Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/01/2021

Tổ chức xã hội mới không cần những con bò nhai lại Mác Lê cũ kỹ

Phạm Đình Bá

Chúng ta cần có tưởng tượng dồi dào để hình dung tương lai, để có thể làm việc để thực hiện xã hội tương lai. Trí tưởng tượng phân biệt giữa chúng ta, những người hướng về tương lai, thay vào những con bò nhai lại Mác Lê cũ kỹ.

macle1

Tôi là người xa quê hương nhưng quê hương thì luôn ở trong tôi. Thuở lớn lên được học lịch sử bốn ngàn năm văn hiến, quá trình cha ông chống ngoại xâm và ngăn chặn ảnh hưởng từ phương Bắc. Trước 1975, tôi nghe về quá trình sao chép học lóm từ Liên Xô của lãnh đạo đảng. Sau 1975, tội bị ép buộc phải học về những sao chép ngoại lai. Trước thềm năm mới, lại nghe lãnh đạo cũng chỉ sao chép lại những giáo điều cũ kỹ từ hơn 100 năm qua !

Cái gọi là lãnh đạo mà chỉ biết sao chép ý tưởng ngoại lai và cứ thế mà khẳng định trong hơn 70 năm là một điều thật tai hại cho dân cho nước. Khi thực tế khác với giáo điều thì phải nói láo để che đậy sự thật. Mức thiếu óc tưởng tượng và thiếu suy nghĩ khai phóng tạo dựng nên một xã hội mà căn bản là sự nói dối và lường gạt.

Những lãnh đạo kiểu Nguyễn Quang Thuấn lúc nào cũng sống hai mặt. Phần bề mặt thì là phó chủ tịch Hội Đồng Lý Luận trung ương Đảng, cựu chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, lúc nào cũng ăn mặc xuề xòa kiểu "cách mạng". Phần che dấu triền miên là đời sống hạt giống đỏ, chơi golf tiền tỉ, ăn tối với đồng bọn thì phải thuê ca sĩ, đi nước ngoài thì hàng không hạng cực sang, vợ chính vợ hai con chính con rơi trong xã hội mà đảng và nhà nước chỉ là công cụ bóc lột cho lãnh đạo.

Nhưng bài này không phải là về lãnh đạo hiện nay. Bài này là về những tinh hoa xã hội, những người khai phóng, những thế hệ trẻ đã và đang trải nghiệm thực tế quê nhà và đời sống trong xã hội nhân bản ở nước ngoài. Bài này là về những chuyển mình từ trong đảng, trong dân, trong nước và ngoài nước và những người trẻ dấn thân. Bài này là về khả năng học hỏi và tôn trọng sự thật. Bài này là về sự tưởng tượng dồi dào phong phú. Bài này là về ước mơ xây dựng xã hội mới. Bài này phác thảo căn bản xã hội mới.

Bài này viết cho ai ? Việc suy nghĩ, tưởng tượng và ước mơ tạo dựng xã hội mới không chắc thích hợp với những anh chị em phải lo kiếm sống trong cơ cực hàng ngày. Những bạn bè đó mà chúng ta có được thì cũng tốt nhưng không thiết yếu. Bài này tỏ tường với giới tinh hoa của xã hội hiện tại. Giới tinh hoa là những người có quyền lực, nắm giữ lượng tài sản, có đặc quyền, có quyền lực chính trị, hay có kỹ năng về nhiều ngành nghề trong xã hội hiện tại. Giới tinh hoa cũng bao gồm những người dấn thân với ước mơ làm đẹp xã hội trong tương lai.

Tôi ở xa nên hiểu không nhiều, chỉ xin nêu lên vài ví dụ nhỏ mà tôi học không đầy đủ về giới tinh hoa trong xã hội hiện nay. Những người tinh hoa có đặc quyền hay quyền lực chính trị thì ví dụ như ông Nguyễn Kiến Giang là hạt giống đỏ trở thành nhà lý luận dân chủ tiên phong. Đại tướng Võ Nguyên Giáp công khai cảnh báo về ảnh hưởng lan rộng của Trung Quốc và cái giá phải trả về môi trường cho công nghiệp hóa ở Việt Nam. Vì thế ông đã ba lần viết thư gửi quốc hội đề nghị không khai thác bauxite Tây Nguyên. Ông cũng không tán thành việc mở rộng thành phố Hà Nội ra Hà Tây và phá bỏ Hội trường Ba Đình lịch sử.

