Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/01/2021

Những phát biểu vào dịp Đại hội 13

Nhiều tác giả

Nếu thực sự lắng nghe ý kiến nhân dân, đừng bỏ tù người phản biện ôn hòa !

Triệu Tử Long, VNTB, 28/01/2021

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nói rằng phải tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân : thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân, tăng cường phát huy khối đại đoàn kết, sức mạnh toàn dân tộc.

nghe1

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nới phải tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân

Báo chí tường thuật, sáng 26/1, tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã trình bày Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Báo cáo kiểm điểm đã khái quát, nêu rõ việc cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng ; về lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội ; về lãnh đạo công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại cũng như về lãnh đạo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Theo Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, những thiếu sót, khuyết điểm nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân quan trọng là do hoạt động, phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số lĩnh vực còn hạn chế ; chưa tập trung quyết liệt trong lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết ; trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong một số lĩnh vực, địa phương chưa rõ…

"Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin nghiêm túc tự phê bình trước Đại hội và toàn Đảng, toàn dân về những khuyết điểm, thiếu sót nêu trên" – Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, có đoạn viết như vậy.

Từ những khuyết điểm đó, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nêu 5 bài học kinh nghiệm được rút ra, trong đó phải tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân ; thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân, tăng cường phát huy khối đại đoàn kết, sức mạnh toàn dân tộc.

Cụ thể của bài học "thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân, tăng cường phát huy khối đại đoàn kết" là gì ?

Luật sư Trần Quốc Thuận, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, đặt vấn đề trong một hội luận trên BBC : Thế nào là tự do ngôn luận và thế nào là tự do báo chí ?

"Đọc ra thì đó là câu chuyện ấu trĩ tưởng ai cũng biết, nhưng rõ ràng vấn đề làm nó như thế nào ? Thế nào là tự do báo chí ? Tự do báo chí thì có tin người ta cứ đưa và người ta chịu trách nhiệm về nguồn tin đó. Ở Việt Nam thì không đơn giản. Đưa phải có định hướng, đưa phải có chỉ đạo. Tức là đưa mà trái ý, thì người đưa mà có thẩm quyền đi đứt trước" – luật sư Trần Quốc Thuận, bình luận.

"Hay tự do ngôn luận là có quyền lập diễn đàn phản biện lại ? Còn bây giờ như tôi biết là các tổ chức Mặt trận, các tổ chức đoàn thể có quyền là giám sát và phản biện. Nhưng sự giám sát và phản biện, người ta lại ngoáy vô cái chỗ là phản biện là phản biện những dự thảo văn bản của Đảng, của nhà nước, của luật pháp, như vậy thì gọi là góp ý, chứ sao gọi là phản biện được ? Sao lại xài chữ nghĩa như thế được ? Phản biện "dự thảo văn bản" – thì phản biện dự thảo văn bản là thế nào ? Từ ‘góp ý’ chứ làm sao gọi là ‘phản biện’ được ?

Có quyền phản biện những chủ trương mà đưa ra không thiết thực, thì người ta có quyền phản ứng, chống lại không ? Nhưng ở Việt Nam thì không được, làm cái đó coi chừng vi phạm pháp luật. Cho nên cái gọi là giám sát, phản biện cũng lững lờ. Còn giám sát là thông qua tổ chức Mặt trận Tổ quốc, chứ không có phản biện độc lập.

Nếu ai không đồng ý cái gì, lên tiếng độc lập, thì cái đó cũng là không an toàn mà phải qua hệ thống tổ chức, như vậy hệ thống tổ chức, họ lọc hết. Làm sao mà có thể phản biện trung thực được ?

Cho nên ở Việt Nam chữ nghĩa nó có, nhưng mà không có cơ chế đảm bảo thực hiện các quyền đó, không có cái luật như thế. Thì đó là điều cần phải đòi hỏi ở Việt Nam" – luật sư Trần Quốc Thuận biện giải từ thời gian trải nghiệm là Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam.

"Tôi nghĩ rằng nếu ông Trần Quốc Vượng không phải mị dân khi cho là phải thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân, tăng cường phát huy khối đại đoàn kết, thì nói một cách ngắn gọn là cần phải có báo chí tư nhân một cách minh bạch, rõ ràng.

