nguyễn Đình Đức.

Lập Quyền Dân

Nguồn : RFA, 18/01/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương, Ỷ Lan, Lập Quyền Dân
Read 598 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)