Những người tinh hoa nắm giữ nguồn tài nguyên lớn mà lên tiếng cho xã hội mới thì như trường hợp của ông Jack Ma ở Trung Quốc. Ông Jack Ma có một khối tài sản khổng lồ ở công ty Alibaba. Ông có thể im lặng và tận hưởng sự giàu có của mình nhưng ông đã lên tiếng về cách Đảng cộng sản quan tâm đến chế độ độc tài mà họ áp đặt hơn hẳn sự phát triển thị trường tài chính cho Trung Quốc. Ông bị "biến mất" một thời gian.

Giới tinh hoa có kỹ năng trong xã hội hiện tại thì tôi không được học hỏi nhiều. Chỉ xin chỉ ra một vài ví dụ. Tiến sĩ Nguyễn Quang A là doanh nhân, dịch giả, nhà nghiên cứu và nhà hoạt động xã hội. Anh Trần Huỳnh Duy Thức trở thành ngọn hải đăng cho lương tâm của quê hương bây giờ. Anh Nguyễn Anh Tuấn thủ khoa về quản lý công dấn thân để bênh vực dân oan, bảo vệ môi trường và làm đẹp xã hội. Anh Trần Huỳnh Duy Thức và tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng liệt vào lớp tinh hoa như ông Jack Ma vì họ đã từng có công ty và doanh nghiệp thành công.

Tôi có hiểu chút ít về hàng trăm ngàn tinh hoa dấn thân cho xã hội mới. Chỉ xin ghi vài tiêu biểu. Thứ nhất các hội viên của Hội Nhà Báo Độc Lập, đặc biệt là các anh Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn và Lê Anh Hùng. Tôi ngưỡng mộ chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Phạm Đoan Trang, các chị anh dấn thân bảo vệ dân oan chống cường quyền.

Tôi học hỏi từ tin tức các chị anh dấn thân bảo vệ môi trường và cây xanh, các anh chị dấn thân lên tiếng cho tù nhân lương tâm, các anh chị dấn thân chống Trung Quốc xâm lược và chính sách nhu nhược của đảng, các anh chị dùng luật để bảo vệ xã hội, các anh chị cố công xây dựng xã hội dân sự, những người nghĩ về hiến pháp mới, các bạn dấn thân bước đầu cho các nghiệp đoàn bảo vệ người lao động, những người suy nghĩ và làm việc hướng đến xã hội tốt hơn, cùng hàng trăm ngàn người dấn thân trong thầm lặng mà tôi không đủ sức để học hỏi về những quá trình làm việc và đóng góp cho xã hội của họ. 

Bài góp ý này nhận định rằng chuyển đổi sang xã hội nhân bản là cấp thiết vì những lý do sau đây. Đầu tiên là toàn dân cần tham gia để lên tiếng về vẹn toàn lãnh thổ và chống ngoại xâm từ phương Bắc. Đảng không chắc là đảm đương nổi việc này chỉ vì dính líu giữa đảng ta và đảng phương Bắc. Tôi nghe và nhìn cách đảng đối ứng với các cuộc biểu tình chống xâm lăng hiện nay để hiểu rằng nhắc đến đồng thuận xã hội như kiểu hội nghị Diên Hồng năm xưa là tạo giấc mộng kinh hoàng trong lãnh đạo đảng. 

Một xã hội đồng thuận với nền kinh tế cao, tham nhũng thấp, bất bình đẳng xã hội thấp sẽ chứng tỏ rằng Việt Nam là một đối trọng đáng gờm cho lãnh đạo đảng ở Trung Quốc. Việc này cấp thiết vì Việt Nam cần phát triển nhanh hơn Trung Quốc trong nhiều mặt mà Trung Quốc không làm được. Việc phát triển này không thể lãnh đạo bởi đảng vì đảng chỉ có sao chép từ đảng bên Trung Hoa. Giới tinh hoa là nền tảng cho đổi mới, ngay cả những nhân sự trong đảng cũng cần được hoan nghênh khi họ gia nhập trào lưu mới.