Những nhà báo công dân như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn… cần được xem xét các bài báo của họ dưới góc nhìn dân sự, chấm dứt việc chính trị hóa các bài viết phản biện ôn hòa.

Và trên hết, phải có một sự kiểm soát bằng khung pháp luật chuẩn, để đảm bảo là người dân Việt Nam được hưởng một sản phẩm của tự do báo chí thực sự, qua đó sẽ là một kênh hữu hiệu giúp Đảng cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân, tăng cường phát huy khối đại đoàn kết dân tộc !" – một thành viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, kiến nghị.

Triệu Tử Long

Nguồn : VNTB, 28/01/2021

**********************

Kỳ tích sẽ được bắt đầu từ Hà Nội hay Sài Gòn ?

Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 28/01/2021

"Nhất định sẽ lập nên những kỳ tích phát triển mới". Ông Nguyễn Phú Trọng ‘đã đọc’ như vậy trong phần trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

nghe2

"Với một đảng cách mạng chân chính, trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín lãnh đạo như Đảng ta, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, chúng ta sẽ có một sức mạnh to lớn, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không thế lực nào ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước" – Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

"Lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước" như khẳng định của ông Nguyễn Phú Trọng, sẽ được bắt đầu từ địa phương nào : Hà Nội, Sài Gòn/Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, hay Quảng Ninh ?…

Theo bài báo đăng trên tờ VnExpress ngày 26/1, thì ông Nguyễn Thành Phong – chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đã chia sẻ với báo chí về phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ sắp tới, là : "Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế".

Nghị quyết 129/2020/QH14 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 tiếp tục xác định tỉ lệ % được giữ lại của 63 tỉnh thành, cho biết tỉ lệ điều tiết giữ lại của Hà Nội là 35%, và của Thành phố Hồ Chí Minh là 18% – đây là tỉ lệ thấp nhất thế giới. Như vậy nếu Việt Nam có được những kỳ tích mới như lời cam kết của ông Nguyễn Phú Trọng, thì đó phải là "Kỳ tích sông Sài Gòn – cú chuyển mình của nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa".

Thuật ngữ này được sử dụng theo cách mà người ta đã gọi "Kỳ tích sông Hán" (còn gọi là "Kỳ tích sông Hàn"), một thuật ngữ chỉ sự phát triển thần kỳ của kinh tế Hàn Quốc những năm 1960 – 1970. Một số tài liệu cho rằng "Kỳ tích sông Hán" xảy ra từ sau Chiến tranh Triều Tiên đầu những năm 1950 đến trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998.

"Kỳ tích sông Hán" bắt nguồn từ cụm từ "Kỳ tích của sông Rhine". "Kỳ tích của sông Rhine" chỉ việc Tây Đức phục hồi nhanh chóng sau Thế chiến II. Nội các Hàn Quốc lúc bấy giờ sử dụng cụm từ "Kỳ tích sông Hán" để nhấn mạnh sự phục hồi thần kỳ của đất nước sau chiến tranh. Và Hàn Quốc trở thành một cường quốc kinh tế, một trong bốn "con rồng" kinh tế Châu Á đầu thập niên 1990.

Kế hoạch kinh tế hiệu quả xuất phát từ nhu cầu thị trường kinh tế thế giới. Chỉ trong 10 năm, Hàn Quốc đã đạt được lượng xuất khẩu hàng hóa đủ để trả nợ nước ngoài. Những năm 1960, Seoul trở thành trung tâm sản xuất của Hàn Quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, Hàn Quốc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm 7,6%, liên tục trong 40 năm.

Giai đoạn giữa những năm 1980, tổng doanh thu từ 5 tập đoàn kinh tế lớn chiếm gần 66% GNP. Samsung và Huyndai lọt top 50 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Giai đoạn năm 1973 – 1996, tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt 11,2%.

Cuối năm 1995, Hàn Quốc đứng thứ 11 trong nhóm các nền kinh tế lớn trên thế giới. Cuối năm 2011, GDP của một người Hàn cao hơn cả mức trung bình của EU. Hiện nay, Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Á và thứ 11 trên thế giới. Và dẫn đầu về các ngành công nghiệp đóng tàu, sản xuất chất bán dẫn.