Thế thì vì sao lại suy nghĩ về một xã hội nhân bản ? Nhân bản là sự khẳng định tích cực rằng dân có thể tìm thấy từ bên trong chính họ những nguồn lực để sống tốt đẹp, giúp đỡ những người chung quanh và đóng góp cho xã hội. Nhân bản là sự khẳng định rằng các quyết định lớn nhỏ và nhất là quyết định xã hội cần phải được căn bản theo khoa học, và dữ kiện khoa học là yếu tố tất yếu để quản trị đất nước. 

Đất nước không thể vượt qua được mức tăng trưởng đang diễn ra ở Trung Hoa nếu đất nước không đạt được hiệu suất cao từ mọi người ở nơi làm việc, ở trường và ở nhà. Bí quyết để đạt được hiệu suất cao và sự hài lòng ở nơi làm việc, ở trường vào ở nhà là quyền quyết định cá nhân. Các quyền căn bản về con người như tự do suy nghĩ, tự do phát biểu, tự do lập hội, tự do tôn giáo, tự do làm báo, tự do đi lại, tự do chọn lựa người đại diện của mình, tự do bầu cử, tự do ứng cử là những nhu cầu sâu sắc của con người để định hướng cuộc sống của chính chúng ta, học hỏi và tạo ra những điều mới, và làm tốt hơn cho bản thân, thế giới nhỏ quanh chúng ta và đất nước. Đảng không muốn bạn nhắc đến các quyền căn bản nầy nhưng chúng là cần thiết để đổi mới đất nước.

Thế thì xã hội nhân bản là như thế nào ? Khi các vận động viên hay cầu thủ đá banh hình dung hoặc tưởng tượng về một cuộc thi đấu thành công, họ thực sự kích thích các vùng não tương tự như khi bạn thực hiện hành động đó. Hình dung trong thể thao hoặc hình ảnh tinh thần là một cách điều chỉnh cho não của bạn để đạt được kết quả thành công. Chúng ta cần có tưởng tượng dồi dào để hình dung tương lai, để có thể làm việc để thực hiện xã hội tương lai. Trí tưởng tượng phân biệt giữa chúng ta, những người hướng về tương lai, thay vào những con bò nhai lại Mác Lê cũ kỹ.

Một xã hội nhân bản là một xã hội cho phép tất cả các thành viên trong xã hội tiếp cận với nhiều loại hàng hóa cơ bản nhất. Hàng hóa cơ bản bao gồm giáo dục, y tế, quyền bầu cử, quyền sở hữu nhà đất và nói chung là tham gia đầy đủ nhất có thể vào các hình thức khác nhau của đời sống xã hội, văn hóa, kinh tế, công dân và chính trị. Một xã hội nhân bản tổ chức các quan hệ kinh tế xã hội, các quyền sở hữu tài sản và phân phối thu nhập và của cải theo cách để cho phép các thành viên kém thuận lợi nhất của mình được hưởng những điều kiện sống cao nhất có thể.

Chương trình thu nhập cơ bản chung – Xã hội mới là của mọi người và xã hội mới chia xẻ và trang trải để mọi người cùng sống đẹp và đóng góp cho xã hội. Chúng ta sẽ tạo dựng một chương trình thu nhập cơ bản chung (universal basic income), một chương trình của xã hội mới, trong đó mỗi người dân trưởng thành được nhận một khoản tiền nhất định một cách thường xuyên. Lấy thí dụ như khoảng 4,6 triệu đồng mỗi tháng (hay khoảng $200 đô la Mỹ mỗi tháng). Đây là số dự đoán sơ khởi và phải được xem xét lại về sau. 

Mục tiêu của chương trình thu nhập cơ bản chung là xóa đói giảm nghèo và thay thế các chương trình phúc lợi xã hội cồng kềnh khác dựa trên nhu cầu có khả năng đòi hỏi sự tham gia nhiều hơn của các bộ máy hành chính. Chúng ta sẽ tạo dựng xã hội mới mà "chị có rất nhiều, anh không lo cơm áo".

Các chương trình thu nhập cơ bản chung đã được thử nghiệm ở Phần Lan, Ontario Canada, Kenya và Stockton, California, Các chương trình này vẫn là một ý tưởng ngoài lề cho đến vài năm qua và các chính phủ hiện đang bắt đầu coi trọng nó hơn. Sự quan tâm đến ý tưởng này đã tăng lên sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và vì sự tán thành từ các chuyên gia công nghệ ở Thung lũng Silicon như Elon Musk.

Những người ủng hộ chương trình lập luận rằng người nghèo sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ các quỹ không hạn chế hơn là từ các hệ thống phúc lợi hiện tại, vốn có xu hướng yêu cầu nghiêm ngặt khiến người nhận thường bị mắc kẹt trong nghèo đói. Thu nhập cơ bản chung là mang lại cho mọi người tiền mặt mà không cần thắc mắc và tin tưởng rằng họ biết cách sử dụng nó theo cách hiệu quả nhất có thể. 

Chương trình thu nhập cơ bản chung sẽ là thử thách mới cho thế hệ và xã hội tương lại. Chương trình này sẽ đòi hỏi thay đổi lớn đến cách đánh thuế thu nhập từ toàn dân để có đủ tiền tài trợ chương trình. Xã hội tương lai có lợi điểm là lãnh đạo mới có thể kêu gọi sự đóng góp của người giàu trong nước và người ở ngoài nước để bắt đầu chương trình. Một số chương trình tương tự hiện đang được tài trợ từ tư nhân trên các vùng thử nghiệm trên thế giới, như ở Kenya. Một tiềm năng tiền lớn là lập nên một ủy ban điều tra thất thoát từ tiền tham nhũng bởi lãnh tụ đảng ở các ngân hàng thế giới và tịch thu ngoại tệ này để góp phần xây dựng chương trình thu nhập cơ bản chung. Với tài năng trong và ngoài nước cũng như vận động sâu rộng toàn thế giới, chúng ta sẽ dàn dựng chương trình nầy thành công.

Dịch vụ Y tế Quốc gia – Trong xã hội mới, mọi người dân không kể thu nhập đều được tự động hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng miễn phí thông qua Dịch vụ Y tế Quốc gia, bao gồm bệnh viện, bác sĩ, và chăm sóc sức khỏe tâm thần. Chính phủ sẽ trả tiền thuốc và các dụng cụ chữa trị cho công dân trên 60 tuổi. Ngân sách Dịch vụ Y tế Quốc gia sẽ được tài trợ chủ yếu thông qua việc đánh thuế chung. Một cơ quan chính phủ, Y tế Quốc Gia, giám sát và phân bổ ngân quỹ cho việc cung cấp dịch vụ chăm sóc ở cấp tỉnh. Chính phủ mới sẽ bàn thảo với tư nhân để tổ chức và triển khai Bảo Hiểm Bổ Sung Tự Nguyện để trang trải tiền thuốc và tiền về dụng cụ chữa bệnh cho những người dưới 60 tuổi vẫn còn đi làm. Chính phủ mới sẽ kêu gọi và huy động tài năng trong và ngoài nước để hoạch định và tài trợ chương trình dịch vụ y tế quốc gia.

Dịch vụ Giáo dục Quốc gia – Xã hội mới sẽ được đặt trên tiên đề thiết yếu là giáo dục nhất là giáo dục đại học là nền tảng cho sự phát triển kinh tế và văn hóa quốc gia. Chính phủ sẽ cung cấp miễn phí dịch vụ giáo dục đến cấp đại học. Những người trẻ dưới 18 tuổi bắt buộc phải hoàn thành cấp trung học mới có thể bắt đầu đi làm. Sinh viên đại học sẽ được tài trợ khỏi tiền học phí đại học. Họ sẽ được tài trợ nếu họ có đủ lý do để tham gia vào các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế và tài trợ để du học ở nước ngoài nếu các đại học giới thiệu triển vọng đóng góp của họ cho tương lai giáo dục của đất nước. Xã hội mới sẽ kêu gọi người trong và ngoài nước chung sức đào tạo nền tảng giáo dục nhân bản mới. 

Đại học sẽ tự do giảng dạy, tự do nghiên cứu và tự do thảo luận trong khung viên đại học. Các khung viên đại học sẽ hoàn toàn tự trị không trong vòng kiểm soát của bất cứ tổ chức nào khác trong xã hội. Xã hội mới sẽ vận động người Việt sinh sống ở nước ngoài đóng góp để giúp đỡ học sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh trong nước để nâng cao trình độ và kỹ năng của các tầng lớp giáo dục trong nước lên ngang hàng với trình độ và kỹ năng quốc tế.