Nhiều thương hiệu Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyundai, Daewoo,… đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Hàn Quốc và trong ngành công nghiệp thế giới.

Cái khác biệt giữa Việt Nam – Hàn Quốc – Tây Đức, là chỉ mỗi Việt Nam được ‘gắn’ thêm phần "định hướng xã hội chủ nghĩa" vào kinh tế thị trường.

Một điểm khác biệt nữa là Việt Nam đơn nguyên chính trị, nên không có động lực trong cạnh tranh về quyền quản trị. Do đó chỉ cần một trong những định đề mà ông Nguyễn Phú Trọng đặt ra bị ‘vướng’ về yêu cầu "phải luôn", thì coi như kỳ tích sẽ vẫn chưa biết diện mạo thế nào.

Các định đề đó là "đảng cách mạng phải luôn chân chínhphải luôn trong sạchphải luôn vững mạnhphải luôn có đủ bản lĩnhphải luôn trí tuệphải luôn kinh nghiệmphải luôn uy tín lãnh đạo như Đảng".

Tất cả là một thách thức quản trị quốc gia ở khóa 13 của Đảng cộng sản Việt Nam. Thách thức này nếu so với Hàn Quốc, thì đúng là một nan đề, khi mà sau khi thoát khỏi chiến tranh, người Hàn Quốc đã bị thôi thúc bởi quan niệm rằng "Ta đang bị chậm trễ". Họ tin mình phải nỗ lực để bắt kịp các nước khác trên thế giới.

Còn Việt Nam, thì khác hẳn, đó là với sự anh minh của Đảng, dứt khoát sẽ lập nên kỳ tích…

Trần Dzạ Dzũng

Nguồn : VNTB, 28/01/2021

**********************

Tham nhũng tiếp tục ám ảnh Đại hội Đảng lần XIII

Tràng An, VNTB, 27/01/2021

Tham nhũng quyền lực vẫn ngấm ngầm ám ảnh các đoàn đại biểu Tỉnh ủy, Thành ủy các địa phương đang dự Đại hội Đảng lần thứ XIII.

nghe3

Chiều tối Chủ nhật 24/1, một số đại biểu nhận tin cựu bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc từ trần.

Sau khi Luật phòng chống tham nhũng 2005 có hiệu lực thi hành, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí năm 2006, ông Nguyễn Đình Lộc từng nói : "Có thể nhận thấy dạng tham nhũng liên quan đất đai là khá phổ biến ở các địa phương và đó cũng là những vấn đề bức xúc nhất đối với dân. Ngoài ra, còn những dạng tham nhũng khác như thanh tra, thi hành án đòi hối lộ, đút lót để có những quyền lợi nhất định.

Tham nhũng bây giờ không chừa lĩnh vực nào cả, có những lúc chúng ta tưởng "nó" chừa chỗ này, chỗ nọ, nhưng bây giờ có hết. Đơn cử hai lĩnh vực trước đây ít khi nói đến trong các vụ việc tham nhũng là y tế, giáo dục thì bây giờ đều đã xảy ra và rất phổ biến".

Tháng 1-2021, một số tòa soạn chọn đăng loạt bài "Đổi mới hệ thống chính trị Việt Nam", tác giả là Nhị Lê, cựu phó tổng biên tập tạp chí Cộng Sản. Loạt bài này viết để phục vụ tuyên truyền mang tính định hướng của Đại hội Đảng XIII.

Tác giả Nhị Lê đưa ra cảnh báo : "Nếu có đại họa nào làm Đảng băng hoại về chính trị và tổ chức, thể chế tan tành, thì lúc này, hơn hết lúc nào, đó chính là "giặc nội xâm" và nạn phân rã chính trị : tham nhũng quyền lực, "lợi ích nhóm", "sứ quân" cát cứ… Đảng đi tiên phong và nêu gương phòng, chống tham nhũng : tham nhũng vật chất, tham nhũng quyền lực và tham nhũng lòng tin ; phòng, chống nguy cơ đe dọa sự thống nhất của Đảng, làm Đảng phân rã : các nhóm lợi ích, nguy cơ về các "sứ quân" trong Đảng".