Chia sẻ quyền lực trong các doanh nghiệp để đảm bảo bình đẳng thu nhập – Xã hội mới và lãnh đạo mới sẽ xem xét quyền sở hữu xã hội. Hệ thống chia sẻ quyền biểu quyết trong các công ty đã tồn tại ở Đức và Bắc Âu từ cuối những năm 1940. Đại diện của người lao động nắm giữ một nửa số ghế trong hội đồng quản trị trong các công ty Đức và một phần ba số ghế ở Thụy Điển (bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ trong trường hợp của Thụy Điển), bất kể họ sở hữu bất kỳ khoản vốn nào. Cái gọi là sự sắp xếp đồng quản lý là kết quả của những trận chiến cam go do các nghiệp đoàn và các đồng minh chính trị của nghiệp đoàn tiến hành.

Tất cả các bằng chứng hiện có cho thấy hoạt động đồng quản lý đã thành công. Nó đã khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của người lao động trong việc hình thành các chiến lược dài hạn của người sử dụng lao động và cân bằng lại sự tập trung ngắn hạn thường có hại của các cổ đông và lợi ích tài chính. Nó đã giúp các nước Đức và Bắc Âu phát triển một mô hình kinh tế và xã hội hiệu quả hơn và ít bất bình đẳng hơn các mô hình khác. Xã hội mới và các nhà lãnh đạo sẽ xem xét trao một nửa số ghế trong hội đồng quản trị ở tất cả các công ty tư nhân, dù lớn hay nhỏ, cho công nhân.

Chương trình tài sản thừa kế cho tất cả – Vào sinh nhật lần thứ hai mươi lăm của mình, những người trẻ sắp vào đời sẽ nhận được khoản thanh toán bằng tiền mặt trị giá tương đương với giá trị tài sản ròng trung bình của một người trưởng thành. Thí dụ một ước tính đầu là mọi người trẻ đến 25 tuổi sẽ nhận được 275 triệu đồng (hay là 12 ngàn tiền đô la Mỹ) để họ bắt đầu lập nghiệp. Mọi người đều thừa kế như thế bất chấp mức sống của gia đình họ. Tại sao xã hội mới lại lo nghĩ đến việc giúp đỡ những người mới lập nghiệp ?

Để giảm bất bình đẳng thu nhập trong xã hội, chương trình "tài sản thừa kế cho tất cả" được thiết kế để đảm bảo sự luân chuyển của cải và tài sản lan tỏa rộng hơn so với những xã hội trước đây. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự lan tỏa của cải và đặc biệt là sở hữu tài sản chưa bao giờ thực sự chạm đến dân với mức thu nhập thấp. Những người ở bản số dưới 50% thu nhập thấp này chỉ sở hữu khoảng 5% tổng lượng của cải trong hầu hết các quốc gia. 

Xã hội mới sẽ thiết kế chương trình đánh thuế đối với tài sản và cổ phiếu công ty để cung cấp đủ tiền để bắt đầu chương trình tài sản thừa kế cho mọi người. Điều này công bằng ở chỗ những người trẻ thuộc các gia đình nghèo có thể bắt đầu lập nghiệp với sự hỗ trợ tương tự như những người trẻ thuộc các gia đình giàu có. Xã hội mới cho rằng những người trẻ không thể lựa chọn gia đình nơi họ sinh ra và xã hội sẽ hành động để đảm bảo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người khi họ bước vào đời.

Tóm tắt – Trên đây là những góp ý để xây dựng xã hội nhân bản trong tương lai. Tôi viết thảo những điều này với mong ước rằng bạn sẽ trải qua một cái tết và năm mới vui vẻ, suy nghĩ chu đáo và bớt đi những ưu phiền trong tình hình đất nước hiện nay. Tôi hy vọng có thể bớt bận rộn cơm áo để viết chi tiết hơn các lượt trình trên trong các bài tới. Mong năm mới với những hy vọng và suy nghĩ mới !

Phạm Đình Bá

Nguồn : VNTB, 27/01/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Đình Bá
Read 397 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)