Như vậy, năm 2006, cựu bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nhận định "Tham nhũng bây giờ không chừa lĩnh vực nào cả", thì đến năm 2021, cựu phó tổng biên tập tạp chí Cộng sản Nhị Lê, nhấn thêm đang báo động về "tham nhũng quyền lực và tham nhũng niềm tin".

Từ hai ý kiến trên, có thể thấy rằng dường như chống tham nhũng ở Việt Nam lâu nay vẫn chỉ là các giải pháp tình thế.

Ông Nhị Lê đưa ra đề xuất cho việc chống "tham nhũng quyền lực – tham nhũng niềm tin" bằng, "Chỉnh đốn toàn diện đội ngũ đảng viên, bảo đảm chất lượng, "thà ít mà tốt". Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện Điều lệ Đảng, trong đó phát triển bộ tiêu chí về tư cách người đảng viên theo hướng : Toàn diện nhân cách, tinh hoa về định tính ; cụ thể về định lượng ; minh bạch về thực hiện và trách nhiệm trong giám sát, kiểm tra".

Cựu bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, từng có ý kiến thế này về liên quan "tham nhũng quyền lực – tham nhũng niềm tin", đó là câu chuyện trong một trao đổi với báo chí nhân Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ X :

"Theo tôi nhận thức, một trong những nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng chính là dân chủ hóa sự lãnh đạo của Đảng. Đương nhiên, muốn dân chủ hóa thì trước tiên chúng ta cũng phải thực hiện cho được điều Bác Hồ di chúc : "Trong Đảng phải thực hiện cho được dân chủ rộng rãi".

Chúng ta có thể thực hiện một bước mạnh hơn nữa là thăm dò ý kiến đảng viên về chức danh trong Đảng. Quyền quyết định vẫn là của Đại hội nhưng trên cơ sở thu thập ý kiến ; và qua đó, đo được sự tin cậy, tín nhiệm của đồng chí đó trong con mắt của hàng triệu đảng viên và nhân dân.

Khi nói đến dân chủ hóa trong Đảng, chúng ta phải nhớ Đảng ta là Đảng cầm quyền, là nói đến quyền lực Nhà nước và quyền lực đó là của nhân dân, quyền lực do nhân dân trao cho Đảng. Người trao quyền phải biết ai là người sẽ lãnh đạo mình, ai sẽ thay mặt mình nắm những vị trí chủ chốt trong bộ máy Nhà nước, trong các tổ chức của hệ thống chính trị".

Tuy nhiên với những tin tức tường thuật trên báo chí về Đại hội Đảng lần thứ XIII, cho thấy người dân chưa được hỏi ý kiến về danh sách những ứng viên ‘tứ trụ’. Và trên thực tế với các bản án tuyên nặng nề cho cáo buộc theo Điều 117, Điều 331 của Bộ luật Hình sự, khiến người dân hiểu rằng nên biết giữ mồm – miệng để có thể được ăn cái Tết Tân Sửu đoàn tụ bên gia đình.

Tràng An

Nguồn : VNTB, 27/01/2021

**************************

Cần ‘đổi mới’ hay ‘đổi đúng’ ?

Hà Nguyên, VNTB, 27/01/2021

Vấn đề của xứ sở không phải là ‘đổi mới’ mà là ‘đổi đúng’.

nghe4

Đó là ý kiến của luật sư Đặng Đình Mạnh nêu vào sáng ngày 25/1, ngày bắt đầu phiên họp trù bị của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Vậy, làm sao mà biết cái gì là đúng để mà đổi ?

"Điều gì thế giới đã vận dụng và đã phát huy hiệu quả là điều đúng. Mình có thể học hỏi để áp dụng. Miễn đừng buộc cả một dân tộc làm chuột bạch đi tìm điều vô tưởng" – luật sư Đặng Đình Mạnh, giải thích.

Luật sư Lương Vĩnh Kim nhìn khác : thế thì đã từng được coi là ‘đúng’ khi chọn theo mô hình Liên Xô thời thịnh hành, thắng thế. Sau đó mới ngớ người là nó chỉ đúng một thời thôi, trong một hoàn cảnh cụ thể thôi…

Luật sư Trần Thành góp chuyện ‘đúng’ – ‘sai’ bằng bài đồng dao "Thằng Bờm" : Các món tài sản đưa ra khoe, Phú ông phải dùng tới 4 âm tiết để chỉ rất trang trọng : "ba bò chín trâu", "ao sâu cá mè", "ba bè gỗ lim", "con chim đồi mồi". Với Bờm, mỗi món tài sản ấy lại chỉ cần gọi bằng một âm tiết cuối, lần lượt là : "trâu", "mè", "lim", "mồi". Thậm chí cho đến lần gạ đổi cuối cùng của Phú ông, Bờm không thèm trả lời nữa mà chỉ "cười".

Nếu ta hiểu Bờm đồng ý đổi quạt mo lấy nắm xôi, quả là oan cho Bờm quá.

Tương tự, nếu ai đó từng nghĩ rằng người đứng đầu Đảng vì quá thích món cháo của Mạnh Bà lúc qua cầu Nại Hà, nên giờ có phần ‘…’, thì rõ ràng đã… trật lất. Bởi chính trị chưa bao giờ là dễ hiểu, là dễ phân định ‘đúng – sai’ cho việc ‘đổi mới’ hay ‘đổi đúng’.

"Cái mới không hẳn sẽ mãi mãi mới. Có không ít cái mới rồi sẽ trở thành cũ khi nó bị thực tiễn vượt qua, hoặc bị những sáng tạo trong tương lai phủ định. Đó là lẽ thường tình, là quy luật của sự phát triển và cũng là kết quả tất yếu, tự nhiên của sự tự vận động trong bản thân cái mới. Đảng cần cập nhật cả chuyện đổi mới, cũng vì lẽ đó.

Đảng từng sai lầm khi nghĩ đã ‘thắng Mỹ’ trong nội chiến Bắc – Nam, thì hậu chiến cũng sẽ không ngại bất kỳ điều gì. Liên Xô sụp đổ. Khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ. Quốc gia được coi là anh em cùng khối cộng sản là Trung Quốc đã gây hấn và xâm chiếm các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam. Người anh em Bắc Kinh đã thôn tính luôn cả một số lãnh hải của Việt Nam.

Vậy thì cả ‘đổi mới’ lẫn ‘đối đúng’, có lẽ còn phụ thuộc vào ý thức hệ. Điều này, đến nay với các kiểu bản án nặng nề ngoài chục năm với những ai thích phản biện ‘bất đồng chính kiến’, nên sẽ chẳng mấy ai còn dám đưa ra những cái ‘mới’ hay ‘đúng’ để mà ‘đổi’ nữa cả !" – luật sư Cát Tường, góp chuyện.

Luật sư Cát Tường nhắc lại nội dung Nghị quyết hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa VI (8 – 1989) đã nhấn mạnh : "Chế độ chính trị của chúng ta là chế độ làm chủ của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng ; chúng ta không chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên chính trị, không để cho các tổ chức chống đối chủ nghĩa xã hội ra đời và hoạt động, không coi việc thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần là thực hiện chủ trương đa nguyên về kinh tế".

"Rõ ràng trong ý thức hệ không chấp nhận đa nguyên từ chính trị cho đến kinh tế, là một điều quá khích. Những nhà lãnh đạo nước ta đã nhấn mạnh quá mức vai trò của chính trị đối với kinh tế và các lĩnh vực của đời sống xã hội ; vi phạm quy luật kinh tế khách quan ; chưa đánh giá đúng vai trò của kinh tế trong quan hệ với chính trị ; nhận thức một cách đơn giản về tác động của chính trị đối với kinh tế ; chính trị can thiệp quá sâu vào các quá trình kinh tế – xã hội bằng hệ thống những mệnh lệnh hành chính, chủ quan của các cơ quan quản lý.

Theo cách nhìn nhận này, tôi đồng ý với luật sư Đặng Đình Mạnh, Điều gì thế giới đã vận dụng và đã phát huy hiệu quả là điều đúng. Mình có thể học hỏi để áp dụng" – luật sư Cát Tường kết chuyện.

Hà Nguyên

Nguồn : VNTB, 27/01/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Triệu Tử Long, Trần Dzạ Dzũng, Tràng An, Hà Nguyên
Read 482 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)